(Góc Người Mới) Rêu Hại Thủy Sinh Và Cách Phòng Chống Từ A đến Z

Bài viết chi tiết, tương đối đầy đủ và chuyên sâu về rêu hại trong hồ thủy sinh.

Mọi thông tin, kinh nghiệm và kết quả của bài viết được Phạm Thành Văn (VN), Marcel Golias (Cộng Hòa Séc), Happi Singh (USA) và nhóm nghiên cứu Aquatic Plant Science Group tự thực hiện và rút ra. Các bạn chia sẽ xin vui lòng ghi rõ nguồn Phạm Thành Văn – https://thuysinhaz.com/reuhai/ để tôn trọng bản quyền và công sức nghiên cứu của tác giả. Xin cảm ơn.

dàn hồ thử nghiệm, nghiên cứu dinh dưỡng, rêu hại và sinh lý cây thủy sinh

Cập nhật ngày 30 tháng 9 năm 2018 – Phạm Thành Văn – thuysinhaz.com

Rêu hại là kẻ thù số 1 của bất cứ hồ thủy sinh nào. Trong tiếng Anh rêu hại được gọi là Algaes – những vi sinh vật có khả năng quang hợp. Dân chơi thủy sinh ở VN dịch ra là “rêu hại” vì sự phiền toái của chúng. Nhưng theo mình, rêu hại là 1 tác nhân lặp lại sự cân bằng cho 1 hệ sinh thái người chơi thủy sinh tạo ra (hồ thủy sinh). Khi hồ thủy sinh bị mất cân bằng vì 1 lý do nào đó, rêu hại sẽ xuất hiện để hấp thụ lượng năng lượng dư thừa, khi hấp thụ hết nó sẽ tự động biến mất. Ví dụ hồ bạn chỉ trồng những cây cần ít ánh sáng như rêu, ráy, dương xỉ, hoặc những cây phát triển chậm như bucep chẳng hạn, nhưng bạn lại cung cấp quá nhiều năng lượng từ đèn thì lượng năng lượng dư thừa, mất cân bằng này sẽ được rêu hại xuất hiện để hấp thụ. Khi bạn trồng thêm nhiều cây hấp thụ ánh sáng cao, hoặc bạn giảm sáng, thì rêu hại sẽ dần biến mất vì môi trường này đã hết lượng thức ăn cho chúng.

thử nghiệm sự liên hệ giữa đường và rêu hại

I. Nguyên nhân gây bùng phát rêu hại trong hồ thủy sinh.

Vậy nguyên nhân gốc rễ của rêu hại là gì? nói chính xác nhất là có 1 tác nhân nào đó gây nên SỰ MẤT CÂN BẰNG, và những nguyên nhân đó có thể là:

Đầu tiên là ánh sáng: như mình vừa phân tích ở trên, ánh sáng là gốc rễ chủ yếu của sự phát sinh rêu hại. Khi bạn trồng 1 loại cây thủy sinh nào cũng nên để ý đến nhu cầu ánh sáng của chúng, đừng ham bật quá nhiều đèn để phục vụ mắt mình, để rồi phải trị rêu hại hoài. Để biết được lượng ánh sáng đủ cho hồ thủy sinh, các bạn tham khảo ở 2 link này:

(Căn bản) Ánh sáng trong hồ thủy sinh

Hồ thủy sinh dùng nền Contro Soil và phân nước All in One Pro

Nguyên nhân thứ 2 chính là hệ vi sinh chưa ổn định, nếu các bạn để ý thì sẽ thấy đa số các hồ mới làm được 1 vài tuần thường rất dễ bùng phát rêu hại. Mọi người thường nghĩ là do nền mới còn nhiều dinh dưỡng là nguyên nhân gây rêu hại, nhưng thật ra dinh dưỡng này chỉ góp 1 phần nhỏ. Nếu hồ bạn vừa làm, dùng lại phân nền cũ đã hết dinh dưỡng thì thời gian đầu vẫn có nhiều khả năng bị rêu hại tấn công. Đa số các chất dinh dưỡng trong nước phải được vi sinh chuyển hóa rồi cây cối mới hấp thụ tốt được, và khi thiếu hệ vi sinh làm việc hiệu quả thì các chất này sẽ được rêu hại hấp thu tốt hơn.

