Xét Xử Cựu Bí Thư Tỉnh ủy Bình Dương: Đề Nghị Triệu Tập đại Diện ...

binh-duong-1.jpg
Chủ toạ Vũ Quang Huy đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử

Trong phần làm thủ tục sáng nay, HĐXX cho biết bị cáo Đỗ Thị Thanh Thúy (cựu Kế toán trưởng Tổng công ty 3/2) có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa vì mới sinh con. Bị cáo Phạm Văn Cành có đơn xin xét xử vắng mặt vì mới mổ nên sức khỏe yếu.

Ngoài ra, luật sư Đinh Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương - đề nghị triệu tập Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, ông Vũ Minh Sang (cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương).

Để đảm bảo quyền tiếp cận hồ sơ bào chữa của các bị cáo, luật sư mong HĐXX cho phép bị cáo được tiếp cận ý kiến bào chữa của luật sư sau khi đã được gửi công khai đến VKS và HĐXX.

Luật sư Nguyễn Chí Thắng, luật sư bào chữa cho bị cáo Hồ Đắc Hiếu đề nghị triệu tập ông Hà Minh Dũng, Trưởng đoàn Kiểm toán Nhà nước để làm rõ kết luận kiểm toán và các biên bản kiểm toán về việc cổ phần hoá công ty 32 liên quan đến lô đất 145ha.

Trước những đề nghị trên, HĐXX đã tiến hành hội ý, sau khi hội ý, HĐXX cho rằng sự vắng mặt của các bị cáo là có lý do chính đáng, bị cáo Thuý mới sinh con nhỏ, bị cáo Cành mới mổ sọ não nên không thể tham dự phiên tòa

Về việc đề nghị triệu tập phía Kiểm toán Nhà nước, chủ toạ Vũ Quang Huy cho biết do phiên toà diễn ra nhiều ngày nên sẽ triệu tập trong quá trình xét xử nếu thấy cần thiết,…

Sau phần thủ tục, phần lớn thời gian sáng nay VKS tiến hành công bố bản cáo trạng truy tố.

Trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo khác bị VKSND tối cao truy tố về hai tội danh: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản”.

binh-duong-.jpg
Các bị cáo tại  tòa

Theo cáo trạng của Viện KSNDTC cho thấy, Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt là Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Tỉnh uỷ Bình Dương là chủ sở hữu. Tất cả tài sản của Tổng Công ty được giao quản lý, sử dụng đều thuộc sở hữu Nhà nước, do vậy toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Với vai trò là chủ sở hữu, trên cơ sở quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật về quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại Doanh nghiệp, Tỉnh ủy Bình Dương cũng đã ban hành các quy định để quản lý và cùng UBND tỉnh Bình Dương thực hiện trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước, tuân thủ các quy định của pháp luật để bảo toàn vốn, tài sản đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương.

Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (giai đoạn từ tháng 7/2010 - tháng 12/2015), Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương (nhiệm kỳ 2015 - 2020); Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (giai đoạn từ tháng 10/2015 - tháng 10/2020); Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương (giai đoạn từ tháng 12/2013 - tháng 11/2018) và Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương (giai đoạn từ tháng 8/2010 - tháng 6/2017) là những người chịu trách nhiệm chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương đã có những hành vi vi phạm pháp luật trong lãnh đạo, chỉ đạo, cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản gây hậu quả thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước.

binh-duong-tran-van-nam.jpg
Cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam trong phần kiểm tra căn cước 

Đó là các sai phạm trong việc áp dụng đơn giá đất để thu tiền sử dụng đất; thực hiện quản lý vốn, tài sản; không xác định giá trị quyền sử dụng đất khu đất 145 ha khi cổ phần hoá doanh nghiệp; tham ô tài sản.

Áp dụng đơn giá đất từ 6 năm trước

Ngày 28/9/2012 và ngày 7/1/2013, bị cáo Trần Văn Nam, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 2631/QĐ-UBND và Quyết định số 48/QĐ-UBND về việc giao khu 43 ha và 145 ha cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật về đất đai, giá đất để thu tiền sử dụng đất đối với Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương được áp dụng tại thời điểm giao đất nêu trên.

Tuy nhiên, các bị cáo Lê Văn Trang, Võ Thanh Bình và Nguyễn Thái Thanh thuộc Cục Thuế tỉnh Bình Dương và các bị cáo Trần Xuân Lâm, Võ Văn Lượng và Nguyễn Thanh Trúc thuộc Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương đã tham mưu, đề xuất cho áp dụng đơn giá là 51.914 đ/m2 theo Quyết định số 5853/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương ban hành từ ngày 27/12/2006 để tính thu tiền sử dụng đất đối với Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương.

