HÃY THÔI NÓI TIA UV LÀM ĐEN DA! - Happy Skin

Nếu ai đó rủ mình đi tắm biển, câu cửa miệng của mình sẽ là ‘Thôi, đen lắm’, đừng hỏi tại sao gái vùng biển mà mỗi lần về nhà chỉ ẩn dật trong nhà ngồi điều hòa nhé. Mà mình tin hẳn đó là tâm lý chung và gần như đã trở thành “câu cửa miệng” trong thế giới làm đẹp khi nói về tia UV. Cũng như những đất nước Đông Á khác, phụ nữ Việt Nam rất sợ bị đen, vậy nên chúng ta thường cũng tự căn dặn bản thân phải tránh tiếp xúc với ánh nắng. Tuy nhiên, có vẻ như vậy là chưa đủ, vẫn có một lượng không nhỏ những “tâm hồn tự do” muốn giải phóng mình khỏi việc phải bôi bôi chét chét mỗi ngày, hay đơn thuần là vì…lười (mình không phê phán hay bài xích gì sự lựa chọn của những bạn nào nằm trong nhóm này đâu nhé, nhưng mình không thể không thừa nhận rằng mình CHÚA GHÉT những ai dễ dãi với bản thân, hix bad girl gone worse again!). Vậy hãy thôi nói tia UV làm đen da đi, vì đó chỉ là một trong những tác động ít nguy hại nhất của ánh nắng. Hãy nói TIA UV LÀM UNG THƯ DA, LÀM LÃO HOA DA, như vậy nghe có vẻ rùng rợn hơn rồi đó. Mình không dọa, mà chỉ làm cho thực tế trần trụi hơn chút thôi à.

Tia UV có làm đen da như lời đồn

Tia cực tím là gì?

Có bao giờ bạn xem các quảng cáo về kem chống nắng và từng nghe về tia UV, tia tử ngoại loạn cả lên nhưng không biết chúng là gì? Bức xạ UV (hay còn gọi là Tia cực tím, Tia tử ngoại, Tia UV) là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn tia X, chúng không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trong các nghiên cứu ảnh hưởng của tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời lên sức khỏe con người và môi trường, thì phổ của tia cực tím chia ra làm các phần:

* Tia UVC: Có bước sóng trong khoảng từ 100 đến 280 nm (nanometer). Đây là vùng tia UV có năng lượng cao nhất và sức phá hủy mạnh mẽ nhất. Thật may là vì bước sóng ngắn nên thường tia UVC không lọt qua được tầng Ozone và ảnh hướng đến con người (trừ những nơi tầng Ozone bị thủng thì hờ hờ)

* Tia UVB: Bước sóng dài hơn một chút (khoảng 280 đến 315 nm) và năng lượng thấp hơn vùng tia UVC.

* Tia UVA: Tia này gần giống với ánh sáng nhìn thấy, có năng lượng thấp hơn tia UVB và UVC (có bước sóng nằm trong khoảng 315 đến 380nm).

Tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời ảnh hưởng sức khỏe con người

Sự phản xạ và hấp thu tia UV qua da

Bước sóng càng lớn thì tia UV càng hấp thu vào sâu bên trong da. Theo đó, tia UVB đến được lớp sừng, lớp gai và lớp đáy (biểu bì).Tia UVA bước sóng lớn hơn, đến được lớp đáy và lớp lưới (hạ bì). Ánh sáng nhìn thấy và tia hồng ngoại đến được các mô mỡ. Tuy nhiên, tỉ lệ phản xạ và hấp thu tia UV qua da thay đổi tùy theo kết cấu da ở mỗi người.

Tác hại của tia UV đối với làn da

Sự thật về làn da rám nắng

Mọi người thường có quan niệm ‘Làn da rám nắng khỏe mạnh’. Tuy nhiên đáng buồn là khái niệm này hoàn toàn không có thật. Da bị rám nắng là một phản ứng bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh mặt trời. Những hắc tố melanin là một tấm khiên bảo vệ mà da xây dựng nên khi đối mặt với ánh nắng. Mặc dù vậy, một làn da rám nắng không phải là biện pháp để bạn có thể bảo vệ da của mình lâu dài khỏi tác hại của tia UV, đó đơn giản là một dấu hiệu cho thấy da của bạn đang đối mặt với những rủi ro của việc phơi nắng.

