Tiểu Thuyết Điệp Báo A10- Bản Gốc

tiểu thuyết Điệp Báo A10- bản gốc

Một Trang nhất nhiều tờ nhật báo tại Sài Gòn và quốc tế chạy hàng tít lớn “Một vụ nổ ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông”.

Sài Gòn. Gần 12 giờ trưa thứ tư, ngày 10.11.1971, một vụ nổ kinh hoàng xảy ra tại giao lộ Phan Thanh Giản – Cao Thắng đã khiến giáo sư Nguyễn Văn Bông – Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chính cùng một người cận vệ tử nạn. Chiếc xe hơi chở giáo sư banh xác bởi sức nổ có sức công phá dữ dội.

Những nhân chứng có mặt gần nơi xảy ra vụ nổ tường thuật, khi chiếc xe hơi chở giáo sư Bông cùng người cận vệ chạy trên đường Phan Thanh Giản vừa đến giao lộ Cao Thắng phải dừng lại vì đèn tín hiệu giao thông bật đỏ. Ngay lúc đó, một chiếc xe gắn máy màu đen loại Honda 67 chở hai người thanh niên chạy trờ tới. Người ngồi sau vận quân phục biệt kích quân lực Việt Nam Cộng hòa nhảy khỏi xe, cúi người ném vào dưới gầm xe hơi của giáo sư Bông một chiếc cặp. Chỉ trong tích tắc, chiếc xe gắn máy chở hai người thanh niên gầm ga lao vút về hướng Chợ Lớn hòa lẫn vào dòng xe cộ đông đúc. Ngay sau đó, chiếc cặp từ dưới gầm xe giáo sư Bông phát nổ. Tiếng nổ có thể nghe thấy từ cách hiện trường hơn 10km. Theo phân tích nhanh của các chuyên gia về vật liệu nổ, có thể chiếc cặp ấy chứa 6 trái lựu đạn M67 được chế tạo lại kíp kích hoạt chung để nổ đồng loạt.

Theo nguồn tin đáng tin cậy, hơm qua, ngày 9.11.1971, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thông qua người đại diện là ông Nguyễn Văn Kiểu (bào huynh của Tổng thống Thiệu, đồng thời là đại sứ đương nhiệm tại Đài Loan) chính thức ngỏ lời đề nghị giáo sư Bông nhận vai trò Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Công hóa thay thế Thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Vì vậy, một số phân tích gia cho rằng, hung thủ sát hại giáo sư Bông không phải là Việt cộng mà có thể là một đối thủ chính trị trong nội các Việt Nam Cộng hòa.

Giáo sư Bông được khai sinh tại làng Kiến Phước thuộc Gò Công, Nam Việt Nam, tốt nghiệp cử nhân Luật quốc tế tại Paris năm 1956 và lấy bằng tiến sĩ Luật học, Chính trị học năm 1960. Năm 1962 ông có bằng thạc sĩ Công pháp Quốc tế - một bằng cấp hiếm hoi ở Việt Nam . Đầu năm 1963, trong khi tình hình chính trị Nam Việt Nam căng thẳng sôi sục bởi những cuộc biểu tình của giới Phật tử chống đối Tổng thống Ngô Đình Diệm, giáo sư Bông rời Pháp về nước để nhận giảng dạy tại trường Đại học Luật khoa Sài Gòn. Ngay trong buổi lễ khai hóa tại Đại học Luật khoa, ông đã đọc một bài diễn văn “Đảng pháp và đối lập chính trị”. Bài diễn văn của ông, ngay lập tức, được rất nhiều tờ báo trong nước lẫn nước ngoài đăng tải. Ông trở nên nổi tiếng trên chính trường. Tuy nhiên, nhiều tờ báo bị đóng cửa hoặc bị quấy rối bởi lực lượng mật vụ của Ngô Đình Nhu. Sau khi chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lực lượng quân nhân cách mạng đảo chính thành công, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chính đào tạo công chức trung cấp và cao cấp cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Chính sự nổi bật về tầm nhìn chính trị của giáo sư Bông đã thu hút nhiều đối thủ trong nội các Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chú ý.

Với sự khởi đầu đó, ông tiếp tục dấn thân vào đường chính trị bằng việc vận động ủng hộ một đảng phái theo xu hướng Việt Nam thống nhất, dân chủ được nhiều người ủng hộ có tên gọi là Phong trào Quốc gia Cấp tiến. Phong trào Quốc gia Cấp tiến và Đảng Tân Đại Việt do giáo sư Nguyễn Ngọc Huy – tiến sĩ Chính trị học bạn đồng môn của ông thuở ở Paris – là thủ lĩnh đã liên kết với nhau thành một lực lượng đối lập với chính phủ đương nhiệm do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo.

Cách nay 1 năm, vào tháng 9.1970, Phong trào Quốc gia Cấp tiến đã đưa vào Hạ viện được 21 dân biểu – một lực lượng đáng để Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu e ngại trong khi Mỹ đang gây sức ép để Tổng thống chấp thuận ngồi vào bàn đàm pháp Paris cùng Mặt trận Dân tộc giải phóng. Để lôi kéo lực lượng Phong trào Quốc gia Cấp tiến về phía mình, Tổng thống đã đưa giáo sư Nguyễn Ngọc Huy vào vai trò cố vấn chính trị phái đoàn Việt Nam Cộng hòa tham gia đàm pháp Paris.

Trước khi ám sát một ngày, ông Nguyễn Văn Kiểu – Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Đài Loan, là bào huynh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đến tận tư gia của giáo sư Bông ngỏ lời mời giáo sư nhận chức vụ thủ tướng thay thế thủ tướng đương nhiệm Trần Thiện Khiêm và giáo sư đã nhận lời.

Một số phân tích gia nhận xét: “Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu buộc lòng thay thế Thủ tướng Khiêm vì Mỹ không muốn sự việc ngày 1.11.1963 xảy ra một lần nữa”. Điều đó có nghĩa là, Tòa Bạch Ốc muốn Thiệu dịu bớt sự bướng bỉnh vì không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán Paris . Giáo sư Bông là người cổ xúy chính sách hòa bình của Kissinger. Bởi tháng 7.1971, trước khi đi Bắc Kinh Kissinger đã ghé Sài Gòn và bất ngờ gặp riêng giáo sư Bông.

Ai đã giết giáo sư Bông? Không thể phán đoán chính xác khi chưa có bằng chứng rõ ràng”.

Suốt một tháng sau đó, nhiều tờ báo phân tích và tranh cãi nhiều chiều khác nhau. Có tờ cho rằng Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ mượn tay lực lượng thứ ba ám sát giáo sư Bông để đổ vạ cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tờ khác lại nghi vấn giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là chủ mưu để tranh giành quyền lực độc tôn trong Phong trào Quốc gia Cấp tiến. Cũng có tờ nghi vấn Nguyễn Văn Thiệu bắt tay vối Nguyễn Văn Bông bằng tay phải trong khi tay trái ném lựu đạn.

Chính trường Sài Gòn bao phủ một màn nghi kỵ lẫn nhau.

Hai

Một buổi sáng trung tuần tháng 12.1971, trên vỉa hè quán cà phê cóc đầu con hẻm trên đường Tôn Thất Hiệp, quận 11, gã thanh niên hippi trạc 20 tuổi ngồi xoãi chân ngáp vặt trước ly bạc xỉu đã nguội ngắt. Mái tóc dài phủ vai, cặp kính màu nâu đỏ to bản choáng một phần ba gương mặt, chiếc áo hoa hòe bó sát thân mình, cái quần dài bó sát đùi nhưng ống lại loe rộng che kín mất đôi giày cao gót khiến gã giống như một chú trống choai vừa trổ mã. Một hippi của thanh niên phản chiến Mỹ đã lan sang Sài Gòn và nhanh chóng thành một thứ chủ nghĩa dị bản trong giới thanh thiếu niên. Ngoài phố, trên vỉa hè, trong công viên, trong quán bar, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh một gả, một ả hippi ngồi phởn phơ hút thuốc lá với vẻ bất cần đời giả hiệu. Cái vẻ không làm phiền ai của giới hippi lại khiến những người đứng đắn khó chịu, ngại đến gần, ngán dây dưa.

Ở cái quán cóc này cũng vậy, khi gã hippi nghễu nghện bước vào búng tay gọi ly bạc xỉu, những phu xích lô hiền lành an phận, vốn là khách mối đều đứng lên tính tiền rời quán. Không chó khịu vì điều đó, gã nhếch một nụ cười đểu cáng, phớt đời.

Không ai ngờ rằng, ẩn giấu bên trong cái vẻ lười nhác, phớt đời đáng khinh của gã hippi là những cuộn sóng nôn nóng. Bởi người thanh niên mang vẻ ngoài hippi đó chính là Nguyễn Minh Trí, đội trưởng đội trinh sát vũ trang liên quận thuộc lực lượng An ninh T4.(*)

Đêm qua, một người giao thông đã bật tín hiệu cho biết tổ trinh sát vũ trang của anh đang gặp mối nguy hiểm đe dọa gián tiếp. Tín hiệu yêu cầu anh không nên rời chỗ ở, chờ chỉ thị trực tiếp vào sáng nay, tại quán cà phê này. Đã quá giờ quy định hơn 1 phút anh vẫn chưa gặp được người giao thông. Theo nguyên tắc hoạt động, nếu trễ hẹn 5 phút kể như hủy bỏ cuộc hẹn để giữ an toàn.

Anh ngồi đếm từng thời khắc trôi qua chậm chạp, đồng thời cố rà soát lại mọi hoạt động của mình để tìm sơ hở khiến địch nghi ngờ mình. Hoàn toàn không.

Suốt hai tháng nay, anh được chỉ thị nằm im không hoạt động.

Khi đã phóng xe chạy đi trong tâm trạng bực mình vì hỏng kế hoạch, anh mới nghe Tư Khá lầm rầm xin lỗi phía sau: “Tao xin lỗi mày, đội trưởng. Tao không thể thực hiện vì chị bán gánh hàng rong vô tội”.Cách nay hai tháng, “trên” yêu cầu anh chỉ đạo tổ thực hiện ám sát Nguyễn Văn Bông nhằm tạo mâu thuẫn nội bộ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Anh đã khảo sát đường đi hàng ngày của Nguyễn Văn Bông và lên kế hoạch ám sát rất chi tiết, nhưng cả hai lần thực hiện đều không thành công. Lần đầu, theo lịch trình cố định hàng ngày, nhân buổi trưa, Bông từ học viện về nhà ăn cơm bằng xe hơi, anh sẽ sử dụng chiếc xe gắn máy 67 đã xoáy nòng, đôn dên chở Tư Khá, một đội viên tích cực của tổ ôm chiếc cặp học sinh chứa 6 quả lựu đạn M67 đã được chế tạo lại chung một kíp nổ, chờ sẵn cách tư thất của Bông khoảng 100 mét. Khi chiếc xe hơi của Bông vừa giảm tốc độ để ngừng trước ngõ, anh sẽ phóng xe máy tiếp cận xe Bông. Tư Khá sẽ rút chốt chiếc cặp chứa lựu đạn rồi đẩy vào gầm xe của Bông đúng lúc nó vừa dừng hẳn. Mọi diễn biến diễn ra đúng như kế hoạch, nhưng… thời điểm quyết định ném chiếc cặp xuống gầm xe hơi của Bông trôi qua. Bông đã rời khỏi xe, Tư Khá vẫn ngồi im lặng sau lưng anh không hề hành động. Gã cận vệ của Bông thấy hai gã học trò đang dừng xe máy quá gần chiếc xe hơi bước đến gắt: “Hai thằng nhãi! Búng đi tép, lặn đi nhái, mai!”. Ngay sau đó, gã quay sang một chị bán gánh hàng rong đang ngồi nghỉ chân cạnh cổng nhà Bông, xua tay: “Chị kia, không được ngồi ở đây!”.

Anh không thể trách người đội viên tích cực của mình lấy nửa lời. Làm sao trách một tấm lòng nhân ái được.

Lần thứ hai, anh chờ đến giờ Bông đi làm sau giờ nghỉ trưa. Khi ông ta vừa xuất hiện nơi cửa, anh toan lao xe tới tiếp cận chiếc xe hơi thì thấy ngoài ông ta còn có cô con gái nhỏ của ông ta. Anh phóng xe đi thẳng. Lần này, chính anh là người quyết định hủy bỏ kế hoạch ám sát. Cũng giống như Tư Khá lần trước, lòng nhân đạo không cho phép anh sát hại người vô can. Ông Bông là mục tiêu của anh chứ không phải cô con gái của ông ta.

Sau hai chuyến thực hiện nhiệm vụ thất bại, theo nguyên tắc, “trên” yêu cầu anh bàn giao cho tổ khác và nằm im một thời gian. Chiếc cặp chứa lựu đạn do anh tự tạo cũng được chuyển đến vị trí cất giấu bí mặt khác.

Một tháng sau, vụ ám sát ông Bông xảy ra. Anh biết vụ ám sát do đồng đội anh thực hiện. Và anh vô can. Hai tháng nay anh không thực hiện nhiệm vụ nào, tại sao bây giờ người giao thông lại cảnh báo nguy hiểm?

Cơn nôn nóng của anh biến mât bởi sự xuất hiện của thằng nhóc bán báo dạo. Thằng nhóc tiến sát đến bên anh, mời:

- Mua giùm em tờ báo. Không thì cho em xin 2 điếu thuốc Salem .

Anh mỉm cười:

- Anh không có thuốc Salem nhưng anh cho tiền em mua thuốc “quân tiếp vụ”(*) hút đỡ ghiền.

- Thôi em không hút thuốc. Anh cho em ngồi chung uống cà phê đen là được rồi.

Đúng quy ước mật khẩu của giao thông, anh yên tâm gọi cho thằng nhóc một ly sữa nóng.

Trong khi chờ chủ quan mang ly sữa ra, thằng nhóc chìa cho anh một tờ báo. Anh cầm tờ báo luồn ngón tay vào bên trong thu lấy một cuộn giấy nhỏ, khéo léo như một gã ảo thuật có ngón nghề, nhanh tay cho vào túi quần.

Thằng nhóc uống một hơi cạn sạch ly sữa rồi đứng lên cám ơn anh. Nó chạy vụt đi, mồm rao: “Báo mới! Báo mới ra lò đê… đê! Hung thủ sát hại giáo sư Bông đã bị bắt! Báo mới, tin mới đê!”.

