Giữ Thế Tăng Trưởng Xuất Khẩu Thủy Sản - Báo Thanh Tra

Bắt nhịp phục hồi Các chuyên gia ngành thủy sản đánh giá, bước sang năm 2022, gần như cả thế giới đã sẵn sàng mở cửa sau đại dịch COVID-19, nhu cầu thuỷ sản ở tất cả các phân khúc hồi phục rất mạnh, trong khi nguồn cung của các nước không đáp ứng kịp, dẫn đến lạm phát giá mức kỷ lục tại nhiều thị trường, nhất là Mỹ, Trung Quốc, EU…

Đồng thời, xung đột Nga – Ukraine càng làm cho thị trường thiếu hụt nguồn cung thuỷ sản, khi hàng loạt các quốc gia châu Âu ra lệnh cấm nhập khẩu thuỷ sản của Nga. Điều này khiến các thị trường nhập khẩu thủy sản chuyển hướng sang nhập khẩu của các quốc gia ngoài Nga; trong đó có Việt Nam.

Theo nhìn nhận của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kì năm 2021 là do có lượng nguyên liệu tồn kho từ cuối năm 2021 và nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng từ cuối năm 2021 với giá cao.  Đồng thời, bởi sự lạm phát giá, các thị trường gia tăng nhập khẩu sản phẩm thủy sản đông lạnh và các dòng sản phẩm có giá phù hợp với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Bởi thủy sản tươi sống tăng giá nên lượng tiêu thụ sẽ giảm. Điều này dẫn đến xuất khẩu sản phẩm thủy sản đông lạnh tăng cao hơn cùng kì năm 2021, hơn 4 tỷ USD, tăng 54%.

Đối với sản phẩm tôm, thuận đà phát triển trong quý I/2022, ngành tôm vẫn còn sự tăng trưởng kéo theo trong quý II/2022, kết quả là ngành tôm có sự tăng trưởng xuất khẩu hơn so với cùng kì năm 2021 là hơn 20%.

Ông Đỗ Ngọc Tài, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Ngọc Trí chia sẻ, trong nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm đã đưa sản phẩm tôm đến 85 thị trường trên thế giới, đạt kim ngạch hơn 1,8 tỷ USD, tăng hơn 40% so với cùng kì năm 2021.

Phân tích về sự tăng trưởng trong nửa đầu năm 2022 này, ông Đỗ Ngọc Tài cho biết, hiện tình trạng lạm phát tiền tệ của các quốc gia so với đồng USD đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với sự lạm phát này, biến động giá xăng dầu cũng là nguyên nhân các mặt hàng tăng giá theo. Thêm vào đó, sự cạnh tranh của tôm Ecuador và tôm Ấn Độ có biến động giảm do kiểm nghiệm gắt gao của thị trường Trung Quốc trong chiến dịch Zero COVID-19.

Với thị trường cá tra, các chuyên gia ngành hàng cá tra cũng nhìn nhận có sự tăng trưởng kể từ sau khi Việt Nam mở cửa trở lại trạng thái bình thường mới. Bà Trương Thị Tuyết Hoa, đại diện Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn chia sẻ, cá tra Việt Nam đã được xuất khẩu 120 thị trường; trong đó, thị trường Mỹ, Trung Quốc là những thị trường trụ cột, cả hai thị trường này đều ghi nhận sự tăng trưởng 3 con số, mang về kim ngạch hơn 1,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022.   Phụ thuộc nhiều yếu tố

Sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm 2022 mang lại niềm vui lạc quan cho toàn ngành sau một thời gian gián đoạn để ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, với nhiều sự biến động từ các lĩnh vực tiền tệ, nguyên nhiên liệu, an ninh thế giới như hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam cảnh báo sẽ có những biến động mà cộng đồng doanh nghiệp thủy sản phải nỗ lực xử lý để được phát triển thuận lợi.

Theo đó, căng thẳng Nga – Ukraine kéo dài trong gần 4 tháng qua đã tác động đến giá xăng dầu thế giới nói chung và trong nước nói riêng. Bên cạnh đó là sự cấm nhập khẩu các sản phẩm cả Pollock của Nga tại một số quốc gia châu Âu. Hiện Trung Quốc vẫn còn kéo dài chiến dịch Zero COVID-19 để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trở lại tại quốc gia này trong đầu năm 2022.

Với những biến động này, các chuyên gia ngành cá tra nhìn nhận sẽ là cơ hội cho con cá tra Việt Nam khi tiến vào các thị trường châu Âu vì lựa chọn sản phẩm thay thế con cá pollock của Nga. Không những vậy, với thị trường Trung Quốc, tồn kho cá tra đang cạn dần bởi các chính sách nhập khẩu ứng phó với dịch bệnh COVID-19, cộng với hiệu lực các Lệnh 248, 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, có hiệu lực từ tháng 4/2022, khiến cho nguồn hàng của Trung Quốc chưa thể bổ sung kịp thời vào kho. Đây là cơ hội cho cá tra Việt Nam trong những tháng cuối năm tiến vào thị trường này.

Mặc dù cá tra dự báo sẽ được nhiều thuận lợi, nhưng với dòng sản phẩm khai thác, đánh bắt lại được nhận định sẽ có nhiều khó khăn hơn do giá xăng dầu tăng cao, ngư dân tổ chức các chuyến đi biển khai thác thưa dần so với trước đây.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định chia sẻ, nếu trước đây giá xăng dầu thấp hơn thì ngư dân có thể đi biển 5 chuyến/năm, nhưng hiện nay giá xăng dầu tăng chóng mặt, số chuyến biển giảm lại bởi chi phí đội lên rất nhiều nhưng lợi nhuận không cao.

Thêm vào đó, các quốc gia khác cũng giảm dần các chuyến biển, khiến cho nguồn nguyên liệu cá ngừ nhập khẩu phục vụ cho chế biến cũng khó khăn hơn. Trước cơ hội tăng trưởng của ngành thủy sản, thì ngành chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương đang phải đối diện với việc xoay sở nguồn nguyên liệu, mới có thể ký kết và đáp ứng đơn hàng.

Chính những thuận lợi, khó khăn diễn ra song song trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới hiện nay, ngành thủy sản được dự báo một bức tranh đầy sự phức tạp trong việc ứng phó để đảm bảo sự tăng trưởng như đã kì vọng.

Ông Đỗ Ngọc Tài chia sẻ, ngành thủy sản sẽ có dấu hiệu chững lại trong quý III/2022, đến quý IV/2022 mới có sự đột phá do các thị trường chuẩn bị nguồn thực phẩm cho các lễ hội vào cuối năm. Như vậy, ngành thủy sản được dự báo có khả năng chạm mốc xuất khẩu 10 tỷ USD như mục tiêu đã đề ra ngay từ đầu năm, cũng là một bước tiến khả quan của toàn ngành trong năm nay.

Hồng Nhung

Từ khóa » Thủy Sản Quý 3