Giới Thiệu - Hội Nông Dân Tỉnh Bình Thuận
Có thể bạn quan tâm
GIỚI THIỆU
Tổng quan về Hội Nông dân Việt Nam
1. Sự ra đời của Nông Hội đỏ, tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay Vào đầu năm 1920, sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa của nông dân, thực dân Pháp tiến hành cướp đoạt gần 1 triệu ha ruộng đất của nông dân, địa chủ phong kiến chỉ với 2% dân số cả nước nhưng chiếm 51% ruộng đất canh tác. Nông dân chiếm trên 90% dân số nhưng chỉ có 36% ruộng đất, trong đó gần 60% số hộ không có ruộng đất. Phong trào đấu tranh chống cướp đoạt ruộng đất, sưu thuế tô tức nặng nề của nông dân còn mang tính tự phát và bước đầu có sự lãnh đạo của các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc Việt Nam Quốc dân Đảng. Trong đấu tranh, giai cấp nông dân được tôi luyện trưởng thành và xuất hiện những người con ưu tú, hình thành nhiều tổ chức như: Phường lợp nhà, Phường hiếu hỉ, Phường tương tế...để bảo vệ quyền lợi của nông dân. Cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Nông hội đã xuất hiện một số địa phương. Trong cuốn Đường Kách mệnh (1927), đồng chí Nguyễn Ái Quốc sớm đặt vấn đề nông dân Việt Nam muốn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột thì phải “tổ chức nhau lại”, tức là phải gia nhập Hội Nông dân. Đầu năm 1930,Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), trong Sách lược vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo, được Hội nghị hợp nhất thông qua ngày 3 tháng 2 năm 1930 đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''; Đồng thời, Đảng nhấn mạnh''Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng". Vì vậy, phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất. Cao trào cách mạng 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo của các Đảng bộ địa phương, các tổ chức Nông hội cấp cơ sở vẫn được hình thành ở Nam Kỳ, Trung Kỳ, đặc biệt là ở Nghệ Tĩnh. Nông dân cả nước đã vùng lên đấu tranh cùng với công nhân giành thắng lợi từng bước. Chỉ tính từ tháng 5 năm 1930 đến 1 tháng 10 năm 1930 cả nước có 53.000 hội viên nông hội. Trên cơ sở đó, Hội nghị lần thứ Nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 10 năm 1930 tại Hương Cảng đã thông qua bản Luận cương chính trị, Luận cương nêu rõ: “Dân cày là hạng người chiếm đại đa số ở đông Dương (hơn 90 phần trăm), họ là một động lực mạnh cho cách mạng tư sản dân quyền”. Luận cương vạch rõ: “Vấn đề thổ địa là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp có đứng đầu và cùng với quần chúng dân cày để tranh đấu và binh vực quyền lợi hằng ngày cho dân cày và để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để thì mới giành quyền lãnh đạo dân cày được”. Cùng với việc thông qua Luận cương chính trị, Hội nghị còn ra Nghị quyết về Tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, trong đó nêu rõ các quyết định quan trọng của Hội nghị, một trong các quyết định đó là “phải chỉnh đốn Nông hội lại cho có hệ thống theo điều lệ mới và dự bị việc tổ chức Đông Dương Tổng Nông hội”. Tại Hội quan trọng này đã ra Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương và thông qua Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương gồm 8 điều trong đó nêu rõ mục đích nhằm ''Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa''. Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương quy định: “Hễ Nông hội nào thừa nhận mục đích, điều lệ và chịu thi hành những án nghị quyết của Tổng Nông hội Đông Dương và nộp hội phí thì được nhận làm hội viên”. trong đó trọng tâm là xây dựng tổ chức Nông hội, cơ sở của Nông hội là làng. Tổ chức phải theo hệ thống dọc: từ tổng Tổng Nông hội, huyện Tổng Nông hội, tỉnh Tổng Nông hội, xứ Tổng Nông hội, đông Dương Tổng Nông hội . Cũng tại hội nghị này Điều lệ Nông hội làng được thông qua. Mục đích của Nông hội làng là đoàn kết hết thảy bần và trung nông trong làng, liên hiệp với nông dân và công nhân các nơi trong nước để đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bênh vực quyền lợi của nông dân và thực hiện cách mạng ruộng đất. Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặc dù về danh nghĩa Hội Nông dân Việt Nam vẫn chưa được thành lập, nhưng các tổ chức Nông hội vẫn tiếp tục hoạt động dưới hình thức tổ chức Nông hội đỏ, tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay. Các nghị quyết của Hội nghị tháng 10 năm 1930 được phổ biến sâu rộng; dựa vào Điều lệ Nông hội làng, các tổ chức Nông hội hoạt động chủ động, sáng tạo, tập hợp đông đảo lực lượng nông dân tham gia các phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân và tay sai của chúng. 