Hãy Chôn Trái Tim Tôi ở Wounded Knee : Lịch Sử Dân Da Đỏ Miền ...

1.png

Bury My Heart at Wounded Knee

Tác giả Dee Brown

Trần Quang Nghĩa dịch

Hãy chôn trái tim tôi ở Wounded Knee : Lịch Sử Dân Da Đỏ Miền Tây Hoa Kỳ – Phần 2

Hãy chôn trái tim tôi ở Wounded Knee : Lịch Sử Dân Da Đỏ Miền Tây Hoa Kỳ – Phần 3

Giới Thiệu

            KỂ TỪ SAU CHUYẾN ĐI KHẢO SÁT của Lewis và Clark đến Bờ Biển Thái Bình Dương vào đầu thế kỷ 19, số các tài liệu được xuất bản mô tả công cuộc khai phóng miển Tây Hoa Kỳ đã lên hàng ngàn. Phần tập trung lớn nhất của trải nghiệm và quan sát được ghi chép xảy ra trong khoảng thời gian 30 năm giữa 1860 và 1890 – thời kỳ mà tác phẩm này đề cập đến. Đây là một thời kỳ khó tin của bạo lực, tham lam, táo tợn, đa cảm, nỗi hồ hỡi xô bồ, và một thái độ gần như là trân trọng đối với lý tưởng tự do cá nhân cho những ai đã có được nó.

            Trong thời gian đó nền văn hóa và văn minh của người Da Đỏ Mỹ bị phá hủy, và từ đó thực sự xuất hiện tất cả huyền thoại của miền Tây Hoa Kỳ – những câu chuyện của bọn buôn bán da thú, dân miền núi, bọn lái tàu hơi nước, những kẻ đi tìm vàng, bọn cờ bạc, các tay súng, kỵ binh, cao bồi, gái điếm, cha sứ, giáo viên vùng quê, và chủ trại ấp. Chỉ thỉnh thoảng mới có tiếng nói một người Da Đỏ được lắng nghe, và rồi gần như là không được ngòi bút da trắng nào ghi chép lại. Người Da Đỏ là nỗi đe dọa đen tối trong các huyền thoại, và thậm chí nếu y viết được bằng tiếng Anh, y sẽ tìm ở đâu được nhà in và nhà xuất bản?

            Vậy mà chúng không hoàn toàn bị đánh mất, những tiếng nói Da Đỏ đó của quá khứ. Một ít lời kể trung thực của lịch sử miền Tây Hoa Kỳ được người Da Đỏ ghi chép hoặc bằng hình tượng hoặc bằng bản dịch ra tiếng Anh, và một số xoay sở được in ra trong báo, tập san, hoặc tủ sách không tiếng tăm, có số phát hành nhỏ lẻ. Vào cuối thế kỷ 19, khi sự tò mò của người da trắng về những người Da Đỏ còn sống sót qua các trận chiến lên đến đỉnh cao, các phóng viên tháo vát thường lui tới phỏng vấn các chiến binh và tù trưởng và tạo cho họ cơ hội bày tỏ ý kiến của mình về những gì đã xảy ra ở miền Tây. Chất lượng của những cuộc phỏng vấn này thay đổi nhiều, tùy theo khả năng của người phiên dịch, hoặc khuynh hướng của người Da Đỏ có muốn nói tự do hay không. Một số sợ bị trả thù nếu nói ra sự thật, trong khi những người khác khoái trá khi kể với các phóng viên những chuyện trên trời hoặc dây mơ rễ má. Các phát biểu trên báo chí đương thời của người Da Đỏ do đó phải được đọc một cách thận trọng, mặc dù một số trong đó là những tuyệt tác của lối nói mỉa mai và một số khác là những cảm xúc bùng cháy đầy tính thi ca.

            Trong số những nguồn tư liệu phong phú nhất ghi lại những phát biểu ở ngôi thứ nhất của người Da Đỏ là những biên bản trong các hội đồng hiệp ước và những cuộc họp chính thức với những đại diện dân sự và quân sự của chính phủ Hoa Kỳ. Hệ thống tốc ký mới của Isaac Pitman đang thịnh hành trong nửa sau của thế kỷ 19, và khi người Da Đỏ lên tiếng trong hội đồng một thư ký tốc ký sẽ ghi chép lại lời phiên dịch của thông dịch viên ngồi ngay bên cạnh.

            Thậm chí khi các buổi họp tổ chức tại những nơi heo hút của miền Tây, lúc nào cũng tìm được người có thể ghi lại những lời phát biểu, và bởi vì quá trình phiên dịch thường chậm chạp, nên những gì nói ra có thể ghi chép bằng thứ chữ bình thường. Các phiên dịch viên thường là người lai biết ngôn ngữ nói nhưng ít khi biết đọc hay viết. Như hầu hết những người sử dụng khẩu ngữ họ và những người Da Đỏ thường dùng những hình ảnh để diễn tả ý tưởng của mình, thành ra những bản dịch ra Anh ngữ chứa đầy những hình tượng và ẩn dụ rút ra từ thế giới tự nhiên. Nếu một người Da Đỏ hùng biện gặp một thông dịch viên tồi, những lời nói của y có thể biến thành tản văn nhạt nhẽo, nhưng một thông dịch viên giỏi có thể biến lời của một diễn giả tồi nghe như thơ.

            Phần đông các thủ lĩnh Da Đỏ nói một cách trôi chảy và chân thực trong những buổi họp hội đồng với các viên chức da trắng, và khi họ trở nên trau chuốt hơn trong những vấn đề như trong thập niên 1870 và 1880, họ đòi quyền chọn các phiên dịch viên và thư ký của mình. Trong thời kỳ này, tất cả thành viên của bộ tộc đều được phát biểu tự do, và một số người lớn tuổi chọn những cơ hội như thế để kể lại những sự kiện họ đã chứng kiến trong quá khứ, hoặc để tóm lược lịch sử của dân tộc họ. Mặc dù những người Da Đỏ sống qua thời kỳ đen tối này khi nền văn minh của họ đã biến mất khỏi mặt đất, hàng triệu lời nói của họ còn được gìn giữ trong những tài liệu chính thức. Nhiều diễn tiến của những hội đồng quan trọng hơn được in trong các văn kiện hoặc báo cáo của nhà nước.

            Từ tất cả những nguồn lịch sử truyền khẩu gần như bị quên lãng này, tôi đã cố gắng lắp ráp thành một câu chuyện kể về cuộc chinh phục miền Tây Hoa Kỳ dưới con mắt của nạn nhân trải nghiệm nó, sử dụng những lời của chính họ bất cứ khi nào có thể. Người Mỹ, vốn luôn nhìn về phía Tây khi đọc về thời kỳ này, thì nay nên đọc quyển sách này hướng mắt về phía đông.

            Đây không phải là tác phẩm vui vẻ, nhưng lịch sử có một cách thức để xâm nhập hiện tại, và có thể những ai đọc nó sẽ có một nhận thức rõ ràng hơn về thân phận người Mỹ Da Đỏ, bằng cách biết họ là ai. Họ có thể ngạc nhiên khi nghe những lời luận giải từ tốn nói ra từ miệng của người Da Đỏ mà theo truyền thuyết của Mỹ là hiện thân của những tên man rợ tàn nhẫn. Họ có thể học hỏi điều gì đó về mối quan hệ của riêng họ với trái đất từ một dân tộc vốn là những nhà bảo tồn thực sự. Người Da Đỏ biết rằng sự sống phải được duy trì tính cân bằng với đất đai và những tài nguyên của nó, rằng nước Mỹ là một thiên đường, và họ không sao hiểu được tại sao những kẻ xâm nhập từ phương Đông quyết tâm tàn phá tất cả những gì của người Da Đỏ cũng như của chính người Mỹ.

            Và nếu độc giả của quyển sách này đã từng nhìn thấy cảnh nghèo nàn, tuyệt vọng, và nhớp nhúa của một khu dành riêng Da Đỏ hiện đại, họ có thể thực sự hiểu được lý do tại sao.

Urbana, Illinois

Tháng 4, 1970

Dee Brown

Tôi sẽ không có mặt ở đó

Tôi sẽ đứng dậy và bước đi

Hãy chôn trái tim tôi tại Wounded Knee

STEPHEN VINCENT BENET

                      

1

“Cung Cách Họ Đúng Mực và Đáng Khen”

Người Pequot ngày nay đâu rồi? Người Narragansett, Mohican, Pokanoket, và nhiều bộ tộc khác của dân tộc chúng ta từng một thời hùng mạnh nay ở đâu? Họ đã biến mất trước lòng tham lam và áp bức của người Da Trắng, như tuyết tan dưới mặt trời hè.

            Tới phiên chúng ta chúng ta có để mình bị hủy diệt mà không chiến đấu hay không, nộp nhà cửa chúng ta, xứ sở chúng ta mà đấng Thần Linh đã ban cho chúng ta, mồ mả của những người đã chết và mọi thứ thân thiết và thiêng liêng với chúng ta hay không? Tôi biết là các bạn sẽ la lớn với tôi, “Không bao giờ! Không bao giờ!”

_ TECUMSEH CỦA BỘ TỘC SHAWNEE

            CHUYỆN BẮT ĐẦU VỚI CHRISTOPHER Columbus, người đã cho dân tộc này cái tên Indios [người Ấn vì ông ngỡ mình đã đặt chân đến Ấn Độ: ND]. Những người Âu châu đó, dân da trắng, nói bằng những thứ tiếng khác nhau, và một số phiên âm thành Indien, hoặc Indianer, hoặc Indian. Peaux-rouges [Tiếng Pháp, nghĩa là Da Đỏ: ND] xuất hiện sau này. Theo phong tục của dân xứ này khi tiếp đón người lạ, bộ tộc Tainos trên đảo San Salvador hào phóng dâng tặng Columbus và người của ông ta quà cáp và đối xử với họ một cách trong đãi.

            “Quá dễ bảo, quá thuận hòa, là đặc tính của dân tộc này,” Columbus viết cho Vua và Hoàng hậu Tây Ban Nha, “đến nỗi tôi đảm bảo với ngài là trên thế giới không có một xứ sở nào tốt hơn. Họ yêu láng giềng của mình như yêu chính mình, và họ lúc nào cũng chuyện trò hòa nhã và ngọt ngào, luôn kèm theo một nụ cười; và mặc dù thực sự họ trần truồng, nhưng cung cách học rất đúng mực và đáng khen.”

            Tất cả điều này, tất nhiên, được xem là dấu hiệu của sự yếu đuối, nếu không muốn nói là dị giáo, và Columbus vốn là một người Âu châu công chính cho rằng dân tộc này nên được “bắt lao động, gieo trồng và làm tất cả những việc cần thiết và bắt phải đi theo cách thức của chúng ta.” Qua bốn thế kỷ sau đó (1492-1890) vài triệu người Âu và hậu duệ của họ ra sức áp đặt cách sống của họ lên dân tộc ở Tân Thế giới.

            Columbus bắt cóc 10 gia chủ Taino thân thiện và mang họ đến Tây Ban Nha, nơi họ có thể học hỏi cách sống của người da trắng. Một người trong nhóm chết ngay sau khi đặt chân đến nơi, nhưng không trước khi được rửa tội thành con chiên Cơ đốc giáo. Bọn chinh phục Tây Ban Nha quá hài lòng vì có thể đem người Da Đỏ đầu tiên lên thiên đường đến nỗi họ vội vàng truyền bá tin lành trên khắp miền Tây.

            Người Tainos và Arawak không kháng cự việc cải sang đạo của người Âu, nhưng họ kháng cự mạnh mẽ khi từng bầy các tên lạ lẫm có râu này bắt đầu xục xạo các đảo của họ để tìm vàng và đá quí. Bọn Tây Ban Nha cướp bóc và đốt rụi làng mạc; họ bắt cóc hàng trăm đàn ông, phụ nữ, và trẻ con và chở tàu về Âu châu để bán làm nô lệ. Sự kháng cự của người Arawak gặp phải súng và dao kiếm, và toàn thể bộ tộc bị hủy diệt, hàng trăm ngàn người trong không đầy một thập kỷ sau khi Columbus đặt chân lên bãi biển San Salvador, ngày 12/10/1492.

            Liên lạc giữa các bộ tộc trên Tân Thế giới rất chậm chạp, và tin tức về hành động tàn bạo của người Âu hiếm khi nhanh hơn làn sóng dồn dập của những cuộc chinh phục và những vùng định cư mới. Rất lâu trước khi người da trắng nói tiếng Anh đến Virginia vào năm 1607, tuy nhiên, người Powhatan đã nghe những tin đồn về văn minh kỹ thuật của bọn chinh phục Tây Ban Nha. Người Anh sử dụng những phương pháp tinh vi hơn. Để bảo đảm hòa bình đủ lâu để thiết lập một khu định cư tại Jamestown, họ đội lên đầu của Wahunsonacook một vương miện bằng vàng, và xưng ông là Vua Powhatan, và thuyết phục ông nên kêu gọi dân mình trồng trọt để cung phụng thực phẩm cho dân định cư da trắng. Wahunsonacook phân vân giữa lòng trung thành với thần dân đang nổi loạn chống người Anh, nhưng sau khi John Rolfe cưới con gái ông, Pocahontas, ông bèn quyết định là mình thuộc Anh hơn thuộc Da Đỏ. Sau khi Wahunsonacook chết, người Powhatan đứng lên báo thù, đánh đuổi người Anh trở về biển từ đó họ đã đến, nhưng người Da Đỏ đánh giá thấp sức mạnh của vũ khí Anh. Trong một thời gian ngắn 8,000 người Powhatan giảm xuống chỉ còn chưa đến 1,000.

            Tại Massachusett câu chuyện phần nào bắt đầu hơi khác nhưng kết cục thực sự cũng giống như ở Virginia. Sau khi người Anh đổ bộ ở Plymouth vào năm 1620, phần đông họ chắc hẳn đã chết đói nếu không nhận được sự giúp đỡ của những thổ dân thân hữu của Tân Thế giới. Một người Pemaquid có tên Samoset và ba người Wampanoag có tên Massasoit, Squanto, và Hobomah trở thành sứ giả tình nguyện đến khu định cư Pilgrim ở Plymouth. Tất cả đều biết nói chút ít tiếng Anh, học được từ những nhà thám hiểm đã lên bờ vài năm trước. Squanto đã bị một thủy thủ Anh bắt cóc để bán về Tây Ban Nha làm nô lệ, nhưng trốn thoát nhờ sự giúp đỡ của một người Anh khác và cuối cùng xoay sở trốn thoát được về nhà. Anh và những người Da Đỏ khác coi những người định cư ở Plymouth như những đứa trẻ bơ vơ; họ chia sẻ bắp trong kho của bộ tộc, chỉ dạy nơi và cách bắt cá, và cứu sống họ qua mùa đông đầu tiên. Khi mùa xuân đến họ cho người da trắng hạt bắp giống và chỉ họ cách trồng và thu hoạch [Đó là nguồn gốc của Lễ Tạ ơn (Thanksgiving Day), một lễ trọng của người Mỹ ngày nay : ND].

            Qua vài năm những người Anh này và người láng giềng Da Đỏ sống hòa ái với nhau, nhưng nhiều chuyến tàu đổ thêm người da trắng tiếp tục cặp bờ biển. Tiếng bổ của rìu và tiếng đổ sầm của cây bị đốn ngã vang dội khắp vùng bờ biển của vùng đất mà bây giờ người da trắng gọi là New England. Dân định cư bắt đầu chen chúc với nhau. Năm 1625 một số dân lập nghiệp hỏi Samoset nhượng cho họ thêm 12,000 mẩu đất vùng Pemaquid. Samoset biết rằng đất khai sinh từ Đấng Thần linh Vĩ đại, là vô tận như bầu trời, và không thuộc của riêng ai cả. Tuy nhiên, để đùa cợt với những kẻ lạ lùng này với cung cách lạ lùng của họ, ông tiến hành một nghi lễ chuyển nhượng đất và đánh dấu đường biên trên một tờ giấy cho họ. Đó là chứng từ địa chính đầu tiên giữa người Da Đỏ và các người lập nghiệp Anh.

            Phần đông các dân định cư khác, giờ thì họ đến đây mỗi lượt hàng ngàn người, không nhọc công đi qua nghi thức như thế. Lúc mà Massasoit, thủ lĩnh vĩ đại của Wampanoag, mất vào năm 1662 dân tộc ông đã bị đẩy lùi vào vùng hoang dã. Con trai ông Metacom thấy trước tai họa cho mọi người Da Đỏ nếu họ không đoàn kết lại để kháng cự bọn xâm lấn. Mặc dù người New England dụ dỗ Metacom bằng cách phong ông là Vua Philip của Pokanoket, ông dồn hết thời gian để thành lập liên minh với người Narragansett và các bộ tộc khác trong vùng.

            Vào năm 1675, sau một loạt những hành động ngang ngược của bọn lập nghiệp, Vua Philip cầm đầu liên minh Da Đỏ của ông vào cuộc chiến nhằm cứu vớt các bộ tộc khỏi bị diệt vong. Các chiến binh Da Đỏ tấn công 52 khu định cư, phá hủy hoàn toàn 12 khu, nhưng sau nhiều tháng chiến đấu, hỏa lực của bọn định cư thực sự tận diệt dân tộc Wampanoag và Narragansett. Vua Philip bị giết và đầu ông bị treo ngoài trời ở Plymouth trong 20 năm. Cùng với những phụ nữ và trẻ con Da Đỏ bị bắt khác, vợ và con trai còn nhỏ của ông bị bán làm nô lệ ở miền Tây.

            Khi người Hà Lan đến Đảo Manhattan, Peter Minuit mua nó với giá 60 guilder (đơn vị tiền tệ của Hà Lan thời đó) trả bằng móc câu và chuỗi hột thủy tinh, nhưng khuyến khích người Da Đỏ ở lại và tiếp tục trao đổi da thú quí giá của họ với những món nữ trang rẻ tiền như thế. Năm 1641, Willem Kieft bắt dân Mohican phải nộp cống vật và phái binh lính đến Đảo Staten để trừng trị người Raritan vì tội xúc phạm mà họ không hề gây ra trong khi dân định cư da trắng mới là thủ phạm. Người Raritan chống lại lệnh bắt, và binh lính giết hạ bốn người. Khi người Da Đỏ đáp trả bằng cách giết chết bốn người Hà Lan, Kieft ra lệnh tàn sát toàn bộ hai làng trong lúc dân cư đang ngủ. Binh lính Hà Lan chọc lưỡi lê vào đàn ông, phụ nữ, và trẻ con, chặt thân thể ra từng miếng, và rồi phóng hỏa đốt rụi làng.

            Trong hơn hai thế kỷ những sự kiện này lặp đi lặp lại khi dân lập nghiệp càng tiến sâu vào nội địa qua ngõ Alleghenies và xuống các con sông chảy về tây đến Con Nước Lớn (tức sông Mississippi) và rồi đi ngược lên Vũng Bùn Lớn (tức Missouri).

            Năm Quốc Gia của bộ tộc Iroquois, bộ tộc hùng mạnh nhất và tiến bộ nhất trong số các bộ tộc miền đông, nỗ lực một cách vô vọng để tìm kiếm hòa bình. Sau nhiều năm đổ máu để giành sự độc lập về chính trị của mình, cuối cùng họ quị xuống thảm bại. Một số trốn thoát đến Canada, một số chuồn về miền tây, một số sống dở chết dở trong các khu dành riêng tù hãm.

            Trong thập niên 1760 Pontiac của bộ tộc Ottawa liên kết các bộ tộc ở xứ sở Đại Hồ với hi vọng đánh đuổi người Anh lui ngược về bên kia Alleghenies, nhưng ông thất bại. Sai lầm lớn nhất của ông là liên minh với dân da trắng nói tiếng Pháp; họ dừng lại mọi hỗ trợ cho người peaux rouges [tiếng Pháp, nghĩa là da đỏ] trong khi họ bị bao vây ngặt nghèo ở Detroit.

            Một thời đại sau, Tecumseh của bộ tộc Shawnee hợp thành liên minh lớn với các bộ tộc trung tây và nam để bảo vệ lãnh thổ của mình khỏi bị xâm lấn. Giấc mộng ấy chấm dứt với cái chết của Tecumseh trong một trận đánh của Cuộc Chiến 1812.

            Giữa những năm 1795 và 1840 người Miami đánh hết trận này đến trận khác, và ký hiệp ước này đến hiệp ước khác, nhượng vùng Thung lũng Ohio giàu có của họ cho đến khi không còn đất để nhượng nữa.

            Khi dân định cư da trắng bắt đầu tràn vào xứ Illinois sau Cuộc Chiến 1812, người Sauk và Foxe trốn thoát qua Mississippi. Một tù trưởng cấp dưới, Diều Hâu Đen, không chịu rút lui. Ông tạo liên minh với Winnebago, Pottawotamy, và Kickapoo, và tuyên chiến với các khu định cư mới. Một băng Winnebago, chịu nhận tiền hối lộ của một chỉ huy da trắng gồm 20 ngựa và 100 đô la, đã phản bội Diều Hâu Đen, và ông ta bị bắt vào năm 1832. Ông bị đưa về miền Đông tống giam và trình diện cho dân chúng xem. Sau khi ông mất năm 1838, thống đốc của Lãnh địa Iowa vừa được thành lập gần đây nhận được bộ xương của ông và trưng bày nó trong văn phòng.

            Vào năm 1829, Andrew Jackson, có biệt hiệu là Dao Sắc do người Da Đỏ gọi, nhậm chức vị Tổng thống Hoa Kỳ. Trong sự nghiệp nơi biên địa, Dao Sắc và binh lính của ông đã tàn sát hàng ngàn người Cherokee, Chickasaw, Choctaw, Creed, và Seminole, nhưng những chiến binh Da Đỏ miền nam này vẫn còn nhiều và bám đất của bộ tộc một cách kiên cường, vùng đất mà các hiệp ước của người da trắng đồng ý cho họ vĩnh viễn. Trong thông điệp đầu tiên mà Dao Sắc đọc trước Quốc Hội, ông khuyến nghị rằng tất cả dân Da Đỏ này phải được dời đi về phía tây bên kia sông Mississippi. “Tôi đề nghị sự hợp thức hóa việc dành riêng một khu rộng rãi phía tây Mississippi . . . bảo đảm cho các bộ tộc Da Đỏ, chừng nào họ vẫn còn ở đó.”

            Mặc dù việc thi hành một luật như thế chỉ góp thêm trong danh sách dài những lời hứa hẹn với dân Da Đỏ bị phá vỡ, Dao Sắc tin rằng người Da Đỏ và da trắng không thể sống chung hòa bình và kế hoạch của ông có thể là một lời hứa cuối cùng không bao giờ bị phá vỡ. Vào ngày 28/5, 1830, những khuyến nghị của Dao Sắc trở thành luật.

            Hai năm sau ông bổ nhiệm một ủy viên lo về vấn đề Da Đỏ để phục vụ trong Bộ Chiến tranh và thấy rằng các luật mới liên quan đến người Da Đỏ được thực thi tử tế. Và rồi vào ngày 30/6/1834, Quốc Hội thông qua Đạo Luật Qui Định Việc Giao Dịch và Giao Tiếp với Người Da Đỏ và Duy Trì Hòa Bình trên Biên Địa. Tất cả vùng đất của Hoa Kỳ phía tây Mississippi “và không nằm trong các Bang Missouri và Louisiana hoặc là Lãnh thổ Arkansas” sẽ là vùng đất của người Da Đỏ. Không người buôn bán da trắng bất lương nào được phép cư ngụ trong xứ Da Đỏ. Không người da trắng nào được phép định cư trong xứ sở Da Đỏ. Lực lượng quân sự của Hoa Kỳ sẽ được điều động khi có tin người da trắng bị bắt gặp khi vi phạm các điều khoản của đạo luật này.

            Trước khi những đạo luật này có thể đem ra thi hành, một làn sóng mới của dân định cư da trắng tràn về phía tây và tạo ra lãnh thổ Wisconsin và Iowa. Sự kiện này khiến các nhà lập chính sách của Washington cần phải di dời “biên cương Da Đỏ vĩnh viễn” từ Sông Mississippi đến kinh tuyến thứ 95. (Đường này chạy từ Hồ Woods đến nơi mà ngày nay gọi là biên giới Minnesota-Canada, cắt về phía nam qua miền mà ngày nay gọi là bang Minnesota và Iowa, và sau đó các biên giới phía tây của Missouri, Arkansas, và Louisiana, đến Vịnh Galveston, Texas.) Để giữ người Da Đỏ ở phía bên kia kinh tuyến thứ 95 và ngăn cản dân da trắng không phép được vượt qua nó, các binh lính được bố trí trong một chuỗi các căn cứ quân sự chạy về nam từ Đồn Snelling trên bờ sông Mississippi đến các đồn Atkinson và Leavenworth trên Missouri, các đồn Gibson và Smith trên Arkansas, Đồn Towson trên Red, và Đồn Jesup ở Louisiana.

            Hơn ba thế kỷ đã trôi qua kể từ Christopher Columbus đổ bộ lên San Salvador, hơn hai thế kỷ từ khi các dân lập nghiệp Anh đến Virginia và New England. Trong thời gian đó người Tainos thân thiện đã từng tiếp đón Columbus lên bờ đã hoàn toàn bị xóa sạch. Lâu trước khi người Tainos cuối cùng qua đời, nền văn hóa nông nghiệp và thủ công giản dị của họ đã bị hủy diệt và thay thế bởi các trang trại trồng bông vải sử dụng lao động nô lệ. Các thực dân da trắng hạ trắng rừng cây nhiệt đới để mở rộng đất trồng trọt; các cây bông vải làm đất cạn kiệt; gió không được rừng cây che chắn nữa phủ cát lên đồng ruộng. Khi Columbus đầu tiên trông thấy đảo ông mô tả nó “rất rộng lớn và rất bằng phẳng và cây cối xanh tươi . . . toàn bộ khung cảnh phủ đầy màu xanh nhìn ngắm thật là vui mắt.” Người Âu theo bước chân ông đến đó đã phá hủy thực vật và cư dân ở đó – con người, muông thú, chim chóc, và cá –  và sau khi biến nó thành đất hoang hóa, họ bỏ đi.            

            Trên lục địa Mỹ châu, người Wampanoag vùng Massasoit và Vua Philip đã biến mất, cùng với người Chesapeake, Chickahominy, và Potomac thuộc liên minh Powhatan vĩ đại. (Chỉ có Pocahontas là được nhớ đến.) Phân tán và giảm sút chỉ còn là tàn tích là người Pequoit, Montauk, Nanticoke. Machapunga, Catawba, Cheraw, Miami, Huron, Erie, Mohawk, Senecas, và Mohegan. (Chỉ có Uncas là được nhớ đến.) Các cái tên nghe du dương của họ vẫn còn được mãi mãi giữ lại trên đất Mỹ, nhưng nắm xương tàn của họ đã bị quên lãng trong hàng ngàn ngôi làng bị thiêu rụi hoặc mất tích trong rừng già nhanh chóng biến mất trước búa rìu của hai mươi triệu kẻ xâm lấn. Những dòng suối từng là nguồn nước ngọt, hầu hết mang tên Da Đỏ, đã đục lên vì bùn và chất thải của con người; ngay cả đất đai cũng bị cướp phá và phung phí. Đối với người Da Đỏ hình như người Âu căm ghét hết thảy mọi thứ thuộc về tự nhiên – các cánh rừng sinh sôi và chim chóc cùng muông thú, các trảng cỏ, suối nước, đất trồng, và thậm chí không khí.

            Thập kỷ tiếp theo việc thành lập “biên cương Da Đỏ vĩnh viễn” là một khoảng thời gian tồi tệ cho các bộ tộc miền đông. Quốc gia Cherokee vĩ đại đã sống sót trong hơn 100 năm có chiến tranh với người da trắng, bệnh tật, và rượu uýt ki, nhưng đến giờ đã bị xóa sổ. Bởi vì dân số Cherokee lên đến  vài ngàn, nên việc di dời họ đến miền Tây được thực hiện nhiều giai đoạn, nhưng việc khám phá ra vàng Appalachian bên trong lãnh thổ của họ khiến dân chúng la ó đòi  đưa toàn bộ người Da Đỏ ra đi ngay lập tức. Trong mùa thu 1838, binh lính Tướng Winfield Scott dồn họ lại và tập kết họ trong những trại. (Vài trăm người đào thoát đến Núi Smoky và nhiều năm sau đó được phân cho một khu dành riêng ở Bắc Carolina.) Từ các trại tù họ được chở về phía tây đến Lãnh địa Da Đỏ. Trên hành trình mùa đông dài, cứ bốn người Cherokee có một người chết vì rét, đói, hoặc bệnh tật. Họ gọi chuyến đi này là “con đường nước mắt.” người Choctaw, Chickasaw, Creek, và Seminole cũng nộp đất đai quê hương mình ở miền Nam. Ở miền Bắc, những tàn tích còn sống sót gồm người Shawnee, Miami, Ottawa, Huron, Delaware, và nhiều bộ tộc khác từng một thời hùng mạnh lội bộ hoặc cỡi ngựa và đi xe bên kia sông Mississippi, mang theo những đồ đạc xập xệ, những công cụ làm nông rĩ sét, và các bao hạt giống bắp. Tất cả họ đến như những người tị nạn, người thân nghèo khó, trong xứ sở của những người Da Đỏ Đồng bằng tự do và kiêu hãnh.

            Hiếm khi dân tị nạn định cư đằng sau sự an toàn của “đường biên cương Da Đỏ vĩnh cữu” khi các binh lính bắt đầu tiến quân về phía tây xuyên qua xứ sở Da Đỏ. Người da trắng của Hoa Kỳ – vốn nói rất nhiều về hòa bình nhưng hình như ít khi thực thi nó – đang tiến đánh người da trắng đã chinh phục dân Da Đỏ ở Mexico [tức người Tây Ban Nha: ND]. Khi cuộc chiến với Mexico kết thúc vào năm 1847, Hoa Kỳ sở hữu một vùng lãnh thổ bao la từ Texas đến California. Tất cả vùng đất này là phía tây “đường biên cương Da Đỏ vĩnh cữu.”

            Vào năm 1848 vàng được phát hiện tại California. Trong vòng vài tháng, hàng ngàn người miền đông săn tìm của cải băng qua Lãnh địa Da Đỏ. Người Da Đỏ từng sống hoặc đi săn dọc theo các đường mòn Santa Fe và Oregon đã quen thỉnh thoảng nhìn thấy một chiếc xe ngựa chở những nhà buôn, thợ đánh bẫy, hoặc cha sứ được cấp phép. Nhưng bây giờ thình lình các con đường đó chen chúc những xe ngựa, và những xe ngựa chở đầy dân da trắng. Phần đông họ đều hướng về California tìm vàng, nhưng một số quay về phía nam đến New Mexico hoặc tây bắc đến xứ Oregon.

            Để hợp thức hóa sự vi phạm “đường biên cương Da Đỏ vĩnh viễn,” các nhà làm luật ở Washington sáng chế cái gọi là Số mệnh An Bày, một thuật ngữ dùng để nâng bọn đói đất lên một bình diện cao quý. Người Âu và các hậu duệ của họ được số mệnh định đoạt là được trị vì toàn châu Mỹ. Họ là chủng tộc thống trị và do đó có trách nhiệm đối với người Da Đỏ – cùng với đất đai của họ, rừng rậm của họ, và tài nguyên khoáng sản của họ. Chỉ những người New England, vốn đã hủy diệt hoặc đuổi cổ tất cả người Da Đỏ của họ, mới tuyên bố chống lại Số mệnh An Bày,

            Vào năm 1850, mặc dù không bộ tộc Modoc, Mohave, Palute, Shasta, Yuma, hoặc một trăm bộ tộc ít tiếng tăm khác sống dọc theo bờ Thái bình dương được tham khảo về vấn đề này, California trở thành bang thứ 31 của Liên bang. Trong vùng núi Colorado vàng được phát hiện, và những đàn lũ mới các tên muốn làm giàu tràn ngập các Đồng bằng. Hai lãnh thổ mới được hình thành, Kansas và Nebraska, bao gồm thực sự toàn bộ xứ sở của các bộ tộc Đồng bằng. Năm 1858 Minnesota trở thành một bang, biên giới của nó được mở rộng một trăm dặm qua kinh tuyến thứ 95, “đường biên cương Da Đỏ vĩnh viễn.”

            Và như vậy chỉ một phần tư thế kỷ sau khi thi hành đạo luật của Dao Sắc Andrew Jackson về Việc Giao dịch và Giao tiếp với Người Da Đỏ, dân định cư da trắng đã xâm nhập cả sườn phía bắc lẫn phía nam kinh tuyến 95, và những nhóm tiên phong các dân khai mỏ và nhà buôn da trắng đã thọc sâu vào trung tâm.

            Thế rồi, vào đầu thập niên 1860, dân da trắng Hoa Kỳ gây chiến với nhau – bọn Áo xanh đánh nhau với bọn Áo xám. Trong năm 1860 chắc chắn có đến 300,000 dân Da Đỏ ở Hoa Kỳ và các vùng lãnh thổ, hầu hết đều sinh sống ở phía tây Mississippi. Theo các ước tính không nhất quán, dân số họ giảm xuống phân nửa hay hai phần ba kể từ khi người định cư đầu tiên đến Virginia và New England. Những người sống sót giờ bị dồn ép giữa dân số da trắng bành trướng ở phía Đông và dọc theo các bờ biển Thái bình dương – hơn 30 triệu người Âu và hậu duệ của họ. Nếu các bộ tộc tự do còn lại tin rằng Cuộc Nội Chiến của người da trắng sẽ làm chúng hoãn lại việc gây áp lực giành đât, thì họ sớm sẽ hoàn toàn vỡ mộng.

            Bộ tộc phía tây hùng mạnh và đông đảo là Sioux, hoặc Dakota, đã bị phân chia thành vài bộ phận nhỏ. Người Santee Sioux sống trong những rừng cây của Minnesota, và vài năm nay họ đã lùi dần trước sự xâm lấn của dân định cư. Quạ Nhỏ thuộc bộ tộc Mdewkanton, sau khi được dẫn đi tham quan một vòng các thành phố miền đông, nhận ra rằng sức mạnh của Hoa Kỳ là không thể kháng cự được. Ông ta miễn cưỡng cố gắng dẫn dắt bộ tộc mình đi theo con đường của người da trắng. Wabasha, một thủ lĩnh Santee khác, cũng chấp nhận điều không thể tránh khỏi, nhưng cả ông và Quạ NHỏ đều quyết tâm chống đối việc nộp đất nhiều hơn nữa.

