TIỀN ÁN, TIỀN SỰ LÀ GÌ? THỜI GIAN ĐỂ XÓA TIỀN ÁN, TIỀN SỰ

Tiền án là gì? Tiền sự là gì? Thời gian để xoá tiền án, tiền sự? Trình tự thủ tục xóa án tích theo quy định của bộ luật hình sự mới nhất.

Con người có ai chưa từng sai lầm, có ai chưa từng vi phạm pháp luật? Mặc dù, sau khi chấp hành xong hình phạt, mức phạt, chịu trách nhiệm cho hành vi của mình thì người vi phạm, dù là vi phạm hành chính hay hình sự đều có thể trở lại cuộc sống của họ trước đây, hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, họ là người đã từng vi phạm, từng phạm sai lầm, nên cho dù như thế nào, họ cũng là người từng có “tiền án”, “tiền sự”. “Tiền án”, “tiền sự” là cụm từ mà không ai muốn nó xuất hiện trên nhân thân của mình, bởi nó như một vết tích ảnh hưởng đến lý lịch của người này, ảnh hưởng đến công việc sau này, cũng như là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc bị truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự của một người trong vụ việc hình sự. Vậy tiền án, tiền sự là gì? Trong thời gian bao lâu thì một người được xóa tiền án, tiền sự. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, trong phạm vi bài viết này, đội ngũ luật sư và chuyên gia Luật Nhân Hòa sẽ đề cập đến khái niệm tiền án, tiền sự và thời gian để xóa tiền án, tiền sự.

Hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành, nội dung về “tiền án”, “tiền sự”, và thời gian để xóa tiền án, tiền sự được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Cụ thể:

Thứ nhất, về khái niệm tiền án, tiền sự.

Tiền án, tiền sự là gì? Về vấn đề này, hiện nay, trong các pháp luật hiện hành chưa có văn bản nào quy định cụ thể về khái niệm “tiền án”, “tiền sự”. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của văn bản pháp luật trước đây, cụ thể tại điểm b khoản 2 Mục II Nghị quyết 01 – HĐTP ngày 18 tháng 10 năm 1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (văn bản này đã hết hiệu lực) quy định về nhân thân của một người thì có thể hiểu:

“Tiền án” là khái niệm để chỉ trạng thái về nhân thân, lý lịch của một người khi họ bị Tòa án kết án, bị Tòa án tuyên bố là có tội, phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng chưa được xóa án tích. Do vậy, khi một người chưa từng bị kết án, hoặc đã bị kết án nhưng được xóa án tích được coi là người không có tiền án, chưa bị kết án. Nội dung này cũng được khẳng định tại Điều 69 Bộ luật hình sự năm 2015.

Còn về khái niệm tiền sự, cũng dựa trên nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Mục II Nghị quyết 01 – HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, có thể hiểu “tiền sự” là để chỉ tình trạng một người bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính nhưng chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa tiền sự,v hoặc chưa đáp ứng điều kiện về thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính.

Thứ hai, về thời gian để xóa tiền án, tiền sự:

Như đã phân tích, việc đang có “tiền án”, “tiền sự” sẽ cho thấy một người có lý lịch về nhân thân không được trong sạch, sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều đến công việc, đến cách nhìn nhận của người khác, của xã hội đối với họ, đồng thời là yếu tố không có lợi cho họ khi chẳng may liên quan đến một vụ việc hình sự. Chính bởi vậy, trên nguyên tắc nhân đạo, tạo cơ hội cho người có hành vi vi phạm được trở lại cuộc sống bình thường, có cơ hội làm việc và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước, trong quy định của pháp luật có quy định cụ thể về thời gian để xóa tiền án, tiền sự. Cụ thể:

  • Thời gian để xóa tiền án:

Như đã phân tích, người phạm tội đã bị Tòa án kết án nhưng đã được xóa án tích thì sẽ được coi là chưa từng bị kết án, không có tiền án. Nên có thể hiểu, việc xóa tiền án được xác định là việc xóa án tích đối với người bị Tòa án kết án. Do vậy thời gian để xóa tiền án, được xác định là thời gian để xóa án tích của một người.

