Góp Phần Tìm Hiểu Giá Trị Truyền Thống Văn Hóa Của Dân Tộc Việt Nam

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa phải tạo ra những điều kiện cần thiết về vật chất, con người và khoa học - công nghệ, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội. Do vậy, việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc có ảnh hưởng vô cùng to lớn. Giá trị văn hóa truyền thống dân tộc là sự bảo đảm đặc tính riêng của mỗi dân tộc, thể hiện sức sống thật sự của dân tộc ấy.

Giá trị văn hóa truyền thống của một dân tộc thể hiện sự trường tồn của dân tộc ấy với những biến thiên của lịch sử và mang tính phổ biến của dân tộc. Giá trị truyền thống văn hóa dân tộc biểu hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ tư tưởng, tình cảm, quan niệm, biểu tượng, đạo đức, thẩm mỹ, lối sống đến những giá trị tinh thần do con người sáng tạo nên như nghệ thuật, kiến trúc, hội họa, âm nhạc... Giá trị truyền thống văn hóa dân tộc hình thành và được khẳng định trong quá trình tồn tại, phát triển của con người và xã hội, bao gồm những chuẩn giá trị tốt đẹp nhất mà dân tộc đó phải dựa vào để liên kết xã hội, tạo nên sức mạnh nhằm xây dựng và bảo vệ đất nước.

Những nội dung cơ bản của giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam

Giá trị truyền thống văn hóa của Việt Nam được thử thách qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Nó được hun đúc trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Vượt qua những diễn biến phức tạp trong chiều dài lịch sử, các giá trị truyền thống văn hóa đã khẳng định sức sống mãnh liệt, là vũ khí sắc bén, tạo ra một sức mạnh vô cùng to lớn, đóng góp vào tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lịch sử cho thấy, qua những lần giao lưu, tiếp biến, hội nhập với các nền văn hóa Nam Á, Trung Hoa, Pháp, Âu – Mỹ, qua những cuộc chiến tranh tàn bạo với kẻ thù xâm lược, các giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển phong phú hơn, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở Đà Lạt (Lâm Đồng) - Ảnh: Hà Hữu Nết

Theo thời gian, giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam được thể hiện qua những nội dung sau:

Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc

Không ai có thể phủ nhận tình cảm yêu nước là tình cảm chung lớn nhất của dân tộc Việt Nam. Với người Việt Nam, Tổ quốc là trên hết, là thiêng liêng nhất. Đặc biệt, tình cảm yêu nước đã được nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước, thứ vũ khí mạnh mẽ trước mọi kẻ thù xâm lược.

Lịch sử cho thấy, qua các thời đại, chưa có đất nước nào bị xâm lược nhiều lần bởi những đạo quân hùng mạnh nhất thế giới như Việt Nam: từ các triều đại phong kiến của Trung Quốc đến các nước thực dân, đế quốc Pháp, Nhật, Mỹ, nhưng chủ nghĩa yêu nước đã giúp nhân dân ta đấu tranh giành lại độc lập, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Điều đáng lưu ý nữa là lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với ý chí tự cường dân tộc. Tinh thần ấy đã được hun đúc và thử thách trong khi đối mặt với những kẻ thù tàn bạo nhất thế kỷ và cuối cùng, nó được khẳng định như một chân lý, tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường được thừa nhận như một giá trị cao quý nhất của người Việt Nam qua suốt thời kỳ lịch sử của dân tộc.

Ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng - nước

Trong lịch sử dân tộc, kết cấu cá nhân - gia đình - làng xã - nước là một kết cấu bền chặt của xã hội Việt Nam. Ở phương Tây, mỗi cá nhân trong cộng đồng đều muốn bộc lộ cái riêng, khẳng định tính độc lập của mình. Đối với người Việt Nam, cá nhân luôn gắn với gia đình, tập thể, làng xã, đất nước. Gia đình lớn là làng, làng là sự mở rộng của quan hệ huyết thống. Làng trong truyền thống xã hội Việt Nam là một tập thể nhỏ, có tổ chức chặt chẽ. Song, nó không thể giải quyết được những chuyện lớn như chống lũ lụt, thiên tai, chống giặc ngoại xâm. Vì vậy, các làng liên kết với nhau hình thành nên đất nước.