2. Hội Nông dân Việt Nam và cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc (1930 – 1945) Ngày 20 tháng 3 năm 1931, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về vấn đề chỉnh đốn Nông hội đỏ, trong đó khẳng định vai trò to lớn của Nông hội trong cách mạng, giai cấp nông dân “là một lực lượng chính của cách mạng”. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Hai, tháng 3 năm 1931 nhấn mạnh: Cần phải đẩy mạnh việc tổ chức Nông hội làng, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, đồng thời chỉ rõ: trong điều kiện địch khủng bố trắng, nông dân cùng các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh, giương cao khẩu hiệu: chống sưu thuế, địa tô, chống nạn thất nghiệp, chống khủng bố trắng, chống cải lương lừa dối, chống chiến tranh…. Thực hiện Nghị quyết Trung ương Hai, các tổ chức Nông hội được củng cố và trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nông dân. Tháng 6 năm 1932 Trung ương Đảng đã khởi theo Chương trình hành động nhằm khôi phục nhanh chóng phong trào cách mạng, đồng thời đề ra phương hướng đấu tranh và những biện pháp cụ thể phù hợp với tình hình mới. Chủ trưng của Đảng nêu rõ: phải tận dụng mọi khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp để tổ chức đấu tranh và phát triển tổ chức bí mật (Nông hội). Trên cơ sở Chương trình hành động của Đảng, Chương trình hành động của Nông hội ra đời bao gồm 10 điểm. Tháng 3 năm 1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, đề ra đường lối chính trị và phương pháp tổ chức mới, tên của các tổ chức quần chúng đều được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Quyết định lấy tên Nông hội thay Nông hội đỏ. Nông dân có tổ chức chính là Nông hội, có thể tổ chức nhiều hội (nhưng nội dung là Nông hội); Hội tương tế, ái hữu, hợp tác xã, hội cấy, hội gặt, hội hiếu hỉ, hội góp họ, phường đi săn, hội chèo, nhóm học quốc ngữ...đã thu hút đông đảo nông dân đấu tranh giành quyền lợi của giai cấp mình. Chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng đã giúp cho Nông hội khắp nơi trong nước phát huy vai trò của mình trong việc tập hợp, lãnh đạo nông dân hợp lực với công nhân và nhân dân lao động đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Trong năm 1937, có hơn 150 cuộc đấu tranh của nông dân chống cướp ruộng đất, đòi chia ruộng công, giảm tô, tức, khất thuế...Từ tháng 1 đến tháng 11 năm 1938, có 125 cuộc đấu tranh của nông dân với 55.442 người tham gia. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám, tháng 5 năm 1941 khẳng định nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tạm gác nhiệm vụ cách mạng ruộng đất thay bằng khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc, việt gian chia cho dân cày nghèo, thực hiện giảm tô, giảm tức; thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); Mặt trận các đoàn thể lấy tên là Cứu quốc. ''Nông hội từ nay gọi là Việt Nam Nông dân cứu quốc hội, Việt Nam Nông dân cứu quốc hội là một bộ phận của Việt Nam độc lập đồng minh; thu nạp hết thảy nông dân đến cả hạng phú nông, địa chủ muốn tranh đấu đuổi Pháp - Nhật''. Điều lệ Việt Nam Nông dân cứu quốc được Hội nghị tháng 5 năm 1941 thông qua gồm 11 điều. Mục đích liên hiệp hết thảy các hạng nông dân yêu nước để binh vực quyền lợi hàng ngày cho nông dân và cùng với các đoàn thể khác chuẩn bị đánh Pháp đuổi Nhật giành quyền độc lập lại cho nước Việt Nam. Hội lấy làng, ấp làm cơ sở…có Ban chấp hành hội chỉ huy, làng, tổng, tỉnh, xứ, toàn quốc đều phải cử ra Ban chấp hành, ở cấp bộ nào phải cử đại biểu để thành lập Uỷ ban Việt Minh ở cấp ấy. Từ đầu năm 1941, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nông dân các dân tộc Cao Bằng đã tổ chức những đoàn thể cứu quốc đầu tiên. Sau đó, nông dân từ miền ngược đến miền xuôi nô nức tham gia vào các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh. Nông dân cứu quốc hội, là lực lượng to lớn của Mặt trận Việt Minh, đồng thời nông dân còn chiếm đại đa số trong hầu hết các tổ chức cứu quốc ở nông thôn như: thanh niên, phụ nữ ...tạo nên một lực lượng chính trị rộng lớn, áp đảo kẻ thù. Các tổ chức nông dân cùng với công nhân đã trở thành ''xương sống'' của Mặt trận. Từ các bản làng heo hút ở vùng rừng núi Việt Bắc đại ngàn xuống đến vùng châu thổ sông Hồng hay trong các thôn xóm của Trung kỳ, Nam kỳ, các đội tự vệ cứu quốc mà lực lượng chủ yếu là thanh niên nông dân ưu tú đã lần lượt ra đời làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh của quần chúng. Năm 1941 - 1942, dưới sự lãnh đạo của Nông hội, nông dân đã đấu tranh chống thu thóc, chống nhổ lúa trồng đay, nhổ ngô trồng