Hai Người Thợ Xây

Thủy lợi, thủy điện và bộ sưu tập “văn minh con người”

Tôi biết anh Dương Minh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng 47 (C47), ở một vai trò rất khác: nhà sưu tập tiền Việt cổ và từ điển tiếng Việt xưa khá có tiếng trong cộng đồng. Do đó, câu đầu tiên ngay khi xuống sân bay Quy Nhơn - nơi đặt “đại bản doanh” của C47 là đòi đi xem bộ sưu tập của anh Quang. Và ở một căn nhà phố có phần khiêm tốn so với vị thế của công ty, hành trình bắt đầu với câu giới thiệu: “Văn minh loài người bắt đầu với lửa, vì vậy hơn mười năm nay tôi sưu tập đèn dầu…”.

Khác với hình dung về một kỹ sư thủy lợi suốt ngày đắp đập đào hầm, ở C47 suốt 22 năm nay kể từ ngày ra trường, anh Quang lại có cái vẻ ngoài hiền hiền lành lành của một thầy giáo đất Bình Định.

Từ trái: Dương Minh Quang và Phạm Nam Phong tại nhà máy điện mặt trời Ninh Thuận.

Có lẽ sự hiền lành này tỏa ra từ cái chân thành và ân cần trong giọng nói đậm mùi nắng gió của anh: “C47 ban đầu là một công ty thuộc Bộ Thủy lợi, có trách nhiệm đi xây dựng các công trình thủy lợi. Những ngày làm kỹ sư trên công trường, xa nhà, xa phố thị, thiếu đi ánh điện, tôi hay suy nghĩ miên man về ánh lửa, về khởi điểm của văn minh loài người. Và những cây đèn dầu cứ như vậy xuất hiện, từ cái leo lét của ánh đèn con cóc có phần tù mù, đến lắc lư giữa trời đêm của đèn bão, đến cái rực rỡ lung linh của những cây đèn dầu nhập khẩu từ Pháp, từ Anh mà tôi có dịp tìm thấy trên những hành trình đi xây đập, càng tìm hiểu thì lại càng mê…”.

Nhà nhỏ, nên anh Quang chỉ làm được cái kệ trưng ra chưa đầy… 200 cây đèn dầu, chủ yếu là những tác phẩm nghệ thuật rất tinh xảo của châu Âu còn lưu lạc trong dân gian. Còn lại, nằm trong thùng carton, cất khắp nơi ở nhà. 

Anh Quang lôi ra cái thùng giấy đã ố vàng, có một cây đèn dầu Thăng Long còn “nguyên đai nguyên kiện”, bắt đầu giải thích sự khác nhau về kỹ thuật, mỹ thuật và công năng của những cây đèn dầu, qua đó mà một chặng lịch sử của ngành công nghiệp, cơ khí, phân công lao động sản xuất và cả các trường phái mỹ thuật được anh kể, nghe nhẹ như không. 

Anh còn bộ sưu tập tiền Việt cổ, mà như anh nói, cũng chính là những lát cắt quan trọng nhất trong lịch sử giao thương, chính trị và lịch sử con người: “Ai cũng biết chuyện công tử Bạc Liêu đốt tờ giấy bạc con công để tìm cái đồng xu của cô đào đánh rơi. Đây là tờ giấy bạc con công. Còn đồng bạc cô đào kia đánh rơi là đồng này… Còn đây là tờ giấy bạc “bộ lư” mà cha công tử Bạc Liêu gói trong mo cau mang đi mua ô tô cho ông lúc ông mới học từ Pháp về. Giá trị tờ bạc này lớn lắm, người thường ngày xưa nếu cầm ra đường sẽ bị nhà cầm quyền hỏi liền là ở đâu ra”.

Anh Quang giở từng trang trong bộ sưu tập của mình, lấy ra đồng bạc còn ghi rõ sản xuất năm nào, nặng bao nhiêu gram bạc… Bộ sưu tập có nhiều chỗ trống, cứ tưởng anh làm mất hay bán đi, đâu có dè là sưu tập đủ các năm, riêng có vài năm nhà nước không đúc đồng bạc nữa nên để trống, cũng coi như là một khoảng trống lịch sử, là một phần của câu chuyện… 

Tôi định bụng chỉ xin xem thêm bộ Truyện Kiều bằng tiếng Pháp đủ các phiên bản khác nhau, thế nhưng theo anh Quang lên lầu thì lạc vô một không gian kỳ lạ khác: dễ phải đến một ngàn cuốn từ điển tiếng Việt. Có cuốn từ điển đầu tiên của Paulus Huỳnh Tịnh Của đặt dấu mốc về năng lực khoa học xã hội của người Việt, có cuốn do một ông sĩ quan Pháp tự thực hiện trong quá trình sinh sống và làm việc ở Đông Dương, lại có cuốn cả ba nước Việt - Lào - Campuchia dùng chung...

