Trạm Thu, Phát Thông Tin Di động Không Gây ảnh Hưởng Có ...
Có thể bạn quan tâm
Để đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Thái Bình theo quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, các nhà mạng viễn thông (VinaPhone, MobiFone, Viettel, Gmobile, Vietnamobile) đã tiến hành lắp đặt thêm nhiều trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) mới và nâng cấp các trạm hiện có để mở rộng vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng sóng di động đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân.
Trong quá trình các doanh nghiệp xây dựng các trạm BTS, có nơi nhân dân không đồng tình, thậm chí phản ứng việc xây dựng các trạm BTS tại địa phương với lý do trạm BTS gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân. Sự phản ứng của người dân đã tác động không nhỏ đến phát triển hạ tầng viễn thông và chất lượng dịch vụ viễn thông.
Thực ra đó là tâm lý chung của người dân sống gần khu vực có xây dựng các trạm BTS. Tuy nhiên, liên quan đến việc quản lý phát triển các trạm BTS ở Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Văn bản số 212/BTTTT-KHCN ngày 20/01/2017 điểm lại một số cơ sở khoa học, thực tế quản lý chuyên ngành trong thời gian qua:
Về các cơ sở khoa học
Một là, tháng 6/2006, trong tài liệu về công nghệ không dây và trạm gốc, Tổ chức y tế thế giới (WHO) khẳng định “trên cơ sở xem xét các mức ảnh hưởng rất thấp và các kết quả nghiên cứu thu thập được cho đến nay, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy các tín hiệu RF yếu từ các trạm thu phát thông tin di động và mạng vô tuyến gây ảnh hưởng có hại cho sức khỏe con người” (WHO là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, đóng vai trò thẩm quyền điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế;"RF" viết tắt của "tần số vô tuyến" là mô tả việc sử dụng các hình thức thông tin liên lạc không dây). Tháng 10/2014, trong tài liệu về điện thoại di động và trạm gốc, WHO thông báo chưa có kết luận bổ sung và vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này.
Hai là, Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của sóng siêu cao tần tới sức khỏe con người đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 616/BKHCN-KHCN ngày 20/3/2006, nêu rõ: “Qua các kết quả nghiên cứu trong nước và ngoài nước về ảnh hưởng của các hệ thống thông tin di động được thống kê đến thời điểm này, có thể kết luận rằng chưa có bằng chứng cho thấy trường điện từ của các trạm thu phát sóng di động và các thiết bị điện thoại di động dây ảnh hưởng có hại cho con người”.
Về vấn đề tiêu chuẩn hóa:
Một là, trên cơ sở khuyến nghị của WHO và Tổ chức phòng chống bức xạ phi ion hóa, năm 2005 Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam “TCVN 3718-1:2005 Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số radio – Phần 1: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong dải tần từ 3KHz đến 300GHz”.
Hai là, năm 2006 Bộ Thông tin và Truyền thông đã bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn trên đối với các trạm BTS. Cụ thể là, giá trị mật độ dòng năng lượng (S) giới hạn là 2W/m2, cường độ điện trường (E) giới hạn là 27,5V/m (giới hạn khá an toàn khi so với khuyến nghị của một số nước như Mỹ, Nhật).
Ba là, năm 2010 Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy chuẩn “QCVN 08:2010/BTTTT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng”, trong đó xác định rõ giới hạn an toàn theo TCVN 3718-1:2005.
Về hoạt động quản lý của ngành Thông tin và Truyền thông:
Một là, các thiết bị của trạm thu phát thông tin di động trước khi đưa vào sử dụng, lắp đặt đều phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đồng thời, tất cả các trạm thu phát thông tin di động phải đáp ứng các yêu cầu được quy định trong QCVN 08:2010/BTTTT thì mới được phép đưa trạm BTS vào hoạt động.
Hai là, để quản lý việc tuân thủ các tiêu chuẩn/quy chuẩn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành các Thông tư quy định về kiểm định trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng (BTS): Thông tư số 16/2011/TT-BTTTT, 17/2011/TT-BTTTT, 18/2011/TT-BTTTT, 12/2017/TT-BTTTT, 14/2017/TT-BTTTT).