thầu dầu...Từ năm 1943, với khẩu hiệu ''Đoàn kết toàn dân đánh đuổi Nhật - Pháp''. Nông hội đã đưa nông dân tham gia vào các phong trào sôi nổi với những hình thức như biểu tình chống Nhật, vũ trang đánh Nhật…Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), phong trào ''Phá kho thóc Nhật giải quyết nạn đói'' đã lôi cuốn hàng triệu nông dân vùng lên đấu tranh trực diện với kẻ thù. Qua phong trào đấu tranh các tổ chức cứu quốc của nông dân càng phát triển mạnh mẽ, góp sức vào làn sóng khởi nghĩa từng phần đang nổi lên cuồn cuộn trong cả nước, làm tan rã từng mảng chính quyền cơ sở của phát xít, tay sai, tạo nên khí thế cách mạng sôi sục, đưa cả nước hừng hực bước vào cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 thành công. Thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng thời, là một thắng lợi của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với các tổ chức của giai cấp nông dân, thể hiện sự gắn bó giữa Đảng với nông dân, nông dân với Đảng. 3. Giai cấp nông dân Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước (1945 - 1975). Trong điều kiện chiến tranh ngày càng lan rộng với mức độ gay go ác liệt hơn, nhiệm vụ kháng chiến càng đòi hỏi phải động viên toàn thể nông dân tham gia trên tất cả các mặt trận. Đảng và Nhà nước ta chủ trương thành lập Ban Nông vận Trung ương, kiện toàn tổ chức ở cấp Trung ương. Ngày 06 tháng 8 năm 1949, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 02 – NQ/TW về việc thành lập Ban Nông vận Trung ương, gồm 6 đồng chí: Hồ Viết Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban, Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Mạnh Hồng, Phạm Xuân Di, Trương Việt Hùng, Trần Đào. Trụ sở đầu tiên của Ban Nông vận Trung ương đóng tại Bản Lá (Roòng Khoa), xã Điềm Mặc, (Định Hóa - Thái Nguyên) sau chuyển sang thôn Tân Lập, xã Tân Trào, (Sơn Dương- Tuyên Quang). Với nhiệm vụ của Ban Nông vận Trung ương là vận độngnông dân: tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc, nuôi dưỡng bộ đội, xây dựng hợp tácxã, hoàn thành giảm tô, thực hiện giảm tức, đào tạo cán bộ và thanh toán nạn mùchữ. Thực hiện chủ trương trên Ban Nông vận Trung ương đã tổ chức Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất họp từ ngày 28 tháng 11 đến ngày 07 tháng 12 năm 1949 tại thôn Phong Vân, xã Tân Tiến,(Yên Sơn - Tuyên Quang). Dự Hội nghị có đông đảo cán bộ đại diện cho tổ chức Hội Nông dân ba miền Bắc, Trung, Nam. Hội nghị đã tập trung kiểm điểm, đánh giá ưu, khuyết điểm của tổ chức Hội, phong trào nông dân, đặc biệt là đánh giá vai trò của tổ chức và hoạt động của phong trào nông dân từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong thư gửi Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí, vai trò và tiềm lực lớn lao của giai cấp nông dân cả nước trong đấu tranh giành chính quyền và sự nghiệp kháng chiến. Hội nghị đã nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau đổi tên là Ban Liên lạc Nông dân toàn quốc). Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân có một tổ chức Hội ở cấp Trung ương, đáp ứng nguyện vọng của nông dân cả nước. Ngày 16 tháng 4 năm 1951 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 09 – NQ/TW về “Thành lập các ban và tiểu ban giúp việc”, trong đó có Tiểu ban Nông vận gồm có 8 đồng chí: Hồ Viết Thắng (Trưởng ban), Trương Việt Hùng, Nguyễn Hữu Thái, Trần Đức Thịnh, Phạm Xuân Dy, Nguyễn Mạnh Hồng, Nguyễn Ca, Trần Đào. Phong trào nông dân từ sau Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất có bước phát triển mới, toàn diện và rất mạnh mẽ. Để tiếp tục đánh giá phong trào nông dân và tổ chức Hội Nông dân. Ban Liên lạc nông dân toàn quốc quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ Hai (tháng 5/1951) tại thôn Quắc, xã Bình Nhân (Chiêm Hoá - Tuyên Quang). Dự Hội nghị có hơn 100 đại biểu đại diện cho giai cấp nông dân cả nước. Hội nghị đánh giá phong trào nông dân, hoạt động của tổ chức Hội và quán triệt nhiệm vụ Hội Nông dân trước yêu cầu nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới toàn thắng. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tới dự và phát biểu trước Hội nghị. Đồng chí Tổng Bí thư dành nhiều thời gian nói về Chính cương của Đảng, quan điểm của Đảng đối với nông dân và chính sách ruộng đất. Hội nghị đã tập trung quán triệt những nhiệm vụ mới của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào nông dân và xây dựng tổ chức Hội đáp ứng với những yêu cầu trước mắt. Ở miền Bắc Với tinh thần ''Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng'', nông dân đã hăng hái tham gia "Phong trào thi đua ái quốc sản xuất lập công đề cao chiến sĩ'' do Đảng và Chính phủ phát động. Các cấp Hội nông dân đã tập trung vận động thực hiện các phong trào, như: xây dựng “Cánh đồng 5 tấn”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phong trào thanh niên nông thôn lên đương tòng quân giết giặc, bảo vệ Tổ quốc… Hội Nông dân trong các vùng địch tạm chiếm đã tiến hành nhiều hình thức đấu tranh như bám ruộng đất, làng xóm để sản xuất; lênán hành động bắn phá, đốt hoa màu của địch; tranh thủ sản xuất, thu hoạch và cất dấu lương thực, thực phẩm ở vùng địch hậu trong cả nước để đảm bảo được nhu cầu của nhân dân mà còn đóng góp cho Nhà nước, phục vụ sự nghiệp kháng chiến. Phong trào cách mạng của giai cấp nông dân và Hội Nông dân đã đóng góp phần quan trọng vào thắng lợi của các chiến dịch. Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ và thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương mở ra một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam. Hoà bình được lập lại ở Đông Dương, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam Được đế quốc Mỹ giúp sức, chính quyền Ngô Đình Diệm đã trắng trợn vi phạm Hiệp định Giơnevơ và tập trung sức củng cố bộ máy thống trị phản động. đẩy mạnh việc xây dựng quân đội ngụy làm lực lượng xung kích chống cộng và đàn áp nhân dân. Thực hiện chủ trương chuyển hướng đấu tranh của Đảng và Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng ở nông thôn miền Nam, Nông hội vừa tích cực tổ chức, vận động nông dân chuẩn bị đấu tranh lâu dài, vừa khẩn trương tranh thủ thời gian trước khi bàn giao các địa bàn cho đối phương để củng cố sản xuất, ổn định đời sống. Nam Bộ và khu V tiếp tục đẩy mạnh việc chia cấp ruộng đất cho nông thôn nâng tổng số ruộng đất chia cho đồng bào lên 750.000ha cho 1.299.000hộ nông dân. Phong trào đấu tranh chính trị của nông dân miền Nam diễn ra hết sức mạnh mẽ, quyết liệt. Các làng, xã chiến đấu được hình thành và phát triển. Ngày 20/12/1960, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam đã họp tại căn cứ Tây Ninh, tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập và là thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của Hội là một mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của tổ chức nông dân, mà trên thực tế hàng ngàn cơ sở Nông hội cứu quốc ở các khu, tỉnh, huyện, xã đã được phục hồi trong thời gian Đồng khởi. Tháng 7 năm 1965 Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam đã ban hành dự thảo Điều lệ hoạt động của Hội nhằm tiếp tục mở rộng hoạt động của các cấp Hội cơ sở, phát triển hội viên và động viên nông dân phát huy vai trò tích cực của mình trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tháng 1 năm 1969, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiến hành Đại hội nhằm tổng kết phong trào đấu tranh của nông dân trong tám năm, đồng thời quán triệt yêu cầu và nhiệm vụ mới của nông dân trong đấu tranh chống kế hoạch ''Bình định cấp tốc'' của địch. Đại hội đã biểu dương những thành tích to lớn của nông dân miền Nam trong việc phát triển thế trận chiến tranh du kích, đánh địch, bảo vệ vùng giải phóng, vùng căn cứ và là lực lượng chủ yếu trên mặt trận sản xuất, bảo đảm đời sống và cung cấp hậu cần cho bộ đội. Hội tập trung vận động, tuyên truyền nông dân thực hiện đúng đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng. Thực hiện chủ trương của Đảng, lấy địa bàn nông thôn làm hướng tiến công chính, đánh mạnh vào kế hoạch “Bình định cấp tốc” của địch, giữ đất, giành dân, Hội Nông dân đã chủ động giáo dục hội viên khắc phục tư tưởng nôn nóng, thoát ly thực tế muốn thắng nhanh, đồng thời vạch rõ nhiệm vụ quan trọng nhất ở nông thôn là phải ''giành dân, giành đất, phát triển thế và lực của ta". Nông dân liên tục nổi dậy phá rã, phá banh nhiều khu dồn dân, phá thế kìm kẹp, giành quyền làm chủ trên nhiều địa bàn quan trọng. Vùng giải phóng đã mở rộng tới sát Sài Gòn.Ở đồng bằng Nam Bộ, nông dân nổi dậy mở thêm nhiều vùng, nhiều lõm giải phóng, nối các vùng giải phóng thành thế liên hoàn liên xã, liên huyện. Thắng lợi của phong trào nông dân nổi dậy và cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972 đã làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh ở miền Nam và tiến tới "Tổng tấn công" mùa Xuân năm 1975 giành trọn vẹn thắng lợi, đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà. Từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Nông hội đã phát triển đều khắp, đã tích cực vận động nông dân thi hành chính sách của Đảng và Nhà nước ở nông thôn, góp phần đẩy mạnh phong trào thủy lợi, phát triển sản xuất, làm nghĩa vụ đối với Nhà nước, tăng cường đoàn kết trong nông dân, xây dựng chính quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn. Tuy vậy, công tác Nông hội chưa có chuyển biến mạnh mẽ gắn liền với nhiệm vụ cải tạo và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Các cấp ủy chưa chú trọng xây dựng tổ chức Nông hội và chưa chỉ đạo thật chặt chẽ công tác Nông hội. Thực hiện Nghị quyết Đại hội IV của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ Hai (khóa IV) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 12 tháng 12 năm 1977, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 24 – CT/TW về việc tăng cường công tác Nông hội ở các tỉnh miền Nam. 4. Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong sự nghiệp cách mạng và tiến tới Đại hội đại biểu nông dân toàn quốc. Ngày 25 tháng 6 năm 1977, Ban Bí thư ra Thông báo số 16 – TB/TW về việc thành lập Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương. Ngày 25 tháng 6 năm 1979, Ban Bí thư quyết định tách Ban trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương (nằm trong Ban Nông nghiệp Trung ương) thành một cơ quan thuộc hệ thống các đoàn thể quần chúng và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư. Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương (thực chất là một bộ phận của Ban Nông nghiệp Trung ương, do Ban Nông nghiệp chỉ đạo) nay lập thành một cơ quan độc lập có nhiệm vụ vừa thường xuyên chỉ đạo phong trào thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Đảng, vừa giúp Ban Bí thư chuẩn bị Đại hội nông dân toàn quốc. Ban Bí thư chỉ định 3 đồng chí: Ngô Duy Đông (Trưởng ban), 2 đồng chí: Nguyễn Thành Thơ, Nguyễn Công Huế (Phó ban), đồng chí Lê Du là Ủy viên. Ngày 27 tháng 9 năm 1979, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 78 – CT/TƯ về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đoàn kết nông dân lao động, đưa nông thôn nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân lao động trong cả nước, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Chỉ thị khẳng định Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng rãi của nông dân lao động trong cả nước, Hội có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết nông dân để giáo dục, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp miền Nam, đưa nông thôn tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hội kết nạp tất cả nông dân hăng hái phấn đấu vào con đường làm ăn tập thể xã hội chủ nghĩa, theo nguyện tắc tự nguyện. Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam được thành lập có ý nghĩa chính trị to lớn. Sau nhiều năm không có tổ chức Hội (ở miền Bắc) nay giai cấp nông dân cả nước có tổ chức thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nông nghiệp nước ta chưa có những chuyển biến tích cực. Mô hình hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian qua nay không còn phù hợp. Những hạn chế của nó đã dẫn đến những biểu hiện suy thoái trong phát triển sản xuất, những dấu hiệu khủng hoảng, bất hợp lý bộc lộ ngày càng rõ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Từ thực tiễn kinh tế - xã hội, ở nông thôn đã xuất hiện những nhân tố mới thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo của cán bộ cơ sở, như ở Hải Phòng, Vĩnh Phú. Trên cơ sở thực tiễn “khoán chui”, Đảng ta đã tổng kết và ra "Chỉ thị 100'' với nội dung cơ bản là "khoán sản phẩm', mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Chỉ thị 100 đã ''cởi trói'' cho phát triển kinh tế nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân. Tuy mới là giải pháp tình thể, nhưng "Khoán sản phẩm” đã có hiệu quả thực sự. Trong thời gian 1981 - 1985, nhờ hình thức khoán mới, sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hàng năm 5% so với 2% của thời kỳ 1976 - 1980, sản xuất lương thực tăng bình quân hàng năm 6,5% so với 1,6% của thời kỳ 1976 - 1980. Tổ chức Hội Nông dân cũng ngày càng được quan tâm hơn, ngày 29 tháng 9 năm 1981, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 116 – CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Quy định việc thành lập Hội đồng của Hội Liên hiệp nông dân tập thể ở từng cấp: Trung ương, tỉnh, huyện; cơ quan Thường trực của Hội đồng gắn với Ban Nông nghiệp của Đảng, là một bộ phận của Ban Nông nghiệp Trung ương, Ban Nông nghiệp tỉnh, thành phố (cả miền Bắc và miền Nam). Đồng thời, quyết định cho ban hành Điều lệ Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam quy định rõ tính chất, mục đích, nhiệm vụ của Hội và tổ chức Hội ở các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Quán triệt tinh thần đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, nhằm đẩy mạnh các hoạt động của Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam, ngày 24 tháng 3 năm 1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 05/CT-TW về tổ chức Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất, Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Ngày 01 tháng 3 năm 1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42 – QĐ/TƯ về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Tại phiên họp ngày 17 tháng 01 năm 1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm ngày kỷ niệm thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Ngày 20 tháng 5 năm 1991, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 69 – CT/TƯ về việc kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/1991). Lần đầu tiên Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm trọng thể 61 năm Ngày thành lập tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Đỗ Mười tới dự và có bài phát biểu quan trọng. Tại lễ Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2010), giai cấp nông dân Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặngHuân Chương Sao Vàng (lần 2). Được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, một số đồng chí đã sang thăm và làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam như: Chủ tịch Nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư (nay là Chủ tịch Nước); đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2012), Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã qua VI kỳ Đại hội. * Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ Nhất tổ chức từ ngày 27 tháng 3 đến ngày 29 tháng 3 năm 1988 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 613 đại biểu. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 95 đồng chí và bầu 17 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Phạm Bái - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu giữ chức Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Hoàng Hồng Thất, Nguyễn Thành Thơ, Cầm Ngoan, Nguyễn Thị Huệ. Tại kỳ họp Ban Chấp hành Trung Hội Nông dân Việt Nam lần thứ Sáu (khóa I) tại Hà Nội, từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 02 tháng 11 năm 1991 đã bầu đồng chí Hoàng Hồng Thất, Phó Chủ tịch Thường trực làm Quyền Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội thay đồng chí Phạm Bái nghỉ hưu. Từ ngày 02 tháng 6 đến ngày 05 tháng 6 năm 1992, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, họp lần thứ Bảy (khóa I) tại Hà Nội, đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) - Ủy viên Trung ương Đảng giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Nghị quyết của Đại hội đã khẳng định: Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp nông dân, đoàn kết chặt chẽ với các tổ chức thành viên khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết tâm tiến theo con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ Nhất là sự kiện chính trị trọng đại, đã đánh dấu một mốc son quan trọng trên chặng đường lịch sử vẻ vang gần 6 thập kỷ của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam. Tại Đại hội này Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã thay mặt Đảng, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất cho giai cấp nông dân Việt Nam. * Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Hội Nông dân Việt Nam họp từ ngày 15 tháng 11 đến ngày 19 tháng 11 năm 1993 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Dự Đại hội có 600 đại biểu. Đại hội đã bầu 77 đồng chí vào Ban Chấp hành và 14 Ủy viên Ban Thường vụ, đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Nguyễn Đức Triều - Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyễn Thị Huệ, Lò Văn Inh, Mai Thanh Ân (Bảy Khế). Trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ Năm (khóa II), họp tại Hà Nội từ ngày 09 tháng 01 đến ngày 10 tháng 01 năm 1997, đã bầu đồng chí Nguyễn Đức Triều - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thay đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) được Bộ Chính trị bố trí công tác mới. Đại hội đã đánh giá phong trào nông dân, công tác xây dựng Hội; phương hướng, nhiệm vụ của Hội 5 năm tiếp theo, thông qua Điều lệ (sửa đổi) Hội Nông dân và thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Hội Nông dân Việt Nam. Đây là Đại hội “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động”, là Đại hội của trí tuệ và niềm tin, nơi hội tụ ý chí và nguyện vọng của giai cấp nông dân quyết tâm đổi mới và xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh về mọi