Hạnh Phúc Gia đình Trong Ca Dao Dân Ca

 

(Toquoc)- Gia đình là hạt nhân của xã hội. Nếu trong xã hội mà có gia đình bền vững thì nền tảng của xã hội cũng sẽ được củng cố và phát triển vững chắc hơn. Đối với mỗi gia đình, mỗi thành viên đều có vai trò quan trọng nhưng bố mẹ, ông bà, vợ chồng chính là trụ cột, là hạt nhân tạo nên hạnh phúc gia đình.

Từ thuở xa xưa, ông cha ta đã quan tâm đến việc xây dựng hạnh phúc gia đình thông qua tình cảm của những người trong gia đình với nhau. Làm thế nào để giữ được hạnh phúc của gia đình, bao giờ người ta cũng nghĩ ngay đến tình cảm của vợ chồng đối với nhau. Bởi tình cảm vợ chồng, bố mẹ, ông bà chính là những người giữ vai trò quyết định trong tình cảm gia đình.

Từ xa xưa, ông cha ta đã có rất nhiều bài ca dao và dân ca nói về hạnh phúc gia đình. Bắt đầu bài viết này, tôi đưa một câu ca dao lên đầu để nói với tất cả mọi người rằng: Đêm khuya gió lặng, thanh trời./ Khuyên chàng bớt ngủ nghe lời em than. Lời than của người vợ đối với chồng ở đây có rất nhiều nghĩa. Nhưng chắc chắn nghe qua câu ca dao này, ai cũng biết đây là một người vợ rất yêu chồng, sống vì chồng.

Ta thường thấy trong gia đình, người mẹ, người vợ bao giờ cũng là trung tâm của tình cảm. Người vợ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bao giờ họ cũng rất yêu chồng.

Với người phụ nữ khi đã có chồng, họ thường cho đó là số kiếp mà trời đã đã định, là số phận đã an bài nên không thể thay đổi, họ chỉ biết một mực chung thủy với chồng: Đi đâu cho thiếp theo cùng/ Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.

Những câu ca sau đây, từ đời này qua đời khác, người ta truyền cho nhau, chẳng bao giờ ai quên, chẳng thế hệ nào quên. Người ta luôn nhắc nhau hằng ngày, bởi trong cuộc sống, vợ chồng thường cậy nhờ vào nhau, đặc biệt là người vợ chân yếu tay mềm, luôn mong muốn được nhờ cậy chồng:

Chồng khôn vợ được đi hài

Vợ khôn chồng được nhiều bài cậy trông

Vợ chồng sống với nhau cũng có lúc có chuyện này chuyện kia, có khi va chạm với nhau, nhưng cả hai đều cùng luôn giữ ý tứ và cảm thông cho nhau.

Đốn cây ai nỡ đứt chồi

Đạo chồng nghĩa vợ, giận rồi lại thương.

Hạnh phúc gia đình có được đâu phải là do cuộc sống giàu có về vật chất đầy đủ, điều quan trọng chính là tình cảm của mỗi người, họ cùng biết cảm thông với hoàn cảnh gia đình và cùng chia sẻ, yêu thương với nhau thật sự.

Nhà anh chỉ có một gian

Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng

Anh cậy em coi sóc trăm đường

Để anh mua bán trẩy trương thông hành.

Còn chút mẹ già nuôi lấy cho anh

Để anh buôn bán thông hành đường xa

Liệu mà thờ kính mẹ già

Đừng tiếng nặng nhẹ người ta chê cười

Dù no dù đói cho tươi

Khoan ăn bớt ngủ, liệu bài lo toan

Cho anh đành dạ bán buôn…

Hạnh phúc gia đình đôi khi chỉ là những quan niệm rất đơn giản mà sâu sắc và ý nghĩa vô cùng:

Đèn người thắp sáng tứ phương

Đèn tôi tỏa sáng đầu giường nhà tôi

Hoặc:

Ta rằng ta chẳng có ghen

Chồng ta ta giữ, ta nghiến, ta nghiền, ta chơi

Hạnh phúc còn là những điều rất bình dị, đơn sơ:

Làm trai cho đáng nên trai

Ăn cơm với vợ, lại nài vét niêu

Con vợ nó cũng biết điều

Thắt lưng con cón cạy niêu với chồng

Hạnh phúc họ chỉ có được khi hai người thực sự hiểu nhau và yêu nhau thắm thiết. Đây là tình cảm của người vợ đối với người chồng:

Chồng em vừa xấu vừa đen

Vừa kém nhan sắc, vừa hèn chân đi

Chồng em rỗ sứt, rỗ sì

Chân đi chữ bát mắt thì ngưỡng thiên

Bao giờ vào đám tháng giêng

Bắt chồng em đến khêng chiêng cho làng.

Bài ca dao này chứng tỏ người vợ rất yêu chồng. Mặc dù tự nhận thấy chồng mình hèn kém và xấu xí đủ thứ, nhưng nếu đến tháng Giêng mà chồng đến khêng chiêng cho làng thì chồng nàng lại trở thành một người đàn ông rất đáng giá và sẽ được nhiều người quý trọng. Thực tế, biết có việc khêng chiêng hay không nhưng người vợ cứ hy vọng như vậy. Niềm hy vọng ngây thơ đó đã gắn chặt hơn tình cảm vợ chồng và tình cảm gia đình.

Còn người chồng nghĩ về vợ, cũng tương tự như vậy. Bài ca dao sau đây viết theo lối ngoa dụ cho ta thấy rất rõ tấm lòng của người chồng rất yêu vợ.

