Hành Trình Theo Dấu Chân Người Anh Hùng - CAND

  • Người anh hùng của Lực lượng An ninh miền Nam

Từ khi còn nhỏ, Nguyễn Kim Vang đã chịu ảnh hưởng tinh thần quả cảm của người cha, nuôi ước mơ trở thành một người lính, chiến đấu vì Tổ quốc. Nguyễn Kim Vang ngã xuống ở chiến trường Phú Yên năm 1972 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 6-6-1976. Ông là nhân vật chính trong cuốn sách “Sống mãi trên quê hương anh hùng” mà tôi và người đồng nghiệp Nguyễn Bá Thuyết đã dày công tìm kiếm tư liệu để hoàn thành, vừa được Nhà xuất bản Quân đội ấn hành.

Trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta, suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trong thế kỷ 20, có biết bao người anh hùng đã thầm lặng ngã xuống. Nguyễn Kim Vang là hình ảnh đại diện cho một thế hệ thanh niên lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, sẵn sàng hy sinh không tiếc tuổi thanh xuân, xương máu của mình vì một nền hòa bình, thống nhất trên quê hương.

Hành trình theo dấu chân người anh hùng -0

Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Kim Vang. 

Như một nhà thơ đã viết: “Thế hệ chúng con đi như gió thổi/ Quân phục xanh đồng sắc với chân trời/ Chưa kịp yêu một người con gái/ Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai”. Câu chuyện về người anh hùng Nguyễn Kim Vang, chúng tôi tình cờ nghe kể trong quá trình đi làm báo. Nhưng, càng đi sâu tìm hiểu, chúng tôi thêm xúc động, trân quý và quyết định viết một cuốn sách về ông, như một cách tri ân những người lính đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Hơn thế nữa, câu chuyện về người anh hùng cũng là câu chuyện về thế hệ tuổi trẻ đã một thời sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” có lẽ vẫn còn là bài học sâu sắc cho hôm nay, nhất là trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Trong mọi hoàn cảnh, người Việt chúng ta sẵn sàng lên đường vì nghĩa đồng bào, vì bình yên cuộc sống của nhân dân.

Muốn viết cuốn sách về một người anh hùng liệt sĩ, người cầm bút chúng tôi không có con đường nào khác là phải bắt đầu từ cuộc hành trình theo dấu chân của họ. Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Kim Vang sinh năm 1944, hy sinh ngày 26-1-1972, khi mới 28 tuổi. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, bàn chân ông đã đi xa ngàn dặm, sống, học tập và chiến đấu ở nhiều vùng đất khác nhau từ miền Nam ra miền Bắc, rồi lại từ miền Bắc vào miền Nam cho đến khi ngã xuống trong một trận chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù.

Những ngày thơ ấu, Nguyễn Kim Vang theo cha lên chiến khu, thường được ngồi trong chiếc thúng của chú nuôi quân mỗi lần đơn vị của bố di chuyển địa điểm. Cậu bé 10 tuổi được học nhiều kiến thức, kỹ năng từ đồng đội của cha. Khi đơn vị của ông Nguyễn Lựu được lệnh tập kết ra Bắc, cậu bé Nguyễn Kim Vang cũng có mặt trên chuyến tàu ấy, rồi được cha gửi đến học tại các trường học dành cho học sinh miền Nam ở Hải Phòng.

Nguyễn Kim Vang không hổ danh là con trai của một người tiểu đoàn trưởng can trường, từng là “khắc tinh” của kẻ thù. Ông Nguyễn Lựu - cha của Nguyễn Kim Vang đã chỉ huy Tiểu đoàn 89 lập nhiều thành tích xuất sắc trên chiến trường Nam Trung Bộ, nổi tiếng đến nỗi quân Pháp từng treo thưởng 2.000 quan tiền cho bất cứ ai tiêu diệt được ông. Nguyễn Kim Vang noi gương cha, luôn là học sinh xuất sắc nhất của hệ thống các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, 19 tuổi đã viết đơn gia nhập lực lượng an ninh vũ trang, trở thành một trong những cán bộ nguồn của công an, quân đội.

Sau khóa huấn luyện, Nguyễn Kim Vang đến nhận nhiệm vụ tại điểm nóng Kỳ Sơn, Nghệ An, không chỉ chiến đấu chống lại những kẻ phản động trà trộn vào người Lào, người Thái, người Mông lưu vong trên đất Lào được đế quốc Mỹ hậu thuẫn mà còn đấu tranh, tuyên truyền đưa những đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đang mê muội đi theo “Vua Châu Phà” - một tổ chức thổ phỉ chống chính quyền quyết liệt về với cách mạng.

