GIỚI THIỆU ĐẠO TRỜI ĐẤT VÀ CON NGƯỜI TRONG LUẬN NGỮ CỦA MỘT HỌC GIẢ TRUNG QUỐC PHẠM NGỌC HƯỜNG Viện Nghiên cứu Hán Nôm Xưa nay có rất nhiều học giả nghiên cứu về Tam tài. Tam tài là ba ngôi trọng yếu trong càn khôn vũ trụ, đó là: Thiên, Địa, Nhân, tức là Trời, Đất, Người. Con người đứng giữa trời đất, đầu đội Trời, chân đạp đất, cho nên lấy theo thứ tự là: Thiên, Nhân, Địa để phân biệt các phẩm trong Cửu phẩm Thần Tiên: Địa Thần, Nhân Thần, Thiên Thần, Địa Thánh, Nhân Thánh, Thiên Thánh, Địa Tiên, Nhân Tiên Thiên Tiên. Theo Nho giáo, con người là một Tiểu Thiên Địa, hay một tiểu vũ trụ, bởi vì trời đất có gì thì con người có nấy, nhưng thu nhỏ lại mà thôi. Như vậy, trời đất người tương đồng từng điểm, cho nên vũ trụ mà không có người thì vũ trụ không hoàn toàn, bởi vì vũ trụ là một đại hòa điệu của thiên địa nhân, nếu thiếu một yếu tố thì sự hòa điệu không còn nữa. Cái quan niệm ấy của Nho giáo gọi là: tam tài đồng nhất thể, hay nhất thể tam tài. Như thế, cái địa vị của con người trong trời đất rất quan trọng và cao cả, không thể thiếu được trong càn khôn vũ trụ. Chúng tôi xin trích dịch luận bàn về tam tài trong Luận ngữ của Khổng Tử. Đời Tống khai quốc, tể tướng Triệu Phổ đã từng tuyên bố rằng: Ông chỉ cần hiểu nửa sách Luận ngữ thôi là có thể cai trị được thiên hạ rồi. Có thể thấy Luận ngữ trong đời sống chính trị cũng như trong đời sống xã hội đã phát huy được tác dụng cực kỳ to lớn của nó và sự tôn sùng của người xưa đối với Luận ngữ. Gốc trị quốc của Luận ngữ đối với cuộc sống con người hiện đại, xã hội hiện đại của chúng ta hôm nay, vẫn còn ý nghĩa thực tế chăng? Mọi người cũng đừng cho rằng, Luận ngữ của đức Khổng Phu tử là một cái gì đó quá cao xa mà hiện tại chúng ta cần phải ngưỡng vọng nó. Chân lý của thế giới này, vĩnh viễn chỉ là cái chất phác, mộc mạc, giống như vầng thái dương mỗi ngày đều nhô lên từ phía đông, và cũng giống như chúng ta gieo hạt vào mùa xuân thì đến mùa thu sẽ được thu hoạch vậy. Điều mà Luận ngữ nói cho tất cả chúng ta mãi mãi là một điều rất đơn giản. Ý nghĩa chân thực của Luận ngữ chính là nói cho tất cả chúng ta biết làm thế nào để có một cuộc sống vui vẻ như tâm hồn chúng ta thường mong muốn. Nói một cách thực tế hơn, chính là Luận ngữ dạy cho chúng ta làm thế nào để trong cuộc sống hiện đại hôm nay có được một tâm hồn vui vẻ, lạc quan thích ứng với trật tự đời thường, tìm được mục tiêu cho bản thân. Nó chính là một bản ngữ lục mà hơn hai nghìn năm trăm năm trước, trong đời sống cũng như trong dạy học của Khổng Tử, đã từng chút, từng chút một được học trò của Ngài ghi chép lại. Để sau này tất cả những điều đã được ghi chép ấy lại được học trò của Ngài biên soạn chỉnh lý để thành Luận ngữ. Chúng ta sẽ cảm thấy rằng tính logic của Luận ngữ dường như chưa được chặt chẽ lắm, rất nhiều việc chỉ là những lời bàn ngắn ngủi mà rất ít những thiên dài đàm luận về việc đại sự. Dường như mỗi một câu nói được ghi chép lại đều rất giản đơn và ngắn gọn. Kỳ thực, 無言 (vô ngôn) cũng là một cách giáo dục. 子曰: “天何言哉? 四時行焉, 百物生焉. 