GÓP PHẦN PHÂN ĐỊNH CHỮ NÔM TỰ TẠO VÀ CHỮ NÔM MƯỢN HÁN ThS. NHIẾP TÂN Học giả Trung Quốc Cách chia chữ Nôm làm hai loại lớn là chữ Nôm mượn Hán và chữ Nôm tự tạo được Cố GS. Nguyễn Tài Cẩn và N.V. Xtankevich nêu ra đầu tiên vào năm 1976 trong bài Điểm qua vài nét về tình hình cấu tạo chữ Nôm (Xin xem: [Nguyễn Tài Cẩn 1985:48-85]), rồi quan điểm này được các học giả nghiên cứu chữ Nôm chấp nhận rộng rãi. Nhưng khi bắt tay phân định những chữ cụ thể trong văn bản Nôm, thì không phải lúc nào cũng dễ dàng khẳng định đâu là chữ Nôm mượn Hán và đâu là chữ Nôm tự tạo. Nhiều khi người ta dựa theo hình thể của chữ để xác định, cho rằng những chữ vuông xuất hiện trong văn bản Hán, cũng có xuất hiện trong văn bản Nôm, thì là chữ Nôm mượn Hán, còn những chữ vuông chỉ xuất hiện trong văn bản Nôm mà những người thông thạo chữ Hán không thể đọc được thì là chữ Nôm tự tạo. Hình thể của chữ cố nhiên là một tiêu chí quan trọng để nhận diện hai loại chữ Nôm này, nhưng chỉ dựa theo hình chữ để phân định thì chưa đủ, bởi vì “một cách nhìn nhận ‘từ bên ngoài’, thuần túy theo mặt chữ như vậy đối với các chữ vuông trong văn bản tác phẩm Nôm chỉ mới bảo đảm có thể nhận ra đâu là những chữ vuôngtrùng hình với chữ Hán, đâu là những chữ đặc hữu chỉ có mặt ở văn bản tác phẩm Nôm. Còn nếu như ta xem xét các chữ ấy trong mối quan hệ với tiếng Việt và tiếng Hán, thì ta thấy tình hình có vẻ phức tạp hơn nhiều.” [Nguyễn Quang Hồng 2008:188-189]. Thật vậy, “trùng hình” với chữ Hán, chưa chắc đã là chữ Nôm mượn Hán, như trường hợp chữ 坦 âm Hán Việt là “thản” (nghĩa là “bằng phẳng”), còn âm Nôm là đất (như trong “đất sét”), cả âm và nghĩa trong Hán văn và trong văn Nôm đều không liên quan gì với nhau, khó có thể nói rằng chữ Nôm đất là mượn từ chữ Hán “thản”. Lại có chữ thoạt nhìn ngỡ rằng là “đặc hữu” trong văn Nôm mà không thấy trong Hán văn, nhưng nếu đi sâu tìm kiếm, sẽ có thể phát hiện ra trong thư tịch Hán văn đôi khi cũng có, chẳng qua là ngày nay ít dùng đến mà thôi, như 唭cười,㕵uống, 𤴪 ghẻ, 䖡chấu, 𣑻 nen, 唁ngôn, 疸đớn, 糸曳giấy, 湄mưa, 瘖ốm, 沚chảy, v.v… Cũng may là những chữ này trong Hán văn thực ra không liên can gì với âm và nghĩa của những chữ Nôm tương ứngvà chúng đúng là chữ Nôm tự tạo [Văn Hựu 1933 201-242; Vương Lực 1948:84-85]. Hiện tượng chữ Nôm tự tạo ngẫu nhiên trùng hình với chữ Hán như thế sở dĩ có thể xảy ra, “hẳn là do khi viết chữ Nôm, các cụ nhà ta chỉ cần dựa trên một vốn liếng nào đó những chữ Hán quen thuộc để làm “vật liệu”, chứ không nhất thiết phải kiểm soát thật nhiều chữ Hán, và cũng không cần biết chữ Nôm mình tạo ra liệu có trùng hình với một chữ Hán nào đó” hay không [Nguyễn Quang Hồng 2008:190]. Như vậy, việc phân định chữ Nôm tự tạo và chữ Nôm mượn Hán không thể chỉ dựa