Giới Thiệu Về Hôn Khế (hôn ước) | ĐI XE ĐẠP (Ben's Wordpress)

Giới thiệu về hôn khế (hôn ước)

January 23, 2010 at 5:26 pm Leave a comment

1. Do tính chất đặc biệt của quan hệ hôn nhân mà không thể chỉ điều chỉnh các vấn đề về quyền sở hữu đối với tài sản của vợ chồng bằng các qui định về sở hữu tài sản trong luật dân sự. Tất cả các quốc gia trên thế giới dù khác nhau về chế độ xã hội, trình độ phát triển kinh tế, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, dù đã qui định về quyền sở hữu tài sản như một quyền dân sự nhưng đều có qui định riêng về sở hữu về tài sản của vợ chồng. Tổng hợp các qui định của pháp luật về căn cứ xác lập tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng, nguyên tắc phân chia tài sản vợ chồng là chế độ tài sản của vợ chồng[1]. Nói đến chế độ tài sản vợ chồng là nói đến vấn đề về sở hữu đối với tài sản của vợ chồng trong thời kì hôn nhân[2].

Trên tiêu chí hình thức, chế độ tài sản vợ chồng được chia thành chế độ tài sản pháp định[3] và chế độ tài sản ước định. Chế độ tài sản pháp định là chế độ tài sản vợ chồng chỉ xác định trên cơ sở qui định của pháp luật. Chế độ tài sản ước định là chế độ tài sản vợ chồng xác định trên cơ sở hôn khế.

2. Hôn khế là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận của hai người nam nữ trước khi kết hôn về vấn đề sở hữu tài sản của họ trong thời kì hôn nhân. Văn bản này được lập trước khi hai người nam nữ kết hôn và chỉ phát sinh hiệu lực trong thời kì hôn nhân.

Hôn khế có các đặc điểm sau:

  • Chủ thể trong quan hệ do hôn khế điều chỉnh phải là vợ chồng có quan hệ hôn nhân hợp pháp (thỏa thuận do hai người nam nữ chung sống như vợ chồng lập ra không thể được gọi là hôn khế)
  • Hôn khế phải do hai người nam nữ tự nguyện thỏa thuận.
  • Hôn khế phải được lập trước khi kết hôn, tuy nhiên nó chỉ phát sinh hiệu lực trong thời kì hôn nhân.
  • Hôn khế phải được xác nhận tính hợp pháp bởi cơ quan tư pháp, cơ quan nhà nước, hoặc cơ quan công chứng (tùy theo qui định của pháp luật từng quốc gia)
  • Nội dung của hôn khế phải là sự thỏa thuận về vấn đề sở hữu tài sản của vợ chồng. Những thỏa thuận của vợ chồng về nghĩa vụ nhân thân không thể là một phần của hôn khế. Hôn khế trước hết phải qui định rõ cách thức xác định đâu là tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng.
  • Trong hôn khế có thể xác định về quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng đối với nhau hay đối với bên thứ ba trong trường hợp có giao dịch với bên thứ ba.
  • Hôn khế có tính ổn định cao, nên việc thay thế hủy bỏ nó là phải theo những thủ tục rất chặt chẽ.

3. Theo quan điểm thịnh hành của các luật gia Việt Nam, hôn khế ra đời do quan điểm của các nhà lập pháp phương Tây, theo họ hôn nhân thực chất chỉ là một loại hợp đồng dân sự chỉ khác ở sự trang trọng khi thiết lập và trong việc chấm dứt; bên cạnh đó, các nhà làm luật của phương Tây cũng đề cao quyền tự do cá nhân, quyền định đoạt tài sản của vợ chồng[4]. Tuy nhiên nếu tóm lược sự ra đời của hôn khế như vậy sẽ không phản ánh được hết nguyên nhân khách quan của sự ra đời hôn khế.

Có lẽ những hôn khế đầu tiên đã được xuất hiện từ thời La Mã cổ đại dưới hình thức nuptias consensus facit[5] trong hôn nhân sine manu[6] hoặc stipuliatio[7].

