Hai ứng Cử Viên Tổng Kiểm Toán Không đạt Số Phiếu Quá Bán

* Ông Đỗ Bình Dương tiếp tục giữ chức Tổng Kiểm toán nhà nước

* Thông qua nghị quyết bãi nhiệm ông Lê Minh Hoàng

6cLkLvco.jpgPhóng to

Ảnh tư liệu

TTO (Hà Nội) - Một điều bất ngờ hiếm thấy trong hoạt động của Quốc hội đã diễn ra trong sáng nay 29-11, Cả hai ứng cử viên Tổng Kiểm toán nhà nước được giới thiệu đã không giành đủ 50% số phiếu cần thiết.

Theo kết quả do trưởng Ban Kiểm phiếu Nguyễn Văn Thuận (ĐB Hải Phòng) công bố, ứng cử viên Trần Văn Tá - thứ trưởng Bộ Tài chính, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, người được kỳ vọng nhất vào chức vụ Tổng Kiểm toán - chỉ giành được 180 phiếu, chiếm 36,44% tổng số ĐB QH.

Trong khi đó, ứng cử viên ít được kỳ vọng hơn - phó Tổng Kiểm toán nhà nước đương nhiệm Vương Đình Huệ - được 191 phiếu, chiếm 38,66%, cao hơn ông Tá 11 phiếu nhưng chưa đủ 50% số phiếu cần thiết để nhận trọng trách này. Theo nhận xét của nhiều ĐB QH khi trao đổi với báo chí bên lề phiên họp, ông Trần Văn Tá tuy chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm nhưng “hơi lớn tuổi” (sinh năm 1947), còn ông Vương Đình Huệ có ưu thế về tuổi (trẻ hơn ông Tá 10 tuổi) nhưng năng lực, kinh nghiệm chưa nhiều so với ông Tá.

Trước tình hình trên, Ủy ban Thường vụ QH sau khi thảo luận với thủ tướng Chính phủ đã đề xuất giải pháp: cử ông Đỗ Bình Dương - Tổng Kiểm toán nhà nước đương nhiệm - tạm đảm trách chức vụ này trong nhiệm kỳ tới (bắt đầu khi Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực từ 1-1-2006) cho tới khi QH bầu được Tổng Kiểm toán mới. Với 363 ĐB QH biểu quyết tán thành (73,48%), QH đã nhất trí thông qua Nghị quyết về vấn đề này.

Về trường hợp ông Lê Minh Hoàng (xem toàn bộ bài viết về điện kế điện tử), QH đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến các đoàn ĐB QH do chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Ngọc Thanh trình bày, theo đó có 385/390 ĐB QH nhất trí bãi nhiệm ông Lê Minh Hoàng khi được Ủy ban Thường vụ QH gửi phiếu xin ý kiến. QH đã tiến hành bỏ phiếu về trường hợp ĐB này, kết quả kiểm phiếu cho thấy 355/366 ĐB QH có mặt (chiếm 71,86% tổng số ĐB) đã đồng ý bãi nhiệm tư cách ĐB QH của ông Lê Minh Hoàng. Ngay sau đó, QH đã thông qua Nghị quyết về nội dung trên.

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước giữa Việt Nam và Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985; biểu quyết thông qua ba đạo luật: Luật Đầu tư (72,13% ĐB tán thành), Luật Doanh nghiệp (77,94%) và Luật Đấu thầu (78,95%). Trong đó, được quan tâm nhiều nhất tại kỳ họp này là Luật Đầu tư.

Theo tiếp thu của Ủy ban Thường vụ QH, các dự án đầu tư trong nước không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện và có quy mô vốn dưới 15 tỉ đồng thì nhà đầu tư không phải làm thủ tục đăng ký đầu tư; nếu từ 15 tỉ đồng đền dưới 300 tỉ đồng thì nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký đầu tư tại Cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh, cơ quan này sẽ cấp Giấy chứng nhận đầu tư nếu nhà đầu tư có yêu cầu.

Sau khi gửi phiếu xin ý kiến ĐB QH, Ủy ban Thường vụ QH cũng sửa quy định về thủ tục thực hiện ưu đãi đầu tư theo hướng nhà đầu tư căn cứ vào các ưu đãi và điều kiện ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật để tự xác định ưu đãi và làm thủ tục hưởng ưu đãi tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu nhà đầu tư có yêu cầu xác nhận ưu đãi đầu tư thì làm thủ tục đăng ký đầu tư để Cơ quan nhà nước quản lý đầu tư ghi ưu đãi vào Giấy chứng nhận đầu tư.

Đặc biệt, Luật Đầu tư vừa được thông qua quy định rõ chỉ thẩm tra để cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án trong nước, dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư từ 300 tỉ đồng trở lên và dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Thời gian thẩm tra đầu tư theo luật này không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (gồm văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư, văn bản xác nhận tư cách pháp lý, Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư, giải trình kinh tế - kỹ thuật về một số nội dung và nếu là nhà đầu tư nước ngoài có thêm hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác liên doanh, điều lệ doanh nghiệp).

Từ khóa » đỗ Bình Dương - Tổng Kiểm Toán Nhà Nước