            Xa hơn về phía tây trên Đồng Bằng Lớn là bộ tộc Teton Sioux, những người Da Đỏ cỡi ngựa, và hoàn toàn tự do. Họ phần nào khinh khi những anh em họ Santee ở rừng cây vì đã đầu hàng dân định cư. Đông đảo nhất và rất tự tin vào khả năng phòng vệ lãnh thổ của mình là bộ tộc Oglala Teton. Vào đầu Cuộc Nội Chiến của người da trắng, thủ lĩnh lừng lẫy của họ là Mây Đỏ, 38 tuổi, một thủ lĩnh chiến binh mưu trí. Vẫn còn quá trẻ để làm một chiến binh là Ngựa Điên, một thiếu niên Oglala gan dạ, thông minh.

            Trong số những người Hunkpapa, một chi nhánh nhỏ của bộ tộc Teton Sioux, một thanh niên trong độ tuổi 20 đã sớm gây được tiếng tăm là một tay săn và chiến binh. Trong các hội đồng bộ tộc anh hô hào kháng cự không nhượng bộ bất kỳ sự xâm chiếm nào của người da trắng. Anh là Tatanka Yotanka, Bò Ngồi. Anh là thầy huấn luyện cho một bé trai mồ côi tên là Gall. Cùng với Ngựa Điên của bộ tộc Oglala, họ sẽ tạo nên lịch sử 16 năm sau vào 1876.

            Mặc dù ông vẫn chưa đến 40, Đuôi Đốm đã là phát ngôn viên chình của bộ tộc Brule Teton, sinh sống trên đồng bằng miền tây xa xôi. Đuôi Đốm là một chiến binh Da Đỏ vui vẻ, đẹp trai, ưa thích lễ hội và các phụ nữ chiều chuộng. Ông muốn hưởng thụ cuộc sống và đất đai ông bước trên đó, nhưng cũng muốn đàm phán để tránh chiến tranh.

            Liên hệ mật thiết với người Teton Sioux là người Cheyenne. Ngày trước bộ tộc Cheyenne sinh sống trong vùng Minnesota của Santee Sioux, nhưng dần dần họ chuyển về hướng tây và kiếm được ngựa. Giờ thì người Cheyenne phương Bắc chia sẻ Sông Powder và xứ Bighorn với người Sioux, thường thường hạ trại gần họ. Dao Cùn, trong tuổi tứ tuần, là một thủ lĩnh nổi bật của nhánh bộ tộc phía bắc. (Đối với dân của mình Dao Cùn được xem là Sao Mai, nhưng người Sioux gọi ông là Dao Cùn, phần nhiều những ghi chép đương thời sử dụng biệt danh này.)

            Người Cheyenne phương Nam đã trôi giạt phía dưới Sông Platte, dựng làng trên các đồng bằng Colorado và Kansas. Ấm Đen của nhánh phương nam từng là một chiến binh vĩ đại trong thời còn trẻ. Sau thời trung niên, ông là tù trưởng được công nhận, nhưng các chiến binh trẻ hơn và nhóm Hotamitaneo (Khuyển Quân) của bộ tộc Cheyenne phương Nam có khynh hướng nghe theo những thủ lĩnh như Bò Cao và Mũi Cao, đang trong thời sung sức của họ.

            Người Arapaho, là người thân thiết xưa cũ của bộ tộc Cheyenne và cùng sống chung trên một khu vực. Một số ở lại với người Cheyenne phương Bắc, số khác đi theo nhánh phương Nam. Quạ Nhỏ, trong tuổi tứ tuần, lúc này là thủ lĩnh lừng lẫy nhất.

            Phía nam các khu vực bò rừng ở Kansas-Nebraska là bộ tộc Kiowa. Một số người Kiowa lớn tuổi có thể nhớ vùng Đồi Đen, nhưng bộ tộc đã bị đẩy lùi về phương nam trước khi các lực lượng giữa người Sioux, Cheyenne, và Arapaho phối hợp lại. Vào năm 1860 người Kiowa đã sống hòa bình với các bộ tộc đồng bằng phía bắc và đã trở thành đồng minh của người Comanche, mà các đồng bằng của họ người Kiowa đã đi vào. Bộ tộc Kiowa có một số thủ lĩnh vĩ đại – một tù trưởng lớn tuổi, Satank; hai chiến binh cường tráng trong độ tuổi 30, Satanta và Sói Cô Độc; và một chính khách khôn khéo Chim Đá.

            Người Comanche, liên tục di chuyển và phân chia thành nhiểu băng nhóm nhỏ, thiếu người lãnh đạo. Mười Gấu, rất già, là một thi sĩ hơn là một tù trưởng chiến binh. Vào năm 1860, Quanah Parker lai Da Đỏ, người đã dẫn dắt dân Comanche trong cuộc tranh đấu lớn cuối cùng để cứu lấy khu bò rừng của họ, vẫn chưa được 20 tuổi.

            Trong vùng Tây nam khô cằn là bộ tộc Apache, các cựu chiến binh của 250 chiến tranh du kích chống người chinh phạt Tây Ban Nha, vốn đã dạy họ nghệ thuật tinh vi của tra khảo và tùng xẻo nhưng không hề khuất phục được họ. Mặc dù chỉ là số ít – chắc chắn không tới 6,000 người được phân ra thành vài băng nhóm – là những chiến binh bảo vệ kiên cường mảnh đất khắc nghiệt mà tiếng tăm đã được khẳng định. Mangas Colorado, trong tuổi lục tuần, đã ký hiệp ước thân hữu với Hoa Kỳ, nhưng đã vỡ mộng vì làn sóng người khai mỏ và binh lính tràn vào lãnh thổ của ông. Cochise, con rễ ông, vẫn còn tin  rằng mình có thể hòa thuận với người Mỹ da trắng. Victorio và Delshay thì không tin người xâm nhập da trắng nên tránh xa họ. Nana, trong tuỗi ngũ tuần nhưng vẫn còn dai như da sống, xem những người da trắng nói tiếng Anh không khác người Mễ nói tiếng Tây Ban Nha mà ông đã suốt đời đánh nhau. Geronimo, trong tuổi hai mươi, vẫn chưa chứng tỏ được mình.

            Người Navaho có bà con với người Apache, nhưng phần đông người Navaho đã đi theo con đường của người da trắng Tây Ban Nha và đang chăn nuôi cừu và dê, trồng lúa và cây ăn trái. Là người chăn thả súc vật và dệt vải, một số nhóm của bộ tộc đã trở nên khấm khá. Những người Navaho khác tiếp tục là dân du mục, đột kích những kẻ cựu thù người Pueblo, dân định cư da trắng, hoặc các thành viên giàu có của bộ tộc họ. Manuelito, một nhà chăn nuôi để râu, vạm vỡ, là tù trưởng đứng đầu, được người Navaho chọn ra trong cuộc bầu cử vào năm 1855. Vào năm 1859, khi một vài người Navaho ngông cuồng đột kích các công dân Mỹ trong khu vực của họ, Quân đội Hoa Kỳ trả thù bằng cách không săn đuổi các tên tội phạm mà phá hủy cơ ngơi và bắn chết tất cả gia súc của Manuelito và các thành viên của ông. Vào năm 1860, Manuelito và một số chiến binh theo ông tham gia vào một cuộc chiến không tuyên chiến với Hoa Kỳ trong vùng bắc New Mexico và Arizona.

            Trong vùng núi Rockies ở phía bắc xứ Apache và Navaho là bộ tộc Ute, một bộ tộc miền núi hiếu chiến thường độc kích các xóm giềng hiếu hòa ở phương nam. Ouray, thủ lĩnh nổi tiếng nhất của họ, ưng sống hòa bình với người da trắng thậm chí đến độ làm lính đánh thuê cho họ để chống lại các bộ tộc Da Đỏ khác.

            Ở miền viễn Tây phần đông các bộ tộc đều quá nhỏ, quá phân tán, hoặc quá yếu để có thể kháng cự. Bộ tộc Modoc ở bắc California và nam Oregon, có quân số ít hơn 1,000 người, chiến đấu theo kiểu du kích để bảo vệ vùng đất của mình. Kintpuash, mà người định cư California gọi bằng tên Đại úy Jack, chỉ là một thanh niên trẻ vào năm 1860; thử thách của anh trong vai trò thủ lĩnh sẽ đến trong 12 năm tới.

            Phía tây bắc bộ tộc Modoc, bộ tộc Nez Perce đã từng sống trong hòa bình với người da trắng từ thời Lewis và Clark băng qua lãnh thổ của họ vào năm 1850. Năm 1855, một nhánh bộ tộc nhượng đất Nez Perce cho Hoa Kỳ để làm khu định cư, và đồng ý sinh sống giam hãm trong một khu dành riêng rộng lớn. Những băng nhóm khác của bộ tộc tiếp tục dong ruổi giữa các ngọn Núi Xanh vùng Oregon và Bitterroots của vùng Idaho. Vì xứ Tây bắc bao la, người Nez Perce tin rằng sẽ luôn có đủ đất cho cả da trắng lẫn Da Đỏ sử dụng tùy thích. Heinmot Tooyalaket, về sau được biết dưới tên Tù trưởng Joseph, chắc hẳn sẽ phải ra một quyết định định mệnh vào năm 1877 giữa chiến tranh và hòa bình. Vào năm 1860 ông mới 20 tuổi, con trai của một tù trưởng.

            Trong xứ Nevada của bộ tộc Paiute một bậc tiên tri có tên Wovoka, sau này sẽ có một ảnh hưởng tuy ngắn ngủi nhưng mạnh mẽ lên người Da Đỏ miền Tây, vào năm 1860 chỉ mới lên 4.

            Trong 30 năm tiếp theo những thủ lĩnh này và nhiều người khác sẽ bước vào lịch sử và huyền thoại. Tên tuổi của họ sẽ trở nên tiếng tăm như những người đã cố tiêu diệt họ. Phần đông, trẻ cũng như già, sẽ bị xô vào lòng đất khá lâu trước khi cái kết thúc mang tính biểu tượng của nền tự do Da Đỏ xảy đến ở Wounded Knee, 1890. Giờ này, đã qua một thế kỷ, trong một thời đại không có anh hùng, họ có lẽ là những con người anh dũng nhất của lịch sử Hoa Kỳ.   

2

Chuyến Đi Dài của Bộ Tộc Navahos

            1860- Ngày 12 tháng 3, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Quyền Ưu tiên Mua Bán, cung cấp đất hoang cho những dân định cư trong các lãnh thổ miền Tây. Ngày 3 tháng 4, chuyến Pony Express [chuyến đưa thư tốc hành bằng ngựa] đầu tiên rời St. Joseph, Missouri; giao thư tại Sacramento, California, ngày 13/4. Ngày 23/4, Đại hội Đảng Dân chủ ở Charleston, Nam Carolina, chia rẽ về vấn đề nô lệ. Ngày 16-18 tháng 5, Đại hội Đảng Cộng Hòa ở Chicago chỉ định Abraham Lincoln làm ứng viên Tổng thống. Tháng 6, dân số Hoa Kỳ lên đến 31,4433,321 người. Tháng 7, súng liên thanh Spencer được sáng chế. Ngày 6 tháng 11, Abraham Lincoln chỉ nhận 40 % số phiếu bầu phổ thông nhưng vẫn đắc cử chức tổng thống. Ngày 20 tháng 12, Nam Carolina ly khai khỏi Liên bang miền Bắc.

1861- Ngày 4 tháng 2, Quốc hội Liên minh tổ chức tại Montgomery, Alabama. Ngày 9 tháng 2, Jefferson Davis được bầu làm tổng thống Liên minh miền Nam. Ngày 11 tháng 2, Abraham Lincoln chào tạm biệt với thân hữu và hàng xóm ở Springfields, Illinois, và đáp xe lửa đến Washington. Tháng 3, Tổng thống Davis yêu cầu một quân số 100,000 người để bảo vệ Liên minh. Ngày 12 tháng 4, Liên minh khai hỏa vào Đồn Sumter. Ngày 14 tháng 4, Đồn Sumter thất thủ. Ngày 15 tháng 4, Tổng thống Lincoln kêu gọi 75,000 tình nguyện quân. Ngày 21 tháng 7, Trận đánh Đầu tiên Bull Run; Quân đội Liên bang phải lui về Washington. Ngày 6 tháng 10, các sinh viên Nga nổi loạn đóng cửa Đại học St. Peterburg. Ngày 25 tháng 10, đường Điện tín Thái bình dương nối St. Louis và San Francisco hoàn tất. Ngày 5 tháng 12, súng Gatling được cấp bằng sáng chế. Ngày 14 tháng 12, dân Anh thương tiếc sự qua đời của Albert, Hoàng thân Hôn phu của Nữ hoàng Victoria. Ngày 30 tháng 12, các ngân hàng đình chi việc chi trả bằng vàng.

          Khi cha ông chúng tôi sống họ nghe nói người Mỹ vượt qua con sông lớn đi về tây. . . Chúng tôi nghe nói về súng, thuốc súng và đạn – trước tiên là súng kíp, rồi đầu đạn nổ, và bây giờ là súng liên thanh. Mới đầu chúng tôi thấy người Mỹ ở Cottonwood Wash. Chúng tôi đánh nhau với người Mễ và Pueblo. Chúng tôi đoạt lừa từ người Mễ, và có được nhiều lừa. Người Mỹ đến trao đổi với chúng tôi. Lần đầu tiên khi người Mỹ đến chúng tôi tổ chức lễ nhảy múa lớn, và họ cũng nhảy múa với các phụ nữ của chúng tôi. Chúng tôi cũng trao đổi.

  • MANUELITO CỦA BỘ TỘC NAVAHO

            MANUELITO VÀ NHỮNG TÙ TRƯỞNG NAVAHO khác ký hiệp ước với người Mỹ. “Sau đó lính Mỹ xây dựng đồn ở đây,” Manuelito nhớ lại, “và gởi cho chúng tôi một đặc vụ để khuyên chúng tôi hãy xử sự phải phép. Y bảo chúng tôi sống hòa thuận với người da trắng; và giữ những lời chúng tôi đã hứa. Họ viết ra những lời hứa hẹn, để chúng tôi luôn nhớ đến chúng.”

            Manuelito cố gắng giữ đúng lời hứa trong hiệp ước, nhưng sau khi bọn lính đến và đốt nhà và giết gia súc của ông vì điều gì đó mà một ít thanh niên trẻ Navaho ngông cuồng đã gây ra, ông trở nên nổi giận với người Mỹ. Ông và bộ tộc của mình từng rất giàu có, nhưng bọn lính đã làm họ nghèo đi. Để giàu có trở lại họ phải đánh đuổi người Mễ về phía nam, và vì thế người Mễ gọi họ là ladrone, tức bọn trộm cướp. Rất lâu trong thời xa xưa không ai còn nhớ, người Mễ cũng từng đột kích người Navahos để bắt sống những trẻ con của họ và làm nô lệ cho chúng, và cũng xa xưa như ta có thể nhớ người Navahos cũng đã đáp trả bằng những cuộc đột kích chống người Mễ.

            Sau khi người Mỹ đến Santa Fe và gọi xứ này là New Mexico, họ bảo vệ người Mễ vì người Mể đã trở thành công dân Mỹ. Người Navahos không phải là công dân vì họ là người Da Đỏ, và khi họ đột kích người Mễ, lính Mỹ sẽ săn đuổi họ vào tận xứ sở Navaho để trừng phạt như những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Manuelito và người của mình nổi giận vì không sao hiểu được, vì họ biết rằng nhiều người Mễ có dòng máu Da Đỏ, vậy mà không có tên lính nào đuổi bắt người Mễ để trừng phạt tội bắt sống trẻ em Navaho.

            Đồn đầu tiên mà người Mỹ dựng lên trong lãnh thổ Navaho nằm trong thung lũng cỏ xanh ở miệng Khe Bonito. Họ đặt tên đồn là Đồn Thách Thức, và cho ngựa chúng ra gặm cỏ trên các đồng cỏ từ lâu được Manuelito và dân ông trân trọng. Viên chỉ huy bảo người Navaho là các đồng cỏ là của họ, và ra lệnh cho người Navaho đem gia súc đi chỗ khác. Vì không có hàng rào nên người Navaho không thể ngăn gia súc mình chạy lạc vào những cánh đồng cỏ bị ngăn cấm. Một buổi sáng một đoàn lính tráng cỡi ngựa chạy ra khỏi đồn và bắn chết tất cả gia súc của người Navaho.

            Để thay số ngựa và lừa bị mất, người Navaho liền đột kích đàn gia súc và các tàu hỏa chở lương thực. Đáp lại binh lính bắt đầu tấn công những băng nhóm Navaho. Vào tháng hai, 1860, Manuelito dẫn theo 500 chiến binh cướp lại đàn ngựa của Quân đội, đang gậm cỏ cách Đồn Thách Thức một vài dặm về phía bắc. Giáo và tên của người Navaho không địch lại đội cảnh vệ trang bị đầy đủ. Họ tổn thất hơn 30 thương vong nhưng chỉ bắt được một ít ngựa. Trong những tuần tiếp theo, Manuelito và đồng minh của ông Barbonci thành lập một lực lượng hơn 1000 chiến binh, và trong ánh sáng lờ mờ của rạng đông ngày 30 tháng 4, họ bao vây Đồn Thách Thức. Hai giờ trước bình minh, người Navaho tấn công đồn từ ba phía. Họ quyết tâm quét nó khỏi vùng đất của mình.

            Họ gần như là thành công. Với loạt đạn ầm ầm của một vài khẩu súng Tây Ban Nha cũ kỹ, chiến sĩ Navaho đẩy lùi bọn lính gác và tràn ngập vài tòa nhà. Khi các tên lính giật mình đổ ra từ các doanh trại, họ gặp nhiều trận mưa tên, nhưng sau vài phút hỗn loạn các binh lính lập lại hàng ngũ và chẳng bao lâu bắt đầu khai hỏa dữ dội. Khi trời sáng, chiến binh Navaho rút về vùng đồi núi, hả hê vì đã dạy cho các binh lính Mỹ một bài học.

            Quân đội Hoa Kỳ, tuy nhiên, xem cuộc tấn công là một thách đố với lá cờ phất phới trên Đồn Thách Thức, một hành động gây chiến. Một vài tuần sau Đại tá Edward Richard Sprigg Canby, cầm đầu sáu đại đội kỵ binh và chín đại đội bộ binh, sục sạo Núi Chuska để tìm bọn Manuelito thù địch. Đạo quân mở đường qua xứ sở đá đỏ cho đến khi người ngựa rã rời và suýt chết vì khát. Mặc dù hiếm khi họ bắt gặp chiến binh Navaho, nhưng thật ra người Da Đỏ vẫn quanh đấy, quấy nhiễu bên sườn của đòan quân nhưng không tấn công trực diện. Đến cuối năm, cả hai bên đều mệt mỏi vì trò chơi điên rồ. Binh lính không thể trừng trị được người Navaho, và người Navaho thì không thể trồng trọt và chăn nuôi gia súc.

            Vào tháng 1 năm 1861, Manuelito, Barboncito, Herrero Grande, Armijo, Delgadito, và các tù trưởng đồng minh khác đồng ý gặp Đại tá Canby tại một đồn mới mà binh sĩ đang xây dựng cách Đồn Thách Thức 35 dặm về phía đông nam. Đồn mới có tên Đồn Faunleroy để vinh danh một sĩ quan chỉ huy. Vào cuối các cuộc thương lượng với Canby, người Navaho chọn Herrero Grande làm thủ lĩnh (21/2/1861). Các tù trưởng đều nhất trí tốt nhất là sống trong hòa bình, và Herrero Grande hứa sẽ đuổi tất cả bọn trộm cắp ra khỏi bộ tộc. Manuelito không chắc là lời hứa này có thể thực hiện được, nhưng ông cũng ký tên mình vào văn kiện của Canby. Là một người chăn nuôi ăn nên làm ra lần nữa, ông tin tưởng vào lợi ích của hòa bình và tính trung thực.

            Sau cuộc gặp gỡ mùa đông tại Đồn Fauntleroy, có được vài tháng qua lại thân hữu giữa binh lính và người Navaho. Tin đồn đến tai người Da Đỏ là xảy ra một cuộc chiến lớn đâu đó ở miền đông, một cuộc chiến giữa người Mỹ da trắng miền Bắc và miền Nam. Họ biết tin là một số binh lính của Canby đã đổi quân phục màu xanh của họ sang màu xám và đi về phía đông để đánh lại quân áo Xanh tại đó. Một trong số đó là Chúa Đại Bàng, Đại tá Thomas Fauntleroy; tên ông ta lập tức bị xóa đi, và giờ tên đồn đổi lại là Wingate.

            Trong thời gian thân thiện này, người Navaho thường đi đến Đồn Wingate để đổi chác lấy lương thực với các đại lý. Hầu hết binh lính đều chào đón họ, và một tập tục đua ngựa được hình thành giữa người Navaho và binh lính. Tất cả người Navaho đều mong đợi những dịp đua ngựa này, và vào những ngày đó  hàng trăm đàn ông, phụ nữ, và trẻ em ăn mặc y phục rực rỡ nhất và cỡi những con ngựa chiến nhất đến Đồn Wingate. Vào một buổi sáng đầy nắng mát mẻ trong tháng 9 một vài trận đua được tổ chức, nhưng trận đua đặc biệt trong ngày được ấn định vào giữa trưa. Đó là trận đua giữa Đạn Súng Lục (biệt hiệu của Manuelito do binh lính da trắng đặt) cỡi ngựa thảo nguyên, và một trung úy cỡi ngựa chiến. Nhiều vụ cá cược được đặt vào trận đấu này – tiền, chăn, gia súc, chuỗi hạt, và mọi thứ. Hai ngựa phóng đi, nhưng chỉ một vài giây mọi người có thể thấy là Đạn Súng Lục gặp rắc rối. Ông mất kiểm soát ngựa của mình, và nó chạy ra khỏi đường đua. Ngay lập tức mọi người biết biết nguyên nhân. Ai đó đã khứa dây cương của Đạn Súng Lục, nên chỉ vừa giật dây cương là nó đã đứt. Người Navaho đến ban giám khảo khiếu nại và yêu cầu đua lại. Nhưng ban giám khảo, vốn toàn là binh sĩ, từ chối; họ tuyên bố ngựa chiến của trung úy thắng cuộc. Ngay lập tức binh lính diễu hành chiến thắng về đồn để lấy tiền thắng cược

2

Manuelito, tù trưởng bộ tộc Navaho, vẽ vào năm 1891

Nổi giận vì sự lường gạt này, người Navaho rầm rộ đuổi theo bọn lính, nhưng cổng đồn đã đóng chặt trước mặt họ. Khi một người Navaho tính tìm cách xông vào, một lính canh nổ súng, giết chết y.

            Những gì xảy ra sau đó được một sĩ quan da trắng, Đại úy Nicholas Hodt, ghi lại:

              Người Navaho, phụ nữ da đỏ, và trẻ em chạy tứ tán và bị bắn hoặc đâm chết bằng lưỡi lê. Tôi tập họp được 20 người . . . Rồi tôi đi ra ngoài phía đông đồn; tại đó tôi trông thấy một binh lính đang giết hai em bé và một phụ nữ. Tôi lập tức hô y dừng lại. Y nhìn lên, nhưng không nghe lời tôi. Tôi chạy đến nhanh như có thể, nhưng không thể đến kịp để ngăn y giết hai đứa trẻ vô tội và làm bị thương trầm trọng người đàn bà. Tôi ra lệnh lột thắt lưng y và nhốt y trong đồn.

            Trong khi đó ngài Đại tá ra lệnh cho sĩ quan trực đem súng cối ra để khai hỏa vào đám Da Đỏ. Trung sĩ điều khiển súng cối giả bộ không nghe lệnh, bởi vì anh biết lệnh đó là trái luật, nhưng bị viên sĩ quan trực chưởi rủa nên đành phải thi hành lệnh nếu không sợ gặp rắc rối. Người Da Đỏ phân tán khắp thung lũng phía dưới căn cứ, tấn công đàn gia súc của căn cứ, làm bị thương người chăn Mễ, nhưng không bắt được con thú nào; họ cũng tấn công người đưa thư tốc hành cách căn cứ 10 dặm, tịch thu ngựa của y và bao tải đựng thư và làm y bị thương ở cánh tay. Sau vụ tàn sát người ta không còn thấy những người Da Đỏ lảng vảng quanh căn cứ trừ một số ít phụ nữ Da Đỏ, bồ của các sĩ quan. Viên sĩ quan chỉ huy ra sức làm hòa lần nữa với người Navaho bằng cách gởi vài cô bồ da đỏ đến nói chuyện với các tù trưởng; nhưng các cô nàng chi nhận được một trận roi tơi bời.

3

Juanita, vợ của Manuelito, một thành viên của phái đoàn Navaho đến Washington vào năm 1874.

Sau ngày đó, 22/9/1861, phải mất một khoảng thời gian dài trước khi tình thân hữu giữa người da trắng và Navaho mới được nối lại.

            Trong khi đó một đạo quân của Liên minh Áo xám đã tiến vào New Mexico và đánh những trận lớn với quân Áo xanh dọc theo Rio Grande. Kit Carson, người Ném Thòng Lọng, chỉ huy quân Áo xanh. Phần đông người Navaho tin cậy Người Ném Thòng Lọng Carson vì ông luôn bênh vực người Da Đỏ và họ hi vọng sống hòa bình với ông sau khi ông xong việc với bọn Áo xám.

            Vào mùa xuận 1862, tuy nhiên, có nhiều quân Áo xanh hơn tiến vào New Mexico từ hướng tây. Họ tự xưng là Đạo quân California . Tướng James Carleton của họ có gắn sao trên vai áo và hùng mạnh hơn Chúa Đại Bàng, Carson. Quân California này đóng trại dọc theo Thung lũng Rio Grande, nhưng họ không có việc để làm vì tất cả quân Áo xám đều rút về Texas.

            Người Navaho liền biết rằng Tướng Sao Carleton rất thèm khát đất đai của họ và bất cứ kim loại quí nào nằm dưới đó. “Một vùng đất vàng,” y gọi nó như thế, “một xứ nhiều khoáng sản và đồng cỏ bát ngát.” Vì y có quá nhiều binh lính dưới quyền không có gì để làm ngoài việc đi diễu hành trong doanh trại và lên cò súng, Carleton bắt đầu đi tìm người Da Đỏ để đánh nhau. Người Navaho, y nói, là “những lũ sói chạy rong trong núi” và phải bị kềm chế.  

            Carleton trước tiên quay hướng chú ý của mình đến người Mescalero Apache, có dân số không tới 1000 và sống thành từng băng nhóm rải rác giữa Rio Grande và Pecos. Kế hoạch của y là giết hay bắt sống tất cả người Mescalero và sau đó nhốt những người sống sót vào trong khu bảo tồn nhếch nhác dọc theo Pecos. Điều này sẽ để Thung lũng Rio Grande giàu có vào tay dân khai hoang và định cư Mỹ da trắng. Vào tháng 9, 1862, ông phát lệnh:

           

            Sẽ không có họp hội đồng với người Da Đỏ nữa, cũng không có thương thảo. Người Da Đỏ phải bị tàn sát bất cứ nơi đâu họ được tìm thấy. Đàn bà và trẻ con có thể bị bắt làm tù nhân, nhưng, dĩ nhiên, không được giết họ.

 

            Đây không phải là cách thức giải quyết người Da Đỏ của Kit Carson, nhiều người  trong số họ được ông coi như bạn trong những ngày ông giao dịch. Ông phái binh lính của mình vào trong núi, nhưng ông cũng mở những đường liên lạc với các tù trưởng Mescalero. Vào cuối thu ông sắp xếp cho 5 tù trưởng đến thăm Santa Fe và đàm phán với Tướng Carleton. Trong khi trên đường đến Santa Fe, hai tù trưởng và những người hộ tống họ gặp một toán lính dưới quyền chỉ huy của Đại  úy James Graydon, trước đây là một chủ sa-lông. Graydon giả vờ thân thiết với người Mescalero, cho họ bột mì và thịt bò làm lương thực trên hành trình. Một thời gian ngắn sau đó, khi đến gần Gallina Springs, đội thám báo của Graydon lại đến gặp nhóm Mescalero lần nữa. Những gì xảy ra sau đó không ai biết rõ, vì không có người Mescalero nào còn sống sót. Một chỉ huy binh lính da trắng, Thiếu tá Arthur Morrison, báo cáo vắng tắt: “Đại úy điều hành công việc giao dịch thật kỳ lạ . . . và từ những gì tôi nghe được ông ta đã lường gạt những người Da Đỏ này, đi thẳng vào lều họ, tặng họ rượu, sau đó bắn hạ họ, còn họ dĩ nhiên tưởng ông ta đến với mục đích thân hữu, vì ông đã tặng nào bột mì, thịt bò, và lương thực.”

            Ba tù trưởng khác, Cadette, Chato, và Estrella, đến Santa Fe và bảo đảm với Tướng Carleton là dân họ hòa hiếu với người da trắng và chỉ muốn được để yên trong vùng núi non của họ. “Ngài hùng mạnh hơn chúng tôi,” Cadette nói. “Chúng tôi đã chiến đấu với ngài khi nào còn súng và thuốc súng; nhưng vũ khí ngài tốt hơn của chúng tôi. Cho chúng tôi những vũ khí tương tự và cho chúng tôi tự do, chúng tôi sẽ chiến đấu với ngài lần nữa; nhưng giờ chúng tôi đã rã rời; chúng tôi không còn lòng dạ nào; chúng tôi không có lương thực; không phương tiện sinh sống; còn binh lính ngài thì khắp mọi nơi; suối và mạch nước của chúng tôi hoặc bị chiếm hoặc bị canh chừng. Ngài đã đánh đuổi chúng tôi ra khỏi những cứ điểm tốt nhất và cuối cùng của mình, và chúng tôi không còn lòng dạ nào. Ngài làm gì chúng tôi thì làm, nhưng đừng quên chúng tôi là những con người dũng cảm.”

            Carleton xấc xược thông báo với họ là cách duy nhất người Mescalero có thể đạt được hòa bình là rời bỏ xứ sở của họ và về Bosque Redondo, khu dành riêng mà y đã chuẩn bị cho họ ở Pecos. Ở đó họ sẽ bị giữ lại dưới sự canh gác của binh lính tại căn cứ mới gọi là Đồn Sumner.

            Bị áp đảo về quân số với binh lính, không thể bảo vệ đàn bà và trẻ con, và tin cậy vào thiện chí của Người Ném Thòng Lọng Carson, các tù trưởng Mescalero chịu tuân thủ các yêu sách của Carleton và dẫn người của họ vào chốn tù hãm ở Bosque Redondo.

            Trong nỗi thất vọng, người Navaho đã chứng kiến cách chinh phục nhanh chóng và thô lỗ của Carleton đối với người anh em họ của họ, Mescalero Apache. Vào tháng 12, 18 thủ lĩnh Da Đỏ – bao gồm Delgadito và Barboncito, nhưng không có Manuelito – đi đến Santa Fe để gặp vị tướng. Họ bảo y họ là đại diện của những người chăn nuôi gia súc và nông dân Navaho không muốn chiến tranh. Đây là dịp đầu tiên họ nhìn tận mặt Tướng Sao Carleton. Gương mặt y đầy lông, mắt long dữ tợn, và miệng là miệng của một người không biết khôi hài. Y không cười khi bảo Delgadito và những người khác: “Các ông không thể có hòa bình trừ khi đưa ra những bảo đảm khác hơn là lời hứa sẽ gìn giữ hòa bình. Đi về và bảo với người các ông như thế. Tôi không tin vào những lời hứa của các ông.”

            Vào mùa xuân 1863, phần đông người Mescalero hoặc chạy thoát về Mexico hoặc bị lùa vào Bosque Redondo. Vào tháng 4 Carleton đến Đồn Wingate “để thu thập tin tức cho một chiến dịch chống lại người Navaho ngay khi cỏ bắt đầu mọc đủ để nuôi ngựa.” Y sắp xếp gặp gỡ với Delgadito và Barboncito gần Cubero, và thông báo cộc lốc với các tù trưởng là cách duy nhất họ có thể chứng tỏ những thiện ý hòa bình của mình là dẫn người của mình ra khỏi xứ sở Navaho và gia nhập cùng với người Mescalero “mãn nguyện” tại Bosque Redondo. Nghe như thế Barboncito liền trả lời: “Chúng tôi sẽ không đi đến Bosque. Chúng tôi thà chết chứ không chịu rời bỏ xứ sở mình.”

            Vào 23/6 Carleton ấn định thời hạn chót cho người Navaho đến sống ở Bosque Redondo. “Liên lạc với Delgadito và Barboncito lần nữa,” ông chỉ thị cho chi huy trưởng Đồn Wingate, “và lặp lại những gì tôi đã bảo họ, và bảo với họ rằng tôi sẽ lấy làm tiếc nếu họ từ chối vào đó . . . Bảo với họ rằng họ có thể đến đó chậm nhất là ngày 20 tháng 7 năm nay – họ và tất cả những người thuộc về cái mà họ gọi là nhóm hòa bình gì đó; rằng sau ngày đó mọi người Navaho bị bắt gặp đều được coi là thù địch và bị đối xử thích hợp; rằng sau ngày đó cánh cửa giờ đang mở sẽ đóng lại.” Ngày 20/7 đến rồi đi, nhưng không có người Navaho nào tình nguyên đến trình diện.

            Trong khi đó, Carleton ra lệnh cho Kit Carson đưa binh lính từ xứ sở Mescalero đến Đồn Wingate và chuẩn bị cuộc chiến chống người Navaho. Carson miễn cưỡng; y phàn nàn là mình đã tình nguyện đầu quân để đánh nhau với quân Liên minh, chứ không phải người Da Đỏ, và ông gởi cho Carleton một thư từ nhiệm.

            Kit Carson quí mến người Da Đỏ. Trước đây y đã từng cống chung với họ mỗi lần hàng tháng trời mà không gặp mặt người da trắng nào. Y đã có một con với phụ nữ Arapaho và đã sống một thời gian với một phụ nữ Cheyenne. Nhưng sau khi y cưới Josefa, con gái của Don Francisco Jaramillo ở Taos, Carson đã rẽ sang hướng đi mới, trở nên giàu có, và khai hoang đất làm đồn điền. Y nhận ra rằng ở New Mexico thậm chí có vị trí cao tột dành cho một người miền núi dốt nát, mê tín, thô lỗ. Y học đọc và viết được một ít chữ, và mặc dù chỉ cao 1.67 mét, tên tuổi y cao tận trời. Dù tiếng tăm như thế, Người Ném Thòng Lọng chưa hề vượt qua nỗi e sợ khi đứng trước mặt một người cao cấp ăn mặc chải chuốt và nói năng trơn tru. Vào năm 1863 người cao cấp nhất là Tướng Sao Carleton. Và vì thế vào mùa thu năm đó Kit Carson rút lại đơn từ nghiệm ra khỏi Quân đội và đến Đồn Wingate để mở mặt trận chống người Navaho. Trước khi chiến dịch kết thúc, những báo cáo y gởi về Carleton nghe âm vang những luận cứ về Số Mệnh An Bày của gã đàn ông xấc xược đã ra lệnh cho y.