Nguyên nhân quan trọng thứ 3 chính là tạp chất hữu cơ trong nước, tạp chất hữu cơ này có trong nền, phân cá tép, thức ăn thừa, xác cá tép, lá cây chết phân hủy, kim loại nặng, nh3… Đa số những chât hữu cơ này đều được cây hấp thụ rất nhanh, nhưng trong 1 số trường hợp lượng hữu cơ quá nhiều, hoặc hồ trồng ít cây hoặc những cây hấp thụ dinh dưỡng ít và chậm như rêu, ráy, dương xỉ, bucep.. cộng thêm hệ vi sinh quá tải không phân hủy hết lượng hữu cơ này hoặc hồ bạn ít thay nước thì tất nhiên rêu hại sẽ bùng phát ngay.

Nguyên nhân tiếp theo là do mất cân bằng dinh dưỡng, mất cân bằng ở đây có thể là hồ thiếu Carbon, Oxi, Đa lượng, vi lượng hoặc chất gì làm cây không đủ dinh dưỡng và yếu dần. Khi cây yếu thì lá dễ bị tổn thương và làm giá thể tốt cho rêu hại, ngoài ra khi cây thiếu 1 chất nào đó quan trọng, nó sẽ ngừng hấp thụ những chất còn lại trong nước, và tất nhiên lượng thức ăn miễn phí này sẽ được rêu hại tiêu thụ. Mất cân bằng dinh dưỡng cũng có thể là do dư dinh dưỡng khi hồ bạn ít cây phát triển nhanh mà lại châm quá nhiều phân nước, đặc biệt là sắt và vi lượng.

Nhiệt độ cũng là một nguyên nhân gây rêu hại, ở những khu vực nhiệt đới như VN thì vào mùa nóng, nhiệt độ lên quá cao (trên 30 độ C) thì lượng oxi sẽ xuống thấp, gây ảnh hưởng đến hệ vi sinh, cây cũng sẽ bị yếu và hút dinh dưỡng ít đi, gây mất cân bằng như điều mình đề cập.

Khi đã thấu hiểu rõ nguyên nhân gây rêu hại, các bạn sẽ có hướng giải quyết rõ ràng hơn, ngoài việc dùng chất hóa học diệt rêu, các bạn nên xem lại những yếu tố vừa nêu trên để tạo cân bằng cho hồ để phòng và trị rêu hại 1 cách triệt để. Những yếu tố cần đặc biệt quan tâm:

  • Ánh sáng, nên dùng 1 lượng TRUNG BÌNH, vừa phải, có thể tăng dần khi hồ ổn định
  • Cung cấp đầy đủ oxi bằng sủi, sủi bio, lọc váng
  • Cung cấp đầy đủ carbon, đặc biệt là từ dạng khí co2
  • Đầu tư, quan tâm về hệ thống lọc, dòng chảy
  • Giữ hồ sạch sẽ: nuôi cá tép vừa phải, cho ăn có chừng mực, vệ sinh hồ, vớt xác cá tép, lá cây, thay nước định kì…
  • Không châm quá nhiều Fe và vi lượng khi hồ trồng ít cây hấp thụ nhiều dinh dưỡng
  • Nên đảm bảo đủ dinh dưỡng đa vi lượng cho hồ, tránh tình trạng cây thiếu hụt dinh dưỡng và trở nên yếu, dễ bị rêu hại bùng phát và tấn công
  • Giữ nhiệt độ dưới 29-30 độ, tốt nhất là từ 22-27 độ
  • Nên nuôi những động vật ăn rêu hại như ốc nerita, cá otto, bút chì thái, longfin, tép Yamato, tép màu…