vào khả năng nhận diện hình thể của chữ là “trùng hình” với chữ Hán và “đặc hữu” trong văn bản Nôm, mà còn cần phải tìm kiếm thêm căn cứ đáng tin cậy hơn. Theo hướng này, khi phân biệt hai loại chữ Nôm đang xét, Nguyễn Tài Cẩn cho rằng chữ Nôm mượn Hán “là loại chữ đơn, không có cấu trúc nội tại”, còn chữ Nôm tự tạo “là loại chữ có thể chia thành thành tố, có thể xét mặt quan hệ nội bộ giữa các thành tố đó” [Nguyễn Tài Cẩn 1985:49]. Xin lấy chữ 怛 và chữ 坦 làm thí dụ. Cả hai chữ này đều ghi ngữ tố thuần Việt đất, có thể bắt gặp trong văn bản giải âm Phật thuyết [16b, 7a,…] và cả trong Tân biên TKML [III, Đông, 41b; QI, Hạng, 2b,…]. Trong Hán văn chữ 怛 có âm Hán Việt là “đát” với nghĩa “đau thương” (như trong “bi đát”), có cấu trúc là {bộ “tâm” 忄(biểu ý) ⿰旦“đán” (biểu âm)}, cấu trúc này không phù hợp với âm và nhất là nghĩa của ngữ tố đất trong tiếng Việt. Bởi vậy, chữ đang xét chỉ là chữ Nôm mượn nguyên hình chữ Hán “đát” theo quan hệ gần âm mà thôi. Còn với chữ 坦trong văn Nôm thì ta có thể phân tích cấu trúc nội bộ gồm {bộ “thổ” 土 (biểu ý) ⿰“đát” viết tắt 怛>旦 (biểu âm)}, là hoàn toàn phù hợp với âm và nghĩa của ngữ tố Việt đất. Vậy 坦đất là chữ Nôm tự tạo, chỉ ngẫu nhiên trùng hình với chữ Hán 坦 “thản” mà thôi. Chúng tôi tán đồng với cách nhìn nhận vấn đề của hai chuyên gia Nguyễn Tài Cẩn và Nguyễn Quang Hồng như đã trình bày, và xin nêu một giới thuyết khái quát về sự phân định chữ Hán mượn dùng và chữ Nôm tự tạo như sau: Chữ Nôm mượn Hán là những chữ Nôm vay mượn từ chữ Hán để ghi tiếng Việt (có thể là mượn cả ba mặt hình, âm, nghĩa, cũng có thể chỉ mượn hai mặt là hình với âm hoặc hình với nghĩa), có xuất hiện trong văn bản Hán và văn bản Nôm, không có cấu trúc nội tại (về âm và nghĩa) tương ứng với ngữ tố Việt mà nó đại diện. Chữ Nôm tự tạo là những chữ Nôm do người Việt tự tạo ra, thường chỉ xuất hiện trong các văn bản Nôm, thường có cấu trúc nội tại tương ứng với âm và nghĩa của ngữ tố Việt mà nó đại diện. Trong phát ngôn này của chúng tôi có vài chữ “thường”, cốt là để mở đường cho việc lý giải những trường hợp đặc biệt. Theo đó, để góp phần xác định một chữ vuông nào đó trong văn Nôm là chữ Nôm tự tạo hay là chữ Nôm mượn Hán, chúng tôi nghĩ có thể áp dụng một vài thao tác và bước đi cần thiết như sau: (1) Để có thể biết được một chữ đang xét là “đặc hữu” trong văn Nôm hay “trùng hình” với một chữ nào đó trong Hán văn hay không, đương nhiên là cần đối chiếu qua lại giữa văn Nôm và Hán văn. Với những chữ Hán quen thuộc được sử dụng rộng rãi, thì việc xác định trùng hình là không khó khăn gì. Nhưng với những chữ hiếm gặp trong Hán văn, thì tốt nhất là phải tra cứu qua các tự điển chữ Hán, càng là tự điển cỡ lớn và càng có niên đại cổ càng tốt. (2) Nếu qua đối chiếu