Hai đầu Con đường Huyền Thoại - Sự Kiện Nhân Chứng

Bến K15 là nơi xuất phát của con tàu đầu tiên, tàu Phương Đông 1, đêm 11-10-1962, khai thông tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Bến K15 nằm ở phía tây nam, dưới chân núi Vạn Hoa, ba phía được bao bọc bởi núi và rừng dày đặc. Vì thế, nơi đây được gọi là "thung lũng xanh", lặng sóng, thích hợp cho việc neo đậu tàu thuyền. Gọi là bến K15, theo ký hiệu "K" là khu quân sự; số hiệu 15 lấy từ số Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (khóa II), nghị quyết đề ra đường lối của cách mạng miền Nam là đấu tranh vũ trang, đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị và ngoại giao. Bến K15 là bến bí mật, chỉ sử dụng cho các con tàu vận chuyển vũ khí, hàng quân sự chi viện cho cách mạng miền Nam từ miền Bắc.

Sau chuyến tàu Phương Đông 1, trong năm 1962, các con tàu Phương Đông 2, 3, 4 tiếp tục xuất phát tại bến K15. Trước sự phát triển của tuyến đường vận tải trên biển, Đoàn Vận tải 759 được trang bị không chỉ tàu vỏ gỗ mà có thêm những con tàu vỏ sắt, tải trọng lớn, do đó yêu cầu phải xây dựng một cầu tàu bí mật để lấy hàng. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Công binh chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương khảo sát, thiết kế, thi công cầu tàu tại bến K15. Yêu cầu thi công cầu tàu phải bảo đảm kỹ thuật, tốc độ nhanh, chất lượng tốt và tuyệt đối giữ bí mật. Theo Đại tá Phan Đức Tuấn, nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Công binh: Việc thi công cầu tàu do Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 83 (nay là Lữ đoàn Công binh 83) và hai đại đội của Trung đoàn 249 (nay là Lữ đoàn Công binh 249) đảm nhiệm. Ngày 15-4-1963, những người lính công binh đã khởi công chiếc cọc đầu tiên. Do khu vực làm cầu tàu có địa chất phức tạp, chủ yếu là cát pha đá, nên loại búa máy BĐ45 đơn vị hiện có không sử dụng được; tổ công tác phải liên hệ để được trang bị loại búa máy C222 và C245 của Liên Xô, có lực nén lớn. Các cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn làm cầu tàu được sản xuất tại Nhà máy Bê tông Hải Phòng. Việc thi công cầu tàu rất khẩn trương, các đơn vị công binh chia 3 ca làm việc ngày đêm nên chỉ trong một tháng, ngày 15-5-1963, cầu tàu K15 với 15 trụ cầu đã hoàn thành và đưa vào hoạt động. "So với trình độ thiết kế và điều kiện thi công lúc bấy giờ, cầu tàu K15 được coi là công trình có yêu cầu kỹ thuật khá cao", Đại tá Phan Đức Tuấn nhận xét.

leftcenterrightdel
Tượng đài chính khu Di tích lịch sử Quốc gia Bến Vàm Lũng. 

Trong những năm hoạt động, bến K15 luôn bảo đảm bí mật, tuyệt đối an toàn, kể cả khi bị không quân, hải quân Mỹ đánh phá ác liệt và phong tỏa bằng các loại vũ khí hiện đại như thủy lôi từ trường... Từ bến K15, đã có hàng trăm lượt tàu xuất phát, trong tổng số 168 chuyến tàu của Đoàn 759 và Đoàn 125, vận chuyển thành công hơn 150.000 tấn vũ khí, đạn dược, hàng quân sự qua cảng để lên tàu, chi viện cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt, bến K15 đã đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội đến thăm, kiểm tra và tiễn những con tàu lên đường vào miền Nam, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Phạm Hùng...

