Gốm Phù Lãng: Mộc Mạc Hồn Quê Giữa Phố Thị - VOV Giao Thông

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Nét độc đáo làng gốm Phù Lãng

Phù Lãng là một trong số những làng gốm nổi tiếng của miền Bắc
Phù Lãng là một trong số những làng gốm nổi tiếng của miền Bắc

Đi chợ hoa ngày Tết những năm gần, các bạn có thấy là ngày càng nhiều những cây đào, cây quất được trồng trong những chậu hoa, bình gốm màu vàng nhạt, hay nâu cánh dán, nâu da lươn,… với nhiều họa tiết đắp nổi vô cùng đẹp mắt và độc đáo không ạ?

Bản thân tôi cũng rất “mê” những chậu gốm bình gốm này, và tìm hiểu mới biết đây là sản phẩm của làng Phù Lãng, tỉnh Bắc Ninh. Điều đặc biệt, sản phẩm được làm hoàn toàn bằng thủ công bằng tay với những công nghệ nung truyền thống.

Tết này, chúng ta cùng du xuân ở làng gốm Phù Lãng để khám phá những nét độc đáo đó nhé!..

Thưa các bạn, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi khi tới Phù Lãng là cơ sở sản xuất gốm Tâm của nghệ nhân Nguyễn Văn Tuần. Đây là cơ sở vẫn duy trì sản xuất những sản phẩm truyền thống như bình, chậu, lọ hoa thường dùng để trồng cây cảnh ngoài vườn hay để trồng đào, quất mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Sản xuất những sản phẩm gốm truyền thống

PV: Chị ơi chị đang làm công đoạn này là công đoạn gì?

- Vuốt ra sản phẩm.

PV: Cái này hoạt động chạy bằng điện hay chạy bằng gì?

- Cái bàn xoay này chạy bằng điện. Ngày xưa là đẩy bằng chân nhưng bây giờ có điện người ta thiết kế ra bàn xoay xoay bằng điện.

PV: Thường để làm 1 chum to, công đoạn trên bàn xoay làm mất bao lâu?

- Tùy theo, cái mà cao tầm 50-70cm thì mất từ 7-8 phút. Nếu mà cao hàng mét sẽ mất nhiều thời gian hơn

PV: Trung bình một ngày chị sẽ làm ra được bao nhiêu sản phẩm như thế này?

- Trung bình mỗi ngày làm 8 tiếng sẽ làm được 90-10 sản phẩm. Nhanh này cũng là do người làm nhanh, người làm chậm, đấy là tôi còn làm chậm đấy.

Vừa rồi là công đoạn tạo hình các sản phẩm bình gốm.Theo chia sẻ của bác Nguyễn Văn Tuần- chủ cơ sở sản xuất gốm Tâm, để sản xuất một chiếc bình gốm sẽ phải trải qua 5 công đoạn, bao gồm làm đất, tạo hình, vẽ trang trí, tô màu, sau đó là phơi khô và cho vào lò đốt để nung. Toàn bộ các công đoạn sản xuất gốm đều làm thủ công bằng tay, không có máy móc, trong đó công đoạn nung chiếm tới 50% sự thành công của sản phẩm.

Hiện tại có 80% các cơ sở sản xuất gốm của làng gốm Phù Lãng vẫn sử dụng củi làm nguyên liệu của lò đốt nên không ảnh hưởng nhiều tới môi trường. Ngay cạnh tôi lúc này, bác Tuần đang bận rộn cho từng thanh củi vào lò nung đang cháy rừng rực:

PV: Bác ơi công nghệ của lò này gọi là công nghệ gì ?

- Thuộc lò nằm, nó kéo dài từ đây lên trên kia mà.

PV: Cái công đoạn này, từ khi bắt đầu đến lúc đun thì mình sẽ bất bao lâu?

- Cái này chúng tôi phải đun mất 48 tiếng đồng hồ, từ lúc nhỏ cho đến lúc lửa to, mạnh lên như thế này. Khi mà đun xong, đun chín ở dưới này rồi phải đun ở 2 bên sườn hỗ trợ để chín hết lên đầu trên kia. Xong xuôi lấp lại, để 3-4 ngày nguội mới ra được.

PV: Làm sao mà mình biết được, nhiệt độ ở trong lò đủ để ra màu gốm như mình mong muón

- Chủ yếu là nhìn bằng mắt hết, chúng tôi quen rồi. Đun thế này có men chảy ra thì mình phải nhìn, chứ chẳng ai đo đạc cái này. Nhiều người thí nghiệm đo nhưng không ăn thua.

PV: Hiện nay nhiều gia đình đốt bằng ga, tại sao nhà bác không đốt bằng ga?

