Hát Bội Hay Hát Bộ? - Báo Cần Thơ Online

Nguyễn Tú Ngân

Ít người biết một loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền hình thành ngàn năm, kéo dài từ Bắc vào Nam, miền Bắc gọi là Hát Tuồng, miền Trung gọi là Hát Bội, Nam bộ có lúc gọi là Hát Bộ. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta tìm hiểu Hát Bội là gì, vì sao gọi là Hát Bộ?

Từ Hát Tuồng đến Hát Bội

Theo tài liệu của NSND Đinh Bằng Phi, nguồn gốc của Hát Bội có hai xuất xứ: Thôn ổ và Cung đình.

Ở nông thôn khoảng hơn một ngàn năm trước, các hào phú trúng mùa, giết trâu bò tế Thần Nông vui mừng bày ca múa, chọn những người ca hay múa đẹp trong những tá điền; họ hát múa dựa theo những sự tích truyền miệng, có tính cách đề cao luân lý. Trang phục, nội cụ sơ sài nhưng cũng phân biệt từng nhân vật: vua tôi, già trẻ, nam nữ, sang hèn…

Vào thế kỷ thứ XIII, thời nhà Trần, từ năm 1284 đến năm 1287, cả triều đình và quân dân ta đoàn kết chiến đấu, nên cả hai lần quân Nguyên Mông xâm lược nước ta đều bị đánh tan tành. Trong tù binh Mông Cổ bị quân ta bắt được có một người tên là Lý Nguyên Cát. Nguyên Cát vốn gốc người Hán, là diễn viên Hí kịch, chuyên biểu diễn để giúp vui cho quân sĩ. Sau khi bị bắt, Lý Nguyên Cát đã được các thân vương nhà Trần lưu lại trong cung phủ để truyền dạy Hí kịch cho các vương tôn công tử. Vở tuồng "Tây Vương mẫu hiến bàn đào" (khoảng 1350) được xem là gây tiếng vang.

Có thể nói, dưới triều Lý, Tuồng xuất hiện nơi thôn ổ, đến triều đại nhà Trần, là thời kỳ phát tích của Hát Tuồng Việt Nam. Trên nền Hát Tuồng bản địa trước đó, có tiếp thu nghệ thuật Hí kịch của người Hán. Sau này đi vào Đàng Trong, Hát Tuồng mới gọi là Hát Bội.

Đào Duy Từ, "Gia Cát Lượng" của xứ Đàng Trong vốn theo nghiệp sân khấu, truyền Hát Tuồng vào gọi là Hát Bội. Hát Bội lại tiếp tục được người mở đất phương Nam mang vào vùng đất mới. Người Miền Trung (Ngũ Quảng) vào Nam bằng ghe bầu, mang theo nghề Hát Bội, nên trưởng đoàn hát, gánh hát, ghe hát thường được gọi là Ông Bầu.

Chữ Bội trong Hát Bội

Cảnh hát bội xưa. Ảnh: namkyluctinh.com

Thuật ngữ Hát Bội có nhiều cách lý giải. Thế kỷ XIX, Đại Nam quốc âm tự vị (1895) của Huỳnh Tịnh Của (Của Paulus) giải thích: Hát Bội là trò bội, cuộc ca hát, đám hát, bội bè… Còn học giả Trương Vĩnh Ký (1886) cho rằng: Hát Bội là loại hát có nhiều vai tuồng, nhiều người hiệp nhau lại. Bội là nhiều, là bè bội, cũng như bọn lũ vậy. Còn GS Đoàn Nồng (1942) định nghĩa: Hát Bội là vừa hát, vừa đi và làm bộ tịch để biểu diễn cảm giác, cảm tình với câu hát.

Những định nghĩa này xuất phát vào thời cực thịnh của Hát Bội, thời Nguyễn, trung tâm Hát Bội ở miền Trung.

Về mặt nghệ thuật, kịch bản Hát Bội vốn thuộc dòng văn học tự sự, tác giả sáng tác ở dạng kể lại một câu chuyện đã qua, có đầy đủ kịch tính, thông qua những diễn biến tâm trạng của nhân vật. Thế nhưng lời thoại đầy chất thơ, diễn đạt bằng ca từ; tâm lý nhân vật thể hiện qua hóa trang, trang phục và vũ đạo. Trong khi đó, Kịch nói (Drame) của Phương Tây không phải là tác phẩm văn học trữ tình như Hát Bội mà là hành động nối tiếp hành động, theo chuỗi nhân quả nối tiếp nhau. Có những vở Hát Bội mang kịch tính không thua kịch nói phương Tây. Điển hình như vở San Hậu, kịch tính theo mô-típ hành động nối tiếp hành động, mang tính nhân quả, tạo xung đột kịch lên đỉnh điểm. Đó cũng là thủ pháp nghệ thuật trong Hát Bội, nhưng không phải yếu tố chính. Chất tự sự, trữ tình, cách điệu…. mới là đặc trung của nghệ thuật Hát Bội. Nếu so với Opera, Hát Bội đầy chất thơ; còn chất nhạc đứng hàng thứ yếu. Chất điển hình, cách điệu là một đặc trưng khác của Hát Bội. Lời thoại kịch bản cũng thể hiện điều này, qua những quy tắc cần thiết. Chẳng hạn nhân vật trước khi ra đi lại hát 3 câu, miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật ở 3 thời điểm: lúc ra đi, ở giữa đường và khi gần đến nơi, thể hiện độ dài của hành trình.