Anh gọi chủ quán tính tiền rồi đi sâu vào trong hẻm, đứng úp mặt vào một góc tường ra vẻ như đang tiểu tiện rồi móc cuộn giấy nhỏ ra. Đó là một mảnh giấy trắng, mỏng, nhỏ vừa đủ vấn một điếu thuốc rê. Anh đưa tờ giấy lên lưỡi thấm nước bọt. Một dòng chữ thật mảnh dần hiện ra: “Đọc trang nhất tờ báo. Tự phân tích mức độ nguy hiểm. Muốn về cứ về. C4 đã về nhà”. Đọc xong, anh vò mảnh giấy cho vào miệng rùi nuốt luôn vào bụng.

Anh vừa đi vừa mở tờ báo ra đọc.

“Tổng nha Cảnh sát Quốc gia đã bắt được 2 hung thủ sát hại giáo sư Nguyễn Văn Bông.

Một người tên là Vũ Quang Hùng – sinh viên năm 3 Đại học Khoa học Sài Gòn được nghi là kẻ cầm lái chiếc xe gắn máy Honda 67. Người kia tên Lê Văn Châu – trung úy biệt kích quân lực Việt Nam Cộng hòa được cho là kẻ ném chiếc cặp chứa 6 trái lựu đạn vào gầm xe giáo sư Bông. Hiện chưa có bình luận chính thức nào từ phía Tổng nha Cảnh sát”.

Nếu mức độ nguy hiểm chưa cao mà anh rời vị trí chiến đấu để trốn chạy vào căn cứ thì hèn yếu quá. Mức độ hợp pháp của anh hiện giờ vẫn tương đối an toàn.Anh hơi choáng váng. Thế là tổ của Ba Điệp, tức Vũ Quang Hùng đã bể. Điệp sẽ khai ra tổ của anh không? Anh đoan chắc rằng không. Nhưng nguyên tắc không cho phép chủ quan. C4 tức anh Thái – người cung cấp và gìn giữ chiếc cặp chứa lựu đạn đã “về nhà”, tức đã về căn cứ. Anh có nên về căn cứ không?

Kể từ sau vụ tố giác chế độ lao tù chuồng cọp của Nguyễn Văn Thiệu, anh có được vỏ bọc là một sinh viên tranh đấu cho tự do, hòa bình, hòa hợp dân tộc. Báo chí phương Tây và báo chí Sài Gòn đều thuộc nhẵn mặt anh. Với bỏ bọc đó, ngoài trường hợp anh bị bắt quả tang khi thi hành nhiệm vụ có tang chứng trong tay, bọn cảnh sát muốn đụng đến anh cũng phải dè chứng cánh báo chí gào lên rằng anh bị chính quyền Thiệu trả thù vụ chuồng cọp Côn Đảo.

Anh quyết định: Nước đến chân hãy nhảy.

Anh rảo bước về hướng nhà mình nằm sâu trong hẻm. Khi đi ngang một ngôi biệt thự nhỏ, anh dừng chân móc thuốc lá ra hút. Anh bật quẹt nhiều lần nhưng điếu thuốc vẫn không cháy. Ra vẻ bực mình, anh ném điếu thuốc xuống đất.

Bên trong cánh cổng, một viên trung úy bước ra hất hàm:

- Ê! Đi chỗ khác! Mày không biết đây là nhà ông phó tỉnh trường Bến Tre à?

Anh nhún vai cười, nói lớn:

- Đứng đốt điếu thuốc chứ có làm gì đâu mà ông trung úy xua đuổi.

Ngay sau đó anh hạ âm lượng, nói vừa đủ cho viên trung úy nghe:

- Chín giờ tối nay, tôi cần khám bác sĩ gấp. Chỗ cũ.

Nghe xong, viên trung úy lớn tiếng:

- Biến ngay. Lớ quớ thêm vài giây, tao cho một viên kẹo chì bây giờ.

Anh lại nhún vai, gằm mặt bước đi ra chiều nhẫn nhịn.

Ba

Tốii đêm đó, tại một căn nhà nhỏ nằm giữa xóm lao động nghèo khu Khánh Hội bên kia sông Sài Gòn, hai thanh niên trẻ chênh nhau vài tuổi ngồi bệt dưới nền đất cạnh mấy chai bia con cọp và dĩa gỏi khô sặc trộn xoài chua. Hầu như ly bia nào cũng vơi mặc dù chưa ai uống giọt nào. Chỉ có dĩa gỏi được gấp liên tục, vơi thật sự.

Người thanh niên trẻ hơn có đôi mắt nhanh nhạy, linh lợi chính là Minh Trí cất giọng vào đề:

- Thôi, hai anh em mình vờ nhậu như thế là đủ rồi. Giờ vào việc nè. Các anh ở T4 gởi lời khen ngợi anh về những hoạt động thúc đẩy phong trào sinh viên phản chiến, kêu gọi hòa bính. Các anh lãnh đạo rất thích thú chuyện các sinh viên Mỹ đốt thẻ quân dịch tại Sài Gòn. Hành động đó rất phù hợp với tình hình hiện nay, có lợi cho ta.

Khánh Duy với nước da trắng trẻo, mang cặp kính cận, ăn nói nhỏ nhẹ và chuẩn ý từng từ, nhỏ nhẹ cất giọng:

- Các anh ấy quá khen, chứ tao đã làm được gì to tát đâu. Chính tao cũng không ngờ mấy anh em sinh viên Mỹ lại nhiệt tình như vậy.

Trong mối quan hệ xã hội, Khánh Duy lớn tuổi hơn Trí nên thường mày tao trong trò chuyện mặc dù trong quan hệ công tác, Trí là cấp chỉ huy trực tiếp.

Khánh Duy háo hức nhớ lại cái đêm văn nghệ “Năm châu đấu tranh cho hòa bình” tại đường Công Lý hôm tháng 7 năm ngoái. Đó là một đêm trong chuỗi hoạt động của đại hội sinh viên liên viện đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Vạn Hạnh. Trong đại hội đó, sinh viên toàn miền Nam cùng thống nhất khẩu hiệu không đi quân trường, không học quân sự, không thi môn quân sự. Đại hội đã vận động được hơn 30.000 anh em sinh viên từ bỏ hẳn môn quân sự học đường, lôi kéo được hơn 450 sinh viên đang học quân sự bỏ về. Riêng sinh viên trường Y đốt cháy văn phòng huấn luyện quân sự học đường. Các anh em ở trường Văn Khoa, Vạn Hạnh, Kỹ thuật Phú Thọ cũng vậy.

