Giới Thiệu Về Chiếc áo Dài Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
[toc:ul]
Bài mẫu 1: Giới thiệu về chiếc áo dài Việt Nam
Nhắc đến Việt Nam, người ta sẽ nhớ ngay tới hình ảnh của một dải đất trù phú, tươi tốt với những cánh đồng lúa chín vàng thẳng cánh cò bay, nhớ tới những cô gái với đôi má hây hây, khuôn mặt bầu bầu đáng yêu, với giọng nói ngọt ngào dễ mến. Và có một thứ không thể không nhắc tới, đó chính là tà áo dài - biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam
Bài làm
Nhắc đến Việt Nam, người ta sẽ nhớ ngay tới hình ảnh của một dải đất trù phú, tươi tốt với những cánh đồng lúa chín vàng thẳng cánh cò bay, nhớ tới những cô gái với đôi má hây hây, khuôn mặt bầu bầu đáng yêu, với giọng nói ngọt ngào dễ mến. Và có một thứ không thể không nhắc tới, đó chính là tà áo dài - biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, cũng là quốc phục của đát nước này. Chiếc áo dài có một bề dày lịch sử từ khi nó ra đời cho đến tận ngày nay.
Áo dài đã tồn tại cùng với lịch sử dân tộc. Chiếc áo dài ra đời vào thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765). Chiếc áo dài ra đời với mục đích tạo ra nét riêng biệt của người Việt trong sự di cư ồ ạt của hàng vạn người Minh Hương vào Đàng Trong. Chiếc áo dài cổ xưa nhất của người Việt phải kể tới là chiếc áo dài giao lãnh. Đây là kiểu áo khi mặc thì hai cổ áo để giao nhau, áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy lưng buông thả. Cổ nhân xưa đi chân đất, người quyền quý thì mang guốc gỗ, dép, giày. Cùng với sự phát triển, tà áo dài Việt Nam liên tục được thay đổi, cách tân để phù hợp với đặc tính công việc của nhà nông và phù hợp với tình hình của xã hội lúc bấy giờ. Sau áo dài giao lãnh, người Việt đã cải tiến nó thành áo tứ thân rồi sau nữa thánh áo dài Lemur vào thời kì Pháp thuộc. Đây là bước chuyển trong lịch sử phát triển của tà áo dài. Bởi chiếc áo dài Lemur được cảo tiến từ chiêc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau mà thôi. Vạt trước được họa sĩ Lemur nối dài chấm đất để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong từng bước đi của người phụ nữ. Đồng thời, thân trên của áo dài được may ôm sát theo những đường cong cơ thể người mặc tạo nên vẻ yêu kiều và gợi cảm rất độc đáo. Để tăng thêm phần nữ tính, hàng nút phía dưới được chuyển sang một chỗ mử áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn. Chiếc áo dài của Lemur tuy đã làm thay đổi gần như hoàn toàn chiếc áo tứ thân truyền thống song cũng vấp phải không ít sự phản đối từ phía dư luận. Mãi cho đến khi áo dài Lê Phổ xuất hiện, hình hài chuẩn mực của tà áo dài Việt Nam mới được định hình. Họa sĩ Lê Phổ đã bỏ bớt những nét lai căng, cứng cỏi của áo dài Lemur, thay vào đó là những yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, áo ngũ thân vào, tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay trong làn gió. Cùng với những biến cố của lịch sử, văn hóa phương Tây tràn vào Việt Nam mạnh mẽ, tà áo dài Việt cũng chuyển mình một cách đầy tóa bạo với những chiếc áo dài do bà Trần Lệ Xuân - Đệ Nhất Phu Nhân của nước Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ, thiết kế. Bà đã tạo ra chiếc áo dài cách tân bằng cách bỏ đi phần cổ áo và gọi là áo dài cổ thuyền, cổ hở, cổ khoét. Bà đã phá cách với họa tiết trang trí trên áo: nhành trúc mọc ngược. Đến tận bây giờ, những chiếc áo dài cổ thuyền vẫn còn là một trong những trang phục áo dài được nhiều người yêu thích.