Về nghệ thuật biểu diễn, trước kia Hát Bội còn tùy tiện trên sân khấu, mang tác phong sinh hoạt tiểu nông, hát cương (không theo kịch bản), câu khách bằng hát pha cải lương, diễn tấu hài chen giữa các hồi diễn… Từ thập niên 50 thế kỷ trước, các trường phái kịch thế giới như Stanislavski "Hiện thực tâm lý" và trường phái kịch Bertolt Brecht ảnh hưởng tới Việt Nam. Trường phái Stanilapxki làm cho kịch bản Hát Bội chặt chẽ hơn, tính cách nhân vật gần với thực tiễn hơn, thường áp dụng cho Tuồng miền Bắc. Thế nhưng quá lạm dụng sẽ phá chất trữ tình, cách điệu của Hát Bội. Trong khi trường phái Bertolt Brecht được Hát Bội Nam bộ, trong đó có Vĩnh Long vận dụng làm cho chất thơ, chất trữ tình nâng cao hơn, đây cũng là một trong những lý do mà kịch bản hài không xuất hiện ở Hát Bội Nam bộ.

Hát Bội thuộc loại nghệ thuật biểu hiện. Có trường hợp "nhập vai" như trường phái Stanilapxki, diễn viên xúc cảm với nhân vật mình đóng vai, nhưng những kỹ thuật biểu diễn ngoại hình, vũ đạo, ca từ, mặt nạ… quan trọng hơn cảm xúc "nhập vai". Chất Hát Bội đòi hỏi người diễn viên diễn thật hơn hiện thực gấp nhiều lần, chữ Bội trong Hát Bội thể hiện ở chỗ này.

Di sản Hát Bội là kho tàng nghệ thuật truyền thống quý báu. Tuy không để lại sách thuộc lý luận cho nghệ thuật này, nhưng cha ông ta tiếp thu thành tựu nghệ thuật Đông-Tây để tạo ra loại hình nghệ thuật mang bản sắc riêng của dân tộc.

Hát Bộ: một cách nói trào phúng của dân gian Nam bộ

Khi vào Nam, chữ Bội bị người đời gán cho bội bạc, phản bội nên người ta gọi là Hát Bộ. Tên gọi này cũng chỉ trong dân gian Nam bộ thôi, về mặt chính thống người ta vẫn dùng từ Hát Bội.

Vương Hồng Sển, viết trong tác phẩm "50 năm mê hát" có đoạn (ngữ cảnh vào thập niên 50 thế kỷ trước): "Trước là Hát Bội, sau biến thể ra hát cải - lương, và nẩy mầm rất mạnh. Các ký - giả buổi ấy, như Lê-Hoằng-Mưu chẳng hạn, để cho thấy có canh tân cải cách, bèn chối bỏ danh-từ "hát bội", vừa viết trên báo vừa hô hào xin thay vào đó và dùng hai chữ "hát bộ" thế cho "hát bội", như vậy có vẻ mới hơn và tưởng đâu là đúng nghĩa hơn. Cái tệ- đoan mỗi mỗi đều thay đổi và dùng chữ không nhằm lối nhằm chỗ cho đến nay vẫn chưa tẩy sạch, và dẫu danh-từ "hát bội" là đúng, thỉnh thoảng vẫn còn thấy hai chữ "hát bộ" xuất hiện dưới nhiều ngòi bút đứng đắn. Ở đây tôi xin miễn bàn, vì hát nào lại không ra bộ? Và câu thơ của Phan-Văn-Trị vịnh Hát-Bội: Hèn chi chúng nói "bội" là "bạc"- đủ chứng minh và tránh cho tôi khỏi nói nhiều".

Nhiều nhà nghiên cứu xem đoạn trên của Vương Hồng Sển là một câu chuyện thú vị của làng văn chương, bởi bài thơ "Vịnh Hát Bội" của Phan Văn Trị, chủ yếu là mắng Tôn Thọ Tường, chứ không phải là phê phán hát bội:

"Đứa mắc ghẻ ruồi, đứa lác voi,

Bao nhiêu xiêm áo cũng trơ mòi.

Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc,

Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi.

Trên trính có nhà còn lợp lọng,

Dưới chân không ngựa lại giơ roi.

Hèn chi chúng nói bội là bạc,

Bôi mặt đánh nhau cú lại thoi."

***

Hát Bội vẫn có vị trí vững chắc trong nghệ thật sân khấu cổ truyền nước ta, dù hàng ngàn năm đã qua.

Từ khóa » Hát Bội Là Gì