Từ phong trào không đi quân trường, đêm văn nghệ “Năm châu đấu tranh cho hòa bình”, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã mời được rất nhiều đoàn sinh viên từ các nước đến tham gia nhưng anh chỉ chú ý đến các bạn ở đoàn sinh viên Mỹ. Trước đó, trong những đêm sinh hoạt “đốt lửa căm thù” để “nhận mặt kẻ thù, nhận mặt anh em, đốt lửa lên để nung nấu ý chí căm hờn, đốt lửa lên soi sáng niềm tin hy vọng”, anh cùng các bạn sinh viên chỉ đốt lửa, hát và kêu gào hòa bình khản giọng. Như thế vẫn chưa đủ để làm lung lay ý chí xâm lược của Toàn Bạch Ốc. Đêm “Năm châu đấu tranh cho hòa bình”, nhân có mặt các bạn sinh viên Mỹ, anh cần thêm gì đó mới mẻ để ngọn lửa đấu tranh nóng rực thêm, lan tỏa hơn những nguyện vọng của những người trí thức trẻ. Nhân lúc trò chuyện làm quen với một sinh viên Y khoa Mỹ tên Coin, anh phát hiện ra rằng, nhưng sinh viên Mỹ cũng bị phát thẻ quân dịch, cũng bị chính phủ Mỹ kích động tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Họ không muốn điều đó. Họ không muốn rời xa quê hương xách súng đi nửa vòng trái đất để gieo đau thương cho một đất nước nhỏ bé. Họ tiếc nuối cho những thanh niên quê hương họ bỏ xác ở một đất nước xa xôi không thù hằn. Đó là lý do họ tham gia đêm “Năm châu đấu tranh cho hòa bình” tại Sài Gòn. Khánh Duy đã cho Coin xem những bức ảnh chụp đồng quê Việt Nam xơ xác bởi chiến tranh, những em bé sơ sinh ôm bầu vú xác chết của mẹ, những bà mẹ vấn vành khăn tang khóc trên mộ con. Coin đã khóc thật nhiều. Ngày sau, Coin ôm xấp ảnh chạy đi gặp trưởng đoàn sinh viên Hoa Kỳ.

Ngay trong đêm đó, sau khi những bàn tay nắm những bàn tay của các bạn sinh viên đến từ khắp trái đất nối những vòng tròn, sau khi đàon sinh viên Việt Nam trao tặng lá cờ hòa bình có in hình chim bồ câu trắng tượng trưng cho khát vọng hòa bình, bất ngờ, đoàn sinh viên Mỹ đồng loạt rút tấm thẻ quân dịch châm lửa đốt rồi ném xuống đất, dùng gót giày giẫm đạp và hô vang khẩu hiệu “No war Việt Nam! Stop war at Việt Nam !” để biểu hiện tinh thần phản đối cuộc chiến xâm lược của chính phủ Mỹ đối với Việt Nam . Trước biểu hiện đó, nhiều bạn sinh viên Việt Nam đã chạy đến ôm hôn và bắt tay các sinh viên Mỹ. Ngày hôm sau, hầu như tất cả các tờ báo phát hành tại Mỹ đều đăng trang nhất hình ảnh các sinh viên Mỹ cùng nắm chặt tay sinh viên Việt Nam, dưới đất là tấm thẻ quân dịch của sinh viên Mỹ cháy nham nhở.

Bản tin đó trờ thành một trong những động lực thức đẩy quốc hội Mỹ nhóm họp phiên bất thường để xem xét lại vấn đề chiến tranh Việt Nam và đó là tiền đế thúc đẩy chinh phủ Mỹ chấp nhận tổ chức cuộc hòa đàm tại Paris .

Trí gắp miếng gỏi khô:

- Tôi đang ở mức báo động, có thể bị bắt hoặc về rừng bất cứ lúc nào. Nếu anh thấy vắng tôi một tuần là biết tôi đã đi hoặc bị bắt. Hiện giờ mức an toàn của anh được bao nhiêu phần trăm?

Khánh Duy không vội trả lời, trầm ngâm suy nghĩ. Anh biết, đã từ lâu cảnh sát Đô thành liệt anh vào danh sách phần tử nghi vấn có liên can đến Việt cộng những không có bằng cớ xác thực. Với vị trí lãnh đạo “phong trào sinh viên Y khoa Sài Gòn đấu tranh đòi hòa bình, công lý”, anh luôn tỏ ra “không liên can đến Việt cộng” nên chúng chẳng làm gì được anh ngoài việc cắt cử người theo dõi.

Đúng là kể từ khi tham gia phong trào đấu tranh, anh chưa “liên can đến Việt cộng” thật. Anh tham gia hoạt động phong trào xuất phát từ ý thức dân tộc chú không vì ý thức chủ nghĩa Cộng sản bởi anh hoàn toàn mơ hồ về chủ thuyết này.

Sinh ra trong một gia đình Phật tử nho giáo cố cựu, sống theo kiểu trí thức tiểu tư sản gốc Huế, tất cả anh em được sự giáo dục nghiêm khắc của người cha. Anh em anh luôn được uốn nắn ý thức dân tộc từ khi còn bé. Hàng đêm, sau bữa cơm tối, cha anh bắt các anh em của anh phải có mặt đầy đủ để nghe ông giảng những bài học luân lý làm người và Phật học sơ khai. Tư duy của cha anh là sự pha trộn giữa Nho học, Phật học và Huế học.

Vì tránh tên bay đạn lạc của chiến tranh, gia đình anh liên tục dời chỗ ở từ Đà Nẵng vào Hội An. Rồi từ Hội An vào hẳn Sài Gòn. Ở đâu, gia đình cũng một lòng thờ Phật.

Anh trường thành trong khối tư duy đó và trờ thành huynh trưởng trong đoàn thanh thiếu niên Phật tử ở Hội An. Anh chỉ biết học thật giỏi ở trường, ngoan thật ngoan ở nhà và lăn xả vào xã hội chia sẻ kiếp khổ với người nghèo, hoạn nạn. Trong tư tường anh không hề tồn tại bất cứ lý thuyết chính trị nào ngoài triết thuyết nhân quả.

Một ngày hè năm 1960, trong lần sinh hoạt huynh đệ Phật tử ở Hội An, một vị sư xuất hiện làm cả ngôi chùa xôn xao. Người lớn xì xào với nhau rằng, vị sư đó trụ trì một ngôi chùa ở Sài Gòn đang chuẩn bị tư hủy thân xác tìm về cõi chư Phật để cầu xin hòa bình cho dân tộc Việt Nam và để van xin cõi trên cứu Phật giáo Việt Nam qua khỏi cơn pháp nạn.

Anh chới với và hoảng hốt.

Bấy lâu nay, chỉ nghe phong phanh rằng chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo những đàn áp như thế nào thì anh không quan tâm đến. Bây giờ, một vị bồ tát sắp tự hủy diệt thân xác để đi tìm gặp đức Phật đã buộc anh suy nghĩ và tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra đối với những đứa con của Phật, trong đó có anh, gia đình anh.

Hôm đó, nhà chùa tập hợp tất cả sư, tăng, Phật tử lại để nghe vị sư bạch tâm. Vị sư đó nói rất nhiều về tình hình chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm đã sử dụng quyền lực ngầm tiêu diệt Phật giáo để đẩy dần Phật giáo vào chốn tuyệt diệt.

Giọng nói trầm buồn của vị sư khiến tất cả những người nghe nhỏ lệ. Có người khóc òa lên rồi cúi lạy vị sư liên tục.

Kết thúc cuộc bạch tâm, vị sư cho biết sẽ tự thiêu vào một ngày gần nhất. Ông kêu gọi tất cả những người con của Phật hãy đứng lên, nắm chặt tay nhau thành một khối đoàn kết bảo vệ nền Phật pháp.

Tâm khảm anh tràn ngập một nỗi xót xa. Nỗi xót xa ấy lớn dần, lớn dần để rồi biến thành lòng căm ghét. Anh căm ghét kẻ đã báng bổ niềm tin tối thượng của anh.

