Giữ Vững 'vùng Xanh' để Sản Xuất ở Gò Công Tây

Chú thích ảnh
Chốt kiểm soát người và phương tiện để bảo vệ vùng xanh tại thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN

Trong việc ứng phó đại dịch vừa qua, huyện đã đúc kết được những bài học kinh nghiệm quý trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

Cụ thể là quyết tâm xây dựng và bảo vệ “vùng xanh” song song với tổ chức lại sản xuất trong các địa bàn an toàn dịch bệnh, hỗ trợ nông dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mở mang thương mại – dịch vụ, đảm bảo an sinh xã hội và cuộc sống người dân qua đại dịch.

Theo Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Huỳnh Thanh Bình, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát lần thứ tư, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương bám sát các chỉ đạo Trung ương, của tỉnh cũng như dựa vào tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn đưa ra những biện pháp quyết liệt, phù hợp thực tế vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả như: giải pháp bảo vệ, giữ vững vùng xanh cấp huyện, cấp xã; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phương châm “5K + vaccine”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác...

Huyện lập các chốt kiểm tra cấp huyện, xã và xóm ấp kiểm tra chặt chẽ người ra vào địa bàn, không cho người từ ngoài tỉnh vào địa phương; hoạt động kinh doanh, mua bán, các cơ quan, đơn vị…đều phải đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh muốn hoạt động phải có phương án phòng, chống dịch được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, thực hiện nghiêm thông điệp 5K và theo dõi test nhanh toàn bộ người lao động định kỳ. Đồng thời, huyện đẩy mạnh chiến dịch tầm soát cộng đồng để bóc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng, tiêm ngừa vaccine kịp thời khi được phân bổ cũng như điều tra, truy vết thần tốc, khoanh vùng dịch tễ chặn đứng nguồn lây, dập dịch không để lây lan ra cộng đồng. Đến đầu tháng 10/2021, Gò Công Tây đã có 10.149 người trong độ tuổi tiêm 1 mũi vaccine và 653 người tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Song song đó, Gò Công Tây cũng triển khai mạnh mẽ việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và các năm tiếp theo khi địa bàn được công nhận “vùng xanh” và tiếp tục chuyển biến tích cực về trạng thái bình thường mới.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây Ngô Văn Dũng cho biết, dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ tư trùng với thời điểm sản xuất vụ Hè Thu 2021. Huyện tạo thuận lợi cho nông dân, thương lái và phương tiện xuống đồng, đảm bảo thu hoạch ăn chắc lúa thóc, hoa màu. Trong quá trình lao động, người dân phải tuân thủ 5K và đảm bảo các quy định nghiêm ngặt về an toàn phòng, chống dịch.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các hợp tác xã và tổ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị, thúc đẩy tiêu thụ, lưu thông hàng hóa nông sản.

Ngoài ra, quan tâm tình hình cung ứng vật tư nông nghiệp, chú trọng bình ổn giá vật tư đầu vào hỗ trợ người dân tái đầu tư sản xuất.

Sản xuất rau an toàn là thế mạnh của huyện “vùng xanh” Gò Công Tây. Vừa tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất vừa liên kết thị trường, tiêu thụ nông sản hàng hóa hiệu quả là kinh nghiệm hay của các hợp tác xã chuyên canh rau Phú Quới trên địa bàn xã Yên Luông, Hòa Thạnh tại xã Bình Tân, Thạnh Hưng tại xã Thạnh Trị... nằm trong địa bàn Gò Công Tây.

Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Thạnh Hưng Nguyễn Hiệp Thuận cho biết, hợp tác xã có quy mô sản xuất 20 ha rau an toàn; trong đó có 5,2 ha đạt tiêu chí VietGAP, 102 thành viên với sản lượng cung ứng thị trường hàng năm đạt trên 1.200 tấn rau thương phẩm.

Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, tài xế và phụ xế các phương tiện vận tải rau màu luồng xanh của hợp tác xã đều được test nhanh 2 ngày đến 3 ngày/lần, lao động tại chỗ được test nhanh 7 ngày/lần và tuân thủ quy định an toàn phòng, chống dịch, thông điệp 5K,…Đồng thời, để không đứt gãy chuỗi sản xuất – cung ứng nông sản cho thị trường, hợp tác xã chủ động liên kết với các doanh nghiệp ở Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, các bếp ăn tập thể, các doanh nghiệp sản xuất “ba tại chỗ” trong ngoài tỉnh và các đơn vị kinh tế tập thể khác nhằm đảm bảo tiêu thụ rau màu hàng hóa, bảo đảm thu nhập cho thành viên và nông dân.

Nhờ vậy, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khi cả tỉnh phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa bàn bị phong tỏa, cách ly nhưng sản phẩm rau màu của Hợp tác xã Rau an toàn Thạnh Hưng (Thạnh Trị) nói riêng và rau màu huyện Gò Công Tây nói chung vẫn tiêu thụ thuận lợi, giá rau tăng khá, thu nhập nông dân ổn định.

Từ khóa » Gò Công Tây Cách Ly