Kết Hợp Giữa Văn Hóa Truyền Thống Và Hiện đại Trong Việc Xây Dựng ...

TTBD - Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng bận rộn thì mỗi chúng ta càng cần tìm về với "điểm tựa quan trọng" của mình - đó chính là gia đình. Gia đình – hai tiếng thiêng liêng nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm và làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc; gia đình cũng chính là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người, dân tộc Việt Nam đã được hình thành trong quá trình lịch sử. Với ý nghĩa to lớn đó, ngày 4/5/2001 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về việc chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ, lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là trách nhiệm của toàn xã hội trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.

 “Gia đình là một tế bào cơ bản và tự nhiên cấu thành nên từng cộng đồng, xã hội. Gia đình giữ vai trò trung tâm trong đời sống của mỗi con người, là nơi bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của mỗi cá nhân, là một trong những giá trị xã hội quan trọng bậc nhất của người Á Đông, trong đó có Việt Nam. Đối với mỗi quốc gia thì gia đình được coi là “một tế bào xã hội có tính sản sinh”. Do vậy sức mạnh trường tồn của quốc gia, dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào sự tồn tại và phát triển của gia đình”.(1)

 

 

 

Công Đoàn - Đoàn Cơ sở Cơ quan Tỉnh Đoàn tổ chức Ngày hội Gia đình Việt Nam cho Công đoàn viên Tỉnh Đoàn

Về những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình cần được giữ gìn và phát huy trong việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay, các giá trị văn hóa truyền thống là then chốt, luôn được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử

Truyền thống văn hóa Việt Nam xưa nay vẫn coi trọng chữ tình. Vì thế mà trong cách ứng xử của người Việt Nam vẫn nặng cái tình hơn cái lý “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Dưới góc độ nào đó, đấy chính là mặt tích cực, yếu tố đáng trân trọng cần được giữ gìn và phát huy. Cái tình, cái nghĩa nó cần thiết trong tất thảy các mối quan hệ trong gia đình. Cái tình trong mối quan hệ cha – con chính là thứ tình cảm thiêng liêng nhất giữa bậc sinh thành và con cái – thứ tình cảm không gì so sánh được. Cái tình trong mối quan hệ vợ - chồng là thứ tình cảm đẹp đẽ, tự nhiên, nó được xây dựng trên cơ sở tình yêu đôi lứa và sau đó trở thành vợ thành chồng; trong cuộc sống gia đình, tình cảm giữa vợ và chồng bên cạnh tình yêu còn là tình nghĩa, là trách nhiệm, bổn phận với nhau trong việc vun đắp, xây dựng hạnh phúc gia đình; thứ tình cảm ấy chính là sợi dây quan trọng nhất kết nối các mối quan hệ khác trong gia đình. Còn cái tình trong mối quan hệ giữa anh chị – em với nhau chính là thứ tình cảm máu mủ ruột rà, là sự thương yêu, đùm bọc, che chở, giúp đỡ lẫn nhau; cái tình lớn hơn nữa chính là sự đoàn kết, cộng hưởng, chung sức, chung lòng cùng nhau sinh sống và phát triển…

Trong xã hội mới hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, giao lưu hội nhập và sự đa dạng văn hóa…, yếu tố tình cảm trong mỗi gia đình thực sự đang đứng trước thách thức lớn, sự rạn nứt và tẻ nhạt giữa các mối quan hệ trong nhiều gia đình là một thực tế rất đáng lo ngại. Và chính thực tế này cũng đã và đang là một trong những nguyên do làm phai nhạt giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong xã hội mới. Nghiên cứu về gia đình cả góc độ lý luận và thực tiễn là một vấn đề cần thiết và quan trọng. Sự cần thiết đó còn xuất phát từ thực tiễn về những tồn tại, hạn chế của gia đình Việt Nam hiện đại. Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong của gia đình truyền thống. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Xu hướng hôn nhân với người nước ngoài ngày càng nhiều và sau hôn nhân nhiều phụ nữ di cư theo chồng sinh sống ở nước ngoài cũng đặt ra mối quan tâm lo lắng của toàn xã hội. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp đang có biểu hiện xuống cấp, mai một. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, HIV/AIDS… đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống, vấn đề chăm sóc người cao tuổi, tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng v.v.. đang đặt ra những thách thức lớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội.

Mục tiêu phát triển đất nước mà Đảng ta đề ra là Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là mục tiêu kết hợp các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội trong quá trình phát triển. Không thể xây dựng một xã hội văn minh với nền kinh tế lạc hậu, thấp kém và ngược lại, có một nền kinh tế phát triển nhưng thiếu văn minh thì không phải là một xã hội tiến bộ. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để kinh tế và văn hóa phát triển hài hòa trong sự phát triển của xã hội, để kinh tế không phá hoại văn hóa và văn hóa không cản trở sự phát triển kinh tế. Làm thế nào để kinh tế thị trường và bản sắc văn hóa dân tộc không mâu thuẫn với nhau, kìm hãm sự phát triển lẫn nhau. Giải quyết được mối quan hệ này sẽ là động lực cho sự phát triển toàn diện đất nước.