Nuptias consensus facit

Dưới thời La Mã không có khối tài sản nào được coi là tài sản chung bởi quyền gia trưởng của người chồng gần như tuyệt đối (đặc biệt trong hôn nhân cum manu[8]), tất cả tài sản của gia đình đều bị coi là tài sản của người chồng, thậm chí vợ con cũng được coi là tài sản của chồng, người chồng có thể kiện đối với vợ theo hình thức kiện vật quyền (actio in rem). Hôn nhân sine manu được đánh giá là một hình thức giải phóng người phụ nữ khỏi quyền lực (manus) của người chồng. Sine manu được thiết lập trên cơ sở của nuptias consensus facit[9]. Nuptias consentus facit thực chất chỉ là một thỏa thuận ghi nhận và phân định khối tài sản riêng của người vợ có trước thời kì hôn nhân với tài sản trước và trong thời kì hôn nhân (khối tài sản này được coi là tài sản của người chồng), theo đó người vợ hoàn toàn được tự chủ trong quan hệ tài sản, người chồng chỉ có thể thực hiện quản lí tài sản riêng của vợ trên cơ sở hợp đồng ủy quyền quản lí của người vợ[10]. Nuptias consentus facit chỉ tồn tại trong hôn nhân Sine manu và Sine manu được áp dụng khi con gái của một nhà giàu kết hôn với người nghèo.

Stipuliatio

Vào cuối thời Cộng hòa, để ngăn ngừa việc cưới vợ nhằm lấy của hồi môn, sau đó li dị, luật La Mã đã qui định: trước khi kết hôn cho phép bố mẹ hoặc người chủ hộ (Pater familias) của cô dâu thỏa thuận điều kiện về của hồi môn nếu trường hợp li dị hoặc người chồng chết trước thì của hồi môn được trả lại cho vợ[11]. Thỏa thuận đó được gọi là stipuliatio, thỏa thuận stipuliatio thường có nội dung sau:

–  của hồi môn sẽ thuộc về chồng hoặc nhà chồng nếu như vợ chết

–  hoặc của hồi môn sẽ được trả lại cho bố mẹ vợ nếu như vợ chết trước.

–  trong trường hợp người chồng chết thì của hồi môn buộc phải trả lại cho bố đẻ hoặc pater familias của vợ[12].

Nuptias consentus facit hay stiputliatio thực chất cũng chưa mang tất cả những đặc điểm của khế ước hôn nhân nhưng cũng mang những yếu tố sơ khai ban đầu của hôn khế – đặc trưng của chế độ tài sản ước định.

Hôn khế là sản phẩm của một quá trình lịch sử lâu dài.

Hôn khế ra đời từ quá trình đấu tranh và dung hòa của các truyền thống văn hóa, quyền lực nhà nước, quyền tự do của con người và tư tưởng tôn giáo (ở đây là ki tô giáo – tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước tới nay[13]). Vào thời kì khởi thủy của Ki tô giáo, quan niệm về hôn nhân chịu ảnh hưởng của hai truyền thống: truyền thống Do Thái[14] và truyền thống Roma[15]. Theo truyền thống Do Thái, tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng trong hôn nhân, nó được thể hiện thông qua các nghi lễ các lời chúc tốt lành. Người Do Thái cử hành hôn nhân thành hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là lễ đính hôn việc cử hành lễ đính hôn bao gồm cả việc đọc kinh chúc phúc, giai đoạn hai là hôn lễ, cử hành khoảng một năm sau lễ đính hôn với những nghi lễ long trọng. Trong khi đó truyền thống Roma lại coi trọng sự thỏa thuận, chính quyền Roma không can thiệp vào sự cử hành các nghi lễ, họ tôn trọng các phong tục của các dân tộc sống trên đế quốc La Mã[16] tuy nhiên các luật gia La Mã lại sớm ấn định các yếu tố pháp lí phòng khi xảy ra các trường hợp kiện tụng[17]. Vì thế nên nếu ai muốn cử hành hôn lễ theo nghi thức nào cũng được nhưng bắt buộc phải có sự thỏa thuận, nếu như chưa có sự thỏa thuận công khai thì luật pháp coi như hai người chưa phải là vợ chồng của nhau. Thời kì đầu này có lẽ ki tô giáo chịu ảnh hưởng của truyền thống Do Thái nhiều hơn, bởi có lẽ lúc đó ki tô giáo chưa phát triển mạnh, nó chỉ ở trong phạm vi hạn hẹp của vùng ­­­­­­­­­­­­­Jerusalem và cũng chưa được chính quyền dùng đến nhiều, điều này thể hiện ở các quan điểm về hôn nhân trong kinh Tân ước: người chồng không được đối xử với người vợ như là một món đồ sở hữu theo quan điểm Roma, vợ chồng phải chung thủy với nhau, việc li hôn bị cấm.