天何言哉?” (論語 - 陽貨).Khổng Tử nói: “Trời có nói gì đâu, mà bốn mùa vẫn cứ vận hành (như thế), bách vật sinh trưởng, trời đâu cần phải nói gì?” (Luận ngữ - Dương Hóa). Đức Khổng Tử đã muốn nói với học trò của mình rằng: các con hãy xem, trời xanh ở trên cao kia, lặng lẽ không nói một lời, mà bốn mùa luân chuyển, vạn vật vẫn sinh sôi. Trời xanh đâu cần phải nói nữa đâu? Luận ngữ là muốn chuyển gửi một thái độ, một cuộc sống mộc mạc, giản dị và ấm áp. Chính đức Khổng Phu tử đã có những ảnh hưởng rất sâu sắc đến các học trò của ông. Như chúng ta đều đã biết, Ngài có đến ba nghìn học trò, trong đó có bảy mươi hai người hiền. Mỗi một người trong số họ đều là một hạt giống, đem thái độ, trí tuệ của cuộc sống đó để truyền bá rộng khắp. Chúng ta thường nói đức Khổng Phu tử là Thánh nhân. Thánh nhân là một người có ma lực, nhân cách tối cao, có năng lực hành động tối cao thể hiện trong chính cuộc sống của họ. Đối với Thần thánh, thì thần cơ bản là gần với trời, cũng giống như nhà thơ Lý Bạch, mà Thánh thì gần với đất, giống như nhà thơ Đỗ Phủ đời Đường. Đức Thánh Khổng Phu tử đã mang đến cho chúng ta niềm tin về sự sinh trưởng trên trái đất này, con người của Ngài được đầu thai từ trong chính cuộc sống tự nhiên của chúng ta chứ không phải từ trên trời cao rơi xuống. Thần thoại của Trung Quốc nói đến ông Bàn Cổ là người khai thiên lập địa, sáng tạo ra vũ trụ, khai thiên lập địa ở đây không phải giống như thần thoại của phương Tây đã nói đó là một sự đột biến, ví như nói cầm một chiếc rìu lớn “choang” một tiếng, bổ ra, và sau đó là sự xuất hiện của cái gọi là vạn vật trời đất, đó không phải là cảm xúc kể chuyện của người Trung Quốc. Người Trung Quốc có thói quen kể chuyện giống như trong miêu tả “Tam ngũ lịch kỷ”(2), quá trình kể chuyện là cả một thời gian dài thong dong, chậm rãi làm ta có thể hiểu và lĩnh ngộ được: “thuở trời đất còn hỗn độn như đàn gà con, có ông Bàn Cổ ở đó, một vạn tám nghìn tuổi. Trời đất mở ra, thanh dương là trời, trọc âm là đất. Ông Bàn Cổ ở trong đó, một ngày có 9 sự thay đổi, thần ở trên trời, thánh ở dưới đất. Trời mỗi ngày cao thêm 1 trượng, đất mỗi ngày dầy thêm một trượng, ông Bàn Cổ mỗi ngày dài thêm một trượng. Một vạn tám nghìn năm, trời càng ngày càng cao, đất càng ngày càng sâu, ông Bàn Cổ càng ngày càng dài.” Đó là lúc kể về buổi đầu thuở khai thiên lập địa, ông Bàn Cổ đã sống ở trong đó một vạn tám nghìn tuổi. Sau đó trời đất mở mang, nhưng nó không phải là một chỉnh thể để có thể đập “choang” một tiếng là đất từ trong đó nứt ra, mà nó chính là hai thể khí dần dần tách ra, khí của dương thanh bay lên gọi là trời, khí của trọc âm bay xuống gọi là đất. Đó cũng chưa phải là sự hoàn thành của việc khai thiên lập địa, sự trưởng thành đó chỉ vừa mới bắt đầu. Người Trung Quốc rất quan tâm chú ý đến sự biến đổi vạn vật. Ông Bàn Cổ ở giữa trời đất “nhất nhật cửu biến”, giống như một hài nhi vừa mới chào đời, mỗi ngày đều có sự thay đổi một cách kỳ diệu vậy. Sự thay đổi đó rốt cuộc cũng đạt đến một ngưỡng nhất định, gọi là “thần ở trên trời mà thánh ở dưới đất”. Kỳ thực lý tưởng và nhân cách của người Trung Quốc là khi đã có một bầu trời chủ nghĩa lý tưởng thì có thể tự do bay lượn, mà không cần phải thỏa hiệp với rất nhiều những trở ngại, quy tắc của thế giới hiện thực lại có năng lực để thoả sức vẫy vùng, có thể thực hiện được hoài bão ước mơ của mình. Con người có lý tưởng mà không có đất là con người mộng tưởng chủ nghĩa, chứ không phải là con người lý tưởng chủ nghĩa. Con người chỉ biết có đất mà không biết có trời là con người của chủ nghĩa thiết thực mà không phải là con người của chủ nghĩa hiện thực. Chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa hiện thực chính là trời và đất của chúng