Nhìn lại quá khứ, lịch sử dân tộc ta gắn liền với việc đắp đê chống lũ, chống giặc ngoại xâm. Chính trong điều kiện đó, nhân dân ta đoàn kết gắn bó với nhau và yêu thương cộng đồng, đất nước. Đây là hai yếu tố được xem như sản phẩm của tính cộng đồng và tính tự trị làng xã Việt Nam. Chính vì vậy, có thể nói rằng, hoàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam đã sản sinh ra một sản phẩm đặc thù rất quý, đó là tính cộng đồng.

Tính cộng đồng là sự liên kết các thành viên trong làng lại với nhau, mỗi người đều quan tâm hướng tới những người khác, nhờ đó, nó trở thành điều kiện sống còn và là sức mạnh trường tồn của dân tộc ta trước mọi thử thách của thời đại. Người Việt Nam luôn sẵn sàng đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, coi mọi người trong cộng đồng như anh em một nhà; “tay đứt ruột xót”, “chị ngã em nâng”, “lá lành đùm lá rách”. Người Việt Nam thể hiện tính tập thể, hòa đồng, gắn bó cộng đồng với nhau, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích của làng - nước lên trên lợi ích của gia đình. Người Việt Nam thích sống, hoạt động và cống hiến trong cộng đồng và muốn đặt mình trong quan hệ với gia đình - làng xã - Tổ quốc.

Trong lịch sử, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng dân tộc đã phát huy được sức mạnh vô cùng to lớn, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Chính vì vậy có thể nói rằng, ý thức cá nhân gắn với gia đình, cộng đồng làng, nước là cốt lõi của những giá trị truyền thống trong văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Lòng nhân ái

Lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam có nguồn gốc sâu xa ngay từ buổi đầu dựng nước. Lòng nhân ái là lòng yêu thương con người. Lòng thương yêu con người của dân tộc Việt Nam khác với các dân tộc khác ở việc họ không phân biệt giai cấp, tầng lớp, địa vị, thân phận, giới tính. Lòng nhân ái được biểu hiện rõ trong các mối quan hệ của mỗi cá nhân với cá nhân, với gia đình, làng xã, cộng đồng, đất nước.

Nhân ái trong quan hệ gia đình của người Việt Nam biểu hiện trong các mối quan hệ như: cha mẹ nuôi nấng, lo cho con, con cái phải có trách nhiệm lo cho cha mẹ; anh với em trong nhà “như chân với tay”, “anh thuận, em hòa là nhà có phúc”. Trong quan hệ xóm làng, lòng nhân ái thể hiện ở cách cư xử “nhường cơm, sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”, “tối lửa, tắt đèn có nhau”, mọi việc xem xét “có lý có tình”. Tuy nhiên. hạn chế của giá trị truyền thống văn hóa dân tộc này là quá xem trọng lòng nhân ái nên người Việt Nam nặng tình hơn lý, “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, cho nên nhiều lúc người Việt Nam đi đến chỗ duy tình.

Trong quan hệ xã hội, lòng nhân ái thể hiện ở việc giúp người nghèo khổ, vượt qua cơn hoạn nạn mà không mong sự báo đáp. Trong cộng đồng, cái đáng trân trọng và khác biệt với “nhân” hay “từ bi” của Nho và Phật giáo là tư tưởng “thương người như thể thương thân”. Tư tưởng này đã trở thành một giá trị truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc ta. Lòng nhân ái của dân tộc là cơ sở cho lòng bao dung ngày càng rộng mở trong cuộc sống cộng đồng, nó bao hàm cả tấm lòng vị tha.

Có thể nói, lòng nhân ái đã tạo nên một nét độc đáo trong chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam. Do vậy, Đảng ta đã khẳng định tại Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ V: Thương nước, thương nhà, thương người, thương mình là truyền thống văn hóa đậm đà của nhân dân ta.

Vì nghĩa

Vì nghĩa là đặt cái lợi ích chung lên trên cái lợi ích riêng tư, nếu cần, dám hy sinh cái lợi ích riêng vì cái lợi ích chung. Giá trị truyền thống văn hóa “vì nghĩa” đã được nhân dân ta nâng lên thành ý thức của dân tộc, trở thành tiêu chuẩn đánh giá con người; “vì nghĩa” trở thành bổn phận đối với tổ tiên, gia đình, bạn bè. Gặp việc nghĩa thì không thể khước từ, cho dù khó khăn hay có ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Sâu hơn, vì nghĩa mà lớn nhất là đặt đất nước dân tộc lên trên cá nhân, đã trở thành triết lý nhân sinh cao cả của con người Việt Nam. Theo GS Trần Văn Giàu, giá trị vì nghĩa đã trở thành trái núi đỡ tượng những anh hùng lên. Hồ Chí Minh là một tấm gương vì nghĩa. Người đã hy sinh cả đời mình cho đại nghĩa, đó là con đường giải phóng dân tộc.

