Người phụ nữấy mang đến cho tôi một ấn tượng thật đặc biệt. Ấn tượng bởi số phận đặc biệt của bà, tính cách khác biệt và nội lực phi thường, sâu thẳm ẩn giấu phía sau một hình hài nhỏ bé. Nhưng lẽ thường, những gì lớn lao thì thường rất giản dị, thô mộc, nếu không nói là đơn sơ. Tôi đã ấn tượng và bị chinh phục hoàn toàn bởi sự bình dị trong cuộc đời và tâm hồn của một nữ giáo sư vật lý nổi tiếng ấy. Bà chính là GS-TSKH Võ Hồng Anh, con gái duy nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với người vợ đầu tiên là liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái, em gái của liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai. Mẹ là mối tình đầu thiêng liêng của cha tôi Nhắc đến mẹ, bà Võ Hồng Anh đượm buồn trong ánh mắt. Trong một buổi chiều tại khu biệt thự mênh mông nắng và bời bời lá xà cừ rụng đầy trong khuôn viên lối đi, bà Hồng Anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện đời bà, những kỷ niệm thơ ấu và mối tình đẹp chiếm giữ một vị trí "thiêng liêng độc nhất vô nhị" giữa ba và mẹ. Ba mẹ gặp nhau lần đầu tiên trên một chuyến xe lửa Hà Nội - Huế vào năm 1929. Đó là cuộc gặp gỡ của số phận để rồi có những bước dẫn dắt kỳ lạ. Năm đó ba được Tổng bộ Việt Minh cử đi công tác nhằm hợp nhất Đảng Tân Việt với Việt nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và Việt Nam Cộng sản Đảng. Đoàn tàu dừng ở ga Vinh, có hai thiếu nữ xuất hiện lên tàu. Một cô tên là Hồ Cầm, em của chị Hải Đường cùng sinh hoạt trong Đảng Tân Việt với ba. Cô gái đi cùng chính là Nguyễn Thị Quang Thái em ruột Nguyễn Thị Minh Khai. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái thời trẻ Ngay lúc ấy, ba đã để ý đến mẹ, cô gái có mái tóc dày đen nhánh xoã ngang lưng, nước da trắng hồng, gương mặt trái xoan hiền dịu, đôi mắt đen láy ánh lên một sự thẳng thắn, cương trực và rất đỗi dịu dàng. Hồ Cầm vui vẻ giới thiệu tên mẹ cho ba. Lúc đó ba đã có nghe nói chị Minh Khai có một cô em gái xinh xắn, học giỏi, hoạt động cách mạng hăng say, không ngờ được gặp tình cờ trên chuyến tàu. Hôm ấy, mẹ tôi lên đường vào Huế nhập học ở trường Đồng Khánh. Câu chuyện giữa ba và người bạn đi cùng sôi nổi, mẹ tôi ngồi im lặng không muốn bắt chuyện. Trong mắt mẹ lúc đó, ba là công tử bột với bộ com lê trắng. Chỉ đến khi ba tự giới thiệu mình là nhà báo, lúc này mẹ mới tham gia chuyện trò. Ấn tượng của ba lúc đó về mẹ là một cô nữ sinh Đồng Khánh Huế xinh đẹp và ít nói. Lần đầu tiên trong đời, ba thấy lòng mình rộn lên với những tình cảm xao xuyến. Thực ra trước đó, ông nội muốn ba kết hôn với con gái cụ Bá hộ giàu nhất làng ở Quảng Bình. Ba tôi trong lòng đang nghĩ đến cách mạng không muốn chuyện riêng tư. Nhưng để được vào Huế tham gia hoạt động, ông nội dứt khoát bắt cha kết hôn với con gái ông Bá hộ rồi mới cho