và tra cứu phát hiện trong tự điển quả có chữ Hán tương ứng, thì cần phân biệt ít nhất là hai khả năng: (a) Chữ đang xét là chữ mới xuất hiện trong Hán văn và tự điển chữ Hán ở thời sau, muộn hơn nhiều so với niên đại văn bản Nôm có chữ Nôm trùng hình tương ứng. Trong tường hợp này, có thể khẳng định sự trùng hình là ngẫu nhiên, không phải vay mượn (nếu là vay mượn, thì mượn từ Nôm sang Hán chăng, mặc dầu ít xảy ra). (b) Với những trường hợp trùng hình khác cần tiếp tục xem xét theo (3),(4). (3) Đối chiếu các mặt âm và nghĩa của chữ đang xét trong văn bản Hán và văn bản Nôm xem có liên quan nhau không, nếu có liên quan về âm và | hoặc nghĩa thì chữ Nôm đang xét là một chữ Nôm mượn Hán. Nếu không liên quan gì cả, thì đây là sự trùng hình ngẫu nhiên và chữ đang xét có thể coi là chữ Nôm tự tạo. (4) Tiến hành phân tích cấu trúc nội tại của chữ đang xét, nếu phân tích ra được các thành tố, mà các thành tố này phù hợp với âm và nghĩa của ngữ tố tiếng Việt mà chữ ấy đại diện, có thể coi đó là chữ Nôm tự tạo; ngược lại, nếu không phù hợp thì đó là chữ Nôm mượn Hán. Thao tác phân tích cấu trúc nội bộ này cố nhiên là cũng áp dụng cho những chữ Nôm không trùng hình với chữ Hán. (5) Với những chữ có hình thể đơn giản, là đặc hữu trong văn bản Nôm, mà hầu như không thể phân tích cấu trúc biểu âm và biểu nghĩa (như chữ 𧘇ấy, chữ 爫làm, v.v.), thường liên quan với hiện tượng viết tắt, thì cần có sự biện luận riêng để xếp chúng vào loại chữ mượn Hán hay tự tạo cho thỏa đáng. Dưới đây chúng tôi sẽ đi vào xem xét một số chữ Nôm cụ thể xuất hiện trong bản giải âm sách Tân biên Truyền kỳ mạn lục [Nguyễn Quang Hồng phiên chú, 2001]. Những trường hợp được xem xét có thể gom thành 3 cụm như sau: 1. Hoặc là mượn Hán, hoặc là tự tạo. Xin lần lượt phân tích 4 chữ để làm thí dụ. Chữ 咚Gióng: Chỉ xuất hiện 1 lần trong Tân biên TKML(Gióng lưỡi mà luận đấng quân thân, giỏng môi mà rao lời gièm chê [QI, Hạng, 9b]. Chữ này không trùng hình với chữ nào trong Hán văn trung đại, nhưng có trùng hình và gần âm với một chữ Hán hiện đại咚 (âm Hán Việt “đông”). Thế nhưng vào thời kỳ Tân biên TKML ra đời trong kho tự điển chữ Hán chưa có chữ này, vì vậy chữ này hiển nhiên là một chữ Nôm hình thanh tự tạo theo cấu tạo {口(bộ khẩu biểu ý)⿰冬(âm Hán Việt “đông” biểu âm)}. Chữ 垃Lấp: Chữ này xuất hiện 8 lần trong Tân biên TKML (ví dụ: Hầu đem hoa vàng tốt bỏ xuống đất, phấn đỏ lấp nơi bùn [QI, Tây, 75a]). Nhưng trong các thư tịch cổ Trung Quốc như Thuyết văn giải tự《說文解字》của Hứa Thận(hoàn thành vào năm 100-121), Khang Hy tự điển《康熙字典》(hoàn thành vào năm 1716) đều không có chữ này, chứng tỏ chữ này rất có thể chưa xuất hiện trong văn bản Hán đương thời. Trong tiếng Hán hiện đại, chữ này có âm Hán Việt là “lạp”, có