ta. Sự biến hóa của Bàn Cổ vẫn còn tiếp diễn, câu chuyện này vẫn còn được nối tiếp: sau buổi khai thiên lập địa, mỗi ngày trời cao thêm một trượng, mỗi ngày đất dày thêm một trượng, ông Bàn Cổ mỗi ngày dài thêm một trượng, cùng với trời và đất mỗi ngày đều trưởng thành. Như vậy lại qua một vạn tám nghìn năm, cuối cùng là trời thì cực cao mà đất thì cực sâu, ông Bàn Cổ thì dài vô tận”. Ý nghĩa của con người cùng với trời đất là giống nhau, trời đất và con người gọi là “tam tài”. Cho nên, từ đức Khổng Phu tử ta thấy con người đáng được tôn kính, đáng được coi trọng. Đọc Luận ngữ chúng ta sẽ phát hiện, Khổng Phu tử lúc dạy học trò rất ít khi đanh giọng nghiêm mặt, mà khi tranh luận cùng với học trò ngài thường dùng khẩu khí rất ôn hòa, dạy bảo khéo léo. Đó là thái độ trong dạy học của Khổng Phu tử, cũng là thái độ của Nho gia. Ngày nay chúng ta thường thấy một số thầy giáo thường chau mày nghiêm mặt, và thường chỉ trích học sinh của mình không nên thế này không nên thế nọ, đó là những người chưa được xem là thầy giáo chân chính. Một người thầy giáo tốt phải giống như đức Khổng Phu tử, từng lời, từng lời cặn kẽ giảng giải cho học trò thấu hiểu được mối quan hệ cùng sinh trưởng, cùng tồn tại phát triển của “Tam tài” trời đất và con người. Một thái độ, một ngữ khí thong dong không gấp gáp, một thái độ khiêm nhường như vậy, đó chính là lý tưởng nhân cách của người Trung Quốc. Nó không giống với người phương Tây, Trung Quốc tôn sùng cái đẹp đẽ của sự trang nghiêm, của tính cách ôn hòa và thuần hậu, Hình tượng của đức Khổng Phu tử trong Luận ngữ chính là sự hoá thân của lý tưởng thẩm mỹ như vậy. Ở hình tượng đó như ngưng tụ một sức mạnh to lớn được truyền ra ngoài từ trong nội tâm của ngài. Sức mạnh đó chính là điều mà sau này Mạnh Tử nói là ‘khí hạo nhiên’. Chỉ khi nào mà khí của trời đất ngưng tụ trong tâm của một con người, thì lúc đó nó mới có thể đủ để vững mạnh như vậy. Điều tinh tuý trong tư tưởng Luận ngữ chính là ở chỗ đã đem những tinh hoa của trời đất hòa vào trong nội tâm của con người, khiến trời đất và con người trở thành một chỉnh thể hoàn mỹ, sức mạnh của con người vì thế mà lớn mạnh vô cùng. Chúng ta hôm nay cũng thường hay nói rằng: Thiên thời địa lợi nhân hòa là cơ sở của quốc gia hưng vượng, của sự nghiệp thành công. Đó là điều gợi ý sâu xa của Luận ngữ đối với con người hiện đại chúng ta hôm nay. Chúng ta vĩnh viễn không nên quên đi trời và đất đã cho chúng ta sức mạnh như vậy. Cái gì gọi là trời người hợp một. Đó chính là sự hài hòa của con người trong tự nhiên. Chúng ta đã cố gắng xây dựng lên một xã hội hài hòa, vậy cái chân chính của sự hài hòa ở đây được gọi là gì? Nó không chỉ đơn thuần là sự hài hòa trong xóm làng, và cũng không phải đơn thuần là sự hài hòa giữa con người với con người mà ở đây nó còn bao gồm cả sự hài hòa, cùng nhau hạnh phúc, cùng nhau sinh sôi nảy nở của vạn vật trên trái đất. Con người đối với vạn vật tự nhiên, dường như có một sự kính sợ, một sự thuận ứng và một sự giao kết ngầm. Đó là sức mạnh mà mỗi chúng ta nếu có thể học hiểu được, đúc rút rèn luyện được, thì chúng ta có thể có được chí khí, hoài bão giống như đức Khổng Phu tử. Chúng ta có thể thấy, thái độ của đức Khổng Phu tử rất hòa nhã, mà nội tâm của ngài lại rất trang nghiêm. Vì trong đó chứa đựng một sức mạnh vô cùng to lớn, đó là sức mạnh về niềm tin. Khổng Phu tử đặc biệt chú trọng đến niềm tin. 