Nguyễn Kim Vang khi thì là một người lính cầm súng trực tiếp chiến đấu, khi lại hóa thân thành người cán bộ dân vận, lặn lội khắp các bản làng vùng biên giới Việt-Lào vận động các gia đình đồng bào thiểu số để họ thuyết phục con em mình đang lầm đường lạc lối quay về ủng hộ cách mạng. Trận đấu quyết liệt nhất của Nguyễn Kim Vang cùng các đồng đội trong những ngày ở Kỳ Sơn là tiêu diệt nhóm biệt kích và phỉ gồm 21 tên, không cho chúng thực hiện âm mưu đánh phá huyện đội đóng tại Tà Sảng.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiễu phỉ, Nguyễn Kim Vang trở về Hà Nội học trường sĩ quan biên phòng, khóa 2. Tốt nghiệp trường biên phòng với quân hàm thiếu úy, Nguyễn Kim Vang được phân công lên biên giới Việt Trung, công tác tại đồn biên phòng cửa khẩu Cốc Lếu, Lào Cai. Dạn dày trong công tác dân vận, binh vận, Nguyễn Kim Vang quay về Bộ Tư lệnh biên phòng và được thỏa nguyện ước mơ từ nhỏ, ngược đường vào Nam chiến đấu. Hè năm 1967, người lính mang quân hàm xanh với gương mặt trẻ măng và tinh thần quả cảm hòa trong đoàn quân xuyên qua Trường Sơn mưa bom bão đạn trở lại vùng đất quê nhà miền Trung yêu dấu để góp sức mình cho cách mạng nơi đây.

Nguyễn Kim Vang trở thành Chính trị viên của Ban An ninh Phú Yên. Ông cùng đồng đội của mình lập nhiều chiến công xuất sắc trong mùa khô năm 1967 và trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968. Bằng tài chỉ huy khéo léo, mưu lược, Nguyễn Kim Vang cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của cách mạng, tiêu diệt và bắt giữ hàng trăm tên tình báo, gián điệp, tề ngụy hung ác.

Một dấu ấn quan trọng của Nguyễn Kim Vang là đã góp sức đào tạo nhiều cán bộ biệt động nữ xuất sắc, những người mà tên tuổi của họ vẫn còn được nhắc đến tận hôm nay trong các trang sử vẻ vang, như Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Thu Liễu, Lê Thị Minh Hãnh, Nguyễn Thị Hồng Phấn... Không chỉ đào tạo, Nguyễn Kim Vang còn là người vạch kế hoach, chỉ đạo, chỉ huy các học trò biệt động nữ của mình hoạt động, chiến đấu dũng mãnh, sắc sảo ngay trong lòng địch, vừa tuyên truyền đường lối cách mạng, xây dựng cơ sở, làm công tác địch vận, vừa theo dõi di biến động của những tên Việt gian, đầu sỏ Ngụy quân, Ngụy quyền, tiêu diệt kẻ thù khi có lệnh.

Hành trình theo dấu chân người anh hùng -0
 Bìa cuốn sách “Sống mãi trên quê hương anh hùng”.

Ngoài ra, tên tuổi người anh hùng cũng gắn liền với những sáng kiến sản xuất vũ khí tự tạo - giúp cho cách mạng Phú Yên và chiến trường Nam Trung Bộ khắc phục tình trạng cạn kiệt vũ khí chiến đấu sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Tổ quân khí được Chính trị viên Nguyễn Kim Vang lập ra có nhiệm vụ lượm lặt, sưu tầm vật liệu nổ, từ đó chế tạo ra các loại chông mìn, cạm bẫy đón lõng đánh địch, xây dựng thành trận địa bảo vệ cơ quan đầu não của cách mạng. Từ những kinh nghiệm có được qua những giai đoạn chiến đấu ở nhiều nơi, cùng kiến thức được đào tạo cơ bản ở trường, Nguyễn Kim Vang tự tìm hiểu, nghiên cứu thêm, nắm chắc nguyên lý nổ của các loại vật liệu nổ của địch.