Sau ngày đó, anh bắt đầu dấn thân vào các phong trào học sinh, sinh viên Phật tử đấu tranh. Từ những cuộc thảo luận của phong trào, anh bắt đầu tìm hiểu về cái chính phủ đang gây hấn với niềm tin tâm linh của anh. Hóa ra các chính phủ ấy không chỉ có ý muốn bóp chết tôn giáo của anh mà còn đón rước ngoại bang đem chiến tranh vào quê hương này. Những ca khúc “da vàng” của Trịnh Công Sơn bóp nghẹt tâm trí, lay thức cơn cuồng nộ quê hương trong lòng anh. Với tư cách huynh trưởng thanh niên Phật tử, anh kêu gọi, vận động học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình chống đối cái chính quyền vô nhân ấy.

Những vị sư liên tiếp tự thiêu. Ngày đêm, khắp các chùa chiền vang động tiếng chuông thảng thốt, vang động tiếng cầu kinh cứu khổ cứu nạn u uất, ai oán thê lương. Những dùi cui, lựu đạn, bố ráp, bắt bớ của cảnh sát. Những Quách Thị Trang, Trần Văn Ơn ngã xuống bởi bàn tay cuồng bạo của chính quyền. Xuống đường thôi. Xuống đường và xuống đường.

Cuối năm 1963, anh thi vào trường Y khoa Sài Gòn và đậu thủ khoa. Ngồi ghế giảng đường vài tháng thì tin chính phủ Ngô Đình Diệm bị tướng Dương Văn Minh lật đổ. Trong tâm thức, anh đặt tướng Minh vào vị trí thần tưởng chỉ vì ông ta là người lật đổ cái chế độ anh căm ghét.

Anh trở lại vị trí của một sinh viên chăm chỉ học hành. Thế rồi tình thế chính trị Sài Gòn lại buộc anh lao vào phong trào biểu tình. Cái chính quyền mới thay chính quyền Diệm thối nát đến đáng khinh. Mỹ lấn sâu vào chiến tranh Việt Nam . Anh biểu tình để giảm bớt sự thối nát của chính quyền. Thế nhưng càng biểu tình anh càng mất phương hướng đấu tranh. Chính quyền thuộc Mỹ này bị lật đổ thì chính quyền thuộc Mỹ khác lại mọc lên. Cuộc đấu tranh không phương hướng của anh và bạn bè sẽ chẳng đi về đâu. Càng đấu tranh càng mệt mỏi, càng chán chường và càng thất vọng.

Sau một chuyến xuống đường khản cả cổ, rã rời thân xác, anh được báo tin có một người thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng tìm gặp. Hóa ra đó là Minh Trí.

Minh Trí là con của bác Cả - xóm giềng thân thiết của gia đình anh ở Quảng Nam . Chạy trốn chiến tranh, cả hai gia đình đều lưu lạc ra Huế và trôi vào Sài Gòn, cùng cư ngụ chung một xóm nhà, vẫn giữ mối quan hệ thân thiết như xưa. Thuở còn là học sinh trung học Huế, Trí học cùng trường và dưới anh vài cấp lớp. Vào Sài Gòn, anh ít cso điều kiện tiếp xúc với Trí. Bất ngờ một hôm anh nhận được tin Trí bị bắt vì tội chống chính quyền rồi bị đày ra Côn Đảo. Anh vẫn không nghĩ Trí là Việt cộng mà nghĩ Trí là học sinh chiến đấu bị chính quyền Sài Gòn chụp cho cái mũ phản loạn như bao nhiêu học sinh sinh viên khác tranh đấu cho hòa bình. Thế rồi một hôm nhận được tin của Tổng hội sinh viên yêu cầu tổ chức biểu tình về vụ 5 sinh viên tố cáo chuồng cọp, trong đó có Trí. Anh thán phục Trí. Anh tự cảm thấy xấu hổ vì không làm được những chuyện can đảm như Trí. Đến khi gặp “người đại diện Mặt trận” anh mới ngã ngửa. Hóa ra, Trí đã là Việt cộng từ thuở nào.

Lần gặp đó, Trí hỏi thẳng anh: “Anh có muốn làm Việt cộng không?”. Anh tròn xoe mắt: “Làm Việt cộng để mần chi? Tại sao phải mần Việt cộng?” Trí hỏi lại anh: “Vậy, anh đang lãnh đạo cho sinh viên trường anh xuống đường đấu tranh cho cái gì?” Anh gãi mũi: “Thì đấu tranh đuổi Mỹ về nước trả lại thanh bình cho quê hương Việt Nam chúng ta, chứ cho cái chi?” Trí lại hỏi: “Kết quả đấu tranh cho các anh đã đi tới đâu? Bao nhiêu năm nay, sinh viên, học sinh xuống đường bao nhiêu lần, bao nhiêu người? Bao nhiêu người xuống đường đã bị đánh đập, tù đày, giết chết? Mỹ đã cút chưa? Tại sao? Tại vì các anh đấu tranh tự phát, nhỏ lẻ. Một ngọn nến chỉ đủ soi sáng gương mặt mỗi mình anh. Hàng ngàn ngọn nến soi sáng một góc phố. Đất nước mình bao la. Nếu ngọn lửa các anh cháy theo kiểu ngẫu hứng không nhập chung với các ngọn lửa khác thì không thể hóa thành bão lửa. Mỹ vẫn sẽ cứ tồn tại. Nếu không biết hòa ngọn nến của mình vào những ngọn lửa khác, anh vẫn chỉ leo loét. Ở Sài Gòn này có rất nhiều tổ chức đấu tranh cho hòa bình như anh. Nhưng họ vẫn chỉ là những tổ chức con đẻ của bọn Xịa mọc ra để Mỹ khống chế chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chỉ có Cộng sản và duy nhất Cộng sản mới là ngọn lửa thật sự, đáng để tụi mình hòa ngọn nến vào”.

Khánh Duy nhận ra những người Cộng sản đang làm những điều mà anh và những bạn bè sinh viên mong muốn: Đuổi Mỹ về nước, lật đổ chính quyền tham nhũng, đòi quyền dân sinh, dân chủ và độc lập dân tộc cho người Việt Nam. Anh nhận ra, những người Cộng sản đấu tranh có tổ chức, có mục tiêu rõ ràng. Anh quyết định ngả lòng theo những người Cộng sản.

Thế rồi cái tết Mậu Thân năm 1968 đập vào hệ tư tưởng anh một khái niệm mới về người Cộng sản. Những chiến sĩ Việt cộng đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi tự sát đã làm anh rất xúc động. Họ chết vinh quang như những vị thánh.

Kể từ đó, anh hướng những hoạt động đấu tranh của mình theo hướng chỉ đạo của Thành đoàn thông qua minh Trí. Lúc đó anh cũng chẳng biết Thành đoàn là tổ chức gì, chỉ biết đó là một phần của Mặt trận. Thành đoàn cũng chẳng đòi hỏi nhiều, chỉ yêu cầu anh tập hợp lực lượng sinh viên biểu tình theo từng mục tiêu chính trị rõ ràng.