Giải pháp

Những năm qua, trong các Văn kiện của Đảng đều đề cập đến việc xây dựng gia đình thời đại mới, khẳng định vai trò của gia đình đối với sự phát triển của đất nước. Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội. Hạt nhân của xã hội là gia đình,Con người Việt Nam chỉ có thể được trang bị những phẩm chất tốt đẹp nếu có một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình, mỗi tế bào của xã hội; cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực vào nhiệm vụ “dạy người, dạy chữ”, tạo ra lực lượng lao động tương lai có chất lượng. Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng cường hội nhập quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ. Sự giao lưu, mở cửa đem đến cho gia đình Việt Nam cơ hội tiếp cận những kiến thức, giá trị văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới, cũng như kỹ năng tổ chức cuộc sống trong xã hội hiện đại và điều kiện phát triển kinh tế. Song, mặt trái của cơ chế thị trường cũng tác động không nhỏ đến đời sống gia đình Việt Nam. Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nề nếp gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam và tiềm ẩn những thách thức, tạo ra xung đột giữa việc bảo tồn các giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục của gia đình, dân tộc với việc tiếp thu những yếu tố mới của xã hội hiện đại; làm xuất hiện tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên của gia đình, dẫn đến sự thiếu ổn định và bền vững của gia đình. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra ra những thách thức mới. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, hiện tượng hôn nhân đồng giới và quan hệ trước hôn nhân trong giới trẻ có xu hướng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện phai nhạt. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm, đại dịch HIV/AIDS đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Tình trạng bạo lực trong gia đình đang diễn ra dưới nhiều hình thức, làm ảnh hưởng tới sự bền vững của gia đình. Cùng với đó, chúng ta thấy gia đình Việt Nam còn phải đối mặt với diễn biến phức tạp của tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, bất bình đẳng giới trong gia đình vẫn còn xảy ra. Do vậy để hướng tới xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, thiết nghĩ cần phải thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới mọi người, mọi gia đình về tầm quan trọng của gia đình

Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, chức năng của gia đình. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; đồng thời thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về hôn nhân, gia đình, về bình đẳng giới, về công tác phòng, chống bạo lực trong gia đình, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; thấy được quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ.

Thứ hai, tiếp tục giáo dục, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, từ đó đề cao trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình.

 

Giáo dục văn hóa gia đình là xây dựng con người Việt Nam với những phẩm chất cao quý theo nội dung Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc", có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới... có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước.

Thứ ba, phải thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức văn hóa gia đình và nội dung công tác xây dựng gia đình văn hóa

Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức văn hóa gia đình và nội dung công tác xây dựng gia đình văn hóa cho cán bộ chỉ đạo hướng dẫn phong trào xây dựng gia đình văn hóa các cấp, nhằm trang bị kiến thức xây dựng gia đình văn hóa trong đời sống xã hội hiện đại để cập nhật trước yêu cầu đổi mới của thời đại và có định hướng hướng dẫn nhân dân thực hiện lâu dài.

Có thể nói, việc phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong công tác xây dựng gia đình, hướng tới xây dựng gia đình có đời sống kinh tế phát triển và đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú là yêu cầu bức thiết không chỉ đối với từng gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Ngày nay, để xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình. Để xây dựng gia đình Việt Nam theo chuẩn mực văn hóa truyền thống gắn với mục tiêu xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần xây dựng gia đình Việt Nam theo những nấc thang giá trị mới, vừa kế thừa được những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống, vừa tiếp thu có chọn lọc những tiến bộ của các tư tưởng nhân văn, tiên tiến trên thế giới, vừa bảo đảm các điều kiện để con người Việt Nam phát triển toàn diện. Gia đình hạnh phúc, bền vững sẽ là điểm tựa quan trọng để xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Giữ gìn và phát huy bản lĩnh văn hóa dân tộc suy cho cùng là việc thực hiện chiến lược con người. Và trong chiến lược lớn đó, xây dựng gia đình văn hóa là khâu then chốt bởi gia đình là biểu hiện tập trung của một xã hội, và ngược lại, xã hội đáp ứng nhu cầu, lợi ích của con người, góp phần vào sự tồn tại và phát triển hoàn thiện nhân cách con người.Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong việc xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam hiện đại là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa, góp phần vào mục tiêu chung là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới hình thành con người mới Việt Nam với những đặc tính cao đẹp và tiến bộ. Đó là những “gia đình văn hóa” trên cơ sở gìn giữ và phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ những lạc hậu, những tàn tích của chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến, đồng thời tiếp thu những tiến bộ của văn hóa nhân loại. Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam(3).

Tác giả: Võ Huỳnh Như Thuyên - Câu lạc bộ Lý luận trẻ

Tài liệu tham khảo.

1. TS. Nguyễn Thị Phương Thủy – TS. Nguyễn Thị Thọ: Gia đình và giáo dục gia đình, NXB.Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.7.

2. Vũ Khiêu: Nho giáo và phát triển ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr140 – 142.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.77.

 

Từ khóa » Giá Trị Văn Hóa Truyền Thống Việt Nam