đi. Để bằng lòng cha, ba đến nhà ông Bá Hộ. Con gái ông Bá Hộ tiếp đãi ba nhiệt tình, còn mang cả trứng gà biếu ba đi đường. Sau cuộc tiếp kiến đó, ông nội bằng lòng cho cha đi Huế hoạt động. Trước khi đi, ba nói với bà nội đừng thu xếp chuyện hôn nhân vì ba không hợp với cô Bá. Sau khi vào Huế làm việc tại Quan hải tùng thư, rồi làm biên tập cho báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, ba tôi không quên được hình ảnh người nữ sinh Đồng Khánh ông đã gặp trên chuyến tàu. Ba thỉnh thoảng đạp xe qua trường với hy vọng có thể nhìn thấy mẹ hoặc gặp được mẹ. Thế rồi, số phận có những dẫn dắt kỳ lạ. Một hôm mẹ Quang Thái đến tìm gặp ba để nhận công tác đoàn thể. Cuộc gặp gỡ đột ngột khiến ba sững sờ, trái tim run lên xao xuyến. Mẹ Quang Thái lúc đó còn nhỏ tuổi, chỉ coi ba như một đồng chí. Năm 1931, ba bị bắt vì tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và bị giam ở nhà lao Thừa Phủ. Ba gặp mẹ ở nhà lao, lúc này mẹ cũng bị địch bắt giam ở nhà giam nữ. Thời gian ở trong tù, nghe chuyện của mẹ Quang Thái với câu nói nổi tiếng: "Không ai tố giác bạn, bạn đừng tố giác ai" và bài thơ nổi tiếng truyền nhau ở trong chốn lao tù của mẹ Quang Thái, đã làm cho ba hiểu mẹ và càng yêu mẹ nhiều hơn: "Mười sáu xuân qua sống ở đời/ Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi/ Trông phường đế quốc lòng ngao ngán/ Thấy bạn cần lao dạ rối bời/ Quyết chí hy sinh thây kệ chết/ Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi/ Ngọn cờ vô sản bao giờ phất/ Chín suối hồn ta mỉm miệng cười". Cuối năm 1931, cả ba và mẹ đều được trả tự do. Ba về quê trong sự quản thúc của địch. Thời gian này ba và mẹ hay viết thư cho nhau, ba hay tìm đến nhà mẹ chơi và chuyện trò cùng với gia đình. Tình yêu đến như một trái chín ngọt lành đậu vào hai trái tim dũng cảm, hai tâm hồn trong trắng, thơ mộng. Ba cưới mẹ, năm đó ba 24 tuổi, mẹ tròn 20 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Sau khi cưới nhau, ba mẹ ra Hà Nội, lúc đầu thuê một căn nhà ở phố Đường Thành, ba dạy học ở trường Thăng Long. Mẹ Quang Thái thi đỗ xuất sắc vào Trường Y Hà Nội nhưng sau này mẹ bị đuổi học do những hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh, sinh viên. Tôi là con gái đầu lòng và duy nhất của ba với mẹ. Tôi sinh ra ở Hà Nội. Tuổi thơ dữ dội Khi tôi mới được mấy tháng tuổi thì ba và mẹ có một cuộc chia tay không bao giờ gặp lại. Ngày đó ba được Đảng cử sang Trung Quốc hoạt động và được gặp Bác. Ba thương mẹ và đứa con gái bé bỏng chưa biết gọi ba nên trong lòng day dứt. Mẹ đã động viên ba: "Đây là một thời cơ lớn, trên đã muốn anh thoát ly thì anh nên quyết tâm. Mẹ con em tự lo được. Chờ con lớn thêm chút nữa em gửi con cho ông bà nuôi, em sẽ đi sau". Buổi chiều tháng 5/1940, ba và mẹ chia tay nhau dưới một gốc cây