Tà áo dài Việt Nam được cấu tạo bởi 5 bộ phận đó là cổ áo, thân áo, tà áo, tay áo và quần mặc cùng với áo dài. Cổ áo dài truyền thống theo mẫu cổ điển cao từ 4-5cm, có cúc bấm và kín đáo. Ngày nay, cổ áo dài đã được cách tân, biến tấu đa dạng hơn thành các kiểu cổ khác nhau như cổ trái tim, cổ tròn, cổ chữ U. Để tránh sự nhàm chán và đơn điệu, cổ áo dài thường sẽ được người may áo trang trí thêm những họa tiết với màu sắc khác nhau, có thể là thêu hoa, cũng có thể đính thêm ngọc.
Thân áo dài được tính từ cổ xuống phần eo. Cúc áo dài thường được may từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống ngang hông. Với cách may ấy, thân hình người phụ nữ sẽ trở nên mềm mại, duyên dáng hơn. Từ phần eo, thân áo dài được xẻ làm hai tà, vị trí xẻ tà ở hai bên hông. Hai tà áo dài được gọi lần lượt theo vị trí của nó là tà trước và tà sau. Trước đây, tà trước và tà sau có độ dài bằng nhau nhưng hiện nay, có nhiều mẫu áo dài tà trước sẽ ngắn hơn tà sau. Áo dài thường được may bằng những loại vải đơn sắc, trơn nên thường được thêu những hoa văn màu sắc khác hoặc những bài thơ. Cúng có những tà áo dài chỉ mang một màu và chỉ được trang trí ở cổ áo như áo dài tím của Huế, áo dài trắng của nữ sinh,...
Tay áo được tính từ vai, may ôm sát cánh tay. Trước đây, tay áo dài đến qua khỏi cổ tay để phù hợp với quan niệm của xã hội với người phụ nữ lúc bấy giờ. Nhưng hiện tại, tay áo dài có thể chỉ là tay lửn, chỉ dài qua khuỷu tay một chút. Chiếc áo dài ngày nay được mặc với quần thay vì với váy đụp như ngày xưa. Quần áo dài được may chấm gót chân, ống quần rộng. Xưa kia, quần áo dài được may bằng bải cứng, thô nhưng nay thường được may bằng vải mềm, rủ. Việc thay đổi sang chất liệu mềm mại, có độ rủ, thay vì vải thô, cứng như trước ấy khiến cho người con gái trở nên thướt tha, yểu điệu trong mỗi bước đi. Màu sắc thông dụng nhất của quần áo dài là màu trắng. Nhưng xu thế thời trang hiện nay thì chiếc quần áo dài có màu cùng tông với màu của áo.
Áo dài trong văn hóa và đời sống của người Việt có một vị trí trọng yếu. Bởi nó đã gắn bó với người phụ nữ Việt Nam, trở thành biểu tượng cho phẩm chất, nét đẹp của họ từ bao đời nay. Người con gái Việt Nam trong trang phục áo dài trở nên xinh xắn, đáng yêu, thướt tha và thanh lịch hơn trong mắt người đối diện. Áo dài ngày nay không chỉ là trang phục lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt, mà nó cũng trở thành trang phục trang nhã nơi công sở, đồng phục cho học sinh hoặc là trang phục tiếp những vị khách quý trong gia đình. Áo dài hiện đại mang tính cá nhân rất cao. Chính bởi sự cầu kì, tỉ mỉ trong khâu thực hiện để có một chiếc áo dài hoàn chỉnh mỗi chiếc áo dài sẽ chỉ may riêng cho một người, dành riêng cho người đó. Người đi may được lấy số đo thật kỹ. Khi may xong phải qua một lần mặc thử để sửa lại thêm một chút nữa mới được xem là hoàn thiện. Cũng vì thế mà những nét duyên dáng trên cơ thể người con gái cũng được tôn lên một cách rất đỗi tinh tế, khéo léo.
Đời sống hiện đại với rất nhiều kiểu trang phục mới, độc đáo, cá tính, nhẹ nhàng, thế nhưng tà áo dài vẫn chưa bao giờ mất đi vị trí của nó trong đời sống tâm hồn của người Việt Nam. Bởi nó không chỉ là trang phục truyền thống mà nó còn là biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam: dịu dàng, duyên dáng nhưng cũng rất hiện đại.
