Giới Thiệu Sách “Vô Vị Lợi” :: Suy Ngẫm & Tự Vấn

“Vô vị lợi” (tác giả: Martha Nussbaum, người dịch: Bùi Thanh Châu) là tựa sách đã được Ban tu thư ĐH Hoa Sen xuất bản và phát hành trong tháng 02/2015, sách đã nhận được nhiều quan tâm của bạn đọc. Để giới thiệu đến đông đảo độc giả yêu sách về nội dung cốt lõi của “Vô vị lợi”, Ban tu thư đã tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách trên do dịch giả Phạm Viêm Phương trình bày vào ngày 25/03/2015 tại phòng 502, cơ sở 08 Nguyễn Văn Tráng, Q1, TPHCM.

Diễn giả đã đem đến cho người tham dự những thông tin rất hữu ích được tóm tắt thành bảy luận điểm sau khi ông đã nghiên cứu nội dung cuốn sách. Bảy luận điểm này cũng là nội dung chính của bảy chương trong “Vô vị lợi” được đúc kết thành những nhận định khái quát. Sau đó, diễn giả phân tích thêm về sự khác nhau giữa nền giáo dục vị lợi và vô vị lợi, đề cập đến các môn nhân văn ở Việt Nam.

Luận điểm đầu tiên được diễn giả đề cập đến là cuộc khủng hoảng thầm lặng khi có hàng loạt những báo động về tình trạng cắt giảm ngân sách và giáo trình dành cho các môn nhân văn và nghệ thuật tại Mỹ cũng như các nước phát triển. Lý giải cho việc cắt giảm này là vì nền giáo dục đang dần chú trọng vào việc phát triển hiệu quả kinh tế thay vì đi sâu vào các môn nhân văn nhằm khơi gợi cho người học khả năng đồng cảm.

Luận điểm thứ hai được tóm tắt trong bài giới thiệu là: Giáo dục vì lợi ích (phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế) hay giáo dục vì dân chủ (nhằm phát triển con người). Theo ông, đây cũng là luận điểm quan trọng nhất xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Trong phần luận điểm tương ứng với chương hai của “Vô vị lợi”, tác giả Martha Nussbaum đã trình bày những lý do bà viết tác phẩm này cũng như sự khác nhau giữa hai nền giáo dục vị lợi và dân chủ. Diễn giả Phạm Viêm Phương cũng giới thiệu thêm, đã có một thời gian dài Mỹ và Ấn Độ chú trọng đến những môn học nhân văn, đào tạo được những công dân biết lắng nghe, chia sẻ, thay vì chỉ dựa trên bạo lực. Đó cũng chính là thời kỳ hai quốc gia này có những bước tiến quan trọng. Cũng không thể phủ nhận nền dân chủ của Mỹ ít nhiều là sản phẩm của nền giáo dục dân chủ. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định những nhà giáo dục chú trọng đến sự tăng trưởng kinh tế không thích nghiên cứu lịch sử tập trung vào bất công giai cấp, đẳng cấp, giới tính, sự khác biệt sắc tộc và tôn giáo, vì điều đó sẽ thúc đẩy tư duy phê phán đối với hiện tại. Tác giả còn cho rằng những người đi theo đường lối vị lợi thường tỏ ra sợ hãi nền giáo dục khai phóng. Vì sự cảm thông sẽ khiến người ta không thể vô cảm mà vô cảm về đạo đức lại cần thiết cho sự phát triển kinh tế không quan tâm đến bất bình đẳng.

Luận điểm tiếp theo diễn giả đề cập đến quan điểm của người viết về nguồn cội của công dân xấu (với những thói xấu như: ích kỉ, thường ghen tị với người khác, không có tư duy bình đẳng…), điều này hoàn toàn đối lập với những phẩm chất của công dân dân chủ.

Đặc biệt, trong luận điểm này, Phạm Viêm Phương phân tích rõ việc tác giả Martha Nussbaum đã nhấn mạnhnhững tư tưởng hiện đại, tiến bộ của Mahatma Gandhi, Jean-Jacques Rousseau và cả những nhà triết học nổi tiếng như Socrates, Platon để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tranh luận, chống lại thói thụ động trong giáo dục.