- Hàng này có cái dày 4-5cm, có cái chỉ độ 2cm. Chúng tôi bố trí cái nào dày hơn thì cho gần, chỗ nào đuối hơn thì cho mỏng hơn. Nó khác nhau ở chỗ đấy so với lò ga.

Khác với các sản phẩm gốm của Bát Tràng được làm từ đất sét trắng hay gốm Thổ Hà làm từ đất sét xanh, những sản phẩm gốm của Phù Lãng được làm từ đất sét đỏ trầm đặc trưng, lấy từ khu vực Nhân Hòa, Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Các sản phẩm gốm của Phù Lãng vẫn giữ nguyên vẻ đẹp giản dị và mộc mạc, với những màu chủ đạo là màu men cánh dán, da lươn đen, da lươn xanh. Điểm đặc biệt, các màu sắc trên sản phẩm đều được pha trộn từ các nguyên liệu tự nhiên như tro cây rừng, tứ thiết gồm lim, sến, táu, nghiến; vôi sống, bùn phù sa trắng...nên không gây độc hại đối với người sử dụng.

Tranh gốm-sản phẩm độc quyền của Phù Lãng

Tranh gốm của nghệ nhân làng Phù Lãng
Tranh gốm của nghệ nhân làng Phù Lãng

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm và sự canh tranh gây gắt từ thị trường, nhưng những người con Phù Lãng vẫn kiên trì với nghề và tìm hướng đi mới cho các sản phẩm gốm truyền thống, dần thích nghi với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, bên cạnh những sản phẩm gốm truyền thống, các cơ sở gốm Phù Lãng đã phát triển thêm những dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ, tranh gốm, tượng gốm... và được nhiều người ưa chuộng.

Để hoàn thiện một bức tranh gốm phải trải qua nhiều công đoạn rất phức tạp. Đầu tiên là tạo hình cho bức tranh. Mời các bạn cùng Phóng viên Hải Hà trò chuyện với họa sĩ Vũ Văn Sơn để cùng hiểu thêm về dòng tranh gốm của Phù Lãng nhé!

PV: Xin chào anh Sơn, bức tranh anh đang thực hiện là bức tranh gì?

Họa sĩ Vũ Văn Sơn: Đây là bực Bách điểu quần đào, thể hiện sung túc của gia chủ. Công đoạn này gọi là đắp phơ, đắp nổi, đây là công đoạn chính và khó. Đầu tiên là phải phác trước, sau đó đắp nổi lên, thể hiện cái độ xa gần, vênh, cong của cây. Cái cây mình cảm giác nó có hồn trong đây.

PV: Sau công đoạn đắp nổi, tiếp theo sẽ là công đoạn gì thưa anh?

Họa sĩ Vũ Văn Sơn: Đắp nổi xong, hoàn thiện xong thì mình phải cắt ra từng miếng, mình đánh dấu, xong mang đi phơi khô, phết màu lên rồi cho vào lò nung.

Theo chia sẻ của những nghệ nhân làm tranh, công đoạn nung tranh là công đoạn khó nhất vì làm thế nào để màu sắc lên đúng như dự kiến – thực sự là một thử thách đối với người. Vì màu của tranh gốm sau khi nung sẽ thấm đẫm vào đất, rất khó phai mờ nên các họa sĩ phải sử dụng thêm một số hóa chất để tạo màu cho tranh.

Chị Ngọc – “bà chủ” chủ cơ sở gốm Ngọc cho biết, để tạo ra được những tác phẩm tranh gốm, hai vợ chồng chị đã phải dành nhiều thời gian để mày mỏ, thử nghiệm, kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống được cha ông để lại và những kinh nghiệm học tập từ các cuộc giao lưu với bạn bè quốc tế để tìm ra một phương pháp nung và phối màu "gia truyền":

- Chị Ngọc: Nung bằng ga thì sản phẩm của nó đáp ứng toàn bộ yêu cầu của thị trường tiêu dùng. Nhưng nếu nung bằng ga không biết kết hợp với men cổ truyền của làng Phù Lãng thì nó cũng mất đi chất, cho nên cũng phải tìm hiểu rất nhiều và bây giờ men cổ truyền kể cả nung bằng ga nó vẫn lên được, chứ không chỉ bằng củi. Nhưng bên cạnh đó, khi nung bằng ga, ngoài việc vẻ đẹp, chất lượng còn giữ được nét cổ truyền của gốm.

PV: Mình mất bao nhiêu lâu để tìm ra kết hợp giữa nung bằng ga và bằng củi?

Chị Ngọc: Cái này bọn em phải thử nghiệm và thực hành liên tục. Mình phải tìm tòi những công thức ngày xưa các cụ để lại. Mình cũng phải thử qua rất nhiều cách nữa để đến hiện tại bọn em đã tìm được ra.

Phù Lãng “chuyển mình” phát triển du lịch

Đến Làng nghề truyền thống có diện tích trên 6000 m2 này, ngay từ phía cổng vào, bạn sẽ bắt gặp các sản phẩm gốm của Phù Lãng được trưng bày xen kẽ với những dàn hoa cây cảnh. Ấn tượng đầu tiên là những bức tượng màu nâu cao từ 80cm đến hơn 1 mét. Những bức tượng tái hiện đời sống, sinh hoạt thường ngày người dân nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ, hay theo những tích, chủ đề dân gian…

Mặc dù không phải là người gốc ở làng Phù Lãng, nhưng vì yêu hội họa và yêu chất liệu gốm mộc, mà trong suốt hơn 20 năm qua, Họa sĩ Lương Mỹ Hòa đã tìm tòi, sáng tạo, thổi hồn vào đất qua những bức tượng gốm:

Họa sĩ Lương Mỹ Hòa: Gốm Phù Lãng trước hết là nếu mình nung lò ga thì nó là chất liệu gốm đỏ, còn nếu mình nung theo thủ công thì nó gốm sành, nó nâu đen, chất liệu rất khỏe và đẹp, và cũng là một cái chất đất mà mình làm nó phù hợp với cách làm của mình, thì là mình thích làm,

Trong quá trình đắp thì mình phải đắp từ chân lên. Quá trình đắp mình cũng phải tính toán về mặt vật lý học để làm sao tượng nó cân xứng và đứng được.

PV: Vì sao các tác phẩm của mình lại liên quan đến sen nhiều?

Họa sĩ Lương Mỹ Hòa: Chủ đề của bức tranh là mùa sen, cô gái quê đi bắt cua bắt cá về, còn đang đứng thưởng thức hương sen đồng nội.

Ở quê mình, nếu mà để tả cái đẹp thì sen nó vẫn mang được cái dấu ấn đậm nhất, nó vẫn là hương đồng gió nội hơn, để tả các cô gái thì mình gắn liền với sen nó vẫn phù hợp hơn, nó mang cái gì thuần khiết.

Mình đi theo cái văn hóa và cái cuộc sống của người dân Việt của mình, mình bám sát vào những cái điều đó, và cũng lưu giữ lại cái hồn của đất và lưu giữ lại văn hóa Việt. Mình không thể lai căng và những cái này hoàn toàn là thuần việt.

Là một trong số ít những người được đào tạo bài bản về mỹ thuật ở làng Phù Lãng, họa sĩ Lương Mỹ Hòa còn là một người có tâm hồn nghệ sĩ, mỗi tác phẩm của chị là những đứa con tinh thần, ẩn chứa những thông điệp của người con đất việt.

Chị tâm sự: Có những bức tôi làm tôi bán cho khách mà tôi vẫn tiếc, vì nó là cái tâm huyết của mình, cái tâm huyết của mình mình dành hết vào cho tranh, mà khách thì cũng yêu.Thế mà mình bán thì bán cả tâm hồn vào đấy.

Kế thừa niềm đam mê ấy của mẹ, và bằng sự sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Nguyễn Đức Thịnh – con trai của họa sĩ Lương Mỹ Hòa đã đưa thêm nhiều yếu tố mỹ thuật vào các sản phẩm gốm. Với tác phẩm tượng “Xay lúa giã gạo” được tôn vinh là 1 trong 12 sản phẩm tinh hoa của làng nghề truyền thống Việt Nam năm 2014, Nguyễn Đức Thịnh đã được phong tặng Nghệ nhân vào năm 2016.

Và không dừng lại ở việc làm những sản phẩm gốm, nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh còn mong muốn ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến làng nghề gốm Phù Lãng, thông qua việc lựa chọn hướng phát triển mới cho làng nghề, đó là phát triển du lịch làng nghề- mô hình đầu tiên ở làng Phù Lãng:

PV: Ý tưởng thành lập trung tâm trải nghiệm dành cho trẻ nhỏ ở Phù Lãng đã đến với anh như thế nào?

Nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh: Mình muốn mở trung tâm này, thứ nhất là bảo tồn cái nét văn hóa, thứ hai là cho khách du lịch biết đến nhiều hơn, tức là để các cháu cũng biết được những cái giá trị truyền thống, văn hóa truyền thống cũng đang bị mai một đi. Khách du lịch trong nước và quốc tế đến đây trải nghiệm cũng như là một cái kênh quảng cáo cho làng nghề, quảng bá làng nghề thì rất là tốt.

PV: Du khách có thể được tham gia những hoạt động trải nghiệm nào ở làng nghề, thưa anh?

Nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh: Bên gốm có ba hoạt động, thứ nhất là nặn, vuốt gốm thì sẽ có nghệ nhân hướng dẫn để tạo thành sản phẩm đồ dân dụng như bát đĩa bình lọ; có thể nặn các cái hoa văn họa tiết, hoa lá hoặc các con giống. Còn những cái bàn xoay thì các cháu cũng được xoay trên các bàn xoay nhỏ như thế này.

Ngoài ra còn có trải nghiệm trên tranh Đông Hồ, các cháu có thể hoàn thiện một bức tranh đông hồ, tô xong các cháu có thể đem về. Ngoài ra có thêm cái trò đập pháo đất, trò chơi dân gian, nặn tò he và viết thư pháp và một số trò chơi dân gian khác như bịt mắt đập niêu hay bịt mắt bắt vịt.

Phù Lãng hiện vẫn có khoảng 250 hộ làm nghề tại 2 thôn: Phù Lãng và Thủ Công, tạo việc làm cho khoảng 500 đến 600 lao động. Nhờ sự đổi mới trong cách làm, những sản phẩm gốm của Phù Lãng đã được đông đảo khách hàng gần xa biết tới, nhiều sản phẩm còn được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tuy nhiên, ông Vũ Đình Ninh -Chủ tịch UBND xã Phù Lãng cho biết, các cơ sở sản xuất gốm hiện đang gặp nhiều khó khăn:

ÔngVũ Đình Ninh: Đối với cái cạnh tranh hiện nay, làng gốm Phù Lãng đang gặp khó khăn, một là cái mặt bằng sản xuất, cái quảng bá sản phẩm còn hạn chế và bảo hộ, bao tiêu sản phẩm cũng còn có những khó khăn. Như vậy là tự cung tự cấp và tự bán hàng, sản phẩm vẫn là chủ yếu do người dân bán. Cơ sở hạ tầng cũng là một vấn đề cản trở.

Trong những năm gần đây thì có sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, chúng tôi cũng có sự gắn bó, gắn kết và tiếp tục được những cái thương gia Nhật Bản, Hàn Quốc đến để đầu tư, rồi hợp tác làm sao để đưa gốm Phù Lãng trở thành một trong những mặt hàng được ưa chuộng của mọi người.

PV: Vậy chững cơ sở sản xuất gốm Phù Lãng đã làm gì để thích ứng trong thời đại mới thưa ông?

Ông Vũ Đình Ninh: Chủ trương tiếp theo trong thời đại công nghệ 4.0 này làng nghề gốm Phù Lãng vẫn tiếp tục có sự hợp tác và kêu gọi đầu tư, quảng bá sản phẩm và gìn giữ cái làng nghề cổ truyền này trong những năm tiếp theo, thế kỷ tiếp theo, để làm sao cái bản sắc riêng của gốm Phù Lãng, và cái chất của Phù Lãng, cái hồn đất của Phù Lãng được tất cả trong và ngoài nước biết đến, để từ đó tạo ra động lực, tạo ra cơ sở để sản xuất và tăng thu nhập, tăng giá trị kinh tế hộ gia đình và trong toàn xã chúng tôi.

PV: Cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi.

Cũng như người Phù Lãng chân chất hiền lành, những sản phẩm gốm Phù Lãng không sặc sỡ phô trương, mà bao đời nay vẫn giữ nét mộc mạc, giản dị, như tình quê, như hồn quê mộc mạc chân thành, cũng bởi vậy mà làm say lòng và níu chân du khách. Dù không dễ gì thích ứng với sự thay đổi của thời cuộc, nhưng gốm Phù Lãng đã vượt qua, và giờ tiếp tục hiện diện mạnh mẽ trong đời sống của người dân đô thị.

Sự phát triển nào rồi cũng trở về với cái gốc ban đầu. Sự trở lại của gốm Phù Lãng trên những tủ trưng bày, những chậu hoa cây cảnh trong các gia đình từ thành thị đến nông thôn, càng chứng minh sức sống mãnh liệt của những giá trị văn hóa lâu đời kết tinh trong từng sản phẩm.

Và sự chuyển mình của gốm Phù Lãng để thích nghi với nhịp sống hiện đại cũng cho thấy sự năng động của người dân làng nghề, để không chỉ giữ được nghề, theo được nghề, mà còn đưa tinh hoa nghề gốm, đưa sắc màu văn hóa dân tộc tới bạn bè trong hội nhập quốc tế hôm nay./.

Từ khóa » địa Chỉ Bạn Gốm Phù Lãng ở Hà Nội