GS HOÀNG XUÂN HÃN (1908 - 1996)

     GIÁO SƯ HOÀNG XUÂN HÃN     

     

     GS Hoàng Xuân Hãn (1908 - 1996) là một nhà sử học, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục Việt Nam đồng thời là một kỹ sư, nhà toán học. Ông là người soạn thảo và ban hành Chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên.

         

GS Hoàng Xuân Hãn
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908 - 1996)

 

     Hoàng Xuân Hãn sinh ngày 8 tháng 3 năm 1908 (mùng 7 tháng Giêng năm Mậu Thân), tại thôn Yên Phúc, làng Yên Hồ, huyện La Sơn,  tỉnh Hà Tĩnh. Con cụ Hoàng Xuân Úc, tú tài Hán học, và cụ bà Lê Thị Ấu.

     Năm 1914 đến 1917: Học chữ Hán và chữ quốc ngữ trong gia đình.

     Năm 1917 đến 1921: Vào trường tiểu học Vinh (học tiếng Pháp).

     Năm 1921 đến 1922: Học lớp nhất bậc tiểu học và đỗ bằng tiểu học ở Thanh Hóa.

     Năm 1922 đến 1926: Học trường Quốc Học Vinh (trung học đệ nhất cấp, tương đương với lớp 6 đến lớp 9 hiện giờ).

     Năm 1926: Ðậu bằng Thành Chung.

     Năm 1926 - 1927: Vào năm thứ nhất trường Bảo Hộ tức là trường Bưởi (Trung học đệ nhị cấp), tương đương với lớp 10 bây giờ. Cũng trong năm này, tự học lấy để thi bằng Tú Tài Pháp, phần 1.

     Năm 1927: Ðỗ Tú Tài Pháp, phần 1 (thi nhẩy, thí sinh tự do).

     Năm 1927 - 1928 Ðược nhận vào lớp đệ nhất ban toán (Mathématiques élémentaires, Terminale bây giờ) trường Albert Sarraut Hà Nội.

     Năm 1928: Ðỗ Tú Tài Pháp, phần 2, ban toán.

     Năm 1928 đến 1930 được chính phủ Ðông Dương cấp học bổng sang Pháp để học dự bị thi vào các Trường Lớn (Grandes Ecoles). Học Mathématiques Supérieures, Mathématiques Spéciales ở lycée Saint Louis, Paris.

    Năm 1930: Ðỗ concours vào các trường: Ecole Normale Supérieure, rue d'Ulm (Trường Cao Ðẳng Sư Phạm) và Ecole Polytechnique (Trường Bách Khoa). Chọn học trường Polytechnique. Bắt đầu soạn cuốn Danh Từ Khoa Học.

     Năm 1932 đến 1934: Vào học Ecole Nationale des Ponts et Chaussées (Truờng Cầu Cống).

     Năm 1934: Trở về Việt Nam, 4 tháng sau sang Pháp.

     Năm 1934 đến 1936 trở lại Pháp, gặp cô sinh viên Nguyễn Thị Bính sang Pháp học dược khoa; Ông đậu cử nhân toán 1935, và thạc sĩ toán 1936.

     Năm 1936: Kết hôn với cô Nguyễn Thị Bính (sinh ngày 6/10/1911 tại Hà Nội), sau này trở thành dược sỹ.

     Năm 1936-1939 trở về nước. Dạy các lớp đệ nhất ban toán trường Bưởi. Hoàn tất cuốn Danh Từ Khoa Học. 

    Tham gia hội Truyền Bá Quốc Ngữ. Chống nạn thất học. Ðưa ra phương pháp mới để dậy chữ quốc ngữ. Ðặt các bài vè để học vần quốc ngữ, như: o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì thêm râu…

    Năm 1939 đến 1944: Vì chiến tranh, trường Bưởi phải dời vào Thanh Hóa. Tại đây tìm thấy những sử liệu về La Sơn Phu Tử và Vua Quang Trung và những tấm bia nói về sự nghiệp Lý Thường Kiệt. Năm 1942 xuất bản Danh Từ Khoa Học. Năm 1942 - 1943 trong ban chủ trương báo Khoa học, viết những bài Tính đố vui cho học sinh trên báo Khoa Học. Năm 1943: Ðại Học Khoa học được thành lập tại Hà Nội. Hoàng Xuân Hãn dậy Cơ học (Mécanique). 

    Tháng 4/1945 vua Bảo Ðại mời vào Huế để tham khảo ý kiền về việc thành lập chính phủ độc lập đầu tiên của Việt Nam. Ngày 17/4/1945: Tham dự nội các Trần Trọng Kim với chức vụ Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Thuật.  Từ 20/4/45 đến 20/6/45: Với chức bộ trưởng, thiết lập và ban hành chương trình giáo dục bằng chữ quốc ngữ ở các trường học. Áp dụng việc học và thi Tú Tài bằng tiếng Việt. Dùng tiếng Việt trong những công văn chính thức.  Chính phủ Trần Trọng Kim tại chức được 4 tháng. 