Bài mẫu 2: Văn mẫu giới thiệu về chiếc áo dài Việt Nam
Chiếc áo dài hình như có cách riêng để tôn lên nét đẹp của mọi thân hình. Phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt buông thật rộng trên đôi ống quần rộng. Hai tà xẻ đến trên vòng eo khiến cho người mặc có cảm giác thoải mái, lại tạo dáng thướt tha tôn lên vẻ nữ tính, vừa kín kẽ vì toàn thân được bao bọc bằng vài lụa mềm lại cũng vừa khiêu gợi vì nó làm lộ ra sống eo.
Bài làm
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những văn hóa, nét đặc trưng của từng vùng miền và trang phục truyền thống riêng. Phụ nữ Nhật tự hào với Kimono, phụ nữ Hàn Quốc nổi tiếng với Hanbok, phụ nữ Ấn Độ để lại cho ta ấn tượng rất đặc biệt với bộ Sari. Còn phụ nữ Việt Nam, từ xưa đến nay vẫn mãi song hành với chiếc áo dài duyên dáng và thướt tha.
Cho đến nay, vẫn chưa biết được nguồn gốc chính xác của chiếc áo dài. Nhưng nối ngược dòng thời gian, tìm về cội nguồn, hình ảnh chiếc áo dài với hai tà áo thướt tha đã được tìm thấy ở các hình khắc mặt trống đồng Ngọc Lũ cách đây vài nghìn năm.
Áo dài có rất nhiều loại. Nhưng sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giai lãnh: Cũng giống như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Vì sau này, phụ nữ phải làm việc đồng áng hay buôn bán nên áo giai lãnh được thu gọn lại thành áo tứ thân: Gồm bốn vạt nửa trước phải, vạt nửa sau phải, vạt nửa sau trái. Nhưng với những người phụ nữ tỉnh thành nhàn hạ, muốn có một kiểu áo dài được cách tân thế nào đó để giảm chế nét dân dã lao động và tăng dáng dấp sang trọng, khuê các. Thế là áo tứ thân được biến cải ở chỗ vạt nửa trước phải nay lại được thu bé trở lại thành vạt con; thêm một vạt thứ năm be bé nằm ở dưới vạt trước trở thành áo ngũ thân.
Ngoài ra còn áo dài Le Mor của một họa sĩ vào đầu thập niên 1930, áo dài Lê Phổ của họa sĩ Lê Phổ được thiết kế vào năm 1934, áo dài với tay giác lăng vào thập niên 1960, áo dài miniraglan danh cho các nữ sinh...
Khác với Kimono của Nhật Bản hay Hanbok của Hàn Quốc, chiếc áo dài Việt Nam vừa truyền thống lại vừa hiện đại, có thể mặc ở mọi lúc mọi nơi: Dùng làm trang phục công sở, đồng phục đi học, mặc để tiếp khách trang trọng trong nhà... Việc mặc loại trang phục này không hề rườm rà hay cầu kì, những thứ mặc kèm đơn giản: Mặc với một quần lụa hay vải mềm, dưới chân đi hài guốc, hay giày đều được; nếu cần trang trọng (như trang phục cô dâu) thì thêm áo dài và chiếc khăn đóng truyền thống đội đầu, hay một chiếc miền Tây tùy thích. Đây chính là điểm đặc biệt của thứ trang phục truyền thống này.
Áo dài có thể nhiều màu nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là chiếc áo dài trắng thể hiện sự thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam. Trong trường học, không gì đẹp mắt và thanh bình cho bằng mỗi sáng, từng nhóm nữ sinh trong bộ áo dài, thướt tha, xõa tóc dài chạy xe đạp đến trường. Cũng nơi đó, những cô giáo, những người mẹ thứ hai của các học sinh nhẹ nhàng đón rón những đứa con của mình trước giờ vào học trong chiếc áo dài mới thực sự toát lên vẻ đằm thắm, và thương yêu. Trong những dịp lễ Tết, chiếc áo dài lại thêm một lần nữa thấp thoáng trên các ngã tư đường phố, cùng hoa va cảnh sắc của trời mới đất mới, khoe sắc ngày Tết. Áo dài giữa phố đông chật chội người và xe, ồn ào náo động, làm dịu lại cảnh sắc và làm mát lại những hồn người, làm cho ai đó phải quay lại ngắm nhìn dù chỉ một lần, dịu đi cái khó chịu và u uất vốn có trong bản tính mỗi con người bận rộn.