nghĩa là “đất bẩn hoặc những thứ rách nát bị vứt bỏ”[Từ điển Hán ngữ hiện đại, 1983: 666]; trong Tân biên TKML, chữ này được đọc là lấp với nghĩa “làm cho đầy, cho kín chỗ trũng, chỗ trống” hoặc “làm cho khuất đi không còn nhìn thấy được nữa”. Xét vềâm đọc có thể nói hai bên có quan hệ nhất định, còn về mặt nghĩa thì chẳng có liên quan gì cả. Phân tích cấu trúc nội tại chúng tôi phát hiện: 垃 có thề̉ chia làm thành tố biểu ý 土(bộ thổ, chỉ đất hoặc những thứ, những động tác có liên quan đến đất) và thành tố biểu âm 立(âm Hán Việt “lập”, là chữ được sử dụng nhiều và được người Việt quen thuộc), hai thành tố biểu ý biểu âm này đã thực sự phản ánh âm và nghĩa của chữNôm 垃lấp. Tổng hợp những điều kể trên, chúng tôi khẳng định chữ 垃lấp là chữ Nôm hình thanh tự tạo. Chữ 咍hay. Chữ này xuất hiện rất nhiều lần trong bản giải âm Tân biên TKML,(ví dụ: Ngươi chỉn hay nói, chẳng bằng cha thuở nọ lặng vậy, bằn bặt vậy [Q IV, Nam, 5a] ), đồng thời cũng được sử dụng rộng rãi trong các văn bản Nôm khác, ví dụ trong bản giải âm Phật thuyết, chữ này được sử dụng 56 lần để ghi âm thuần Việt “hay”, và 10 lần để ghi âm thuần Việt “hai” [Hoàng Thị Ngọ, 1999]. Về chữ này, nhiều học giả đã có nói tới và nêu ra ý kiến khác nhau. Có người cho rằng chữ này là chữ giả tá chữ Hán [Văn Hựu 1933:222; Vương Lực 1948:79], cũng có người cho rằng đây là chữ Nôm tự tạo [Hoàng Thị Ngọ 1999: 76-77]. Chữ này có xuất hiện trong các thư tịch cổ của Trung Quốc, ví dụ trong Thuyết văn giải tự, Đường vận, Tập vận, Vận hội, Chính vận…, mà Khang Hy tự điển có dẫn dụng lại. Chữ 咍 vốn là một động từ, có nghĩa cổ là chê cười, đến đời Nguyên (năm 1271-1368) và đời Minh (năm 1368-1683), nó lại trở thành một trợ từ, dùng trong ca kịch, có tác dụng tăng cường tiết tấu nhạc khúc. Vì vậy có thể thấy rằng chữ này được sử dụng rộng rãi trong thời trung đại Trung Quốc, và chắc cũng được người Việt sử dụng chữ Hán đương thời quen biết, cho nên rất có thể được vay mượn để ghi âm thuần Việt. Về mặt âm, nó có âm tiếng Hán bạch thoại là “hāi”, âm Hán Việt là “khái”, cho nên dùng để ghi âm thuần Việt hay, hai là chuyện rất tự nhiên và rất có thể (Văn Hựu cho rằng trước là giả tá chữ Hán 咍để ghi âm hay, rồi lại giả tá chữ Nôm mượn Hán 咍hay để ghi âm hai. Nhưng ông chưa nêu ra chứng cứ [Văn Hựu 1933:222].Chúng tôi cho rằng điều này vẫn cần bàn bạc thêm, vì với những tư liệu trong tay, ví dụ như Phật thuyết, ta thường thấy dùng chữ 咍 để ghi âm hay và hai cùng một lúc, vả lại trong chữ Nôm, vốn có hiện tượng dùng một chữ Hán để ghi mấy âm Việt, cho nên thiết nghĩ cùng một lúc vay mượn chữ 咍 để ghi âm Nôm hay và hai là điều rất tự nhiên và dễ hiểu). Còn về mặt nghĩa thì chữ Nôm咍hay có nghĩa là “giỏi, biết” trong văn bản Nôm, chẳng có liên