Ngày 18-8-2008, Bến tàu K15 được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đài tưởng niệm xây dựng ở bến có biểu tượng cánh buồm được đúc bằng bê tông, với phần bệ đỡ là khối hình vuông, cạnh vát kiểu lục lăng ốp đá màu xanh đen. Hai bên bậc lên xuống có đắp biểu tượng chiếc vô lăng lái tàu. Từ trên thành bậc của biểu tượng này, dõi mắt nhìn xuống phía dưới biển là những trụ của cầu tàu dài khoảng 30m găm sâu xuống lòng biển. Dưới chân các trụ cầu, dấu ấn thời gian để lại những mảng hà xù xì rêu phong bám chặt vào chân cọc. Đây được coi là dấu tích còn lại duy nhất minh chứng cho con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển.

Phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa, ngày 28-2-2018, Thường trực Thành ủy Hải Phòng giao cho UBND thành phố Hải Phòng triển khai dự án đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử Bến tàu K15-Đồ Sơn với diện tích trên 4,5ha, bao gồm: Bảo tồn chứng tích về Đoàn tàu không số, khu vực bảo vệ bãi cọc, đài tưởng niệm, xây dựng mới quảng trường lớn, đền thờ liệt sĩ, nhà trưng bày, công viên cây xanh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư tới 150 tỷ đồng. Sau khi dự án hoàn thành, Di tích bến K15 trở thành tổ hợp kiến trúc xanh, góp phần nâng cao giá trị cảnh quan và kinh tế du lịch của thành phố Hải Phòng.

Bến Vàm Lũng, nơi đón con tàu đầu tiên-Phương Đông 1, trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, thuộc ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Duyên Hải (nay là thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển), tỉnh Cà Mau. Theo Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Phó đoàn trưởng Đoàn 962 (nay là Lữ đoàn 962, Quân khu 9) tại Hội thảo kỷ niệm 50 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tổ chức ngày 22-9-2011 tại TP Hải Phòng: Bến Vàm Lũng là do các đồng chí Phạm Thái Bường, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy Khu 9 và các đồng chí Bông Văn Dĩa, Lê Thanh Lòng, Phan Văn Nhờ (Tư Mao) khảo sát, lựa chọn. Khu vực bến có địa hình hiểm trở, cùng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt, bên trên là những cánh rừng đước, rừng mắm che phủ tạo điều kiện lý tưởng cho việc vận chuyển và cất giấu vũ khí. Bên cạnh đó, bến còn được sự đùm bọc, che chở của nhân dân Rạch Gốc như những “lũy sắt, thành đồng”. Ngày 16-10-1962, chuyến tàu Phương Đông 1 vào Vàm Lũng an toàn, mở đầu cho hàng chục con tàu khác vào bến sau này. Từ năm 1962 đến 1972, tại các bến bãi thuộc địa bàn tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận 76 chuyến tàu, trong đó riêng bến Vàm Lũng đã tiếp nhận 68 chuyến với hơn 4,3 nghìn tấn vũ khí, quân trang quân dụng... phục vụ cho chiến trường Nam Bộ.

Ngày 10-11-2010, bến Vàm Lũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Di tích lịch sử bến Vàm Lũng cũng gắn liền với sự kiện ra đời của Ðoàn 962, thành lập ngày 19-9-1962, với nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các chuyến tàu vào-ra bến bãi, bí mật tiếp nhận, cất giấu vũ khí và vận chuyển vũ khí đến các đơn vị quân giải phóng phục vụ chiến đấu.

leftcenterrightdel
 Tượng đài chính Khu di tích lịch sử Quốc gia Bến K15.

Hiện nay, Khu di tích Bến Vàm Lũng đã được phục dựng khang trang với hệ thống tượng đài, vườn hoa, nhà trưng bày tư liệu truyền thống và một số công trình phụ trợ. Tượng đài chính cao 10,62m, hai phù điêu hình con tàu đang vượt sóng, thể hiện các thủy thủ đang tập trung cao độ, vững tay lái và sẵn sàng chiến đấu... Tổng thể công trình có hình 3 con tàu đang thẳng hướng về 3 mũi giáp công, tạo thế trận vững chắc tỏa ra khắp chiến trường miền Nam, lập nên những chiến công lừng lẫy. Khu Di tích Bến Vàm Lũng-“bến của lòng dân” nơi đất mũi Cà Mau là một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo khách tham quan và là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: HƯƠNG NGÂN

Từ khóa » Hình ảnh K15