Hai Cuộc Chiến Của Vị Bác Sĩ - Cựu điệp Viên Tình Báo A10 - Gia đình

Hai cuộc chiến của vị bác sĩ -  cựu điệp viên tình báo A10 - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy nhận cúp vàng danh hiệu “Doanh nhân tâm tài” do nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trao tặng.

Bác sĩ đi làm tình báo

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy quê ở Nghệ An, nhưng sinh ra tại miền Nam, năm nay tròn 75 tuổi. Ông từng là Cụm phó Cụm điệp báo A10 (thuộc Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định) - Cụm điệp báo với những điệp vụ xuất sắc được lịch sử ghi nhận.

Thuở nhỏ, Khánh Duy là học sinh của Trường Phan Chu Trinh (Đà Nẵng). Năm 1966, ông được thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Cũng từ ngôi trường này, ông tiếp cận với cách mạng. Ông từng giữ nhiều công tác lãnh đạo trong các tổ chức như: Chủ tịch các Ủy ban tranh đấu, Trưởng ban đại diện sinh viên Y khoa, Đoàn trưởng Đoàn công tác y tế sinh viên Y - Nha - Dược, Đoàn trưởng Đoàn văn nghệ sinh viên Y– Nha.

Quá trình thử thách trong công tác đã khiến Khánh Duy lọt vào "mắt xanh" của những cán bộ an ninh T4 (tiền thân của Công an TP Hồ Chí Minh). Đến năm 1971, ông được lãnh đạo lực lượng An ninh T4 bố trí về công tác tại Ban An ninh vũ trang Sài Gòn - Gia Định với bí danh Năm Quang. Sau đó, Ban An ninh T4 thành lập cụm tình báo A10, bao gồm các ông Nguyễn Minh Trí (Mười Thắng), Khánh Duy (Năm Quang), Huỳnh Huề (Ba Hoàng), Nguyễn Thiếu Bảo (Hai Phương) do ông Trần Quốc Hương (Mười Hương) chỉ đạo. Cụm tình báo A10 có nhiệm vụ xây dựng lực lượng điệp báo, thu thập tin tức phản gián, kịp thời tham mưu cho các cấp chỉ đạo để tấn công địch.

Năm 1971-1972, các tổ chức Thành Đoàn bị địch đánh phá gần như tê liệt. Đoàn công tác y tế sinh viên Y – Nha – Dược được thành lập để tạo địa bàn hoạt động cho quần chúng cả 3 trường Y – Nha – Dược và các trường đại học khác, đồng thời thực hiện các mục tiêu của Ban An ninh T4. Bằng uy tín của mình, Khánh Duy đã xây dựng cương lĩnh hoạt động của đoàn, ngụy trang dưới công tác y tế - xã hội thuần túy. Đoàn thành lập các ban văn nghệ, y tế, xã hội và báo chí, sinh hoạt bằng nhạc yêu nước, nhạc của sinh viên tranh đấu, viết những bài báo chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình... nâng cao nhận thức quần chúng và góp phần cổ vũ quần chúng nổi dậy giải phóng quận 4 và khu vực Bảy Hiền khi quân ta tiến vào Sài Gòn (30/4/1975).

Năm 1973, sau khi tốt nghiệp y khoa với tấm bằng loại giỏi, Khánh Duy bị địch bắt động viên vào quân đội Sài Gòn. Lúc này "trùm tình báo" Mười Hương đã chỉ đạo Khánh Duy vào lính để giữ nhân thân hợp pháp. Do gia đình Khánh Duy có nhiều người là cán bộ cao cấp chính quyền Sài Gòn nên ông được chính quyền Ngụy Sài Gòn tin tưởng. Trong khi đó, chúng không biết hầu hết cả gia đình ông đều hoạt động cho cách mạng.

Hai cuộc chiến của vị bác sĩ -  cựu điệp viên tình báo A10 - Ảnh 2.

Bác sĩ Khánh Duy đang theo dõi các học viên sinh hoạt tại Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa qua camera.

Khánh Duy trở thành bác sĩ trưởng quân y của Lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ của quân đội Sài Gòn. Để làm suy giảm lực lượng chiến đấu của địch, bác sĩ Khánh Duy thường cho những binh lính được nghỉ ngơi, điều trị lâu hơn mức thông thường. Gây dựng niềm tin sâu sắc trong lòng địch cũng làm một nhiệm vụ của người chiến sĩ tình báo. Tranh thủ những lần về phép, Khánh Duy gặp cơ sở của mình, cung cấp những thông tin tình báo có giá trị. Vỏ bọc của bác sĩ Khánh Duy hoàn hảo đến mức, tại chiến trường Quảng Trị, anh được Tư lệnh sư đoàn Thủy quân lục chiến tặng huân chương.