            Người Navaho kính trọng Carson với tư cách một chiến binh, nhưng họ coi thường binh lính của y – quân tình nguyện New Mexico. Nhiều người trong bọn chúng là người Mễ, và người Navaho đã đánh đuổi chúng ra khỏi xứ của chúng từ rất lâu rồi không nhớ nữa. Quân số Navaho gấp 10 lần quân số Mescalero, và họ có lợi thế của một xứ sở bao la, hiểm trở, cắt ngang dọc bởi những hẽm núi sâu, những khe suối dốc đứng, những núi mặt bằng chận đứng bằng những vực thẳm. Căn cứ của họ là Hẽm Chelly, cắt về hướng tây cách Núi Chuska 30 dặm về hướng tây. Có vài nơi hẹp chừng 50 mét, những bức tướng đá đỏ của hẽm núi dựng đứng đến 300 mét hoặc hơn, với những bờ đá lơ lững cho ta những vị trí phòng thủ tuyệt vời chống lại kẻ xâm lăng. Ở một vài điểm hẽm núi mở rộng đến vài trăm mét, tại đó người Navaho làm bãi thả cừu và dê, hoặc trồng bắp, lúa mì, cây ăn trái, và dưa trên những vùng đất màu mỡ. Họ đặc biệt tự hào vì có những vườn đào, được chăm chút cẩn thận từ những ngày bọn Tây Ban Nha đến đây. Nước chảy tràn trề qua hẽm núi hầu như quanh năm, và có đủ cây bông và cây rừng làm gỗ đốt.

            Thậm chí khi họ biết tin Carson đã đưa 1000 quân đến Pueblo Colorado và đã thuê những bạn bè cũ của y là người bộ tộc Ute để làm nhiệm vụ dò đường, người Navaho vẫn còn rỏ ra khinh thường. Các tù trưởng nhắc lại cho người của họ là ngày xưa tổ tiên họ đã đánh đuổi bọn Tây Ban Nha ra khỏi đất nước mình như thế nào. “Nếu người Mỹ đến xâm chiếm, chúng ta sẽ giết họ,” các tù trưởng hứa hẹn, nhưng họ phải đề phòng an nguy cho đàn bà và trẻ con của mình. Họ biết là bọn Ute sẽ thừa dịp bắt trẻ con và đàn bà để bán cho người Mễ giàu có.

            Vào cuối tháng 7 Carson chuyển quân đến Đồn Thách Thức, đặt tên lại là Canby, địch thủ cũ của người Da Đỏ, và bắt đầu tung những toán thám báo. Chắc hẳn y không mấy ngạc nhiên khi chỉ trông thấy được một vài người Navaho. Y biết rằng cách duy nhất để khuất phục họ là tàn phá hoa màu và gia súc – đốt sạch đất đai của chúng – và vào ngày 25/7 y phái Joseph Cummings tịch thu tất cả gia súc và số thu hoạch hoặc đốt rụi bắp và lúa mì dọc theo Bonito. Ngay khi người Navaho phát hiện ra những gì Cummings đã làm với lương thực dự trữ mùa đông của mình, y trở thành đích nhắm của họ. Không lâu sau đó, một thiện xạ Navaho bắn y rớt khỏi yên ngựa, giết chết y ngay lập tức. Họ cũng đột kích bãi súc vật của Carson gần Đồn Canby, bắt lại một số cừu và dê, và trộm con chiến mã ưa thích của Người Ném Thòng Lọng.

            Sự kiện này làm đau Tướng Carleton hơn cả Carson, người đã sống với dân Da Đỏ đủ lâu để đánh giá cao những trận đáp trả táo bạo. Vào 18/8 vị tướng quyết định “kích thích sĩ khí” của binh sĩ bằng cách đặt ra những giải thưởng cho những gia súc Navaho bị bắt được. Y trả 20 đô la cho “mỗi con ngựa hay lừa còn sử dụng được, và khỏe mạnh,” và một đô la cho mỗi con cừu mang nộp cho cha sứ ở Đồn Canby.

            Vì lương bổng của binh sĩ không tới 20 đô la mỗi tháng, tiền thưởng đưa ra quả là hấp dẫn, và một số người còn mở rộng giải thưởng ra đến người Navaho mà họ có thể giết được. Để chứng tỏ năng lực chiến đấu của mình, họ bắt đầu cắt đứt chùm tóc buộc bằng một sợi dây đỏ mà người Navaho để trên đầu. Người Navaho không thể tin rằng Kit Carson cho phép lột da đầu, mà họ xem là tập tục man rợ do người chinh phục Tân Ban Nha đặt ra. (Người Âu châu có thể hay không thể đặt ra tục lột da đầu cho Tân Thế giới, nhưng người Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, và Anh đã làm tập tục trở nên phổ biến bằng cách thưởng tiền cho các da đầu của kẻ thù của mình.)

            Mặc dù Carson tiếp tục phá hủy không ngừng những cánh đồng lúa, đậu và những vạt dưa, y di chuyển quân quá chậm không vừa ý Tướng Carleton. Vào tháng 9 Carleton ra lệnh là kể từ nay trở đi mỗi tên đàn ông Navaho bắt gặp phải bị giết hoặc bắt làm tù binh. Y viết ra cho Carson chính xác những lời y dùng với những người Navaho bị bắt: “Nói với chúng – ‘Đi vào Bosque Redondo, hoặc bọn tao sẽ truy đuổi và tiêu diệt chúng mày. Bọn tao không nói chuyện hòa bình với chúng mày trên bất kỳ điều kiện nào. . . Bọn tao sẽ theo đuổi cuộc chiến chống chúng mày cho dù phải mất nhiều năm, giờ là lúc bắt đầu, và sẽ tiếp tục cho đến khi chúng mày không còn tồn tại hoặc di chuyển. Không bàn bạc gì khác về vấn đề này.’”

            Cũng vào thời gian này vị tướng báo với Phòng Chiến tranh ở Washington, yêu cầu gởi thêm một trung đoàn kỵ binh. Phải cần nhiều binh lính hơn, y viết, vì một mỏ vàng mới được phát hiện không xa lãnh thổ Navaho về phía tây, cần có đủ binh lính “để quật bọn Da Đỏ và bảo vệ người dân đi đến hoặc khai thác mỏ. . . Ơn Trên quả đã ban phúc cho chúng ta . . . vàng nằm ngay dưới chân chỉ cần cúi xuống là nhặt được!”

            Dưới sự thúc giục điên cuồng của Carleton, Kit Carson tăng tốc chương trình tiêu thổ của y, và đến mùa thu y đã phá hủy hầu hết gia súc và thóc lúa giữa Đồn Canby và Hẻm Chelly. Vào ngày 17/10 hai chiến binh Navaho xuất hiện cầm cờ hưu chiến trước Đồn Wingate. Một người là El Sordo, sứ giả cho các anh mình là Delgadito và Barboncito và 500 người đi theo. Lương thực họ đã cạn kiệt, El Sordo nói; họ phải ăn hạt pinon cầm cự. Họ gần như trần truồng và không có chăn, và quá sợ các đội thám báo đến nỗi không dám đốt lửa sưởi ấm. Họ không muốn vào Bosque, mà chỉ xin được dựng lều trại gần Đồn Wingate, ở đó họ luôn nằm dưới mắt của các binh sĩ như những người Da Đỏ hòa hiếu. Trong chín ngày Delgadito và Barboncito sẽ đến với 500 người. Các tù trưởng muốn đi đến Santa Fe để gặp Tướng Sao và cầu khẩn hòa bình.

            Đại úy Rafael Chacon, chỉ huy Đồn Wingate, gởi lời cầu xin hòa giải cho Tướng Carleton, được y trả lời: “người Da Đỏ Navaho không được quyền lựa chọn; họ phải đi đến ở Bosque Redondo, hoặc ở lại trong xứ sở mình và chiến đấu.”

            Không được lựa chọn, và dưới gánh nặng của đàn bà và trẻ con đang chịu đói rét, Delgadito đành phải đầu hàng. Barboncito, El Sordo, và nhiều chiến binh vẫn nằm đợi trong núi để xem chuyện gì xảy ra với dân của họ.

            Những người đầu hàng được đưa đến Bosque Redondo, nhưng Carleton sắp xếp những tù binh hàng đầu được đối xử đặc biệt – khẩu phần tốt nhất, tiện nghi trú ẩn tốt nhất – trên đường đi và khi đến Bosque. Từng sống cơ cực trên bình nguyên cằn cỗi ở Pecos, Delgadito cảm thấy cảm kích trước lòng tốt của kẻ bắt mình. Khi Tướng Sao thông báo với ông rằng ông có thể trở lại Đồn Wingate với gia đình nếu ông thuyết phục được những lãnh tụ Navaho khác cuộc sống ở Bosque tốt hơn nhiều cảnh đói rét, Delgadito đồng ý ngay. Cùng lúc đó, vị tướng ra lệnh cho Kit Carson xâm chiếm Hẽm Chelly, phá hủy lương thực và gia súc, và giết hoặc bắt sống bọn Navaho đang nằm trong căn cứ cuối cùng đó.

            Để chuẩn bị cho chiến dịch Chelly, Carson tập họp một đoàn lừa ngựa để chở lương thực dự trữ, nhưng vào ngày 13/12 Barboncito và các chiến binh của ông tràn xuống và đuổi đàn lừa vào hẽm núi, tại đó họ có thể sử dụng chúng như nguồn lương thực mùa đông. Carson phái hai phân đội truy đuổi, nhưng người Navaho phân tán thành những nhóm nhỏ và tẩu thoát dưới sự che chở của trận bão tuyết. Kỵ binh của Trung úy Donaciano Montoya bất ngờ chạm trán với một trại nhỏ, liền tấn công, đuổi người Navaho vào trong một bụi cây tuyết tùng, và bắt sống được 13 phụ nữ và trẻ em. Viên trung úy báo cáo: “Một người Da Đỏ bị bắn qua sườn phải nhưng vẫn gượng thóat được qua cây cối chằng chịt. Con trai y, một thằng bé khoảng 10 tuổi và rất thông minh so với một người Da Đỏ, bị bắt ít lâu sau đó, và cho biết cha nó đã chết giữa những tảng đá trong một khe suối gần đó.”

            Không có lừa vận chuyển, Kit Carson báo cáo với Tướng Carleton là cuộc hành quân Hẽm Chelly sẽ phải hoãn lại. Vị tướng nhanh chóng trả lời: “Ông không được đình hoãn cuộc hành quân chi vì thiếu phương tiện chuyên chở. Ông cho binh sĩ mang chăn mền của họ và, nếu cần, ba hoặc bốn ngày lương đựng trong túi ghết.“

            Vào ngày 6/1/1864, binh lính xuất phát từ Đồn Canby. Đại úy Albert Pfeiffer dẫn một lực lượng nhỏ, tiến vào đầu hẽm Chelly ở hướng đông. Kit Carson dẫn một lực lượng lớn hơn, tiến vào đầu hẽm phía tây. Một lớp tuyết dày 20 phân phủ trên mặt đất, nhiệt độ xuống dưới 0 độ, và tiến độ hành quân rất chậm chạp.

            Một tuần sau Pfeiffer đi vào hẽm núi. Từ mép và gờ vách núi hàng trăm người Navaho đói khát ném đá, gỗ, và những lời nguyền rủa bằng tiếng Tây Ban Nha xuống đầu bọn lính. Nhưng họ không thể ngăn cản chúng. Binh sĩ của Pfeiffer phá hủy lều trại, hốc trữ thức ăn và gia súc; chúng giết ba người Navaho trong tầm súng, tìm thấy hai ông già Navaho đã chết cóng, và bắt được 19 đàn bà và trẻ con.

            Trong lúc đó thì Carson đã dựng trại tại đầu phía tây hẽm núi và lục soát hẽm núi từ mép. Vào ngày 12/1, một toán tuần tra của y chạm trán với một nhóm Navaho, và giết chết 11 người trong nhóm. Hai ngày sau hai chỉ huy bắt tay nhau. Toàn bộ hẽm núi đã bị càn quét mà không gặp một đụng độ lớn nào.

            Chiều đó ba người Navaho tiến gần đến doanh trại với lá cờ hưu chiến. Người của họ đang chết dần vì đói và rét, họ bảo Carson. Họ chọn đầu hàng hơn là chết. “Thời hạn là sáng hôm sau,” Carson trả lời. “Sau thời gian đó binh lính sẽ săn lùng chúng mày.” Sáng hôm sau, 60 người Navaho rách rưới và tiều tụy đến doanh trại và đầu hàng.

            Trước khi trở về Đồn Canby, Carson ra lệnh phá hủy hoàn toàn các tài sản của người Navaho trong hẽm núi – kể cả vườn đào tươi tốt của họ, hơn 5000 cây. Người Navaho có thể tha thứ cho Người Ném Thòng Lọng đã chiến đấu với họ như một chiến sĩ, tha thứ cho việc bắt họ làm tù binh, thậm chí tha thứ khi họ phá hủy nguồn lương thực dự trữ của mình, nhưng hành động mà họ không bao giờ tha thứ là chặt rụi vườn đào thân yêu của họ.

            Trong ít tuần tiếp sau đó khi tin tức về những binh lính tiến vào Hẽm Chelly lan truyền khắp các lều trại ẩn giấu của người Navaho, dân chúng không còn lòng dạ nào chống cự. “Chúng ta chiến đấu cho xứ sở đó vì chúng ta không muốn mất nó,” Manuelito nói sau đó. “Chúng ta đã mất mọi thứ. . . Nước Mỹ quá hùng mạnh chúng ta không thể địch nỗi. Khi phải chiến đấu trong vài ngày đầu chúng ta còn hăng hái, nhưng sau một thời gian chúng ta kiệt sức và binh lính làm chúng ta chết đói.”

            Vào 31/1 Delgadito với lời bảo đảm về cuộc sống ở Bosque Redondo đã thuyết phục được 680 người Navaho đầu hàng tại Đồn Wingate. Thời tiết mùa đông khắc nghiệt và cạn kiệt lương thực bắt buộc những người khác cũng đến Đồn Canby đầu hàng. Vào giữa tháng 2 khoảng 1200 người có mặt ở đó, đói khát và thiếu thốn. Quân đội phân phát cho họ những khẩu phần ít ỏi, và những người già và trẻ con bắt đầu chết trước. Vào 21/2 Herrero Grande trình diện với băng của mình, và con số lên đến 1500 người. Vào đầu tháng 3 ba ngàn người đã đầu hàng tại cả hai đồn, và những con đường lên phía bắc lũ lượt những người Navaho nơm nớp bước đi trên băng tuyết. Nhưng các tù trưởng gan góc, Manuelito, Barbancito, và Armijo, từ chối bỏ cuộc. Cùng với người của mình, họ ở lại trong núi, quyết chiến không đầu hàng.

            Trong khi đó Chuyến đi Dài của người Navaho đến Đồn Sumner và Bosque Redondo bắt đầu vận hành. Nhóm đầu tiên gồm 1,430 người đến Đồn Sumner vào ngày 13/3, có 10 người chết dọc đường; 3 đứa trẻ bị bắt cóc, chắc chắn do bọn Mễ đi theo đoàn binh sĩ hộ tống.

            Trong lúc đó nhóm thứ hai gồm 2,400 người đã rời Đồn Canby, số người giảm mất 126 chết tại đồn. Đoàn người ngựa gồm 30 xe, 3000 cừu, và 473 ngựa. Người Navado gan lì chịu đựng được giá rét, đói khát, dịch tả, sự cười nhạo của binh lính, và chuyến đi dài 300 dặm (khoảng 480 km), nhưng họ không chịu được nỗi nhớ nhà. Họ khóc, và 197 người đã chết trước khi đến được nơi bạc bẽo.

            Vào ngày 20/3 thêm 800 người Navaho rời Đồn Canby, phần đông là đàn bà, trẻ em, và ông già. Quân đội chỉ cung cấp cho họ 23 xe ngựa. “Vào ngày thứ hai của cuộc hành trình,” viên sĩ quan chỉ huy báo cáo, “một trận bão tuyết khắc nghiệt đang hình thành kéo dài trong bốn ngày gây nỗi thống khổ khôn lường cho người Da Đỏ, vốn gần như là trần truồng và tất nhiên khó thể chịu được một trận bão như thế.” Khi họ đến Los Pinos, bên dưới Albuquerque, quân đội điều các xe ngựa đi làm công việc khác, khiến người Navaho phải cắm lều trại ngoài trời. Khi chuyến đi tiếp tục lại, một vài đứa trẻ đã biến mất. “Tại nơi này,” một sĩ quan bình phẩm, “các sĩ quan phải canh gác thật nghiêm nhặt, nếu không trẻ em người Navaho có thể bị bắt cóc và bán đi.” Nhóm này đến Bosque vào ngày 11/5/1864. “Tôi rời Canby với 800 người và gom thêm 146 người dọc đường đến Đồn Sumner, tổng cộng là 946 người. Trong số này có 110 người chết.”

            Vào cuối tháng 4 một trong những tù trưởng còn chiến đấu, Armijo, xuất hiện tại Đồn Canby và báo với chỉ huy căn cứ (Đại úy Asa Carey) là Manuelito sẽ đến trong vài ngày tới với người Navaho. Họ đã trải qua mùa đông xa tận phía bắc dọc theo Little Colorado và San Juan. Băng nhóm của Armijo hơn 400 người đến trong một ít ngày sau đó, nhưng Manuelito cho dừng lại cách đồn một vài dặm tại một nơi gọi là Quelitas và phái một người đưa tin đến báo cho chỉ huy là ông ta muốn nói chuyện với y. Trong cuộc trao đổi sau đó, Manuelito nói rằng người của ông muốn dừng lại gần đồn, trồng trọt, và chăn thả cừu dê như họ đã luôn làm thế.

            “Chỉ có một nơi để đi cho ông,” Đại úy Carey trả lời, “và đó là Bosque.”

            “Tại sao chúng tôi phải đi đến Bosque?” Manuelito hỏi. “Chúng tôi không hề trộm cắp hoặc giết người, và lúc nào cũng giữ hòa khí như đã hứa với Tướng Canby.” Ông nói thêm là dân ông sợ là mình sẽ bị nhốt ở Bosque để các binh lính bắn hạ như họ đã từng làm ở Đồn Fauntleroy vào năm 1861. Carey bảo đảm là việc đó sẽ không xảy ra, nhưng Manuelito nói rằng mình sẽ không đầu hàng cho đến khi được nói chuyện với người bạn cũ Herrero Grande hoặc người Navaho nào đó đang sống ở Bosque.

            Khi Tướng Carleton nghe tin có cơ may Manuelito sẽ chịu đầu hàng, y liền phái bốn người Navaho được chọn ra cẩn thận ở Bosque (nhưng không có Herrero Gtande) để lôi kéo người tù trưởng đa nghi. Nhưng họ không thuyết phục được Manuelito. Một đêm tháng 6 sau khi họ đã nói chuyện, Manuelito và đồng bọn biến mất khỏi Quelitas và trở về những nơi ẩn nấp của mình dọc theo Little Colorado.

            Vào tháng 9 ông nghe nói người đồng minh già của mình là Barboncito đã bị bắt ở Hẽm Chelly. Giờ đây chỉ còn lại mình ông, Manuelito, là người Navaho kháng cự cuối cùng, và ông biết rằng các binh lính sẽ săn tìm ông khắp nơi.

            Trong mùa thu, những người Navaho đã trốn thoát khỏi Bosque Redondo bắt đầu trở về quê hương của họ với những lời kể đáng sợ về những việc xảy ra cho người Da Đỏ ở đó. Nơi đó đất đai nghèo nàn, họ nói. Binh lính thúc họ bằng lưỡi lê và nhốt họ vào những khu rào kín bằng tường gạch sống, tại đó các chỉ huy binh sĩ luôn đếm họ rồi ghi vào những cuốn sổ nhỏ. Các chỉ huy hứa cho họ quần áo và chăn đắp và thực phẩm tốt hơn, nhưng lời hứa của họ không bao giờ được giữ gìn. Tất cả gỗ gòn và mesquite đều bị chặt sát gốc, chỉ còn rễ để lại làm gỗ đốt. Để che chắn khỏi mưa và nắng họ phải đào những lỗ trong đất, và che đậy bằng đệm hoặc cỏ bện. Họ sống chẳng khác những chó đồng trong hang. Với một số công cụ binh lính cho họ vỡ đất vùng Pecos trồng trọt, nhưng lũ lụt và côn trùng tiêu hủy mùa màng, và giờ đây mọi người chỉ lãnh được nửa khẩu phần. Sống chen chúc, bệnh tật bắt đầu lây lan và lấy đi sinh mạng những người yếu ớt. Đây là một nơi tồi tệ, và mặc dù trốn thoát là điều khó khăn và nguy hiểm vì lính gác nghiêm nhặt, nhiều người liều mình vượt thoát.

            Trong khi đó, Tướng Sao Carleton đã thuyết phục Cha sở của Santa Fe hát bài thánh ca Te Deum trong lễ ăn mừng thành tích của Quân đội đã tập kết thành công người Navaho về Bosque, và vị tướng mô tả nơi này với các cấp trên của y ở Washington là một “khu dành riêng tốt đẹp . . . chắc hắn họ [người Navaho] là những người Da Đỏ hạnh phúc và đầy đủ và được nuôi dưỡng tốt nhất ở Hoa Kỳ. . . Trong bất kì sự kiện nào . . . chúng tôi có thể nuôi dưỡng họ rẻ hơn tiền bỏ ra để đánh nhau với họ.”

            Trong mắt của Tướng Sao, các tù binh của y chỉ có miệng và thân xác. “Sáu ngàn miệng phải ăn, và sáu thân xác phải cho mặc. Khi so sánh với xứ sở giàu chất khoáng và nhiều đồng cỏ xum xuệ mà họ giao cho chúng ta – một xứ sở mà giá trị khó tính hết được – chi phí bỏ ra để nuôi dưỡng họ chỉ là cái giá vô nghĩa để trả cho di sản tự nhiên của họ.”

            Và không có người nào biện hộ về thuyết Số Mệnh An Bày lẽo mép hơn chính y: “Sự ra đi của toàn dân tộc khỏi vùng đất của ông cha họ không chỉ là một cảnh tượng thú vị mà còn cảm động. Họ đã chiến đấu can trường với chúng ta nhiều năm liền; họ đã bảo vệ vùng núi và hẽm núi sừng sững của mình với một tinh thần quả cảm mà bất kỳ dân tộc nào muốn bắt chước một cách tự hào; nhưng khi, cuối cùng, họ nhận ra số mệnh của mình, cũng là số mệnh của anh em mình, bộ tộc này đến bộ tộc khác, đi ra về hướng mặt trời mọc, để tránh đường cho chủng tộc ta tiến lên không mệt mỏi, họ bỏ xuống vũ khí, và, như những con người dũng cảm xứng đáng để chúng ta khâm phục và kính trọng, đã đi đến chúng ta với lòng tin cậy vào đức khoan dung của chúng ta, và nhận thấy rằng chúng ta quá hùng mạnh và là một dân tộc quá công chính để có thể đáp lại lòng tin cậy của họ bằng sự sự hèn hạ hoặc bỏ rơi – nhận thấy rằng đã hi sinh xứ sở đẹp đẽ , nhà cửa, lối sống, lễ hội truyền thống, chúng ta sẽ không phát ra nhỏ giọt chi phí nuôi dưỡng rẻ mạt như một tên bần tiện để đổi lại những gì họ biết và chúng ta biết là một lãnh thổ tuyệt vời.

            Tuy  nhiên, Manuelito vẫn chưa ném bỏ vũ khí, và ông là một tù trưởng quá quan trọng để Tướng Carleton có thể dung dưỡng cho một hành động bất trị như thế được tiếp tục thách thức. Vào tháng 2, 1865, những người tùy phái Navaho từ Đồn Wingate giao cho Manuelito một thông điệp từ Tướng Sao, cảnh báo rằng ông và băng nhóm của ông sẽ bị săn đuổi cho đến chết trừ khi họ ra nộp mình trước mùa xuân. “Tôi sẽ không làm hại ai,” Manuelito bảo những người đưa tin. “Tôi sẽ không bỏ xứ sở mình. Tôi dự định sẽ bỏ mình tại đây.” Nhưng cuối cùng thì ông đồng ý trao đổi một lần nữa với vài tù trưởng đang sống ở Bosque Redondo.

            Cuối tháng 2, Herrero Grande và năm tù trưởng Navaho khác từ Bosque sắp xếp gặp gỡ Manuelito gần trạm giao dịch Zuni. Thời tiết giá lạnh, và đất đai ngập trong tuyết. Sau khi ôm choàng lấy những người bạn cũ, Manuelito dẫn họ về vùng đồi núi tại đó dân của ông đang ẩn náu. Chỉ khoảng 100 đàn ông, đàn bà, và trẻ con còn lại trong băng nhóm của Manuelito; họ chỉ còn một ít ngựa và một ít cừu. “Đây là tất cả những gì tôi còn lại trong thế giới này,” Manuelito nói. “Xem họ ít ỏi làm sao. Các anh xem họ nghèo khổ làm sao. Các con cái tôi [tù trưởng coi những dân mình là con cái: ND] chỉ ăn rễ cây palmilla.” Ngừng một chút ông nói thêm là ngựa của ông không còn sức để đi tới Bosque được nữa. Herrero trả lời rằng mình không có quyền gia hạn thời gian đầu hàng, và thân tình cảnh báo Manuelito là ông ta đánh liều mạng sống của dân mình nếu không ra đầu hàng. Manuelito phân vân. Ông nói rằng mình sẽ đầu hàng vì đàn bà và trẻ con; rồi thêm rằng ông cần ba tháng để sắp xếp đàn gia súc. Cuối cùng ông tuyên bố dứt khoát mình không thể rời bỏ xứ sở này.

            “Thượng đế và mẹ tôi sống ở miền Tây, và tôi sẽ không rời xa họ. Đã là truyền thống của dân tộc tôi là chúng tôi không bao giờ được vượt qua ba con sông – Grande, San Juan, Colorado. Cũng không được bỏ vùng Núi Chuska. Tôi sinh ra ở đây. Tôi sẽ ở lại đây. Tôi không gì có để mất trừ mạng sống của mình, và họ có thể đến và lấy mạng tôi bất cứ lúc nào họ muốn, nhưng tôi sẽ không đi đâu hết. Tôi chưa hề làm điều gì sai với người Mỹ hoặc Mễ. Nếu tôi bị giết, dòng máu vô tội sẽ đổ xuống.”

            Herrero nói với ông: “Tôi đã làm tất cả những gì có thể vì lợi ích của anh; đã nói với anh lời khuyên thân tình nhất; giờ tôi phải đi đây như thể anh đã nằm dưới mồ.”

            Ở Santa Fe một vài ngày sau đó Herrero Grande báo tin cho Tướng Carleton về thái độ thách thức của Manuelito. Đáp lại Carleton ra lệnh cho chỉ huy Đồn Wingate: “Tôi cho rằng nếu bắt được Manuelito thì băng nhóm của y chắc chắn sẽ nộp mình; và nếu anh có thể dàn xếp với những người Da Đỏ ở làng Zuni, nơi y thường lui tới thăm viếng và đổi chác, họ có thể hợp tác với anh để bắt y. . . Hãy nỗ lực bắt cho được Manuelito. Hãy gông y cho chắc và canh chừng y cẩn thận. Bắt hoặc giết được y là may mắn cho những người đi theo y. Tôi thích bắt sống y hơn. Nếu y định tẩu thoát. . .hãy bắn hạ.”

            Nhưng Manuelito quá khôn ngoan để rơi vào bẩy giăng của Carleton ở Zuni, và ông xoay sở để tránh bị bắt qua suốt mùa xuân và hè của năm 1865. Vào cuối hè Barboncito và một vài chiến binh trốn thoát khỏi Bosque Redondo; người ta nói họ đến xứ sở bộ tộc Apache ở Sierra del Escadello. Có quá nhiều người Navaho trốn khỏi khu dành riêng đến nỗi Tướng Carleton cử lính gác thường trực trong suốt 40 dặm quanh Đồn Sumner. Vào mùa thu vị tướng ra lệnh chỉ huy căn cứ giết chết mọi người Navaho tìm thấy ngoài khu dành riêng mà không có giấy phép.

            Khi mùa thu hoạch ở Bosque lại thất bát lần nữa vào mùa thu 1865, Quân đội phát cho người Navaho thức ăn, bột mì, và thịt heo hư hỏng mà binh lính không ăn được. Số người chết lại leo thang, và số người định bỏ trốn cũng tăng lên.

            Mặc dù giờ đây Tướng Carleton bị người dân New Mexico công khai chỉ trích về điều kiện tồi tệ ở Bosque Redondo, y vẫn tiếp tục săn đuổi người Navaho. Cuối cùng, vào ngày 1/9/1866, tù trưởng mà y truy nã nhất – Manuelito – khập khễnh bước vào đồn với 23 chiến binh bầm vập và đầu hàng. Quần áo họ tơi tả, thân thể họ gầy mòn. Họ vẫn còn mang băng da quấn quanh cổ tay để bảo vệ khi dây cung bật trúng, nhưng họ không còn cung, không còn tên. Một cánh tay của Manuelito treo lũng lẵng một cách vô dụng bên hông do một vết thương gây ra. Một thời gian ngắn sau đó Barboncito cũng nộp mình với 21 người và đầu hàng lần thứ hai. Giờ không còn tù trưởng lâm chiến nào nữa.

            Mỉa may thay, chỉ 18 ngày sau khi Manuelito đầu hàng, Tướng Carleton bị thuyên chuyển do lệnh của Phòng Quân đội New Mexico. Cuộc Nội Chiến, đã đưa Tướng Sao Carleton lên đỉnh cao quyền lực, đã qua hơn một năm, và người New Mexico đã chịu đựng y và cung cách vênh vang của y quá đủ rồi.

            Khi Manuelito đến Bosque một quản đốc mới khảo sát đất đai trên khu dành riêng và loan báo nó không thích hợp để trồng lúa vì sự hiện diện của alkali. “Nước thì đen và hơi mặn, nếm đã rất khó chịu, và người Da Đỏ cho rằng nước không lành, vì một phần tư dân số của họ đã bị bệnh tật loại đi.” Khu dành riêng, Norton nói thêm, đã tiêu tốn của chính phủ hàng triệu đô. “Dẹp nó để người Da Đỏ ra khỏi đó càng sớm chừng nào, càng tốt chừng nấy. Tôi đã nghe nói ở trên đang xem xét lại về vấn đề này một cách toàn bộ. Bạn có hi vọng một người Da Đỏ hài lòng và mãn nguyện khi bị tước đoạt khỏi những tiện nghi thông thường của cuộc sống, mà thiếu nó một người da trắng sẽ không hài lòng dù ở bất cứ đâu? Có người biết lý lẽ nào lại đi chọn một địa điểm làm khu dành riêng cho 8000 người Da Đỏ mà tại đó nước uống khó thể chịu được, đất đai thì nghèo nàn và lạnh lẽo, rễ cây mesquite cách đó 12 dặm là nguồn gỗ đốt duy nhất cho người Da Đỏ sử dụng? . . . Họ chịu ở lại trên khu này chỉ vì bị cưỡng chế bằng sức mạnh, chứ không do họ chọn lựa. Làm ơn hãy cho họ trở về, hoặc mang họ đến nơi nào có nước mát sạch để uống, có nhiều gỗ để sưởi khỏi chết cứng trong mùa đông, có đất trồng trọt được để họ có lương thực mà ăn. . .”

            Trong hai năm nhiều đợt các nhà điều tra và viên chức từ Washington đến diễu hành qua khu dành riêng. Một số người có lòng trắc ẩn thực sự; một số chủ yếu quan tâm đến việc giảm chi phí.

            “Chúng tôi ở lại đó một vài năm,” Manuelito nhớ lại. “Nhiều người trong chúng tôi chết vì khí hậu. . . Người từ Washington đến họp hội đồng với chúng tôi. Ông ta giải thích cách thức người da trắng trừng phạt những kẻ bất tuân pháp luật. Chúng tôi hứa sẽ tuân thủ luật lệ nếu chúng tôi được cho phép trở về xứ sở của mình. Chúng tôi hứa giữ hiệp ước.  . . Chúng tôi hứa bốn lần như vậy. Tất cả chúng tôi đều nói ‘vâng’ với hiệp ước, và ông ta cho tôi lời khuyên hữu ích. Ông ta là Tướng Sherman.”

            Khi người Navaho lần đầu tiên trông thấy Chiến binh Lớn Sherman họ sợ lấm lét vì gương mặt ông giống hệt Tướng Sao Carleton – dữ dằn và đầy lông với cái miệng tàn nhẫn – nhưng cặp mắt ông thì khác, đó là cặp mắt của một người từng chịu đau khổ và thấu hiểu nỗi đau của người khác.

            “Chúng tôi bảo ông chúng tôi sẽ cố nhớ những gì ông nói,” Manuelito nhớ lại. “Ông ta nói: ‘Tôi muốn mọi người các ông hãy nhìn thẳng vào mặt tôi.’ Ông đứng dậy để chúng tôi nhìn rõ. Ông nói rằng nếu chúng tôi làm đúng chúng tôi có thể nhìn thẳng vào mặt người khác. Rồi ông nói: ‘Hỡi các con cái của ta, ta sẽ trả các con về nhà.’”

             Trước khi có thể ra đi, các tù trưởng phải ký hiệp ước mới (1/6/1868), bắt đầu với câu: “Từ hôm nay trở đi mọi cuộc chiến giữa các băng nhóm ký hiệp ước này sẽ mãi mãi dừng hẳn.” Barboncito ký trước, rồi Armijo, Delgadito, Manuelito, Herrero Grande, và bảy người khác.

            “Những đêm và ngày trước khi đến kỳ hạn chúng tôi được phép về nhà dài đằng đẳng,” Manuelito nói. “Hôm trước khi được phép khởi hành chúng tôi đi một đổi đường hướng về nhà, vì chúng tôi quá nôn nao. Chúng tôi trở lại và người Mỹ cho chúng tôi một ít gia súc và chúng tôi cảm ơn họ vì điều đó. Chúng tôi bảo người lái hãy quất roi cho lừa đi nhanh hơn, vì chúng tôi quá bồn chồn. Khi trông thấy đỉnh núi từ Albuquerque chúng tôi tự hỏi không biết có phải là núi của chúng tôi không, và chúng tôi muốn nói với đất mẹ là chúng tôi yêu quí mảnh đất này biết bao, và một số các ông già, bà lão khóc lên vì vui sướng khi họ đến được quê hương.”