quan gì với nghĩa của chữ Hán 咍“khái” trong văn bản Hán. Về mặt cấu trúc nội tại, nếu nói chữ Nôm 咍 là chữ hình thành với thành tố biểu ý 口(bộ khẩu, dùng để chỉ mồm, môi hoặc những gì có liên quan đến mồm, môi) và thành tố biểu âm 台(âm Hán Việt “thai”), thì thành tố biểu âm có lý mà thành tố biểu ý khá miễn cưỡng, (tuy Hoàng Thị Ngọ có lý giải rằng: “Ở giai đoạn giải âm Phật thuyết, bộ thủ tuy đã được dùng làm thành tố phụ nhưng còn mang nhiều tính chất chỉ báo hơn là có tác dụng biểu ý.” [Hoàng Thị Ngọ 1999: 77], nhưng chúng tôi thấy vẫn thiếu sức thuyết phục). Tổng hợp những phân tích trên, chúng tôi cho rằng chữ 咍hay là chữ Nôm mượn Hán. Chữ () bông. Chữ này xuất hiện 7 lần trong văn bản, ví dụ trong câu: Dứt kẻ bàng nhân chưng trêu sự bông hoa cành liễu [QI, Khoái, 19b]. Về chữ này các học giả cũng nói tới nhiều và có ý kiến bất đồng. Nhiều người cho rằng chữ này là dạng viết tắt của chữ 葻bông, tuy có trùng hình ngẫu nhiên với chữ Hán, nhưng là một chữ Nôm hình thanh tự tạo [Văn Hựu 1933:209; Vương Lực 1948:87; Nguyễn Quang Hồng 2006:63], song cũng có người cho rằng nhữ này vốn là chữ 芃, là chữ Nôm mượn Hán [Nguyễn Tá Nhí 1997:63]. Chúng ta hãy thử phân tích xem: Chữ 葻và chữ 芃 đều có xuất hiện trong thư tịch cổ của Trung Quốc như Đường vận, Tập vận, Thuyết văn giải tự, Khang Hy tự điển..., nhưng đều không phải là chữ thường dùng, ít có khả năng được người Việt quen thuộc và vay mượn để ghi âm thuần Việt. Xét về hình thể, nếu là chữ 芃, thì nên viết đúng như thế, chứ không nên thêm một nét bút nữa thành (), vì ta thường gặp trường hợp viết giản nét đối với chữ Nôm mượn Hán hoặc những thành tố mượn Hán trong chữ Nôm tự tạo, nhưng lại hầu như chưa gặp trường hợp viết thêm nét theo kiểu này. Nếu có viết thêm nét thì thường là thêm một ký hiệu phụ như dấu “nháy < ” để chỉnh âm. Vả lại, trong văn bản Nôm, có nhiều trường hợp thành tố mượn Hán 風được viết giản nét là . Ví dụ trong Phật thuyết, âm thuần Việt gió được ghi là {⿱愈} (xuất hiện 3 lần, ở trang 12a, 14a và 20a). Cho nên chúng tôi cho rằng chữ bông không phải là dạng viết tắt của chữ 葻. Về mặt âm đọc, chữ Hán葻 có âm Hán Việt là “lam”, và có nghĩa là “hình dáng cỏ nằm xuống khi bị gió thổi”, chẳng có liên quan gì với âm và nghĩa của chữ Nôm bông. Về cấu trúc nội tại, chữ bông có thể chia ra thành tố biểu ý 艸 (bộ thảo, chỉ những thứ có liên quan đến “cỏ”) và thành tố biểu âm (viết tắt từ 風 “phong”), hai thành tố biểu ý biểu âm này đã thực sự phản ánh âm và nghĩa của chữ bông. Tổng hợp những điều kể trên, chúng tôi nhận định chữ () bông là chữ Nôm hình thanh tự tạo. 3. Hiện tượng chữ Nôm dạng tắt. Viết tắt (giảm nét, rút gọn) là một hiện tượng thường gặp trong chữ Nôm, đã được các học giả quan tâm chú ý và triển khai