     Sau ngày chính phủ Trần Trọng Kim từ nhiệm, ông trở về dậy và viết sách toán bằng tiếng Việt, cùng cứu vãn những sách cũ, sách cổ bị đưa bán làm giấy lộn khắp đường phố Hà Nội. 1945: Bắt đầu nghiên cứu Kiều.

     Ngày16/4/1946  đến 12/5/1946: Tham dự hội nghị Ðà Lạt. Ngày 19/12/1946: Pháp Việt chiến tranh. Bị kẹt ở Hà Nội. Bị Pháp gạch tên trong sổ giáo sư. Trở về với công việc nghiên cứu.

     Năm 1949: Xuất bản Lý Thường Kiệt

     Năm 1951 sang Paris và ở luôn bên Pháp.

    Trong thời kỳ 1951-1954 đã giúp Thư Viện Quốc Gia Pháp và các thư viện Dòng Tên ở Ý và Tòa Thánh Vatican làm thư mục về sách Việt.  Trong suốt thời kỳ ở Pháp (từ khi đi du học cho đến về sau), đã đi đến các nghĩa trang, trong các làng ở Pháp, tìm mộ bia của những người lính thợ chết ở bên này, để báo tin cho gia đình họ biết.   Vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu, viết các bài gửi các báo Sử Ðịa (Sài Gòn, 1966 -1974); tập san Khoa Học Xã Hội (Paris, 1976 -1987); Ðoàn Kết (Paris, 1976-1981); Diễn Ðàn (Paris 1991-1994). Công trình đồ sộ nhất là: Nghiên cứu Kiều (từ 50 năm nay), chưa xuất bản. Năm 1952: Xuất bản La Sơn Phu Tử. Năm 1953: Xuất bản Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo.

     Năm 1954 sang Hội Nghị Genève, theo lời mời của các bạn Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, mong mỏi một giải pháp hòa bình: một chính phủ miền Nam có thể cộng tác với chính phủ miền Bắc để thực hiện việc thống nhất đất nước.

     Mất hồi 7giờ 45 ngày 10 tháng 3 năm 1996, tại bệnh viện Orsay, ngoại ô Paris. Hỏa táng chiều ngày 14/3/1996 tại nghĩa trang L'Orme des Moineaux, Les Ulis, Pháp

     Tác phẩm: Eléments de trigonométrie; Danh từ khoa học; Lý Thường Kiệt; Một vài ký vãng về Hội Nghị Ðà Lạt; Thiên Tình Sử Hồ Xuân Hương; Thi văn Việt Nam; La Sơn Phu Tử; Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo; Nghiên cứu Kiều. Cùng nhiều công trình nghiên cứu, biên tập và chú thích các tác phẩm văn cổ: Ðại Nam Quốc sử Diễn Ca (Lê Ngô Cát); Mai Ðình Mộng ký (Nguyễn Huy Hồ); Văn tế Thập loại Chúng sinh (Nguyễn Du)…

     PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử nhận định: “Hoàng Xuân Hãn thuộc vào hàng những đấng bậc không cần đến sự vinh danh, phải nhờ qua các cuộc hội thảo khoa học to hay nhỏ mới trở thành nổi tiếng, mới phát hiện ra những giá trị tiềm tàng, to lớn trong sự nghiệp của ông... Những công trình nghiên cứu của ông có một sức sống và giá trị lâu bền đối với giới khoa học nước nhà, là kết tinh của thái độ, phẩm chất cụ thể của một người con nước Việt luôn mong mỏi và khát vọng được cống hiến cho đất nước, cho dân tộc. Tuy sống và làm việc trong thế kỷ XX nhưng thuộc vào những đấng bậc mà sức sống và năng lực truyền giao xuyên thế kỷ”.

      GS. Đinh Văn Đức thì cho rằng với tầm vóc và những đóng góp lớn của GS. Hoàng Xuân Hãn trên nhiều lĩnh vực thì ông xứng đáng được vinh danh như một trong những tên tuổi góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học hiện đại Việt Nam. Và tên ông xứng đáng được đặt tên cho một con đường lớn của thủ đô.

 

     Admin (St)

Chia sẻ: Tin liên quan
  • GS HOÀNG XUÂN NHỊ (1914-1990) (Chủ nhật)
  • ĐIỀM PHÙNG THỊ (1920 - 2002) (Chủ nhật)
  • TRẦN DỰC (1465 - 1512) (Chủ nhật)
  • LÊ VĂN HUÂN (1876 - 1929) (Chủ nhật)
  • HOÀNG NGỌC PHÁCH (1896 - 1973) (Chủ nhật)
  • NGUYỄN TẠO (1905 - 1994) (Chủ nhật)
  • PHAN ANH (1912 - 1990) (Chủ nhật)
  • LUẬT SƯ NGÔ BÁ THÀNH (1931-2004) (Thứ hai)
  • GIÁO SƯ LÊ VĂN THIÊM (1918-1991) (Thứ hai)
  • CỤ PHAN ĐÌNH PHÙNG (1847-1895) (Thứ hai)
  • First
  • 1
  • 2
  • End

Từ khóa » Tiểu Sử Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn