Hai Chữ "đi Tù" Trong Hộ Khẩu - Báo Tuổi Trẻ

i0jnqJg5.jpgPhóng to

Trang hộ khẩu của ông T. với phần ghi chú: “đi tù” - Ảnh: Đức Tuyên

Một lá thư của bạn đọc gửi về tòa soạn bức xúc: “Trong lúc đi thi hành án thì tôi bị cắt hộ khẩu và ghi trong hộ khẩu là “đi tù”. Khi chấp hành án xong, tôi về địa phương nhập lại hộ khẩu, hai chữ “đi tù” vẫn còn nguyên trong đó, kể cả bây giờ khi tôi đã được xóa án tích. Tôi không làm sao xin được việc làm khi nộp đơn xin việc kèm theo sổ hộ khẩu này”.

“Đi tù” suốt đời?

Một trường hợp khác là ông N.Đ.T., ngụ quận 3, TP.HCM. Ông T. bị án tù 16 năm và bị cắt hộ khẩu từ tháng 3-1997. Trong hộ khẩu tại phần ghi chú “nơi chuyển đến”, các cán bộ để trống nhưng riêng chỗ lý do chuyển đi có ghi rất cụ thể: “đi tù”. Nhờ cải tạo tốt, ngày 2-9-2010 ông T. được đặc xá, tha tù trước thời hạn. Ông T. đã tới Công an quận 3 xin nhập hộ khẩu lại và làm giấy chứng minh nhân dân mới. Ông T. cho biết những cán bộ tại quận rất nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ và ông đã được đăng ký lại hộ khẩu vào ngày 15-10-2010. Thế nhưng phần ghi chú lý do “đi tù” thì vẫn giữ nguyên trong hộ khẩu.

“Điều này có vẻ gì đó phân biệt chúng tôi. Theo tôi nghĩ, khi đã chấp hành xong án phạt cải tạo thì tôi phải được đối xử như một công dân bình thường. Việc vẫn để ghi chú “đi tù” trong hộ khẩu sẽ gây không ít khó khăn cho những người đã cải tạo xong như chúng tôi khi đi xin việc cũng như hòa nhập cộng đồng” - ông T. nói.

Định kiến còn nặng

Tại buổi lễ ra mắt Quỹ hoàn lương ở TP.HCM cuối tháng 8 vừa qua, ông Phạm Quốc Anh, chủ tịch Hội Luật gia VN, kể câu chuyện để dẫn chứng việc tạo điều kiện cho người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng không phải dễ dàng: ở một tỉnh, có hơn chục người được ra tù cùng nhau lập nhóm xe ôm chở khách, chở hàng với giá rẻ, làm việc tận tâm, trung thực nên đắt khách. Thế rồi đến một ngày, một số người dân quanh vùng biết được dĩ vãng đi tù của họ, đã rỉ tai nhau không đi xe ôm nữa vì biết đâu sẽ bị nhóm cướp giật, lừa đảo... nên chẳng bao lâu sau nhóm này phải tan rã. Điều đó cho thấy định kiến của xã hội vẫn còn rất nặng đối với những người đã được ra tù.

Không ít lần ông T. đi xin việc làm và bị từ chối khéo khi người ta biết ông mới ra tù. “Trước đây từng làm họa viên nên tôi muốn kiếm việc gì đó thích hợp để làm và tính học thêm ngành đồ họa để mong kiếm tiền, ổn định cuộc sống. Tôi mơ ước có được dàn máy vi tính cũ để học đồ họa. Nhà cũng khó khăn, tôi có nghĩ đến việc đi làm thủ tục vay tiền ngân hàng để mua máy vi tính nhưng lại sợ gặp rắc rối nên đành thôi - ông T. tâm sự rồi thở dài - Mình đã lỗi lầm, mất cả một khoảng thời gian dài đi cải tạo, giờ chỉ muốn sống tốt, làm ăn, nuôi mẹ già và con cái để bù lại những hi sinh mất mát của mọi người...”.

Trước ngày 1-7-2007, ngày Luật cư trú có hiệu lực, những người chấp hành án phạt tù giam (gọi tắt là đi tù) sẽ bị xóa tên trong sổ hộ khẩu gia đình (theo thông tư số 11/2005/TT-BCA-C11 ngày 7-10-2005 của Bộ Công an). Không có văn bản của trung ương hướng dẫn chi tiết cách ghi lý do xóa hộ khẩu đối với những người đi tù, riêng tại TP.HCM, Công an TP có hướng dẫn số 06/HD-CATP (PC13) ngày 7-4-1998.