4

Một chiến binh Navaho của thập niên 1860

Và như thế người Navaho được về nhà. Khi khu dành riêng mới được khảo sát và qui hoạch, rất nhiều đồng cỏ tốt nhất của họ đã bị dân định cư da trắng chiếm dụng. Cuộc sống sẽ không dễ dàng. Họ phải tranh đấu để sống còn. Dù khó khăn cỡ nào, người Navaho cũng đã hiểu rằng họ là những người ít bất hạnh nhất trong số dân Da Đỏ miền Tây. Đối với những người khác, cuộc thử thách chỉ mới bắt đầu. 

3

Cuộc Chiến của Quạ Nhỏ

1862- Ngày 6 tháng 4, Tướng Grant đánh bại Liên minh trong Trận Shiloh. Ngày 6 tháng 5, Henry D. Thoreau qua đời ở tuổi 45. Ngày 20 thàng 5, Quốc hội thông qua Đạo luật Trại Ấp, nhượng 160 mẩu đất miền tây cho ángười định cự với giá $1.25 một mẩu. Ngày 2 tháng7, Quốc hội thông qua Đạo luật Morrill cho thành lập cao đẳng địa canh. Ngày 10 tháng 7, công cuộc xây dựng Đường sắt Trung Thái bình dương bắt đầu. Ngày 30 tháng 8, Quân đội Liên bang bị đánh bại lần thứ hai Trận Bull Run. Ngày 17 tháng 9, Quân đội Liên minh bị đánh bại tại Antietan. Ngày 22 tháng 9, Lincoln tuyên bố tất cả người nô lệ được tự do kể từ 1/1/1863. Ngày 13 tháng 10, ở Đức, Bismarck đọc một bài diễn văn “sắt và máu”. Ngày 13 tháng 12, Quân đội Liên bang chịu những tổn thất nặng nề và bị đánh bại tại Frederickburg; quốc gia lao xuống vực thẳm; vài đơn vị Quân đội gần như nổi dậy khi đi vào nơi đóng quân mùa đông. Ngày 29 tháng 12, Tướng Sherman bị đánh bại tại Chickasaw Bayou. Tác phẩm les Miserables của Victor Hugo và Fathers and Sons của Turgenev được xuất bản.

1863- Ngày 2 tháng 4, cuộc nổi dậy bánh mì ở Richmond, Virginia. Ngày 2-4 tháng 5, Liên minh chiến thắng tại Chancellorsville. Ngày 1-3 tháng 7, Quân đội Liên bang đánh bại Liên minh tại Gettysburg. Ngày 4 tháng 7, Vicksburg rơi vào tay Tướng Grant. Ngày 11 tháng 7, lệnh động viên cho Quân đội Liên bang bắt đầu. Ngày 13-17 tháng 7, vài trăm người thiệt mạng trong các vụ nổi loạn vì lệnh động viên ở thành phố New York; những cuộc nổi loạn khác xảy ra trong nhiều thành phố. Ngày 15 tháng 7, Tổng thống Davis ra lệnh tuyển quân đầu tiên cho Quân đội Liên minh. Ngày 5 tháng 9, các cuộc nổi loạn bánh mì bùng nổ ở Mobile; trị giá của đồng đô la Liên minh giảm còn 8 xu. Ngày 1 tháng 10, năm tàu chiến Nga vào cảng New Yord và được tiếp đón nồng hậu. Ngày 24-25 tháng 11, Liên minh bị đánh bại ở Chattanooga. Ngày 8 tháng 12, Tổng thống Lincoln ban lượng khoan hồng cho những Liên minh muốn quay về Liên bang.

Người da trắng lúc nào cũng cố bắt người Da Đỏ từ bỏ lối sống của mình và sống như người da trắng – làm ruộng, làm việc quần quật và làm như họ làm – nhưng người Da Đỏ không biết cách làm như vậy, và cũng không muốn làm như vậy . . . Nếu người Da Đỏ cố bắt người da trắng sống như họ, người da trắng chắc chắn sẽ kháng cự, và người Da Đỏ cũng vậy thôi.

WAMDITANKA (ĐẠI BÀNG LỚN) THUỘC BỘ TỘC SANTEE SIOUX

 GẦN MỘT NGÀN dặm về phía bắc xứ sở Navoho và trong thời gian cuộc Nội Chiến của người da trắng, bộ tộc Santee Sioux đang mất quê hương của họ mãi mãi. Bộ tộc Santee có bốn nhánh – Mdewkanton, Wahpeton, Wahpekute, và Sisseton. Họ là những người Sioux miền rừng nhưng gắn bó và chia sẻ một niềm kiêu hãnh bộ tộc mạnh mẽ với người anh em huyết thống sống trên đồng cỏ của họ, Yankton và Teton. Người Santee là “dân tộc ở đầu mút xa xôi,” những người bảo vệ biên địa của lãnh thổ Sioux.

            Trong 10 năm trước cuộc Nội Chiến, hơn 150,000 người định cư da trắng ùa vào xứ sở Santee, do đó làm sụp đổ sườn bên trái từng là  “biên cương Da Đỏ vĩnh cữu.” Sau kết quả của hai hiệp ước gian lận, người Sioux rừng núi nhường chín phấn mười lãnh thổ của họ và bị dồn về một mảnh đất chật hẹp dọc theo Sông Minnesota. Ngay từ đầu, các viên quản lý và nhà buôn đã bu lấy họ như ruồi nhặng bu những xác chết của những con bò bị tàn sát, lường gạt họ một cách có hệ thống để lấy đi phần lớn hơn của tiền trợ cấp hàng năm mà nhà nước hứa hẹn cho họ đổi lại họ bị thuyết phục phải giao nộp đất của mình.

            “Nhiều người da trắng thường lạm dụng người Da Đỏ và đối xử với họ không tốt,” Đại bàng Lớn nói. “Có thể họ có nguyên do, nhưng người Da Đỏ không nghĩ thế. Khi trông thấy một người Da Đỏ người da trắng có điệu bộ như muốn nói, ‘tao ngon lành hơn mầy,’ và người Da Đỏ không thích điều này. Có nguyên cớ cho điều này, nhưng người Dakota [Sioux] không tin trên thế giới có ai tốt đẹp hơn họ. Thế rồi một số người da trắng bức hiếp người phụ nữ Da Đỏ theo một cách nào đó và sỉ nhục họ, và chắc chắn điều này không có nguyên cớ nào cả. Tất cả những điều này làm người Da Đỏ không ưa người da trắng.”

            Vào mùa hè 1862 mọi việc hình như trở nên tệ hơn giữa người Santee và người da trắng. Hầu hết thú săn đã đi khỏi vùng đất dành riêng, và khi người Da Đỏ xâm nhập vào những vùng đất săn xưa cũ của mình giờ bị dân định cư da trắng chiếm hữu, rắc rối xảy ra. Trong hai năm liền, mùa màng người Da Đỏ thất bát, và nhiều người phải đến các nhà buôn để mua chịu thực phẩm. Người Santee đâm ra ghét hệ thống tín dụng vì họ không kiểm soát được tài khoản. Khi tiền trợ cấp hàng năm từ Washington đến, các nhà buôn đòi tiền thiếu của họ trước, số tiền họ khai ra bao nhiêu, các viên chức chính phủ phải thanh toán cho họ. Một số người Santee học cách giữ sổ sách, và mặc dù số nợ ghi chép của họ có thể ít đô la hơn nhiều so với số  ghi chép của nhà buôn, nhân viên nhà nước vẫn không chấp nhận chúng.

            Ta-oya-te-duta (Quạ Nhỏ) trở nên nổi giận với bọn nhà buôn trong mùa hè 1862. Quạ Nhỏ là tù trưởng của nhánh Mdewkanton, như cha ông và nội ông đã từng là. Ông đã 60 tuổi và luôn mặc áo tay dài để che phần cánh tay dưới và cổ tay, nhăn nheo do hậu quả của những vết thương chữa trị không đúng cách mà ông đã nhận được trong các trận đánh thời con trẻ. Quạ Nhỏ đã ký hai hiệp ước gạt gẫm dân ông ra khỏi đất đai của họ và số tiền hứa trả cho vùng đất. Ông đã đi đến Washington để gặp vị Cha Lớn, Tổng thống Buchanan; ông đã thay váy và khăn choàng bằng quần dài và áo jacket có nút đồng; ông đã theo đạo Tin Lành, cất nhà, và làm nông trại. Nhưng vào mùa hè 1862 sự vỡ mộng của Quạ Nhỏ đã biến thành cơn phẫn nộ.

            Vào tháng 7 vài ngàn người Santee tụ tập ở Phòng Quản lý Thượng trên bờ Sông Yellow Medicine để nhận tiền trợ cấp hàng năm của họ, theo cam kết của hiệp ước, để họ có thể đổi lấy thức ăn. Nhưng tiền không đến, và có tin đồn là Đại Hội Đồng (Quốc hội) ở Washington đã tiêu hết số vàng cho cuộc Nội Chiến nên không thể gởi tiền cho người Da Đỏ. Vì dân mình đang đói, Quạ Nhỏ và một số tù trưởng khác tìm đến người quản lý đại diện của họ, Thomas Galbraith, và hỏi tại sao họ không thể được phát lương thực từ nhà kho của phòng, chứa đầy ắp đồ dự trữ.

            Galbraith trả lời rằng mình chỉ có thể làm việc đó khi tiền về đến, và ông gọi 100 binh lính ra canh giữ nhà kho. Vào ngày 4/8 năm trăm người Santee bao vây binh lính trong khi những người khác đột nhập nhà kho và bắt đầu mang đi các bao bột mì. Chỉ huy binh sĩ da trắng, Timothy Sheehan, có tình cảm với người Santee. Thay vì bắn họ anh thuyết phục quản lý Galbrith phát thịt heo và bột mì cho người Da Đỏ và sẽ trừ tiền thiếu khi tiền trợ cấp đến. Galbraith nghe lời làm theo, và người Santee bỏ đi trong hòa bình. Tuy nhiên Quạ Nhỏ vẫn chưa đi cho đến khi Galbraith hứa phân phát số thực phẩm tương tự cho người Santee ở Phòng Quản lý Hạ, 30 dặm ở hạ lựu tại Redwood.

            Mặc dù ngôi làng của Quạ Nhỏ gần Phòng Quản lý Hạ, Galbraith bắt ông đợi vài ngày trước khi sắp xếp một cuộc họp ở Redwood trong ngày 15/8. Sáng sớm hôm đó Quạ Nhỏ và vài trăm người Mdewkanton đói ăn tụ họp lại, nhưng ngay từ đầu rõ ràng là Galbraith và bốn nhà buôn ở Phòng Quản lý Hạ không có ý định phân phối lương thực trữ ở kho của họ trước khi tiền trợ cấp đến.

            Nổi giận vì thêm một lời hứa khác bị bẽ gãy, Quạ Nhỏ đứng dậy, đối mặt với Galbraith, và nói thay bộ tộc mình: “Chúng tôi đã đợi quá lâu rồi. Tiền này là của chúng tôi, nhưng chúng tôi không lấy được. Chúng tôi không có thức ăn, nhưng các kho ở đây thì đầy ắp thực phẩm. Chúng tôi hỏi ông, viên chức, hãy sắp xếp làm sao cho chúng tôi nhận được thức ăn trong kho, hoặc chúng tôi sẽ làm theo cách của mình để khỏi chết đói. Khi người ta đói người ta phải tự xoay sở lấy.”

            Thay vì trả lời, Galbraith quay sang những nhà buôn hỏi họ phải làm gì. Nhà buôn Andrew Myrick khinh bỉ tuyên bố: “Theo tôi, nếu họ đói hãy để họ gặm cỏ hoặc ăn phân của chúng.”

            Vòng người Da Đỏ im lặng một lúc. Rồi sau đó là những tiếng thét căm giận bùng phát, và người Santee đồng loạt đứng lên bỏ ra phòng họp.

5

Quạ Nhỏ, hay Tshe-ton-Wa-ka-wa Ma-ni, Diều Hâu Săn Đứng, chụp năm 1858.

Những lời thóa mạ của Andrew Myrick làm toàn thể người Santee căm giận, nhưng đối với Quạ Nhỏ những lời đó như những luồng hơi nóng quét qua những cảm xúc đã héo khô của ông. Nhiều năm qua ông đã cố giữ gìn hiệp ước, nghe theo lời khuyên của người da trắng và dẫn dắt bộ tộc theo đường phải. Nhưng bây giờ hình như ông đã mất tất cả. Dân ông mất niềm tin vào ông, đổ lội cho ông làm họ khổ sở, và giờ đây những viên chức và nhà buôn đã quay chống lại ông. Đầu mùa hè đó người Mdewkanton ở Phòng Quản lý Hạ đã kết tội Quạ Nhỏ phản bội họ khi ký hiệp ước giao nộp đất đai của họ. Họ liền bầu Mưa Đá Dong Ruổi làm đại diện cho họ thay Quạ Nhỏ. Nếu Quạ Nhỏ đã có thể thuyết phục bọn Galbraith bán chịu lương thực cho họ, thì họ mới tôn vinh ông lần nữa, nhưng ông đã thất bại.    

            Ngày xưa ông có thể nắm quyền lãnh tụ vì có chiến tranh, nhưng các hiệp ước đã ràng buộc ông không được gây chiến với người da trắng và với các bộ tộc khác. Ông tự hỏi tại sao người Mỹ huyên thuyên quá nhiều về hòa bình giữa họ và người Da Đỏ, và giữa Da Đỏ với Da Đỏ , vậy mà chính họ cũng gây những cuộc chiến man rợ với quân Áo xám đến nỗi không còn tiền để trả những món nợ ít ỏi cho người Santee? Ông biết rằng có một số chiến binh trẻ trong bộ tộc đang công khai bàn về việc đánh nhau với người da trắng, một cuộc chiến nhằm đánh đuổi chúng ra khỏi Thung lũng Minnesota. Đó là một thời điểm thuận lợi để đánh nhau với người da trắng, họ nói, vì có quá nhiều quân Áo xanh rời đi để đánh với quân Áo xám. Quạ Nhỏ xem những lời bàn bạc đó là điên rồ; ông đã đến miền đông và chứng kiến được sự hùng mạnh của người Mỹ. Họ ở khắp mọi nơi như châu chấu và tiêu diệt kẻ thù của mình bằng những đại bác sấm sét. Chiến tranh với người da trắng là chuyện không nên nghĩ bàn.

            Vào chủ nhật, 17/8, Quạ Nhỏ đi lễ nhà thờ tại Phòng Quản lý Hạ và lắng nghe bài giảng do Mục sư Samuel Hinman trình bày. Vào cuối buổi lễ, ông bắt tay với những tín hữu khác và trở về nhà mình, cách đó 2 dặm về phía thượng lưu.

            Khuya đêm đó Quạ Nhỏ bị đánh thức bởi âm thanh của nhiều tiếng nói và tiếng bước chân rầm rộ của vài người Santee xông vào phòng ngủ mình. Ông nhận ra tiếng của Shakopee. Một điều gì đó rất quan trọng, rất tệ, đã xảy ra. Shakopee, Mankato, Lọ Thuốc, và Đại Bàng Lớn tất cả đều có mặt, và họ nói rằng Wabasha sẽ sớm đến để dự hội đồng.

            Bốn thanh niên trẻ của băng nhóm Shakopee quá thiếu thốn thức ăn nên đã vượt sông vào buổi chiều đầy nắng hôm đó để săn trong Cánh Rừng Lớn, và một chuyện rất tệ đã xảy ra ở đó. Đại Bàng Lớn kể: “Họ đi đến hàng rào của một người định cư, và ở đấy họ tìm được ổ trứng gà trong đó có vài trứng. Một người trong bọn bèn lấy trộm trứng, nhưng một người khác nói: ‘Không được lấy, vì chúng thuộc về người da trắng và tụi mình sẽ gặp rắc rối.’ Nhưng người kia giận lên, vì y quá đói và muốn ăn trứng, nghe nói thế liền ném trứng xuống đất và quát lên: ‘Mầy là thẳng hèn nhát. Mầy sợ bọn da trắng. Mầy sợ lấy đi dù chỉ một trứng của tụi nó, dù đang chết đói. Đúng, mầy là một thằng hèn nhát, tao sẽ bảo với mọi người như thế.’ Gã kia trả lời: ‘Tao không hèn nhát. Tao không sợ người da trắng, và để chứng tỏ cho mầy thấy tao không sợ, tao sẽ đi vào nhà đó và bắn nó. Mầy có gan thì đi với tao?’ Gã thanh niên đã gọi y là kẻ hèn nhát nói: ‘Được, tao sẽ đi với mầy, và hãy xem tao với mầy ai gan dạ hơn.’ Hai người bạn đồng hành với chúng cũng nói: ‘Tụi tao cũng đi với tụi mầy, và tụi tao cũng gan dạ không kém.’ Tất cả bọn chúng đi vào ngôi nhà của người da trắng, người này bị đánh động liền chạy qua ngôi nhà gần đó có vài đàn ông và phụ nữ da trắng. Bốn gã Da Đỏ liền đuổi theo họ và giết ba người đàn ông và hai phụ nữ. Sau đó họ lấy xe ngựa  và lái đến lều trại của Shakopee . . . và kể lại những gì chúng đã làm.”

            Nghe kể chuyện tàn sát người da trắng, Quạ Nhỏ quở trách bốn gã thanh niên, và rồi mỉa mai hỏi Shakopee và những người khác tại sao đến tìm ông giải bày trong khi đã chọn Mưa Đá Dong Ruổi làm phát ngôn nhân của họ. Các tù trưởng trấn an Quạ Nhỏ ông vẫn còn là thủ lĩnh của họ. Giờ đây không cuộc sống của người Santee nào sẽ bình yên, họ nói. Cách thức của người da trắng là trừng trị tất cả người Da Đỏ dù tội ác chỉ gây ra cho một người hay vài người da trắng; tốt nhất là người Santee ra tay trước thay vì đợi binh lính đến tìm và giết sạch. Tốt hơn là ta đánh nhau với người da trắng ngay bây giờ khi họ đang bận đánh nhau tận miền nam.

            Quạ Nhỏ bác bỏ lập luận của họ. Người da trắng quá hùng mạnh, ông nói. Nhưng ông cho rằng dân định cư sẽ nhất định đòi phải trả thù tàn độc vì có phụ nữ bị giết. Con trai của Quạ Nhỏ, đang có mặt, sau đó kể lại rằng gương mặt của cha anh bổng phờ phạc hẳn đi, những giọt mồ hôi lớn đọng trên trán ông.

            Cuối cùng một chiến binh trẻ gan dạ la lên: “Ta-oya-te-duta [Quạ Nhỏ] là kẻ hèn nhát!”

            Chính cái từ “Hèn nhát” đã khởi đầu cho vụ sát nhân. “Hèn nhát” không phải là cái từ mà một tù trưởng Sioux có thể xem nhẹ, cho dù ông đang đi được nửa đường trên con đường của người da trắng.

            Câu trả lời của Quạ Nhỏ (mà người con trai còn nhớ): “Ta-oya-te-duta không phải là kẻ hèn nhát, và cũng không phải là thằng điên! Có khi nào y bỏ chạy trước kẻ thù chưa? Có khi nào y bỏ lại những chiến binh gan dạ của y trên chiến lộ và chạy về căn lều của mình chưa? Khi nào y chạy trốn kẻ thù của các người, y đi phía sau lưng các người đưa mặt về hướng Ojibways và che lưng các người như thể mẹ gấu che chở đàn con của nó! Ta-oya-te-duta không có da đầu sao? Hãy nhìn vào mũ lông chiến đấu của y! Hãy ngắm những lọn da đầu của kẻ thù các người treo trên cột trước lều y! Các người có gọi y là một kẻ hèn nhát không? Ta-oya-te-duta không phải là kẻ hèn nhát, và cũng không phải là thằng điên. Các chiến binh, các ngươi chẳng khác nào trẻ nít; các người không hiểu việc mình làm.

            “Các người nốc đầy chất nước ma quỉ [rượu] của người da trắng. Các người như chó vào mùa Trăng Nóng khi chúng chạy rong và cắn bóng của chúng. Chúng ta chỉ là những bầy bò nhỏ còn sống rải rác; những đàn bò lớn từng tràn ngập các đồng cỏ này đã không còn. Hãy nhìn đi! – người da trắng như bầy châu chấu, chúng bay dầy kịt đến nổi toàn bầu trời là một cơn bão tuyết. Các người có thể giết một-hai-mười; vâng, nhiều như lá trong cánh rừng đàng kia, và anh em của họ sẽ không bỏ quên họ. Giết một-hai-mười, và mười lần mười sẽ đến giết lại các người. Đếm ngón tay các người suốt ngày và người da trắng với súng đạn trong tay sẽ đến nhanh hơn các người đếm.

            “Phải; họ đánh nhau giữa họ – ở nơi rất xa đây. Các người có nghe sấm rền của các súng lớn của họ chưa? Chưa phải không; các người sẽ mất hai con trăng để đến được nơi họ đang đánh nhau, suốt những con đường các người đi sẽ tràn ngập binh lính da trắng như lá thông rụng trong các đầm lầy ở Ojibways. Vâng, họ đánh nhau giữa họ, nhưng nếu các người đụng đến họ, họ sẽ quay về và nuốt sống các ngươi và phụ nữ và con cái của các ngươi như châu chấu ào ào xuống vòm cây và nuốt tất cả lá trong một ngày.

            “Các ngươi là những thằng điên. Các ngươi không thể nhìn gương mặt của tù trưởng các ngươi; mắt các ngươi đầy khói. Các ngươi không thể nghe tiếng nói của ông ta; tai các ngươi điếc vì tiếng nước réo gầm. Các chiến binh, các ngươi là con nít – các người là thằng điên. Các ngươi sẽ chết như các con thỏ khi những con sói đói săn đuổi chúng trong mùa Trăng Sáng của tháng giêng.

            “Ta-oya-te-duta không phải là kẻ hèn nhát; y sẽ chết cùng các ngươi.”

            Đại Bàng Lớn sau đó kêu gọi hòa bình, nhưng bị la ó đuổi xuống. Mười năm bị người da trắng lạm dụng- những hiệp ước bị vi phạm, những vùng đất săn bị cướp, những lời hứa không giữ gìn, tiền trợ cấp hàng năm không được giao, cơn đói thức ăn trong khi nhà kho tràn ngập lương thực, những lời thóa mạ của Andrew Myrick – tất cả đều gộp lại để đưa đến việc tàn sát dân định cư da trắng ở hậu cảnh.

            “Quạ Nhỏ ra lệnh tấn công văn phòng chính phủ sáng sớm hôm sau và giết tất cả nhà buôn,” Đại Bàng Lớn kể lại sau đó. “Sáng hôm sau, khi lực lượng bắt đầu tấn công văn phòng, tôi đi theo. Tôi không cầm đầu băng nhóm của tôi, cũng không dự phần vào việc bắn giết. Tôi đi để cứu sinh mạng của hai người bạn thân nếu có thể. Tôi nghĩ những người khác cũng đi vì cùng lý do, vì gần như mọi người Da Đỏ đều có một người bạn y không muốn bị giết; tất nhiên y không quan tâm đến bạn của người khác. Việc bắn giết gần như hoàn tất khi tôi đến đó. Quạ Nhỏ ở trên chiến trường chỉ huy trận đánh. . . Ông Andrew Myrick, một nhà buôn, có vợ Da Đỏ, trước đó không lâu đã từng từ chối bán chịu cho một số người Da Đỏ đói ăn, còn bảo họ: ‘Đi gặm cỏ.’ Giờ y đang nằm chết trên mặt đất, mồm bị tộng đầy cỏ, và những người Da Đỏ đang mắng nhiếc: ‘Chính Myrick lại đang gặm cỏ.’”

            Người Santee giết 20 người, bắt 10 phụ nữ và trẻ em, vét sạch kho lương thực, và đốt rụi những ngôi nhà khác. Số dân cư 47 người còn lại (một số được người Santee thân thiết giúp trốn thoát) trốn chạy dọc con sông để đến Đồn Ridgely 13 dặm về phía hạ lưu.

            Trên đường đến Đồn Ridgely những người sống sót gặp một đại đội gồm 45 binh lính đang hành quân tiếp cứu văn phòng chính phủ. Mục sư Hinman, người trước đây đã giảng bài giảng cuối cùng mà Quạ Nhỏ đã nghe, cảnh báo binh lính nên quay trở lại. Chỉ huy, John Marsh, không chịu nghe lời cảnh báo và tiến vào ổ phục kích của chiến binh Santee. Chỉ có 24 binh sĩ chạy thoát về đồn.

            Phấn khích vì thắng lợi đầu tiên, Quạ Nhỏ quyết định tấn công chính Trại Lính, Đồn Ridgely. Wabasha và chiến binh của y đã đến, lực lượng của Mankato cũng được tăng viện nhiều chiến binh, những đồng minh mới được báo cáo là đang đến từ Quản lý Thượng, và Đại Bàng Lớn không thể còn đứng trung lập khi dân tộc của ông đang lâm chiến.

            Trong đêm các tù trưởng này và vài trăm chiến binh của họ di chuyển xuống Thung Lũng Minnesota và đến sáng sớm ngày 19/8 bắt đầu tập kết trên đồng cỏ phía tây đồn. “Các chiến binh trẻ náo nức muốn đi,” Chăn Chớp Nhoáng, một người tham gia, nói, “và chúng tôi ăn mặc như chiến binh với những dấu hiệu chiến tranh vẽ lên mặt, váy và xà cạp bó chân, với một túi vải lớn quấn quanh người để chứa thức ăn và đạn dược.”

            Khi một số chiến binh trẻ còn non nớt trông thấy các tòa nhà bằng đá vững chải của Trại Lính và quân Áo xanh đang phục ở đấy, chúng có suy nghĩ thứ hai về việc tấn công. Trên đường đi xuống từ Quản lý Hạ họ đã bàn với nhau là việc đột kích ngôi làng ở Cottonwood, New Ulm thật dễ dàng biết bao. Thị trấn bắt qua con sông nhan nhản cửa hàng mặc sức mà cướp bóc, và không có binh lính ở đó. Tại sao không đánh nhau ở New Ulm? Quạ Nhỏ bảo họ rằng người Santee đang lâm chiến, và để thắng lợi họ phải đánh bại quân Áo xanh. Nếu họ có thể đuổi cổ bọn lính ra khỏi thung lũng, thế thì tất cả bọn da trắng sẽ bỏ đi hết. Người Santee không  được gì nếu chỉ giết một ít người da trắng ở New Ulm.

            Nhưng cho dù bị Quạ Nhỏ mắng mỏ và van xin, các chiến binh trẻ bắt đầu tách ra đi về hướng con sông. Quạ Nhỏ trao đổi với các thủ lĩnh khác và họ quyết định dời cuộc tấn công Đồn Ridgely cho đến ngày hôm sau.

            Chiều đó các chiến binh trẻ trở về từ New Ulm. Họ đã gây khiếp sợ cho dân chúng ở đó, họ nói, nhưng thị trấn được phòng thủ quá mạnh, và ngoài ra, một cơn bão chớp tồi tệ đã xuất hiện từ tầng trời vào lúc chiều. Đại Bàng Lớn gọi bọn họ là “những tên Da Đỏ cướp cạn” không có tù trưởng cầm đầu, và đêm đó bọn chúng đồng ý ở lại và tấn công Đồn Ridgely vào sáng hôm sau.

            “Chúng tôi xuất phát từ lúc mặt trời mọc,” Chăn Chớp Nhoáng nói, “và băng qua sông ở văn phòng bằng phà, đi theo đường đến đỉnh đồi bên dưới Khe Faribault, ở đó chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi một lát. Tại đó kế hoạch tấn công đồn được Quạ Nhỏ vạch ra. . .                          

            Sau khi tới đồn, hiệu lệnh là ba loạt súng sẽ được người của Chai Thuốc bắn ra để đánh lạc hướng sự chú ý và hỏa lực của bọn binh lính, khi đó toán phía đông (người của Đại Bàng Lớn) và phía tây và nam (người của Quạ Nhỏ và của Shakopee) có thể ào vào đồn và chiếm đồn.

            “Chúng tôi đến Khe Ba Dặm trước trưa và nấu nướng gì đó để ăn. Sau khi ăn chúng tôi tách ra, tôi đi với chiến binh chân đất về hướng bắc, và sau khi rời Quạ Nhỏ chúng tôi không chú ý gì đến các tù trưởng; mọi người làm gì tùy thích. Cả hai toán đều đến đồn cùng một lúc, vì chúng tôi có thể trông thấy họ băng qua đi về hướng tây, Quạ Nhỏ cỡi con ngựa đen. Hiệu lệnh, ba phát súng, đã bắn ra bởi người phía tôi, người của Chai Thuốc. Sau đó toán phía đông, nam, và tây chầm chậm tiến lên. Trong lúc bắn chúng tôi chạy lên tòa nhà gần tảng đá lớn. Khi chạy vào chúng tôi thấy tên lính với những khẩu súng lớn, người mà tất cả bọn tôi đều biết, và vì chúng tôi là những người duy nhất xuất hiện nên y bắn vào chúng tôi, vì y đã sẵn sàng sau khi nghe tiếng súng ở hướng chúng tôi. Nếu người của Quạ Nhỏ khai hỏa ngay sau khi chúng tôi phát hiệu lệnh, binh lính bắn chúng tôi đã bị giết chết. Hai người chúng tôi bị giết và ba bị thương, hai người sau đó chết. Chúng tôi chạy trở lại vào khe và không biết các toán khác có tiến lên sát đồn hay không, quả là họ có tiến sát và các súng lớn đuổi họ trở lại khỏi hướng đó. Nếu chúng tôi biết họ sẽ tiến sát, chúng tôi có thể khai hỏa cùng lúc và giết tất cả, vì binh lính đi ra ngoài chỗ trống giữa các tòa nhà. Chúng tôi không chiến đấu như lính da trắng có sĩ quan chỉ huy; tất cả chúng tôi bắn tùy thích. Kế hoạch xông vào các tòa nhà bỏ dở, và chúng tôi bắn vào tất cả các cửa sổ, hầu hết vào tòa nhà lớn bằng đá, vì chúng tôi nghĩ nhiều binh sĩ da trắng ở trong đó.

            “Chúng tôi không thể nhìn thấy họ, vì thế chúng tôi không chắc giết được ai không. Trong khi đánh nhau chúng tôi cố đốt cháy tòa nhà bằng tên lửa, nhưng chúng không bắt lửa, vì thế chúng tôi phải lấy thêm thuốc súng và đạn. Mặt trời đã lên cao hai giờ khi chúng tôi đi vòng đến phía tây của đồn, và quyết định trở lại làng của Quạ Nhỏ nghỉ ngơi để ngày mai tiếp tục đánh nhau. . .

            “Có khoảng 400 chiến binh Da Đỏ trong cuộc đột kích này; không có phụ nữ đi theo. Tất cả họ đều dừng chân ở làng của Quạ Nhỏ. Các bé trai từ 10 đến 15 tuổi lo việc nấu nướng, vì còn quá nhỏ để đánh nhau.”

            Chiều tối hôm đó, cả Quạ Nhỏ và Đại Bàng Lớn đều xuống tinh thần vì không thể lấy được Trại Lính. Đại Bàng Lớn chống đối một cuộc tấn công khác. Người Santee không đủ chiến binh để trấn áp các súng lớn của binh lính, ông nói. Họ sẽ mất rất nhiều sinh mạng nếu tấn công lần nữa. Quạ Nhỏ nói ông sẽ tính lại phải làm gì. Trong thời gian đó mọi người nên làm thêm đạn vì có nhiều thuốc súng lấy trong nhà kho.

            Tối hôm đó tình hình thay đổi. Bốn trăm chiến binh Wahpeton và Sisseton đến từ Quản lý Thượng và xin được tham gia với Mdewkanton trong cuộc chiến chống người da trắng. Quạ Nhỏ hớn hở. Bộ tộc Santee lại đoàn kết trở lại, tám trăm người hùng mạnh, chắc chắn đủ chiến binh để chiếm Đồn Ridgely. Ông họp hội đồng chiến tranh và ban ra những lệnh nghiêm nhặt cho cuộc chiến ngày hôm sau. Lần này họ không được thất bại.

            “Sớm ngày 22/8 chúng tôi xuất phát,” Chăn Chớp Nhoáng kể lại, “nhưng cỏ còn ướt sương, nhiều hơn ngày hôm trước, vì thế khi mặt trời lên cao chúng tôi đã đi rất xa và chỉ trước giữa ngày là chúng tôi đã đến đồn. . . Lần này chúng tôi không dừng lại để ăn, nhưng mỗi người đều có mang theo thức ăn trong túi vắt ngang lưng và ăn vào giữa ngày, trong khi đang đánh nhau.”

            Đại Bàng Lớn nói trận đánh thứ hai tại Đồn Ridgely là một việc lớn lao. “Chúng tôi đi xuống, quyết tâm lấy cho được đồn, bởi vì chúng tôi hiểu điều đó là quan trọng nhất đối với chúng tôi. Nếu có thể chiếm nó thì mau chóng sẽ có trọn vùng Thung lũng Minnesota.”

            Lần này, thay vì táo bạo tiến đến gần đồn, các chiến binh Santee sẽ buộc cỏ và hoa lá lên đầu để ngụy trang và rồi bò vào tận giao thông hào và trèo qua bụi cây cho đến khi đủ gần để bắn lính gác. Một trân mưa tên lửa thiêu cháy mái nhà; sau đó chiến binh Santee ào ào xông vào các chuồng ngựa. “Trong trận chiến này,” Wakonkdayamanne nói, “tôi tiến đến bờ phía nam đến chuồng ngựa và cố lấy một con ngựa. Khi tôi dẫn nó ra một viên đạn phát nổ trong chuồng gần bên tôi khiến con ngựa vùng lên qua người tôi và bỏ chạy, xô tôi ngã xuống. Khi tôi đứng dậy tôi trông thấy một con lừa đang chạy, thế là tôi điên tiết bắn nó. Trong một vài phút có trận đánh tay đôi quanh chuồng ngựa, nhưng một lần nữa người Santee phải buông tay trước hỏa lực dữ dội của pháo binh.

6

Đại Bàng Lớn

Quạ Nhỏ bị thương, không nặng lắm, nhưng yếu đi vì mất nhiều máu. Khi ông rút lui khỏi chiến trường để dưỡng thương, Mankato dẫn đầu một đợt công kích khác. Nhưng súng có băng đạn lớn gấp đôi đã đốn ngã những chiến binh xông vào và cuộc đột kích thất bại.