Làm điệp báo đơn tuyến, bác sĩ Khánh Duy đã phải chịu không ít tủi nhục, bị người thân, bạn bè và ngay cả những người đã một thời cùng anh hoạt động trong phong trào sinh viên, học sinh dè bỉu, khinh khi... Ít ai biết rằng, để tấn công chính trị, phân hóa hàng ngũ địch, Khánh Duy đã xây dựng cơ sở nòng cốt là anh Huỳnh Bá Thành (Họa sĩ Ớt) – Giám đốc kỹ thuật kiêm Thư ký tòa soạn báo Điện Tín của nhóm Dương Văn Minh. Dưới sự chỉ đạo của Khánh Duy, anh Thành và các cơ sở đã hướng dẫn, vận động dư luận quần chúng theo hướng có lợi cho cách mạng, tác động các phóng viên viết bài đấu tranh dân sinh, dân chủ, chống tham nhũng, kêu gọi hòa bình, thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Paris…

Tháng 3 năm 1975, sau khi tờ Điện Tín bị Nguyễn Văn Thiệu đóng cửa, lãnh đạo Ban An ninh T4 chỉ đạo Khánh Duy yêu cầu Huỳnh Bá Thành tìm cách ở hẳn trong dinh Hoa Lan của tướng Dương Văn Minh. Trong những ngày kề cận 30/4, Huỳnh Bá Thành đã góp phần tác động trực tiếp đến Dương Văn Minh để ra tuyên bố án binh bất động trước khi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào trưa ngày 30/4/1975 lịch sử và chỉ đạo cơ sở Phan Xuân Huy (con rể ông Dương Văn Minh) ngăn chặn không phá cầu Sài Gòn.

Tháng 5/1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, vì nhiệm vụ, Khánh Duy vẫn đi học tập như một sỹ quan quân đội Sài Gòn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông được chuyển về khối Bảo vệ chính trị thuộc Ban An ninh nội chính thành phố Hồ Chí Minh với quân hàm Thiếu úy. Từ năm 1976, ông công tác tại trại giam Chí Hòa, chữa bệnh cho can phạm, trong đó có nhiều người nghiện ma túy.

Năm 1980, ông chuyển về công tác tại Phòng An ninh Văn hóa – Tư tưởng, phụ trách lĩnh vực y tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, giáo dục và bảo vệ cơ quan Dân – Chính – Đảng, do đó ông càng có điều kiện tiếp cận sâu hơn với các đối tượng nghiện ma túy.

Từ năm 1995 đến 1999, ông làm Hội thẩm Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Chứng kiến tác hại cũng như nỗi đau của các gia đình mất con, người vợ mất chồng vì ma túy, Khánh Duy nung nấu ý định và quyết tâm sẽ mở trung tâm điều dưỡng để cưu mang những người lầm lạc.

"Cuộc chiến" cứu người

Hai cuộc chiến của vị bác sĩ -  cựu điệp viên tình báo A10 - Ảnh 3.

Bác sĩ Khánh Duy đang tư vấn điều trị cho người nhà bệnh nhân.

Năm 2000, bác sĩ Khánh Duy về hưu với tỷ lệ mất sức là 61%. Theo lẽ thường "trẻ nhiệt huyết, già thảnh thơi" nhưng đối với cựu điệp viên A10 thì không thế, ông vẫn không ngơi nghỉ mà quyết tâm thực hiện điều mình vẫn hằng ấp ủ, nung nấu suốt nhiều năm qua. Đó là xây dựng một trung tâm cai nghiện ma túy để hồi phục một bộ phận người trẻ tuổi trước cái chết trắng.

Với kiến thức về ngành y, khi hiểu thêm sự lây lan của ma túy, những thủ đoạn của bọn buôn bán ma túy…, ông đã tập hợp bạn bè, đồng chí, đồng đội cũ thành lập Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (sau đây gọi tắt là Trung tâm Thanh Đa).

Trung tâm Thanh Đa được đặt tại địa chỉ số 245 Bình Quới, quận Bình Thạnh, TP.HCM, ven sông Sài Gòn, có cả bể bơi, phòng cắt cơn, phòng điều dưỡng, phòng tập thể dục thể hình, phòng tắm hơi, mát xa, bếp ăn sạch, thậm chí còn có cả phòng hát karaoke, thư viện, sân bóng chuyền… Ngoài ra, ở Trung tâm Thanh Đa còn có các xưởng dạy những nghề thông dụng như: may mặc, mộc, trồng cây cảnh, cơ khí, điện…Tất cả tạo nên một mô hình cai nghiện tiến bộ, khang trang và hiện đại.

