Hãng Nào Bán Nhiều ôtô Nhập Khẩu Nhất Việt Nam - VnExpress

Cùng với lắp ráp, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc về bán tại Việt Nam là một mảng kinh doanh quan trọng của các hãng. Với xe phổ thông, Indonesia và Thái Lan là hai nơi nhập khẩu chính, còn xe cao cấp, xuất xứ đa dạng hơn, như Đức, Anh, Italy, Mexico, Mỹ, Malaysia...

Thị trường chỉ có ba cái tên thuần lắp ráp xe con (Kia, Hyundai, VinFast) nhưng số lượng hãng thuần nhập khẩu ở thị trường trong nước lớn hơn nhiều. Số này kể đến như Volkswagen, Subaru, Nissan, Jeep, MG và tất cả các hãng xe sang, cao cấp (ngoại trừ Mercedes) như Audi, BMW, Volvo, Porsche, Maserati... Điểm chung của những hãng thuần nhập khẩu này là doanh số khá thấp so với mặt bằng chung của thị trường và công ty không công bố số liệu bán hàng cụ thể.

Creta, mẫu xe Hàn hiếm hoi (tạm) nhập khẩu và bán tại Việt Nam. Ảnh: TC Motor

Creta, mẫu xe Hàn hiếm hoi (tạm) nhập khẩu và bán tại Việt Nam. Ảnh: TC Motor

Với riêng trường hợp của Hyundai, nhà phân phối TC Motor trong quý đầu 2022 nhập chiếc Creta từ Indonesia về bán (doanh số 54 chiếc) nhưng dự kiến sẽ lắp ráp từ 2023. Định hướng kinh doanh của thương hiệu Hàn Quốc vẫn là lắp ráp thay vì nhập xe.

Dưới đây là thống kê doanh số xe con nhập khẩu bán tại Việt Nam của các thương hiệu ôtô:

Trong số các hãng phổ thông, Toyota là hãng cân bằng nhất việc kinh doanh hai hình thức xe nhập và lắp ráp. Mảng xe nhập của hãng nhỉnh hơn đôi chút, chiếm khoảng 55,5% tổng doanh số xe con bán ra. Trong 2021, doanh số xe nhập của Toyota là hơn 37.300 xe, dẫn đầu thị trường. Sang quý I/2022, vị trí này không thay đổi.

Corolla Cross, xe nhập khẩu bán chạy nhất của Toyota tại Việt Nam. Ảnh: Toyota

Corolla Cross, xe nhập khẩu bán chạy nhất của Toyota tại Việt Nam. Ảnh: Toyota

Liên doanh Nhật hiện có Vios, Innova lắp ráp trong nước, còn lại 15 mẫu khác đều nhập Indonesia, Thái Lan và Nhật Bản. Riêng Fortuner vừa lắp ráp, vừa nhập khẩu với phần doanh số lớn hơn thuộc xe sản xuất tại Việt Nam. Corolla Cross, Camry hay chiếc MPV Veloz Cross hiện là những mẫu xe nhập chủ lực của hãng.

Mitsubishi xếp sau Toyota về lượng nhập xe về bán tại Việt Nam. Chỉ riêng một mình Xpander, mẫu xe nhập Indonesia chiếm khoảng 53% tổng doanh số xe nhập của hãng Nhật (23.240 xe) trong 2021. Cũng chỉ có mẫu MPV này nhập từ xứ vạn đảo, các sản phẩm còn lại (ngoại trừ Outlander và một lượng nhỏ Xpander lắp ráp trong nước) như Triton, Attrage, Pajero Sport đều nhập Thái Lan.

Kinh doanh thuần nhập khẩu là điểm chung của Isuzu và Suzuki ở mảng xe con nhưng doanh số thuộc hàng thấp nhất thị trường (chỉ tính các hãng công bố số liệu bán hàng). Nhà máy của hai hãng Nhật tại Việt Nam chỉ lắp xe thương mại. Xe con của Isuzu nhập từ nhà máy ở Thái Lan, Suzuki tương tự, ngoại trừ Ertiga và XL7 nhập Indonesia.

Mẫu bán tải BT-50 nhập Thái Lan của Mazda lăn bánh tại TP HCM. Ảnh: Thaco

Mẫu bán tải BT-50 nhập Thái Lan của Mazda lăn bánh tại TP HCM. Ảnh: Thaco

Mazda là thương hiệu phổ thông duy nhất thuộc quyền phân phối của Trường Hải xuất hiện xe nhập trong danh mục sản phẩm. Những mẫu như BT-50, CX-3, CX-30, Mazda2 đều nhập Thái Lan với doanh số 2021 khoảng gần 7.000 xe, chiếm khoảng 26% tổng lượng bán của Mazda tại Việt Nam.

Hãng có lượng bán xe nhập tiệm cận Mazda nhất là Honda, với gần 6.100 xe. Hai mẫu xe chủ lực của Honda là City và CR-V đều lắp ráp trong nước, trong khi tất cả các sản phẩm khác như Civic, Accord, HR-V, Brio, Jazz đều nhập khẩu Indonesia, Thái Lan.

Việc chuyển Ranger, mẫu bán tải "gà đẻ trứng vàng" về lắp ráp tại Việt Nam, liên doanh Ford hiện chỉ còn Everest, Explorer nhập khẩu, lần lượt từ Thái Lan và Mỹ. Doanh số hai mẫu xe này đóng góp phần nhỏ trong cơ cấu doanh số của Ford.

Thành Nhạn

  • Hãng nào bán nhiều ôtô lắp ráp nhất tại Việt Nam

Từ khóa » Các Dòng Xe ô Tô Nhập Khẩu Nguyên Chiếc