Sáng kiến thành công nhất của Nguyễn Kim Vang là khắc phục mìn định hướng claymo của Mỹ, tháo hạt nổ của M79 để chế tạo thành mìn của ta. Rồi sử dụng hạt nổ AR-15 thay cho hạt nổ B-40, B-41 bị hỏng, đạt kết quả tốt. Nguyễn Kim Vang cùng đồng đội chế tạo nhiều loại chông tre, củ ấu, hầm sập, tạo thành một thế trận liên hoàn đủ các loại vũ khí nổ và không nổ. Những cái bẫy vũ khí này đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của lính Mỹ và Nam Triều Tiên trên chiến trường Phú Yên. Đội an ninh vũ trang dưới tài chỉ huy của Nguyễn Kim Vang sau này cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đi theo dấu chân người anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Kim Vang để kể lại câu chuyện về ông, chúng tôi tìm đến những vùng đất, nơi ông từng có những năm tháng học tập, sống và chiến đấu như: biên giới Việt - Lào khu vực Nậm Cắn - Nghệ An, đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cốc Lếu - Lào Cai. Chúng tôi đến các vùng đất khác mà từ khi còn nhỏ cho đến ngày hy sinh, liệt sĩ, anh hùng Nguyễn Kim Vang đã đi qua như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và đặc biệt là khu vực miền núi Phú Yên, nơi người anh hùng đã có nhiều năm tháng cùng đồng đội chiến đấu và lập thành tích xuất sắc trong kháng chiến. Để có tư liệu đầy đủ, thuyết phục, chúng tôi gặp gỡ hàng trăm nhân chứng, để nghe kể những câu chuyện liên quan đến nhân vật của cuốn sách.

Và tất nhiên không thể thiếu việc nghiên cứu các tư liệu liên quan đến lịch sử, để củng cố và làm sáng rõ những chi tiết sống động về cuộc đời của anh hùng, liệt sĩ. Chọn thể loại truyện ký để thể hiện lại câu chuyện về cuộc đời người anh hùng vì thể loại này sẽ giúp ngòi bút chúng tôi vừa có thể bám vào các chi tiết về cuộc đời nhân vật, trên những tư liệu cụ thể, lại vừa có thể phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo của mình để cho đời sống nhân vật được dày dặn, thuyết phục hơn.

Đã 49 mùa xuân trôi qua, kể từ ngày người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Kim Vang ngã xuống trên mảnh đất Phú Yên, trong một trận càn khốc liệt của Mỹ-Ngụy vào căn cứ cách mạng ở thôn Liên Trì, xã Bình Kiến thuộc thị xã Tuy Hòa (Phú Yên). Người anh hùng ngã xuống khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở thời điểm khốc liệt trên chiến trường Nam Trung Bộ và ngày hòa bình thống nhất dân tộc không còn bao xa. Ở Phú Yên, một người con gái tuổi đôi mươi với cái tên rất đẹp Hồng Phấn, cũng là một chiến sĩ cách mạng, vẫn chờ mong ngày hòa bình thống nhất trên quê hương để được cùng Nguyễn Kim Vang nên duyên vợ chồng.

Bà Hồng Phấn sau hòa bình đã không lập gia đình, sống một mình để thờ mối tình với người anh hùng liệt sĩ. Mối tình chung thủy của bà thực sự đã gây xúc động với người cầm bút chúng tôi. Hiện, có hai ngôi trường ở Phú Yên và Quảng Ngãi mang tên Nguyễn Kim Vang. Tên của người anh hùng cũng được đặt cho một con đường ở thành phố Tuy Hòa.

Tháng 7 này, xin được thành tâm thắp nén tâm nhang tưởng nhớ, tri ân những người anh hùng liệt sĩ dâng hiến tuổi xuân cho hòa bình của dân tộc. Đất nước ta có biết bao người anh hùng như Nguyễn Kim Vang. Họ đã tạc vào lịch sử một tinh thần Việt Nam kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi nghĩ rằng, những câu chuyện về họ cần được kể lại, để mỗi người đang sống hôm nay thêm hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình, của hạnh phúc mà chúng ta đang có. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Không còn đạn bom nhưng trên đường đi về phía văn minh và tiến bộ, có biết bao rào cản, gian khó mà người Việt chúng ta phải đối mặt, phải bản lĩnh để vượt qua.

Chắc chắn rằng, tinh thần của những người anh hùng năm xưa vẫn có thể truyền lửa cho các thế hệ hôm nay, để chiêm nghiệm về thời đại mình đang sống và nhận thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây dựng, bảo vệ, kiến thiết đất nước. Là người cầm bút, khi kể lại câu chuyện về người anh hùng Nguyễn Kim Vang với tất cả sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc, chúng tôi muốn gửi một thông điệp đến những người trẻ tuổi. Rằng, khi đọc lại câu chuyện về cuộc đời của những người trẻ năm xưa, như liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Kim Vang, các bạn có thể tìm thấy cho mình một lý tưởng sống mới, từ đó hành động nhiều hơn, tích cực hơn cho xã hội, nhất là trong những ngày tháng cả đất nước đang gồng mình chống dịch COVID-19.

Từ khóa » Các Anh Hùng Trong Kháng Chiến Chống Pháp Và Mỹ