Giữ Lại Hồn Quê - Báo Đà Nẵng
Có thể bạn quan tâm
Các nông cụ, đồ dùng sinh hoạt của người dân trước đây giờ đang mất dần sự hiện diện trong cuộc sống. Như một cách giữ lại hồn quê, tại một số hội làng ở Đà Nẵng, người ta trưng bày các bộ sưu tập như: nồi đồng, ấm tích, chén bát, cày, bừa, nong nia, giần, sàng... Đứng trước những vật dụng ấy, người lớn được ôn lại kỷ niệm xưa, lớp trẻ biết được cha ông mình ngày trước sinh sống như thế nào.
Những chiếc cối đá trong bộ sưu tập ở nhà cổ Tích Thiện Đường. Ảnh: V.T.L |
“Bảo tàng” rổ, rá, giần, sàng
Lễ hội đình làng Hòa Mỹ (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) vào đầu tháng Giêng 2017 thu hút đông đảo người dân khắp nơi đến tham quan. Nét mới của lễ hội là phòng trưng bày những hiện vật cổ xưa như nông cụ, ngư cụ, các vật dụng sử dụng trong đời sống hằng ngày gắn liền với người dân Hòa Mỹ những năm trước đây. Những vật dụng vốn thân thuộc nay đã lui vào dĩ vãng khi nghề nông được cơ giới hóa. Từ công cụ sản xuất nông nghiệp như: cày, bừa, cối, chày, ang đong lúa, bồ đựng lúa, gàu tát nước, liềm, rựa… đến dụng cụ đánh bắt cá như: nơm, nhũi, rập, rớ… và nhiều nhất là những vật dụng sử dụng hằng ngày trong gia đình như: chén bát, hũ đựng mắm, mâm đồng, nồi đồng, bàn in bánh…
Ông Huỳnh Tân (người làng Hòa Mỹ) ngắm nghía, sờ từng cái tráp (được đan bằng tre, xưa dùng để đựng trầu cau đi hỏi vợ) mà rưng rưng. Sực nhớ ra điều gì, ông quay sang nói với người láng giềng: “Tui phải về dẫn vợ tui ra xem. Không ngờ người làng mình còn giữ được những vật dụng này hay quá. Nhìn vật mà nhớ lại biết bao kỷ niệm, một thời gian khó đã qua”.
Một lão niên bảo: “Trải qua nửa đời người, nhưng nhiều người ở thành phố không biết tên gọi của những nông cụ gắn bó với đời sống người nông dân xưa kia. Họ liên tục đặt tên nhầm hoặc có trường hợp gọi được tên nhưng không biết công năng sử dụng như thế nào. Nhiều cháu sinh viên ở các trường đại học trên Hòa Khánh nghe Hòa Mỹ có nhà trưng bày đồ dùng nhà nông nên đến tham quan, tìm hiểu. Các cháu không biết cái chày, cái cối to như vậy là để làm gì. Chúng tôi phải bố trí người thuyết minh, giải thích cặn kẽ. Mục đích là để các cháu hình dung ra được cảnh vất vả, cực nhọc của người nông dân trong quá trình “chế biến” hạt thóc thành hạt gạo: từ khi gặt lúa về, rồi người nông dân tách lúa ra khỏi bông ra sao; phân thóc lép, thóc mẩy bằng cách nào; xay lúa thành gạo ra sao. Qua đó, các cháu thêm quý trọng tinh thần lao động cần cù, nhẫn nại của cha ông”. Ông Nguyễn Văn Hiển (Trưởng ban Hội đồng các gia tộc làng Hòa Mỹ) cho biết, ý tưởng xây dựng phòng trưng bày vật dụng xưa cũ đã được ông và ông Trương Quang Phước (đã mất) thai nghén từ rất lâu nhưng đến nay mới thực hiện được. Từ năm 2005, làng đã phát động trong nhân dân, mỗi gia đình cần sưu tầm, gìn giữ những hiện vật cổ xưa của cha ông. Dù là cái nồi sứt quai hay cái liềm, cái rựa rỉ cũng nên giữ lại. Nhờ phát động sớm, dịp lễ hội vừa qua, trong làng có gần 30 hộ còn giữ được những vật dụng cũ và hiến tặng để trưng bày.
Thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang là một trong những thôn hiếm hoi của Đà Nẵng còn lưu giữ khá nguyên vẹn khung cảnh, lối sống, đồ dùng sinh hoạt cổ xưa. Nổi bật nhất là ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường có tuổi đời ngót nghét 200 năm. Trong sân nhà, dưới những tán lá là đôi gàu gánh nước, cối xay bột, cối giã gạo... Những người trung niên, lão niên khi đến đây, hẳn sẽ gặp lại những kỷ niệm thân thương của thời thơ ấu. Chủ nhà cổ Tích Thiện Đường, ông Đỗ Hữu Minh, sau nhiều năm sưu tầm, tích cóp, ông đã lập được một gian trưng bày nông cụ sản xuất của người xưa. Ông Nguyễn Đăng Dự, nhà bên cạnh thì giới thiệu khách đến với vườn cây ăn trái, biểu diễn sản xuất nông nghiệp như cày bừa, trồng rau…
Một góc trưng bày những đồ dùng xưa cũ của ông Châu. Ảnh: Q.T |
Cất công gìn giữ
Có nhiều người xem việc lưu giữ các loại dụng cụ của ông bà như là thú vui chơi tiêu khiển, nhưng sâu xa, họ mong muốn con cháu đời sau sẽ thông qua những vật dụng ấy mà hiểu được cha ông đã sinh hoạt và lao động sản xuất như thế nào. Ngôi nhà của ông Trà Văn Châu, một trong những người góp hiện vật nhiều nhất trong lễ hội đình làng Hòa Mỹ vừa qua được dành hẳn một nửa diện tích để trưng bày những đồ đạc xưa cũ. Chúng tôi như lạc về thế giới của những vùng thôn quê bình dị. Mỗi hiện vật đều mang hơi thở và chứa đựng những thông tin về cuộc sống nhà nông. Từng hiện vật được chủ nhân sưu tầm về, tìm hiểu gốc gác và dán giấy thuyết minh cẩn thận. Ông Châu chia sẻ, gia đình ông gốc nông dân, từ nhỏ ông đã gắn bó với những đồ dùng như chiếc cối giã gạo, liềm cắt lúa, gàu tát nước, nơm úp cá, dậm, giỏ đựng cua cá và các loại rổ, rá, giần, sàng… Khi đất nông nghiệp dần thu hẹp rồi mất hẳn, cuộc sống gia đình đã ổn định, song những ngày làm ruộng đã in sâu trong tâm trí ông. May mắn là công việc sưu tầm đồ dùng xưa của ông Châu được vợ ông ủng hộ. Bà cũng là phụ nữ lớn lên từ nông thôn nên hiểu và giúp đỡ ông trong việc sưu tầm, lưu giữ những vật dụng đó. Nếu khách đến nhà muốn tham quan “bảo tàng” mà không có ông ở nhà, bà là người giúp khách tìm hiểu các vật dụng.
Cùng làng Hòa Mỹ, ông Nguyễn Đức còn giữ bộ nồi đồng 10 chiếc có tuổi đời cả trăm năm. Ông kể, bộ nồi đồng này truyền đến đời ông là bốn đời. Ông từng giúp bà nội nấu cơm bằng củi, khói bếp khiến mắt cay xè. Ông là người cuối cùng trong gia đình biết đến chuyện nấu cơm, hấp khoai, sắn bằng nồi đồng. Con cháu ông không ai biết tới. Thi thoảng, dịp Tết cổ truyền, quây quần cùng con cháu bên nồi bánh chưng, bao giờ ông cũng nhắc lại chuyện xưa: “Vào ngày mùa, ông tổ thường mượn người gặt. Chỉ có nồi 10 (nấu được 1 ang lúa, cho từ 25-30 người ăn) mới đủ cơm cho thợ gặt...”.
Ngày nay, những vật dụng thô sơ xưa được thay thế bằng chất liệu hiện đại. Nếu không lưu giữ, bảo quản chúng thì chẳng bao lâu nữa các thế hệ sau không biết ông cha ta sản xuất nông nghiệp thế nào, sinh sống ra sao. “Hiện nay, phòng trưng bày vật dụng nhà nông của đình làng Hòa Mỹ được tổ chức cùng với lễ hội (4 năm/lần). Kết thúc lễ hội thì vật dụng của ai đem về nhà nấy vì nhà văn hóa không có người để bảo quản, giữ gìn. Trong xu hướng đô thị hóa, các dụng cụ phục vụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, không gian về một miền quê thanh bình thuở xưa đang dần biến mất. Nếu chúng ta xây dựng được một bảo tàng nhà nông được mở cửa thường xuyên thì không chỉ có thể phát triển du lịch mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ”, ông Nguyễn Văn Hiển trải lòng.
QUỲNH TRANG
Từ khóa » đồ Gặt Lúa Gọi Là Gì
-
Lưu Giữ Giá Trị Nông Cụ Truyền Thống - Báo Cà Mau
-
Liềm – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nông Cụ Truyền Thống Việt Nam - Wikipedia
-
'gặt Lúa' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt
-
Nông Cụ, Vật Dụng Và Cách Sử Dụng Trong Nghề Nông Cổ Truyền ...
-
Giải Thích Thuật Ngữ, Nội Dung Và Phương Pháp Tính Một Số Chỉ Tiêu ...
-
Dụng Cụ Nhà Nông Một Thời để Nhớ - Báo Nghệ An
-
Đặc điểm Các Vụ Mùa Lúa Trong Năm ở Việt Nam - AgriDrone
-
[E-Magazine] - Lúa Gặt Rồi, Còn để Lại Rơm Thơm… - Báo Thanh Hóa
-
Nghề Trồng Lúa Nước - Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Cà Mau
-
Cái Bồ đập Lúa Của Ba - Báo Tây Ninh Online
-
Cây Lúa Việt Nam Xưa.Phần I :LIÊN QUAN ĐẾN CÂY LÚA TRONG ...
-
Khảo Nghiệm Giống Lúa Mới, Nâng Cao Năng Suất, Chất Lượng