            “Nếu không có đại bác tôi nghĩ chúng tôi đã chiếm được đồn,” Đại Bàng Lớn nói. “Binh lính chiến đấu quá dũng cảm khiến chúng tôi tưởng như họ có quân số nhiều hơn thực tế.” (Khoảng 150 binh sĩ và 25 nhân viên có trang bị vũ khí bảo vệ Đồn Ridgely vào ngày 22/8.) Đại bàng Lớn mất nhiều chiến binh nhất trong trận đánh ngày hôm đó.                                                                                          

            Vào chiều tối các tù trưởng Santee hoãn lại cuộc tấn công. “Mặt trời giờ đang xuống thấp,” Chăn Chớp Nhoáng nói, “và sau khi chúng tôi thấy chiến binh phía nam và tây đã bị các súng lớn đánh bật trở lại, và có thể trông thấy Quạ Nhỏ và người của ông ta đi về phía tây bắc, chúng tôi quyết định đi theo để xem phải làm gì. Sau khi nhập bọn với họ chúng tôi đề nghị đi về làng của Quạ Nhỏ để lấy thêm chiến binh. Nhưng Quạ Nhỏ bảo không còn chiến binh nào, và tiếp theo là bàn bạc. Một số người muốn sáng mai tấn công đồn lần nữa rồi đi đến New Ulm sau; số khác muốn tấn công New Ulm sáng sớm rồi quay lại và chiếm đồn. Chúng tôi sợ binh lính sẽ đến New Ulm trước.”

            Binh lính mà Chăn Chớp Nhoáng nói tới là 1,400 binh sĩ của Trung đoàn Minnesota Thứ 6 đang tiến đến từ St. Paul. Họ được dẫn đầu bởi một sĩ quan quá quen mặt với người Santee Sioux. Y là Nhà Buôn Đường Dài, Đại tá Henry H. Sibley. Trong số tiền $475,000 hứa giao cho người Santee trong hiệp ước đầu tiên của họ, Sibley đã lấy $145,000 cho Cộng ty Da Lông thú Hoa Kỳ coi như tiền y đã trả dư cho người Santee. Người Santee cho rằng công ty da lông thú đã trả thiếu mình, nhưng viên chức của họ, Alexander Ramsey chấp nhận yêu sách của Sibley, cũng như yêu sách của những nhà buôn khác, thành ra người Santee thực tế không nhận được gì nhiều cho mảnh đất họ đã nhượng. (Ramsey hiện giờ là thống đốc Minnesota, và ông ta đã chỉ định Nhà Buôn Đường Dài làm Thủ Lĩnh Đại Bàng của trung đoàn Minnesota.)

            Vào giữa sáng ngày 23/8, người Santee tấn công New Ulm. Họ kéo ra từ rừng cây trong ánh nắng rực rỡ, tạo thành một vòng cung băng qua đồng cỏ, và tràn về thị trấn. Các công dân của New Ulm đã sẵn sàng tiếp họ. Sau cuộc đột kích không thành công của các chiến binh Da Đỏ trẻ vào ngày 19/8, thị dân đã xây dựng công sự, trang bị thêm nhiều vũ khí, và xin yễm trợ từ các lực lượng dân quân của các thị trấn dưới thung lũng. Khi người Santee đến cách tuyến phòng thủ đầu của người da trắng một dặm rưỡi, đám chiến binh bắt đầu tỏa ra như cánh quạt. Cùng lúc đó, họ tăng tốc và bắt đầu la hét xung phong để làm khiếp sợ người da trắng. Mankato là thủ lĩnh trận chiến trong trận này (Quạ Nhỏ nằm dưỡng thương trong làng), và kế hoạch tấn công của ông ta là bao vây thị trấn.

            Hỏa lực hai bên rất dữ dội và nóng rát, nhưng từ các lỗ khoét trên tường nhà làm vị trí nhắm bắn các công dân đã làm chậm làn sóng tiến đánh của người Da Đỏ. Vào đầu giờ chiều người Santee phóng hỏa đốt vài công trình trên măt thuận chiều gió của New Ulm hi vọng nương theo làn khói để tấn kích. Sáu mươi chiến binh, cỡi ngựa và chạy bộ, ào tới một công sự, nhưng bị đẩy lùi bởi những loạt đạn dòn dã. Thật là một trận đánh kéo dài và ác liệt, bắn nhau trên đường phố, nhà ở, ngoài sân, và các nhà kho. Khi đêm xuống, người Santee rút đi mà không đạt thắng lợi, nhưng họ bỏ lại phía sau những tàn tích ngún khói của 190 tòa nhà và hơn 100 thương vong cho những người phòng ngự kiên cường của New Ulm.

            Ba ngày sau đội tiên phong của trung đoàn của Sibley đến Đồn Ridgely, và người Santee bắt đầu rút quân lên Thung lũng Minnesota. Họ dẫn theo hơn 200 tù binh, phần lớn là phụ nữ và trẻ em da trắng và một số đáng kể dân lai được xem là về phe người da trắng. Sau khi xây dựng một làng tạm thời phía trên Quản lý Thượng khoảng 40 dặm, Quạ Nhỏ bắt đầu thương thảo với các thủ lĩnh Sioux khác trong vùng, hi vọng nhận được sự ủng hộ của họ. Ông không mấy thành công. Một nguyên do mà họ không mấy nhiệt tình là vì Quạ Nhỏ đã thất bại trong việc chiếm Đồn Ridgely. Nguyên do khác là vụ giết bừa bãi người định cư da trắng ở phía bắc Sông Minnesota, một tội sát nhân đẫm máu do các băng đảng cướp bóc gồm những thanh niên vô kỹ luật ra

tay trong khi Quạ Nhỏ đang bao vây Đồn Ridgely. Vài trăm dân đinh cư đã bị giăng bẫy ngay khi đang ngủ trong lều mà không hay biết. Nhiều người bị tàn sát dã man.

            Mặc dù Quạ Nhỏ tỏ ra khinh miệt những người sử dụng bạo lực với những dân định cư không thể tự vệ, ông biết rằng lệnh phát động chiến tranh của ông đã vô tình mở cửa cho bạo lực. Nhưng giờ đã quá trễ để quay lại. Cuộc chiến sẽ tiếp diễn cho đến khi nào không còn chiến binh.

            Vào ngày 1 tháng 9 ông quyết định đi trinh sát dưới hạ lưu để kiểm tra sức mạnh của quân Sibley, Nhà Buôn Đường Dài. Người Santee phân chia thành hai lực lượng, Quạ Nhỏ cầm đầu 110 chiến binh đi dọc theo bờ bắc của Minnesota, trong khi Đại bàng Lớn và Mankato trinh sát bờ nam với một lực lượng lớn hơn.

            Kế hoạch của Quạ Nhỏ là tránh gặp trực diện bọn lính, thay vào đó lẻn ra phía sau hậu quân của Sibley và cố gắng bắt đoàn xe tiếp tế của quân đội. Để thực hiện điều này, ông đánh một vòng lớn lên phía bắc, mang số chiến binh của mình đến sát một vài khu định cự mà hai tuần trước đã chống cự các vụ tấn công từ bọn kẻ cướp. Một số thuộc hạ bị cám dỗ tỏ ý muốn đột kích khu định cư này để cướp bóc. Thế là mối bất hòa nảy sinh. Vào ngày thứ hai của chuyến trinh sát, một phó tù trưởng yêu cầu họp hội đồng và đề nghị tấn công các khu định cư. Quạ Nhỏ phản đối. Kẻ thù của họ là binh lính, ông nhấn mạnh; họ phải đánh nhau với binh lính. Cuối cùng sau buổi họp, 75 chiến binh đi theo phó tù trưởng để cướp bóc, chỉ 35 chiến binh trung kiên đi cùng Quạ Nhỏ.

            Vào sáng hôm sau toán nhỏ của Quạ Nhỏ bất ngờ chạm trán với một đại đội 75 binh sĩ. Một trận đánh phá vòng vây xảy ra sau đó, tiếng súng nổ khiến nhóm người Santee tách ra ngày hôm trước quay lại để giải cứu Quạ Nhỏ. Trong trận cận chiến đẫm máu, binh lính dùng lưỡi lê, nhưng chiến binh Santee giết được 6 và làm bị thương 15 kẻ thù trước khi họ rút chạy về Hutchinson.

            Hai ngày hôm sau người Santee thám thính quanh Hutchinson và Forest City, nhưng binh lính vẫn ẩn mình trong lô cốt. Vào ngày 5 tháng 9 các người đưa tin mang đến tin tức về một trận đánh cách đó vài dặm về hướng tây nam. Đại Bàng Lớn và Mankato đã giăng bẫy được binh lính của Nhà Buôn Đường Dài tại Birch Coulee.

            Trong đêm trước khi diễn ra trận đánh ở Khe Birch, Đại Bàng Lớn và Mankato đã lặng lẽ bao vây trại lính để họ không có đường tẩu thoát. “Ngay rạng đông cuộc chiến bắt đầu,” Đại bàng Lớn kể. “Nó tiếp tục suốt ngày và đến tối hôm sau cho đến hết buổi sáng hôm sau. Cả hai bên đều đánh rất cừ. Cách đánh của người da trắng quá tốt nên người Da Đỏ tổn thất nhiều. . . Khoảng giữa trưa người của chúng ta trở nên nóng ruột vì tiến độ trận đánh quá chậm, cùng sự kiên cường của bọn lính. Họ rỉ tay nhau quanh phòng tuyến là chuẩn bị tổng tấn công trại. Mankato táo tợn muốn tấn công sau giờ đầu tiên. . .

            “Ngay khi chúng tôi sẵn sàng tấn công, có tin một số lớn lính cỡi ngựa đang tiến đến từ hướng đông về phía Đồn Riggely. Thế là cuộc tấn công bất thành và họ hồ hỡi đổi phương án tác chiến. Mankato ngay lập tức lấy theo vài người từ dưới khe và tiến ra đương đầu với họ.  . . Mankato xua tay đồng đội chạy quanh toán kỵ binh, cùng với tiếng hét hú trợ oai của các chiến binh dưới khe, cuối cùng bọn da trắng bắt đầu lùi lại, và rút lui khoảng hai dặm, ở đó họ bắt đầu đào công sự. Mankato đuổi theo họ, để lại 30 người canh giữ, và trở lại trận chiến ở khe với những người còn lại. Người Da Đỏ cười to vì mình đã lừa được kỵ binh da trắng không dám đến tiếp ứng đồng bọn. . .

            “Sáng hôm sau Tướng Sibley đến với một lực lượng rất hùng hậu và đuổi chúng tôi ra khỏi trận địa. Chúng tôi thư thả rút lui. Một số người trong chúng tôi nói rằng họ nán lại cho đến khi Sibley đến nơi và bắn một số binh lính của ông ta khi họ đến bắt tay với binh lính trong trại. Không có ai đuổi theo. Người da trắng bắn đại bác khi chúng tôi rời trận địa. Tổn thất duy nhất mà súng lớn gây ra chỉ là tiếng ồn điếc cả tai. Chúng tôi trở lại băng qua sông đến trại của mình trong ngôi làng cũ, và rồi tiến lên thương lưu đến Yellow Medicine và cửa sông Chippewa, ở đó Quạ Nhỏ nhập bọn với chúng tôi. . . Cuối cùng lại có tin Sibley với quân đội của ông ta một lần nữa đang trên đường tiến đánh chúng tôi. . . Ông ta đã để lại bức thư cho Quạ Nhỏ kẹp trên đầu gậy cắm ở trận địa Khe Birch, và một vài người chúng tôi đã tìm thấy và mang về. . . “

            Bức thư do Nhà Buôn Đường Dài để lại chỉ ngắn và vô thưởng vô phạt:

            Nếu Quạ Nhỏ có bất cứ đề nghị gì trình bày, hãy bảo y gởi cho tôi một tên lai da trắng, và y sẽ được bảo vệ trong và ngoài trại.

  1. H. Sibley

            Quạ Nhỏ tất nhiên không tin cậy người đàn ông này, người đủ mưu mẹo để cưỡm đi quá nhiều tiền trợ cấp của người Santee. Nhưng ông cũng quyết định trả lời. Ông nghĩ rằng có lẽ Nhà Buôn Đường Dài, lúc này đã ở trên Đá Trắng (St.Paul), không biết tại sao người Santee đi gây chiến. Quạ Nhỏ cũng muốn Thống đốc Ramsey biết những nguyên do của cuộc chiến. Nhiều người trung lập trong bộ tộc Santee lo sợ về những gì Ramsey đã nói với người Minnesotan da trắng: “Người Da Đỏ Sioux phải bị tận diệt hoặc bị quét sạch mãi mãi ra khỏi biên giới của bang.”

            Thông điệp của Quạ Nhỏ đề ngày 7 tháng 9 gởi Tướng Sibley:

            Vì lý do gì tôi đã bắt đầu cuộc chiến này tôi sẽ kể cho ngài nghe. Đó là do Thiếu tá Gailbraith. Chúng tôi ký một hiệp ước với chính quyền, và xin những gì chúng tôi có quyền được hưởng, nhưng không có được cho đến khi các con cái đang chết đói. Đó là do các nhà buôn đã khởi sự việc đó. Nếu ông A. J. Myrick bảo với người Da Đỏ rằng họ hãy gặm cỏ hay ăn đồ dơ. Rồi ông Forbes bảo với người Hạ Sioux là họ không phải là người. Rồi Roberts cùng với bạn của ông ta lường gạt chúng tôi tiền bạc. Nếu các chiến binh trẻ đã đánh đuổi người da trắng, chính tôi đã làm điều này. Vì thế tôi muốn ngài báo cho Thống đốc Ramsey việc này. Tôi có giữ nhiều tù nhân, phụ nữ và trẻ con. . . Tôi muốn ngài trả lời cho người đưa thư này.

            Tướng Sibley trả lời:

            QUẠ NHỎ – Ông đã giết hại nhiều người chúng tôi mà không vì nguyên nhân thỏa đáng nào. Hãy trả lại tôi những tù nhân dưới lá cờ hưu chiến, và rồi tôi sẽ nói chuyện với ông như một người đàn ông.

            Quạ Nhỏ không có ý định trả lại tù nhân cho Nhà Buôn Đường Dài trước khi y thể hiện là liệu có ý muốn thi hành mệnh lệnh của Thống đốc về việc tận diệt hoặc lưu đày người Santee hay không. Ông muốn dùng các tù nhân để mặc cả. Trong buổi họp hội đồng giữa các băng khác nhau, tuy nhiên, có nhiều bất đồng về đường hướng người Santee phải đi trước khi binh lính của Sibley đến được Yellow Medicine. Paul Mazakootemane của người Sisseton ở Quản lý Thượng kết tội Quạ Nhỏ đã khơi mào chiến tranh. “đưa cho tôi tất cả người tù da trắng này,” y yêu cầu. “Tôi sẽ giao họ về với người thân. . . Ngừng đánh nhau đi. Không ai chiến đấu với người da trắng mà có thể trở nên giàu có, hoặc ở được 2 ngày tại cùng một nơi, mà cứ phải luôn trốn thoát và chết đói.”

            Wabasha, người có mặt trong trận đánh đồn Ridgely và New Ulm, cũng đồng ý mở con đường đến hòa bình bằng cách giải phóng tù nhân, nhưng con rễ ông Rda-in-yan-ka nói thay Quạ Nhỏ và đa số các chiến binh: “Tôi không đồng ý tiếp tục chiến tranh, và tôi phản đối giao trả tù nhân. Tôi không tin tưởng người da trắng sẽ tuân theo bất kỳ thỏa thuận nào mà họ đã nói nếu ta giao họ. Kể từ khi ta thương lượng với họ, các quản lý và nhà buôn của họ đã móc túi và lừa gạt chúng ta. Một người dân ta đã bị bắn, một số bị treo cổ; người khác bị cột vào tảng băng trôi và chết đuối; và nhiều người đã chết đói trong nhà tù của họ. Giết người da trắng không phải là ý định của quốc gia cho đến sau khi bốn người trở lại từ Acton và khai ra những gì họ đã làm. Khi họ đã khai ra việc này, tất cả chiến binh trẻ đều phấn khích, và bắt đầu vụ tàn sát. Người lớn tuổi hơn có thể đã ngăn cản nếu có thể, nhưng vì các hiệp ước bất lợi đã ký, họ đã đánh mất tất cả ảnh hưởng của mình. Chúng ta có thể hối tiếc những gì đã xảy ra, nhưng vấn đề đã đi quá xa để có thể sửa chữa được. Chúng ta phải chết. Vậy thì, hãy giết người da trắng nhiều như có thể, và để các tù nhân chết với chúng ta.”

            Vào ngày 12 tháng 9 Quạ Nhỏ cho Nhà Buôn Đường Dài một cơ hội cuối cùng để kết thúc mà không đổ máu thêm nữa. Trong thông điệp của mình ông bảo đảm với Sibley rằng các tù nhân được đối xử tử tế. “Tôi muốn biết từ ngài như một người bạn,” ông thêm, “tôi phải làm gì để mang lại hòa bình cho dân tôi.”

            Quạ Nhỏ không biết, cũng trong ngày đó Wabasha gởi cho Sibley một thư mật, đổ lỗi cho Quạ Nhỏ đã khơi mào cuộc chiến và tuyên bố rằng y (Wabasha) là một người bạn của người “da trắng tốt bụng.” Y không đề cập đến việc cách đó ít tuần y đã đánh nhau với họ tại Đồn Ridgely và New Ulm. “Tôi đã bị giữ lại và đe dọa bị giết nếu tôi làm điều gì giúp đỡ người da trắng,” y tuyên bố, “nhưng nếu bây giờ ngài chỉ định một nơi cho tôi gặp ngài, tôi và một số bạn bè sẽ đưa về tất cả tù nhân chúng tôi có thể giải cứu, và cùng gia đình sẽ đến bất cứ đâu ngài chỉ định cho chúng ta gặp mặt.”

            Sibley trả lời hai thư cùng một lúc. Với Quạ Nhỏ y trách cứ ông không giao nộp tù nhân, bảo ông đó không phải là cách thức để tạo ra hòa bình, nhưng y không trả lời cho lời cầu xin của thủ lĩnh chiến tranh cách thức để chấm dứt cuộc chiến. Còn với kẻ phản bội Quạ Nhỏ, Wabasha, Sibley viết một bức thư dài hướng dẫn gã rõ ràng phải sử dụng cờ trắng khi giao tù nhân. “Tôi sẽ hân hạnh tiếp đón tất cả bạn bè thực sự của người da trắng,” Sibley hứa, “với càng nhiều tù nhân càng tốt, và tôi có đủ sức mạnh để đè bẹp tất cả ai cố ngăn cản cuộc tiến quân của tôi, và trừng trị những ai đã nhúng tay vào máu người vô tội.”

            Sau khi Quạ Nhỏ nhận được thư trả lời lạnh nhạt của Sibley, ông biết rằng không còn hi vọng gì cho hòa bình trừ đầu hàng nhục nhã. Nếu binh lính không thể nào bị đánh bại, thì chỉ có con đường chết hoặc lưu đày cho người Santee Sioux.

            Vào ngày 22 tháng 9 các trinh sát báo cáo rằng binh lính của Sibley đã đến trại ở Hồ Wood. Quạ Nhỏ quyết định đánh một trận trước khi họ đến Yellow Medicine.

            “Tất cả tù trưởng chiến đấu của chúng tôi đều có mặt cùng với những chiến binh cừ khôi nhất,” Đại Bàng Lớn nói. “Chúng tôi cảm thấy rằng đây sẽ là trận đánh quyết định của cuộc chiến.” Một lần nữa như đã làm ở Birch Coulee, người Santee lặng lẽ chuẩn bị một vụ mai phục binh lính. “Chúng tôi có thể nghe họ cười hát. Khi tất cả đã sẵn sàng Quạ Nhỏ và tôi và vài tù trưởng khác đi đến đỉnh đồi để quan sát trận đánh khi nó bắt đầu.

            “Trời sáng và một rủi ro làm hỏng kế hoạch của chúng tôi. Do một lý do nào đó, Sibley không chuyển quân sớm như chúng tôi dự đoán. Người của chúng tôi đang nằm ẩn núp, kiên nhẫn chờ đợi. Một số ở rất gần đường ranh của trại ở trong khe, nhưng binh lính không phát hiện người nào của chúng tôi. Tôi không nghĩ họ phát hiện việc chúng tôi mai phục. Thời gian chờ đợi trôi qua thật chậm chạp cho đến khi mặt trời lên, rồi bổng bốn năm xe ngựa chở một số lính xuất hiện, bắt đầu tiến ra khỏi trại hướng về phòng quản lý Yellow Medicine cũ. Chúng tôi sau đó biết rằng họ đi ra ngoài để đào khoai tây mà không có lệnh. Một số xe không đi trên đường mà chạy qua đồng cỏ, hướng tới đúng nơi một bộ phận của chúng tôi đang mai phục. Cuối cùng họ đến quá gần đến nỗi các chiến binh bắt buộc phải đứng dậy và khai hỏa. Tất nhiên, trận đánh nổ ra, nhưng không theo đúng kế hoạch. Quạ Nhỏ nhìn thấy và rất bực mình. . .

            “Những chiến binh tham gia trận đánh làm rất tốt, nhưng còn hàng trăm chiến binh ở quá xa, không đến được và chưa bắn một phát đạn nào. Những người trong khe và trên đường gánh hầu hết hỏa lực của trận chiến. Những người trên đồi cũng cố gắng, nhưng chẳng mấy chốc bị đẩy lùi. Mankato bị giết ở đây, và thế là chúng tôi mất đi một tù trưởng chiến tranh rất gan dạ và rất cừ. Ông bị giết bởi một phát đạn đại bác đang hết đà rơi xuống ghim vào lưng ông khi đang nằm trên mặt đất và giết chết ông. Binh lính da trắng đuổi chúng tôi ra khỏi khe trong một đợt tấn công và trận chiến kết liễu. Chúng tôi rút lui trong hỗn loạn, mặc dù kẻ thù không buồn truy đuổi. Chúng tôi băng qua một đồng cỏ rộng, nhưng người ngựa của họ không rượt theo. Chúng tôi mất 14 hay 15 người và nhiều người bị thương. Một số người bị thương sau đó đã chết, nhưng tôi không biết bao nhiêu. Chúng tôi không mang theo được những người đã hi sinh, chỉ mang đi những kẻ bị thương. Binh lính lột da đầu tất cả chiến binh đã chết – tôi đã nghe nói như thế.” (Sau khi biết tin binh lính phanh thây người chết, Sibley ra lệnh ngăn cấm hành động này: “Thi thể của người chết, cho dù là của bọn man rợ không nên bị đối xử nhục nhã bởi những người Cơ đốc văn minh.”)                  

            Tối đó trong trại Santee 12 dặm phía trên Yellow Medicine, các tù trưởng họp hội đồng cuối cùng. Hầu hết đều nhận rằng Nhà Buôn Đường Dài quá mạnh đối với họ. Người Sioux rừng núi phải đầu hàng hoặc thoát thân về với anh em họ của mình, người Sioux đồng cỏ của xứ Dakota. Những người không dự phần vào trận chiến quyết định ở lại và đầu hàng, tin tưởng rằng nếu giao nộp các tù nhân da trắng họ sẽ chiếm được tình bạn của Nhà Buôn Đường Dài Sibley mãi mãi. Họ được Wabasha nhập bọn và y còn thuyết phục con rễ Rda-in-yan-ka ở lại. Phút cuối cùng, Đại Bàng Lớn cũng quyết định ở lại. Một vài tù nhân lai bảo đảm với ông rằng nếu đầu hàng ông chỉ bị bắt làm tù binh trong một thời gian ngắn. Ông sẽ sống để hối tiếc về quyết định của mình.

            Sáng hôm sau, cay đắng vì thảm bại và cảm thấy gánh nặng của tuổi 60, Quạ Nhỏ nói lời từ biệt với những chiến binh theo mình. “Tôi lấy làm xấu hỗ tự nhận mình là người Sioux,” ông nói. “bảy trăm những chiến binh cừ khôi nhất của chúng ta đã bị bọn da trắng đánh bại hôm qua. Giờ tất cả chúng ta nên trốn thoát và phân tán qua khắp đồng bằng như đàn bò rừng và sói. Đúng là bọn da trắng có các cỗ súng và vũ khí tốt hơn chúng ta, và chúng quá đông người. Nhưng đó không phải là lý do tại sao chúng ta không đánh lại chúng, vì chúng ta là những chiến binh Sioux dũng cảm còn bọn da trắng hèn nhát như phụ nữ. Tôi không thể cắt nghĩa sự thảm bại nhục nhã của chúng ta. Chắc chẳn trong chúng ta có kẻ phản bội đã thông đồng với họ.” Ông và Sharokee và Chai Thuốc sau đó ra lệnh người của mình tháo dở lều trại. Họ chất đồ đạc, lương thực, đàn bà và trẻ con lên vài cỗ xe ngựa lấy được ở phòng quản lý, và bắt đầu đi về hướng tây. Mùa Trăng của Lúa Dại (Tháng 9) đang sắp kết thúc, và những con trăng lạnh lẽo sắp đến gần.

            Vào ngày 26 tháng 9, với sự giúp đỡ của Wabasha và Paul Mazakootemane, giơ cờ trắng hưu chiến, Sibley tiến quân vào trại Santee và ngay lập tức yêu cầu giao nộp tù nhân; 107 người da trắng và 162 dân lai được chuyển giao cho các binh sĩ. Trong hội đồng mở ra sau đó, Sibley thông báo là người Santee nên tự xem mình là những tù binh cho đến khi phát hiện và treo cổ những kẻ có tội trong bọn họ. Các thủ lĩnh hòa bình phản đối với những lời thú nhận luồn cúi về tình thân hữu, chẳng hạn lời của Paul Mazakootemane: “Tôi đã lớn lên như một đứa con của ngài. Với của cải của ngài, ngài nuôi tôi lớn lên, và giờ đây tôi nắm tay ngài như con nắm lấy bàn tay cha. . . Tôi đã coi tất cả người da trắng như bạn bè, và từ họ tôi biết phước lành này đã đến.”

            Sibley trả lời bằng cách bố trí một vòng pháo bao quanh trại. Sau đó ông phái những người đưa tin lai để cảnh báo với tất cả người Santee trong Thung lũng Minnesota hãy trình diện tại Trại Phóng Thích (ông đặt tên nơi đó như thế). Người nào không tình nguyện đến sẽ bị săn lùng, bị bắt hoặc bị giết chết. Trong khi người Santee bị bố ráp và giải giới, binh lính đốn cây và dựng một tòa nhà gỗ to. Mục đích của nó sớm được làm rõ, khi phần đông đàn ông Santee – khoảng 600 trong số 2,000 người Da Đỏ trong trại – bị xiềng xích với nhau từng cặp và bị nhốt ở đó.

            Trong khi đó Sibley đã chọn năm sĩ quan để lập ra tòa án binh xử tội mọi người Santee tình nghi tham gia vào cuộc nổi dậy. Vì người Da Đỏ không có quyền lợi hợp pháp, ông ta thấy không có lý do gì chỉ định một người biện hộ cho họ.

            Người tình nghi thứ nhất được mang ra trước tòa là một người lai có tên Godfrey đã lấy một phụ nữ trong băng của Wabasha và đã sống ở Phòng Quản lý Hạ trong bốn năm. Các nhân chứng là ba phụ nữ da trắng trong số các tù nhân bị bắt. Không có ai tố cáo y hiếp dâm, không có ai trông thấy y phạm tội sát nhân, nhưng họ nói họ đã nghe Godfrey khoác loác là đã giết bảy người da trắng ở New Ulm. Dựa vào chứng cứ này tòa án binh phán y có tội sát nhân và ra bản án là treo cổ.

            Khi Godfrey sau đó biết rằng tòa án sẽ giảm án nếu y nhận diện những người Santee tham gia trong các cuộc đột kích, y liền sốt sắng làm người chỉ điểm, và các phiên xử tiến hành suôn sẻ, có đến gần 40 người bị kết án giam hay tử hình mỗi ngày. Vào ngày 5 tháng 11 phiên tòa kết thúc; 303 chiến binh Santee đã bị kết án tử; 16 người bị tù dài hạn.

            Trách nhiệm tận diệt quá nhiều sinh mạng, mặc dù họ là “con quỉ đội lốt người,” quá lớn đến nỗi Nhà Buôn Đường Dài Sibley không muốn gánh chịu một mình. Ông ta đùn đẩy gánh nặng cho tư lệnh của Phòng Quân sự của vùng Tây bắc, Tướng John Pope. Tướng John Pope lại đùn đẩy quyết định cuối cùng cho Tổng thống Hoa Kỳ, Abraham Lincoln. “Các tù nhân Sioux sẽ bị hành hình trừ khi Tổng thống ngăn cấm,” Tướng Pope thông báo cho Thống đốc Ramsay, “mà tôi tin chắc ông ta sẽ không làm thế.”

            Tuy nhiên, là một con người có lương tri, Abraham Lincoln yêu cầu “một biên bản toàn bộ và đầy đủ của lời buộc tội; nếu biên bản không chỉ ra đầy đủ những người có tội nhiều hơn và có ảnh hưởng nhiều hơn trong số các can phạm, làm ơn đưa ra một nhận định thận trọng về những điểm này và gởi cho tôi.” Sau khi nhận được những tài liệu của vụ án, Tổng thống giao cho hai luật sự xem xét để phân biệt giữa những kẻ sát nhân và những người chỉ tham gia trận đánh.

            Việc Lincoln từ chối cho phép treo cổ ngay lập tức 303 người Santee bị kết án làm Tướng Pope và Thống đốc Ramsey tức giận. Pope phản kháng là “Tội nhân bị kết án theo bất kỳ quan điểm nào cũng phải thi hành án mà không có ngoại lệ. . . Tính nhân đạo đòi hỏi giải quyết tức thì vụ án.” Ramsey yêu cầu thẩm quyền từ Tổng thống để ra lệnh hành hình mau chóng 303 người bị kết án, và cảnh báo rằng dân chúng Minnesota sẽ “trả thù cá nhân” đối với các tù nhân nếu Lincoln không hành động nhanh chóng.

            Trong khi Tổng thống Lincoln duyệt xét lại hồ sơ vụ án, Sibley di dời các tù nhân Da Đỏ đến một trại giam ở South Bend trên Sông Minnesota. Trong khi họ được giải đi ngang qua New Ulm, một đám công dân trong đó có nhiều phụ nữ muốn “trả thù cá nhân” trang bị cây chĩa, nước sôi, và đá. Mưởi lăm tù nhân bị thương, một bị ném đá bễ hàm, trước khi binh lính có thể dẫn họ an toàn qua khỏi thị trấn. Một lần nữa vào ngày 4 tháng 12 một đám công dân tràn ngập trại tù dự định treo cổ các người Da Đỏ. Binh lính ngăn cản đám đông, và ngày hôm sau chuyển họ đến một lô cốt vững chắc hơn gần thị trấn Mankato.

            Trong lúc đó Sibley quyết định giữ 1,700 Santee còn lại – hầu hết là đàn bà và trẻ con – làm tù nhân, mặc dù họ không phạm tội nào khác hơn là sinh làm người Da Đỏ. Ông ta ra lệnh chuyển họ đến Đồn Snelling, và dọc đường đi họ cũng bị các công dân da trắng căm tức hành hạ. Nhiều người bị ném đá và bị đập bằng dùi cui; một đứa trẻ bị bứt ra khỏi cánh tay của mẹ và bị đập đến chết. Tại đồn Snelling đoàn người dài 4 dặm bị nhốt trong một khu đất ẩm thấp được rào kín. Ở đó, dưới sự canh gác của binh lính, họ chen chúc trong những nơi trú ẩn tồi tàn và nhận những khẩu phần ít ỏi, những gì còn lại của một bộ tộc Sioux núi rừng một thời kiêu hãnh đang đợi chờ số phận của họ.

            Vào ngày 6 tháng 12 Tổng thống Lincoln báo cho Sibley là ông ta chỉ nên hành hình 39 trong số 303 người Santee bị kết án. “Những tù nhân bị kết tội khác ngài nên ban cho họ những chế độ khác, thận trọng không cho họ trốn thoát cũng như chịu bất kỳ bạo lực vô pháp nào.”

            Ngày hành hình được ấn định là ngày 26 tháng 12 trong Mùa Trăng Hưu Mọc Sừng. Sáng hôm đó thị trấn Mankato tràn ngập những công dân hận thù và tò mò một các bệnh hoạn. Một trung đoàn lính tiến vào  để gìn giữ trật tự. Ở phút cuối cùng, một người Da Đỏ được ân xá. Khoảng 10 giờ, 38 phạm nhân bị kết án được dẫn từ trại giam đến giá treo cổ. Họ hát vang bài ca tử thần của người Sioux cho đến khi binh lính trùm những túi vải trắng trùm lên họ và đặt thòng lọng quanh cổ họ. Một sĩ quan ra hiệu, dây điều khiển bị cắt đứt và 38 người Santee Sioux chết treo lơ lửng trong không trung. Nếu không có can thiệp của Abraham Lincoln sẽ có đến 300 người bị hành hình; dù vậy, một khán giả huênh hoang là đây là “vụ hành hình tập thể lớn nhất của Hoa Kỳ.”

            Một vài giờ sau, các viên chức phát hiện có hai người bị treo cổ không có trên danh sách của Lincoln, nhưng mọi việc bị ém nhẹm cho đến 9 năm sau đó. “Đó là một vấn đề rất đáng tiếc,” một người có trách nhiệm tuyên bố. “Tôi tin chắc họ không bị xử tử một cách có chủ ý.” Một trong hai người vô tội bị treo cổ oan đã cứu sống một phụ nữ da trắng trong cuộc đột kích.

            Vài người khác bị hành hình hôm đó vẫn khăng khăng cho là mình vô tội đến phút cuối cùng. Một trong số đó là Rda-in-yan-ka, người đã cố ngăn cuộc chiến từ đầu, nhưng sau đó tham gia với Quạ Nhỏ. Khi Quạ Nhỏ và những người đi theo bỏ đi đến Dakota, Wabasha đã thuyết phục Rda-in-yan-ka ở lại.

