Giới Thiệu Tóm Tắt Di Tích Lịch Sử - Văn Hóa Căn Cứ Tỉnh ủy Cần Thơ
Có thể bạn quan tâm
Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (còn gọi là Căn cứ Bà Bái) thuộc địa phận ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, huyện phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Cách trung tâm Thành phố Vị Thanh 24 km và cách Thành phố Cần Thơ 44 km theo hướng quốc lộ 61. Du khách có thể đến đây tham quan bằng đường thủy và bộ, khu di tích rộng trên 8,4 ha, tái hiện lại nhiều bộ phận hoạt động trong khu Căn cứ trước kia như: Hội trường Tỉnh ủy, hầm trú ẩn, nhà làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, văn phòng và đội phòng thủ, cơ yếu, điện đài, Hội trường của Trung đoàn I, nhà ăn, sân bóng….ngoài ra còn có nhà trưng bày Di tích.
Trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Thành phố Cần Thơ là trung tâm đầu não của vùng IV chiến thuật của Mỹ - Ngụy, là nơi xuất phát quân đánh phá các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Địch chọn Cần Thơ là trọng điểm bình định đánh phá ác liệt, nhất là sau tổng tấn công 1968 và những năm sau đó, chúng huy động phần lớn lực lượng để đánh lấn chiếm vùng nông thôn giải phóng của ta, đi đôi với chiêu dụ hàng, hòng tách dân khỏi Đảng “tát nước bắt cá” nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng.
Trước tình hình đó, vào tháng 4 năm 1971 Ban chấp hành Tỉnh ủy Cần Thơ tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Nguyễn Tự Giác (Mười Quang) đánh giá tình hình thuận lợi, khó khăn và tương quan lực lượng giữa ta và địch; trên cơ sở đó đề ra phương hướng nhiệm vụ mới cho Đảng bộ. Đồng thời quyết định chọn địa điểm làm căn cứ để Tỉnh ủy Cần Thơ đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh tấn công làm thất bại “âm mưu Bình Định” của địch.
Khu Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ được khởi công xây dựng vào đầu tháng 2 năm 1972, tại nền nhà của Bà Bái - một địa chủ ngày xưa, nên mọi người quen gọi là “Căn cứ Bà Bái”. Địa thế chiến lược của Khu Căn cứ được bao bọc bởi bốn con kênh như những chiến hào nhằm bảo vệ trong suốt thời gian bám trụ ở đây: kênh Xáng Lái Hiếu, kênh Cả Cường, kênh Rạch Cũ và kênh Bà Bái.
Bước đầu căn cứ chỉ xây dựng vài căn nhà nhỏ, nơi làm việc của Ban Thường vụ, văn phòng và đội phòng thủ (đội bảo vệ). Sau đó, cất thêm một số căn nhà khác cho các bộ phận như: cơ yếu, điện đài, thông tin, nhà ở cho cán bộ nữ, nhà thường trực, nhà khách, nhà ăn, giao liên v.v…Về sau Tỉnh ủy quyết định cất thêm Hội trường chuẩn bị cho cuộc hội nghị triển khai “kế hoạch đánh Bình Định” vào tháng 10-1973. Toàn bộ khu Căn cứ Tỉnh ủy tập trung trên một quần thể rộng khoảng 02 ha. Chung quanh căn cứ của Tỉnh ủy địch đóng đồn bót dày đặc như đồn Bộ Đỏ gần nhất khoảng 500 mét, đồn Cái Sơn cách khoảng 800 mét…
Hiệp định Paris được ký kết và có hiệu lực ngày 28 tháng 1 năm 1973, nhưng địch với bản chất ngoan cố lật lộng phá hoại Hiệp định thực hiện âm mưu “bình định”, “tràn ngập lãnh thổ”, chiếm đất dành dân. Đầu tháng 3 năm 1973, chúng tập trung 40 tiểu đoàn của Sư đoàn 21 bộ binh, một số Trung đoàn của Sư 9, Sư đoàn 7 bộ binh, biệt động quân, một số liên đoàn bảo an và các binh chủng không quân, pháo binh, xe bọc thép v.v… Đến tháng 6 năm 1973, địch tập trung lực lượng lên đến 75 tiểu đoàn trên chiến trường Phụng Hiệp, Long Mỹ; chúng tổ chức nhiều đợt đánh phá ác liệt chà đi xát lại, hòng đánh bật Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ ra khỏi địa bàn. Nhưng Tỉnh ủy Cần Thơ vẫn được giữ vững an toàn lãnh đạo quân dân trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hy sinh, phá hủy sức mạnh 3 mũi tấn công của địch, bẻ gãy nhiều đợt càn quét, lấn chiếm, gỡ đồn bót địch, giành lại vùng giải phóng của ta.
Trong vòng 8 tháng sau khi có Nghị quyết “Hội nghị đánh bình định” của Tỉnh ủy Cần Thơ, ta đã tiêu diệt và bức rút 173 đồn bót giặc, bắn chìm 31 tàu chiến, bắn cháy 104 xe M113, bắn rơi và phá hủy 26 máy bay, thu hơn 1.000 súng các loại v.v… giải phóng trên 50 ấp, với hơn 120.00 dân. Đánh bại cơ bản kế hoạch “Bình định mùa khô” 1973 - 1974, đẩy địch vào thế thất bại thảm hại trên chiến trường Cần Thơ.
Với những sự kiện lịch sử và thành tích quan trọng đó, ngày 27 tháng 4 năm 1990, Bộ Văn hóa – Thông tin ra Quyết định số 84-QĐ công nhận căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Ngày nay Di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ là nơi tham quan, vui chơi, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.
Trần Xuân Diễm, Phòng Quản lý Di sản văn hóa (Trích lược trongDanh nhân và di tích lịch sử văn hóa tỉnh Cần Thơ, do Sở Văn hóa thông tin Cần Thơ thực hiện năm 2003)
Từ khóa » Thuyết Minh Về Di Tích Lịch Sử Cần Thơ
-
Thuyết Minh Về Cần Thơ ❤️️ 15 Bài Giới Thiệu Cần Thơ Hay
-
Di Tích Khám Lớn Cần Thơ – Nhà Tù Lớn Nhất Miền Tây
-
Bài Văn Thuyết Minh Về Di Tích đình Bình Thủy Cần Thơ Thuộc Nguồn ...
-
Có Bạn Nào Có Bài Văn Thuyết Minh Về Di Tích Lịch Sử Hay địa điểm Du ...
-
Khám Lớn Cần Thơ - Một Miền Ký ức Bi Thương Của Dân Tộc - Vinpearl
-
Thuyết Minh Về Thành Phố Cần Thơ
-
Top 8 Di Tích Lịch Sử - Văn Hóa ở Bình Thủy, Cần Thơ
-
Thuyết Minh Bến Ninh Kiều (10 Mẫu) - Văn Mẫu Lớp 8
-
Thuyết Minh Về Một Di Tích Lịch Sử Ngắn Gọn, Hay Nhất - TopLoigiai
-
Thuyết Minh Về Cần Thơ ❤️️ 15 Bài Giới Thiệu Cần Thơ Hay
-
5 Bài Văn Thuyết Minh Về Di Tích Lịch Sử, Lớp 9, Chọn Lọc - Thủ Thuật
-
Thuyết Minh Về Di Tích Lịch Sử - Viết Bài Tập Làm Văn Số 5 Lớp 10
-
Thuyết Minh Về Di Tích Lịch Sử ở Cần Thơ - TopList #Tag
-
Thuyết Minh Về Khu Căn Cứ Tỉnh ủy Phương Bình, Hậu Giang - 123doc