Gò Đống Đa ở đâu Hà Nội? - Văn Hóa Tâm Linh

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Sử sách cũ ghi lại và theo hồi cố của các cụ cao niên ở làng Thịnh Quang, Gò Đống Đa xưa kia nằm tại khu vực gần phía ngoài Kinh đô Thăng Long, thuộc đất làng Khương Thượng, huyện Quảng Đức, phủ Thuận Thiên. Đây cũng là một trong các bãi chiến trường diễn ra trận đại phá quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).

Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ

Quang Trung Hoàng đế (1753 – 1792) hay Bắc Bình Vương, tên thật là Nguyễn Huệ, sau đổi tên thành Nguyễn Quang Bình – là vị Hoàng đế thứ hai của Nhà Tây Sơn, sau khi Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho Ông.

Quang Trung không những là một vị tướng lĩnh quân sự xuất sắc, mà còn là nhà chính trị tài giỏi, đưa ra nhiều cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam. Ông và hai người anh em được biết đến với tên gọi “Tây Sơn tam kiệt”, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến phân tranh giữa nhà Trịnh (phía Bắc) và nhà Nguyễn (phía Nam), lật đổ hai tập đoàn phong kiến này cùng nhà Hậu Lê, chấm dứt tình trạng phân biệt Đàng Trong – Đàng Ngoài kéo dài suốt 2 thế kỷ. Ngoài ra, Quang Trung còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía Nam, của Đại Thanh từ phía Bắc. Trong 20 năm liền đã trải qua hàng chục trận đánh lớn và chưa hề thua một trận. Đồng thời, khi ở cương vị Hoàng đế, Ông cũng tỏ rõ tài cai trị khi đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ trong kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự,… nhằm xây dựng đất nước và tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại từ phương Tây.

Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ được các sử gia đánh giá là đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn. Công lao trị nước bình thiên hạ của ông được các bộ sử của nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn, các sử gia cận đại, hiện đại đánh giá rất cao. Khi Ông mất, nhân dân nhiều nơi đã xây lăng, lập đền thờ, dựng tượng đài và bảo tàng để tưởng nhớ công lao của Ông.

Chiến dịch Ngọc Hồi – Đống Đa, giải phóng Kinh thành Thăng Long

Về di tích lịch sử Gò Đống Đa, hiện có rất nhiều tài liệu và các công trình nghiên cứu của các chuyên gia và các nhà khoa học về những sự kiện đã từng diễn ra tại đây và các chiến trường phụ cận. Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa nói chung và chiến thắng Đống Đa nói riêng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) là một trong những trận chiến chống ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam và được các nhà nghiên cứu Việt Nam đánh giá là chiến công oanh liệt nhất của Hoàng đế bách chiến bách thắng Quang Trung – Nguyễn Huệ. Chiến thắng này đã chặn đứng ý định xâm chiếm Đại Việt của nhà Thanh dưới thời Càn Long thịnh trị. Vì vậy, nói về giá trị đặc biệt của di tích này là nói đến giá trị lịch sử, về nghệ thuật quân sự đặc sắc với những bước tiến quân thần tốc, bất ngờ, táo bạo tạo lên chiến thắng vang dội, làm cho quân địch không kịp trở tay.