Phần luận điểm thứ năm được diễn giả Phạm Viêm Phương tóm tắt lại liên quan đến việc hô hào xây dựng nền giáo dục thiên về đào tạo những công dân toàn cầu. Đây là những cá thể sống trong cộng đồng đa dạng về màu da, sắc tộc, ngôn ngữ… nhưng có khả năng hòa nhập vào các nền văn hóa, tôn giáo khác nhau. Trong nội dung này, “Vô vị lợi” cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc học sinh ngữ (ngoại ngữ) để có thể dễ dàng hòa nhập và chia sẻ cùng cộng đồng.

Nội dung tiếp theo được đề cập trong tác phẩm này là việc vun đắp trí tưởng tượng qua văn học, nghệ thuật trong giáo dục. Những công dân toàn cầu cần trí tưởng tượng để biết cách nhìn cuộc đời cũng như ứng xử trong đời theo cách của người khác, không phải cách đã học. Để làm được điều này, người học cần đi sâu và tìm kiếm kiến thức ở các môn học về văn học cũng như nghệ thuật vì đây là những môn học giúp phát triển trí tưởng tượng tốt nhất và có thể nói, đầu tư cho văn học, nghệ thuật sẽ giúp nền giáo dục cân bằng hơn.

Diễn giả cũng đã đúc kết sự phê phán của tác giả Martha Nussbaum đối với đường lối giáo dục hiện hành tại Mỹ. Ông đã nhắc lại một lập luận khá mạnh mẽ của “Vô vị lợi” liên quan đến những phản biện này:“Khi tạo ra những sinh viên chạy theo lợi nhuận là tự sát về tâm hồn”.

Sau phần tóm tắt những nội dung chính của “Vô vị lợi”, diễn giả Phạm Viêm Phương đã trình bày thêm về ý kiến của cá nhân sau khi đọc và nghiên cứu quyển sách này.

Cụ thể, ông nhấn mạnh quan điểm của tác giả Martha Nussbaum: cuốn sách là một tuyên ngôn nên không nghiên cứu định lượng để chứng minh. Thay vì dựa vào số liệu thống kê mà phân tích để đi đến kết luận thì tác giả lại khẳng định quan điểm của mình về vai trò của các môn nhân văn, nghệ thuật trong việc thấu hiểu nhu cầu của người khác. Nếu được tự do bày tỏ, thì người học có quyền không công nhận những giá trị sẵn có. Cuốn sách tập trung đi vào khai thác vai trò của nhà trường, của giáo viên nhưng lại không nói tới ảnh hưởng của gia đình, của các phương tiện truyền thông và quan trọng hơn cả là áp lực từ những người bạn cùng trang lứa. Bên cạnh đó, “Vô vị lợi” cũng bàn khá nhiều đến việc xây dựng một xã hội dân chủ rất cần những người công dân biết suy nghĩ độc lập, dám phê phán và đam mê sáng tạo. Ngoài ra, sách cũng đã nhắc khá nhiều đến vai trò của giáo đục đại học, cũng như một nền giáo dục vô vị lợi rất cần có hậu thuẫn là môt nền kinh tế vững mạnh.

Buổi giới thiệu sách khép lại với nhiều câu hỏi bàn luận, trao đổi sâu sắc của những nhà nghiên cứu, dịch giả, nhà giáo, các phóng viên báo đài có quan tâm thực sự đến nền giáo dục không vị lợi và mong muốn nền giáo dục ấy sớm được áp dụng tại Việt Nam.

MỤC LỤC

Lời tựaLời cảm ơn

Chương I. Cuộc khủng hoảng thầm lặngChương II. Giáo dục vì lợi ích, giáo dục vì dân chủChương III. Giáo dục công dân: Những tình cảm đạo đức (và phản đạo đức)Chương IV. Phương pháp sư phạm Socrates: Tầm quan trọng của tranh luậnChương V. Những công dân của thế giớiChương VI. Vun đắp trí tưởng tượng: Văn học và Nghệ thuậtChương VII. Nền giáo dục dân chủ đang lụn bạiLời bạt: Những suy tư về tương lai của các ngành nhân văn - Ở quê nhà và nước ngoài

Chú giảiBảng chỉ mục

Từ khóa » Tổ Chức Vô Vị Lợi