            Không lâu trước khi bị hành hình, Rda-in-yan-ka thảo một bức thư vĩnh biệt cho tù trưởng của mình:

            Wabasha – Ông đã lừa dối tôi. Ông bảo tôi rằng nếu chúng ta nghe theo lời khuyên của Tướng Sibley, và nộp mình cho người da trắng, tất cả sẽ êm đẹp; không người vô tội nào sẽ bị tổn thương. Tôi không giết người, không làm ai bị thương, hoặc gây hại cho người da trắng nào. Tôi đã không tham gia vào việc cướp bóc tài sản của họ; vậy mà hôm nay tôi bị tách ra để bị hành hình, và phải chết trong một vài ngày tới, trong khi những người có tội được ở lại trong tù. Vợ tôi là con gái ông, các con tôi là cháu ngoại ông. Tôi giao lại họ cho ông chăm sóc và bảo vệ. Đừng để họ chịu đau khổ; và khi các con tôi trưởng thành, hãy cho chúng biết cha chúng đã chết vì nghe theo lời khuyên của tù trưởng mình, và không có máu của người da trắng nào để trả lời trước Thần linh Lớn.

            Vợ tôi và các con tôi tôi yêu quí biết bao. Đừng để họ sầu khổ vì tôi. Nhắc họ nhớ là chiến binh luôn sẵn sàng đón nhận cái chết; và tôi sẽ làm như một người Dakota sẽ làm.

Con rễ của ông,

Rda-in-yan-ka

 

            Những người thoát được án tử bị ngồi tù. Một trong số họ là Đại bàng Lớn, sẵn sàng thú nhận mình đã tham gia trận đánh. “Nếu tôi biết mình sẽ bị gởi đến trại giam,” ông nói, “tôi đã không đầu hàng, nhưng khi tôi đã ở tù ba năm và họ chuẩn bị thả tôi ra, tôi bảo họ là họ có thể giữ tôi thêm một năm nữa nếu muốn, và tôi nói thực ý mình. Tôi không thích cách mình bị đối xử. Tôi đầu hàng trong sự tin tưởng thiện chí, vì biết rằng có nhiều người da trắng quen biết tôi và tôi không phải là tên sát nhân, hoặc có mặt tại nơi xảy ra vụ sát nhân, và nếu tôi phải giết hoặc làm bị thương một người nào đó thì phải trong một trận đánh công bình.” Nhiều người khác hối tiếc sao mình không trốn đi khỏi Minnesota với các chiến binh.

            Tại thời điểm hành hình, Qua Nhỏ và đồng bọn đang cắm trại trên Hồ Quỉ, chổ trú đông cho vài bộ tộc Sioux. Trong mùa đông ông cố hợp nhất với các tù trưởng tạo một liên minh quân sự, cảnh báo họ rằng trừ khi họ sẵn sàng chiến đấu tất cả họ sẽ khuỵu xuống trước bọn da trắng xâm lược. Ông chiếm được tình cảm của họ, nhưng ít người Da Đỏ Đồng bằng nào cho rằng mình gặp nguy hiểm. Nếu người da trắng tràn vào xứ Dakota, người Da Đỏ chỉ đơn giản đi xa hơn về hướng tây. Đất đai đủ rộng cho mọi người.

            Vào mùa xuân Quạ Nhỏ, Sharokee, và Chai Thuốc dẫn băng nhóm của mình đi về hướng bắc đến Canada. Tại Đồn Garry (Winnipeg) Quạ Nhỏ thử thuyết phục giới chức Anh mong được giúp đỡ. Trong buổi họp đầu tiên ông mặc bộ đồ đẹp nhất của mình – một áo choàng đen có cổ nhung đỏ, một váy ngắn màu lam, và một xà cạp bằng da hưu. Ông nhắc cho người Anh là ông nội ông đã từng là đồng minh của họ trong những trận chiến trước đây với người Mỹ, và rằng trong Cuộc Chiến 1812 người Santee đã đoạt được một đại bác từ người Mỹ và giao cho người Anh. Trong dịp đó, Quạ Nhỏ nói, người Anh đã hứa với người Santee là nếu họ có bao giờ gặp rắc rối và cần được giúp đỡ, người Anh sẽ  trả lại đại bác cho họ và cử pháo binh đến giúp. Giờ người Santee đang gặp rắc rối và muốn có đại bác trở lại.

            Tuy nhiên, chỉ có thực phẩm là tất cả những gì Quạ Nhỏ có thể nhận được từ những người Canada gốc Anh. Họ không có đại bác giao cho người Santee, thậm chí quân nhu cho các vũ khí họ có.

            Vào Mùa Trăng Dâu Chín, tháng 6, 1863, Quạ Nhỏ quyết định việc phải làm. Nếu ông và gia đình ông bị cưỡng bức phải thành người Da Đỏ Đồng bằng, họ phải có ngựa. Người da trắng đã đuổi ra khỏi xứ sở có ngựa; ông phải lấy ngựa của họ để đổi lại việc họ lấy đất của ông. Ông quyết định trở lại Minnesota với một nhóm nhỏ để bắt ngựa.

            Đứa con trai 16 tuổi, Wowinapa, sau đó kể lại chuyện đã xảy ra sau đó:

            “Cha nói rằng ông không thể chống lại người da trắng, nhưng sẽ đi về dưới để ăn cắp ngựa của họ và cho các con cái người các ngựa đó, để họ có thể thoải mái đi lại, rồi ông sẽ ra đi.

            “Cha cũng bảo tôi là ông đã già, và muốn tôi đi cùng người để mang tiếp gánh nặng. Cha để các bà vợ và các đứa con khác ở lại. Có 16 chiến binh và một phụ nữ trong nhóm đi xuống với chúng tôi. Chúng tôi không có ngựa, phải đi bộ suốt đường xuống đến các khu định cư.”

            Vào Mùa Trăng Hoa Huệ Nở Đỏ họ đến Big Woods, mà chỉ mới vài năm trước còn là xứ sở của Santee nhưng giờ thì tràn ngập nông trại và khu định cư. Vào chiều ngày 3 tháng 7, Quạ Nhỏ và Wowinapa rời nơi ẩn nấp và đến nhặt dâu tây gần khu định cư Hutchinson. Khi mặt trời lặn họ bị hai dân định cư bắt gặp đang trở về nhà từ một chuyến săn hưu. Vì bang Minnesota gần đây trả thưởng 25 đô la cho một da đầu Sioux, người định cư tức thì nổ súng.

            Quạ Nhỏ bị thương ngay hông, ngay trên eo. “Súng của ông và của tôi đang nằm trên mặt đất,” Wowinapa nói. “Ông nhặt súng của tôi lên và bắn trả một phát, và rồi dùng súng của ông bắn tiếp. Viên đạn bật trúng báng súng của ông, và rồi ghim vào sườn gần vai. Chính phát đạn này đã giết chết ông. Ông bảo tôi là ông sắp chết và hỏi xin nước uống. Ông uống xong là chết ngay. Khi tôi nghe phát đạn đầu tiên được bắn ra, tôi nằm xuống, và các ông ấy không nhìn thấy tôi trước khi cha bị giết.”

            Wowinapa vội vã mang cho cha đôi giày moc-ca-sin mới cho chuyến đi của người về Vùng Đất của Linh Hồn. Cậu đậy thi thể bằng áo khoác và chạy về trại. Sau khi cảnh báo cho nhóm để phân tán, cậu trở lại Hồ Quỉ. “Tôi chỉ đi ban đêm, và vì không có đạn dược để đi săn nên không có gì để ăn, tôi không còn đủ sức để đi nhanh.” Trong một ngôi làng bỏ hoang gần Hổ Đá Lớn cậu tìm thấy một viên đạn lẻ và tìm cách bắn một con sói. “Tôi ăn thịt nó, nhờ đó có thêm sức để đi tiếp, và tôi đi lên hồ cho đến ngày bị bắt.”

            Wowinapa bị một vài binh lính của Sibley bắt. Họ đang đi hành quân vào xứ Dakota mùa hè đó để tàn sát người Sioux. Binh lính giao cậu bé 16 tuổi cho bang Minnesota, tại đó cậu ra tòa án binh và bị kết án treo cổ. Sau đó cậu biết là da đầu và đầu lâu của cha mình đã được bảo quản và trưng bày tại St. Paul. Bang Minnesota trình diện những người định cư đã giết được Quạ Nhỏ với số tiền treo qui định cộng thêm 500 đô là tiền thưởng.

            Khi biên bản vụ án của Wowinapa được gởi về Washington, các giới thẩm quyền không tán thành cách thức tố tụng và giảm án tử cho cậu thành án tù. (Vài năm sau đó, sau khi được phóng thích, Wowinapa đổi tên mình thành Thomas Wakeman, trở thành trợ tế nhà thờ, và thành lập Hội Cơ đốc cho Thanh niên Trẻ đầu tiên trong cộng đòng người Sioux.)

            Trong khi đó Shakopee và Chai Thuốc vẫn ở lại Canada, tin rằng mình đã thoát khỏi tay của những người Minnesota căm thù. Vào tháng 12, 1863, tuy nhiên, một xếp nhỏ của Nhà Buôn Đường Dài, Thiếu tá Edwin Hatch, xua một tiểu đoàn kỵ binh Minnesota đến Pembina, ngay phía dưới biên giới Canada.

            Từ đó Hatch phái một trung úy vượt qua biên giới đến Đồn Garry để bí mật gặp một công dân Mỹ, John McKenzie. Với sự giúp đỡ của McKenzie và hai người Canada, trung úy bày kế bắt Shakopee và Chai Thuốc. Trong một buổi họp thân hữu với hai tù trưởng Santee, bọn âm mưu chuốc cho họ rượu pha thuốc ngủ. Trong khi họ ngủ mê, họ trói nghiến tay chân hai người, và chở họ trên xe trượt do chó kéo. Hoàn toàn không đếm xỉa gì đến luật quốc tế, trung úy kéo các tù nhân của mình vượt qua biên giới và giao nộp họ cho Thiếu tá Hatch ở Pembina. Một vài tháng sau đó Sibley dựng một vở kịch xử án ngoạn mục khác, và Shakopee và Chai Thuốc bị xử treo cổ. Về phán quyết này báo Pioneer ở St. Paul bình luận: “Chúng tôi không tin là có sự bất công nghiêm trọng trong cuộc hành hình ngày mai, nhưng nó sẽ gây tiếng vang hơn nếu một chứng cứ phạm tội xác thực của họ đã tìm được. . . không người da trắng nào, được xử trước một bồi thẩm thuộc chủng tộc y, sẽ bị hành hình dựa vào những chứng cứ như thế.” Sau khi bị treo cổ, cơ quan lập pháp Minnesota thưởng 1,000 đô la cho John McKenzie vì những công trạng của y ở Canada.

            Giờ thời của người Santee Sioux ở Minnesota đã đến hồi kết cục. Mặc dù hầu hết các tù trưởng chiến tranh và các chiến binh đều đã chết, ở tù, hoặc ra đi khỏi biên giới của bang, vụ nổi dậy đã tạo cơ hội cho các công dân da trắng chiếm lấy các phần đất đai còn lại của họ mà thậm chí không phải trả tiền. Các hiệp ước trước đây đều bị bãi bỏ, và người Da Đỏ sống sót được thông báo là mình sẽ bị di dời đến một khu dành riêng ở Lãnh địa Dakota. Thậm chí những thủ lĩnh đã hợp tác với người da trắng cũng phải đi. “Tận diệt hoặc đuổi đi” là tiếng hò hét của những tên định cư thèm đất. Chuyến đầu tiên gồm 770 người Santee rời St. Paul bằng tàu hơi nước vào ngày 4 tháng 5, 1863. Người Minnesota đứng dọc bờ sông nhìn họ ra đi với tiếng la ó mắng nhiếc và trận mưa đá.

            Suối Quạ trên Sông Missouri là địa điểm được chọn làm khu dành riêng Santee. Đất đai cằn cỗi, trời ít mưa, thú săn hiếm hoi, và nước hơi mặn khó uống. Chẳng bao lâu những ngọn đồi chung quanh phủ đầy những ngôi mộ; trong số 1,300 người Santee được chở đến đây trong năm 1863, không tới 1,000 người còn sống sót qua mùa đông đầu tiên của họ.

            Trong số những vị khách đến Suối Quạ năm đó là một chàng trai Teton Sioux. Anh thương xót nhìn những anh em họ Santee của mình và lắng nghe những chuyện kể của họ về người Mỹ đã tước đoạt đất đai họ và đuổi họ đi. Đúng là, anh nghĩ, quốc gia của người da trắng đó như một cơn thác lũ mùa xuân chảy tràn bờ và cuốn phăng tất cả ai trên đường đi của nó. Chẳng bao lâu họ sẽ lấy đi xứ sở bò rừng trừ khi những trái tim Da Đỏ đủ mạnh để gìn giữ nó. Anh quyết tâm là mình sẽ chiến đấu đến cùng để gìn giữ nó. Tên anh là Tatanka Yotanka, tức Bò Ngồi (Sitting Bull).            

4

Chiến Tranh về đến Bộ Tộc Cheyenne

1864- Ngày 13 tháng 1, Stephen Foster, nhà soạn các bài ca và ba-lat, mất ở tuổi 38. Ngày 10 tháng 4, Archduke Maximillian, được ủng hộ bởi quân Pháp, trở thành Hoàng đế Mexico. Ngày 17 tháng 4, cuộc nổi dậy bánh mì bùng phát ở Savannah, Georgia. Ngày 19 tháng 5, Nathaniel Hawthorne mất ở tuổi 60. Ngày 30 tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Chase từ chức; tố cáo các nhà đầu cơ đang âm mưu kéo dài chiến tranh vì hám lợi. Nhà lập pháp và sử gia Robert C. Winthrop nói: “Chủ nghĩa ái quốc phô trương có thể được tạo ra để che đậy nhiều tội lỗi.” Ngày 2 tháng 9, Atlanta, Georgia, bị chiếm bởi Quân đội Liên bang. Ngày 8 tháng 11, Lincoln được bầu lại làm Tổng thống. Ngày 8 tháng 12, ở La Mã, Giáo hoàng Pius IX phát hành Syllabus Errorum, kết tội Chủ nghĩa Tự do, Chủ nghĩa Xã hội, và Chủ nghĩa Duy Lý. Ngày 21 tháng 12, thất thủ vào tay quân đội của Sherman. Tháng 12, Edwin Booth chơi trong vở Hamlet tại Hí viện Winter Garden tại thành phố New York.

 Mặc dù nhiều sai quấy đã gây cho tôi nhưng tôi vẫn sống trong hi vọng. Tôi không có hai trái tim. . . Giờ một lần nữa chúng ta họp nhau để tìm kiếm hòa bình. Nỗi hỗ thẹn của tôi lớn như mặt đất, mặc dù tôi sẽ làm điều gì các bạn khuyên tôi phải làm. Tôi từng nghĩ rằng tôi là người duy nhất kiên trì làm bạn với người da trắng, nhưng từ khi họ đến đây và hủy diệt nhà cửa, ngựa, và mọi thứ khác, thật khó để tôi tin tưởng người da trắng nữa.

_ MOTAVAHO (ẤM ĐEN) CỦA BỘ TỘC CHEYENNE PHÍA NAM

            VÀO NĂM 1851 NGƯỜI CHEYENNE, Arapahos, Sioux, Crow, và các bộ tộc khác gặp nhau tại Đồn Laramie với các đại biểu Hoa Kỳ và đồng ý cho phép người Mỹ thiết lập đường xá và căn cứ quân sự đi qua lãnh thổ của họ. Trong hiệp ước cả hai bên đều thề sẽ “duy trì lòng tin và tình hữu nghị trong mọi giao tiếp hỗ tương, và kiến tạo một nền hòa bình thực sự và lâu dài.” Vào cuối thập kỷ đầu tiên sau khi ký kết hiệp ước, người da trắng đã đào một lỗ xuyên qua xứ Da Đỏ dọc theo thung lũng của Sông Platte. Trước tiên là những đoàn xe ngựa rồi tới một chuỗi các đồn lính; sau đó là xe ngựa chở khách và một chuỗi các đồn lính san sát hơn; rồi đến các kỵ mã đưa thư, tiếp theo là các đường dây nói của điện tín.

            Trong hiệp ước của năm 1851 đó người Da Đỏ Đồng bằng không buông bỏ quyền sở hữu đất hoặc giao nộp đất, họ cũng không “từ bỏ đặc quyền được săn bắn, bắt cá hoặc đi ngang qua bất kỳ khu vực nào đã được chỉ rõ trước đây.” Cuộc đổ xô đi tìm vàng ở Pike’s Peak vào năm 1858 đã mang hàng ngàn dân khai mỏ da trắng đến đào vàng trong vùng đất của người Da Đỏ. Bọn khai mỏ dựng những láng nhỏ khắp mọi nơi, và vào năm 1859 họ xây dựng một ngôi làng lớn gọi là Thành phố Denver. Quạ Nhỏ, một tù trưởng Arapaho phấn khích trước các hoạt động của người da trắng, nên đi thăm Denver; ông học hút xì gà và ăn thịt bằng dao và nĩa. Ông cũng bảo dân khai mỏ là ông vui sướng xem cách thức họ đãi vàng, nhưng nhắc nhở họ là đất này là sở hữu của người Da Đỏ, và bày tỏ hi vọng là họ sẽ không nán lại sau khi đã có đủ vàng mình cần.

            Bọn khai mỏ không chỉ nán lại, mà thêm hàng ngàn người nữa lũ lượt đến. Thung lũng Platte, đã từng có lần đông đúc bò rừng, bắt đầu nhung nhúc bọn định cư lập ra trang trại và chiếm đất đai trên lãnh thổ đã được hiệp ước Laramie giao cho người Cheyenne phương Nam và người Arapaho. Chỉ mười năm sau khi hiệp ước được ký kết, Đại Hội đồng (Quốc hội) ở Washington đã khai sinh Lãnh địa Colorado; vị Cha Lớn (Tổng thống) phái một thống đốc; và các chính trị gia bắt đầu tìm cách bắt người Da Đỏ nhượng đất.

            Qua tất cả những việc này người Cheyenne và Arapaho vẫn giữ hòa khí, và khi các viên chức Hoa Kỳ mời các thủ lĩnh của họ tụ tập tại Đồn Wise trên Sông Arkansas để soạn thảo một hiệp ước mới, một vài tù trưởng phản ứng.

            Theo những phát biểu về sau này của những tù trưởng của cả hai bộ tộc, những gì họ được nghe nói sẽ có trong hiệp ước và những gì thực sự được viết trong đó thì hoàn toàn khác. Theo sự hiểu biết của các tù trưởng thì người Cheyenne và Arapaho sẽ được duy trì quyền sở hữu đất đai và tự do đi đây đó để săn bò rừng, nhưng họ bằng lòng sinh sống trong một khu vực tam giác giới hạn bởi Rạch Cát và Sông Arkansas. Tự do đi đây đó là một vấn đề đặc biệt sinh tử vì khu dành riêng cho hai bộ tộc hầu như không có thú săn trong đó và không thích hợp để trồng trọt trừ khi có thủy lợi.

            Việc ký hiệp ước ở Đồn Wise là một dịp hội hè. Vì tầm quan trọng của nó, Đại tá A. B. Greewood, Ủy viên của Da Đỏ Sự Vụ, thừa dịp để xuất hiện trao huy chương, chăn mền, đường, và thuốc lá. Người Da Trắng Nhỏ (William Bent), đã làm rễ bộ tộc Cheyenne, có mặt ở đó để trông nom các lợi ích của người Da Đỏ. Khi người Cheyenne chỉ ra rằng chỉ có sáu trong số 44 tù trưởng có mặt, các viên chức Hoa Kỳ trả lời những người khác có thể ký sau. Nhưng không có người khác nào ký cả, và vì lý do đó tính hợp pháp của hiệp ước vẫn còn là một câu hỏi. Ấm Đen, Linh Dương Trắng, và Gấu Gầy ký tên cho người Cheyenne. Quạ Nhỏ, Bão Tố, và Miệng Lớn ký cho Arapaho. Các nhân chứng là hai sĩ quan của Kỵ binh Hoa Kỳ, John Sedgwick và J. E. B. Stuart. (Một ít tháng sau Sedgwick và Stuart, người thúc giục dân Da Đỏ hãy theo đuổi hòa bình, lại theo hai phe khác nhau trong Cuộc Nội Chiến, và trong một éo le của lịch sử họ chết cách nhau vài giờ trong trận Wilderness.)

            Trong những năm đầu của Cuộc Nội Chiến, các toán đi săn của Cheyenne và Arapaho thấy càng ngày càng khó khăn tránh mặt bọn Áo xanh đang trinh sát về phía nam  để tìm kiếm bọn Áo xám. Họ nghe nói về sự rắc rối mà người Navaho gặp phải, và từ những người bạn Sioux họ hay tin về số phận đáng sợ của người Santee dám thách thức sức mạnh của binh lính ở Minnesota. Các tù trưởng Cheyenne và Arapaho cố gắng giữ cho các chiến binh trẻ bận rộn việc săn bắn bò rừng bên ngoài đường đi lại của người da trắng. Tuy vậy, mỗi mùa hè, số người và mức độ xấc xược của quân Áo xanh cứ tăng lên. Vào mùa xuân 1864, binh lính rình mò trong những khu săn bắn xa xôi giữa Đồi Smoky và các con sông Republican.

            Năm đó khi đồng cỏ đã mọc cao, Mũi Cao và một số người thuộc Cheyenne Khuyển Quân đi lên phía bắc săn bắn trong vùng Sông Powder với người anh em của mình Bắc Cheyenne. Tuy nhiên, Ấm Đen, Linh Dương Trắng, và Gấu Gầy giữ các băng nhóm của mình phía dưới Platte, cả Quạ Nhỏ của bộ tộc Arapaho cũng làm thế. Họ thận trọng tránh xa binh lính và tay săn bò rừng da trắng bằng cách luôn ở xa đồn lính và đường đi và khu định cư.

            Ấm Đen và Gấu Gầy không đi xuống Đồn Larned (Kansas) mùa xuân đó để mua bán. Chỉ có năm trước đó hai tù trưởng đã được mời đến thăm Vị Cha Lớn, Abraham Lincoln, ở Washington, và họ tin chắc là các binh lính của Vị Cha Lớn sẽ đối xử với họ lịch sự. Tổng thống Lincoln gắn huy chương trên ngực họ, và Đại tá Greenwood thì tặng Ấm Đen một lá cờ Hoa Kỳ, một lá cờ của lực lượng đồn trú to lớn với những ngôi sao trắng biểu thị 34 bang, lớn hơn những ngôi sao lấp lành trên trời trong đêm trong sáng. Đại tá Greenwood đã bảo ông rằng chừng nào lá cờ còn bay trên đầu ông không có binh lính nào dám bắn ông. Ấm Đen rất tự hào vì lá cờ của mình và khi dựng trại ông luôn treo nó trên cột phía trước lều mình.

            Vào trung tuần tháng 5, Ấm Đen và Gấu Gầy nghe tin binh lính đã đột kích một nhóm Cheyenne trên Sông Nam Platte. Họ quyết định nhổ trại và đi về phía bắc để hợp với phần còn lại của bộ tộc để dễ yễm trợ và phòng vệ. Sau một ngày đi họ tiến vào trại gần Ash Creek. Sáng hôm sau, như thói quen, các tay săn thức sớm để săn mồi, nhưng họ vội vàng trở lại. Họ đã trông thấy binh lính với đại bác tiến gần đến trại.

            Gấu Gầy thích sôi động, và ông bảo Ấm Đen mình sẽ đi ra ngoài gặp binh lính để tìm xem họ muốn gì. Ông đeo chiếc huy chương mà Vị Cha Lớn Lincoln đã trao tặng bên ngoài áo khoác và mang theo giấy tờ ông đã nhận được ở Washington chứng nhận mình là người bạn tốt của Hoa Kỳ, và cùng với vài chiến binh hộ tống ông cỡi ngựa tiến ra. Gấu Gầy cho ngựa lên đồi gần trại và nhìn thấy binh lính tiến đến theo sau bốn toán kỵ binh. Họ có hai đại bác ở trung tâm và vài xe ngựa đi hàng dài phía sau.

            Thủ Lĩnh Sói, một trong những chiến binh trẻ hộ tống Gấu Gầy, sau đó nói rằng ngay khi binh lính thấy người Cheyenne, họ dàn hàng ngang tác chiến. “Gấu Gầy bảo chúng tôi ở yên tại chỗ,” Thủ lĩnh Sói nói, “để không làm binh sĩ hoảng sợ, trong khi ông cỡi ngựa về phía trước định bắt tay với viên sĩ quan và trình giấy tờ. . . Khi tù trưởng chỉ còn cách tuyến đầu chừng 20 hoặc 30 mét, viên sĩ quan hô lớn và tất cả binh lình bắt đầu khai hỏa vào Gấu Gầy và bọn chúng tôi. Gấu Gầy rơi khỏi lưng ngựa ngay trước mặt toán lính, và Ngôi Sao, một người Cheyenne khác, cũng rơi khỏi mình ngựa. Các binh lính liền tiến đến Gấu Gầy và bắn tiếp ông và Ngôi Sao lần nữa khi họ nằm bất lực trên mặt đất. Tôi cùng với đồng bọn quày trở lại. trước mặt chúng tôi có một toán binh lính, nhưng họ mãi bắn Gấu Gầy và những chiến binh Cheyenne khác gần ông, nên ông không chú ý đến bọn tôi, cho đến khi chúng tôi bắn trả chúng bằng tên và súng. Vì chúng quá gần nên chúng tôi hạ được vài tên. Hai đứa ngã bật khỏi mình ngựa. Lúc này mọi thứ đều rối loạn. Thêm chiến binh Cheyenne ào tới từng nhóm nhỏ, khiến bọn lính túm tụm lại và hình như rất hoảng loạn. Họ bắn chúng tôi bằng đại bác. Đạn chùm của nó xới mặt đất chung quanh chúng tôi, nhưng không trúng mục tiêu.

            Giữa trận đánh, Ấm Đen xuất hiện trên lưng ngựa và bắt đầu giục ngựa lên xuống giữa các chiến binh. “Ngừng đánh!” ông hét lên. “Đừng gây chiến nữa!” Phải mất một lúc sau chiến binh Cheyenne mới nghe lời ông. “Chúng tôi nổi điên, “Thủ lĩnh Sói nói, “nhưng cuối cùng ông lại cho dừng trận đánh. Binh lính bỏ chạy. Chúng tôi bắt được 15 ngựa chiến, với yên cương và túi đạn đầy đủ. Một vài tên lính bị giết; Gấu Gầy, Ngôi Sao, và một người Cheyenne bị giết, và nhiều người khác bị thương.“

            Người Cheyenne tin chắc rằng đáng lẽ mình có thể giết sạch bọn lính và tịch thu súng bắn đạn trái phá, vì có đến 500 chiến binh Cheyenne đấu với 100 tên lính. Lẽ tự nhiên, nhiều chiến binh trẻ, phẫn nộ vì vụ tàn sát máu lạnh Gấu Gầy, tiếp tục săn đuổi các binh sĩ tháo chạy suốt con đường rút binh về đến Đồn Larned.

            Ấm Đen bối rối trước vụ tấn công bất ngờ này. Ông lấy làm thương tiếc cho Gấu gầy; họ đã là bạn thân trong gần nửa thế kỷ. Ông nhớ lại bao lần cũng vì tính tò mò mà Gấu Gầy đã gặp bao nhiêu rắc rối. Một lần trước đây, khi người Cheyenne đến Đồn Atkinson trên Sông Arkansas để thăm hữu nghị, Gấu Gầy bổng chú ý đến một chiếc nhẫn sáng lấp lánh trên ngón tay vợ một sĩ quan. Không dằn được tò mò, ông nắm bàn tay bà ta để nhìn cho kỹ chiếc nhẫn. Chồng bà ta liền chạy đến và quất roi vào mặt ông. Gấu Gầy quay đi, nhảy lên ngựa và chạy về trại Cheyenne. Ông vẽ mặt và cỡi ngựa khắp trại, thúc giục các chiến binh đi theo ông tấn công đồn. Một tù trưởng Cheyenne đã bị sỉ nhục, ông la lên. Ấm Đen và các tù trưởng Cheyenne khác phải khó khăn lắm mới làm ông dịu lại. Giờ Gấu Gầy đã chết, và cái chết của ông đã khuấy động trong lòng các chiến binh một cơn thịnh nộ còn dữ dội hơn lần bị sỉ nhục ở Đồn Atkinson.

            Ấm Đen không thể hiểu tại sao các binh lính đã tấn công một trại Cheyenne hòa hiếu mà không báo trước. Ông nghĩ rằng nếu có ai đó hiểu, người đó chỉ có thể là người bạn cũ của ông, người Da Trắng Nhỏ, William Bent. Ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi Người Da Trắng Nhỏ và anh em của ông đến con sông Arkansas và xây dựng Đồn Bent. William đã cưới Bà Cú, và sau khi bà chết ông đã cưới em gái của bà, Bà Vàng. Trong những năm đó gia đình Bent và người Cheyenne sống với nhau trong tình thân ái sâu đậm. Người Da Trắng Nhỏ có 3 con trai và 2 con gái, và chúng sống nhiều năm với dân tộc của mẹ chúng. Mùa hè đó hai đứa con trai lai, George và Charlie, đang đi săn bò rừng với người Cheyenne trên Đồi Khói.

            Sau khi suy nghĩ cặn kẽ, Ấm Đen phái một người đưa tin cỡi ngựa như bay để tìm gặp Người Da Trắng Nhỏ. “Bảo ông ta chúng ta không hiểu tại sao họ đến gây chiến, và chúng ta muốn gặp ông ta ngay để bàn về việc đó.”

            May thay người đưa tin của Ấm Đen tìm gập William Bent trên đường giữa Đồn Larned và Đồn Lyon. Bent trả người đưa tin về với lời nhắn sẽ gặp Ấm Đen tại Coon Creek. Một tuần sau hai bạn cũ gặp nhau, cả hai đều quan tâm đến tương lai của người Cheyenne, Bent đặc biệt lo lắng về các con trai của mình. Ông thở phào nhẹ nhõm khi được biết chúng đang săn bắn trên vùng Đồi Khói. Ờ đó chưa thấy có rắc rối gì được báo cáo, nhưng ông biết có hai trận đánh nhau xảy ra ở nơi khác. Ở Vườn Cam Fremont phía bắc Denver, một băng Khuyển Quân bị một đoàn tuần tra của lực lượng quân tình nguyện của Đại tá John M. Chivington khai hỏa trước khi cho người Cheyenne cơ hội giải thích họ săn được mồi ở đâu. Sau trận giao tranh này Chivington phái một đạo quân đông hơn, đột kích một trại Cheyenne gần Cedar Bluffs, hạ hai phụ nữ và hai đứa trẻ. Các pháo binh đã tấn công trại của Ấm Đen vào ngày 16/5 cũng là binh lính của Chivington, được phái đến từ Denver mà không có quyền hành quân ở Kansas. Viên sĩ quan chỉ huy, Trung úy George S. Eayre, theo lệnh của Đại tá Chivington là “giết người Cheyenne bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu tìm thấy.”

            Nếu những sự kiện như thế tiếp tục, William Bent và Ấm Đen đều cho rằng một cuộc chiến toàn diện sẽ bùng phát trên khắp đồng bằng. “Tôi không có ý định hoặc ý muốn đánh nhau với người da trắng,” Ấm Đen nói. “Tôi muốn sống thân thiện và hòa hiếu và duy trì bộ tộc như cũ. Tôi không thể đánh lại người da trắng. Tôi muốn sống trong hòa bình.”

            Bent bảo Ấm Đen kềm giữ các chiến binh trẻ của ông không được đột kích trả thù, và hứa ông sẽ trở lại Colorado và cố thuyết phục các chỉ huy quân sự không nên tiếp tục đi trên con đường nguy hiểm mà họ đang bước đi. Ông liền khởi hành đến Đồn Lyon.

            “Khi tôi đến đó,” sau này ông khai sau khi tuyên thệ, “tôi gặp Đại tá Chivington, kể cho ông nghe cuộc trao đổi giữa tôi và người Da Đỏ, và rằng các tù trưởng muốn sống thân thiện. Đáp lại ông nói rằng mình không có thẩm quyền thực thi hòa bình, và rằng ông lúc đó đang đi trên chiến lộ – tôi nghĩ đó là những lời ông ta nói. Rồi tôi trình bày với ông ta là cứ theo đuổi chiến tranh sẽ là một việc liều lĩnh lớn lao; rằng có rất nhiều tàu hỏa nhà nước đi đến New Mexico và những điểm khác; cũng có rất nhiều công dân, và rằng tôi không nghĩ có đủ lực lượng để bảo vệ việc đi lại, và rằng những công dân và dân định cư trong xứ sẽ phải chịu tổn thất. Ông ta nói các công dân sẽ phải tự bảo vệ mình. Sau đó tôi không biết nói gì với ông ta nữa.”

            Vào cuối tháng 6 thống đốc Lãnh địa Colorado, John Evans, phát đi một thông tư gởi đến “các bộ tộc Da Đỏ  thân hữu ở đồng bằng,” loan báo với họ rằng một số thành viên của bộ tộc đã gây chiến với người da trắng. Thống đốc Evans tuyên bố rằng “trong vài trường hợp họ đã đột kích và giết chết binh lính.” Ông không đề cập đến việc binh lính đột kích người Da Đỏ, mặc dù đây chính là cách thức mà tất cả ba cuộc chạm trán với người Cheyenne đã bắt đầu. “Vì việc này Vị Cha Lớn rất giận dữ,” ông ta tiếp tục, “và sẽ chắc chắn săn đuổi chúng và trừng trị chúng, nhưng ông ta không muốn gây thương vong cho những người vẫn duy trì mối thân hữu với người da trắng; ông ta muốn bảo vệ và chăm lo đến họ. Vì mục đích này tôi chỉ đạo tất cả các người Da Đỏ thân hữu hãy tránh xa những người đang gây chiến, và đi đến những nơi an toàn.” Evans ra lệnh cho những người Cheyenne và Arapaho thân hữu báo cáo với Đồn Lyon và trình diện tại khu dành riêng của họ, tại đó viên chức quản lý họ, Samuel G. Colley, sẽ lo cung cấp lương thực cho họ và chỉ họ một nơi an toàn. “Mục đích của việc này là để bảo vệ những người Da Đỏ bạn bè không bị giết chết do nhầm lẫn. . . Cuộc chiến với người Da Đỏ thù địch sẽ được tiếp tục cho đến khi tất cả bọn họ đều bị khuất phục.”