nghiên cứu. Có thể nói, viết tắt là một nhu cầu thực tế đối với chữ Nôm, vì không ít chữ có cấu trúc phức tạp, khó viết khó nhớ, cho nên cần phải giản bớt một số nét bút để cho nó dễ viết dễ nhớ hơn, đặc biệt là đối với những chữ thường dùng. Chữ Nôm viết tắt có thể chia làm hai loại: loại thứ nhất là những chữ Nôm vay mượn từ chữ Hán được viết giảm nét; loại thứ hai là những chữ Nôm tự tạo (chữ hình thanh, hội âm hoặc hội ý) có thành tố biểu âm hoặc thành tố biểu ý được viết giản nét. Đối với loại thứ hai, chỉ cần chú ý phân định một số chữ ngẫu nhiên trùng hình với chữ Hán, đừng xếp những chữ này vào chữ Nôm mượn Hán, điều này đã được trình bày tỉ mỉ ở phần trên. Ở đây, chúng tôi xin tập trung vào phân định loại thứ nhất, tức là những chữ Nôm vay mượn từ chữ Hán được viết giản nét. Về loại chữ này, tuy vốn là vay mượn từ chữ Hán, nhưng có phải đều nên xếp vào chữ Nôm mượn Hán hay không? Về vấn đề này, giới học thuật có những ý kiến khác nhau: nhiều người cho rằng loại chữ này là chữ Nôm mượn Hán, cũng có người cho rằng trong loại chữ này có chữ Nôm mượn Hán, cũng có chữ Nôm tự tạo. Trong công trình Nghiên cứu tiếng Hán Việt, Vương Lực cũng nói tới chữ Nôm viết giản nét, và chỉ ra trong chữ Nôm viết giản nét có một loại khá đặc biệt, có thể gọi là “chữ đặc chế”. Loại chữ này khác với những chữ viết giản nét thông thường, vì chữ đủ nét của loại chữ này không thể được coi như là dạng thông dụng của chúng. Tác giả nêu ra 11 chữ làm ví dụ, trong đó có 爫làm, 𧘇ấy, 㐌đã, nào, là, 払chàng,... [Vương Lực 1948:90-91]. Trong chuyên khảo Khái luận văn tự học chữ Nôm, Nguyễn Quang Hồng cũng xếp những chữ như 爫làm, 𧘇ấy, nào,𠬠một, hay... vào bộ phận chữ Nôm tự tạo. Về lý do, tác giả cho rằng: “Sở dĩ các chữ này được coi là thuộc về một loại cấu trúc tạo chữ, chứ không hẳn chỉ là dạng rút gọn của chữ gốc, là vì hai lẽ: Một là, người đọc chữ Nôm bình thường có thể nhận biết được chúng mà không cần liên hệ với chữ gốc vốn có. Hai là, lai nguyên của những chữ này không phải bao giờ cũng rõ ràng, mà đôi khi vẫn còn là vấn đề cần phải biện minh.”[Nguyễn Quang Hồng 2008:228]. Chúng tôi đồng ý với cách nhìn của Vương Lực và Nguyễn Quang Hồng, cho rằng trong những chữ Nôm vay mượn từ chữ Hán được viết giản nét, có một số nên được xếp vào loại chữ Nôm tự tạo. Về lý do phân định, chúng tôi thấy ý kiến của Nguyễn Quang Hồng rất có lý, và dựa theo đó, xin nêu thêm căn cứ phân định từ ba mặt hình, âm và nghĩa. Trước hết, phải xem dạng viết tắt của chữ Nôm này có xuất hiện trong văn bản Hán đương thời không, vì viết tắt cũng là hiện tượng thường gặp trong chữ Hán. Nếu trong văn bản Hán cũng có xuất hiện thì có thể khẳng định đây là một chữ Nôm mượn Hán. Nếu không có xuất hiện, thì phải khảo sát