Bị cáo Trần Văn Nam, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, với chức trách, nhiệm vụ được phân công biết rõ nội dung đề xuất áp đơn giá đất bình quân năm 2006 để thu tiền sử dụng đất theo các quyết định giao đất năm 2012 và 2013 là trái với quy định của pháp luật nhưng vẫn ký ban hành Công văn số 3444/UBND-KTN ngày 23/11/2012 để thu tiền sử dụng đất cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương cùng các bị cáo nêu trên đã gây thất thoát cho Nhà nước hơn 761 tỷ đồng.

binh-duong-vks.jpg
Đại diện VKS công bố bản cáo trạng truy tố đối với các bị cáo

Trong vụ án này, các bị cáo nguyên là lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Dương và một số cơ quan tham mưu của tỉnh Bình Dương đều biết việc Nguyễn Văn Minh và đồng phạm chuyển nhượng 43 ha đất và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho tư nhân là trái quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước nhưng đã không ngăn chặn, yêu cầu khắc phục thu hồi tài sản cho Nhà nước mà còn hợp thức hoá thủ tục để Nguyễn Văn Minh hoàn tất việc chuyển nhượng tài sản Nhà nước sang Công ty của con rể mình thành lập và bán cho Công ty tư nhân. Hành vi của các bị cáo đã làm trái quy định của pháp luật về quản lý tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp cùng với Nguyễn Văn Minh và các bị cáo khác tại Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương gây thất thoát cho Nhà nước số tiền gần 985 tỷ đồng.

Gây thất thoát hơn 4.000 tỷ đồng

Với động cơ vụ lợi, Nguyễn Văn Minh đã sắp xếp đưa Công ty Hưng Vượng do Nguyễn Văn Minh là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Công ty Phát Triển do Nguyễn Thục Anh (con gái Minh) để tham gia liên doanh thực hiện dự án tại khu đất 145 ha (đây là những Công ty “sân sau” của Minh).

binh-duong-bi-cao-minh.jpg
Do sức khoẻ yếu nên bị cáo Nguyễn Văn Minh được HĐXX cho ngồi để trả lời

Sau đó Minh chỉ đạo Trần Nguyên Vũ, Đỗ Thị Thanh Thúy cùng nhóm bị cáo thuộc Công ty Đông Nam phân loại, sắp xếp chuyển khu đất 145 ha từ mục A “Tài sản đang dùng” (sẽ được xác định giá trị để cổ phần hoá) sang mục C “Tài sản chờ thanh lý” (loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp), đồng thời lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương, Nguyễn Văn Minh đã cố ý làm trái các quy định của pháp luật về cổ phần hoá, nội dung phê duyệt phương án sử dụng đất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương trong việc cố ý chuyển nhượng khu đất 145 ha thông qua hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Công ty Tân Thành nhưng chỉ xác định giá trị là hơn 139 tỷ đồng và hạch toán phản ánh giá trị trên sổ sách kế toán của Công ty Tân Thành với mục đích tạo điều kiện cho 2 công ty “sân sau” hưởng lợi trên giá trị tăng thêm của khu đất 145 ha.

Trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp, là Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp, với tính chất là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, khu đất 145 ha phải được tối ưu hoá giá trị về tài sản để xác định sở hữu Nhà nước tại Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương sau cổ phần hóa, bị cáo Trần Thanh Liêm cùng các bị cáo thuộc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương đã làm trái các quy định của pháp luật khi không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất đối với khu đất 145 ha khi cổ phần hóa doanh nghiệp dẫn đến cùng bị cáo Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm đã gây thất thoát cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn 4.030 tỷ đồng.