Chiếc áo dài hình như có cách riêng để tôn lên nét đẹp của mọi thân hình. Phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt buông thật rộng trên đôi ống quần rộng. Hai tà xẻ đến trên vòng eo khiến cho người mặc có cảm giác thoải mái, lại tạo dáng thướt tha tôn lên vẻ nữ tính, vừa kín kẽ vì toàn thân được bao bọc bằng vài lụa mềm lại cũng vừa khiêu gợi vì nó làm lộ ra sống eo. Chính vì thế, chiếc áo dài mang tính cá nhân hóa rất cao, mỗi chiếc chỉ may riêng cho một người và chỉ dành cho người ấy, không thể là một công nghệ "sản xuất đại trà" cho chiếc áo dài. Người đi may được lấy số đo rất kĩ, khi may xong phải thử và chỉnh sửa lại thêm vài lần nữa thì mới hoàn thiện được.
Thực vậy, trong các hội nghị quốc tế, ở hội thảo khoa học nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nữ học giả Mỹ đã vận một chiếc áo dài, và mở đầu bài phát biểu của mình bằng một câu tiếng Việt: "Xin chào các bạn", cả hội trường Ba Đình trang trọng khi đó bỗng tràn ngập một không khí thân thương trìu mến. Trong hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 ở Việt Nam, áo dài đã được vinh dự là trang phục chính cho các vị lãnh đạo nguyên thủ quốc gia của các nước mặc trong buổi lễ bế mạc kết thúc hội nghị. Áo dài, như vậy có thể là đại sứ tinh thần của văn hóa Việt, mang nước Việt Nam cùng hòa chung vào dòng kinh tế năng động và nhiệt huyết trên thương trường thế giới, là một nét riêng của người phụ nữ Việt nói riêng và cả dân tộc Việt nói chung.
Áo dài là hiện thân của dân tộc Việt, một vẻ đẹp mĩ miều nhưng đằm thắm, là một phần tất yếu trong mỗi phụ nữ Việt, là đặc trưng cho một quốc gia có người phụ nữ chịu thương chịu khó, luôn hy sinh, đứng phía sau để cổ động tinh thần cho nước nhà, cùng nhau hòa nhịp và phát triển. Trải qua từng thời kì, từng giai đoạn cùng với những diễn biến của quà trình lịch sử Việt Nam, tà áo dài Việt Nam luôn tồn tại theo dòng thời gian, vẫn mãi sẽ là tâm hồn Việt, văn hóa Việt, là tinh thần Việt và là trang phục truyền thống mang đậm tính lịch sử lâu đời của nước Việt ngàn năm văn hiến.
Kín đáo, duyên dáng và gợi cảm là một trong những yếu tố đưa áo dài trở thành niềm kiêu hãnh của người Việt. Không chỉ là cái áo nữa - chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt, tạo thành sản phẩm văn hoá vật thể truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt.
Bài mẫu 3: Bài văn mẫu giới thiệu về chiếc áo dài Việt Nam
Tà áo trắng bay bay trên đường phố, tiếng cười hồn nhiên trong trẻo của những cô cậu học sinh vương lại phía sau cùng mảnh hoa phượng ở giỏ xe rơi lác đác gợi cho người qua đường một cảm giác lâng lâng, bâng khuâng nhớ về thuở học trò trong vắt những kỷ niệm thân thương.
Bài làm
Đã từ lâu, khi nhắc đến người phụ nữ Việt Nam, bạn bè quốc tế lại trầm trồ nói về chiếc áo dài. Quả thực, chiếc áo dài Việt Nam xứng đáng được coi là loại trang phục truyền thống thể hiện được vẻ đẹp và tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.
Gọi là áo dài là theo cấu tạo của áo, thân áo gồm 2 mảnh bó sát eo của người phụ nữ rồi từ đáy lưng ong 2 thân thả bay xuống tận gót chân tạo nên những bước đi duyên dáng, mềm mại, uyển chuyển hơn cho người con gái.
