Hành Trình Học Ngôn Ngữ Ký Hiệu Khi Là Một Người Nghe
Có thể bạn quan tâm
Chắc hẳn bạn đã từng nhìn thấy một vài người nói chuyện với nhau mà không cất tiếng nói, chỉ hoa chân múa tay, hay một cô thường xuất hiện bên dưới góc trái màn hình (gần đây là chương trình “Việt Nam hôm nay” lúc 17h45), làm các động tác mà mình nhìn chẳng hiểu gì?
Vậy tức là bạn đã thấy Ngôn ngữ ký hiệu rồi đấy!
Đó là một ngôn ngữ được người Điếc (người không nghe, không nói) sử dụng để giao tiếp với nhau và với người Nghe (người nghe nói), tương tự như chúng ta sử dụng tiếng Việt, tiếng Anh để giao tiếp với những người khác. Ngôn ngữ ký hiệu sử dụng các chuyển động của tay, biểu cảm của khuôn mặt và chuyển động của cơ thể một cách có quy ước để truyền tải thông tin (Bạn có thể xem bảng chữ cái Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội ở ảnh dưới để hình dung rõ hơn).
Mình là một người Nghe (người có thính lực tốt, như đa số mọi người). Gia đình mình cũng không có ai là người Điếc, khiếm thính. Điều đó khiến câu hỏi mình nhận được nhiều nhất khi đi học Ngôn ngữ ký hiệu là: “Tại sao lại đi học Ngôn ngữ ký hiệu khi hoàn toàn có không có vấn đề về thính giác?”. Vậy hôm nay, hãy để mình kể cho mọi người nghe về hành trình đi học thứ ngôn ngữ “kỳ lạ” này nhé.
Bốn năm trước, mình từng gặp một người Điếc ở gần nhà mình. Cô ấy không nói chuyện với ai cả, luôn ngồi im lặng ở đó. Mình cảm thấy muốn bắt chuyện với cô ấy nhưng không biết làm cách nào để giao tiếp. Rồi khi mình chứng kiến một chú (hình như là người nhà của cô ấy) tới và nói chuyện gì đó với cô ấy, mình chợt nhận ra cô ấy trở nên hoạt bát, vui vẻ hẳn, giống như người Việt bắt được một người Việt khác ở nước ngoài xa lạ vậy. Mình cũng cảm thấy cô chú ấy rất “ngầu” khi có thể dùng một vài cử chỉ mà đã giao tiếp được với nhau.
Điều đó khiến mình mày mò tự học Ngôn ngữ ký hiệu.
Tuy nhiên, khi tự học mình nhận ra rằng các nguồn tài liệu về Ngôn ngữ ký hiệu trên Internet rất ít, có nhiều sự bất đồng giữa ký hiệu của người này và người khác, lại đa phần là do người Nghe dạy (họ không có bằng cấp gì về Ngôn ngữ ký hiệu, không phải người “bản xứ” dùng Ngôn ngữ ký hiệu là tiếng mẹ đẻ). Bởi vậy mình đã tìm học một nhóm nhỏ dạy Ngôn ngữ ký hiệu do người Điếc dạy. Khi đi học, các học viên giao tiếp với thầy cô giáo bằng cách viết, bằng điệu bộ cơ thể,.. Mình được học từ bảng chữ cái, các từ vựng, các câu, ngữ pháp, cách nhấn nhá,.. Và không khác gì khi học tiếng Anh, mình cũng sử dụng phương pháp shadowing, thực hành giao tiếp với người Điếc, tập dịch các đoạn hội thoại,.. Mới đầu khi bắt đầu học mình cũng hơi “loạn” vì phải nhớ từ này là ký hiệu gì, số này ký hiệu ra sao. Nhưng thực ra các ký hiệu đều có thể giải thích được. Ví dụ như ký hiệu “năm” là nắm hai tay lại, giữ yên một nắm tay, nắm tay còn lại chuyển động một vòng tròn quanh nắm tay giữ yên (như Trái Đất quay một vòng quanh Mặt Trời thì sẽ là một năm) – bạn có thể xem video ngắn dưới để hình dung rõ hơn. Bởi vậy nên khi học mình luôn ghi chép lại phần giải thích nghĩa của mỗi ký hiệu để nhớ được lâu hơn.
Sau khi tiếp xúc và học Ngôn ngữ ký hiệu khoảng 6 tháng là mình đã có “vốn liếng” đủ dùng để giao tiếp, mình bắt đầu đi nhiều sự kiện có người Điếc tham gia, những hoạt động cộng đồng, hoạt động giao lưu để trau dồi thêm vốn ký hiệu. Học Ngôn ngữ ký hiệu và tiếp xúc với người Điếc, mình dần hiểu họ hơn, bước chân vào thế giới của họ hơn. Chẳng hạn như nhiều người nghĩ rằng gọi “người khiếm thính” là lịch sự nhưng không phải vậy đâu nha!
Người Điếc muốn được gọi là “người Điếc” (người không nghe, không nói, sử dụng Ngôn ngữ ký hiệu) để phân biệt với “người khiếm thính” (là người có khả năng nghe kém, có hoặc không sử dụng thiết bị trợ thính, vẫn dùng ngôn ngữ nói) và “người Nghe” (người có thính lực tốt, sử dụng ngôn ngữ nói). Người Điếc coi mình là “dân tộc thứ 55” của nước Việt Nam (với chữ Đ viết hoa – như người Mông, người Kinh – để phân biệt với “điếc” – một dạng khuyết tật). Hay người Điếc không phải muốn tự cô lập, tự ti mà họ thực sự rất muốn hòa nhập, muốn cống hiến cho xã hội nhưng nguồn thông tin họ có thể tiếp cận được quá ít (do không có phiên dịch viên Ngôn ngữ ký hiệu). So với hàng chục ngàn phiên dịch viên tiếng Anh, bạn có biết rằng với trên 2,5 triệu người Điếc chỉ có khoảng 30 phiên dịch viên Ngôn ngữ ký hiệu trên cả nước?
Bởi vậy, để hơn 2,5 triệu người Điếc và những người khiếm thính có thể hòa nhập tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, nghề phiên dịch viên Ngôn ngữ ký hiệu đang rất thiếu và rất cần nhân lực.
Học Ngôn ngữ ký hiệu không chỉ để giúp người Điếc hòa nhập với cộng đồng, mình còn thấy Ngôn ngữ ký hiệu có rất nhiều lợi ích đối với bản thân người học. Bởi Ngôn ngữ ký hiệu sử dụng các chuyển động của không chỉ đôi tay mà còn cả biểu cảm khuôn mặt và chuyển động cơ thể nên sau một thời gian học Ngôn ngữ ký hiệu, mình cải thiện được ngôn ngữ cơ thể (body language), giao tiếp tự tin hơn, thuyết trình trên lớp cũng uyển chuyển thu hút hơn chứ không đứng im một chỗ run rẩy như trước. Khả năng tưởng tượng và hình tượng hóa các thông tin trong đầu cũng cải thiện (do Ngôn ngữ ký hiệu cần “chuyển ngữ” từ âm thanh sang hình ảnh). Mình còn “dạy” lại cho anh bạn thân và giờ chúng mình có thể nói chuyện với nhau giữa nơi đông người mà chẳng sợ lộ bí mật (vì những người quanh mình chẳng ai biết Ngôn ngữ ký hiệu cả :>). Mình dùng Ngôn ngữ ký hiệu để kể chuyện, đọc thơ và chơi với bọn trẻ con, chúng nó cũng rất khoái chí thay vì ngồi nghe đọc nữa. À, đối với những bạn nào có người thân hoặc học sinh là trẻ khuyết tật trí tuệ thì sử dụng Ngôn ngữ ký hiệu như một cách giao tiếp sẽ có hiệu quả hơn hẳn so với lời nói đó (do trẻ khuyết tật trí tuệ rất nhạy cảm với âm thanh và khó hiểu những cụm từ dài, đa nghĩa); cái này mình đã từng chứng kiến nhiều trường hợp áp dụng Ngôn ngữ ký hiệu vào dạy trẻ và thấy rất hiệu quả.