            Ngay khi William Bent nghe tin về sắc lệnh của Thống đốc Evans ông tức tốc đến báo cho người Cheyenne và Arapaho đến Đồn Lyon. Bởi vì nhiều băng nhóm khác nhau rải rác khắp tây Kansas để tổ chức các cuộc săn bắn mùa hè, vài tuần lễ đã trôi qua cho đến khi người đưa tin đến được tất cả bọn họ. Trong thời gian này nhiều cuộc đụng chạm giữa binh lính và người Da Đỏ không ngừng gia tăng. Các chiến binh Sioux, bị kích động do những cuộc hành quân trừng phạt của Tướng Alfred Sully trong năm 1863 và 1864 vào Dakota, liền tràn xuống từ phương bắc để đột kích những chuyến xe ngựa, các trạm xe khách, và dân định cư dọc theo tuyến đường Platte. Vì những hành động này người Nam Cheyenne và Arapaho chịu nhiều lời khiển trách, và hầu hết mũi dùi của binh lính Colorado. Đứa con trai lai George của William Bent, đang ở với một băng nhóm lớn người Cheyenne trên Sông Solomon vào tháng 7, nói rằng họ bị binh lính tấn công lần này đến lần khác mà không có nguyên cớ gì, cho đến khi họ bắt đầu đánh trả theo cách duy nhất mà họ biết – đốt phá các trạm xe khách, săn đuổi các xe ngựa, xua đuổi gia súc, và bắt buộc các xe chở hàng phải quây tròn để kháng cự.

            Ấm Đen và các tù trưởng lớn tuổi hơn cố ngăn lại các cuộc đột kích này, nhưng ảnh hưởng của họ rất yếu ớt trước lời hô hào của các thủ lĩnh trẻ như Mũi Cao và của các thành viên Hotamitanio, tức Hội Khuyển Quân. Khi Ấm Đen phát hiện có 7 con tin da trắng – hai phụ nữ và năm trẻ em – đã bị bọn đột kích mang đến trại Đồi Khói, ông chuộc bốn người ra bằng ngựa của mình để họ có thể trở về với người thân. Cũng thời gian này, ông cuối cùng nhận được một thông điệp từ William Bent báo tin về lệnh của Thống đốc Evans phải trình diện tại Đồn Lyon.

            Bây giờ là cuối tháng 8, và Evans đã phát đi thông cáo thứ hai “cho phép mọi công dân vùng Colorado, hoặc cá nhân hoặc trong từng nhóm do họ tổ chức, được săn đuổi tất cả bọn Da Đỏ thù địch trên đồng bằng, thận trọng tránh những người đã đáp ứng lời kêu gọi của tôi đến tập kết tại những địa điểm đã chỉ rõ; cũng như giết và hủy diệt tất cả người Da Đỏ thù địch bất cứ nơi đâu bắt gặp. Cuộc săn đuổi đã mở màn đến mọi người Da Đỏ không trình diện tại những khu dành riêng được chỉ định.”

            Ấm Đen tức tốc mở hội đồng, và tất cả tù trưởng trong trại đều đòng ý tuân theo yêu cầu của thống đốc để được bình yên. George Bent, vốn đã theo học tại Cao đẳng Webster ở St. Louis, được nhờ viết một bức thư gởi viên chức quản lý Samuel Colley ở Đồn Lyon, báo tin cho ông ta biết là họ muốn hòa bình. “Chúng tôi nghe nói là các ông có một số tù binh tại Denver. Chúng tôi có 7 tù binh của ông mà chúng tôi muốn trao đổi với tù binh của ông.  . . Chúng tôi chờ tin ông hồi âm.” Ấm Đen hi vọng Colley sẽ chỉ dẫn ông cách thức mang những người Cheyenne của mình băng qua Colorado mà không bị binh lính hoặc các công dân da trắng có trang bị vũ khí tấn công. Ông không hoàn toàn tin cậy Colley; ông ngờ rằng viên chức này tuồn một mớ hàng hóa cấp cho người Da Đỏ ra ngoài để trục lợi. (Ấm Đen vẫn chưa biết mực độ liên kết gắn bó giữa Colley và Thống đốc Evans và Đại tá Chivington trong mưu tính đuổi người Da Đỏ đồng bằng ra khỏi Colorado.) Vào ngày 26/7, viên chức đã viết cho Evans rằng họ không thể trong mong gì vào người Da Đỏ trong việc gìn giữ hòa bình. “Giờ thì tôi cho rằng một ít thuốc súng và đạn chì là lương thực tốt nhất cho chúng,” y kết luận.

            Vì không tin Colley, Ấm Đen làm một bản sao thứ hai của bức thư và gởi đến William Bent. Ông giao hai bản riêng lẽ cho Ochinee (Một Mắt) và Đầu Đại Bàng, và ra lệnh họ đến Đồn Lyon. Sáu ngày sau, khi Một Mắt và Đầu Đại bàng tiến gần đồn, họ bất ngờ chạm trán với ba binh sĩ. Các binh sĩ liền vào tư thế khai hỏa, nhưng Một Mắt nhanh nhẹn làm dấu hiệu hòa bình và giơ cao bức thư của Ấm Đen. Một ít phút sau đó người Da Đỏ được giải vào Đồn như những tù binh và giao cho sĩ quan chỉ huy, Thiếu tá Edward W. Wynkoop.

            Xếp Cao Wynkoop nghi ngờ động lực của người Da Đỏ. Khi Một Mắt cho y biết là Ấm Đen muốn y ra tận trại Đồi Khói để hướng dẫn người Da Đỏ trở về khu dành riêng, y hỏi có cả thảy bao nhiêu người. Hai ngàn người Cheyenne và Arapaho, Một Mắt trả lời, và có lẽ thêm 200 người bạn Sioux từ phía bắc đã quá mệt mỏi khi bị binh lính truy đuổi. Wynkoop không đáp lại. Y chỉ có non 100 binh lính cỡi ngựa, và y cho là người Da Đỏ biết tỏng điều này. Nghi ngờ bị giăng bẫy, y ra lệnh nhốt các người đưa tin Cheyenne và gọi sĩ quan vào họp. Xếp Cao còn trẻ, độ khoảng 25, và kinh nghiệm chiến đấu của y chỉ vỏn vẹn một trận đánh chống Liên minh Texas ở New Mexico. Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp ông đối đầu với một quyết định có ý nghĩa sống còn cho toàn đơn vị dưới quyền.

            Sau một ngày đình hoãn, Wynkoop cuối cùng quyết định y sẽ đi đến Đồi Khói – không phải vì người Da Đỏ, mà để giải cứu các tù binh da trắng. Chắc chắn vì lý do này mà Ấm Đen đã đề cập đến các tù binh trong thư của mình; ông biết rằng người da trắng không thể chịu đựng được tình cảnh các phụ nữ và trẻ con da trắng sống chung với người Da Đỏ.

            Vào ngày 6/9 Wynkoop sẵn sàng xuất phát với 127 binh lính cỡi ngựa. Phóng thích Một Mắt và Đầu Đại Bàng từ trại giam, y bảo họ vừa là người chỉ đường vừa là con tin trong chuyến đi. “Chỉ cần một dấu hiệu phản trắc từ người của các ngươi,” Wynkoop hăm dọa, “các ngươi sẽ chết.”

            “Người Cheyenne không bẽ gãy lời hứa,” Một Mắt trả lời. “Nếu họ phản trắc, tôi thà chết còn hơn sống.”

            (Wynkoop sau này tâm sự rằng cuộc trao đổi giữa y và hai chiến binh Cheyenne trong chuyến hành quân này đã thay đổi định kiến của y về người Da Đỏ. “Tôi cứ tưởng mình đang đứng trước những con người cao quý; và đây là những đại biểu của một chủng tộc mà từ trước đến giờ tôi cứ luôn cho là tàn bạo, phản trắc, và khát máu không chút cảm xúc hoặc tình cảm đối với bạn bè và người thân.”

            Năm ngày sau đó, dọc theo thượng lưu sông Đồi Khói, các trinh sát của Wynkoop trông thấy một lực lượng gần vài trăm chiến binh tề tựu như đang chuẩn bị tác chiến.

            George Bent, đang còn bên Ấm Đen, nói rằng khi binh lính của Wynkoop xuất hiện các Khuyển Quân “sẵn sàng nghênh chiến và tiến ra để gặp binh lính với cung căng và tên cầm trong tay, nhưng Ấm Đen và một vài tù trưởng đã kịp can thiệp, và yêu cầu Thiếu tá Wynkoop lùi quân xa một chút, họ đang ngăn cuộc chiến xảy ra.”

            Sáng hôm sau Ấm Đen và các tù trưởng khác họp với Wynkoop và các sĩ quan của y. Ấm Đen để người khác nói trước. Gấu Bò, thủ lĩnh của Khuyển Quân, nói rằng ông và anh của ông là Gấu Gầy đã cố sống chung hòa bình với người da trắng, nhưng các binh lính đó đã đến không có nguyên do và lý lẽ và đã giết chết Gấu Gầy. “Người Da Đỏ không có lỗi trong vụ này,” ông nói tiếp. “Người da trắng là những con cáo và không thể nói chuyện hòa bình với họ; và điều duy nhất người Da Đỏ có thể làm là chiến đấu.”

            Quạ Nhỏ của Arapaho đồng ý với Gấu Bò. “Tôi muốn bắt tay với người da trắng,” ông nói, “nhưng tôi sợ họ không muốn sống hòa bình với chúng tôi.” Một Mắt xin được nói, và nói rằng mình xấu hỗ khi nghe nói như thế. Ông đã liều mình để đến Đồn Lyon, ông nói, và cam kết với Xếp Cao Wynkoop là người Cheyenne và Arapaho sẽ đến khu dành riêng trong hòa bình. “Tôi đã cam kết với Xếp Cao lời nói và sinh mạng của tôi,” Một Mắt tuyên bố. “Nếu người của tôi không hành động trong niềm tin tưởng tôi sẽ đi với người da trắng và chiến đấu cho họ, và tôi sẽ có rất nhiều bạn đi theo tôi.”

            Wynkoop hứa là y sẽ làm mọi việc để có thể ngăn binh lính đánh nhau với người Da Đỏ. Y nói mình không phải là xếp lớn nên không thể ra lệnh cho tất cả binh sĩ, nhưng nếu người Da Đỏ giao những người da trắng bị bắt cho y, y sẽ đi với các thủ lĩnh Da Đỏ đến Denver và giúp họ tìm kiếm hòa bình với các xếp lớn hơn.

            Ấm Đen, từ nảy giờ chỉ lắng nghe (“chỉ ngồi yên với nụ cười nhẹ trên môi,” theo Wynkoop), đứng lên và nói là mình vui sướng khi nghe Xếp Cao nói như thế. “Có người da trắng xấu và người Da Đỏ xấu,” ông nói. “Những người xấu ở cả hai bên đều muốn tạo ra rắc rối. Một số bọn trẻ của tôi cũng hùa theo họ. Tôi chống đối việc đánh nhau và đã làm mọi thứ trong quyền hạn mình để ngăn cản nó. Tôi tin rằng lỗi là ở người da trắng. Họ khởi phát chiến tranh và ép buộc người Da Đỏ phải chống lại.” Sau đó ông hứa sẽ giao bốn tù binh da trắng mà ông đã mua; ba người còn lại vẫn còn trong trại ở tận phía bắc, và phải cần thời gian để đàm phán với họ.

            Bốn người bị bắt, tất cả đều là trẻ con, trông rất lành lặn; thật ra, khi một người lính hỏi em Ambrose Archer 8 tuổi người Da Đỏ đối xử em ra sao, em trả lời rằng em “sẽ tự nguyện ở lại với người Da Đỏ nếu cần.”

            Sau nhiều cuộc thương lượng cuối cùng tất cả đồng ý là người Da Đỏ sẽ ở lại trại ở Đồi Khói trong lúc 7 tù trưởng đi đến Denver với Wynkoop để làm hòa với Thống đốc Evans và Đại tá Chivington. Ấm Đen, Linh Dương Trắng, Gấu Bò, và Một Mắt đại diện người Cheyenne; Neva, Bosse, Bầy Bò, và Notanee đại diện người Arapaho. Quạ Nhỏ và Bàn Tay Trái, vốn hoài nghi với bất kỳ lời hứa hẹn nào từ Evans và Chivington, vẫn đứng sau để giữ người trẻ Arapaho không gặp rắc rối. Mũ Trận sẽ trông nom người Cheyenne trong trại.

            Đoàn người ngựa của Wynkoop và 7 thủ lĩnh Da Đỏ đến Denver vào ngày 28/9. Họ ngồi trong một chiếc xe do lừa kéo có gắn ghế ngồi. Trong chuyến hành trình, Ấm Đen dựng cờ Mỹ lớn của ông trên xe, và khi họ đi vào đường phố bụi bặm của Denver lá cờ sao vạch phấp phới trên đầu các tù trưởng như một biểu tượng che chở. Tất cả dân chúng Denver đều quay nhìn đoàn xe.

            Trước khi cuộc họp bắt đầu, Wynkoop đến thăm Thống đốc Evans để tường trình. Thống đốc miễn cưỡng làm việc với người Da Đỏ. Y nói rằng người Cheyenne và Arapaho đáng bị trừng trị trước khi ban phát hòa bình cho họ. Đó cũng là ý kiến của bộ tư lệnh, Tướng Samuel R. Curtis, người đánh điên cho Đại tá Chivington từ Đồn Leavenworth ngay ngày hôm đó: “Tôi không muốn hòa bình cho đến khi bon Da Đỏ chịu đựng nhiều hơn nữa.”

            Cuối cùng Wynkoop phải van xin thống đốc gặp mặt người Da Đỏ. “Nhưng tôi phải làm gì với Trung đoàn Colorado Thứ Ba nếu tôi chịu hòa bình?” Evans hỏi. “Họ đã được rèn luyện để giết người Da Đỏ, và họ phải giết người Da Đỏ.” Y giải thích với Wynkoop là các viên chức ở Washington đã cho phép y gầy dựng trung đoàn mới vì y đã cam kết việc đó là cần thiết để bảo vệ chống lại người Da Đỏ thù địch, và nếu bây giờ y làm hòa thì các chính trị gia ở Washington sẽ kết tội y là đã xuyên tạc sự thật. Có sức ép chính trị lên Evans từ người dân Colorado vốn muốn tránh nghĩa vụ quân sự trong năm 1864 bằng cách phục vụ quân đội trong cuộc chiến chống lại thiểu số người Da Đỏ trang bị tồi thay vì chống lại lực lượng Liên minh tận miền đông. Cuối cùng Evans cũng nhượng bộ trước sự khẩn cầu của Thiếu tá Wynkoop; suy cho cùng, người Da Đỏ đã đi 400 dặm để gặp y đáp ứng với lời tuyên bố của y.

            Hội đồng được tổ chức tại Doanh trại Weld gần Denver, và gồm các tù trưởng, Evans, Chivington, Wynkoop, một vài sĩ quan Quân đội, và thư ký Simeon Whitely, được lệnh của thống đốc ghi lại mọi lời phát biểu trong cuộc họp. Thống đốc Evans mở đầu cuộc họp một cách đường đột, yệu cầu các tù trưởng nói những gì phải nói. Ấm Đen trả lời bằng tiếng Cheyenne, với sự phiên dịch của người bạn buôn bán cũ, John S. Smith:

            “Theo thông tư của ngài ký ngày 27/6/1864, tôi nắm được vấn đề, và giờ đây đến để nói với ngài về điều đó. . . Thiếu ta Wynkoop đề nghị chúng tôi đến gặp ngài. Chúng tôi đến đây với cặp mắt khép lại, đi theo một nhóm người của ông ấy, như đi qua lửa. Tất cả chúng tôi yêu cầu là được sống hòa bình với người da trắng. Chúng tôi muốn bắt tay ngài. Ngài là cha của chúng tôi. Chúng tôi đã đi qua mây. Bầu trời đã tối sầm kể từ chiến tranh nổ ra. Những chiến binh theo tôi mong muốn làm theo những gì tôi bảo. Chúng tôi muốn mang được tin vui về nhà, để họ có thể ngủ yên lành. Chúng tôi mong muốn ngài sẽ nói cho tất cả các chỉ huy của binh sĩ hiểu rằng chúng tôi đến đây vì hòa bình, và rằng chúng tôi đã tạo ra hòa bình, rằng chúng tôi không phải bị hiểu nhầm là kẻ thù. Tôi không đến đây với tiến tru của sói mà đến nói với ngài những điều bình dị. Chúng tôi muốn sống gần khu bò rừng nếu không sẽ phải chết đói. Khi chúng tôi đến đây chúng tôi đến tự nguyện, không e sợ, để gặp ngài, và khi chúng tôi về nhà kể cho mọi người nghe tôi đã nắm được bàn tay ngài, và bàn tay của tất cả các chỉ huy ở Denver đây, họ sẽ thấy an lòng, và các bộ tộc Da Đỏ khác trên đồng bằng cũng sẽ an lòng, sau khi chúng tôi đã ăn uống và chè chén với họ.”

            Evans trả lời: “Tôi rất tiếc là các ông không đáp ứng lời kêu gọi của tôi ngay lập tức. Các ông đã đi liên minh với người Sioux, đang lâm chiến với chúng tôi.”

            Ấm Đen sửng sốt. “Tôi không biết ai nói với ngài như thế,” ông nói.

            “Không cần biết ai nói,” Evans phản pháo, “nhưng thái độ của ông đã chứng tỏ điều đó là đúng như tôi mong đợi.”

            Một vài tù trưởng nhao nhao: “Đây là một sự hiểu lầm; chúng tôi không có liên minh với người Sioux hoặc với bất kỳ ai khác.”

            Evans thay đổi đề tài, phát biểu rằng mình không có tâm trạng lập hiệp ước hòa bình. “Tôi đã biết rằng các ông hay tin người da trắng đang đánh nhau,” y tiếp tục, “các ông nghĩ rằng các ông có thể đánh đuổi tất cả người da trắng ra khỏi xứ này, nhưng các ông sai rồi. Vị Cha Lớn ở Washington có đủ binh lính để đánh đuổi tất cả người Da Đỏ ra khỏi đồng bằng, và quật sụm bọn phản loạn cùng một lúc. . . Tôi khuyên các ông theo về với chính quyền, và chứng tỏ bằng hành động thiện ý thân hữu mà các ông đang rao giảng với tôi. Hoàn toàn vô nghĩa nếu các ông miệng nói hòa bình với chúng tôi trong khi vẫn sống với kẻ thù của chúng tôi, và giao hảo thân thiện với chúng.”

            Linh Dương Trắng, tù trưởng lớn tuổi nhất, giờ mới phát biểu: “Tôi hiểu từng lời ngài đã nói, và sẽ làm theo đó. . . Người Cheyenne, tất cả họ, có mắt mở như vầy, và họ sẽ nghe những gì ngài nói. Linh Dương Trắng hãnh diện vì được tận mắt nhìn thấy tù trưởng của tất cả người da trắng trong xứ sở này. Y sẽ nói với dân y. Kể từ khi tôi đến Washington và nhận được huy chương này, tôi đã gọi tất cả người da trắng là người anh em của tôi. Nhưng những người Da Đỏ khác đã tới Washington và nhận được huy chương, và giờ đây binh lính không bắt tay, mà đi tìm giết tôi. . . Tôi sợ rằng những binh lính mới này đã ra ngoài có thể giết một số dân tôi trong khi tôi ở đây.”

7

Các tù trưởng Cheyenne và Arapaho trong cuộc họp tại doanh trại Weld vào ngày 28/9/1864. Đứng, thứ ba từ trái: John Smith, người phiên dịch. Ngồi từ trái sang phải: Neva, Gấu Bò, Ấm Đen, Một Mắt, và một người Da Đỏ không rõ danh tánh Quì gối từ trái sang: Thiếu tá Wynkoop, Đại úy Silas Soule.

Evans bảo ông thẳng thừng: “Việc đó quả là nguy khốn.”

            “Khi chúng tôi gởi thư cho Thiếu tá Wynkoop,” Linh Dương Trắng tiếp, “nó như đi qua một đám lửa cháy nóng cho người của Thiếu tá Wynkoop khi đi đến trại chúng tôi; cũng như cho chúng tôi khi đi đến gặp ngài.”

            Thống đốc Evans giờ bắt đầu cật vấn các tù trưởng về những sự cố cụ thể dọc theo Platte, cố bắt bài một số họ phải thú nhận là mình đã tham gia các trận đột kích. “Ai cướp gia súc ở Trại Cam Fremont,” y hỏi, “và gây ra trận đánh đầu tiên với binh lình mùa xuân này ở phía bắc vùng đó?”

            “Trước khi trả lời câu hỏi đó,” Linh Dương Trắng bạo dạn đáp, “tôi muốn ngài hiểu rằng đó là khởi đầu của cuộc chiến, và tôi muốn biết nó nhằm mục đích gì. Một người lính đã bắn trước.”

            “Người Da Đỏ đã cướp đi khoảng 40 con ngựa,” Evans kết án. “Các binh lính đi để lấy lại, và người Da Đỏ bắn một loạt đạn vào hàng ngũ của họ.”

            Linh Dương Trắng phủ nhận điều này. “Họ đi xuống dưới Bijou,” ông nói, “và tìm thấy một ngựa và một lừa. Họ trả lại một ngựa cho một người trước khi đến Gerry, rồi đi đến Gerry hi vọng trả lại lừa cho người nào đó. Rồi họ nghe nói binh lính và người Da Đỏ đang đánh nhau dưới Platte; thế là họ đâm sợ và tất cả bỏ chạy.”

            “Ai là thủ phạm vụ cướp bóc ở Cottonwood?” Evans cất vấn.

            “Bọn Sioux; băng nào chúng tôi không biết.”

            “Bọn Sioux sẽ làm gì tiếp theo?”

            Gấu Bò trả lời câu hỏi: “Kế hoạch của họ là quét sạch xứ này,” ông tuyên bố. “Họ căm phẫn, và sẽ gây tổn thất cho người da trắng nhiều như có thể. Tôi đứng về phe ngài và binh sĩ, để đánh lại tất cả ai không có tai để nghe những lời ngài nói. . . Tôi chưa hề gây hại cho một người da trắng nào. Tôi ủng hộ điều tốt đẹp. Tôi luôn là bạn với người da trắng; họ có thể làm điều tốt đẹp cho tôi. . . Anh tôi Gấu Gầy đã chết trong khi cố giữ hòa bình với người da trắng. Tôi ước ao chết được như vậy, và hi vọng sẽ toại nguyện.”

            Vì hình như có điều gì đó cần bàn bạc thêm, thống đốc hỏi Đại tá Chivington có gì trao đổi với các tù trưởng không. Chivington đứng dậy. Y là một người cao lớn với bộ ngực vạm vỡ và một cái cổ bạnh, nguyên là một nhà truyền giáo Methodist đã bỏ ra nhiều thời gian tổ chức các lớp chủ nhật trong các khu mỏ. đối với người Da Đỏ y nom như một con bò rừng to lớn có râu với ánh mắt dữ tợn. “Tôi không phải là một tù trưởng chiến tranh lớn,” Chivington nói, “nhưng tất cả binh sĩ trong xứ này đều dưới quyền tôi. Qui tắc của chiến sĩ da trắng cũng như chiến binh Da Đỏ là đánh kẻ thù cho đến khi họ buông xuống vũ khí hoặc chịu khuất phục. Họ [người Da Đỏ] ở gần Thiếu tá Wynkoop hơn bất kỳ ai khác, và họ có thể đi đến ông ta khi họ đã sẵn sàng.”

            Và hội đồng đã kết thúc như thế, để lại cho các tù trưởng sự phân vân không biết mình có tìm được hòa bình hay không. Họ chỉ chắc chắn một điều – người bạn duy nhất thực sự họ có thể tin cậy trong số binh lính là Xếp Cao Wynkoop. Xếp Đại bàng mắt long lanh, Chivington, đã nói là họ nên đi đến Wynkoop ở Đồn Lyon, và đó là việc mà họ quyết định sẽ làm.

            “Vì thế giờ đây chúng tôi nhổ trại ở Đồi Khói và di chuyển xuống Rạch Cát, khoảng 40 dặm hướng đông bắc của Đồn Lyon,” George Bent nói. “Từ trại mới này người Da Đỏ đi vào đồn và thăm Thiếu tá Wynkoop, con người ở đây hình như quá đỗi thân thiện đến nỗi chỉ sau một thời gian ngắn người Arapaho rời chúng tôi để chuyển xuống dưới đồn, nơi đó họ hạ trại và nhận được khẩu phần đều đặn.”

            Wynkoop phân phát khẩu phần sau khi Quạ Nhỏ và Bàn Tay Trái cho ông hay là người Arapaho không thể tìm được bò rừng hoặc thú săn trên khu dành riêng, và họ sợ phái những toán đi săn trở lại bầy đàn ở Kansas. Họ có thể đã nghe lệnh gần đây mà Chivington ban ra cho binh sĩ : “Giết bỏ tất cả người Da Đỏ nào mà các anh bắt gặp.”

            Việc đối xử thân thiện của Wynkoop với người Da Đỏ chẳng bao lâu khiến ông bị các sĩ quan cao cấp ở Colorado và Kansas thất sủng. Ông bị khiển trách vì tội mang các tù trưởng đến Denver mà không xin phép, và bị kết tội “để những người Da Đỏ điều hành công việc tại Đồn Lyon.” Vào ngày 5/11, Thiếu tá Scott J. Anthony, một sĩ quan trong đội quân tình nguyện Colorado của Chivington, đến Đồn Lyon với lệnh cách chức Wynkoop khỏi cương vị chỉ huy của đồn.

            Một trong những lệnh đầu tiên của Anthony là cắt khẩu phần người Arapoha và yêu cầu họ nộp vũ khí. Họ giao y 3 súng trường, 1 súng lục, và 60 cung với tên. Một ít ngày sau đó khi một nhóm người Arapaho không vũ trang tiến đến gần đồn để đổi da bò lấy lương thức, Anthony ra lệnh cho lính gác bắn họ. Anthony cười to khi người Da Đỏ quay lưng và bỏ chạy. Y đưa ra nhận xét với một người lính “là họ đã gây phiền toái cho y quá đủ, và đó là cách duy nhất để thoát khỏi chúng.”

            Người Cheyenne cắm trại trên Rạch Cát nghe tin từ người Arapaho là một chỉ huy mắt đỏ thù hằn đã thế chỗ của người bạn thân Wynkoop. Trong Mùa Trăng Hưu Động Dục giữa tháng 11, Ấm Đen và một nhóm người Cheyenne đi đến Đồn để thăm chỉ huy mới này. Mắt y thực sự đỏ (hậu quả của căn bệnh scobat), nhưng y làm bộ ra vẽ thân hữu. Vài sĩ quan có mặt tại buổi họp giữa Ấm Đen và Anthony đều làm chứng sau đó là Anthony đảm bảo với người Da Đỏ là nếu họ quay lại trại của họ ở Rạch Cát họ sẽ nằm dưới sự che chở của Đồn Lyon. Y cũng bảo họ là những người trẻ có thể đi về đông phía Đồi Khói để săn bò rừng cho đến khi y lấy được phép từ Quân đội phân phát khẩu phần mùa đông cho họ.

            Hài lòng với lời nói của Anthony, Ấm Đen nói rằng ông và những thủ lĩnh Cheyenne khác đã đang suy nghĩ về việc di chuyển xa hơn về hướng nam của Arkansas để họ có thể cảm thấy an toàn với binh lính, nhưng những lời của Thiếu tá Anthony khiến họ cảm thấn an toàn ở Rạch Cát. Họ sẽ nán lại đó trong mùa đông.

            Sau khi người Cheyenne đi rồi, Anthony ra lệnh cho Bàn Tay Trái và Quạ Nhỏ giải tán trại Arapaho gần Đồn Lyon. “Đi và săn bò rừng để tự cung ứng thức ăn,” y bảo họ. Hoảng kinh vì sự sống sượng của Anthony, người Arapaho thu dọn hành trang và bắt đầu ra đi. Khi họ đã ra khỏi tầm nhìn của đồn, hai băng tách ra. Bàn Tay Trái đi với người của mình về Rạch Cát để gia nhập người Cheyenne. Quạ Nhỏ dẫn băng nhóm mình băng qua sông Arkansas và hướng về nam; ông không tin cậy chỉ huy Mắt Đỏ.

            Anthony giờ báo cáo với các xếp của mình là “có một băng nhóm Da Đỏ cách đồn 40 dặm. . .Tôi sẽ cố gắng giữ yên chúng cho đến khi nhận được yểm trợ.” 

8

Quạ Nhỏ, tù trưởng Arapaho. Ảnh chụp năm 1877

Vào ngày 26/11, khi nhà buôn Chăn Xám John Smith xin phép được đến Rạch Cát giao dịch, Thiếu tá Anthony bất ngờ hợp tác. Y cung cấp cho Smith một xe cứu thương để chở hàng hóa, và một người đánh xe, Binh nhì David Louderback thuộc Kỵ binh Colorado. Nếu không có gì có thể ru ngủ người Da Đỏ vào một trạng thái an toàn và giữ họ ở lại nơi cắm trại, thì sự hiện diện của một nhà buôn và một đại diện hòa hiếu của Quân đội sẽ làm được.

            Hai mươi tư giờ sau lực lượng yễm trợ mà Anthony cần để đột kích người Da Đỏ đang tiến gần Đồn Lyon. Họ gồm 600 người thuộc trung đoàn Colorado của Đại tá Chivington, hầu hết thuộc trung đoàn thứ ba, quân đoàn mà Thống đốc thành lập với mục đích duy nhất là đánh người Da Đỏ. Khi độii tiền phương đến đồn, họ bao vây đồn và cấm bất cứ ai rời đồn nếu muốn sống. Khoảng cùng lúc đó một phân đội khoảng 20 kỵ binh đến trang trại của William Bent cách đồn vài dặm về phía đông, bao vây nhà ông, cấm mọi người ra vào nhà. Hai con trai lai, George và Charliew, cùng chàng rễ lai Edmond Guerrier của ông đang ở trong trại của người Cheyenne trên Rạch Cát.

            Khi Chivington cỡi ngựa đến khu sĩ quan ở Đồn Lyon, Thiếu tá tiếp đón y nồng nhiệt. Chivington bắt đầu nói về “việc sưu tập da đầu” và “bì bõm trong biển máu.” Anthony họa lại bằng cách nói rằng y đã “chờ đợi cơ hội này để xông vào trấn áp chúng,” và rằng mọi binh lính tại Đồn Lyon đều nức lòng tham gia cuộc hành quân của Chivington chống người Da Đỏ.

            Nhưng không phải tất cả sĩ quan của Anthony đều nức lòng hoặc thậm chí muốn gia nhập với trận tàn sát được mưu tính kỹ càng. Đại úy Silas Soule, Trung úy Joseph Cramwe, và Trung úy James Connor phản kháng là một cuộc tấn công vào trại đang yên bình của Ấm Đen sẽ vi phạm lời cam kết an toàn cho người Da Đỏ mà cả Wynkoop và Anthony đều đã tuyên bố, “rằng việc đó sẽ là hành động sát nhân theo đúng ý nghĩa của từ đó,” và bất kỳ sĩ quan nào tham gia sẽ làm ô nhục đồng phục của Quân đội.

            Chivington nổi cơn thịnh nộ với họ và đưa nắm đấm tận mặt Trung úy Cramer. “Khốn nạn cho thằng nào về phe bọn Da Đỏ!” y quát lên. “Tao đến đây để giết bọn Da Đỏ, và tin là đúng đắn và vinh dự khi sử dụng bất kỳ biện pháp nào nhân danh Chúa để tàn sát bọn Da Đỏ.”

            Soule, Cramer, và Connor phải bắt buộc tham gia vì không muốn đối diện với tòa án binh, nhưng họ thầm lặng quyết định không ra lệnh cho binh sĩ của mình bắn vào người Da Đỏ trừ khi phải tự vệ.

            Vào tám giờ tối ngày 28/11, đoàn quân của Chivington, giờ gồm hơn 700 binh lính cộng thêm toán quân của Anthony, di chuyển ra khỏi đồn, đi theo hàng 4. Bốn khẩu pháo trái phá nặng 12 cân đồng hành cùng đoàn kỵ binh. Các vì sao lấp lánh trên bầu trời trong vắt; không khí ban đêm đượm hơi sương giá rét buốt.

            Người hướng đạo mà Chivington tuyển dụng là James Beckwourth, một người da đen lai da trắng 69 tuổi đã từng sống với người Da Đỏ gần nửa thế kỷ. Bê Pháp Sư Beckwourth đã cố xin thôi, nhưng Chivington đe dọa treo cổ ông già nếu ông khước từ việc hướng đạo binh lình đến nơi cắm trại của người Cheyenne và Arapaho.

            Khi đoàn quân tiến lên, rõ ràng là cắp mắt mờ đục và bệnh xưng khớp của ông đã làm ông trở nên vô dụng. Tại một trang trại gần Spring Bottom, Chivington dừng quân và ra lệnh chủ trang trại ra khỏi giường và thế chỗ của Beckrourth làm người hướng đạo. Trang chủ là Robert Bent, con trai cả của William Bent; tất cả ba người con trai của Bent sẽ sớm gặp nhau ở Rạch Cát.

            Trại Cheyenne nằm trong một vòng cung móng ngựa của Rạch Cát về phía bắc của một lòng suối gần như cạn khô. Lều của Ấm Đen gần trung tâm làng, với người của Linh Dương Trắng và Mũ Chiến ở phía tây. Ở phiá đông và hơi cách biệt với người Cheyenne là trại Arapaho của Bàn Tay Trái. Tất cả có khoảng 600 người Da Đỏ ở khu vòng cung, hai phần ba là đàn bà và trẻ con. Hầu hết các chiến binh đang đi săn bò rừng cách đó vài dặm về phía đông, như Thiếu tá đã bảo họ.

            Người Da Đỏ quá tin vào sự an toàn tuyệt đối, họ không bố trí người canh gác đêm trừ người giữ đàn ngựa đang tập trung ở bãi quây dưới khe. Cảnh báo đầu tiên về vụ đột kích là vào hừng sáng – tiếng vó ngựa nện vào mặt đất. “Tôi đang ngủ trong láng,” Edmond Guerrier nói. “Tôi nghe, lúc đầu, một vài bà bên ngoài nói có đàn bò rừng đang đến trại; người khác nói có nhiều binh lính.” Guerrier lập tức bước ra ngoài và đi về lều của Chăn Xám.

            George Bent, đang nằm ngủ tại cùng địa điểm, nói rằng mình còn nằm trong chăn khi nghe có tiếng la hét và tiếng náo động của những người chạy quanh trại. “Từ dưới khe một bộ phận binh lính đông đảo đang tiến đến với điệu nước kiệu nhanh. . . có thể thấy nhiều binh lính hơn tiến về bãi ngựa của người Da Đỏ ở phía nam khu trại; trong trại bây giờ là một sự hỗn loạn và huyên náo – đàn ông, đàn bà, trẻ con đều la hét khi thấy binh lính; đàn ông chạy bắn vào kho để lấy vũ khí. . . Tôi nhìn về phía lều tù trưởng và thấy Ấm Đen đang đứng trước lều mình, ta cầm lá cờ Mỹ giơ cao, lá cờ phấp phới trong ánh sáng xám xịt của bình minh mùa đông. Tôi nghe tiếng ông kêu người mình đừng sợ, rằng binh lính sẽ không sẽ không làm hại họ; rồi binh sĩ nổ súng từ hai phía khu trại.”