Tấm áo lụa mỏng thướt tha với nhiều màu sắc kín đáo trang nhã lướt trên đường phố trở thành tâm điểm chú ý và là bông hoa sáng tôn lên vẻ yêu kiều, thanh lịch cho con người và khung cảnh xung quanh. Chiếc quần may theo kiểu quần ống rộng bằng thứ vải đồng chất đồng màu hay sa tanh trắng nâng đỡ tà áo và làm tăng sự mềm mại thướt tha cho bộ trang phục mượt mà duyên dáng, gợi vẻ đằm thắm đáng yêu.
Đã ngót một thế kỷ nay, cô nữ sinh trường Quốc học Huế trong trang phục áo dài trắng trinh nguyên như là biểu trưng cho vẻ đẹp thanh khiết cao quý của tâm hồn người thiếu nữ đất Việt. Để đến bây giờ trang phục ấy trở thành đồng phục của nhiều nữ sinh trong các trường phổ thông trung học như muốn nói với mọi người với du khách quốc tế về văn hoá và bản sắc dân tộc. Tà áo trắng bay bay trên đường phố, tiếng cười hồn nhiên trong trẻo của những cô cậu học sinh vương lại phía sau cùng mảnh hoa phượng ở giỏ xe rơi lác đác gợi cho người qua đường một cảm giác lâng lâng, bâng khuâng nhớ về thuở học trò trong vắt những kỷ niệm thân thương.
Ngày Tết hay lễ hội quê hương, đám cưới hay những buổi lên chùa của các bà, các mẹ, các chị, chiếc áo dài nâu, hồng, đỏ... là một cách biểu hiện tấm lòng thành kính gửi đến cửa thiền một lòng siêu thoát, tôn nghiêm. Chiếc áo dài trùm gối, khăn mỏ quạ chít khéo như hoa sen, tay nâng mâm lễ kính cẩn lên cửa chùa, miệng "mô phật di đà"... hình ảnh ấy đã đi vào bức hoạ tranh dân gian Đông Hồ là một biểu tượng độc đáo của văn hoá Việt Nam.
Ngày nay trong muôn vàn sự cách tân về trang phục, váy đầm, áo ngắn, áo thời trang... chiếc áo dài Việt Nam vẫn chiếm độc tôn về bản sắc dân tộc, mang theo phong cách và tâm hồn người Việt đến với năm châu và trở thành trang phục công sở ở nhiều nơi.
Bài mẫu 4: Hãy giới thiệu về chiếc áo dài Việt Nam
Có năm phần chính trên một chiếc áo dài, phần cổ áo, phần thân áo, phần tà áo, phần tay áo, và phần quần, thân áo được tính từ cổ đến eo, thân áo gồm 2 mảnh bó sát eo làm tôn thêm vẻ đẹp thon gọn của người phụ nữ, tà áo được chia làm hai phần tà áo tước và tà áo sau, được chia làm hai phần ngăn cách bởi hai bên hồng, tà áo thì phải dài hơn đầu gối, phần tay áo là phần từ vai đến qua cổ tay, có thể may chung với phần thân áo hoặc may bằng một loại vải riêng biệt...
Bài làm
Nhắc đến trang phục truyền thống của đất nước Việt Nam chúng ta người ta nghĩ ngay đến tà áo dài, áo dài thường được sử dụng ở các ngày lễ lớn, tà áo dài thướt tha, kín đáo nhiều màu sắc làm tôn thêm vẻ đẹp yêu kiều dịu dàng của người con gái Việt Nam, đã từ lâu áo dài được coi là trang phục truyền thống của đất nước Việt Nam.
Từ xa xưa, dân ta đã thiết kế nhiều loại áo dài đa dạng và phong phú như áo dài truyền thống, áo dài tứ thân và áo dài giao lãnh, áo dài ngũ thân, áo dài truyền thống có cổ hình chữ V dài từ bốn đến năm xentimet, làm nổi bật nên vẻ đẹp của chiếc cổ trắng ngần của người phụ nữ Việt Nam và cũng rất là duyên dáng, kín đáo, ngày này chiếc áo dài truyền thống được thiết kế thêm nhiều kiểu hơn, cổ chữ U, cổ trái tim, và cổ tròn làm đa dạng thêm tà áo dài truyền thống.