mặt. * Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Hội Nông dân Việt Nam khai mạc từ ngày 17 tháng 11 đến ngày 20 tháng 11 năm 1998 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 700 đại biểu. Đại hội đã quán triệt nhiệm vụ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đại hội đã bầu 114 Ủy viên Ban Chấp hành, 19 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Đức Triều - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Hoàng Diệu Tuyết, Lê Văn Nhẫn, Lê Văn Sang (Hùng Kháng). Đại hội III có nhiệm vụ tiếp tục đổi mới và phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội, tổ chức, động viên giai cấp nông dân phát huy nội lực, cần kiệm xây dựng đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tại Đại hội này thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam. * Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hội Nông dân Việt Nam được tổ chức từ ngày 22 tháng 11 đến ngày 25 tháng 11 năm 2003 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Đây làĐại hội ''Đoàn kết - Đổi mới - Dân chủ - Phát triển''. Tham dự Đại hội có 860 đại biểu. Đại hội đã bầu 120 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Vũ Ngọc Kỳ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Hoàng Diệu Tuyết, Phạm Quang Tôn, Nguyễn Hữu Mai, Lê Hoàng Minh, Hà Phúc Mịch. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ Tám (khóa IV), ngày 26 tháng 02 năm 2007 tại Hà Nội đã bầu đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tài chính - Quản trị Trung ương, Bí thư Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thay đồng chí Chủ tịch Vũ Ngọc Kỳ nghỉ hưu. * Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Nông dân Việt Nam được khai mạc từ ngày 22 tháng 12 đến ngày 25 tháng 12 năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.175 đại biểu. Đại hội đã bầu 124 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Ủy viên Trung ương Đảng tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Lê Hoàng Minh, Hà Phúc Mịch, Nguyễn Duy Lượng, Lều Vũ Điều. Chủ đề của Đại hội V là: ''Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển''. Đồng thời Đại hội đã xác định phương hướng là: “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, là chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; Hội Nông dân vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới; tham gia có hiệu quả vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và khối đại đoàn kết dân tộc. Nâng cao vai trò đại diện; chăm lo nâng cao đời sống; bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đồng thời đẩy mạnh 3 phong trào thi đua lớn của Hội, là: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng; Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; Phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, tháng 4 năm 2011 đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Uỷ viên Trung ương Đảng được Ban Chấp hành Trung ương phân công sang làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ Chín (khoá V) họp tại Hà Nội từ ngày 04 – 05 tháng 7 năm 2012 đã bầu bổ sung 02 đồng chí Phó Chủ tịch Trung ương Hội là đồng chí Lại Xuân Môn, Chánh Văn phòng Trung ương Hội và đồng chí Nguyễn Hồng Lý, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ tỉnh Bạc Liêu. * Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam được khai mạc từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 03 tháng 7 năm 2013 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội. Đây là Đại hội của tinh thần: “Đoàn kết – Đổi mới – Chủ động – Hội nhập – Phát triển bền vững”. Tham dự Đại hội có 1.169 đại biểu. Đại hội đã bầu 122 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Nguyễn Duy Lượng, Lều Vũ Điều, Nguyễn Hồng Lý, Lại Xuân Môn. Phương hướng Đại hội VI là: “Phát huy tinh thần “Đoàn kết - đổi mới- chủ độn g- hội nhập - phát triển bền vững”, vai trò trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện Kết luận số 62 - KL/TW, ngày 08 tháng 12 năm 2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội; đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng kết hợp chặt chẽ công tác tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giám sát, phản biện xã hội và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với đẩy mạnh hợp tác tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân. Trực tiếp và phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở nông thôn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam vững mạnh; đào tạo người nông dân có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ bản lĩnh chính trị, giữ vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Đồng thời Đại hội cũng đã xác định các mục tiêu, như sau: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, có đủ năng lực tập hợp, đoàn kết, phát huy dân chủ, sức sáng tạo của hội viên, nông dân; tham gia xây dựng và tổ chức nông dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nông dân, huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn nông thôn. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ của cán bộ, hội viên, nông dân; từng bước xây dựng đội ngũ lao động nông thôn có tác phong công nghiệp, có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong và ngoài nước, từng bước thực hiện vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Với 11 chỉ tiêu chủ yếu sau đây: Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội cho trên 95% hội viên, nông dân. Phát triển hội viên mới, với trên 80% số hộ nông dân có hội viên nông dân. Cơ sở Hội khá và vững mạnh đạt trên 85%, giảm cơ sở Hội yếu kém xuống dưới 1%. Có 80% cán bộ chủ chốt ở cơ sở Hội có trình độ chuyên môn đạt chuẩn theo qui định; 80% cán bộ chi, tổ Hội được bồi dưỡng, tập huấn về lý luận và nghiệp vụ công tác Hội. 100% chi Hội có quỹ Hội, bình quân từ 30.000đ trở lên/hội viên/năm. Hằng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu Sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng trưởng 15% trở lên/năm. Hằng năm vận động từ 90% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 85% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu Gia đình văn hoá. 100% Hội Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện; 80% Hội Nông dân cấp xã tổ chức được hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân có hiệu quả. Hằng năm Hội Nông dân các cấp trực tiếp và phối hợp dạy nghề cho 220.000 nông dân; trong đó tỷ lệ có việc làm đạt 70% trở lên. 80% Hội Nông dân cấp xã hướng dẫn, tổ chức nông dân xây dựng được ít nhất một mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả. Hiện nay các cấp Hội Nông dân đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, theo Chỉ thị số 03 – CT/TW, ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị, đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Cụ thể là tiếp tục đẩy mạnh 3 phong trào thi đua lớn của Hội, đó là: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; Phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh. Để tăng cường sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành trong những năm qua Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết chương trình công tác với hơn 40 Bộ, ngành. Công tác đối ngoại của Hội đã đạt được thành tích nổi bật trên các lĩnh vực hợp tác và hữu nghị, nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức nông dân của các nước đã đến thăm, học tập, trao đổi kinh nghiệm với Hội Nông dân Việt Nam và giúp Hội thực hiện một số dự án trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Hiện nay Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có quan hệ với 79tổ chức Nông dân; Chính phủ; Phi chính phủ nước ngoài (NGO); Tổ chức Quốc tế (Liên hợp quốc) và 31 Đại sứ quán các nước tại Hà Nội. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, Hội Nông dân Việt Nam 84 năm xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp Hội tiếp tục tổ chức tốt các phong trào nông dân để làm nên thắng lợi huy hoàng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam./.
Thông báo
-
1. Hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội 07.08.2024
-
2. 70-KL/TW 20.06.2024
-
3. Số 69-KL/TW 20.06.2024
-
4. ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 63 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM (21/4/1961 - 21/4/2024) 16.04.2024
-
5. Kế hoạch số 1234-KH/UBND 09.04.2024
- Register
Từ khóa » Tổ Nông Hội Là Gì
-
ÔN LẠI LỊCH SỬ SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI ...
-
90 Năm Hội Nông Dân Việt Nam: Tiếp Bước Truyền Thống 'Nông Hội đỏ'
-
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
-
Hội Nông Dân Việt Nam – Wikipedia Tiếng Việt
-
Xã Hội Của Giai Cấp Nông Dân Do Đảng Cộng Sản Việt Nam Lãnh đạo
-
KỶ NIỆM 90 NĂM THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14/10 ...
-
Hội Nông Dân Việt Nam Là Gì? Nhiệm Vụ Của Hội ... - Luật Dương Gia
-
Giới Thiệu Chung - Cổng Thông Tin Hội Nông Dân Tỉnh Quảng Ngãi
-
Lịch Sử Hội Nông Dân
-
Nông Hội - Wiktionary Tiếng Việt
-
Điều Lệ Hội Nông Dân Việt Nam
-
Nông Hội: Ngôi Nhà Chung Của Nông Dân - Báo Gia Lai
-
Vai Trò Và Vị Thế Của Hội Nông Dân Việt Nam Trong Xây Dựng Và Phát ...
-
[DOC] Đề Cương Tuyên Truyền 90 Năm Ngày Thành Lập Hội Nông Dân Việt ...