Tôi nghĩ, hành trình rong ruổi khắp các công trình xa quả thật đáng giá gấp đôi, khi không chỉ xây nên những công trình thủy lợi, thủy điện mà còn góp phần làm hoàn chỉnh một câu chuyện lịch sử văn minh Việt Nam…

Người lắp điện ở hải đảo và giấc mơ năng lượng tái tạo 

Chiều đó, tôi được tham dự lễ ký kết hợp tác giữa Vũ Phong Energy Group, C47 và một đơn vị tư vấn tên là INTRACO để thực hiện các dự án cung cấp nước sạch miễn phí cho những khu vực nông thôn, trồng thêm rừng ở những vùng đồi núi đã bị khai thác “vô tội vạ” và cả chăm sóc những vùng rừng ngập mặn, rạn san hô… Chuyện nghe có vẻ lạ, cho tới lúc Chủ tịch của C47, cũng đồng thời là nhà sáng lập của Vũ Phong xuất hiện, thì mọi thứ lại trở nên hết sức hợp lý. 

Chủ tịch Phạm Nam Phong lại hoàn toàn khác anh Quang. Mọi người ở Sài Gòn biết Phong nhiều với vai trò giám khảo các cuộc thi khởi nghiệp của Đại học Quốc gia TP.HCM và thường xuất hiện trong những chương trình về phát triển năng lượng bền vững. Đặc biệt là thời gian gần đây, khi mà câu chuyện “năng lượng sạch mới là cái tổ vững chắc cho “đại bàng” đến làm tổ” vì những nhà đầu tư lớn trên toàn thế giới như Apple, Samsung… đều đưa ra cam kết sẽ đạt phát thải carbon bằng 0.

Tràn Piano - Đập dâng Văn Phong: công trình do C47 xây dựng, đạt Cúp Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ hai, năm 2015. Sau khi có con đập này, hàng chục ngàn héc ta đất nông nghiệp bạc màu tại nhiều vùng đất khó ở Bình Định đã trở nên màu mỡ nhờ chủ động nước tưới, canh tác nhiều loại cây trồng giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân…

Phong bắt đầu câu chuyện bằng thời điểm mình khởi nghiệp, một kỹ sư Bách Khoa lại có bằng MBA thì nên làm gì? Phong làm các thiết bị chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời dạng cầm tay để cung cấp cho những vùng sâu vùng xa, hải đảo và biên giới. Tôi nhìn ông chủ tịch trẻ ăn mặc đẹp đẽ đứng trên sân khấu, chưa hình dung được chàng thanh niên ngày ấy đã vượt núi băng rừng để đem điện mặt trời đi khắp chốn như thế nào. Nhưng có lẽ nó giống câu chuyện cậu học trò nghèo từ Hà Tĩnh vào cùng lúc hai trường đại học thuộc loại siêu khó ngày trước. 

Phong nói về giấc mơ năng lượng sạch, nói về những mảnh ghép còn thiếu mà cuộc đời anh luôn đau đáu đi tìm. Lễ ký kết này là một mảnh quan trọng trong số đó: xây nên những công trình có ích cho xã hội, tốt cho Trái đất và từ đó tạo ra tín chỉ carbon, bán được nhiều tiền để có lợi về mặt kinh doanh cho các doanh nghiệp của mình… 

Đi cùng Phong đến thăm xí nghiệp cơ khí, nhà máy sản xuất bê tông, xưởng sửa chữa trang thiết bị của C47, thấy công nhân nào, máy móc nào anh cũng rất quen thuộc. Phong cứ đi xăm xăm giữa những cỗ máy to đùng như trong phim Transformer, vừa giải thích các chi tiết, vừa “khuyến mãi” các dự định trong tương lai của anh. 

Trên đường về, Phong rủ tôi ghé qua trường dạy nghề thuộc C47 - đang đóng cửa hai năm nay vì dịch bệnh. Trường chuyên đào tạo nghề, tổ chức thực hành và thi lấy bằng theo tiêu chuẩn cơ khí và xây dựng của Nhật để liên kết lao động hai nước. Đứng trước ngôi trường nằm trên Đại lộ Khoa Học của Quy Nhơn, tôi lại được nghe thêm nhiều về giấc mơ xa của chàng kỹ sư trẻ năm nào: “Bây giờ, các đảo lớn nhỏ của Việt Nam đã có dấu chân của Vũ Phong, có công trình năng lượng mặt trời, sắp tới là năng lượng gió của Vũ Phong. Và ngoài khơi xa kia, biển Việt Nam còn nhiều tiềm năng to lớn cho chúng ta lắm, với một điều tiên quyết phải đạt được: phát triển bền vững!”. 

Bài: Trần Bung - Ảnh: NVCC

Từ khóa » Hai Thợ Xây