trên con đường Cổ Ngư qua chùa Trấn Võ. Mẹ bế đứa con gái nhỏ xíu trong ngực, đi chia tay ba. Nước mắt chảy thổn thức trong tim, nhưng bề ngoài hai người vẫn phải đóng vai cặp vợ chồng bế con đi dạo mát. Lần chia tay đó không ngờ là phút biệt ly mãi mãi. Bà Nguyễn Thị Quang Thái và con gái Võ Hồng Anh Sau này, ba nói với tôi: "Nếu lần đó mẹ con không kiên quyết và truyền cho ba thêm niềm tin, sức mạnh thì có lẽ ba không dứt hai mẹ con để đi được". Sau đó mẹ gửi tôi về cho ông bà nuôi hộ để mẹ tiện đi hoạt động cách mạng. Lúc này mẹ vừa phụ trách phong trào nữ trí thức, vừa đảm nhiệm thêm công tác thông tin liên lạc viên cho Trung ương Đảng. Năm 1941, Pháp mở toà án binh xử bác Minh Khai ở Sài Gòn. Bác Minh Khai bị Pháp xử tử, mẹ đau buồn lắm. Lúc này ba gửi thư động viên mẹ: "Chị đã hy sinh vì nghĩa lớn, em đừng quá đau buồn". Sau cái chết anh dũng của bác Minh Khai, mẹ Quang Thái trở về nhà ông bà ngoại ở Vinh. Năm 1942, trong một lần khám xét, mẹ bị địch bắt và bị kết án 16 năm tù và bị đày đi nhà tù Hoả Lò. Tại trại giam Hoả Lò, mẹ Quang Thái là một nữ tù nhân kiên trung bất khuất, hết lòng chăm sóc động viên anh em trong tù, dạy chữ, dạy văn hoá cho đồng đội. Cuộc sống gian khổ trong tù cùng những trận đòn tra tấn dã man đã làm cho mẹ kiệt sức. Mẹ bị ốm nặng. Linh cảm thấy mình khó qua khỏi, mẹ nhắn bà nội bế tôi ra cho mẹ được gặp mặt. Bà nội thương mẹ, thương đứa cháu nhỏ dại sớm xa lìa cha mẹ nên đã bế tôi vượt đường dài. Nhưng chuyến đi ấy mới được nửa đường thì xe lửa bị ném bom, bà đành phải bế tôi trở về. Năm 1944 mẹ hy sinh tại nhà giam Hoả Lò vì căn bệnh thương hàn. Cho đến khi mẹ mất, mẹ không gặp lại ba, nguyện vọng cuối cùng là được nhìn mặt con gái cũng không thể thực hiện được. Ba tôi không hề biết mẹ đã mất. Ba vẫn gửi thư cho mẹ mỗi khi có dịp. Những lá thư thấm đẫm tình yêu thương được viết kín đặc trên giấy thuốc lá mỏng mảnh vẫn liên tục được gửi về, và mẹ tôi vĩnh viễn không bao giờ được đọc. Cho đến năm 1945 trong Hội nghị Quân sự Cách mạng ở Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hoà, Bắc Giang, ba mới nghe bác Trường Chinh nói tin dữ mà bác Trường Chinh cứ ngỡ là ba đã biết. Ba đã choáng váng trong nỗi đau xé lòng. Không ngờ buổi chia tay ở đường Cổ Ngư với người vợ trẻ là buổi biệt ly mãi mãi. Những lần gặp ba trong im lặng Xa ba khi mới mấy tháng tuổi, mất mẹ khi còn quá bé bỏng, tuổi thơ của tôi lớn lên trong sự thiếu hụt tình cảm vô bờ bến của cha mẹ. Ông bà nội là những người bù đắp tất cả. Tôi lớn lên trong lời ru dịu ngọt của bà, trong những tích chuyện cổ bà rủ rỉ cùng tôi trong những trưa hè hay những đêm đông ngồi huơ tay bên bếp lửa. Bà nội vừa thay mẹ, vừa thay cha nuôi dạy tôi khôn lớn. Tôi nhớ ông nội thường dắt tay tôi đi dạo dọc bờ sông Kiến Giang. Mỗi trưa