Hàng Chè Tàu - Tuổi Trẻ Online

Phóng to
Hàng rào chè tàu - Ảnh: T.Đ.

“Nhổ lên, cắt rễ, băm băm” - Trường Giang. “Bạn chỉ cần chất rác rơm rạ hay vật liệu gì có thể đốt cháy được lên trên rồi đốt một lúc cho đến khi đất xung quanh nóng lên rồi giội nước lạnh vào. Nóng lạnh đấu nhau đến đá cũng phải vỡ vụn ra huống chi là mấy gốc cây! Tôi làm như vậy nhiều lần rồi, sau một thời gian rễ và gốc cây sẽ bị mục luôn trong đất” - Hv5686. “Lạy bố, chè tàu đánh lên chậu làm bonsai đẹp dã man. Phí thế!” - Macay.

Lời cảm thán của Macay cũng là lời tư vấn cuối cùng dành cho Phuocbinh99. Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ: có lẽ người quản trị trang web đã cố tình sắp xếp câu của Macay vào hàng cuối để cho mọi người nhìn nhận ra lợi ích của hàng chè tàu!

Nếu bạn từng sinh ra và lớn lên tại những làng quê miền Trung sẽ quá quen thuộc với những hàng chè tàu bao bọc quanh vườn nhà, vừa tạo thành bờ rào phân định ranh giới giữa nhà này với nhà kia, là bờ tường ngăn gia cầm gia súc vào phá hoại hoa màu, vừa tạo thành bức tường xanh rất đẹp nếu chủ nhân biết cách chăm sóc, tỉa tót và tạo dáng.

Những hàng chè tàu đẹp luôn là niềm tự hào của gia chủ về tính thẩm mỹ cũng như thú chơi tao nhã của họ, và đây là thú chơi không cần phải bỏ tiền bạc, vì chè tàu (hay còn gọi là cây trà cọc rào) thuộc loại hoang dã, dễ thích nghi với bất cứ nơi nào, nhất là chịu được nắng nóng, khô hạn.

Vào Wikipedia thấy trang mạng này định nghĩa tên khoa học của chè tàu là Acalypha evrardii, là một loại cây thuộc họ đại kích, xuất xứ từ Trung Hoa (nên dân gian mới gắn chữ “tàu”?), hiện nay phân bổ chủ yếu tại Lào và các tỉnh miền Trung Việt Nam, loại chè này không uống được. Những dịp đi qua những làng quê Trung Quốc, tôi để ý tìm nguồn gốc của loại cây này nhưng chưa lần nào được nhìn thấy, và khi hỏi các hướng dẫn viên người bản địa cũng nhận được sự lắc đầu.

Tham quan nhiều làng quê nổi tiếng tại khu vực miền Trung, nhìn thấy những nơi này thu hút sự trải nghiệm của du khách phương xa chính bằng sự thanh bình từ kiến trúc nông thôn làng quê, không gian và kiến trúc nhà vườn, từ hàng chè tàu rậm rạp xanh rì ôm chặt lấy những khu vườn, bờ tường rào. Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 2009 là sự điển hình hội tụ của những ngôi nhà cổ, bao bọc quanh những ngôi nhà là những dãy chè tàu xanh rậm, toát lên vẻ đẹp sâu lắng, nền nã, bình dị và yên bình.

Trong một dịp ghé về huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, vào thăm ngôi nhà cũ nơi sinh ra và lớn lên của một vị danh tướng, lần nữa tôi nhận ra sự gần gũi và độc đáo của chè tàu. Trên con đường nhỏ dẫn vào nhà vị danh tướng, khách tận mắt chứng kiến sự tương phản: một bên là bờ tường ximăng kiên cố của nhà hàng xóm, một bên là hàng chè tàu rậm rạp được cắt tỉa công phu với bề dày hơn hai cánh tay dang rộng, du khách dễ nhận ngay ra ngôi nhà nhỏ ba gian khá độc đáo của gia đình vị danh tướng.

Lại sực nhớ câu chuyện của một vị cán bộ cao cấp khác cũng xuất phát từ miền Trung, cuộc đời nổi tiếng thanh bần và chính trực, trong những lần từ Hà Nội về thăm quê đã luôn cự tuyệt và bác bỏ “đề xuất ý tưởng và kinh phí” của các vị lãnh đạo địa phương nhằm đập bỏ ngôi nhà thờ họ cũ kỹ và hàng rào chè tàu quanh khu vườn, để thay vào đó ngôi nhà thờ họ to lớn với bờ tường rào kiên cố và trồng những cây... sữa!

Anh em trong nhà tôi từng rơi vào tình cảnh như bạn Phuocbinh99. Chúng tôi đã cho đốn sạch hàng chè tàu có chiều dài gần 200m trong khuôn viên khu vườn diện tích trên 1ha do ông cha chúng tôi để lại.

Thế rồi, trong lần trở về quê cũ gần đây nhất, nằm hóng mát trong sân vườn, bỗng nảy sinh ý định một ngày nào đó chính mình phải gầy dựng cọc rào chè tàu, dẫu biết đây có thể là một hành động lỗi thời.

Từ khóa » Cây Trà Cọc Rào