Thế kỉ thứ II trở đi lãnh thổ của La mã không những không được mở rộng thêm nữa mà còn luôn bị đe dọa. Giữa thế kỉ thứ IV các bộ lạc người Giéc Manh[18] đã tràn vào xâm lược La Mã, đến thể kỉ thứ V trên sự tan rã của đế quốc La Mã người Giéc manh đã thiết lập được một số đế quốc phong kiến ở Tây Âu[19]. Ở giai đoạn này các cơ cấu xã hội bị đảo lộn, quyền lực chuyển dần về tay giáo hội. Lúc này các giám mục không những chỉ phải giảng giải về đạo đức trong hôn nhân, không phải chỉ lo khuyên bảo, răn dạy cho các cặp đôi mà nhiều lần phải đảm đương vai trò của pháp luật, thêm vào đó để dung hòa xung đột với dân truyền thống của dân Giecmanh, việc sự thỏa thuận trong hôn nhân đã được khẳng định rõ ràng trong giáo luật. Ngoài ra việc khẳng định sự thỏa thuận trong hôn nhân cũng nhằm tới những vấn đề xã hội thực tiễn nữa: khi nhấn mạnh tới sự thỏa thuận của đôi vợ chồng trong hôn nhân, Giáo hội muốn bài trừ một hủ tục đương thời trong đó hôn nhân do cha mẹ xếp đặt: hôn nhân là cơ hội để các họ tộc kết nghĩa tăng thêm vây cánh, và do đó chỉ chú ý tới lợi lộc vật chất của gia đình chứ chẳng màng tới hạnh phúc của đôi vợ chồng[20]. Và để sự thỏa thuận này được thực hiện nghiêm túc, giáo luật cho rằng sự thỏa thuận cần diễn ra theo thể thức pháp định thì mới có giá trị.

Sang thế kỷ 13, quan điểm của tôn giáo lại cho rằng sự thỏa thuận là nguyên nhân tác thành của hôn nhân nhưng nhưng bản chất của sự tác thành nên hôn nhân lại không phải là một sự thỏa thuận. Đối tượng của sự thỏa thuận chính là sự kết hợp của vợ chồng mang theo những nghĩa vụ và quyền lợi căn bản của hôn nhân, và vì thế thỏa thuận này đã bao hàm cả những vấn đề về quyền lợi và nghĩa vụ của vợ chồng trong thời kì hôn nhân[21]. Có lẽ từ đây mới xuất hiện một loại khế ước về quyền lợi vợ chồng (bao gồm cả vấn đề tài sản của vợ chồng) trong thời kì hôn nhân. Hôn khế đã được ghi nhận giá trị pháp lí trong Bộ Luật dân sự đầu tiên trên thế giới – Bộ luật dân sự Napoleon 1804.

Ngoài ra hôn nhân công giáo có hai đặc điểm là một vợ một chồng và bất khả phân li nên giáo hội không cho phép việc li hôn, dưới thời trung cổ do giáo hội nắm quyền nên pháp luật các nước cũng không cho phép vợ chồng li hôn. Tuy nhiên trong đời sống chung vợ chồng không thể tránh khỏi những mâu thuẫn và nhiều trường hợp mâu thuẫn đó dẫn đến tình trạng vợ chồng không muốn chung sống hay không thể chung sống với nhau nữa. Lúc đó cần có một giải pháp để giải tỏa xung đột giữa vợ chồng và việc sống li thân cùng với sự biệt lập về tài sản là cần thiết. Vậy nên việc qui định trước về vấn đề tài sản của vợ chồng là cần thiết để đảm bảo tự do cho cá nhân.

Theo người viết, lí giải về sự ra đời của hôn khế như thế trên mới thấy được tính khách quan của sự tồn tại của hôn khế, của chế độ tài sản ước định.