II. Những loại rêu hại thông dụng trong hồ thủy sinh và cách phòng chống

1. Tảo nâu (Diatoms)

(nguồn ảnh diatoms: từ internet)

Loại rêu hại màu nâu này hơi nhớt, nó chính là khuẩn diatoms và bùng phát rất nhanh. Chúng bám trên lá cây, lũa, nền…

Nguyên nhân: – Thường xuất hiện nhiều nhất khi hồ mới set được 1 thời gian, chưa ổn định. 1 số ý kiến cho rằng tảo nâu bùng phát là do lượng silicate trong nước cao, nhưng trong nhiều trường hợp lại không thật sự chính xác. Có 1 điều chắc chắn rằng tảo nâu có liên quan mật thiết đến lượng ánh sáng dư thừa và hệ vi sinh chưa ổn định. Tảo nâu không liên quan đến lượng dinh dưỡng dư thừa trong nước, và nó sẽ không bị mất đi khi cây thủy sinh trở lên khỏe mạnh, thay nước cũng không trị được tảo nâu 1 cách hiệu quả.

Cách phòng chống: – Tảo nâu dễ dàng bị tiêu diệt bởi hóa chất như excel, glutaraldehyre (cidex), oxi già, nhưng nó sẽ mau chóng quay trở lại nếu hồ vẫn dư sáng và hệ vi sinh chưa ổn.

– Cách phòng tảo nâu tốt nhất là mở đèn 1 lượng vừa phải khi mới set hồ và tăng lên dần, sục oxi và chạy lọc váng, châm vi sinh để hệ vi sinh phát triển nhanh, giảm co2 nếu lượng co2 quá nhiều trong thời gian này.

– Cách trị tảo nâu tự nhiên nhất là giảm sáng, thả ôc nerita, cá otto, bút chì…

2. Rêu chùm đen (Black Beard Algae – BBA)

(nguồn ảnh BBA: từ internet)

Loại rêu hại cứng đầu, khó trị này luôn là điều phiền toái của dân chơi thủy sinh, rêu chùm đen thường bám lên lá cây, lũa, đá. Thông tin quan trọng và thú vị về BBA là nó càng tồn tại lâu trong hồ thì càng khoẻ và khó trị.

Nguyên nhân:

– Chất hữu cơ dư thừa trong nước hồ quá nhiều, cá tép quá nhiều, cho cá ăn quá nhiều, hồ ít thay nước, hồ quá bẩn, lọc quá bẩn vì lâu không vệ sinh.. – Lượng Sắt – Fe dư thừa, hoặc không được cây hấp thụ hết – Đa số trường hợp chỉ cần 1 lượng Fe rất nhỏ, dường như không đo được trong nước (0.0005 mg/l) cũng đã có thể gây rêu tóc nếu đèn quá dư, đèn càng sáng thì lượng Fe càng dễ được rêu hại hấp thụ. – Lượng co2 thấp hoặc dòng chảy đưa co2 yếu, đây là nguyên nhân thông dụng nhất, thiếu carbon làm cây yếu và ngừng hấp thụ những chất gây bùng phát chùm đen – BBA thường xuất hiện nhiều trong hồ pH thấp, lượng vi lượng, hữu cơ dễ được rêu chùm đen hấp thụ khi ở môi trường pH thấp. – Lá già yếu, lá bị tổn thương khi thiếu hụt dinh dưỡng, lá bị che sáng cũng dễ bị rêu chùm đen tấn công

Cách phòng chống:

– Khi bị rêu chùm đen tấn công, hãy triệt tiêu nguồn thức ăn của nó như sau: vệ sinh lọc, sau đó 1 ngày bắt đầu thay 30% nước hằng ngày liên tục trong vòng 1-2 tuần kết hợp hút cặn đáy hồ, bắt bớt cá qua hồ khác, đặc biệt là mún, 7 màu, ong tiên…, ngừng hoặc hạn chế cho cá ăn thời gian này, cho purigen hoặc than hoạt tính vào lọc, chạy lọc váng, ngắt lá già bị chùm đen tấn công, trồng thêm nhiều cây phát triển nhanh nếu có thể. Sau cỡ 1-2 tuần, BBA sẽ đổi màu và biến mất. – Xem lại lượng co2 trong hồ. Khi hồ thiếu co2 thì lượng dinh dưỡng sẽ không được cây hấp thụ hết và BBA sẽ tận dụng dinh dưỡng dư thừa để phát triển. Đa số các hồ thủy sinh khi lượng co2 tối ưu thì BBA sẽ bị đổi màu và biến mất. – Cân bằng dinh dưỡng – đừng để cây bị thiếu hụt dinh dưỡng hoặc co2 không ổn định. – Nhớ thay nước, bảo dưỡng hồ định kì – BBA có thể trị được bằng excel, cidex và oxi già, nhưng lâu dài nó sẽ lờn thuôc dần – Co2 KHÔNG có tác dụng diệt chùm đen 1 cách trực tiếp, bản thân chùm đen cũng dùng co2 để quang hợp, nên Co2 chỉ có tác dụng làm cây khỏe và hút sạch thức ăn của chùm đen mà thôi.

3. Rêu đốm xanh (Green Spot Algae – GSA)

(nguồn ảnh GSA: từ internet)

Loại rêu hại này thường có hình đốm tròn màu xanh, hay bám lên mặt kính và lá cây Nguyên nhân: – GSA liên quan trực tiếp đến ánh sáng mạnh và chất hữu cơ, vi lượng trong nước. – Nếu ánh sáng quá mạnh hoặc thời gian chiếu sáng quá lâu hơn mức cần thiết của từng hồ, gsa sẽ xuất hiện trên kính và lá cây yếu – Đa số trường hợp chỉ cần 1 lượng Fe rất nhỏ, dường như không đo được trong nước (0.0005 mg/l) cũng đã có thể gây rêu tóc nếu đèn quá dư, đèn càng sáng thì lượng Fe càng dễ được rêu hại hấp thụ. – Nếu hồ dư chất hữu cơ (từ nền cũ, phân cá, lá cây chết, cặn đáy…), GSA càng dễ bùng phát khi có thêm ánh sáng dư thừa – Vi lượng dư thừa cũng là nguyên nhân gây GSA, chủ yếu là những kim loại nặng như sắt chẳng hạn. Nếu hồ bạn trồng những cây hút ít vi lượng, nhưng bạn lại châm nhiều Fe thì chắc chắn GSA sẽ xuất hiện khi nhiều đèn. – Nhiều Pro cho rằng GSA xuất hiện do co2 thiếu, hoặc Po4 thiếu. Đúng là khi tăng co2 và po4 thì GSA sẽ biến mất nhưng điều đó không có nghĩa là hồ đang thiếu carbon và P. Qua nhiều lần thử nghiệm cùng nhóm nghiên cứu, mình dám khẳng định rằng nguyên nhân sâu xa là do hồ dư hữu cơ, vi lượng và co2, po4 sẽ vô hiệu hóa lượng hữu cơ dư thừa này.

Cách phòng chống: – Giảm sáng, có thể là số bóng đèn, giờ chiếu sáng, hoặc cả 2. Bạn sẽ thấy ánh sáng là gốc rễ của GSA – Thay nước để giảm lượng hữu cơ, vi lượng, Fe dư thừa trong nước. – Ốc nerita, 1 số loại cá dọn dẹp rất thích ăn GSA – Nếu không thể loại bỏ những tạp chất hữu cơ trong nước, bạn có thể châm thêm 1 lượng po4 để Po4 làm kết tủa bớt những chất này, có thể tăng dần lên 1 ppm, 2 ppm, lên 4 – 5 ppm. Nhiều hồ của mình khi đạt 4 ppm Po4 thì GSA bị nhạt màu mà trở lên mềm đi, có hồ cần 8-10 ppm Po4 thì GSA biến mất hoàn toàn. – tăng co2 có thể làm cây khỏe để hút hết hữu cơ dư thừa, co2 cũng có tác dụng vô hiệu hóa tạm thời thức ăn của GSA.