Cần cù

Từ buổi sơ khai dựng nước của lịch sử dân tộc, con người Việt Nam vừa chống chọi với thiên tai, lũ lụt, hạn hán vừa phải chống giặc ngoại xâm. Hoàn cảnh này đã góp phần hình thành nên giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc là đức tính cần cù. Có thể nói, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống cần cù: cần cù trong lao động sản xuất.

Nếu trong xóm làng có những kẻ biếng lười, người xưa cũng phê phán nhằm thức tỉnh họ: “Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác. Đàn ông không biết buộc lạt là đàn ông hư”. Biết lo toan trong lao động, trong cuộc sống sẽ giúp con người chủ động trước hoàn cảnh, đưa tới “một người lo bằng kho người làm”. Sự lo lắng, tính toán không lúc nào ngơi nghỉ bởi “Làm người ăn tối lo mai. Việc mình hồ dễ để ai đo lường” hoặc “Năm canh thì ngủ lấy ba. Hai canh lo lắng việc nhà làm ăn”.

Đức tính cần cù được đúc kết bằng câu tục ngữ ngắn gọn, trải mấy ngàn năm vẫn còn giá trị với thời gian “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Bốn yếu tố này luôn đi liền với nhau thì mùa màng sẽ bội thu, no ấm… Vì có chữ “cần” nên dẫu thời tiết thay đổi, người lao động vẫn tự tin. Mặc dù người Việt Nam xưa đều tin vụ mùa bội thu là “do trời, ơn trời” nhưng trước hết, họ tin ở bản thân mình, nếu cần cù, chịu khó thì sẽ có ngày no ấm: “Ơn trời mưa nắng phải thì/ Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu/ Công lênh chẳng quản bao lâu/ Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng/Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/ Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu”.

Người lao động, bằng kinh nghiệm trải qua nhiều thế hệ, đã đúc kết những câu tục ngữ rất chí lý về tinh thần tiết kiệm mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc đó đã tạo nên hình ảnh con người Việt Nam cần cù, yêu lao động. Điều này không những được thấy trong các thần thoại, truyền thuyết, tục ngữ ca dao mà còn thấy ở trong cả văn chương bác học; không chỉ thể hiện ở những cá nhân mà còn thể hiện ở cả cộng đồng dân tộc.

Có thể khẳng định, đức tính cần cù là một đức tính lớn của dân tộc Việt Nam. Nó đã làm nên bản sắc của nền văn hóa và được biểu hiện rõ nét trong đời sống của dân tộc ta. Đức tính này góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc suốt chặng đường mấy nghìn năm lịch sử.

Lạc quan

Lạc quan là niềm tin của bản thân, của tập thể hay cả một cộng đồng ở tương lai tốt đẹp về một vấn đề nào đó. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc lạc quan. Theo GS Trần Văn Giàu, đức tính lạc quan của người Việt là một đức tính lớn, có từ thiên cổ. Điều này được biểu hiện trong thần thoại thời Văn Lang - Âu Lạc.

Truyện Thánh Gióng là một thí dụ về tinh thần lạc quan chống giặc của dân tộc. Truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh là một điển hình cho tinh thần lạc quan của dân tộc trong việc chống lại thiên tai lũ lụt. Từ đó đến nay, đất nước trải qua bao cuộc chiến tranh. Có những lúc khó khăn, vất vả tưởng chừng như không thể vượt qua được, tinh thần lạc quan của nhân dân ta vẫn được kế thừa và phát huy. Vì vậy, tinh thần lạc quan chính là cơ sở hình thành chủ nghĩa lạc quan của người Việt.