子 贡 問 政. 子 曰: “足 食, 足 兵, 民 信 之 矣”. 子 贡 曰: “必 不得 已 而 去, 于 斯 三 者 何 先 ?. 曰: “去 兵”. 子 贡 曰: “必 不 得 已 而 去, 于 斯 二 者 何 先?”. 曰: “去 食. 子 古 皆 有 死, 民 無 信 不 立”. ( 論 語 – 顏 淵) Học trò Tử Cống của ngài hỏi rằng: “Một quốc gia nếu muốn an định, chính trị bình ổn thì cần phải có những điều kiện nào” (Luận ngữ - Tử Cống vấn chính). Khổng Tử trả lời rất giản đơn, chỉ có 3 điều: “Đủ binh, đủ lương thực ăn và dân tin là được rồi. Điều thứ nhất: một quốc gia mà vũ khí lớn mạnh, cần thiết phải có đủ binh lực để bảo vệ. Điều thứ hai: cần phải có đủ lương thực, thì muôn dân mới đủ cơm ăn áo mặc. Điều thứ ba: trăm họ phải có lòng tin đối với quốc gia”. Tử Cống nói ba điều này là quá nhiều, nếu cần thiết phải bỏ bớt đi một điều thì thầy sẽ chọn điều nào. Khổng Tử trả lời rằng: “bỏ binh. Chúng ta sẽ không cần vũ lực này để bảo vệ”. Tử Cống lại hỏi: “Nếu cần thiết phải bỏ đi điều nữa thì thầy sẽ bỏ đi cái gì nữa?” Khổng Tử nói: “bỏ lương. Chúng ta thà rằng không ăn cơm. Từ xưa đến nay ai cũng phải chết cả, dân không tin thì nước không đứng vững được”. Không có lương thực thì sẽ chết, từ xưa đến nay ai mà không chết chứ? Cho nên chết không phải là cái đáng sợ nhất. Mà cái đáng sợ nhất là sự sụp đổ tan rã của một quốc gia khi người dân đã mất đi lòng tin đối với quốc gia ấy. Cuộc sống hạnh phúc mang hình thái ý nghĩa vật chất, nó đưa ra được một chỉ tiêu, còn hạnh phúc chân chính chính là từ nội tâm phải cảm nhận được sự yên ổn và có thể chấp nhận được những điều mà chính quyền đó mang lại, điều đó xuất phát từ lòng tin. Đây cũng chính là lý luận chính trị mà Khổng Phu tử đã đưa ra. Ngài cho rằng sức mạnh của lòng tin đủ để một quốc gia vững mạnh. Ngày nay chúng ta cũng thường nói: để đánh giá cuộc sống nhân dân của mỗi quốc gia trong thế kỷ XXI có được tốt hay không, đã không phải là sự đánh giá tiêu chuẩn GNP (tổng sản phẩm quốc dân) đơn giản như trước kia nữa rồi, ngày nay còn cần phải xem GNH, chính là chỉ số hạnh phúc của mỗi người dân trong nước. Cũng chính là để đánh giá một quốc gia có thực sự vững mạnh, hưng vượng hay không, không chỉ đơn thuần xem tốc độ tăng trưởng và sản lượng tuyệt đối của tổng sản phẩm quốc dân, mà còn phải xem cảm nhận trong nội tâm của mỗi người dân - Họ có cảm giác an toàn chưa? Họ có hạnh phúc không? Có mãn nguyện với cuộc sống của mình chưa? Đất nước Trung Quốc thập niên 80 từng tham gia một cuộc điều tra quốc tế, các chỉ số hiển thị, lúc đó hạnh phúc của người dân Trung Quốc đạt khoảng 64%. Năm 1991 lại tham gia tiếp một cuộc điều tra nữa, chỉ số hạnh phúc tăng lên đạt khoảng 73%. Đó là nhờ vào việc nâng cao điều kiện cuộc sống vật chất và rất nhiều công cuộc cải cách đã được thực hiện. Nhưng đến năm 1996 lại tiếp tục tham gia một cuộc điều tra khác, phát hiện chỉ số hạnh phúc đã thụt xuống 68%. Việc này đã khiến người ta nghi hoặc rất nhiều. Nó chứng minh rằng, cho dù một xã hội vật chất văn minh cực đại phồn vinh, con người được thừa hưởng thành quả của nền văn minh ấy, thì vẫn có khả năng tồn tại một tâm trạng lúng túng cực kỳ phức tạp. Hãy để cho chúng ta quay trở lại hơn hai nghìn năm trăm trở về trước, xem xem ở trong một thời đại thiếu hụt về vật chất như vậy, những bậc thánh hiền đó sẽ như thế nào.