Góp Một Cây Là Có Rừng | Báo Dân Tộc Và Phát Triển

Đạo diễn Trần Nhật Phong cùng tình nguyện viên Võ Thị Thu Hà vừa trồng xong một cây gáo vàng
Đạo diễn Trần Nhật Phong cùng tình nguyện viên Võ Thị Thu Hà vừa trồng xong một cây gáo vàng

Vào rừng để… trồng rừng

Cái nắng đầu mùa ở “chảo lửa” Tuyên Hoá như muốn quật ngã chúng tôi. Với lại con đường chừng 10 km vào tiểu khu 90, thuộc xã Sơn Hoá, huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) không có bất kỳ phương tiện nào có thể trườn qua, ngoài xe công nông cỡ lớn. Thế mà, ai cũng hớn hở, giục xe chạy nhanh để được tự tay mình gieo lên những mầm xanh.

Đạo diễn, Trần Nhật Phong - nguyên Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Giải Phóng, bất chấp cái nắng, cái nóng, vừa lắc lư trên xe công nông vừa hát: “Có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh, gìn giữ đất quê hương…”. Anh cứ dặn đi dặn lại tôi, nhớ chụp cho anh mấy tấm ảnh để lưu làm kỷ niệm, vì “đây là một chuyến đi, một việc làm đầy ý nghĩa, không bao giờ quên được”.

Sau vài lời mộc mạc, ngắn gọn, tất cả mọi người với cây giống, cuốc xẻng, bắt đầu “công cuộc” trồng rừng.

Chị Hồ Thị Sông Hương không giấu được niềm vui, rằng: Nhà tôi đăng ký trồng 8 ha rừng, toàn cây bản địa như lim, dổi, vàng tâm… Mấy ngày qua đã trồng được 5 ha rồi, còn 3 ha nữa sẽ trồng nốt trong nay mai. Trước đây, chúng tôi chỉ biết trồng keo, 5 năm thì cho thu hoạch nhưng cũng bấp bênh lắm, lứa được lứa không. Giờ vừa trồng cây bản địa lại vừa trồng được cây ngắn ngày, lấy ngắn nuôi dài nên bà con vẫn có thu nhập trong những năm đầu.

Sắn được trồng xen giữa rừng cây với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”
Sắn được trồng xen giữa rừng cây với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”

Còn anh Nguyễn Đình Chiểu - nhóm trưởng nhóm bà con tham gia chương trình thì cụ thể hơn: Lúc đầu chúng tôi còn nghi hoặc về chương trình này, nhưng khi được phổ biến, được tập huấn và nhất là được nghe về ý nghĩa của việc trồng cây bản địa, vừa tạo sinh kế bền vững vừa bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ vùng đầu nguồn sông Gianh, thì hưởng ứng ngay.

“Nhà tôi có 3 ha rừng, trước trồng toàn cây keo, nay thì trồng toàn cây bản địa. Xen với cây bản địa, chúng tôi trồng sắn, khoai… cho nên không sợ đói đâu” - anh Chiểu giảng giải.

Anh Chiểu cũng rất rành mạch về “xuất xứ” của chương trình này: Là do Công ty TNHH xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam phát động. Mấy năm nay, miền Trung lũ lụt liên miên, nhất là Quảng Bình bị thiệt hại rất nặng nề, mà một trong những nguyên nhân là rừng bị tàn phá. Để góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, công ty này đã phát động phong trào “trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh”.

“Trồng rừng cho nhà mình, góp phần bảo vệ môi trường cho quê hương mình, thì phải tích cực tham gia chứ” - nhóm trưởng Chiểu nói như thế.

Đã trồng, đang trồng và sẽ tiếp tục trồng…

“Anh phải vun đất theo độ dốc, làm như thế để cây hứng được nước” - Tiến sĩ Ngô Văn Hồng - Phó Giám đốc Công ty TNHH xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam, hướng dẫn tỉ mỷ cho tôi. Anh cho biết, dự kiến của các anh là sẽ trồng được 1.000 ha rừng ở Quảng Bình.

“Phục hồi rừng tốt nhất là trồng cây bản địa, bởi nó phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, và vốn trước đây nó đã từng phát triển ở địa phương. Cái khó nhất của việc trồng rừng không phải là nguồn giống cây, hướng dẫn kỹ thuật mà làm sao để dân tin, dân thấy được lợi ích kép, vừa phát triển kinh tế bền vững và vừa bảo vệ môi trường. Khi dân đã thuận, đã thông thì chẳng mấy chốc mà cây tốt tươi” - tiến sĩ Hồng chia sẻ.