kỹ hơn: Nếu trong cùng một văn bản Nôm hoặc trong những văn bản Nôm khác cùng thời cũng thường gặp dạng nguyên thể của chữ Nôm viết tắt này, có lai nguyên rõ ràng, làm người ta nhìn thấy dạng viết tắt này thì liên hệ với chữ gốc vốn có, và có mượn một mặt âm hoặc nghĩa của chữ Hán, thậm chí mượn cả hai mặt âm và nghĩa thì có thể xếp chữ Nôm này vào loại chữ Nôm mượn Hán. Nếu dạng viết tắt này được sử dụng thuần nhất, hầu như không xuất hiện dạng nguyên thể trong cùng một văn bản Nôm hoặc trong những văn bản Nôm khác cùng thời, thì điều đó chứng tỏ chữ này đã được Nôm hóa rồi, tuy xuất phát điểm có thể là mượn âm hoặc nghĩa của một chữ Hán nào đó, nhưng vẫn có thể xếp chữ Nôm này vào chữ Nôm tự tạo. Theo nguyên tắc phân định kể trên, chúng tôi hãy thử phân định một số chữ Nôm với dạng viết tắt trong Tân biên TKML. Trong văn bản, những chữ Nôm vay mượn từ chữ Hán được viết giản nét chủ yếu có mấy chữ như sau: 爫làm, nào, mấy, 𠇮mình, là, ngờ, 𢪀nghỉ, 払chàng, năng, đức. Trong những chữ này, ba chữ 爫làm, nào và mấy xuất hiện nhiều lần, được sử dụng thuần nhất từ đầu đến cuối, chỉ thấy dạng viết tắt mà không thấy dạng nguyên thể, và cũng được sử dụng nhiều trong các văn bản Nôm khác, chứ chưa hề xuất hiện trong văn bản Hán, lai nguyên của ba chữ này không được rõ lắm, thường gây tranh luận trong giới học thuật, cho nên chúng tôi cho rằng ba chữ này là những chữ thường dùng đã được Nôm hóa, nên xếp vào chữ Nôm tự tạo. Trong đó, chữ 爫làm thuộc loại chữ Nôm tự tạo biểu ý đơn (có thể là chữ đơn biểu ý rút gọn từ chữ 為“vi”, nhưng cũng có thể là chữ đơn biểu âm, rút gọn từ chữ 滥 “lạm”, ở đây chúng tôi tạm xếp vào loại chữ đơn biểu ý), chữ nào (có thể là rút gọn từ chữ 閙 “náo”) vàchữ mấy (có thể là rút gọn từ chữ 爾 “nhĩ” đọc theo nghĩa mày, rồi chuyển sang mượn theo âm mấy [Xin xem: Nguyễn Quang Hồng 2008:310-316]), được xếp vào chữ Nôm tự tạo biểu âm đơn. Chữ 𠇮mìnhtrong Tân biên TKML cũng được sử dụng thuần nhất, nhưng trong các văn bản Nôm khác thì có xuất hiện dạng nguyên thể là chữ 命(âm Hán Việt mệnh), và dạng viết tắt 𠇮 cũng có xuất hiện trong văn bản Hán (là một chữ “tục tự” có từ đời Tống trở đi, dùng như chữ 命), chứng tỏ người Việt đã dùng chữ Hán命 nguyên dạng và cả dạng tắt trong chữ Hán là 𠇮để ghi âm thuần Việt mình, vì vậy chữ này nên xếp vào loại chữ Nôm mượn Hán. Chữ làthì trong văn bản có khi viết dạng nguyên thể 羅(âm Hán Việt la), có khi viết dạng tắt, và dạng tắt cũng có xuất hiện trong văn bản Hán, vốn là dạng viết tắt của chữ Hán羅, cho nên chữ làcũng là chữ Nôm mượn Hán. Ba chữ ngờ, 𢪀nghỉ, 払chàng trong văn bản giải âm Tân biên TKML cũng có khi viết dạng nguyên thể 疑(âm Hán Việt nghi), 擬(âm Hán Việt nghĩ), 撞(âm Hán Việt chàng), có khi viết dạng tắt. Tuy những dạng