4. Rêu Tóc (Hair Algae)

(nguồn ảnh HA: từ internet)

Loại rêu tóc này bùng phát rất nhanh, những hồ nhiều đèn thường xuất hiện HA khi mất cân bằng dinh dưỡng, mình gộp nhiều loại rêu tóc lại với nhau vì nguyên nhân và cách phòng chống đều tương tự (rêu tóc xanh, rêu tóc đen, rêu sừng hưu -staghorn)

Nguyên nhân: – Hồ mới set, hệ vi sinh chưa ổn định để chuyển hóa 1 số chất cho cây hấp thụ. – Quá nhiều đèn, nhưng không cung cấp đủ co2 – Lượng FE trong nước cao, kết hợp với ánh sáng cao và lượng co2 hạn chế. – Đa số trường hợp chỉ cần 1 lượng Fe rất nhỏ, dường như không đo được trong nước (0.0005 mg/l) cũng đã có thể gây rêu tóc nếu đèn quá dư, đèn càng sáng thì lượng Fe càng dễ được rêu hại hấp thụ. – Tạp chât hữu cơ trong nước cao. – Trong 1 số trường hợp, hồ bị thiếu đa lượng (NO3) làm cây yếu và hấp thụ vi lượng kém, gây dư thừa Fe và vi lượng tạo điều kiện cho rêu tóc phát triển.

Cách phòng chống: – Nếu hồ mới set, nên trồng nhiều cây, ánh sáng nên bật 5-6 tiếng / ngày rồi tăng dần 30 phút hàng tuần cho đến khi đạt 8 tiếng – Hạn chế châm phân nước nhiều FE trong thời gian đầu – Tối ưu lượng co2, rêu tóc xanh sẽ biến mất rất nhanh – Nếu không quản lý tốt dinh dưỡng và co2 thì có thể giảm đèn và thay nước nhiều – Một số loài cá tép có thể hạn chế rêu tóc xanh như cá bút chì, nô lệ, otto, tép Amano… – Excel và Cidex có thể trị tạm thời rêu tóc xanh.

5. Rêu nhớt xanh (Blue Green Aglae)

(nguồn ảnh BGA: từ internet)

Loại rêu này thức chất là 1 loại khuẩn lam (cyanobacteria), nó tự sinh và hấp thụ dinh dưỡng và dùng cả co2 để quang hợp. Có nhiều loại khuẩn cyano nhưng trong hồ thủy sinh thì loại thông dụng nhất thường nhớt, có mùi hôi, thường xuất hiện ở nền, mặt nước, và những chổ có dòng chảy kém.

Nguyên nhân:

– Lý do thông dụng nhất là hệ vi sinh còn yếu hoặc có vấn đề (đa số do hồ thiếu lượng oxi cần thiết) – Lọc yếu, bị tắt nghẽn khiến dòng chảy không mang dinh dưỡng và o2 đến 1 số nơi trong hồ – Một số hồ khi lượng No3 quá thấp cũng gây ra bùng phát cyano – Thiếu co2 cũng là 1 lý do phổ biến, thiếu co2 làm cây yếu và mất cân bằng

Phòng chống: – Quan trọng nhất là xem lại hệ thống lọc, đảm bảo dòng chảy, xục oxi và chạy lọc váng – Xem lại co2 xem đã tốt hay chưa – Vệ sinh hồ, cho cá ăn ít lại, hạn chế nuôi quá nhiều cá – Nếu có thể thì tắt đèn vài ngày, rêu nhớt xanh sẽ biến mất (không khuyến khích) – Cá bút chì và ốc nerita có thể diệt bớt rêu nhớ xanh – Cidex, excel cũng hiệu quả – Trong trường hợp bị quá nặng, các bạn có thể mua thuốc erythromycin phosphate, liều là 100mg cho 20 lít hồ, sau vài ngày rêu nhớt xanh sẽ biến mất hoàn toàn, nhưng cẩn thận vị hệ vi sinh cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều

6. Rêu nước xanh (Green water)

(nguồn ảnh GW: từ internet)

Loại rêu này không làm hại cây hay cá tép nhưng nó bùng phát trong nước khiến nước hồ bạn biến thành màu xanh rất khó chịu.

Nguyên nhân:

– Thông dụng nhất là hồ mới set, hệ vi sinh chưa ổn định nhưng lại bật đèn quá nhiều – Ánh sáng quá nhiều, bật quá lâu, hoặc mới tăng bóng đèn, tăng thời gian chiếu sáng vội vàng. – Ánh sáng mặt trời chiếu vào quá nhiều – 1 số trường hợp rêu nước xanh bùng phát do dư thừa lượng Nh3 trong hồ, có thể là do cá tép chết nhiều vi sinh phân hủy không kịp – 1 số hồ đã bật đèn quá nhiều, lại châm thêm 1 lượng dinh dưỡng dư thừa – Đèn nhiều, nhưng co2 lại thiếu

Phòng chống:

– Đợi hồ ổn định, giảm đèn, sau 3 tuần Green water sẽ tự hết. – Dùng đèn UV vài ngày cũng rất hiệu quả, có thể là đèn UV hoặc lọc có đèn UV – Hạn chế ánh sáng trực tiếp từ mặt trời – Giảm bớt đèn, tối ưu co2 – tăng kH bằng cách châm thêm baking soda (NaHCo3), dùng cỡ 10 gram cho 100 lít hồ, có thể cho san hô vào lọc nếu không sợ ảnh hưởng gH – Tắt đèn, chùm kín hồ trong 4-5 ngày (không khuyến khích) – Oxi già và cidex cũng hiệu quả tạm thời với Green water

7. Rêu bụi xanh (Green Dust Alage – GDA)

(nguồn ảnh GDA: từ internet)

Loại rêu hại khó chịu và khó trị trong hồ thủy sinh. Chúng bám mảng trên mặt kính, sau đó phát triển bám hết vào lá cây, nền, vật liệu lọc, và làm nước chuyển màu nhạt. Thay nước với GDA không hiệu quả vì chúng phát triển lại rất nhanh.

Nguyên nhân:

– Ánh sáng quá cao hoặc thời gian chiếu sáng quá dài – Hồ có nhiều tạp chất hữu cơ, hồ dơ, lượng Fe và vi lượng dư thừa trong môi trường đèn quá sáng – Những hồ pH trên 6.5 mà bị GDA thì đa số là ít thay nước hoặc thiếu co2 – Hồ trồng ít cây phát triển nhanh, nhưng đền và dinh dưỡng cao – Khi bạn tăng ánh sáng quá đột ngột cũng gây bùng phát GDA

Phòng chống:

– Xem lại đèn và thời gian chiếu sáng – Xem lại lượng co2 – Nên trồng nhiều cây hút dinh dưỡng nhanh – Nếu tăng đèn thì nhớ tăng dần dần, đừng tăng quá đột ngột – 1 số loại cá tép cũng hạn chế được GDA như longin, nerita… – Excel, cided, oxi già cũng hiệu quả tạm thời

8. Rêu Lông Tơ (Fuzz Algae)

(nguồn ảnh Fuzz: từ internet)

Loại rêu này giống rêu tóc mini, thường xuất hiện trên lá và kính hồ, dài cỡ 2-3 cm, thường xuất hiện trong hồ nhiều sáng

Nguyên nhân và cách phòng chống: tương tự rêu tóc Hair Algae mục 4

Từ khóa » Bucep Bị Rêu Chùm đen