Bác sĩ Khánh Duy cho hay, tất cả các học viên vào Trung tâm Thanh Đa đều là tự nguyện và thường ở độ tuổi từ 20-35, đây là độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời con người. Trong hàng vạn học viên đã vào trung tâm, bác sĩ Duy bảo ông từng bị ám ảnh và thấy thương nhất là các trường hợp học viên bị HIV-AIDS trong giai đoạn đầu khi trung tâm mới thành lập. Mặc dù họ không qua đời ở trung tâm, nhưng khi đến nhà viếng họ, ông cảm thấy rất thương xót. "Tôi tiếc và xót xa lắm, các cháu đều còn trẻ, biết là cái chết được báo trước rồi nhưng đối mặt mới thấy thương vô cùng", vị bác sĩ già giọng trầm buồn nói.

Theo bác sĩ Khánh Duy, hiện tại, các học viên bị nghiện ma túy đá rất nhiều và nó gây tác hại vô cùng khủng khiếp. Có học viên chỉ nghiện ma túy đá 4-5 tháng nhưng đã bị tâm thần. Ông thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại "cầu cứu" đón nhận con em nghiện ma túy đến Trung tâm để cai nghiện, bất kể đêm ngày.

Sau 21 năm hoạt động, từ 30 học viên trong thời gian đầu, đến nay, Trung tâm đã điều trị cho hơn 21.000 lượt học viên tự nguyện đến cai nghiện và đưa họ trở về hòa nhập cộng đồng. Hiện tại, số lượng học viên đang cai nghiện tại trung tâm là 250 học viên. Đặc biệt, trung tâm còn thu hút nhiều kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về cai nghiện và cả người nước ngoài.

Mặc dù đã cao tuổi và có hai người con trai kế nhiệm công việc nhưng hằng ngày, bác sĩ Khánh Duy vẫn dậy sớm và chạy xe gắn máy vào Trung tâm để trò chuyện với các học viên. Đến 20h tối, ông mới rời Trung tâm về nhà. Thời gian rảnh, ông chơi và dạy học cho các cháu. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu tài liệu, đọc sách báo nước ngoài để học hỏi về vấn đề cai nghiện ma túy. Từ 2003 đến 2009, ông đã tìm ra phác đồ điều trị cắt cơn bằng Clonidine kết hợp thuốc giải lo âu, an thần và giảm đau vào điều trị.

Để cán bộ nhân viên an tâm công tác, bác sĩ Khánh Duy cùng ban lãnh đạo Trung tâm hết sức quan tâm chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên. Thu nhập tối thiểu của mỗi nhân viên trên 11 triệu đồng/người/tháng.

Với những thành tích đạt được trong 21 năm qua, Trung tâm Thanh Đa đã được Chính phủ và nhiều cơ quan ban ngành tặng thưởng cúp vàng, danh hiệu, bằng khen. Riêng bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy nhận được Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.

Tâm sự với tôi, ông nói niềm hạnh phúc lớn nhất của ông chính là được nhìn những học viên, những "đứa con" của mình bước ra khỏi Trung tâm với dáng vẻ của một con người hoàn toàn bình thường.

Theo bác sĩ Khánh Duy, số học viên của trung tâm cai nghiện ma túy thành công, không tái nghiện khá nhiều. "Có nhiều khi tôi đi ngoài đường gặp người hỏi "bố có nhớ con không, con ngày xưa ở Thanh Đa. Có cháu còn mang quà đến tặng, đó là sản phẩm do các cháu làm ra. Có cháu ở nước ngoài về xin vào Thanh Đa gặp lại các bạn cũ nhưng tôi nói thẳng: Thôi con ạ! Con nghĩ đến bạn bè ở Thanh Đa là rất tốt nhưng con hãy coi như con không có ký ức ở Thanh Đa nữa, bởi tôi biết rằng sự hồi tưởng rất là nguy hiểm cho người nghiện ma túy", bác sĩ Khánh Duy chia sẻ.

Trước câu hỏi vì sao tuổi đã cao, không nghỉ ngơi mà hàng ngày ông vẫn miệt mài đến Trung tâm làm việc, vị bác sĩ già trầm tư nói: "Đấy là cái nghiệp của tôi. Ngày xưa làm tình báo vì con người, bây giờ chống ma túy là để cứu người. Chung quy tất cả cũng là vì con người". Chúng tôi thầm mong, ở "cuộc chiến" thứ hai này, bác sĩ Khánh Duy cũng sẽ tiếp tục thành công.

Kim Vân

Đại tá tình báo Tư Cang kể lại chuyện tình khắc cốt ghi tâm với người vợ thảo hiền Đại tá tình báo Tư Cang kể lại chuyện tình khắc cốt ghi tâm với người vợ thảo hiền

Từ khóa » điệp Báo A10