4. Khả năng áp dụng hôn khế vào Việt Nam.

Khi chưa có gia đình vấn đề sở hữu tài sản của một cá nhân khi tham gia các giao dịch không đễn nỗi quá phức tạp : tài sản mang ra giao dịch, kinh doanh là tài sản của cá nhân, hoàn toàn do các nhân tự định đoạt và chịu trách nhiệm. Khi đã kết hôn, mọi việc đã thay đổi. Tài sản sử dụng trong kinh doanh, giao dịch có thể là tài sản chung của vợ chồng, các giao dịch cá nhân tham gia có thể bị vô hiệu do chưa được sự đồng ý của người kia. Pháp luật chuyên ngành (luật doanh nghiệp, luật thương mại, luật đầu tư…) không có qui định riêng cho vấn đề này, luật Hôn nhân và gia đình qui định tương đối khái quát, nhưng tài sản vợ chồng trong hoạt động sản xuất kinh doanh là một vấn đề rất quan trọng. Dù là dưới khía cạnh lợi ích thì đây không chỉ là vấn đề lợi ích của người thứ ba tham gia giao dịch mà còn liên quan đến sự tự do định đoạt tài sản của vợ chồng, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế gia đình. Hôn khế có thể là một phần của giải pháp cho vấn đề này. Hôn khế tạo điều kiện cho vợ chồng được tự do phát triển kinh tế và tránh những tranh chấp phát sinh.

Hôn khế được áp dụng ở rất nhiều quốc gia: không chỉ là các quốc gia theo Thiên chúa giáo mà có cả các quốc gia Hồi giáo (Phi – lip – pin, I – sra – el) hay phật giáo (Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan), không chỉ các quốc gia châu Âu, châu Mĩ, châu Úc mà có cả các quốc gia châu Á (Ai cập, Sing – ga – po, Nhật Bản), châu Phi (Nam Phi, Jam – mai – ca). Trung Quốc một quốc gia có chế độ xã hội tương tự với Việt Nam tuy chưa thừa nhận hôn khế nhưng lại cho phép thỏa thuận về tài sản của vợ chồng, nó chỉ khác hôn khế ở chỗ được lập sau khi kết hôn.

Trong lịch sử lập pháp Việt Nam, hôn khế không phải là chưa từng tồn tại. Trong thời kì Pháp thuộc, hôn khế được qui định ở Bộ dân luật Bắc kì 1931, dân luật Trung kì 1936 và Dân luật giản yếu nam kì 1983, thời kì Mỹ Diệm: hôn khế đã được ghi nhận trong Luật Gia đình năm 1959, Dân luật Nam kì năm 1972. Tuy nhiên việc ghi nhận hôn khế trong các văn bản đó là do ảnh hưởng của dân luật Pháp chứ cũng không do sự biến đổi nội tại của xã hội Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các sắc lệnh do chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành cũng không có bất cứ qui định nào đề cập đến hôn khế hay việc không thừa nhận hôn khế, có thể nói rằng: thời đó, hôn khế vẫn được pháp luật Việt Nam dân chủ cộng hòa (theo chế độ xã hội chủ nghĩa) thừa nhận. Tuy nhiên từ khi luật hôn nhân gia đình năm 1959 ban hành, chế độ tài sản vợ chồng ở Việt Nam là chế độ cộng đồng toàn sản, trong một khoảng thời gian hơn 25 năm, pháp luật Việt Nam không thừa nhận tài sản riêng của vợ chồng. Đến khi luật hôn nhân gia đình năm 1986 ra đời, chế độ tài sản vợ chồng ở Việt Nam là chế độ cộng đồng động sản và tạo sản, vợ chồng có tài sản riêng, luật cũng cho phép vợ chồng được chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân (việc chia tài sản này phải có bản án của tòa án). Trong luật hôn nhân gia đình năm 1986 vợ chồng cũng không được thỏa thuận bất cứ vấn đề gì về sở hữu tài sản trừ vấn đề nhập tài sản riêng có trước hoặc trong thời kì hôn nhân thành tài sản chung. Luật hôn nhân năm 2000 ra đời kèm theo đó là Nghị định 70 đã tạo ra một sự thay đổi cơ bản gây nhiều tranh cãi đó là chế định chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân với hậu quả pháp lí được qui định trong Điều 8 Nghị định 70. Nhìn lại phần tóm tắt của qui định về tài sản vợ chồng ở Việt Nam và những qui định trong pháp luật hôn nhân gia đình hiện tại, có thể thấy pháp luật tương đối mở cho những thỏa thuận về tài sản của vợ chồng. Đây có thể xem là dấu hiệu tốt cho tương tai của hôn khế tại Việt Nam.

Mặc dù còn nhiều quan điểm phản đối sự tồn tại của hôn khế trong hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, song người viết cho rằng: với sự thay đổi của xã hội Việt Nam hiện đại, với quá trình hội nhập quốc tế kéo theo đó là sự thay đổi về chức năng kinh tế của gia đình; thêm vào nữa là những vấn đề về tài sản vợ chồng trong quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, hôn khế sẽ không thể không được thừa nhận trong tương lai.