Đức Khổng Phu tử thích nhất một học trò có tên là Nhan Hồi, Ngài đã từng nói quá lên về người học trò này như sau: “Hiền thay người Hồi. Cơm một giỏ, nước một bầu, ở nơi ngõ hẹp! Người khác hẳn không chịu nổi buồn phiền. Vẫn vui vẻ không hề thay đổi, hiền thay ngươi Hồi” (Luận ngữ - Ung dã). Tức là nói nhà của Nhan Hồi rất nghèo, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, ở trong một ngõ nhỏ tồi tàn rách rưới, cuộc sống gian khổ như vậy đối với người khác thật khó chấp nhận, nhưng Nhan Hồi lại sống rất vui vẻ. Có lẽ nhiều người sẽ nói rằng, cuộc sống chính là như vậy, những ngày cực khổ hay những ngày sung sướng đều sẽ qua đi, đâu có cách gì khác đâu? Nhan Hồi thật khiến người ta khâm phục, không phải là do ông có thể chấp nhận một cuộc sống gian khổ như vậy, mà chính là thái độ của ông đối với cuộc sống. Trong khi mà tất cả mọi người đều kêu than ai oán về một cuộc sống gian khổ như vậy, thì Nhan Hồi vẫn không thay đổi thái độ lạc quan của ông đối với cuộc sống. Chỉ có bậc hiền nhân chân chính, mới không bị cuộc sống vật chất hệ lụy tới, chỉ những người như vậy mới thủy chung giữ được cái tâm của mình một cách an ổn và điềm đạm. Hẳn nhiên không ai mong muốn mình có một cuộc sống khổ cực, nhưng nếu con người ta chỉ đơn thuần dựa vào cuộc sống vật chất thì đồng nghĩa sẽ không giải quyết được vấn đề của tâm hồn. Cuộc sống vật chất của chúng ta hôm nay đang ngày càng được nâng cao, nhưng lại cũng có rất nhiều người càng ngày càng không thỏa mãn. Vì họ luôn nhìn thấy xung quanh mình có sự phân cấp giàu nghèo, luôn còn những điều khiến bản thân họ không được cân bằng. Kỳ thực, thị lực của mỗi một người vốn có hai chức năng: Một là hướng ngoại để nhìn ra thế giới rộng lớn vô hạn, hai là hướng nội để khám phá nội tâm một cách sâu sắc vô cùng. Đôi mắt của chúng ta luôn luôn nhìn ra thế giới bên ngoài quá nhiều, mà nhìn vào trong tâm thì quá ít. Đức Khổng Phu tử đã dạy cho chúng ta bí quyết của hạnh phúc, đó chính là làm thế nào để tìm được sự an ổn trong nội tâm. Con người ai cũng hy vọng có một cuộc sống hạnh phúc vui vẻ, mà hạnh phúc vui vẻ chỉ là một cảm giác, nó không liên quan đến sự giàu nghèo, nó gắn liền với nội tâm của con người. Trong Luận ngữ, đức Khổng Phu tử nói cho học trò của mình biết nên làm thế nào để tìm được niềm vui trong cuộc sống. Tư tưởng đó được truyền bá đến hôm nay. Trong lịch sử đã có rất nhiều văn sĩ thi nhân nổi tiếng đều có ảnh hưởng rất lớn tư tưởng của ngài. Tử Cống từng hỏi thầy của mình: “Nghèo mà không xúc xiểm, giầu mà không kiêu ngạo, là người thế nào?. Giả như có một người rất bần tiện, nhưng họ không đi xúc xiểm người giầu, và có một người giầu có nhưng không tự cao tự đại lăng nhục người khác, thì là người thế nào?”. Ngài trả lời rằng: “Cũng được, nhưng vẫn còn chưa đủ. Vẫn còn một ngưỡng cao hơn nữa, đó là: nghèo mà vui vẻ, giàu mà chuộng lễ vậy”. Cái ngưỡng cao hơn mà đức Khổng Phu tử đã nói đó chính là một con người không chỉ vui với cảnh bần hàn, không chỉ không đi xúc xiểm nịnh bợ người khác, mà nội tâm của người đó còn có niềm vui thanh sạch. Cái niềm vui đó, cho dù cuộc sống có bần hàn thì cũng không thể mất đi được, cũng không vì phú quý để sinh ra kiêu ngạo, mà vẫn giữ được cái tâm vui vẻ, luôn giữ được lễ độ, nho nhã của người quân tử. Một người có thể không bị cuộc sống phú quý mê hoặc, lại có thể trong cuộc sống nghèo khổ vẫn giữ được niềm vui và sự tôn nghiêm làm người. Tư tưởng Nho gia đó được truyền bá rộng rãi, khiến cho lịch sử của chúng ta lại xuất hiện thêm nhiều quân tử có