Hiện nay, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2015, một người có thể phạm tội trộm cắp tài sản, có thể phạm tội giết người, cũng có thể phạm tội liên quan đến lật đổ chính quyền, tội phạm chiến tranh, có thể phạm tội ít nghiêm trọng cũng có thể phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng… Mỗi một tội danh có một mức độ nghiêm trọng khác nhau, xâm phạm đến quan hệ xã hội khác nhau và mức án dành cho mỗi người phạm tội lại khác nhau. Điều này dẫn đến quy định về các trường hợp xóa tích cũng có sự khác nhau, cụ thể căn cứ theo quy định từ Điều 69 đến Điều 72 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự năm 2017 có quy định việc xóa án tích, thời gian để xóa án tích theo các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Đối với người phạm tội, bị kết án về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng nhưng do lỗi vô ý và người bị kết án nhưng được miễn hình phạt:

Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Bộ luật hình sự năm 2015, người phạm tội không bị coi là có án tích, tức là không bị coi là có tiền án. Do vậy, mặc dù bị kết án nhưng họ không bị coi là có tiền án, nên không cần phải xác định thời gian xóa án tích hay tiền án.

Trường hợp 2: Trường hợp đương nhiên được xóa án tích.

Căn cứ theo quy định tại Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015, trường hợp đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với những người bị kết án về các tội mà không thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hay các tội về phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Các tội không thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích được quy định cụ thể tại chương XXVI,và chương XIII của Bộ luật này.

Đối với những người bị kết án về các tội mà tội đó không thuộc các tội được quy định tại chương XIII, chương XXVI Bộ luật hình sự năm 2015 được trích dẫn ở trên thì họ sẽ được đương nhiên xóa án tích sau khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách, hết thời hiệu thi hành án mà đáp ứng điều kiện về thời gian để được xóa án tích như sau:

– Trường hợp trong nội dung bản án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án phải chấp hành hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo:

– Trường hợp người phạm tội bị kết án với hình phạt tù đến 05 năm:

Trường hợp này, nếu trong thời gian 02 năm kể từ ngày họ chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung (nếu có) và các quyết định khác của bản án mà họ không phạm tội mới trong thời gian này thì họ sẽ được đương nhiên được xóa án tích.

– Trường hợp người phạm tội bị kết án với hình phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm :

Trường hợp này nếu người này không phạm tội mới trong thời gian 03 năm kể từ ngày họ chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung (nếu có) và các quyết định khác của bản án thì họ sẽ đương nhiên được xóa án tích.

– Trường hợp người phạm tội bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án:

Trường hợp này, nếu người này không phạm tội mới trong thời gia 05 năm kể từ kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính mà họ đã chấp hành xong hình phạt bổ sung (nếu có) và các quyết định khác của bản án thì họ sẽ đương nhiên được xóa án tích.

Có thể thấy, đối với các trường hợp bị kết án về các tội không thuộc các tội được quy định tại Chương XIII, Chương XXVI Bộ luật hình sự năm 2015 được xác định ở trên thì tùy thuộc vào hình phạt của người phạm tội là gì, là án treo, là cải tạo không giam giữ hay phạt tù, và phạt bao nhiêu năm tù mà thời gian thử thách để được xóa án tích cũng được quy định khác nhau, có thể là 01 năm, là 02 năm, 03 năm hoặc 05 năm. Dù thời gian thử thách để được xóa án tích được xác định là bao nhiêu năm thì thời điểm để tính thời gian này trong các trường hợp đương nhiên được xóa án tích đều được tính từ thời điểm người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách của án treo. Trong thời gian này nếu họ đã chấp hành xong các hình phạt bổ sung, quyết định khác nêu trong bản án và không phạm tội mới thì họ sẽ được đương nhiên xóa án tích.

Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý:

Nếu hình phạt bổ sung mà người bị kết án đang chấp hành theo bản án là hình phạt bị quản chế, quản thúc; bị cấm cư trú; cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề hoặc công việc nhất định hay tước một số quyền công dân và thời hạn để người bị kết án chấp hành hình phạt bổ sung này còn dài hơn thời hạn thử thách để được xóa án tích đối với hình phạt mà người bị kết án đang chấp hành theo quy định tại Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015 được phân tích nêu trên thì trường hợp này, thời hạn thử thách để xóa án tích, tức thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung này.

