GS.TSKH Võ Hồng Anh - Lặng Lẽ Dâng Hiến, Lặng Lẽ Ra đi

Là người con duy nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái, bà Võ Hồng Anh phấn đấu bền bỉ từ thiếu sinh quân trở thành một GS.TSKH Toán - Lý tài năng, được tặng giải thưởng Kovalevskaia năm 1988. Bà là một người giàu nghị lực, lặng lẽ sống và dâng hiến…

Chúng tôi có may mắn được tiếp xúc, làm việc với GS. TSKH Võ Hồng Anh nhiều lần tại nhà riêng của bà tại phố Hoàng Diệu, Hà Nội cũng như ở Toà soạn Báo CAND ở 66 Thợ Nhuộm. Nghe danh bà đã lâu, biết bà là con của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lừng danh, nhưng những lần được làm việc với bà luôn để lại trong lòng chúng tôi sự khâm phục và kính trọng.

Là một nhà khoa học tự nhiên, nhưng khi được trò chuyện với bà, nhiều người đã đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác bởi giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát với sự diễn đạt chính xác đến từng chi tiết ẩn sâu trong tầm tư duy giàu hình ảnh, giàu ngôn ngữ như một nhà văn. Ở bà luôn toát lên sự khiêm nhường, nhưng đó là sự khiêm nhường của một con người giàu nghị lực, ý chí vượt khó, biết làm chủ tài năng của mình.

GS.TSKH Võ Hồng Anh tại nhà riêng (năm 2008).

Đến bây giờ, nhiều người thật khó cắt nghĩa được ở vào hoàn cảnh sống thiếu thốn sự chăm sóc của người mẹ và người cha phải lo việc nước, bà Võ Hồng Anh đã tự lập sống như thế nào để vươn lên thành một nhà khoa học tài năng. Mẹ bà, nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái (em ruột của chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai) hy sinh trong nhà giam Hỏa Lò năm 1944 lúc Võ Hồng Anh mới 2 tuổi, cha lại đang ở Trung Quốc, mãi tới sau Cách mạng Tháng Tám 1945, bà mới biết mặt người cha.

Có lần tâm sự với chúng tôi, bà Võ Hồng Anh nói rằng, bà nhớ da diết những năm tháng tuổi thơ của mình là sống với bà nội ở Quảng Bình và những lần sơ tán, chạy giặc từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh, Nghệ An… Sống trong sự đùm bọc, chở che của những người dân khu 4 thời gian khó chống thực dân Pháp, những củ sắn, củ khoai, mái tranh mái rạ của những người dân quê nghèo thủy chung đã nuôi lớn dần ý chí tự lập của bà.

Chưa đầy một tuổi đã cùng mẹ tiễn cha bí mật sang Trung Quốc tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, mãi đến năm 1946, Võ Hồng Anh mới gặp lại cha mình. Đó là lần gặp đầu tiên năm 1946, Võ Hồng Anh đã không nói một lời nào với cha, dẫu trong suốt thời gian xa cách ấy, bà đã luôn nghĩ về ba với niềm tự hào trong trẻo nhất, lòng tin yêu máu thịt nhất.

Bà kể: "Năm 1946, khi tôi được gặp ba lần đầu, trong dịp ba ghé thăm ông bà nội và tôi ở Đồng Hới (Quảng Bình) trên đường đi kinh lí Nam Bộ - thì tôi lại ngậm thinh, nhất định không nói một lời nào, kể cả khi ba bế tôi ra chỗ vắng, chỉ với một câu hỏi: Có nhớ, có thương ba không?"…

Và lần thứ hai vào năm 1951, sau chiến thắng của ta ở chùa Non Nước (Ninh Bình), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đạp xe thẳng từ đấy về Thanh Chương, Nghệ An thăm hai bà cháu. Lúc đó ba có hỏi gì, bà cũng lặng thinh. Kể cả lúc ba đèo con gái bằng xe đạp lên Chợ Rạng, Đô Lương thăm cậu ruột của bà, dọc đường ba lại hỏi: "Con có nhớ ba không?", bà cũng im lặng trong tiếng xích xe đạp lạo xạo đường quê…

Những chi tiết như thế báo hiệu đã hình thành ở bà một cá tính gan góc, lối tư duy tự lập phù hợp với một nhà khoa học tương lai. Có lẽ ba cũng từng xa xót do bận việc nước mà không có thời gian chăm sóc con thơ, thương con hơn ai hết nên ba rất hiểu tính khí đặc biệt của con gái, nên giữa hai cha con hình thành nên sự hiểu nhau không cần lời… Hay nói một cách khác, đó là những thông điệp không lời.

Nhiều người tiếp xúc, làm việc với bà Võ Hồng Anh đều có chung một nhận xét, dường như chưa bao giờ bà có ý coi mình là con gái của vị tướng lừng lẫy. Bà tự làm tất cả mọi việc trong sự thiếu vắng tình yêu người mẹ. Bà từng cùng bà nội đi bộ từ Thanh Chương, Nghệ An ra chiến khu Việt Bắc những năm cuối kháng chiến chống Pháp để sống bên người cha.