tâm như vậy. Thời Đông Tấn đại thi nhân Đào Uyên Minh chính là một trong số những người đó. Ông đã từng làm quan, nhưng vì một chuyện nhỏ mà ông xin từ quan về quê. Có người nói nói với ông: “Quan trên sai người kiểm tra công việc, ngài phải đai áo chỉnh tề ra gặp chứ”. Nếu như hôm nay, thì bạn cũng phải ăn mặc chỉnh tề, đeo cavát, cung kính đi gặp lãnh đạo. Đào Uyên Minh lại nói rằng: “Ta không muốn vì năm đấu gạo (là số lương của huyện lệnh) mà phải khom lưng trước bọn tiểu nhân đó”. Ý nói ông không muốn vì bổng lộc làm quan mà phải khom mình luồn cúi, thế là ông liền cởi ấn thụ trao cho tên nha lại và từ quan rồi lui về nhà. Khi trở về nhà ông có đem tâm tình của mình viết ra bài thơ “Quy khứ lai hề từ”(Về đi thôi). Ông nói: “Ta đã để tâm hồn cho thể xác sai khiến, thì sao còn ảo não, buồn khổ một mình mà làm chi?”. Tâm hồn của ông đã trở thành nô bộc cho thân thể rồi, ông không thể vì ăn ngon hơn một chút, ở được tốt hơn một chút mà phải khom lưng cúi đầu, tâm hồn của ông đã phải nhận quá nhiều oan khuất rồi, ông không muốn sống một cuộc sống như vậy. “Vui với đạo trời, biết mệnh người, còn có điều gì phải đi tìm nữa”, thế là ông về quê vui cảnh điền viên. Ý nghĩa của Đào Uyên Minh, không phải là cảnh điền viên để cấu thành nên tứ thơ huyền hoặc mà cái quan trọng là ông muốn để cho trong lòng mỗi người đều có được một cảnh điền viên vui sống. An bần lạc đạo, trong mắt của con người hiện đại chúng ta hôm nay vẫn nghĩ còn hơi hướng gì đó của người không có chí tiến thủ. Đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hôm nay, mỗi một người đều phải cố gắng phát huy sự nghiệp của bản thân, thu nhập bao nhiêu, chức vị cao thấp, dường như đã trở thành tiêu chí cho sự thành công hay không của một người rồi. Nhưng càng cạnh tranh khốc liệt bao nhiêu thì càng cần phải điều chỉnh tâm tưởng bấy nhiêu, hơn nữa còn cần điều chỉnh các mối quan hệ với người khác. Vậy thì, trong xã hội hiện đại hôm nay, chúng ta cần phải học cách làm người như thế nào? Lại nói đến Tử Cống, ông đã hỏi thầy của mình một vấn đề rất lớn lao rằng: “有一言而可以終身行之者乎?” (Chỉ cần một chữ mà suốt cuộc đời mình có thể làm theo nó không? Thầy có thể nói cho con biết đó là chữ gì để con suốt cuộc đời này thực hiện không?). Thầy đã trả lời rằng: “其恕乎!” (Đó là chữ Thứ), nếu mà có một chữ nào đó mà như ý con nói thì đó chính là chữ Thứ. Còn tại sao lại là chữ Thứ, ngài lại thêm vào 8 chữ nữa để giải thích, đó là “已所不欲, 勿施於 人” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân) (Điều gì mình không muốn thì chớ đem áp dụng với người). Chính là nói nếu bản thân mình không muốn làm việc gì đó, thì mình cũng đừng nên cưỡng ép người khác phải làm. Cuộc đời con người ta làm được điều đó là đủ rồi. Tại sao nói chỉ cần hiểu một nửa Luận ngữ thôi là có thể trị được thiên hạ? Có đôi khi chỉ cần học một chữ, hai chữ thôi là có thể đủ dùng cho cả một đời rồi.Đó mới là thánh nhân chân chính, sẽ không phải ghi nhớ quá nhiều, có lúc chỉ cần ghi nhớ kỹ một chữ là đủ rồi. Học trò của Khổng Tử là Tăng Tử cũng từng nói: “Đạo của Khổng Phu tử chỉ có trung thứ mà thôi”. Nói thầy giáo của chúng ta học vấn tinh hoa, chính là hai chữ “trung thứ”. Giản đơn mà nói, chính là hãy làm tốt cho bản thân mình và đồng thời phải nghĩ đến người khác. Nói rộng ra một chút, chữ Thứ chính là nói bạn không nên cưỡng ép người ta vào chỗ khó khăn, không nên làm tổn thương người khác. Ngoài ý đó ra thì cũng được hiểu là nếu người khác gây tổn thương cho bạn thì bạn cũng nên hết sức khoan dung độ lượng. Nhưng, chân chính để đạt đến khoan dung nói ra thì dễ. Có nhiều khi, có một sự việc đã qua rồi, mà chúng ta vẫn suy nghĩ khôn nguôi về nó, một sự việc tồi tệ như vậy sao ta lại có thể bỏ qua được chứ? Sau đó rồi không ngừng than thở, càng như thế sẽ càng làm bản thân tổn thương. Nhà Phật có một câu chuyện hết sức có ý nghĩa như sau: tiểu hòa thượng cùng lão hòa thượng xuống núi hóa duyên, đi đến bên bờ sông, gặp một cô gái đang buồn rầu không qua được sông. Lão hòa thượng nói với cô gái: Tôi cõng cô qua sông vậy! Nói xong liền cõng cô gái qua sông. Tiểu hòa thượng kinh ngạc không thốt được nên lời, nhưng cũng không dám hỏi. Cứ như thế lại đi thêm hai mươi dặm đường nữa, nhưng không thể nhịn được nữa liền hỏi lão hòa thượng rằng: Sư phụ à, chúng ta là người xuất gia, sao sư phụ lại có thể cõng một cô gái qua sông như thế? Lão hòa thượng điềm đạm nói: Con xem, ta chỉ có cõng cô ấy qua sông rồi bỏ xuống, còn con sao cõng đến 20 dặm rồi mà vẫn chưa bỏ xuống? Đạo lý của câu chuyện này kỳ thực cũng giống như đức Khổng Phu tử dạy cho tất cả mọi người, lúc nên bỏ xuống thì bỏ xuống, mình khoan dung đối với người khác, thực ra đó chính là đã giữ lại cho mình một tâm hồn thoải mái. Cái gọi là “Nhân giả bất ưu” (Người nhân thì không ưu lo) chính là làm cho hoài bão của bạn lớn vô cùng và mọi việc đều trở nên bé nhỏ. Trong cuộc sống, mỗi một con người đều có khả năng rơi vào cảnh khốn khó như thất nghiệp, hôn nhân tan vỡ, bạn bè lừa dối, người thân lìa xa…, đối với bạn nó là một việc lớn hay việc nhỏ, không có tiêu chuẩn khách quan nào để đo cả. Giống như việc bạn bị đứt tay, đó được xem là vết thương lớn hay nhỏ còn tùy thuộc vào đối tượng bị thương nữa, nếu bạn là một cô gái yểu điệu thục nữ thì có thể bạn sẽ cảm nhận cái đau một tuần, nhưng nếu bạn là một anh chàng cao to vạm vỡ, thì có khi từ lúc bị thương đến lúc lành vết thương bạn cũng chẳng biết nữa. Cho nên, tâm hồn của chúng ta rốt cuộc là một cô gái yểu điệu thục nữ hay là một chàng trai cao to vạm vỡ đó hoàn toàn có thể do bản thân mỗi chúng ta tự quyết định. Thực ra điều mà Luận ngữ nói với chúng ta không chỉ đơn thuần là khi gặp sự việc gì không những cần phải kịp thời xử lý mà còn phải dùng hết sức mình đi giúp đỡ những người cần được giúp đỡ, cái gọi là ‘Tặng người hoa hồng, tay còn lưu hương’, chính là nói cái đem cho còn làm cho chúng ta thấy thoải mái hạnh phúc hơn cái đạt được là vì vậy. Chúng ta đều biết, cái tinh túy nhất và điều mấu chốt trong lý thuyết nho gia, ngoài chữ Thứ ra, thì vẫn còn một chữ nữa, đó là chữ Nhân. Học trò của Khổng Tử là Phàn Trì đã từng rất cung kính hỏi thầy của mình cái gì được gọi là Nhân. Khổng Tử chỉ có trả lời bằng hai chữ: “愛人.” (ái nhân). Yêu người khác chính gọi là Nhân vậy. Phàn Trì lại hỏi: “Cái gì gọi là trí”. Ngài trả lời: “知人” (tri nhân). Hiểu được người khác chính gọi Trí vậy. Quan tâm yêu thương người khác thì gọi là nhân, hiểu được lòng người thì gọi là Trí, chỉ điều đơn giản như vậy thôi, vậy làm thế nào để là người có lòng nhân ái đây? Khổng Tử nói: “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân. Năng cận thủ thí, khả vị nhân chi phương dã dĩ” (Luận ngữ - Ung dã). (Người nhân là người muốn gây dựng điều gì cho mình cũng gây dựng