Ngoài ra, đối với trường hợp người bị kết hạn chưa chấp hành bản án nhưng đã hết thời hiệu thi hành bản án thì trường hợp này, người bị kết án sẽ đương nhiên được xóa án tích nếu kể từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người này không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau:

+ Trường hợp người phạm tội bị kết án với hình phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền hoặc phạt cải tạo không giam giữ, hoặc đang hưởng án treo (tức bị phạt tù nhưng được hưởng án treo) thì thời hạn để xác định điều kiện xóa án tích là 01 năm.

+ Trường hợp người phạm tội bị kết án với mức phạt tù đến 05 năm thì thời hạn là căn cứ xác định điều kiện xóa án tích là 02 năm.

+ Trường hợp người phạm tội bị kết án với mức phạt tù từ trên 05 năm đến dưới 15 năm thì thời hạn là căn cứ xác định điều kiện xóa án tích cho người này là 03 năm.

+ Trường hợp người phạm tội bị kết án với mức án phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng được giảm án thì thời hạn là căn cứ xác định điều kiện xóa án tích cho người này là 05 năm.

Trường hợp 3: Trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án:

Căn cứ theo quy định tại Điều 71 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 thì xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với những người phạm các tội xâm phạm đến an ninh quốc gia được quy định tại Chương XVIII, và các tội phạm chiến tranh, tội xâm phạm hòa bình thế giới, tội chống loài người được quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này.

Đối với những người bị kết án về một trong các tội được quy định tại Chương XVII, chương XXVI Bộ luật Hình sự năm 2015 được trích dẫn ở trên, họ sẽ được Tòa án quyết định xóa án tích nếu như họ đã chấp hành xong các hình phạt bổ sung (như bị quản chế, cấm ra khỏi nơi cư trú…) và đáp ứng điều kiện không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

– 01 năm nếu như hình phạt mà người bị kết án đang chấp hành là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo. Thời gian 01 năm này được xác định bắt đầu kể từ thời điểm chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo.

– 03 năm kể từ thời điểm chấp hành xong hình phạt tù trong trường hợp họ bị phạt tù đến 05 năm.

– 05 năm kể từ thời điểm chấp hành xong hình phạt tù trong trường hợp họ bị phạt tù với mức án từ trên 05 tù đến 15 năm tù.

– 07 năm kể từ thời điểm chấp hành xong hình phạt tù trong trường hợp họ bị kết án với mức phạt tù trên 15 năm tù, tù chung thân, hoặc tử hình nhưng được giảm án.

Ngoài ra, cần lưu ý:

Khi người bị kết án về một trong các tội được quy định tại chương XVIII, chương XXVI Bộ Luật Hình sự năm 2015, đang thực hiện việc chấp hành hình phạt bổ sung là bị quản chế, bị cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành hình phạt bổ sung này còn dài hơn thời hạn thử thách để được Tòa án xem xét quyết định xóa án tích được quy định tại Điều 71 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên thì Tòa án sẽ quyết định việc xóa án tích kể từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Đối với trường hợp người bị kết án về một trong các tội được quy định tại chương XVIII, chương XXVI Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã làm đơn xin xóa án tích mà bị Tòa án bác đơn thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn, họ mới được xem xét xóa án tích. Trường hợp lần thứ hai trở đi, người bị kết án nộp đơn xin xóa án tích mà vẫn bị Tòa án bác đơn thì phải sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn, họ mới được xin xóa án tích.

Trường hợp 4: Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể Điều 72 Bộ luật hình sự năm 2015, Tòa án có thể quyết định việc xóa án tích cho một người bị kết án khi có đề nghị của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương nơi người đó công tác, cư trú vì người bị kết án này đã có những tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành án và đã lập công lớn, đồng thời họ đã đảm bảo được ít nhất 1/3 thời hạn thử thách để được xóa án tích theo quy định tại Điều 70, 71 Bộ luật hình sự năm 2015 được trích dẫn ở trên.

Qua phân tích ở trên, có thể thấy, thời hạn thử thách để được xóa án tích, xóa tiền án được quy định cụ thể theo từng trường hợp nhất định và được căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên. Mỗi trường hợp xóa án tích dù là đương nhiên xóa án tích hay xóa án tích theo quyết định của Tòa án hay xóa án tích theo trường hợp đặc biệt thì pháp luật đều yêu cầu phải đáp ứng các điều kiện nhất định về thời gian thử thách để được xóa án tích. Người bị kết án cần căn cứ vào tội danh cũng như hình phạt theo bản án mà mình phải chấp hành để xác định thời gian phù hợp để xóa án tích.