Theo đó, phía dưới trang ghi tên người bị xóa trong sổ hộ khẩu ở phần ghi “Chuyển đi ngày... Nơi chuyển đến...”, cơ quan quản lý hộ khẩu địa phương sẽ ghi lý do bị xóa khẩu như: “đi chấp hành án phạt tù”, “chấp hành bản án phạt tù” hoặc “đi tù về tội danh...”.

Hướng dẫn này, bên cạnh điểm thuận lợi là giúp địa phương dễ dàng biết được những người đi tù thì có mặt hạn chế là dù muốn dù không đã làm phát sinh nỗi đau khổ đeo bám dai dẳng những người có quá khứ ở tù. Có khi những dòng chữ ấy “sống” bên họ trọn đời. Nó trở nên nặng nề hơn, khoét sâu thêm sự mặc cảm khi những người này và gia đình họ có giao dịch nào đó (xin việc làm, mua bán nhà, đi chứng thực, chứng nhận giấy tờ...) mà cần đến sổ hộ khẩu.

Khó được đổi hộ khẩu mới

Ngày 1-7-2007, Luật cư trú có hiệu lực. Một trong những điểm tiến bộ của luật này là có sự thay đổi về cơ chế quản lý cư trú. Cụ thể là những trường hợp “chấp hành án phạt tù trong các trại giam” sẽ không bị xóa tên trong sổ hộ khẩu như trước đây. Tức là trong sổ hộ khẩu của những người này không có dấu vết gì về việc họ từng đi tù. Điều đó đã góp phần xua tan mặc cảm cho những người đi tù về vì không phải bị phơi bày trong sổ hộ khẩu và cũng là điều kiện thuận lợi để họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Từ năm 2000 đến nay, ở nước ta có hơn 132.433 người được đặc xá, tha tù trước thời hạn. Như vậy nhiều người trong số họ vì đi tù trước ngày 1-7-2007 nên đã bị ghi trong sổ hộ khẩu hai chữ “đi tù”.

Khi chúng tôi đề cập việc liệu người được ra tù có quyền đề nghị cơ quan chức năng đổi sổ hộ khẩu NK3a (gọi tắt là sổ cũ) sang sổ hộ khẩu theo mẫu mới HK08 (gọi tắt là sổ mới) để không còn bị ai thấy phần trang của sổ cũ có hai chữ “đi tù”, thì một số cán bộ có chức năng thực hiện việc cấp, đổi sổ hộ khẩu cho rằng chưa thể thực hiện. Bởi lẽ cơ quan quản lý cư trú không thể cấp sổ mới nếu sổ cũ không bị mất, không bị hư hỏng.

Liệu có thể áp dụng điểm a mục 5 phần II thông tư số 06/2007/TT-BCA-C11 ngày 1-7-2007 của Bộ Công an, theo đó, các trường hợp đã cấp sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể theo quy định trước đây vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng, từ ngày 1-7-2007 nếu có nhu cầu đổi sang sổ hộ khẩu theo mẫu mới thì được đổi lại?

Một số cán bộ chức năng cho biết không áp dụng được vì hiện không có quy định hướng dẫn thế nào thì được xem là “nếu có nhu cầu”, nhu cầu nào thì được đổi sang sổ mới, thủ tục đổi sổ thực hiện ra sao... Do đó ở một số nơi, cơ quan quản lý cư trú hiểu rằng “nếu có nhu cầu” là khi sổ cũ bị hư hỏng, chữ bị mờ, bị nhòe, hoặc bị mất...

Tuy nhiên, hiện có một số địa phương tiến hành đổi sổ cũ sang sổ mới cho người dân theo kiểu đại trà, hoặc đổi cuốn chiếu theo từng phường, xã, khu vực để đồng loạt người dân trên địa phương mình dùng chung mẫu sổ mới, mà không căn cứ vào việc người dân “có nhu cầu” hay không.

Theo chúng tôi, nên chăng có quy định cho phép những người đã ra tù được đổi sổ hộ khẩu mới khi họ có nhu cầu vì đó là một yêu cầu hết sức chính đáng của người dân.

Từ khóa » đi Tù Hộ Là Gì