Hanh Hao Quê Nhà | Báo Dân Trí

Rồi như một phản xạ tự nhiên, tôi lại đem cả cái nỗi lòng băn khoăn, day dứt của mình đi hỏi... cái máy tính quen thuộc, vào Google, gõ mấy từ "Hanh hao" , gõ vào hình ảnh. Có vô số cái hanh hao chớm thu của đất trời thơ mộng hiện ra trước mắt. Nhưng đó không phải là điều mà tôi muốn kiếm tìm.

Tôi điện về hỏi mẹ: "Nhà mình nay còn lá hanh hao?".

Mẹ cười giòn, ra điều con mẹ "ngớ ngẩn" lắm:

- Mày bị làm sao thế hả con? Mùa này bói ra đâu hanh hao? Phải vào mùa lạnh chứ!

Hai tiếng "Mùa lạnh" chui tuột vào tai, đọng lại trong trí óc.

- Ừ nhỉ. Phải là mùa lạnh, có thế mà tôi mau quên.

Cây hanh hao
Cây hanh hao

Hanh hao cũng bình thường như bao loài cây dại, mọc tự nhiên ở những vườn hoang hay vườn nhà. Cây cao gang tay, mỏng manh và ẻo lả. Cũng vẫn là cái màu xanh cây cỏ nhưng thẫm hơn và mướt hơn nhiều. Khi vò nát một ngọn nghe thoảng mùi hương của quế, của ớt quả nhưng không gắt mà dìu dịu lạ lùng.

Ngày xưa rau mọc nhiều lắm. Gần gũi và thân thuộc với người quê tôi. Tìm trong đám rau tập tàng lít nhít thể nào cũng có ngọn hanh hao. Tụi con nít nhẩn nha một lát quanh vườn đã có nắm rau xanh ngon bỏ vào nồi canh của mẹ. Giữa bao nhiêu hương vị của đồng nội cái dịu ngọt của rau vẫn lan toả, thấm sâu.

Những loài nhuyễn thể như hàu, nghêu mẹ hay đem nấu canh với mấy ngọn hanh hao. Xì xụp muỗng canh ngọt lừ, ấm nóng, nghe mùi thơm thoang thoảng. Hàu, nghêu béo mềm ngập cả chân răng. Những bí, bầu, bắp cải ... dù mẹ đem nấu canh hay xào cũng thấy hạp lạ với vị hanh hao.

Có điều loài rau ấy không phải mùa nào cũng có, chỉ khi cái lạnh về tê tái như cắt vào da thịt, người quê mới thấy rau mọc xen khiêm nhường trong những đám cúc, cải... Và khi cái nắng về chói chang hanh hao trốn đi đâu hết sạch.

Bây giờ thì rau ít có. Nhiều người không còn biết đến rau, nghe đến cái tên đã thấy lạ hoắc. Người quê không nỡ nhổ luôn cây mỗi khi dùng đến mà chỉ khẽ ngắt lá, bấm ngọn để cây già đơm hoa kết hạt rồi hạt ấy lại rụng rơi vào lòng đất.

Nhiều khi thấy nhớ quá, thèm quá cái mùi vị của cố hương, như để lấp láp cái trống vắng bấy lâu của nỗi niềm xa xứ. Biết thế, nhưng cũng đành phải đợi họa chăng cây lại về vào mùa sau trên đất lành!

Xuyến Chi - Khánh Hồng

Từ khóa » Cây Hành Hao