Đối với cách xác định thời hạn để xóa án tích thì: Nếu một người bị Tòa án kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật vì họ tiếp tục có hành vi phạm tội mới trong thời gian chưa được xóa án tích dù bị kết án trước đó thì trường hợp này, thời hạn để xóa án tích của bản án cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành. Ngoài ra, nếu một người đang chấp hành được một phần bản án mà phần hình phạt còn lại họ được Tòa án miễn chấp hành thì cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt.

  • Thời gian để xóa tiền sự:

Như đã phân tích, một người được coi là đã xóa tiền sự, không có tiền sự khi họ không có hành vi vi phạm kỷ luật, hành vi vi phạm hành chính nào hoặc họ đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính nhưng đã đáp ứng điều kiện để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, thời gian để xóa tiền sự được hiểu là thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính.

Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Cụ thể:

– Đối với trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính:

Xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là việc một người có hành vi vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật bị người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.

Khi một người bị xử phạt hành chính thì họ sẽ được xóa tiền sự (được coi như kaf chưa bị xử lý vi phạm hành chính) trong thời hạn sau đây:

+ Trường hợp cá nhân bị áp dụng biện pháp xử phạt cảnh cáo thì họ sẽ được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính (được xóa tiền sự) nếu họ không tái phạm trong thời gian 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt.

Trong đó, tái phạm, theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính được hiểu là việc một người lặp lại hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý trước đó trong thời gian chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt lý hành chính hoặc ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính.

+ Trường hợp cá nhân này bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính khác, mà không phải là cảnh cáo thì người này sẽ được xóa tiền sự, được coi là chưa bị xử phạt hành chính nếu họ không có tái phạm trong thời gian 01 năm, kể từ ngày người này chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính, hoặc là kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính.

Ví dụ: Anh T điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường nhưng chạy quá tốc độ 15 km/h nên bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Ngày 1/4/2018, anh T đã thực hiện xong quyết định xử phạt, nộp phạt vào Kho bạc nhà nước. Trường hợp này căn cứ theo quy định tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thì sau 01 năm kể từ ngày anh T thực hiện xong quyết định xử phạt (tức là sau ngày 1/10/2018, mà anh T không có hành vi tái phạm, vi phạm giao thông chạy quá tốc độ thì anh T được coi là chưa bị xử phạt hành chính, được xác định như không có tiền sự.

– Đối với trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính:

Biện pháp xử lý hành chính, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, bao gồm các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng. Đây được xác định là những biện pháp được áp dụng đối với những người có hành vi vi phạm hành chính, vi phạm quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không được xác định là tội phạm.

Đối với những người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, họ sẽ được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu họ không có hành vi tái phạm trong thời gian gian 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Ví dụ: anh M bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với thời gian phải chấp hành là 02 năm (từ tháng 01/2016 – 31/12/2017) có hành vi nhiều lần sử dụng ma túy mà không xác định được nơi cư trú. Anh M đã chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính này và được ra trại vào ngày 01/01/2018. Trường hợp này, nếu anh M không có hành vi tái phạm – không có tiếp tục sử dụng ma túy trong suốt thời gian 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (tức là kể từ ngày 01/01/2018) thì anh M được coi là chưa từng bị xử lý hành chính, không có tiền sự.

Như vậy, qua phân tích nêu trên, có thể thấy, pháp luật luôn có quy định một khoảng thời hạn nhất định để xem xét về việc xóa án tích, xóa tiền sự cho cá nhân, tạo điều kiện để cho họ có một nhân thân tốt, được trở lại cuộc sống bình thường, thể hiện nguyên tắc nhân đạo. Tuy nhiên cùng với việc quy định thời hạn được xóa án tích, xóa tiền sự (được coi như chưa bị xử phạt hành chính) thì đối với mỗi trường hợp đều yêu cầu người bị kết án, người bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải đáp ứng điều kiện nhất định mà một trong số đó là không có hành vi tái phạm trong thời hạn nêu trên.

Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.

Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

Công ty Luật Nhân Hòa

Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Hotline: 0915. 27.05.27

Trân trọng!

Từ khóa » đi Tù Hộ Là Gì