Lỗ mũi mười tám gánh lông

Chồng yêu chồng bảo: “Râu rồng trời cho”

Đêm nằm thì ngáy o o…

Chồng yêu chồng bảo: “Ngáy cho vui nhà”

Đi chợ thì hay ăn quà

Chồng yêu chồng bảo: “Về nhà đỡ cơm”

Trên đầu những rác cùng rơm

Chồng yêu chồng bảo: “Hoa thơm rắc đầu…”

Trong cuộc sống, người vợ nào mà chẳng mong muốn chồng mình đỗ đạt. Và người chồng cũng mong mình đỗ đạt để “Đỗ bảng vàng cho vang mặt vợ.” - Nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương (1870 - 1907) đã từng viết như thế!

Nếu xét về khía cạnh bảo toàn, giữ gìn sự ấm êm của mỗi gia đình thì những người vợ, người mẹ trong mỗi gia đình trên khắp đất nước Việt Nam đều rất đáng yêu và đáng được kính trọng. Bởi họ có một tâm hồn rất trong sáng, tình cảm thủy chung và rất mực yêu chồng con tha thiết.

Hãy nghe người vợ khuyên chồng chăm lo đèn sách:

Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ

Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu

Nếu như câu ca dao trên là lời khuyên rất chân tình của người vợ thì sau đây người vợ lại nói những câu giễu nhại rất thâm thúy, sâu cay, nếu chồng lười nhác hoặc lơ là công việc.

Chồng người năng văn, năng vũ

Chồng mình chỉ chủ miếng ăn

Bốc ít thì nó cằn nhằn

Bốc thêm tí nữa nó nhăn răng ra cười.

Đã từ rất lâu, câu ca dao “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon” được lưu truyền trong dân gian để nói về hạnh phúc gia đình và tình cảm thắm thiết của vợ chồng. Râu tôm và ruột bầu đều là những thứ bỏ đi, nhưng nếu đem hai thứ đó nấu với nhau và có thêm gia vị của tình yêu thì sẽ trở nên ngon, đâu cần phải ăn cao lương, mỹ vị. Vợ chồng cốt sống với nhau chân thành, yêu thương và chung thủy nhau hết mực sẽ có hạnh phúc đó.

Người phụ nữ Việt Nam khi có chồng rồi bao giò cũng nghĩ đến gia đình, nghĩ đến đạo vợ chồng, chung thủy trước sau như một.

Có chồng bớt áo thay vai

Bớt màu trang điểm kẻo trai nó lầm

Hoặc:

Chồng ta áo rách ta thương

Chồng người áo gấm, xông hương mặc người

Có cặp vợ chồng nào mà thương yêu nhau như cặp vợ chồng còng này:

Chồng còng lấy vợ cũng còng

Nằm phản thì trật, nằm nong thì vừa.

Câu ca dao trên cho thấy, con người Việt Nam dù đàn ông hay đàn bà, dù chồng hay vợ ai cũng đều tìm mọi cách để giữ gìn và nâng niu hạnh phúc gia đình.

Có nhiều câu ca dao khác nữa cũng nói về sự nhường nhịn của mỗi người trong gia đình để gìn giữ tình cảm vợ chồng và bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Chồng giận thì vợ bớt lời

Cơm sôi nhỏ lửa chẳng rơi hạt nào.

Trong tục ngữ, ca dao, dân ca ngoài nói về tình cảm vợ chồng, còn nói về tình cảm anh em trong gia đình: Anh em như thể chân tay. Đã là anh em trong một gia đình thì phải biết yêu thương nhau, nhưng còn một điều nữa cũng vô cùng quan trọng là anh em phải sống hòa thuận, đoàn kết với nhau: Anh em hòa thuận hai thân vui vầy. Anh em cùng chia sẻ với nhau tất cả những niềm vui và mọi nỗi buồn đau: Một con ngựa đau/ Cả tàu bỏ cỏ

Hoặc là con cái đối với mẹ cha: Một lòng thờ mẹ kính cha / Trên là đạo hiếu, dưới là đạo con.

Khổng tử (551-479 TCN) là một triết gia vĩ đại của Trung Quốc, trong luận thuyết của mình, ông đã lấy việc đề cao cai quản gia đình để làm tiền đề cho việc cai quản việc chung đối với những người khi ra làm quan phục vụ dân nước và xã hội: Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Như vậy, Khổng tử đã coi gia đình là nền tảng để đảm bảo cho sự an toàn của xã hội.

Ngày nay hạnh phúc gia đình ngày càng trở nên mong manh khi mà cuộc sống của con người bị đô thị hóa, hiện đại hóa và việc giao lưu văn hóa với các nước ngày càng mạnh mẽ hơn. Ca dao về tình cảm vợ chồng, hạnh phúc gia đình lại tiếp tục phát triển, cũng như đời nào cũng có. Các cụ ngày xưa cũng có những câu dặn dò việc giữ gìn nhân cách: Giấy rách phải biết giữ lấy lề. Hoặc là: Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Còn trong thời đại hiện nay, có những câu ca dao hiện đại vừa vui, vừa hóm: Không đi, không biết Đồ Sơn/ Đi rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà / Đồ nhà vừa xấu vừa già/ So đi so lại, vẫn hơn là Đồ Sơn

Tóm lại, hạnh phúc gia đình truyền thống của Việt Nam là vợ chồng chung thủy, mọi người trong gia đình cùng thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, chia bùi sẻ ngọt với nhau. Đối với đàn ông là vợ cái, con cột. Đối với người phụ nữ là hết lòng vì gia đình. Nếu muốn xây dựng một xã hội văn mình, hạnh phúc thì phải xây dựng gia đình hạnh phúc.

Dương Thuấn

Từ khóa » Sự Thuỷ Chung Trong Ca Dao