Hài Hoà Sắc Phục Của Người Bru-Vân Kiều

Khố và tấm choàng của nam giới người Bru-Vân Kiều
Khố và tấm choàng của nam giới người Bru-Vân Kiều

Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn- Khơ Me (ngữ hệ Nam Á) người Bru-Vân Kiều còn được gọi: Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong. Bru-Vân Kiều là một trong 3 dân tộc địa phương cư trú ở miền núi Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Mỗi một dân tộc mang một nét bản sắc văn hóa độc đáo, góp phần làm nên sự đa sắc trong vườn hoa 54 dân tộc. Trong các yếu tố tạo nên sắc thái văn hóa đó thì y phục, trang sức lại thể hiện khá rõ sự độc đáo, đa dạng, mang đặc trưng riêng của mỗi tộc người.

Chị Hồ Thị Con (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) trong trang phục truyền thống
Chị Hồ Thị Con (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) trong trang phục truyền thống

Trước khi biết đến nghề trồng bông, đay để xe sợi dệt vải thì người Bru-Vân Kiều đã sử dụng những vỏ cây rừng đập lấy xơ để tạo ra trang phục. Những chiếc áo, khố bằng vỏ cây a mưng (theo tiếng gọi của người Bru-Vân Kiều) hiện vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Trị.

Người Bru-Vân Kiều sinh sống bằng cách săn bắn và trồng trọt nên nam giới thường ở trần và đóng khố để phù hợp với những sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, phụ nữ Bru-Vân Kiều thường mặc váy dài qua gối từ 20-25 cm. Có nhóm mặc áo chui đầu, không tay, cổ khoét hình tròn hoặc vuông. Có nhóm nữ đội khăn bằng vải quấn thành nhiều vòng trên đầu rồi thả sau gáy, cổ đeo hạt cườm, mặc áo cánh xẻ ngực, dài tay màu chàm cổ và hai nẹp trước áo có đính các "đồng tiền" bạc nhỏ màu sáng, nổi bật trên nền chàm đen tạo nên một cá tính về phong cách thẩm mỹ riêng trong diện mạo trang phục các dân tộc Việt Nam.

Nam nữ Bru-Vân Kiều trong trang phục truyền thống
Nam nữ Bru-Vân Kiều trong trang phục truyền thống

Nhắc đến trang phục của người dân Bru-Vân Kiều, người ta không khỏi nhắc đến một số “tài sản” vô giá như váy (xân), áo (ada), chiếc khăn đam. Khăn đam được dệt bằng vải có dải ngang, hai đầu có xúc tua, dài khoảng gần 1 mét, thường có màu sắc sặc sỡ, dùng quấn thành nhiều vòng trên đầu rồi thả sau gáy.

Phụ nữ Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị mặc áo xẻ ngực, màu chàm cổ. Người có kinh tế khá giả còn đính kim loại bạc tròn ở mép cổ và hai bên nẹp áo. Váy được trang trí theo mảng lớn có bố cục dải ngang.

Người Bru-Vân Kiều sử dụng váy, áo, khăn đam trong ngày lễ tết, ma chay, cưới xin. Nó còn hiện diện ngay cả trong đời sống sinh hoạt hằng ngày hay khi tham gia lao động sản xuất.

Cùng với y phục, trang sức truyền thống góp phần tôn lên vẻ đẹp rực rỡ giữa màu xanh vô tận của núi rừng. Các vòng hạt cườm đeo cổ làm từ chất liệu đá quý được xâu thành chuỗi, có màu tím hồng, ghè theo hình ô van. Những chuỗi cườm là đồ trang sức mang trong cuộc sống đời thường, đặc biệt không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của gia đình, làng bản.

Ðồ trang sức thường đeo là các loại vòng ở cổ, tay, khuyên tai. Chính vì thế, những chuỗi cườm, khuyên tai, vòng đeo tay, vòng cổ… được truyền từ đời này sang đời khác, là vật kỷ niệm thiêng liêng của người Bru-Vân Kiều.

Tập quán cổ truyền xưa kia của người Bru - Vân Kiều dù đàn ông hay đàn bà, đều búi tóc. Những cô gái chưa chồng thì búi tóc bên trái, khi đã có chồng tóc được búi trên đỉnh đầu.

Để bảo tồn bản sắc văn hóa cổ truyền dân tộc, các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nét đẹp văn hóa từ trang phục, khuyến khích đồng bào sử dụng trang phục của dân tộc mình trong các lễ hội, lễ tết… Bên cạnh đó, cần có chính sách bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc để lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều nói riêng.

Dân tộc Bru-Vân Kiều qua góc máy của Giáo sư người Hungary

Từ khóa » Bru Vân Kiều