Hải Dương: Dấu Tích "Cột Chống Trời" Bị Xâm Hại Nghiêm Trọng

Thời gian gần đây, việc nổ mìn, phá đá ở dãy núi Lĩnh Đông, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương ngày càng nghiêm trọng. Núi Lĩnh Đông - một ngọn núi đẹp, có ngọn Hàm Rồng (nằm trong vành đai bảo vệ di tích) đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Tình trạng nổ mìn phá đá đã diễn ra công khai trong nhiều năm. Vì vậy di tích đã bị tàn phá một cách nhanh chóng, môi trường ô nhiễm trầm trọng. Chỉ đến khi dư luận nhân dân phản ánh tới Bộ Văn hóa - Thông tin thì chính quyền địa phương mới cho đình chỉ việc khai thác (thu hồi giấy phép đã cho khai thác trước đây). Thế nhưng, có một số hộ dân vẫn lén lút vi phạm.

Có mặt tại khu di tích vào thời điểm này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến việc cả khu vực núi Lĩnh Đông bị tàn phá một cách nghiêm trọng. Toàn bộ phía dãy núi bên trái hình con voi đã bị những người dân ở đây khai thác làm cụt mất đầu. Bên phải là ngọn Hàm Rồng bị "xà xẻo" một cách nham nhở, chỉ còn trơ lại những khối đá trắng khổng lồ.

Những người dân sống ở đây cho biết, việc phá núi do nhu cầu làm đường sá ngày một tăng lên. Thấy một nhóm người đã phá núi nung vôi ngay tại khu vực phía trung tâm di tích, một số người dân trong xã cũng bắt chước làm theo. Họ mang xe bò đi chở đá ở trên núi về bán lại cho những người trong vùng nung vôi. Mỗi ngày họ dùng cả chục kilôgam thuốc nổ để phá đá, người dân ở đây phải chịu 50 - 60 tiếng mìn nổ.

Ông Nguyễn Quang Chuyện - Trưởng ban Quản lý di tích động Kính Chủ cho biết: "Việc khai thác đá có từ rất lâu. Lúc đầu chỉ khai thác bằng phương pháp thủ công, sau đó Công ty TNHH Bình Minh và HTX Tân Mỹ khai thác bằng những phương pháp hiện đại hơn, vì thế khối lượng đất đá bị lấy đi ngày càng lớn. Nghiêm trọng hơn, các cơ sở này đã dùng mìn để khai thác, làm ảnh hưởng tới cảnh quan của di tích, phá vỡ thế cân bằng, ảnh hưởng tới sinh hoạt của nhiều người dân". Khi hai doanh nghiệp này khai thác đá, xã Phạm Mệnh cũng đã thu lệ phí bến bãi và lệ phí đường. Mỗi chuyến xe công nông thu 5.000 đồng và xe ôtô 10.000 đồng.

Làm sao “sửa” được núi?

Theo phản ánh của người dân, chính quyền xã và UBND tỉnh Hải Dương đã cấp phép cho hai doanh nghiệp là HTX Tân Mỹ và Công ty TNHH Bình Minh được khai thác đá tại khu vực này từ năm 1994. Thậm chí, sau khi nhân dân kêu ca rất nhiều thì tới ngày 29/4/2004, UBND tỉnh vẫn cấp Giấy phép số 1637 gia hạn cho HTX Tân Mỹ được tiếp tục khai thác đá tại khu vực di tích.

Ông Lại Văn Phú - Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho chúng tôi biết: "Cũng có người đã phản đối việc khai thác đá ở núi Lĩnh Đông, vì biết vùng núi này là một di tích quan trọng". Hiện nay, khi di tích đã bị xâm hại nghiêm trọng, UBND tỉnh Hải Dương đã có Quyết định số 5242 (ngày 21/12/2004) đình chỉ, thu hồi giấy phép đã cấp cho các đơn vị khai thác đá tại đây.

Không biết sau đây, việc tu sửa di tích sẽ được thực hiện thế nào, chẳng lẽ lại đi sửa núi? Nhưng không sửa thì di tích nham nhở trông rất khó coi. Sửa núi! - đúng là chuyện xưa nay hiếm, nhưng đó cũng là bài học kinh nghiệm cho địa phương - nơi có di tích đặc biệt, mỗi năm thu hút tới hàng trăm ngàn du khách tới tham quan

Từ khóa » Trụ Chống Trời