Ba là, các thiết bị của trạm thu phát thông tin di động trước khi đưa vào sử dụng, lắp đặt đều phải được kiểm định, chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT ngày 31/10/2011 của Bộ Thông tin và truyền thông.
Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, để khẳng định chắc chắn rằng mức phơi nhiễm trường điện từ của các trạm BTS trên địa bàn tỉnh đều an toàn, năm 2008, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Trung tâm đo lường- Cục quản lý chất lượng công nghệ TT& TT tiến hành đo kiểm 10 vị trí xây dựng trạm BTS khác nhau của cả 5 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ. Các vị trí đo kiểm được chọn ngẫu nhiên tại: Thị trấn An Bài, Trường tiểu học Vũ Chính, trụ sở UBND xã Đông Mỹ, Thị trấn Đông Hưng, Thị trấn Vũ Thư…Kết quả đo kiểm cho thấy mức phơi nhiễm tại tất cả các điểm đều thấp hơn nhiều lần so với mức cho phép. Ví dụ như giá trị cường độ trường điện lớn nhất đo tại Trường tiểu học Vũ Chính là 0,1613- 0,4497 V/m, trong khi giới hạn phơi nhiễm theo TCVN 3718- 1: 2005 là 27,5 V/m; tại Bưu cục Tư Môi (An Bài) giá trị cường độ trường điện từ cũng chỉ từ 0,3849- 0,5886 V/m; tại thị trấn Đông Hưng là 0,1478- 0,1649; tại UBND xã Đông Mỹ là 0,0982- 0,1603 V/m…Như vậy mức phơi nhiễm trường điện từ nói trên hoàn toàn trong giới hạn cho phép, thậm chí còn thấp hơn nhiều lần và chưa đủ để tác động xấu đến sức khoẻ con người cũng như môi trường sống xung quanh.
Đồng thời, việc phát triển các trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay phải phù hợp với Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh, đúng với Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của doanh nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Như vậy, với các cơ sở khoa học, tiêu chuẩn/quy chuẩn Việt Nam và các biện pháp quản lý chuyên ngành như trên, có thể khẳng định các trạm thu phát thông tin di động đảm bảo an toàn bức xạ điện từ trường theo quy định và “chưa có bằng chứng cho thấy sóng điện từ của các trạm thu phát thông tin di động gây ra ảnh hưởng có hại cho sức khỏe con người”.
Mỹ Hạnh
Từ khóa » Tác Hại Của Cột Phát Sóng điện Thoại
-
Đừng Vì Lợi Nhuận Mà Coi Thường Sức Khỏe Con Người
-
Hoạt động Của Các Trạm BTS Có ảnh Hưởng đến Sức Khỏe Người Dân?
-
Sống Gần Trạm Thu Phát Sóng Viễn Thông Có ảnh Hưởng đến Sức Khỏe?
-
Trạm Phát Sóng điện Thoại Có Gây Hại? - Công Nghệ
-
Nên Tránh Xa Các Trạm Phát Sóng Vô Tuyến - VnExpress
-
Đặt Trạm Thu Phát Sóng điện Thoại Trên Tòa Nhà ảnh Hưởng đến Sức ...
-
Trạm BTS Không Gây ảnh Hưởng đến Sức Khỏe Của Con Người
-
Hà Nội: Người Dân Kêu Cứu Vì Sống Cạnh Trạm Thu, Phát Sóng Di động
-
Trạm Thu Phát Sóng Thông Tin Di động Có ảnh Hưởng đến Sức Khỏe ...
-
Trạm Thu Phát Sóng Thông Tin Di động Có ảnh Hưởng đến Sức Khỏe ...
-
Hiểu Rõ Tác Hại Của Sóng điện Từ để Phòng Ngừa Hiệu Quả - Hello Bacsi
-
3 Tác Hại Của Sóng điện Từ Làm ảnh Hưởng đến Khả Năng Thụ Thai
-
Nhà Gần Cột Sóng điện Thoại Có Hại Không
-
Nguy Cơ Tiềm ẩn - Báo Nhân Dân