Với mục đích tạo nguồn tiền để hoàn ứng khoản tiền lớn do đã sử dụng trước đó trái nguyên tắc tài chính và tạo điều kiện để Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển có quyền lợi của cá nhân và người thân trong gia đình, lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương - Công ty cổ phần, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Vượng, thành viên thường trực HĐQT Công ty Tân Thành (đại diện trước pháp luật), Nguyễn Văn Minh đã ban hành chủ trương, quyết định và chỉ đạo cùng các bị cáo: Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải, Võ Hồng Cường cùng Nguyễn Thục Anh (là con gái Minh) đã thực hiện hành vi chiếm đoạt hơn 815 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương - Công ty cổ phần. Trong đó cá nhân bị cáo Minh trực tiếp chiếm hưởng 163 tỷ đồng.

binh-duong-luat-su.jpg
Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa

Trong vụ án này có tổng số 28 bị cáo phải ra hầu tòa gồm: Trần Văn Nam (tên gọi khác là Trần Quốc Tuấn, SN 1963, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương); Trần Thanh Liêm (SN 1962, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương); Nguyễn Văn Minh (SN 1955, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương - Công ty cổ phần); Trần Nguyên Vũ (SN 1977, cựu Tổng GĐ Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương - Công ty cổ phần); Huỳnh Thanh Hải (SN 1964, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng GĐ Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương, cựu Thành viên HĐTV và Phó Tổng GĐ Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương - TNHH Một thành viên); Võ Hồng Cường (SN 1965, Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Công ty CP Hưng Vượng); Ngô Dũng Phương (SN 1964, Trưởng phòng Tài chính Đảng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương); Huỳnh Công Phát (SN 1958, cựu thành viên HĐTV kiêm Phó TGĐ Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương - TNHH Một thành viên); Lý Thanh Châu (SN 1982, cựu Thành viên HĐTV, Phó TGĐ Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương - TNHH Một thành viên); Nguyễn Thế Sự (SN 1978, Thành viên HĐTV kiêm Phó TGĐ Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương, cựu Kiểm soát viên Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương - TNHH Một thành viên); Đỗ Thị Thanh Thúy (SN 1985, cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương – TNHH Một thành viên); Hồ Đắc Hiếu (SN 1974, TGĐ Công ty CP Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam); Phạm Hữu Hiền (SN 1987, cựu Phó TGĐ Công ty CP Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam); Hồ Hoàng Nam (SN 1989, Phó TGĐ Công ty CP Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam), Vũ Thị Lợi (SN 1975, Phó Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương); Nguyễn Kim Liên (SN 1964, cựu Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương), Hà Văn Thuận (SN 1970, TGĐ Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương - cựu Phó GĐ Sở Tài chính tỉnh Bình Dương); Lê Văn Trang (SN 1959, cựu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương); Võ Thanh Bình (SN 1954, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương); Nguyễn Thái Thanh (SN 1968, Phó Trưởng phòng Quản lý các khoản thu từ đất (nay là phòng Quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác) Cục Thuế tỉnh Bình Dương); Nguyễn Thanh Trúc (SN 1965, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cựu Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương); Võ Văn Lượng (SN 1962, cựu Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương); Trần Xuân Lâm (SN 1968, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương, cựu nguyên Trưởng phòng Kinh tế ngành thuộc Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương); Phạm Văn Cành (SN 1958, cựu Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương); Nguyễn Đại Dương (SN 1965, trú tại phường Thảo Điền, quận 2 (nay là TP Thủ Đức), TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Quốc Hùng (SN 1959, Tổng GĐ Công ty CP Bất động sản Âu Lạc); Nguyễn Thục Anh (SN 1982, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát triển) và Trần Đình Như Ý (SN 1976, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát triển).

Trong đó, 3 bị cáo: Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ và Huỳnh Thanh Hải bị Viện KSNDTC truy tố về 2 tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, theo quy định tại Điều 219, Khoản 3 -BLHS năm 2015 và tội “Tham ô tài sản”, theo quy định tại Điều 353, Khoản 4, điểm a - BLHS năm 2015.

Ba bị cáo: Võ Hồng Cường, Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý đều bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”, theo quy định tại Điều 353, Khoản 4, điểm a - BLHS năm 2015.

Có 22 bị cáo còn lại gồm: Trần Văn Nam, Trần Thanh Liêm, Huỳnh Công Phát, Lý Thanh Châu, Ngô Dũng Phương, Nguyễn Thế Sự, Đỗ Thị Thanh Thúy, Hồ Đắc Hiếu, Phạm Hữu Hiền, Hồ Hoàng Nam, Vũ Thị Lợi, Nguyễn Kim Liên, Hà Văn Thuận, Nguyễn Thái Thanh, Võ Thanh Bình, Lê Văn Trang, Trần Xuân Lâm, Võ Văn Lượng, Nguyễn Thanh Trúc, Phạm Văn Cành, Nguyễn Đại Dương và Nguyễn Quốc Hùng cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, theo quy định tại Điều 219, Khoản 3 - BLHS năm 2015.

Từ khóa » đỗ Bình Dương - Tổng Kiểm Toán Nhà Nước