cho người điều đó, muốn mình thông đạt ra sao cũng khiến người được thông đạt như vậy. Khéo lấy bản thân mình ra làm mục tiêu so sánh (để hiểu lòng người), khá gọi là phương pháp tốt để thực hiện điều nhân vậy). Bạn muốn đứng vững được, thì ngay lập tức cần nghĩ đến hãy để cho người khác có chỗ đứng vững, bạn muốn tự mình thực hiện lý tưởng của mình thì hãy nghĩ ngay đến cần phải giúp đỡ người khác thực hiện lý tưởng của mình. Có thể làm những việc nhỏ ngay bên cạnh mình làm đi, tiến cử mình với người, đó chính là cách làm của thực tiễn nhân nghĩa. Chúng ta còn nhớ trong giáo trình Anh ngữ bậc đại học, có một triết gia phương Tây viết một câu chuyện ngụ ngôn, nói rằng: Có một quốc vương mỗi ngày đều suy nghĩ về ba vấn đề triết học cuối cùng, đó là: Trên thế giới này, ai là người quan trọng nhất? Việc gì là quan trọng nhất và thời gian nào làm việc quan trọng nhất? Ba vấn đề này, các đại thần khi hội triều đều không ai có thể trả lời được. Nhà vua rất khổ tâm và buồn chán. Sau đó, vào một hôm, nhà vua mặc thường phục đi xem xét dân tình. Đi đến một nơi xa xôi hẻo lánh, vào ở nhờ trong nhà một ông lão không quen biết. Đến nửa đêm, nhà vua bị âm thanh huyên náo làm thức tỉnh, ngài phát hiện có một người toàn thân đầy máu xông vào nhà ông lão. Người đó nói: Đằng sau có người đang đuổi tôi. Ông lão nói: Vậy anh vào chỗ tôi đây tránh đi một chút đi. Nói rồi ông lão đem giấu người đó đi. Nhà vua thấy sợ hãi và không dám ngủ tiếp nữa, một lúc sau thấy quân binh đuổi đến nơi. Bọn quân binh đuổi theo hỏi ông lão: Có trông thấy một người chạy qua đây không? Ông lão trả lời: Không biết, trong nhà tôi không có ai khác cả. Bọn quân binh đi rồi, người bị đuổi bắt cũng đi ra, nói lời cảm ơn ông lão rồi đi.Ông lão đóng cửa lại và tiếp tục đi ngủ. Ngày hôm sau quốc vương hỏi ông lão: Ông sao dám giúp người đó? Ông không sợ bị rước họa vào thân à? Hơn nữa ông lại thả cho anh ta đi, sao ông không hỏi xem anh ta là ai hả? Ông lão rất điềm đạm trả lời nhà vua: Trên thế gian này, người quan trọng nhất là người mà trong mắt họ cần được bạn giúp đỡ, việc quan trọng nhất chính là việc cần phải đi làm ngay, thời gian quan trọng nhất đó là ngay chính lúc đó, một chút cũng không được kéo dài. Nhà vua bỗng nhiên tỉnh ngộ, ba vấn đề triết học ông suy nghĩ rất lâu mà không hiểu, nay chỉ trong chốc lát đã được giải quyết hết. Câu chuyện này, lại thêm lần nữa làm một lời chú giải cho Luận ngữ. Trên thực tế, Khổng Tử cũng đã đi xa, Trang Tử cũng đã đi xa, Đào Uyên Minh, Tô Đông Pha cho đến Thái Qua Nhĩ, ý nghĩa thánh hiền xưa nay là gì? Đó chính là những thể nghiệm từng trải trong cuộc sống của họ, tổng kết ra được những đạo đức, lý lẽ có ý nghĩa đối với mỗi chúng ta. Cái đạo lý này nó không giống như những điển tích cứng nhắc, mô phạm, nó làm cho chúng ta phải cầm đến kính phóng đại để lật qua lật lại trên Từ hải để đọc, cũng mất rất nhiều công lao sức lực để cả một đời đi tìm tòi lĩnh ngộ nó. Thánh hiền chân chính không thể chỉ là những câu chuyện về đồ vật, dụng cụ thô sơ, đơn giản, mà ở đây các học trò của Khổng Tửđã dùng kinh nghiệm của cả cuộc đời, vượt qua ngàn xanh để truyền bá đến hôm nay, để cho chúng ta vẫn cảm thấy cái ấm áp, mà họ ở trong nghìn thiên cổ trước im lặng mà mỉm cười, chú ý và trông chờ, xem chúng ta hôm nay vẫn đang tiếp thu những điều bổ ích từ trong những lời bàn xưa của họ. Chú thích: |