hè ông hay nằm phản đọc sách nho, ngâm thơ cho tôi nghe. Tôi thuộc được những bài thơ cổ như Truyện Kiều Nguyễn Du, Tống Trân - Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, thơ Bà Huyện Thanh Quan, Chinh phụ Ngâm... là do ông bà nội ru tôi từ ngày tôi thơ bé, và đọc cho tôi nghe khi tôi lên 3, lên năm tuổi. Bà kể cho tôi nghe tận từng chi tiết nhỏ về mẹ, về ba, nhắc nhủ tôi mang hình bóng ba mẹ trong trái tim thơ dại của mình. Có lẽ trong ký ức của tuổi thơ mình, tôi không bao giờ quên được lần đầu tiên gặp ba. Đó là năm 1946, ba có một chuyến kinh lý Nam Bộ. Ba đi qua Đồng Hới và dừng lại đó. Ông bà nội đưa tôi ra Đồng Hới gặp ba. Lúc đó tôi chỉ chừng 5 tuổi, cả đêm trước nghe bà nội nói cho đi gặp ba thì thích lắm. Vừa háo hức gặp ba vừa thích vì sẽ được đi thuyền. Tôi nhớ quê mình hồi đó rất hay lụt, những trận lụt ngập làng ngập xóm, mọi người đi lại phải dùng thuyền. Ra Đồng Hới thì đi thuyền qua sông Kiến Giang vào sông Nhật Lệ. Từ chiều hôm trước bà đã lựa những trái cam ngon nhất trong vườn xếp chặt mấy cái giỏ để mang xuống thuyền đưa đến cho ba và các chú bộ đội. Tôi nghe nói vậy là thích lắm, tíu ta tíu tít. Ra đến Đồng Hới gặp được ba, tôi nhất quyết im lặng không nói gì. Lần đầu tiên được gặp ba, vừa mừng vừa lạ. Ba bế mình ra chỗ vắng hỏi mình: "Hồng Anh có nhớ ba không? Có thương ba không?” mình một mực im lặng không nói. Một đêm ở với ba, trong vòng tay ba, bao nhiêu yêu thương dồn nén nơi sâu thẳm trái tim ba khi gặp tôi, đứa con gái sớm mồ côi mẹ và không được lớn lên bên cạnh ba, khiến cho ba có nhiều nỗi niềm trĩu nặng. Ba cũng kiệm lời, ít nói, ba chỉ biết ôm tôi vào lòng, nước mắt chực rơi oà vì thương con. Ngày mai ba lại hành quân vào Nam, tôi trở về nhà cùng ông bà nội. Suốt những năm tháng đó chiến tranh liên miên, tôi sơ tán cùng bà trên khắp miền Trung. Lần gặp ba thứ hai là ở Thanh Chương, nơi tôi theo bà nội đi sơ tán. Ba đi công tác ghé qua Thanh Chương thăm bà và tôi. Có một sự kiện làm hai bà cháu nhớ mãi. Bà nội thường cho tôi chọn một chú gà thật đẹp trong đám gà mới nở. Tôi xem đó là chú gà của riêng mình, chăm bẵm cho ăn, nuôi lớn lên. Hôm ba và các chú bộ đội ghé thăm, bà dỗ tôi: "Hồng Anh cho bà thịt con gà mái tơ của Hồng Anh để thết ba và các chú bộ đội nhé". Tôi hào phóng đưa gà cho bà mà lưu luyến mãi. Ngày đó, ba cũng ôm tôi và hỏi tôi rằng: "Hồng Anh có nhớ ba không, có thương ba không?". Tôi một mực im lặng chẳng nói gì. Hôm đó ba đèo tôi bằng xe đạp lên phố Rạng thăm gia đình người cậu ruột. Dọc đường, ba kể cho tôi nghe nhiều chuyện về Việt Bắc, về chiến thắng của bộ đội ta..., và ba lại hỏi tôi: "Hồng Anh có nhớ ba, có thương ba không?". Tôi cũng lại vẫn ngồi yên trong lòng ba, ngồi trên yên xe phía trước, một mực im lặng chẳng nói gì. Như Bình (CAND) |