Hiếu học

Ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước, từ làng quê cho đến thành thị, từ miền Bắc đến miền Nam, từ thời cổ xưa cho đến ngày nay, người dân nước ta rất hiếu học. Các bậc cha mẹ trong xã hội truyền thống cũng như xã hội hiện nay thường chung mơ ước thật đơn sơ và chất phác là nuôi con ăn học để thành người. Trong lịch sử dân tộc ta, nhiều gia đình, dòng tộc đã tạo nên được truyền thống khoa bảng, lưu danh trong sử sách cho đến ngày nay. Họ đã cống hiến cho đất nước những nhân cách văn hóa và nhân tài đáng trân trọng. Nhiều tấm gương hiếu học sáng ngời, như Mai Thúc Loan, một chú bé nghèo khổ đã trở thành một trong những ông vua nổi tiếng của đất Việt; Nguyễn Hiền, mồ côi cha, không có tiền, phải bắt đom đóm làm đèn để học và trở thành trạng nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử Việt Nam; Mạc Đĩnh Chi mặc dù sớm mồ côi cha, nhà nghèo nhưng ông đã trở thành một trạng nguyên tài giỏi; Lê Quý Đôn học hành đỗ đạt đứng đầu nhiều Khoa. Bà Huyện Thanh Quan ham học hỏi, luôn tìm tòi tri thức, đã trở thành nữ thi sĩ tài hoa,... Và còn có biết bao tấm gương hiếu học khác nữa.

Có thể khẳng định rằng, tinh thần hiếu học có cơ sở bền vững từ trong mỗi gia đình của người Việt Nam.

Phát huy giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới ngày nay có nhiều sự thay đổi, đòi hỏi mỗi dân tộc phải thích ứng và có những quyết sách cho dân tộc mình. Để giữ vững được sự độc lập, tự chủ trong xu thế hội nhập và phát triển, việc giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc trở thành điểm tựa, là sức mạnh nội sinh của mỗi dân tộc. Đó đều là những giá trị bất biến của văn hóa truyền thống trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thế giới. Chính vì thế, cần phát huy giá trị truyền thống văn hóa nhằm tạo sự chủ động, tích cực để tạo nền tảng cốt lõi nhất để xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Việc phát huy các giá trị truyền thống văn hóa cốt lõi của dân tộc nêu trên luôn là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Bên cạnh đó là việc nâng tầm giá trị, bổ sung và phát triển thêm những yếu tố mới trong hệ giá trị đáp ứng với yêu cầu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hiện nay. Mục đích cuối cùng là gắn kết chặt chẽ, phát huy lòng yêu nước với ý chí tự cường, bản lĩnh dân tộc, khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng; phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh toàn dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, để dân tộc luôn cường thịnh, trường tồn.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là phải tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội của các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là phải xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh. Phải có cơ chế, chính sách, giải pháp để cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc là thể hiện sức mạnh con người Việt Nam thông qua việc khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết. Phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc là xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế.

Những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc là tốt đẹp, mang tính tích cực và được xuyên suốt trong huyết mạch mỗi con người Việt Nam, tạo nên cốt cách, tinh thần, khí phách con người Việt Nam. Giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thể hiện bản sắc của dân tộc trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay. Văn hóa không chỉ là tiếp thu tinh hoa quá khứ, xử lý tốt mối quan hệ trong hiện tại, mà còn phải luôn hướng tới nền văn hóa đích thực vì sự phát triển bền vững, vì hạnh phúc của con người. Chính vì vậy, giá trị truyền thống văn hóa dân tộc phải đem lại hạnh phúc cho nhân dân, đem lại sự phồn vinh cho dân tộc.

TS BÙI XUÂN DŨNG

Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

__________________________________

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Thanh Hà, Giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam trong bối cảnh toàn câu hóa hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011.

2. Phạm Minh Hạc (chủ biên), Vấn đề con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.

3. Phạm Minh Hạc - Thái Duy Tuyên (chủ biên), Định hướng giá trị con người Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012.

4. Trần Thị Minh, Phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014.

5. Mai Thị Quý, Tác động của toàn cầu hóa đến truyền thống cần cù, tiết kiệm của dân tộc Việt Nam, Tạp chí Triết học, (5), Hà Nội, 2007.

6. Hồ Sĩ Quý, Giá trị truyền thống trước những thách thức của toàn cầu hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.

7. Hồ Sĩ Quý, Về giá trị và giá trị châu Á, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

Từ khóa » Giá Trị Văn Hóa Truyền Thống Việt Nam