tắt này không xuất hiện trong Hán văn, nhưng chúng có lai nguyên rõ ràng, khiến người ta có thể liên hệ ngay đến chữ gốc khi nhìn thấy chúng, vì vậy cũng nên xếp vào loại chữ Nôm mượn Hán. Cũng vậy, hai chữ năng, đứctrong văn bản Nôm cũng có khi viết dạng nguyên thể 能(âm Hán Việt “năng”), 德(âm Hán Việt “đức”), có khi viết dạng tắt, cho thấy có lai nguyên rõ ràng, khiến người ta có thể liên hệ ngay đến chữ gốc khi nhìn thấy chúng, và hai chữ viết tắt này không những mượn âm mà còn mượn cả nghĩa của chữ Hán, rõ ràng cũng nên coi là chữ Nôm mượn Hán. Cuối cùng, xin nói thêm về chữ 㐌đã và chữ 扲cầm. Hai chữ này xuất hiện nhiều lần trong Tân biên TKML. Chữ 㐌đã được Vương Lực xếp vào loại “chữ đặc chế”, cho rằng chữ này là dạng viết tắt của chữ 拖, 鴕hoặc 陀(ba chữ này đều có âm Hán Việt là đà) [Vương Lực 1948:90], nhưng chữ 㐌vốn có trong chữ Hán, là dị thể của chữ Hán 它(âm Hán Việt đà), cho nên chúng tôi cho rằng chữ Nôm 㐌đã là mượn dùng chữ Hán 㐌 để ghi âm thuần Việt “đã”, chứ không phải là dạng viết tắt của chữ mượn Hán nào đó. Còn chữ 扲cầm thường được coi như là dạng viết tắt từ chữ 擒 “cầm”, nhưng chữ 扲vốn có trong chữ Hán, là dị thể của chữ Hán 擒, vì vậy chúng tôi cho rằng chữ Nôm 扲cầm là mượn dùng chữ Hán 扲“cầm” để ghi âm thuần Việt cầm, chứ không phải là dạng viết tắt từ chữ Nôm mượn Hán 擒. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1.Đàm Chí Từ: Bàn về ảnh hưởng của chữ Hán đối với chữ Nôm.谭志词,《论汉字对字喃的影响》, 载《中国东南亚研究会通讯》2000年第2期,第11-17页。 2.Đường Lan: Văn tự học Trung Quốc. 唐兰,《中国文字学》(1949),上海古籍出版社,上海,2005,155页。 3.Hoàng Thị Ngọ: Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Nxb. KHXH, H. 2001, 1999. 4.Hứa Thận许慎: Thuyết văn giải tự.<说文解字> , http://tool.httpcn.com/shuowen/ 5.Khang Hy tự điển《康熙字典》,http://tool.httpcn.com/kangxi/ 6.Lâm Minh Hoa.Giới thuyết về chữ Nôm. 林明华,《喃字界说》,载《现代外语》1989年第2期,第63-66页。 7.Mã Khắc Thừa: Chữ Nôm của Việt Nam. 马克承,《越南的喃字》,载张殿英等编《东方研究百年校庆论文集一九九八》,蓝天出版社,1998,第540-551页。 8.Nguyễn Quang Hồng: Khái luận văn tự học chữ Nôm. Nxb. Giáo dục, Tp. Hồ Chí Minh, 2008. 9.Nguyễn Tá Nhí: Các phương thức biểu âm trong cấu trúc chữ Nôm Việt. Nxb. KHXH, H. 2001,1997. 10.Nguyễn Tài Cẩn: Một số vấn đề về chữ Nôm. Nxb. Đại học và THCN, H. 1985. 11.Tân biên truyền kỳ mạn lục:新編傳奇漫錄. Xem: Truyền kỳ mạn lục giải âm. Nguyễn Quang Hồng phiên chú, Nxb. KHXH, H. 2001. 12.Từ điển Hán ngữ hiện đại《现代汉语词典》,中国社会科学院语言研究所词典编辑室编,商务印书馆,北京,1983。 13.Từ hải《辞海》, 上海辞书出版社, 上海, 2010。 14.Văn Hựu: Khảo về kết cấu chữ Nôm và mối quan hệ của nó với chữ Hán.聞宥, 《論字喃 (Chữ Nôm) 之組織及其與漢字之闗涉》,载《燕京學報》第十四期,1933,第201-242页。 15.Vương Lực: Nghiên cứu tiếng Hán Việt. 王力,《漢越語研究》, 载《嶺南學報》第九卷第一期,1948,第1-96页 ./. (Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (106) 2011, Tr.45 - 53) |