Hà Nội: Người Dân Kêu Cứu Vì Sống Cạnh Trạm Thu, Phát Sóng Di động

Bà Nguyễn Ngọc Lan, tổ 23 phường Bồ Đề (Long Biên) cho biết: “Gia đình tôi sống cách trạm BTS chưa tới 10 mét. Họ lắp đặt trạm này cách đây khoảng 2 năm (năm 2015). Ngay lúc đầu, chúng tôi đã hoàn toàn không được thông báo, phổ biến gì về việc lắp đặt các trạm này từ phía chính quyền địa phương hay từ phía đơn vị lắp đặt. Chỉ biết rằng, chủ của ngôi nhà đó cho bên viễn thông thuê vị trí để lắp đặt thiết bị kỹ thuật. Tuy nhiên cũng từ thời điểm ấy, các hiện tượng “lạ” bắt đầu xảy ra tại khu vực này. Hàng loạt các thiết bị điện tử của các hộ dân xung quanh như: Tivi, máy tính, điều hòa, mô tơ cửa cuốn bị cháy, bị hỏng".

Một người dân chỉ cho phóng viên nơi lắp đặt trạm BTS của Viettel

Ông Trần Huy Luân, ngụ tại số nhà 75 ngách 200/15 đường Nguyễn Sơn, tổ 23 phường Bồ Đề (Long Biên) bàng hoàng kể lại: “Gia đình tôi sống ngay cạnh ngôi nhà cho thuê lắp đặt trạm BTS này. Mỗi khi trời mưa gió, chỉ lo sét đánh vào trạm gây nguy hiểm cho gia đình. Mới đây, trong trận mưa dông đêm ngày 10/9/2017, sét đánh thẳng vào cột BTS này tạo ra xung điện làm hàng loạt thiết bị điện tử của gia đình tôi bị hỏng, rung chấn khiến tấm kính chắn trên giếng trời của gia đình vỡ vụn. Mảnh kính rơi từ tầng 3 xuống tận tầng 1, vô cùng nguy hiểm. Trong tối đó, 2 chiếc tivi và chiếc quạt trần của gia đình bị chập cháy, thiệt hại lên tới hàng chục triệu đồng”.

Theo nội dung đơn gửi, ông Luân cho biết, đa số người dân sống quanh khu vực này rất lo lắng tới sức khỏe, đặc biệt là các cháu nhỏ khi sống gần trạm BTS này sẽ bị ảnh hưởng tới hệ thần kinh bởi sóng điện từ phát ra từ trạm.

Mọi người đều lo lắng cho sức khỏe và tài sản của gia đình khi sống gần khu vực trạm BTS

Theo khảo sát của phóng viên, khu vực lắp đặt trạm BTS đặt trên nóc của một tòa nhà 5 tầng (gần như cao nhất tại khu vực này), nằm chính giữa khu vực dân cư tại đây. Do quá lo lắng về sự an toàn của gia đình, sau sự việc diễn ra đêm ngày 10/9 vừa qua, ngày 11/9, người dân tại khu vực đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị tới chính Ủy ban Nhân dân phường Bồ Đề (Long Biên), yêu cầu kiểm tra sự an toàn và mức độ ảnh hưởng của trạm BTS trên. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, họ vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ phía chính quyền địa phương.

Khu vực đặt trạm BTS nằm chính giữa khu dân cư đông đúc

Anh Lê Văn Thiện và nhiều người dân sống tại đây chia sẻ: “Mới đầu, chúng tôi cho rằng đồ điện tử hỏng hóc là chuyện bình thường. Tuy nhiên, đến khi sự việc diễn ra trùng lặp với nhiều hộ dân sống quanh khu vực trạm BTS, đặc biệt là các thiết bị điện tử thường hỏng hóc mỗi khi trời mưa gió và có sấm sét thì mới thấy hiện tượng này không hoàn toàn ngẫu nhiên. Sau đêm 10/9 vừa qua, chúng tôi đã cùng nhau ký tên vào đơn kêu cứu gửi ra UBND phường Bồ Đề (Long Biên). Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa hề nhận được bất cứ phản hồi nào từ chính quyền địa phương. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm làm rõ sự việc trên, yêu cầu đơn vị lắp đặt trạm BTS bồi thường thiệt hại cho người dân và dỡ bỏ trạm phát sóng tại khu vực này, hoặc có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân...”.

Tập thể người dân ký tên vào đơn kêu cứu gửi UBND phường Bồ Đề, yêu cầu dỡ bỏ trạm BTS này.

Theo Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT-BXD-BTTTT, ngày 11/12/2007 – Bộ Xây dựng - Bộ Thông tin và Truyền thông - Hướng dẫn về cấp phép xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động ở các đô thị. Tại khoản mục I (Quy định chung), khoản 3.2 quy định rõ: Việc xây dựng, lắp đặt các trạm BTS trong mọi trường hợp phải bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận; đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe cho cộng đồng; đảm bảo tuân thủ quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan đô thị.

Có thể thấy, với sự phát triển của các mạng viễn thông trong thời gian gần đây, nhằm tránh hiện tượng nghẽn mạng và phục vụ cho nhu cầu mở rộng, các nhà mạng điện thoại phải liên tục nâng cấp thiết bị cũng như phát triển thêm những trạm thu phát sóng BTS. Do vậy, không tránh khỏi việc những trạm BTS này được đặt trong những khu dân cư đông đúc. Mặc dù theo một số chuyên gia, bức xạ phát ra từ những trạm phát BTS sẽ hoàn toàn vô hại nếu được phát đúng công suất của nó(?!).

Tuy nhiên, những thiệt hại mà người dân đang sinh sống tại tổ 23, phường Bồ Đề (Long Biên) đang phản ánh tới Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn hiện hữu.

Trao đổi với phóng viên Báo, ông Trần Mạnh Tuấn - Phó Chủ tịch phụ trách Văn hóa - Xã hội phường Bồ Đề, Long Biên cho biết: "Sau khi nhận được thông tin từ người dân, đoàn công tác của Phường đã có mặt để xem xét, làm việc, đồng thời có văn bản báo cáo trực tiếp đến Phòng Văn hóa - Thông tin Quận Long Biên theo đúng quy trình quản lý nhà nước tại địa phương. Qua khảo sát ban đầu, hiện đang có 01 trạm BTS trong khu vực tổ 23 phường Bồ Đề chưa xuất trình được giấy phép, 01 trạm khác đã có giấy phép nhưng chưa niêm yết kiểm định tần số tần sóng. Hiện cả 2 trạm BTS nói trên đều đã tạm dừng hoạt động để các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra trước khi ra quyết định cuối cùng trước ngày 15/10/2017 để trả lời người dân".

Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền lợi cũng như tính mạng, sức khỏe của người dân, cơ quan chức năng của quận Long Biên, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng Hà Nội cần vào cuộc tiến hành rà soát, kiểm tra cũng như đánh giá về quy trình xây dựng, lắp đặt, vận hành và các điều kiện đi kèm của những trạm BTS trên, sớm có câu trả lời cho người dân đang hàng ngày, hàng giờ sống trong sự lo lắng./.

Từ khóa » Tác Hại Của Cột Phát Sóng điện Thoại