Tính đến nay, mình đã học Ngôn ngữ ký hiệu được một năm rưỡi và sử dụng thường xuyên trong gần một năm tiếp theo. Mình hiện đang là phiên dịch viên tập sự, đi dịch Ngôn ngữ ký hiệu tại một số chương trình, sự kiện, phiên dịch các bài giảng, thông tin, bài hát, truyện,… Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục hoàn thành chương trình đại học, mình cũng sẽ luyện tập Ngôn ngữ ký hiệu thường xuyên. Có thể trong tương lai mình sẽ có hoặc không trở thành một phiên dịch viên Ngôn ngữ ký hiệu, nhưng mình tin rằng việc biết một ngôn ngữ thú vị và có ích như thế này không có gì là uổng phí cả
Lời khuyên của mình đối với các bạn mới bắt đầu học đó là hãy tìm các cơ sở dạy Ngôn ngữ ký hiệu mà giáo viên là người Điếc (vì khả năng sử dụng ký hiệu của họ rất tốt và ngôn ngữ này chứa đựng rất nhiều yếu tố văn hóa mà người Điếc sẽ là người truyền tải tốt nhất). Nếu ở Hà Nội, các bạn có thể học Ngôn ngữ ký hiệu tại Trung tâm đào tạo Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội, họ dạy cả offline và online và giáo viên 100% là người Điếc (có trợ giảng sẽ hỗ trợ nữa). Ở miền Nam thì bạn có thể tham khảo công ty Nắng Mới. Thứ hai đó là khi học ký hiệu bạn hãy cố gắng thực hành thật nhiều (do sử dụng chuyển động cơ thể nên nếu thực hành nhiều, cơ thể bạn sẽ ghi nhớ ngôn ngữ thông qua trí nhớ cơ bắp (muscle memory), điều mà các ngôn ngữ nói không có). Và khi thực hành ký hiệu, bạn nên giống như người học yoga, thả lỏng, uyển chuyển và để cơ thể được chuyển động thoải mái, tự do
Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp các bạn biết thêm về Ngôn ngữ ký hiệu – một ngôn ngữ của yêu thương. Các bạn cùng mình học ký hiệu “I Love You” ở ảnh sau nhé
Post Views: 9,080Từ khóa » Nói Bằng Ngôn Ngữ Ký Hiệu
-
Thủ Ngữ - Ngôn Ngữ Ký Hiệu Tay - .vn – Kỹ Năng Sống Hiện đại
-
Hướng Dẫn Học Thủ Ngữ Khi Tiếp Xúc Với Người Khiếm Thính
-
10 App Tự Học Ngôn Ngữ Ký Hiệu Trên điện Thoại Android Và IOS để ...
-
Người điếc Và Ngôn Ngữ Ký Hiệu - YouTube
-
Từ Điển Ngôn Ngữ Ký Hiệu Việt Nam
-
Ngôn Ngữ Ký Hiệu – Wikipedia Tiếng Việt
-
Ngôn Ngữ Ký Hiệu Bằng Tay Việt Nam
-
Giới Thiệu Về Ngôn Ngữ Ký Hiệu - QIPEDC
-
Cách để Giao Tiếp Với Người điếc - WikiHow
-
Học Ngôn Ngữ Ký Hiệu Dễ Hay Khó?
-
Những Hướng Dẫn Cơ Bản Nhất Bắt đầu Với Ngôn Ngữ Ký Hiệu
-
Đặc điểm Của Ngôn Ngữ Ký Hiệu Việt Nam
-
Cách Giao Tiếp Người Câm – Cách Giao Tiếp Ngôn Ngữ Ký Hiệu