Anh vận động sinh viên tổ chức những đêm biểu diễn văn nghệ tập trung, văn nghệ xung kích, làm báo sinh viên, đồng thời tỏa đi khắp các xí nghiệp, các chợ, các xóm lao động và các vùng nông thôn ngoại thành để nói “cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi nói” và để “hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi hát” nhằm tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh đòi quyền sống, đòi hòa bình, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi lật đổ Thiệu, đòi Mỹ phát rút hết. Với sự nhiệt tình và lòng say mê đấu tranh, anh nhanh chóng được các bạn sinh viên bầu làm trưởng ban đại diện sinh viên trường Y.

Khi đã nắm được hoạt động của sinh viên trường Y, anh nhận thấy, không chỉ riêng 3 trường Y, Nha, Dược, thời gian sau này các tổ chức của Tổng hội Sinh viên hoạt động trở nên cầm chừng, lỏng lẻo. Điều này cũng dễ hiểu. Hầu như tất cả các hoạt động của sinh viên đều bị cảnh sát dập tắt ngay từ khi khởi động. Tháng trước, cánh sinh viên Nha khoa dự định tổ chức một đêm trắng đốt lửa trại, chưa chi đã bị bọn cảnh sát cho du côn vào tận trường đánh đập anh em, xé hủy bích chương. Anh biết cảnh sát đã cài được mật báo viên vào đội ngũ sinh viên. Phong trào sinh viên Y – Nha – Dược bị cảnh sát kẹp đến nỗi khó làm được chuyện gì to tát. Nhiều anh em đã bị chúng hốt về bót thẩm vấn liên tục. Đầu năm đến nay, phong trào 3 trường Y, Nha, Dược có phần trầm lắng, dịu đi. Nhìn xe hơn về năm sau, cái anh đại diện sinh viên trường Dược sẽ tốt nghiệp ra trường, không còn ai lãnh đạo phong trào. Tất nhiên sẽ có người khác được bầu vào thay thế nhưng có thể cảnh sát sẽ tìm cách đưa người của họ vào vị trí này để khống chế hoạt động của sinh viên. Anh đại diện sinh viên trường Nha thì thuộc dạng ba phải rất dễ bị cảnh sát hù dọa. Nếu không nắm giữ được phong trào của 3 trường Y, Nha, Dược thì rất uổng.

Nhân biến cố Mậu Thân, anh nhờ trí xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên thành lập một tổ chức sinh viên hoạt động công khai, hợp pháp trong lòng chế độ Việt Nam Cộng hòa. Được T4 đồng ý, anh sử dụng tiêu chí “nhường cơm sẻ áo, cứu giúp đồng bào bị ảnh hưởng chiến tranh” và chính thức nộp đơn cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập “Đoàn cứu trợ xã hội sinh viên Y – Nha – Dược Sài Gòn” do anh làm chủ tịch. Anh tập hợp những anh em sinh viên có cảm tình với Cộng sản vào phong trào nàu. Lấy danh nghĩa đi cứu trợ, cứu thương cho đồng bào bị nạn chiến tranh, anh cùng anh em đi tìm những người của Mặt trận bị thương, bị kẹt lại trong nội thành đưa ra vùng giải phóng. Anh và các anh em còn tổ chức những cuộc cứu trợ thật cho đồng bào nghèo để tuyên truyền về chính sách, chủ trương của Mặt trận Giải phóng. Từ những cuộc tuyên truyền mang danh cứu trợ đó, nhóm của anh đã mời gọi những người yêu nước tham gia hoạt động cho Mặt trận. Hoạt động của Đoàn cứu trợ sinh viên Y – Nha – Dược trở thành một đơn vị thuộc Trinh sát vũ trang liên quận do Minh Trí trực tiếp chỉ đạo.

Giờ Minh Trí đang có nguy cơ lộ diện phải lánh vào rừng, anh băn khoăn:

- Mức độ an toàn của tòa hoàn toàn lệ thuộc vào mày vì sợi dây liên lạc duy nhất của tao với Trung tâm là mày. Mày không khai, tao không sợ lộ. Tao chỉ sợ phong trào của tao không ai định hướng.

- Hãy tim ở tôi. Nếu bị bắt, có chết tôi cũng không khai. Nhưng chúng muốn bắt tôi cũng không dễ đâu. Với tình hình này, để an toàn, tạm thời tôi và anh ngừng liên lạc một thời gian cho đến khi an toàn tuyệt đối.

Khánh Duy băn khoăn:

- Trong thời gian này, tao sẽ phải cho anh em sinh viên đấu tranh theo hướng nào?

- Tình hình mới được Trung tâm cập nhật và cho biết, Mỹ đã nhận ra sự sa lầy của chúng đang ở thế thua và đang tìm cách tháo lui, bỏ chạy về nước, Với bản chất gian manh, không muốn công nhận thế thua của mình, chúng tìm đến giải pháp đàm phán với Mặt trận Dân tộc Giải phóng tại Paris. Nhưng Nguyễn Văn Thiệu ngoan cố cãi lời quan thầy Mỹ. Thiệu biết cái ghế tổng thống của y sẽ không còn nếu chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Trung tâm nhận định, Mỹ sẽ rút quân bằng mọi giá, kể cả giải pháp lật đổ Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng Mỹ đang e ngại, nếu lật Thiệu, Mặt trận sẽ chớp thời cơ giải phóng miền Nam . Khi ấy, chúng chẳng còn gì để mặc cả với ta tại bàn đàm phán. Vì vậy, Trung tâm cần anh khuấy động mạnh phong trào đấu tranh đòi hòa bình để thúc ép Thiệu chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Đó là mục đích. Riêng phương thức đấu tranh như thế nào thì Trung tâm chưa chỉ đạo cụ thể. Thôi thì anh cứ linh hoạt. Ngày chiến thắng của ta đã cận kề, phải nhanh chân thôi. Nếu tôi biến mất, anh sẽ phải hoạt động một mình trong khi chờ Trung tâm bắt liên lạc lại.

Khánh Duy trầm ngâm suy nghĩ rất lâu rồi vỗ vai Trí, nói:

- Nếu mày bị bắt, tao sẽ tìm cách tổ chức sinh viên đấu tranh đòi thả dự do cho mày.

Trí khoát tay:

- Đồng ý. Nếu anh nghe tin cảnh sát bao vây nhà tôi thì việc đầu tiên cần làm là thông báo khẩn cấp cho cánh ký giả có cảm tình với Mặt trận để dập chúng một trận. Chúng không bắt được tôi đâu. Anh cứ tin vậy đi.

- Nhất trí chuyện này.

Hai anh em bá vai nhau cùng uống cạn một chai bia đầu tiên và cũng là cuối cùng của tiệc nhậu để chia tay.

Bốn

Đã

ã hơn 11 giờ đêm nhưng phòng làm việc của thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình – Giám đốc Tổng nha Cảnh sát Quốc gia – vẫn sáng ánh đèn. Cái đất Sài Gòn vốn ồn ào náo nhiệt suốt ngày lẫn đêm giờ vắng tanh, vắng ngắt bởi lệnh giới nghiêm của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khiến cảm giác bất an cư lượn lờ trong từng góc phố tối, hẻm nhỏ. Tiếng pô của một chiếc Honda, thậm chi tiếng rao bán hàng rong vang lên cũng làm người ta rơi vào trạng thái thảng thốt, chờ đợi một tiếng nổ long óc xảy ra sau đ1o. Những vụ ám sát yếu nhân chính trị vừa qua đã khiến không khí Sài Gòn luôn phập phòng một lo sợ vô hình.

Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ quả quýt nấp đâu đó giữ những chồng hồ sơ chất đầy trên chiếc bàn làm việc cứ vang đều đặn như nhịp tim của một gã vô hình nào đó.

Nguyễn Khắc Bình mệt mỏi ngã ngửa người trên chiếc ghế cạnh bàn làm việc, mắt nhắm nghiền, tay nắn bóp huyệt thái dương.

Ông ta giữ tư thế ấy suốt gần 1 giờ đồng hồ, thỉnh thoảng hé mắt qua kẽ tay nhìn dãy máy điện thoại 5 chiếc, đen trũi, nằm song song trên chiếc bàn làm việc như một lũ cóc. Ông ta chờ đợi tiếng chuông của chiếc điện thoại được nối dây trực tiếp với Phủ Tổng thống.

Đúng lúc ông ta không chịu đựng nổi kiên trì, toan đứng lên gọi sĩ quan trực pha một ly cà phê đắng thì một loạt chuông từ máy số 1 vang lên. Như một gã háu ăn đang đói gặp món ngn, ông ta chồm lên chộp lấy tổ hợp, run giọng:

- Tôi, thiếu tướng Nguyễn…

Người bên kia đầu dây cắt ngang lời ông ta:

- Tôi là Quang phụ tá an ninh của Tổng thống đây. Tổng thống đã họp xong, mời ông Thiếu tướng qua dinh. Mà khoan đã! Thiếu tướng có chắc rằng hồ sơ vụ ám sát giáo sư Bông đã hoàn tất? Bởi bây giờ đã khuya, Tổng thống rất mệt, dễ cáu gắt.

- Trình ông phụ tá, tôi cam đoan không làm mất thời gian quý giá của Tổng thống.

- Vậy thì ông sang ngay. Ông chỉ có năm phút để hiện diện tại dinh.

- Vâng, thưa ông phụ tá. Tôi xin phép gác máy.

Khắc Bình quơ vội chồng hồ sơ có đánh dấu ký hiệu ưu tiên tối mật rồi đi như bay ra khỏi phòng làm việc, nhảy lên chiếc xe Jeep đã nổ máy chờ sẵn từ lúc nào. Tiếng còi hụ vang lên giữa đêm khuya khiến nhiều giấc ngủ thảng thốt choàng thức.

Chiếc xe lao vùn vụt qua ánh đèn đường mập mờ, qua những chốt gác dã ngoại, qua những chiếc nón sắt đen trũi có bàn tay chào và những họng súng cảnh giác.

Đã được báo trước, chiếc cổng sắt sau dinh Độc Lập mở rộng để chiếc xe lai thẳng vào.

Mặc dù máy lạnh mở hết công suất nhưng không khí vẫn cứ đặc quánh. Trán Nguyễn Văn Thiệu lấm tấm mồ hôi. Viên phụ tá tổng thống lấm tấm mồ hôi. Nguyễn Khắc Bình cũng lấm tấm mồ hôi. Nhưng cái trán nhăn nhúm của gã sĩ quan tình báo Mỹ lại khô ráo một cách khiêu khích.

Thiếu tướng Bình đọc xong bản báo cáo, liếc mắt nhìn trộm gã Mỹ, nhìn trộm Thiệu rồi nói thêm:

- Trình Tổng thống, tôi có linh cảm gã sinh viên Vũ Quang Hùng – kẻ điều khiển vụ ám sát là Việt cộng mặc dù các lời khai của y luôn phủ nhận sự liên quan.

- Căn cứ vào đâu mà anh có linh cảm đó? - Thiệu hơi chồm người lên.

- Trình Tổng thống, theo các báo cáo của mạng lưới an ninh cho thấy, y thường xuyên gặp gỡ một nhân vật mà ta và báo chí quốc tế đã từng quan tâm.

- Ai? - Thiệu nhướng mày.

- Trình Tổng thống, đó là tên Nguyễn Minh Trí – Ngập ngừng giây lát, Bình nói tiếp – Trí là một trong năm sinh viên tố cáo chế đô lao dù Côn Đảo tại Hạ viện vào ngày hai mươi bốn tháng năm năm bảy mươi mà báo chí quốc tế làm ầm ĩ. Điều đáng lưu ý là, trước khi xảy ra vụ ám sát giáo sư Bông vài tuần, đương sự có lảng vảng gần dinh thự giáo sư Bông ít nhất hai lần.

Bình lấy từ trong cặp hồ sơ ra vài bức ảnh chìa về phía Thiệu. Thiệu cầm lên săm soi rất kỹ. Bức ảnh đầu tiên cho thấy một thanh niên rất trẻ, ăn mặc theo kiểu hippi, dáng cao và ốm, mang cặp kính đen to bản, đang ngồi trên một chiếc Honda 67 nhìn về phía một ngôi biệt thự. Đó là ngôi biệt thự của giáo sư Bông. Sau lưng người thanh niên hippi là một thanh niên khác không nhìn rõ mặt. Bức ảnh thứ hai được cắt ra từ một tờ báo. Đó là bức ảnh chụp 5 sinh viên tại trụ sở Hạ viện. Trong số 5 sinh viên, có một gương mặt rất giống người thanh niên ngồi trên chiếc Honda 67 trong bức ảnh thứ nhất.

- Nhưng thằng Trí thuộc lực lượng sinh viên quật phá chứ có phải là Việt cộng đâu? - Thiệu nhíu mày.

- Trình Tổng thống, có chứng cứ cho thấy Trí đã từng vào mật khu Cộng sản ở Đức Hòa, Đức Huệ thuộc tỉnh lỵ Hậu Nghĩa ngay sau trận tấn công Tết Mậu Thân năm Sáu tám hơn một tuần lễ. Tiếc rằng ta không có bằng chứng cụ thể. Nếu bắt Trí, tôi e rằng… - Bình liếc mắt về phía viên sĩ quan tình báo Mỹ, ngập ngừng để tìm từ phù hợp - … E rằng… phía đồng minh cho là ta đàn áp sinh viên.

Thiệu liếc xéo về phía gã sĩ quan tình báo Mỹ:

- Ông có nghĩ thế không?

Gã Mỹ nhún vai:

- Trong trường hợp này, cho dù những kẻ ám sát không nhận mình là Việt cộng thì ta cũng phải biến chúng thành Việt cộng để giải độc dư luận. Ngài nên nhớ dư luận đã cho rằng ngài tổ chức ám sát ngài giáo sư để giữ quyền lực với Hoa Kỳ. Hãy tặng Việt cộng thành tích này.

Thiệu khó chịu vì cách nói của gã Mỹ nhưng ông ta cố giữ vẻ điềm nhiên ra lệnh cho Bình:

- Hãy tổ chức công bố báo chí rằng, Vũ Quang Hưng khai nhận nghe lời xúi giục của Nguyễn Minh Trí ám sát giáo sư Bông. Anh hãy làm một bản cung giả cho cánh ký giả thấy Hùng khai tên Trí là một Việt cộng nguy hiểm đang có danh sách ám sát tuần tự Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, tôi và… - Nhìn quanh thấy phiên phụ tá an ninh đang cắm cúi ghi chép, Thiệu nói tiếp – Và Đặng Văn Quang, phụ tá Tổng thống. À, cho tướng Cao Văn Viên vào luôn danh sách.

