Hào Khí Đông A Là Gì? - Sống Đẹp

Ý nghĩa sâu xa của "Hào khí Đông A"

Trong những năm tháng cuối cùng của nhà Lý, Lý Huệ Tông không có con trai để nối nghiệp đế vương nên đã lập Lý Chiêu Hoàng làm Thái tử, truyền ngôi báu. Nhưng Chiêu Hoàng chỉ tại vị được 2 năm thì nhường ngôi lại cho Trần Cảnh. Nhà Trần bắt đầu cơ nghiệp đế vương từ đây.

Trần Cảnh sau này là Trần Thái Tông - vị vua đầu tiên của nhà Trần, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử Đại Việt. Có thể nói, đây là 1 trong những triều đại lớn mạnh nhất, phát triển rực rỡ nhất thời kỳ phong kiến. Và đây cũng là triều đại sản sinh ra rất nhiều anh hùng lịch sử. 

Trong 175 năm trị vì đất nước, nhà Trần đã có những chính sách tiến bộ về văn hóa, giáo dục, tôn giáo, quân sự, kinh tế. Đặc biệt, nhà Trần đã lãnh đạo nhân dân 3 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông (năm 1258, 1285, 1288). Và theo ghi chép của sử sách, câu nói "Hào khí Đông A" ra đời từ đây.

hao-khi-dong-a-la-gi-3
Anh hùng Trần Quốc Tuấn

Hiểu một cách đơn giản, "Hào khí Đông A" chính là hào khí nhà Trần. Nhưng câu nói này xuất phát từ 2 lý do: 

- Đầu tiên, theo lối chiết tự, chữ Trần được ghép từ chữ Đông và chữ A nên có thể đọc là Đông A! Nhưng để hiểu được cụ thể, chúng ta phải kể đến lý do thứ 2!

- Thứ hai, theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu cũng như khách quan lịch sử, nhà Trần là triều đại phong kiến đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có thể tạo ra sự đồng tâm, nhất trí tối cao từ trên xuống dưới, từ trong quân đến dân, từ già đến trẻ, từ trai đến gái... Lần đầu tiên, tất cả dân tộc đồng lòng vì nghĩa lớn với tinh thần quyết tử chống giặc ngoại xâm. Dù thế giặc mạnh nhưng Đại Việt vẫn thể hiện tinh thần tự lập tự cường, lòng yêu nước vô hạn. 

Cụ thể, trong Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn viết rằng: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xẻ thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng".

hao-khi-dong-a-la-gi-7
Nhà Trần 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông

Đoạn văn trên cho thấy, sự phẫn nộ, căm tức quân giặc cũng như ý chí quyết chiến, quyết thắng không gì lay chuyển được. Hay như câu trả lời cứng rắn của ông khi vua Trần Thánh Tông hỏi trong cuộc kháng chiến lần 2: "Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng".

Tinh thần ấy tượng trưng rõ nhất cho "Hào khí Đông A", hào khí lịch sử giúp quân dân nhà Trần chiến thắng 3 lần xâm lược của quân Nguyên Mông. Thậm chí cho đến trước khi qua đời, Trần Quốc Tuấn còn để lại quốc sách giữ nước cho vua Trần Anh Tông: "Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. (Nên) khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy". Đó là tinh thần trung quân ái quốc của Trần Quốc Tuấn.

Vậy còn những người khác thì sao? Năm 1284, Đại Việt đối mặt với sức ép không tưởng từ 50 vạn quân Nguyên Mông. Chúng vẫn luôn muốn thôn tính nước ta thêm lần nữa. Đứng trước nguy cơ này, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã triệu tập cuộc họp các phụ lão trong cả nước ở điện Diên Hồng để hỏi về việc chủ hòa hay chủ chiến.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư quyển 5, kết quả là: "Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão điều nói "ĐÁNH", muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng".

Phụ lão, bô lão chính là những người được trọng vọng, kính nể trong cả nước. Họ là đại diện cho ý kiến của quần chúng nhân dân. Sự đồng lòng đánh giặc, quyết tâm đánh giặc của các bô lão thể hiện ý chí đồng lòng, quyết tâm cùng triều đình đánh giặc của nhân dân cả nước.

hao-khi-dong-a-la-gi-1
Hội nghị Diên Hồng

Sử thần Ngô Sĩ Liên từng viết: "Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy".

Nói tóm lại, "Hào khí Đông A" không chỉ là nét chữ, lỗi chiết tự mà là tinh thần bất khuất, dũng cảm, quyết chiến quyết thắng trên dưới đồng lòng của quân dân nhà Trần. Với họ, đầu có thể rơi, máu có thể chảy nhưng quyết không để một tấc đất của quê hương lọt vào tay giặc phương Bắc. Thậm chí, vì nghĩa lớn, Trần Quốc Tuấn còn gạt thù nhà sang một bên. 

"Hào khí Đông A" giờ còn không?

Phải khẳng định: "Hào khí Đông A" vẫn đang rừng rực cháy trong lòng dân tộc Việt Nam. Trong đại dịch COVID-19, "Hào khí Đông A" lại chói sáng, giúp cho dân tộc Việt Nam không những đứng vững trước cơn cuồng phong của đại dịch mà còn là minh chứng của một đất nước nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với bạn bè quốc tế.