Di tích Gò Đống Đa nguyên xưa là một trong những quả gò thuộc xứ Đống Đa. Trải qua năm tháng, trên các gò đống đó, cây cối mọc um tùm, nhiều nhất là cây đa nên nhân dân thường gọi những gò đống đó là gò Đống Đa. Địa danh có những gò đống đó gọi là xứ Đống Đa. Đến giữa thế kỷ XIX, các gò đống này vẫn còn y nguyên. Theo tấm bản đồ Hà Nội vẽ năm Tự Đức 26 (1873) thì chỉ còn 6 gò trong khu vực ghi là Đống Đa xứ. Trong khoảng đời Nguyễn và Pháp thuộc, những chiến tích lịch sử đó không được bảo vệ nên đã bị phá hoại dần, nhiều gò bị san bằng. Hiện nay chỉ còn lại hai gò được gọi là gò Đống Đa, tức gò thứ 13 lập thêm năm 1851 (trên gò có đền Trung Liệt nên gọi là gò Trung Liệt) và gò đống Thiêng (trong khu Thái Hà ấp, trên gò trước đây có chùa của làng Thịnh Quang, gọi là chùa Thiêng). Phía sau chùa Bộc, giáp chùa Đồng Quang còn gò Đầu Lâu nhưng đã bị phá từ lâu, nhân dân chỉ còn ghi nhớ vị trí và tên gò.

Năm 2010, nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, di tích Gò Đống Đa đã được tu bổ, tôn tạo và xây mới một số hạng mục công trình với tổng diện tích hơn 22.120,8m2.

Hiện tại, Gò Đống Đa bao gồm các hạng mục: Cổng, Gò Đống Đa, nghi môn, tượng đài Quang Trung, đền thờ Hoàng đế Quang Trung và các công trình phụ trợ.

Gò Đống Đa ở đâu Hà Nội?

Gò Đống Đa ở đâu Hà Nội?

Gò Đống Đa ở đâu Hà Nội?

Gò Đống Đa ở đâu Hà Nội?

Một số di tích liên quan tới di tích Gò Đống Đa

Chùa Bộc:

Trong trận Đống Đa, chùa Bộc bị thiêu trụi (1789), năm 1792 được trùng tu lại trên nền cũ, làm nơi quy y cho vong hồn quân Thanh và được đổi tên là chùa Thiên Phúc. Tuy nhiên, nhân dân vẫn quen gọi là Chùa Bộc để chỉ xác giặc bị phơi ra khắp nơi (Bộc có nghĩa “phơi bày”, ngôi chùa được xây dựng ngay nơi chiến địa mà quân thù chết phơi thây).

Chùa Bộc có liên hệ mật thiết với chiến thắng Kỷ Dậu (1789) của quân Tây Sơn. Ngay phía trước chùa Bộc vẫn còn một cái hồ, được gọi là hồ Tắm Tượng, nơi đội hình voi của nghĩa quân Tây Sơn tắm sau khi hạ được đồn Khương Thượng. Sau lưng chùa có di tích Loa sơn, nơi tướng giặc Sầm Nghi Đống sau khi thất trận đã thắt cổ tự tử. Trong chùa còn có Thanh miếu – tức miếu thờ Sầm Nghi Đống cũng như quân lính nhà Thanh đã chết trong chiến trận.

Chùa Kim Sơn:

Tại vị trí chùa Kim Sơn trước kia là bãi tha ma, thi hài các chiến sĩ tử trận trong trận Đống Đa (1789) được đưa vào an táng tại nghĩa địa này. Đây cũng là nơi cầu siêu cho những linh hồn binh sĩ tử nạn trong chiến dịch Ngọc Hồi – Đống Đa, giải phóng Kinh thành Thăng Long vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).

Chùa Nam Đồng:

Chùa Nam Đồng (có tên là Càn An tự), nằm đối diện với di tích Gò Đống Đa. Đây là một ngôi chùa cổ, hiện còn lưu giữ hai tấm bia có các niên đại 1621 (có nhắc đến xứ Đống Đa) và 1697, một quả chuông đúc năm 1812. Như vậy, địa danh này có trước khi xảy ra cuộc chiến năm 1789. Sau khi kết thúc chiến tranh, ngôi chùa này là một trong những chốn tâm linh hương khói cho những binh lính tử trận trong chiến dịch Ngọc Hồi – Đống Đa.

Với giá trị đặc biệt nêu trên, Di tích lịch sử Gò Đống Đa đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24/12/2018.

Từ khóa » đống đa ở đâu