Bình thở phào:

- Trình Tổng thống, vâng.

- Tôi cho anh một tuần chuẩn bị tài liệu giả để căn cứ cho báo giới. Hãy tóm đầu tên Trí trước khi họp báo.

- Trình Tổng thống, vâng.

- Được rồi. Anh có thể về.

- Trình Tổng thống, vâng.

Nguyễn Khắc Bình nhẹ nhõm. Ánh mắt ông ta lộ vẻ mệt mỏi rõ rệt.

Khi Bình vừa khuất sau cánh cửa, Thiệu nói bâng quơ:

- Trong khi Việt Nam Cộng hòa đang cố hết sức chống chọi với Cộng sản thì Tòa Bạch Ốc lại tìm cách bắt tay với Bắc Cộng.

Gã Mỹ nhếch mép:

- Tôi rất hiểu và cảm thông tâm trạng của ngài Tổng thống nhưng ngài Tổng thống không chịu hiểu và thông cảm tâm trạng của Washington . Washington đang cần hòa bình. Người dân Mỹ không muốn con em họ tham chiến ở ViệtNam nữa. Người dân Mỹ đang đòi hỏi quân đội Mỹ rút về nước. Đáp ứng nguyện vọng đó, buộc lòng Tòa Bạch Ốc phải thu xếp rút lui có trật tự khỏi chiến trường Việt Nam . Để giải độc danh dự, Tòa Bạch Ốc cần có một thỏa hiệp tại hòa đàm Paris . Cũng giống như ngài đang tìm cách giải độc vụ ám sát giáo sư Bông th&a Các bài viết khác

  • ÔNG 10 HƯƠNG: TRÁCH NHIỆM - GÁNH VÁC – NHÂN VĂN (25.08.2015)
  • Cụm điệp báo A10 và họa sĩ Ớt (25.08.2015)
  • Gặp 1 trong 5 người tố cáo chuồng cọp (25.08.2015)
  • Thời hiệu khởi kiện về thừa kế: Mốc để tính là khi nộp đơn kiện (25.08.2015)
  • 10 loại giấy tờ để xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất (25.08.2015)
  • Hướng dẫn giải quyết tranh chấp đất đai (25.08.2015)
  • Lập thủ tục mua bán hoặc thừa kế nhà và xin chuyển quyền sử dụng đất (25.08.2015)
  • Việt kiều vẫn có quyền hưởng thừa kế (25.08.2015)
  • Tranh chấp nhà ở mà một bên định cư ở nước ngoài (25.08.2015)
  • Các dạng tranh chấp đất đai phổ biến hiện nay (25.08.2015)
  • Tháo gỡ ách tắc trong giải quyết tranh chấp đất đai (25.08.2015)
  • Cơ hội nào cho Trần Nhựt Thành? (25.08.2015)
  • Những dấu chân rời sau Núi Mộng (25.08.2015)
  • Đằng sau một bản án treo (25.08.2015)
  • Úp, ngửa cũng là bàn tay (25.08.2015)
  • Chuyện buồn ngoài sân tòa (25.08.2015)
  • Mẹ con ra tòa (25.08.2015)
  • Áo trắng học trò trước vành móng ngựa (25.08.2015)
  • Không có hộ khẩu ở Hà Nội có mua đất được không? (25.08.2015)
  • Mang hộ chiếu VN còn hiệu lực thì không cần thị thực khi về nước (25.08.2015)
  • Thủ tục cải chính họ tên (25.08.2015)
  • Nhập hộ khẩu theo chồng hoặc vợ (25.08.2015)
  • Giấy khai sinh của con tôi để trống phần tên cha (25.08.2015)
  • Xin phiếu lý lịch tư pháp ở đâu? (25.08.2015)
  • Chúng tôi không muốn có mặt tại tòa khi ly hôn (25.08.2015)
  • Muốn khởi kiện dân sự làm thế nào? (25.08.2015)
  • Tranh chấp nhà ở trước 1/7/1991 có yếu tố nước ngoài (25.08.2015)
  • Nhập hộ khẩu theo chồng hoặc vợ (25.08.2015)
  • Ai là người giàu trên con đường công nghiệp hóa? (25.08.2015)
  • Lính bộ binh vào Dinh Độc Lập (25.08.2015)
  • XỨ MỸ PHIỀN TOÁI (25.08.2015)
  • Một Nước Nhật Quá Xa Xôi (25.08.2015)
  • Viễn tưởng (25.08.2015)
  • Lý Quang Diệu đánh giá lãnh đạo Trung Quốc (25.08.2015)
  • Gót chân Ashin của Trung Quốc (25.08.2015)
  • TỘI ÁC CỦA TƯ BẢN (25.08.2015)
  • Thời kỳ thoái đã bắt đầu từ lâu - Dự báo 60 năm phần 2 (25.08.2015)
  • Dự báo 60 năm đầu thế kỷ 21 và hướng đến thế kỷ 22 (25.08.2015)
  • Bài diễn văn của Mục Sư Martin Luther King, Jr (25.08.2015)
  • Tham luận về những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác xét xử sơ thẩm và phúc thẩm các (25.08.2015)
  • Chuyên đề khó khăn trong thi hành án (25.08.2015)
  • Nước Mỹ nợ tới hơn 100 nghìn tỷ USD!a ha ! chỉ cần lấy 1/3 dành cho Quân Đội ,1/3 nắm vàng là xong (25.08.2015)
  • Giá phải trả của 12 năm kinh tế phi thị trường (25.08.2015)
  • Cải cách luật pháp đáp ứng đòi hỏi WTO (25.08.2015)
  • Việt Nam gia nhập WTO, những cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực văn hóa (25.08.2015)
  • Những bất lợi khi bị coi là nền kinh tế phi thị trường (25.08.2015)
  • MƯỜI NGUYÊN TẮC THỌ THÊM NHIỀU TUỔI (24.08.2015)
  • Một phút suy tư về chữ TÂM ... (24.08.2015)
  • gởi các Bạn trên 60 tuổi và còn khỏe mạnh (24.08.2015)
  • TUỔI GIÀ LÀ THỜI SUNG SƯỚNG NHẤT (24.08.2015)
  • TÔI ÐÃ ÐỨNG TRÊN NGƯỠNG CỬA CỦA CÁI CHẾT (24.08.2015)
  • Đăng Sâm chữa bệnh cao huyết áp (24.08.2015)
  • CÂY KẾ SỮA (24.08.2015)
  • Con người có thể sống đến 500 tuổi nhờ khoa học gen (24.08.2015)
  • Phát Biểu của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma Thứ 14 TENZIN GYATSO Về Vấn Ðề Tái Sanh của Ngài (24.08.2015)
  • Bài thuốc về các loại đậu (24.08.2015)
  • bí thuật hồi xuân Tây Tạng 2 (24.08.2015)
  • bí mật hồi xuân Tây Tạng 3 (24.08.2015)
  • bí thuật hồi xuân Tây Tạng 1 (24.08.2015)
  • Bí quyết An Khang: Ăn, Ngủ, Thở (24.08.2015)

Từ khóa » điệp Báo A10