Hơn 10 tuổi đã nghe lời cha đọc thuộc lòng tập sách "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi" của bác Trường Chinh (sau này học lớp 4 ở Quế Lâm, Trung Quốc, Võ Hồng Anh đã làm một bài luận phân tích tác phẩm này đạt điểm 10). Bà cũng từng nghe lời ba đi đôi ủng cao ngập chân cùng các chú bộ đội trồng rau, tăng gia sản xuất. Có lần bà tâm sự với chúng tôi, bà hiểu vì sao ba luôn khắc ghi vào tim lời Bác Hồ dạy ở Pác Bó vẻn vẹn có 4 chữ "Dĩ công vi thượng".

Nghĩa là làm việc gì mà đặt việc công lên trên hết thì sẽ thành công, sẽ vượt qua mọi thử thách, sẽ giữ tấm lòng son trong sáng. Phải chăng với những cảm nhận sâu xa như vậy đã thôi thúc bà bền chí tự lập, phấn đấu không mệt mỏi trở thành một nhà khoa học nữ tài năng, đầy cá tính.

Sau kháng chiến chống Pháp, Võ Hồng Anh được chọn cử sang Liên Xô để học tập. Năm 1965, bà tốt nghiệp Khoa Vật lý Trường Đại học Tổng hợp Moskva (MGU). Năm 1969, bà bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Toán - Lý tại Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu vật lý hạt nhân thuộc Trường Đại học Tổng hợp Moskva, Liên Xô. Và đến năm 1982, bà đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán - Lý tại Hội đồng Khoa học Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna, Liên Xô.

Có lần chúng tôi đã từng hỏi, vì sao bà lại chọn học khoa học vật lý, một ngành khoa học hết sức trừu tượng để theo đuổi suốt cuộc đời khi mà biết chắc rằng việc áp dụng kết quả nghiên cứu đó ở Việt Nam sẽ rất khó khăn. Bà nói rằng, bà lựa chọn là do có lần ba đã gợi ý.

Có thể lúc đầu bà theo học Vật lý hạt nhân nguyên tử là do yêu cầu của ba, nhưng về sau bà càng ý thức được rằng, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp, thành công trong khoa học, rèn luyện nhân cách của bà cũng là một cách làm theo tâm nguyện mà bức thư của mẹ Nguyễn Thị Quang Thái đã nhắn cho con gái năm 1944 "Hồng Anh phải không biết khổ, nhưng phải biết thương người nghèo khổ"…

Phải chăng bà chọn khoa học Toán - Lý là muốn vươn tới giải phóng, giúp đỡ không chỉ cho một người phụ nữ cụ thể mà muốn cho cả một giới phụ nữ Việt Nam nói chung. Sự dâng hiến ấy luôn lặng lẽ, lặng lẽ như cá tính của bà hình thành từ tấm bé… Lặng lẽ như có lần bà bất ngờ đến Toà soạn Báo CAND để trao tặng số tiền của gia đình Đại tướng ủng hộ xây đài tưởng niệm Ka Nắk tại tỉnh Gia Lai.

Lần đó, được biết Báo CAND kêu gọi các doanh nghiệp và bạn đọc cả nước chung tay quyên góp xây Đài tưởng niệm các liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh ở Ka Nắk, một buổi chiều bà Võ Hồng Anh đã cùng Giáo sư Đặng Bích Hà và người em gái đi taxi đến tận toà soạn gặp chúng tôi trao số tiền tình nghĩa ấy. Cầm những đồng bạc với nhiều mệnh giá khác nhau, đồng mới đồng cũ, mấy nhà báo chúng tôi thật khó cầm lòng trước tấm lòng bình dị ấy của bà và gia đình Đại tướng. Hôm nay lại càng xa xót hơn vì Báo CAND cùng tỉnh Gia Lai chuẩn bị khánh thành tượng đài tưởng niệm Ka Nắk cuối tháng 7 này thì GS. TSKH Võ Hồng Anh đã đột ngột ra đi…

Đối với những người làm báo Công an chúng tôi, sự ra đi đột ngột của GS. TSKH Võ Hồng Anh đã mang theo những ký ức và niềm tiếc nuối bởi những bài báo, những dự định dang dở. Gần hai năm nay, bà vẫn cân nhắc từng chi tiết để chỉnh sửa bản thảo bài viết của chúng tôi về tình cảm cha con - những thông điệp không lời giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà. Bà chưa đồng ý cho công bố bài viết này vì chưa đồng tình với tít bài "Tôi đã giúp cha tôi những lúc nào", bởi theo bà chuyện con chăm sóc cha mẹ ấy là đạo hiếu thiêng liêng, không có gì phải kể. Do quá mải mê công việc, những lần bà hẹn đến làm việc để chỉnh sửa bản thảo này đã không được chúng tôi thu xếp, nay bà ra đi thật ân hận xiết bao.

Cũng với niềm ân hận ấy, nhà thơ Hồng Thanh Quang có kể rằng, bà hẹn anh nhiều lần để được tặng bản dịch bài thơ của một cô gái Nga mà Hồng Thanh Quang dịch trong lễ kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười tại Hà Nội, nhưng cứ hẹn mãi, hẹn mãi, hẹn đến lúc bà ra đi mà chưa kịp tặng được bản dịch ấy… Xin Bà hãy cho phép, bài viết nhỏ này như một nén hương cáo lỗi với GS. TSKH Võ Hồng Anh

Từ khóa » Vo Hong Anh