Cũng theo anh Hồng, do trở ngại về dịch bệnh, nên trong năm 2021, mới chỉ trồng được 80 rừng ha ở huyện Tuyên Hoá. Trong đó, số diện tích ở bản Kè, xã Lâm Hoá - nơi bà con người Mã Liềng sinh sống, tỉ lệ cây sống đạt trên 90%. Nếu như ở xã Sơn Hoá, cây xen giắm là sắn, khoai thì ở bản Kè, bà con đã biết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nhiều nhất là cây ba kích.

Bộ đội Đồn biên phòng cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) tham gia trồng rừng quanh khu vực đóng quân
Bộ đội Đồn biên phòng cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) tham gia trồng rừng quanh khu vực đóng quân

Nói về “vạn sự khởi đầu nan”, Tiến sĩ Hồng hết bứt đầu lại gãi tai: Để có những cây bản địa đầu tiên được trồng xuống ở đây, chúng tôi tốn không ít công sức, khó nhất vẫn là sự đồng thuận của dân. Được cái cán bộ huyện đã bám sát dân, cùng chúng tôi làm cho dân tin, nói cho dân nghe. Chủ trương đã thông nhưng công việc ở thực địa cũng không hề đơn giản, nào là kiểm đếm, đo đạc…rồi phối với với cơ quan kiểm lâm để giám sát, bảo vệ…Và bà con thực sự thuyết phục thì cùng là cây bản địa nhưng mình phải lựa chọn các giống cây có chu kỳ sinh trưởng khác nhau, để họ có thể khai thác theo từng giai đoạn. Ví như cây gỗ lim phải mất những 30 đến 40 năm; dổi thì sau 15 mới khai thác được và cây gáo vàng thì chỉ mất 10 năm…

Đang nhễ nhại mồ hôi, anh Đinh Xuân Thường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuyên Hoá xoa vội đôi tay lấm lem đất, hồ hởi: Thế là đã có đến 8 xã tham gia chương trình này rồi. Diện tích cây keo lai đang ngày càng thu hẹp lại để nhường chỗ cho cây gỗ lớn, cây bản địa, đúng với chủ trương của huyện chúng tôi với đề án “Nâng cao hiệu quả rừng trồng”. Từ 80 ha này, chúng tôi kỳ vọng trong thời gian sớm nhất, bà con sẽ trồng được từ 1.000 đến 1.500 ha cây bản địa.

“Mừng hơn cả là bà con đã thay đổi nhận thức, hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường nên đã rất tích cực trồng rừng” - Trưởng phòng Thường rất vui.

Thiếu tướng Phạm Đức Thọ - nguyên Chính uỷ Binh chủng Hoá học tham gia trồng cây đầu nguồn sông Gianh
Thiếu tướng Phạm Đức Thọ - nguyên Chính uỷ Binh chủng Hoá học tham gia trồng cây đầu nguồn sông Gianh

“Của để dành” của tôi trong chuyến đi này là những tâm tình từ Thiếu tướng Phạm Đức Thọ - nguyên Chính uỷ Binh chủng Hoá học - người đã vượt hơn 500 trăm cây số để có mặt trong buổi trồng rừng hôm nay.

Ông nhỏ nhẹ: “Chúng tôi cũng không đóng góp được gì nhiều so với những gì mà các bạn đã và đang làm, nhưng hãy cứ như lời bài hát trong ca khúc Một đời người một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, rằng “có một cây là có rừng”. Sau chuyến đi đầy ý nghĩa hôm nay, tôi sẽ kể lại câu chuyện ý nghĩa này cho con cháu, đồng đội, đồng chí tôi và mọi người cùng nghe, để ai cũng thấy cần “góp một cây để có rừng”.

Rời “chảo lửa” Tuyên Hoá, chúng tôi cùng nhau hẹn ngày gặp lại. Phó Giám đốc Ngô Văn Hồng trịnh trọng thông báo, đang còn nhiều cánh rừng chờ các anh gieo hạt. Sau đầu nguồn sông Gianh, chúng tôi sẽ tiếp tục trồng rừng ở đầu nguồn sông Thạch Hãn và đầu nguồn sông Thu Bồn…

Một rừng cây, nhiều đời người

Từ khóa » Gỗ Song Mã Thuộc Nhóm Mấy