[1] TS. Nguyễn Văn Cừ, Chế độ tài sản vợ chồng theo pháp luật Việt Nam, NXB Tư pháp, 2008, tr. 9

[2] từ khi kết hôn cho đến khi hôn nhân chấm dứt (li hôn hoặc vợ, chồng qua đời).

[3] Chế độ tài sản pháp định là chế độ tài sản mà trong đó căn cứ về nguồn gốc tài sản, thành phần các loại tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với các loại tài sản, các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng, phương thức thanh toán liên quan đến các khoản nợ chung và nợ riêng của vợ chồng được xác định theo các căn cứ pháp luật

[4] Dễ dàng tìm đọc quan điểm này tại các bài viết về chế độ tái sản vợ chồng. xin trích dẫn một vài tài liệu: Nguyễn Hồng Hải, Xác định tài sản của vợ chồng một số vấn đề lí luận và thực tiễn, luận văn thạc sĩ trường Đại học Luật Hà Nội, 2002; TS. Nguyễn Văn Cừ, Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, NXB Tư pháp, 2008; …

[5] (Theo tiếng Latinh) có nghĩa là thỏa thuận hôn nhân.

[6] Hôn nhân không dưới quyền của người chồng (tiếng Latinh), hình thức hôn nhân này tồn tại trước thời hoàng đế Justinian.

[7] thỏa thuận điều kiện về của hồi môn (thỏa thuận này tồn tại vào cuối thời kì cộng hòa, khoảng thế kỉ thứ 2 trước công nguyên).

[8] hôn nhân dưới quyền của người chồng

[9] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật La Mã (chủ biên ThS Nguyễn Minh Tuấn), NXB Công an nhân dân, Hà Nội 2001, tr. 160

[10] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật La Mã, sđd, tr. 160

[11] Có sự thay đổi thiên về phía bảo vệ quyền lợi cho người phụ này có lẽ bởi khi nhà nước La Mã mở rộng lãnh thổ, người đàn ông thường phải xa nhà đi chiến đầu và có thể không quay trở về, người phụ nữ buộc phải học cách quản lí gia đình và quyết định những việc mà trước kia người quyết định luôn là người đàn ông, chính vì vậy giá trị gia đình đã thay đổi phần nào.

[12] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật La Mã, sđd, tr. 162

[13] Almanach những nên văn minh thế giới, NXB Văn hóa thông tin 1996, tr. 1043

[14] Bởi đạo ki tô phát sinh từ trong lòng đạo Do Thái.

[15] Đạo Ki tô ra đời tại vùng đất của đế chế La Mã đến năm 61 thì đạo ki tô trở nên phổ biến ở La Mã

[16] khi đó đế quốc La Mã đã rất rộng lớn bao trùm phần lớn châu Âu hiện nay và  có nhiều dân tộc sinh sống và các nghi lễ là vô cùng đa dạng, việc không thể thống nhất nghi lễ kết hôn là điều tất yếu.

[17] kiện tụng có thể xảy ra bởi dưới thời La Mã một thời gian dài người vợ được coi là tài sản của người chồng, điều này biểu hiện ở nghi lễ usus, nghi lễ này có nội dung là hôn nhân xác lập trên thời hiệu kết hôn, người nam và người nữ theo nguyên tắc consensus chung sống với nhau một năm, chỉ khi trọn 1 năm chung sống thì mới dược coi là kết hôn và manus của người chồng mới được thiết lập, ở La Mã cũng tồn tại hình thức mua vợ – nghi lễ Coemptio

[18] Lúc đó người Giec Manh vẫn chưa có nhà nước, sau khi xâm lược La Mã họ đã có bước nhảy vọt chuyển từ xã hội thị tộc sang xã hội phong kiến, không qua giai đoạn xã hội chủ nô.

[19] Vương quốc Vi di gôt gồm Tây Ba Nha và miền tây nam Gô lơ, Vương quốc Buyếc gông ở miền nam Gô lơ, Vương quốc Frăng ở Bắc Gô lơ, vương quốc Xắc xông ở Anh, vương quốc Ôxtorogot ở Italya…

[20] Linh mục Phan Tấn Thành, Thần học về hôn nhân – gia đình, vatican radio

[21] Thời kì hôn nhân lúc này chỉ chấm dứt khi một người qua đời, bởi hôn nhân công giáo là bất khả phân li.

Share this:

  • Facebook
  • X
Like Loading...

Related

Entry filed under: Ben's post, Post, Prenup.

Từ khóa » Khế Hôn Wordpress