Hát Dô | Danh Mục Kiểm Kê Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể

Hát Dô

Loại hình: Nghệ thuật trình diễn nghi lễ

Không gian địa lý: Thuộc vùng sông Tích thuộc địa phận xã Liệp Tuyết và Tuyết Nghĩa của huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.

Thời gian tổ chức: Theo phong tục, hội hát Dô 36 năm mới tổ chức một lần vào ngày Hội của làng diễn ra từ ngày mùng 10 đến 15 tháng giêng âm lịch, lần mở hội Dô cuối cùng vào năm 1926.

Cộng đồng chủ nhân di sản: Là những người nông dân của các xã Liệp Tuyết và Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.

Nhận diện di sản: Hát Dô là dân ca nghi lễ, gắn liền với việc thờ thần Tản Viên sơn Thánh. Lời ca hát Dô vừa mang phong cách dân gian vừa có nhiều điểm tích, chữ nghĩa súc tích. Hát Dô đã hoàn thiện và định hình bài bản từ sau thế kỷ thứ X, đặc biệt từ thế kỷ XV trở đi. Hát Dô có tới hơn 20 làn điệu, gồm có hát nói, hát ngâm, hát và xô, trong đó hát và xô là hình thức diễn xướng chủ yếu. Nội dung các bài hát phản ánh nhận thức thiên nhiên của người dân lao động, thể hiện ước mơ của họ về một cuộc sống bình yên no ấm, nhân khang vật thịnh. Ngoài hát chúc nghi lễ, ca ngợi thần linh, hát Dô còn là tiếng ca chữ tình trong sáng về tình yêu nam nữ, hạnh phúc lứa đôi, về cuộc sống lao động sinh hoạt đời thường.

Hát Dô có 3 kiểu hát: Hát Thờ (hát trong đền), hát Trúc, hát múa Bỏ Bộ (hát ngoài sân đền). Hát Dô không có nhạc, chỉ có phách và quạt để làm đạo cụ. Chỉ mộc mạc, giản dị vậy thôi mà hát Dô vẫn truyền tải đến người nghe những giai điệu ngọt ngào, đầm ấm và thanh thoát của quê hương xứ Đoài. Theo tục lệ xưa, người tham gia hát Dô phải thuộc dòng dõi con nhà gia giáo, không phạm lệ làng và phải là những cô gái chưa chồng, chàng trai chưa vợ. Lễ hội xong phải làm nghi lễ cất tráp vào đền, như khăn, váy áo, quạt, túi đeo tay đựng trầu và cả sách hát. Từ đó cho đến tận 36 năm sau, đến định kỳ lễ hội, không ai được mở tráp và thậm chí không bao giờ được nhắc đến. Năm 1999 câu lạc bộ hát Dô được thành lập với lòng yêu văn nghệ, trân trọng vốn cổ của cha ông, các thành viên trong câu lạc bộ đã góp phần làm sống lại làn điệu của quê hương. Những nghệ nhân vùng Liệp Tuyết là lớp người cuối cùng còn lưu giữ được những bài bản hát Dô truyền thống - họ là những kho tàng sống về làn điệu hát Dô cổ. Dù tuổi cao, sức yếu, họ vẫn đem hết sức mình để truyền dạy cho con cháu vốn quý của cha ông.

Từ khóa » Hát Dô Liệp Tuyết