            Trong lúc đó Guerrier trẻ đã nhập bọn với Chăn Xám Smith và Binh nhì Louderback ở lều của nhà buôn. “Louderback đề nghị chúng tôi đi ra và gặp binh lính. Chúng tôi nghe theo. Trước khi chúng tôi ra ngoài bờ lều tôi có thể trông thấy binh lính bắt đầu xuống ngựa. Tôi nghĩ họ là những pháo binh và chuẩn bị nã pháo vào trại. Tơi chưa kịp nói thì họ bắt đầu khái hỏa bằng súng trường và súng lục. Khi biết là không thể đến gần họ được, tôi bèn chạy đi, bỏ lại anh binh nhì và Smith.”

            Louderback do dự đứng lại, nhưng Smith vẫn tiến tới bọn kỵ binh. “Bắn thằng chết tiệt đó đi!” một tên lính trong hàng ngũ la lên. “Nó cũng như bọn da đỏ thôi.” Nghe thế Smith và Louderback liền quay lại và chạy về phía lều của mình. Đứa con trai lai của Smith, Jack, và Charlie Bent đang ẩn nấp ở đó.

            Lúc này hàng trăm đàn bà và trẻ en Cheyenne đang tụ tập quanh ngọn cờ của Ấm Đen. Từ trên lòng suối khô, thêm nhiều người nữa từ trại của Linh dương Trắng chạy đến. Sau hết, không phải Đại tá Greenwood đã bảo với Ấm Đen rằng chừng nào lá cờ Hoa Kỳ còn bay trên đầu ông không binh lính nào dám bắn ông hay sao? Linh Dương Trắng, một ông già 75 tuổi, không vũ khí, gương mặt dạn dày sương gió và năm tháng, sảy bước về phía binh lính. Ông vẫn còn tin tưởng binh lính sẽ ngừng bắn ngay khi họ trông thấy là cờ Mỹ và lá cờ trắng đầu hàng mà Ấm Đen giờ đang dựng lên.

            Bê Pháp Sư Beckwourth, cỡi ngựa cạnh Đại tá Chivington, trông thấy Linh Dương Trắng tiến đến. “Ông ta chạy ra ngoài để gặp vị chỉ huy,” Beckwourth sau này khai ra, “hai cánh tay giơ cao và nói ‘Dừng lại! Dừng lại!’ Ông nói bằng tiếng Anh rõ ràng như tôi nói. Ông dừng lại và khoanh tay cho đến khi bị bắn gục.” Những người Cheyenne sống sót nói rằng Linh Dương Trắng hát bài ca thần chết trước khi tắt thở:

            Không có gì sống mãi mãi

            Trừ mặt đất và núi non

            Từ hướng trại Arapaho, Bàn Tay Trái và người của mình cũng cố chạy đến núp dưới cờ của Ấm Đen. Khi Bàn Tay Trái trông thấy binh lính, ông đứng lại và khoanh tay, nói mình sẽ không chiến đấu với người da trắng vì họ là bạn bè của ông. Ông bị bắn hạ.

            Robert Bent, người hướng đạo không mong muốn của Đại tá Chivington, nói rằng khi họ đến gần trại “tôi trông thấy lá cờ Mỹ bay phấp phới và nghe Ấm Đen bảo dân Da Đỏ đứng quanh lá cờ, và thế là họ túm tụm nhau ở đó – đàn ông, đàn bà, và trẻ con. Đó là khi chúng tôi chỉ cách người Da Đỏ chưa tới 50 mét. Tôi cũng thấy một lá cờ trắng giơ lên. Những lá cờ này ở một vị trí quá trống trải đến nỗi ai cũng phải nhìn thấy. Khi binh lính nổ súng, người Da Đỏ chạy tứ tán, một số đàn ông chạy đến kho để lấy vũ khí . . . Theo tôi có 600 người Da Đỏ tất cả. Tôi nghĩ có 35 chiến binh trẻ và một số ông già, khỏang 60 tất cả. . . Số còn lại đang ra khỏi trại, đi săn. . . Các chiến binh gom các phụ nữ và trẻ con lại với nhau, và bao quanh họ để bảo vệ. Tôi trông thấy năm phụ nữ đang nấp dưới bờ khe. Khi binh lính tiến đến chỗ họ họ chạy ra cho thấy mình là phụ nữ và van xin khoan hồng, nhưng binh lính vẫn bắn hạ tất cả. Tôi trông thấy một phụ nữ nằm trên bờ khe mà chân đã gãy vì đạn trái phá; một tên lính chạy tới bà với con dao lưỡi cong đã tuốt ra; bà giơ cánh tay để che thân mình, lưỡi dao chém xuống, đứt phăng cánh tay; bà lăn lộn và giơ cánh tay còn lại khi thấy y chém xuống, và cánh tay còn lại cũng đứt lìa, xong y bỏ đi mà không giết bà. Đúng là một trận tàn sát bừa bãi những người đàn ông, đàn bà, và trẻ con. Có khoảng 30 hay 40 phụ nữ da đỏ chen chúc trong một cái hố để ẩn nấp; họ cử một đứa bé gái nhỏ khoảng 6 tuổi đi ra, tay cầm lá cờ trắng trên đầu gậy. Em chỉ bước được vài bước là bị bắn chết. Tất cả bọn phụ nữ trong hố sau đó đều bị tàn sát, cùng bốn hay năm đàn ông bên ngoài. Các bà không ai chống cự. Mỗi người chết tôi thấy đều bị lột da đầu. Tôi trông thấy một phụ nữ bị mổ bụng với một hài nhi chưa sanh ra, nằm bên cạnh bà. Tôi trông thấy thi thể của Linh Dương Trắng có bộ phận sinh dục bị cắt đứt, và tôi nghe một người lính kể rằng y sẽ làm một túi đựng thuốc lá bằng những thứ đó. Tôi nhìn thấy một phụ nữ có vùng kín bị cắt đứt. . . Tôi chứng kiến cảnh một bé gái khoảng 5 tuổi trốn trong cát, bị hai tên lính phát hiện, lôi ra, bắn chết bằng súng lục, rồi kéo thi thể em ra khỏi cát. Tôi trông thấy rất nhiều trẻ em còn ẳm bồng bị giết cùng với mẹ.

            (Trong một diễn văn công khai đọc ở Denver không lâu trước vụ tàn sát này, Đại tá Chivington hô hào bắn giết và lột da đầu tất cả người Da Đỏ, kể cả trẻ con. “Trứng rận nở ra rận!” y tuyên bố.)

            Lời khai của Robert Bent về mức tàn bạo của binh lính được chứng thực bởi Trung úy James Connor: “Khi đi qua chiến trường ngày hôm sau tôi không nhìn thấy một thi thể đàn ông, đàn bà, hay trẻ con mà không bị lột da đầu, và trong nhiều trường hợp thi thể họ bị băm vằm theo cách man rợ nhất. Chỗ kín của đàn ông, đàn bà, và trẻ con bị cắt đứt; tôi nghe một người nói y đã cắt đứt vùng kín của phụ nữ và trưng bày chúng trên đầu gậy; tôi nghe một người khác nói rằng y đã cắt ngón tay của một tên da đỏ để lấy nhẫn của hắn; theo               tôi biết rõ thì những hành vi tàn độc này ngài Chivington đều hay biết, và tôi không biết ông ấy có đưa ra biện pháp nào để ngăn ngừa; tôi nghe một trường hợp một đứa trẻ vài tháng tuổi bị ném vào hộp thức ăn gắn phía sau một xe ngựa chở hàng hóa, và sau khi bị chở đi một khoảng nó bị bỏ lại trên mặt đường để chết rục; tôi cũng trông thấy nhiểu trường hợp trong đó các ông đã cắt đứt vùng kín của phụ nữ và căng chúng ra để bọc chóp trước của yên ngựa hoặc gắn trên nón khi đi hành quân.”

            Một trung đoàn có kỷ luật và được huấn luyện chắc chắn đã tận diệt tất cả người Da Đỏ tay không mang vũ khí ở Rạch Cát. Thiếu kỷ luật, cộng với say xỉn trong chuyến đi đêm; tính hèn nhát, và bắn quá tồi trong bình đoàn Colorado khiến nhiều người Da Đỏ chạy thoát được. Một số người Cheyenne đào công sự bên dưới bờ cao của khe suối khô, và núp chờ cho đến khi đêm xuống. Một số khác tẩu thoát một mình hoặc từng nhóm nhỏ vượt qua đồng bằng. Khi cuộc chém giết kết thúc, 105 phụ nữ và trẻ em cùng 28 đàn ông Da Đỏ bị giết. Trong báo cáo chính thức của mình, Chivington tuyên bố khoảng từ bốn đến năm trăm chiến binh bị tiêu diệt. Y mất chín người, bị thương 38 người, nhiều thương vong do bắn nhầm lẫn nhau. Trong số các tù trưởng bị giết có Linh Dương Trắng, Một Mắt, và Mũ Chiến. Ấm Đen may mắn thoát chết nhờ chạy vào một hẽm núi, nhưng vợ ông bị thương nặng. Bàn Tay Trái, mặc dù bị bắn gục, cũng xoay sở sống được.

            Các tù binh ở cuối trận đánh tổng cộng có 7 người – vợ người Cheyenne của John Smith, vợ của một viên chức da trắng khác ở Đồn Lyon và ba đứa con của bà, và hai thanh niên lai, Jack Smith và Charlie Bent. Các binh sĩ muốn giết các thanh niên lai vì họ ăn vận như người Da Đỏ. Bê Pháp Sư Beckwourth giải cứu được Charlie Bent nhờ giấu anh trong một xe ngựa cùng với một sĩ quan bị thương khác, sau đó giao anh cho người anh là Robert. Nhưng Beckwourth không thể cứu được mạng sống của Jach Smith; một tên lính đã bắn chết con trai nhà buôn qua một lỗ trên lều nơi cậu bị giữ làm tù binh.

            Người con trai thứ ba của dòng họ Bent, George, bị tách khỏi Charlie ngay từ đầu trận đánh. Anh nhập bọn với người Cheyenne đã đào công sự dưới bờ cao của khe suối. “Ngay khi đội chúng tôi vừa đến điểm này,” anh nói, “Tôi bị bắn một viên đạn vào hông và ngã xuống; nhưng tôi xoay sở ngã nhào vào một cái hố và nằm đó cùng với các chiến binh, phụ nữ, và trẻ em.” Sau khi đêm xuống những người sống sót bò ra khỏi hố. Trời rét thấu xương, máu đóng băng qua vết thương, nhưng họ không dám đốt lửa sưởi ấm. Ý nghĩ duy nhất trong đầu họ là trốn chạy về phía đông đến Đồi Khói và cố gia nhập với các chiến binh của họ. “Thật là một chuyến đi khủng khiếp,” George Bent nhớ lại, “phần đông chúng tôi đi chân trần, không có thức ăn, áo ấm, và vướng víu bởi đám đàn bà và trẻ con.” Qua 50 dặm chịu đựng gió rét cóng, đói khát, vết thương hành hạ, nhưng cuối cùng họ đã đến được trại săn. “Khi chúng tôi bước vào trại một cảnh tượng thương tâm mở ra. Mọi người ôm nhau khóc òa, ngay cả các chiến binh, các phụ nữ và trẻ con thì la hét và rên rỉ bi thương. Gần như ai cũng mất vài người thân hoặc bạn bè, và nhiều người trong nỗi thống khổ đã tự rạch thân thể mình bằng dao khiến máu tuôn nhuộm đỏ cả dòng suối.”

9

William Bent và vợ, Magpie. Chụp năm 1867

Ngay khi vết thương đã lành, George tìm đường về trang trại của cha mình. Ở đó do người anh Charlie kể lại anh nghe nhiều tình tiết hơn về hành động man rợ của binh lính ở Rạch Cát – vụ lột da đầu và phân thây khủng khiếp, việc tàn sát trẻ em và bé sơ sinh. Sau một vài ngày anh em đồng ý với nhau rằng, là những người lai, họ không muốn đi theo nếp văn minh của người da trắng. Họ từ khước dòng máu của cha mình, và lặng lẽ rời trang trại. Đi cùng họ còn có người mẹ, Bà Vàng, với lời thề không bao giờ sống chung với người đàn ông da trắng lần nữa. Họ hướng về bắc để nhập bọn với người Cheyenne.

            Giờ là tháng giêng, Mùa Trăng của Rét Căm, khi những người Da Đỏ đồng bằng theo truyền thống giữ lửa luôn cháy trong láng trại của mình, suốt những buổi chiều dài ngồi kể nhau nghe những câu chuyện, và ngủ nướng cho đến sáng bét. Nhưng đây là thời điểm tồi tệ, và khi tin tức về vụ tàn sát Rạch Cát lan khắp đồng bằng, người Cheyenne, Arapaho, và Sioux gởi các người đưa tin tới lui tấp nập để kêu gọi một cuộc chiến trả thù chống lại người da trắng sát nhân.

            Lúc mà Bà Vàng và anh em Bent đến được với người thân trên Sông Republican, người Cheyenne được sự ủng hộ của hàng ngàn các đồng minh thương mến – bộ tộc Brule Sioux của Đuôi Đốm, Oglala Sioux của Sát Thủ Pawnee, và những băng nhóm lớn của bộ tộc Bắc Arapaho. Khuyển Quân Cheyenne (giờ lãnh đạo bởi Bò Cao) trước đây đã không chịu đến Rạch Cát bây giờ có mặt ở đó, và cả Mũi Cao và các chiến binh trẻ của ông. Trong khi Cheyenne khóc than người xấu số, các thủ lĩnh của bộ tộc hút ống píp chiến tranh và bàn bạc chiến thuật.

            Trong một vài giờ nổi điên ở Rạch Cát, Chivington và binh lính của y đã hủy diệt cuộc sống hoặc sức mạnh của mỗi tù trưởng Cheyenne hoặc Arapaho tin tưởng vào lời hứa hẹn của người da trắng. Sau biến cố bi thương này, người Da Đỏ sống sót tẩy chay Ấm Đen và Bàn Tay Trái, và quay về với các thủ lĩnh chiến tranh của họ để cứu họ khỏi bị tận diệt.

            Cùng lúc đó, các viên chức Hoa Kỳ yêu cầu một cuộc điều tra Thống đốc Evans và Đại tá Chivington, và mặc dù họ có thể đã biết là quá trễ để tránh một cuộc chiến toàn diện của người Da Đỏ, họ vẫn phái Bê Pháp Sư Berwourth như một sứ giả đến Ấm Đen để xem có cách nào tìm lại hòa bình.

            Berwourth tìm đến người Cheyenne nhưng sớm biết rằng Ấm Đen đã trôi giạt đâu đó với một nhúm người thân và ông già. Thủ lĩnh của họ bây giờ là Chân-dưới-Nước.

            “Tôi đi vào lều của Chân-dưới-Nước,” Berwourth nói. “Khi tôi bước vào ông đứng dậy và nói, ‘Này Bê Pháp Sư, ông đến đây để làm gì; ông có mang đến người da trắng thực sự muốn chấm dứt việc giết chóc gia đình chúng ta một lần nữa không? Tôi bảo ông ta tôi đến để bàn bạc với ông; họp hội đồng với ông. Không lâu sau đó họ đến, và muốn biết tôi đến vì việc gì. Tôi bảo họ tôi đến để thuyết phục họ lập lại hòa bình với người da trắng, vì họ đông như lá ở trên rừng. ‘Chúng tôi biết chứ,’ cả hội đồng đều trả lời như vậy. ‘Nhưng chúng tôi muốn sống vì điều gì? Người da trắng đã lấy mất xứ sở chúng tôi, giết chóc tất cả thú săn của chúng tôi; không thỏa mãn với việc đó, họ còn giết vợ con chúng tôi. Bây giờ đừng bàn chuyện hòa bình. Chúng tôi muốn đi theo gặp lại gia đình chúng tôi ở vùng đất của thần linh. Chúng tôi yêu quí người da trắng cho đến khi nhận ra rằng họ lường gạt chúng tôi, và ăn cướp tất cả những gì chúng tôi có. Chúng tôi đã giơ cao chiếc rìu chiến tranh cho đến khi chết.’

            “Họ hỏi tôi tại sao tôi theo binh lính đến Rạch Cát chỉ cho họ xứ sở này. Tôi bảo họ nếu không làm theo người da trắng sẽ treo cổ tôi. ‘Đi đi và đến sống với bọn anh em da trắng của ông, còn chúng tôi sẽ sẵn sàng chiến đấu cho đến chết.’ Tôi vâng lệnh và quay về.”

10

Edmond Guerrier, thông dịch viên.

Vào tháng giêng năm 1865, đồng minh của người Cheyenne, Arapaho, và Sioux mở một loạt đột kích dọc theo Nam Platte. Họ tấn công đoàn xe ngựa, trạm xe chở khách và các đồn nhỏ. Họ đốt thị trấn Julesburg, lột da đầu người da trắng phòng vệ để trả thù cho tội ác chúng đã gây ra ở Rạch Cát. Họ kéo ngã hàng dặm dây điện thoại. Họ đột kích và cướp bóc suốt con đường Platte, làm giao thông và vận tải đình trệ. Ở Denver dân chúng hoảng loạn vì thực phẩm bắt đầu càng lúc càng khan hiếm.

            Khi các chiến binh trở lại trại mùa đông ở Big Timbers trên bờ sông Republican, họ tổ chức nhảy múa rình rang để ăn mừng những đòn báo thù đầu tiên. Tuyết phủ trắng xóa đồng bằng, nhưng các tù trưởng biết rằng bọn binh lính sẽ sớm đến từ mọi phía với các khẩu súng lớn tiếng của chúng. Trong khi cuộc nhảy múa vẫn tiếp diễn, các tù trưởng họp hội đồng để quyết định họ sẽ đi về đâu để thoát khỏi sự săn đuổi của binh lính.  Ấm Đen có mặt ở đấy, và ông đề nghị đi về nam, phía dưới Arkansas, ở đó mùa hè dài hơn và bò rừng đông đúc. Phần đông những tù trưởng khác ủng hộ việc đi lên phương bắc vượt qua sông Platte để họp cùng với người thân của họ trong vùng Sông Powder. Không tên lính nào dám bén mảng vào căn cứ địa vững chắc này của bộ tộc Teton Sioux và Bắc Cheyenne. Trước khi hội đồng kết thúc, đồng minh đồng ý phái những người đưa tin đến vùng Sông Powder để báo cho các bộ tộc biết là họ đang đến.

            Tuy nhiên, Ấm Đen không đi theo, và khoảng 400 người Cheyenne – hầu hết là ông già, phụ nữ, và một vài chiến binh bị thương nặng – đồng ý đi theo ông về nam. Vào ngày cuối cùng trước khi nhổ trại, George Bent chia tay với nhóm sắc tộc cuối cùng bên mẹ, người Nam Cheyenne. “Tôi đi quanh lều và bắt tay với Ấm Đen và tất cả bạn bè tôi. Dưới sự dẫn dắt của Ấm Đen họ đi về nam Arkansas và nhập bọn với Nam Arapaho, Kiowa, và Comanche.”

            Với khoảng 3,000 người Sioux và Arapaho, người Cheyenne (bao gồm Bà Vàng và anh em nhà Bent) di chuyển về bắc, ra đi biệt xứ vào một vùng đất ít người nhìn thấy trước đây. Dọc theo lộ trình họ đánh nhau với các binh lính đi ra từ Đồn Laramie, nhưng đồng minh Da Đỏ quá hùng mạnh đối với số binh sĩ ít ỏi, nên người Da Đỏ đuổi chúng đi như thể chúng là những con sói đồng bám theo đàn bò rừng khổng lồ.

            Khi họ đến miền Sông Powder, người Nam Cheyenne được bà con của họ, người Bắc Cheyenne, tiếp đón niềm nỡ. Người miền Nam, mặc áo chăn và xà cạp, trao đổi với người da trắng, nghĩ rằng người miền Bắc trông rất ngầu trong bộ y phục da bò và xà cạp da hoẵng. Người Bắc Cheyenne quấn các bím tóc của họ bằng những sợi da hoẵng sơn đỏ, đội mũ lông quạ trên đầu, và sử dụng nhiều từ Sioux đến nỗi người Nam Cheyenne khó lòng hiểu được. Sao Hôm, một tù trưởng thủ lĩnh của Bắc Cheyenne, đã sống và săn bắn rất lâu với người Sioux đến nỗi hầu hết mọi người gọi ông bằng biệt danh Sioux, Dao Cùn.

            Ban đầu người miền Nam hạ trại trên bờ sông Powder cách người miền Bắc khoảng nửa dặm, nhưng vì họ qua lại thăm viếng thường xuyên nên chẳng bao lâu họ quyết định dựng trại cùng nhau, bố trí lều theo kiểu vòng tròn như ngày xưa với người cùng thị tộc ở gần nhau. Từ thời điểm đó trở đi, người ta ít khi phân biệt người Nam và người Bắc nữa.

            Vào mùa xuân năm 1865, khi họ lùa đàn ngựa đến Sông Tongue để chăn thả, họ dựng trại gần bộ tộc Oglala Sioux của Mây Đỏ. Người Cheyenne miền nam chưa hề nhìn thấy quá nhiều người Da Đỏ dựng trại cùng nhau, hơn 8,000 người, suốt ngày đêm tưng bừng săn bắn và lễ lạc và hội hè và nhảy múa. George Bent sau đó kể về việc kết nạp Anh-Chàng-Sợ-Ngựa-Của-Mình, một người Sioux, vào thị tộc Cheyenne của mình, băng Giáo Cong. Điều này chứng tỏ người Sioux và Cheyenne khi đó thân thiết với nhau thế nào.

            Mặc dù mỗi bộ tộc giữ gìn khu vực riêng và tập quán riêng của mình, những người Da Đỏ này đã bắt đầu nghĩ về mình như một Dân tộc, tự tin vào sức mạnh của mình và vào quyền được sống theo ý mình. Bọn xâm lấn da trắng đang thách thức họ ở miền đông Dakota và ở miền nam dọc theo sông Platte, nhưng họ sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách. “Đấng Thần Linh Lớn nuôi dưỡng người da trắng lẫn người Da Đỏ,” Mây Đỏ nói. “Tôi nghĩ ngài nuôi dưỡng người Da Đỏ trước. Ngài nuôi dưỡng tôi trong đất này và nó thuộc về tôi. Người da trắng được nuôi dưỡng bên kia vùng nước lớn, và đất của y ở phía bên kia. Từ lúc họ vượt biển, tôi đã nhường chỗ cho họ. Giờ đây người da trắng đều bao vây tôi. Tôi chỉ còn một khoảnh đất nhỏ. Đấng Thần Linh Lớn dặn tôi phải gìn giữ nó.”

            Suốt mùa xuân người Da Đỏ phái những đội trinh sát xuống để theo dõi binh lính đang canh giữ đường xá và đường dây điện thoại dọc theo Sông Platte. Đội trinh sát báo cáo có nhiều binh lính hơn bình thường, một số chúng rình mò về phía bắc dọc theo đường mòn Bozeman xuyên qua xứ sở Sông Powder. Mây Đỏ và các tù trưởng khác cho rằng đã đến lúc dạy cho binh lính một bài học; họ sẽ giáng trả chúng tại điểm họ ở xa nhất về phía bắc, một nơi người da trắng gọi là Trạm Platte Bridge.

            Vì các chiến binh Nam Cheyenne muốn báo thù các người thân của mình bị tàn sát ở Rạch Cát, hầu hết họ được mời đi cùng trong chiến dịch. Mũi Cao của thị tộc Giáo Cong là thủ lĩnh của họ, và anh đi cùng Mây Đỏ, Dao Cùn, và Ông-Già-Sợ-Ngựa-Của-Mình. Gần 3,000 chiến binh lập thành đoàn tác chiến. Trong số đó có anh em Bent, vẽ mặt và ăn vận kiểu lâm chiến.

            Vào ngày 24/7 họ đến những ngọn đồi nhìn qua cầu bắt qua sông North Platte. Ở đầu cầu bên kia là căn cứ quân sự – lô cốt, trạm xe, và bưu điện. Khoảng 100 binh sĩ bên trong lô cốt. Sau khi quan sát thực địa qua ống nhòm, các tù trưởng quyết định sẽ đốt cầu, vượt sông ở chỗ nước nông phía dưới, và sau đó bao vây lô cốt. Nhưng trước tiên họ sẽ cố kéo binh lính ra xa bằng nghi binh và giết hạ binh lính nhiều như có thể.

            Mười chiến binh đi xuống dụ địch khi chiều đến, nhưng binh sĩ không ra khỏi lô cốt. Sáng hôm sau một nhóm nghi binh khác dụ địch bước lên cầu, nhưng họ không dám đi xa hơn. Vào sáng thứ ba, trước sự ngạc nhiên của người Da Đỏ, một trung đội kỵ binh bước ra khỏi đồn, băng qua cầu và sảy nước kiệu quay về phía tây. Trong tíc tắc, vài trăm người Cheyenne và Sioux lên ngựa và tràn xuống đồi hướng về phía quân Áo xanh. “Khi chúng tôi xông vào binh lính,” George Bent nói, “tôi trông thấy một sĩ quan cỡi ngựa hồng vụt qua mặt tôi qua đám bụi và khói dầy đặc. Ngựa của y bỏ chạy khỏi y. . . tên trung úy bị một mũi tên cắm ngay trán và mặt y đầm đìa máu.” (Người sĩ quan bị tử thương là Trung úy Caspan Collins.) Một ít kỵ binh trốn thoát và chạy đến trung đội bộ binh giải cứu trên cầu. Đại bác từ đồn chặn đứng cuộc săn đuổi của chiến binh Da Đỏ.

            Trong khi cuộc chiến tiếp diễn, một số chiến binh Da Đỏ còn ở trên đồi phát hiện ra lý do tại sao kỵ binh đã chạy ra khỏi đồn. Chúng chạy ra để đón đoàn xe ngựa đang tiến đến từ phía tây. Trong một ít phút, người Da Đỏ bao vây đoàn xe, nhưng bọn lính núp dưới gầm xe và chống trả dữ dội. Trong những phút đầu của trận đánh, em của Mũi Cao bị giết. Khi Mũi Cao nghe được tin này, ông giận dữ muốn báo thù. Ông hét to cho mọi chiến binh Cheyenne sẵn sàng xung phong. “Chúng tôi hãy làm bọn binh lính hết đạn!” Mũi Cao đang đội mũ và mang tấm khiêng có bùa, và ông tin là không viên đạn nào có thể bắn hạ mình. Ông ra lệnh chiến binh Cheyenne quay vòng quanh đoàn xe, và họ quất roi cho ngựa phóng nhanh hơn. Khi vòng vây càng xiết chặc đoàn xe, binh lính xả hết đạn ngay lập tức, và thế là người Cheyenne xông thẳng vào đoàn xe, giết sạch bọn lính. Nhưng họ bất mãn khi nhìn thấy những gì trong xe; không có gì ngoài chăn đệm và giường tủ của lính.

            Đêm đó ở trại Mây Đỏ và những tù trưởng khác hả hê vì biết rằng mình đã dạy cho bọn lính biết sợ sức mạnh của người Da Đỏ. Và họ trở về vùng Sông Powder, hi vọng giờ đây người da trắng sẽ tuân thủ hiệp ước Laramie và thôi không còn vào rình mò vùng đất Da Đỏ ở phía bắc Platte.

            Trong khi đó, Ấm Đen và nhóm tàn dư Nam Cheyenne đã di chuyến xuống nam Sông Arkansas. Họ nhập bọn với người Arapaho của Quạ Nhỏ, trong lúc này đã nghe về vụ tàn sát Rạch Cát và đang thương tiếc cho người thân và bè bạn ở đó. Trong mùa hè (1865) các tay thợ săn của họ chỉ tìm được một ít bò rừng phía dưới Arkansas, nhưng họ sợ đi trở lại phía bắc nơi có nhiều đàn bò lớn gặm cỏ giữa Đồi Khói và sông Republican.

            Vào cuối hè, các người đưa tin bắt đầu tỏa ra khắp hướng để tìm kiếm Ấm Đen và Quạ Nhỏ. Bổng nhiên họ trở thành nhân vật quan trọng. Một vài viên chức da trắng đã đi từ Washintong để tìm người Cheyenne và Arapaho để nhắn với họ rằng Vị Cha Lớn và Hội đồng của ông lấy làm tiếc thương cho họ. Các viên chức nhà nước muốn ký một hiệp ước mới.

            Mặc dù người Cheyenne và Arapaho đã bị đánh đuổi khỏi Colorado, và các dân định cư đang chiếm đất đai của họ, nhưng hình như văn tự đất đai chưa được rõ ràng. Theo luật của những hiệp ước cũ ngay thành phố Denver đã được chứng thực là thuộc quyền sở hữu của người Cheyenne và Arapaho. Chính phủ muốn tất cả quyền đất đai của người Da Đỏ ở Colorado được hủy bỏ để dân định cư da trắng chắc chắn là mình sở hữu đất đai hợp pháp.

            Ấm Đen và Quạ Nhỏ không đồng ý gặp các viên chức cho đến khi họ nghe tin từ người Da Trắng Nhỏ, William Bent. Ông ta bảo họ rằng mình đã cố thuyết phục Hoa Kỳ cấp cho người Da Đỏ quyền sở hữu vĩnh viễn xứ bò rừng giữa Đồi Khói và Republican, nhưng chính quyền từ chối vì một cung đường giao thông và sau đó đường tàu hỏa sẽ chạy ngang qua đó, mang theo nhiều dân định cư hơn nữa. người Cheyenne và Arapaho sẽ phải sống ở phía nam Sông Arkansas.

            Vào mùa Trăng Cỏ Úa, Ấm Đen và Quạ Nhỏ gặp các ủy viên tại cửa sông Little Arkansas. Người Da Đỏ đã quen hai người lập hiệp ước này trước đây – Râu Đen Sanborn và Râu Trắng Harney. Họ tin Sanborn là bạn, nhưng họ nhớ Harney đã tàn sát người Brule Sioux tại Blue Water ở Nebraska vào năm 1855. Các viên chức Murphy và Leavenworth cũng có mặt ở đó, và một người nói thẳng, James Steele. Người Ném Thòng Lọng Carson, người đã chia cắt người Navaho khỏi vùng đất bộ tộc  của họ, cũng ở đó. Chăn Xám Smith, người đã trải qua thử thách ở Rạch Cát cùng với họ, đến để thông dịch, và người Da Trắng Nhỏ ở đó để giúp đỡ hết sức mình.

            “Chúng tôi ở đây, cùng với nhau, Arapaho và Cheyenne,” Ấm Đen nói, “trừ một số ít chúng tôi, chúng tôi là một dân tộc. . . Tất cả bạn bè tôi, những người Da Đỏ vẫn ở lại – họ sợ đến đây; sợ sẽ bị phản bội như tôi đã từng bị.”

            “Thật là một điều khó khăn khi phải rời khỏi xứ sở mà Thượng đế đã ban tặng,” Quạ Nhỏ nói. “Bạn bè chúng tôi đã được chôn cất ở đó, và chúng tôi phải rời bỏ những mảnh đất đó. . . Có điều gì đó phũ phàng với chúng tôi – bọn lính điên loạn đó đã hủy diệt nhà cửa chúng tôi và giết chóc phụ nữ và con trẻ chúng tôi. Điều này thật đau lòng. Tại Rạch Cát đó – Linh Dương Trắng và nhiều tù trưởng khác đã nằm xuống; phụ nữ và trẻ con đã nằm xuống. Nhà cửa chúng tôi ở đó đã bị phá hủy, và đàn ngựa chúng tôi ở đó đã bị lấy đi, và tôi không còn lòng dạ nào để đi đến một xứ sở mới và rời bỏ họ.”

            James Steele trả lời: “Tất cả chúng tôi đều biết rằng thật đau lòng cho bất cứ ai phải rời bỏ xứ sở mình và mồ mả của tổ tiên mình, nhưng, rủi thay cho các ông, vàng đã được phát hiện trong xứ sở các ông, và một đám người da trắng đã đến đó sống, và rất nhiều người trong số này là những kẻ thù xấu xa nhất của người Da Đỏ – những người mặc kệ lợi ích của họ, và không dừng bất kỳ tội ác nào để làm giàu cho bản thân. Những người này giờ đây đang ở xứ sở các ông – ở khắp nơi – và không còn chỗ nào các ông có thể sống được mà không phải tiếp xúc với họ. Kết quả là các ông sẽ ở trong tình trạng thường xuyên bị đe dọa, và các ông phải nhờ đến vũ khí để tự vệ. Trong tình hình này, theo ý kiến của các ủy viên, không có nơi nào trong xứ sở trước đây đủ rộng để các ông có thể sống trong hòa bình.

            Ấm Đen nói: “Tổ tiên chúng tôi, khi còn sống, sinh sống khắp xứ sở này; họ không biết làm điều sai quấy; từ khi họ chết và ra đi tôi không biết đi đâu. Chúng tôi đã mất phương hướng. . . Vị Cha Lớn đã phái các ông đến đây với những lời dặn mà chúng tôi luôn nghe theo. Mặc dù binh lính đã ra tay với chúng tôi, chúng tôi vẫn bỏ lại phía sau và hân hạnh gặp lại các ông trong hòa bình và tình thân hữu. Các ông đến đây vì mục đích gì, và Tổng thống phái các ông vì mục đích gì, tôi không chống đối, chỉ biết nói đồng ý.  . . người da trắng có thể đi bất cứ đâu họ muốn và không bị ngăn trở bởi chúng tôi, và tôi muốn các ông nói cho họ biết rằng. . . Chúng ta là những quốc gia khác nhau, nhưng hình như chúng ta chỉ là một dân tộc, trắng và tất cả. . . Một lần nữa tôi nắm tay các ông, và cảm thấy hạnh phúc. Những người đi với chúng tôi vui sướng khi biết rằng chúng ta lại có hòa bình, và có thể ngũ trong yên lành, và có thể sinh sống.”

            Và như thế họ đồng ý sống ở phía nam Arkansas, chia sẻ đất đai thuộc về người Kiowa. Vào ngày 14/10/1865, các tù trưởng và người cầm đầu của những người Nam Cheyenne và Arapaho còn sót lại ký hiệp ước mới chấp thuận “nền hòa bình vĩnh viễn.” Đổi lại họ phải từ bỏ tất cả quyền sở hữu Lãnh địa Colorado. Và tất nhiên đó là ý nghĩa thực sự của vụ tàn sát ở Rạch Cát.                                    

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
  • Thêm
  • Email
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Tộc Trưởng Da đỏ Joseph