Có năm phần chính trên một chiếc áo dài, phần cổ áo, phần thân áo, phần tà áo, phần tay áo, và phần quần, thân áo được tính từ cổ đến eo, thân áo gồm 2 mảnh bó sát eo làm tôn thêm vẻ đẹp thon gọn của người phụ nữ, tà áo được chia làm hai phần tà áo tước và tà áo sau, được chia làm hai phần ngăn cách bởi hai bên hồng, tà áo thì phải dài hơn đầu gối, phần tay áo là phần từ vai đến qua cổ tay, có thể may chung với phần thân áo hoặc may bằng một loại vải riêng biệt, phần quần áo được may theo kiểu quần ống rộng, có thể là vải đồng màu với chiếc áo dài hay khác màu, thường thì quần có màu trắng làm tôn lên sự mềm mại, thướt tha cho bộ trang phục và thêm duyên dáng, đằm thắm đáng yêu của tà áo dài Việt Nam.
Trong các ngày lễ hội truyền thống không thể thiếu trang phục áo dài, áo dài vừa thể hiện nét đẹp, nét duyên dáng của người phụ nữ mà còn thể hiện được nét đẹp truyền thống của dân tộc ta, trang phục áo dài còn xuất hiện trong trường hợp, trong các trường Trung học phổ thông thứ hai hàng tuần nhìn các em nữ sinh trong trang phục áo dài trắng đứng lên chào cờ đẹp và thiêng liêng làm sao, những giáo viên trong trang phục áo dài đứng trên bục giảng toát lên vẻ đẹp duyên dáng, thanh lịch nhưng không kém phần thanh tao, trang nghiêm của giáo viên. Trong các buổi văn nghệ, hay các cuộc thi lớn không thể thiếu những hình ảnh chiếc áo dài, khi các hoa hậu của đất nước ta đi thi đấu ở đấu trường quốc tế, trong hành trang không thể thiếu tà áo dài thướt tha, mang nét đẹp, truyền thống của dân tộc ta giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Khi giặt áo dài phải giặt thật nhẹ tay và không được phơi ở thời tiết nắng quá lâu, ủi ở nhiệt độ vừa phải, có như thế mới giữ được áo dài luôn mới.
Áo dài là nét đẹp là biểu tượng của nước Việt Nam, chúng ta hãy giữ gìn để áo dài mãi là trang phục truyền thống của mỗi người Việt Nam, khi nhắc đến tà áo dài chúng ta nghĩ ngay đến nền văn hóa đậm đà bản sức dân tộc, chúng ta hãy phát huy để bản sắc ấy ngày càng tươi đẹp hơn.
Bài mẫu 5: Bài mẫu giới thiệu về chiếc áo dài Việt Nam
Các nhà tạo mẫu dùng những hoa văn hình chim hạc để thiết kế ở thân trước áo dài, cổ áo dài hoặc dùng những hoa văn trên thổ cẩm để làm viền, tạo nên những chiếc áo dài vừa duyên dáng vừa cổ điển, vừa hiện đại. Trang phục kèm áo dài cũng thay đổi theo thời gian như quần màu đen, trắng hòa cùngmàu với áo, khăn đóng ngày nay thay thế bằng vương miện dùng trong ngày cưới của cô dâu.
Bài làm
Tục ngữ Việt Nam có câu “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”. Suy ngẫm nhiều, chúng ta thấy đúng là y phục góp phần quan trọng vào vẻ đẹp mỗi con người, góp phần quan trọng vào dáng vẻ thướt tha của phụ nữ. Một trong những kiểu y phục ấy là chiếc áo dài Việt Nam.
Áo dài Việt Nam có từ rất xa xưa, theo từng thời kì lịch sử mà chiếc áo dài có những hình dáng khác nhau và thay đổi theo từng phương. Miền Bắc ngày xưa có kiểu áo dài viền năm tà, miền Trung lại có một kiểu sợi dây cột ngang lưng, miền Nam cũng có áo dài cổ cao theo một cách đặc biệt.
Đến đầu thế kỉ XX, áo dài Việt Nam lần này được thiết kế lại với hai tà ôm sát thân mình. Cách may cắt cũng ngày càng tinh xảo hơn để bớt đi những chỗ lòng thòng, những nếp nhăn, số lượng nhiều tà chỉ còn lại hai tà phía trước và phía sau, sợi dây cột ngang lưng cũng được bỏđi. Theo thời, có lúc tà áo dài đến mắt cá, có lúc tà áo thu lên ngang gần đầu gối, có lúc tà rộng, có lúc tà hẹp.
