Tiền Giang: Kiểm Soát Hiệu Quả Dịch COVID-19 để Xây Dựng Thành ...

Song song đó, huyện tổ chức lại sản xuất trong các địa bàn an toàn dịch bệnh, hỗ trợ nông dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi, đảm bảo an sinh xã hội… Nhờ vậy, huyện được công nhận là “vùng xanh” đầu tiên của tỉnh. Theo công bố cấp độ dịch mới đây của Sở Y tế, huyện Gò Công Tây ở cấp độ 2 và 4/13 xã, thị trấn đạt cấp độ 1, không có xã cấp độ 3 hoặc cấp độ 4.

Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Huỳnh Thanh Bình cho biết, huyện quyết tâm kiểm soát tốt, đẩy lùi dịch bệnh nhằm phấn đấu ra mắt thành công huyện nông thôn mới gắn với khôi phục sản xuất, kinh doanh. Thuận lợi của địa phương là chương trình xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân. Đến đầu năm 2021, 100% số xã đã ra mắt xã nông thôn mới, 2/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Vĩnh Bình đạt chuẩn văn minh đô thị. Đây là tiền đề, động lực thúc đẩy huyện đạt nông thôn mới cuối năm 2021.

Theo UBND huyện Gò Công Tây, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến năm 2021 đạt trên 4.629 tỷ đồng. Trong đó, riêng vốn đóng góp của cộng đồng dân cư 230 tỷ đồng, chiếm gần 5% tổng nguồn vốn đầu tư. Nhờ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hạ tầng nông thôn Gò Công Tây được cải thiện rõ nét. Kinh tế khởi sắc, diện mạo nông thôn thay đổi mạnh mẽ và tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đến nay, toàn huyện có 32/37 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia; 100% đơn vị cấp xã, thị trấn duy trì và đạt chuẩn phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2. Mạng lưới y tế được củng cố và phát triển, 12/13 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,56%. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên đạt 90,79%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 57,13 triệu đồng/người/năm. Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả đã xuất hiện, có sức lan tỏa sâu rộng như mô hình "Tuyến đường hoa", “Dòng kênh thông thoáng”, “Camera an ninh gắn với ánh sáng quang”, “Cổng rào phòng, chống tội phạm”...

Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và ứng dụng công nghệ cao, giúp nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa. Nhiều tiến bộ mới được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất đã mở ra cuộc cách mạng công nghệ trong nông nghiệp như “Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp nhà màng trong canh tác dưa lưới”, “1 phải, 5 giảm”. Kinh tế hợp tác phát triển làm nòng cốt đổi mới nông nghiệp, nông thôn, nông dân của huyện. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây Ngô Văn Dũng, huyện thành lập được 19 hợp tác xã trong đó có 16 hợp tác nông nghiệp và 3 hợp tác xã phi nông nghiệp, tăng 15 hợp tác xã so với năm 2011. Thực hiện chủ trương liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, địa phương tổ chức được các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm hiệu quả mà đi đầu là các Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng (xã Thạnh Trị), Hợp tác xã thương mại - dịch vụ Phú Quới (xã Yên Luông), Hợp tác xã nông nghiệp – dịch vụ Hòa Thạnh (xã Bình Tân)...

Trên cây lúa, thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, huyện xây dựng được 11 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 3.000 ha. Diện tích trên áp dụng qui trình canh tác ‘1 phải, 5 giảm”, được doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu. Nhờ vậy, chi phí sản xuất giảm, lúa hàng hóa được giá, lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ 2,4 đến 3,4 triệu đồng/ha. Nông dân an tâm thâm canh giành những vụ mùa bội thu.

Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Huỳnh Thanh Bình vui mừng cho biết, trong năm 2021, vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, huyện đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) là 5.160,857 tỷ đồng, tăng 0,14% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 57,13 triệu đồng và tăng 2,2% so với năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện được 83 tỷ đồng, đạt 100% so với dự toán tỉnh giao.

Đến đầu tháng 12/2021, qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ, Gò Công Tây cơ bản đạt 100% tiêu chí huyện nông thôn mới. Huyện đang chờ cấp thẩm quyền thẩm định, công nhận trong năm 2021. Thành công này, không chỉ giúp đổi mới nông nghiệp - nông dân - nông thôn mà còn mở ra bước ngoặt để huyện khôi phục, phát triển kinh tế trong giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Minh Trí

Từ khóa » Gò Công Tây Cách Ly