Còn nhớ, khi dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được mối nguy hiểm này và luôn nêu cao tinh thần "chống dịch như chống giặc". Cả hệ thống chính trị, các thành phần xã hội, đông đảo người dân chung tay chống dịch. 

Với phương châm  chủ động, bình tĩnh, sáng suốt, đồng bộ, bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ và chính quyền các cấp xử lý linh hoạt, nhanh nhạy với các trường hợp nhiễm bệnh xảy ra.

Từ ổ dịch đầu tiên ở xã Sơn Lôi, cho đến ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai, ổ dịch ở Bắc Giang.... và gần đây nhất là ổ dịch rất lớn tại TP Hồ Chí Minh... Chúng ta luôn chủ động phòng chống dịch, cả hệ thống chính trị, các đoàn thể xã hội và nhân dân cùng vào cuộc. 

Tinh thần "chống dịch như chống giặc" của Việt Nam từng được rất nhiều hãng thông tấn quốc tế ca ngợi. Đài Phát thanh quốc gia Mỹ (NPR) ngày 16/4 dẫn lời ông John MacArthur (Giám đốc Văn phòng Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ tại Thái Lan) nhấn mạnh rằng: "Việt Nam đã có cam kết chính trị từ sớm ở cấp cao nhất. Quyết tâm chính trị được triển khai nhất quán từ cấp trung ương xuống địa phương".

Đã có hàng vạn cán bộ và nhân viên ngành y, những người chiến sỹ áo trắng đã không quản ngày đêm gian khó, hy sinh những lợi ích riêng tư xung phong lên tuyến đầu diệt giặc COVID-19.

hao-khi-dong-a-la-gi

Đã có hàng vạn chiến sĩ lực lượng quân đội và công an hy sinh thầm lặng, căng bạt ngủ giữa rừng, giữa trời đêm để canh phòng các cửa khẩu quốc tế, các đường mòn nơi biên giới có người qua lại để kiểm soát, quản lý dữ liệu dịch tễ liên quan đến dịch bệnh.

Đã có hàng ngàn khách sạn, trường học, cơ sở quân đội... sẵn sàng trở thành nơi cách ly tập trung cho công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về. Rồi hàng vạn nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức… tình nguyện phục vụ, chăm lo cơm nước, ăn ở cho hơn 35.000 người ở các khu cách ly trên cả nước…

Đã có hàng trăm tỷ đồng đóng góp cho quỹ chống dịch Covid-19 qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp theo tiếng gọi của trái tim chung tay diệt giặc COVID-19.

Đã có nhiều "ATM gạo" mọc lên khắp Việt Nam cung cấp gạo miễn phí cho dân nghèo được nhiều tờ báo uy tín quốc tế như Reuters, CNN, New York Post, Insider, ABC…. ca ngợi cho tinh thần yêu thương, đùm bọc nhau của người Việt trong lúc khốn khó.

Hàng vạn con em Việt Nam xa quê nay lại muốn trở về vòng tay quê hương trong đại dịch vì họ cảm thấy được yêu thương, chở che.

"Hào khí Đông A" một lần nữa tỏa sáng cho thấy tinh thần đoàn kết dân tộc, tình thương yêu vô bờ bến của con người Việt Nam dành cho nhau.

"Hào khí Đông A" của người Việt còn lan rộng ra khắp năm châu. Dù còn được coi là nước nghèo trên thế giới nhưng trong lúc khó khăn, Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những nước chịu ảnh hưởng của COVID-19 nặng nề hơn. Hành động nghĩa hiệp của Việt Nam được nhiều bạn bè quốc tế đánh giá cao.

David Hutt, nhà báo chuyên về Đông Nam Á, đã có những đánh giá rất cao về phong cách “ngoại giao trong đại dịch” của Chính phủ Việt Nam trong bài viết mới đây trên Asia Times. Theo bài báo, đối với một đất nước từ lâu vẫn luôn nỗ lực giữ vững vị thế như một nhân tố toàn cầu đáng tin cậy và có trách nhiệm, Covid-19 cũng như tác động tối thiểu của đại dịch này đối với Việt Nam đã mang đến cho Việt Nam một cơ hội mà các nhà phân tích cho rằng quốc gia Đông Nam Á này đang nắm chắc trong tay.

Giáo sư Daniel K Inouye tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương nhận xét: “Đại dịch Covid-19 đã mang đến cho Việt Nam cơ hội tốt để nâng cao “sức mạnh mềm”, Việt Nam có điều kiện để thể hiện mình với cộng đồng quốc tế”.

Theo ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích về quốc phòng tại RAND Corporation, cách Việt Nam xử lý dịch bệnh cũng như chính sách ngoại giao trong khủng hoảng sẽ giúp Việt Nam thể hiện được giá trị gia tăng của Việt Nam với thế giới.

Một lần nữa, "Hào khí Đông A" lại rọi sáng cho tinh thần ngoại giao khôn khéo, mềm dẻo và hết sức nhân văn của dân tộc, con người Việt Nam.

Sau cơn mưa trời lại sáng, dân tộc Việt Nam sẽ trường tồn với "Hào khí Đông A" được hun đúc từ cha ông ta hàng ngàn năm trước.

Xem thêm: "Hào khí Đông A" cNhà Trần đã biến Đại Việt thành "ông lớn" phương Nam như thế nào?

Từ khóa » đông A Nghĩa La Gì