Những năm đầu thế kỉ này, tà áo dài theo hai khuynh hướng. Phối hợp với y phục phương Tây, các nhà tạo mẫu cho ra đời những kiểu áo dài kéo sau lưng, những kiểu áo trái tim, kiểu cổ truyền. Một khuynh hướng khác là trở về nguồn. Các nhà tạo mẫu dùng những hoa văn hình chim hạc để thiết kế ở thân trước áo dài, cổ áo dài hoặc dùng những hoa văn trên thổ cẩm để làm viền, tạo nên những chiếc áo dài vừa duyên dáng vừa cổ điển, vừa hiện đại. Trang phục kèm áo dài cũng thay đổi theo thời gian như quần màu đen, trắng hòa cùngmàu với áo, khăn đóng ngày nay thay thế bằng vương miện dùng trong ngày cưới của cô dâu.
Nhờ sự khéo léo của những nhà thiết kế, chiếc áo dài Việt Nam đã tôn thêm vẻ đẹp dịu dàng và thể hiện nét kín đáo thiết tha của người phụ nữ. Vì sao vậy? Phần trên thường kín cổ, thể hiện vẻ kín đáo nhưng cũng làm hiện lên bờ vai và đôi tay trắng thon dài của cô gái. Nhờ cắt may khéo léo, phần trên chiếc áo thể hiện nét đẹp khỏe mạnh gọn gàng và thùy mị của cô gái Việt Nam, đồng thời hai tà áo lúc mở lúc khép, quấn quýt theo làn gió, tạo vẻ thướt tha dịu dàng của chiếc áo dài. Nét đẹp đó làm say mê bao văn nhân, thi sĩ Việt Nam, làm say mê bao khách nước ngoài khi giao dịch, tham quan du lịch Việt Nam, nhà thơ Nguyên Sa từng viết:
"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anhvẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ anh viết vẫn nguyên màu lụa trắng!"
Cố nhạc sĩ Văn Cao cũng đưa hình ảnh áo dài Việt Nam vào trong bài “Bến xuân” của mình: Tà áo em rung trong giấc mộng ngập ngừng ngoài bến xuân.
Hiện nay, tuy nước ta đã theo nhiều trào lưu y phục phương Tây nhưng phụ nữ Việt Nam vẫn không quên giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của chiếc áo dài. Trong vài thập niên gần đây, tà áo dài đã' là đồng phục quy định của nhiều công sở và trường học. Ngay cả những dịp quan trọng như ngày Tết, ngày lễ, ngày cưới, người ta cũng dùng áo dài làm trang phục chính. Với những loại vải quí phái, chất liệu đặc biệt như tơ tằm, lụa với màu sắc lộng lẫy hoặc nhu hòa, chiếc áo dài làm tăng thêm vẻ sang trọng và tươi đẹp cho người phụ nữ Việt Nam.
Áo dài Việt Nam là một trong những nét đẹp truyền thông, gắn liền với phong tục và văn hóa của người Việt Nam. Bảo vệ nét đẹp áo dài Việt Nam là bảo vệ văn hóa và phong tục của ta vậy.
Từ khóa » Giới Thiệu Về Chiếc áo Dài Việt Nam Hay Nhất
-
Top 13 Bài Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Việt Nam Hay Nhất
-
TOP 19 Bài Thuyết Minh Về Chiếc Áo Dài Việt Nam
-
Đề 4: Giới Thiệu Về Chiếc áo Dài Việt Nam - Tech12h
-
Top 10 Bài Văn Thuyết Minh Về áo Dài Việt Nam Hay Nhất
-
Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Việt Nam - Thủ Thuật
-
Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Việt Nam
-
Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Việt Nam Ngắn Gọn - THPT Sóc Trăng
-
Giới Thiệu Chiếc áo Dài Việt Nam – Văn Mẫu Lớp 10
-
Top 13 Bài Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Việt Nam Hay Nhất
-
Em Hãy Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Việt Nam
-
Giới Thiệu Về Chiếc áo Dài Việt Nam
-
Lịch Sử Phát Triển áo Dài Việt Nam Qua Các Thời Kỳ
-
Giới Thiệu Về Chiếc áo Dài Việt Nam | Văn Mẫu Lớp 8
-
Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Việt Nam | Văn Mẫu 8