Có hai loại rám nắng:

Rám nắng tức thời: Những Melanin có sẵn ở trên bề mặt da sẽ sậm ngay lại khi tiếp xúc với tia UVA. Vết rám nắng tức thời sẽ phai đi chỉ trong vài giờ. Hiện tượng này phổ biến ở những người có nhiều Melanin bẩm sinh trên da.

Rám nắng chậm: Hiện tượng này xảy ra trong vòng 3 ngày sau khi da phơi nắng. Tia UVB sẽ kích thích sự sản xuất của các melanin mới ở lớp đáy. Lớp Melanin mới sẽ ở lại một thời gian khá dài, thường sẽ mất vài tuần đến vài tháng để lớp melanin này biến mất. (Theo WHO – https://www.who.int/uv/faq/uvhealtfac/en/)

Bỏng nắng

Việc phơi nắng quá nhiều sẽ khiến cho tia UVB ‘đốt’ những tế bào da ở lớp biểu bì và gây ra hiện tượng bỏng nắng. Ở dạng nhẹ, bỏng nắng gây ra các vết ửng đỏ trên da, và sẽ biến mất trong vài ngày. Ở dạng nặng, bỏng nắng có thể khiến da bị rát và bong tróc nặng nề.

Lão hóa da

Có nhiều yếu tố gây nên lão hóa da, trong đó, UVA là thủ phạm chúng ta phải gặp mặt hàng ngày. Lớp lưới gồm sợi collagen, sợi elastin được liên kết với nhau giúp cho làn da giữ được độ săn chắc, khỏe mạnh, linh hoạt, mang đến sự trẻ trung cho làn da.Các cấu trúc này thì gắn chặt với một chất như gel (có chứa axit hyaluronic), có khả năng cao trong việc liên kết với phân tử nước giúp duy trì được thể tích của da. Tia UVA xâm nhập vào lớp lưới, phá vỡ các liên kết này, khiến cho da mất đi độ đàn hồi, và tạo da những nếp nhăn.

Ung thư da

Không chỉ gây nên lão hóa da, tia UVA còn tấn công vào hạt tế bào và gây ra những hậu quả không thể hồi phục đối với ADN. Tia UVA gây ra các gốc tự do. Những tế bào bị hư hại này nếu không bị phát hiện và loại bỏ, sẽ tiếp tục nhân lên và trở thành các mô ung thư da.

Chính vì những tác hại khôn lường đối với không chỉ nhan sắc mà còn sức khỏe, việc chống nắng cho da hết sức quan trọng. Không chỉ là bôi kem chống nắng, mà còn những biện pháp bảo vệ khác như mũ, dù… và hạn chế ra ngoài vào các thời điểm tia UV quá mạnh.

Những yếu tố nào ảnh hưởng đến lượng UV?

Mùa trong năm: Lượng UV đến Trái đất cao nhất vào mùa Hè và ít hơn vào mùa Xuân và mùa Thu, ít nhất vào mùa Đông. Cường độ UVB vào mùa Thu cao hơn so với mùa Xuân vì vào thời điểm tháng 8, tháng 9, tháng 10 tầng ozon mỏng hơn.

Vĩ độ: Lượng UV mạnh nhất ở xích đạo, giảm dần khi đi về 2 cực. Chính vì Việt Nam nằm ở gần xích đạo, do vậy, chúng ta chịu ảnh hưởng của tia UV nặng nề hơn những đất nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các khu vực châu Âu.

Thời gian trong ngày: Lượng UV đến Trái đất cao nhất vào giữa trưa (khi mặt trời lên cao nhất) và ít hơn vào buổi sáng sớm hay chiều tối.(trước 10h và sau 14h). Do vậy, việc tránh ra nắng vào thời điểm buổi trưa sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều tác hại của tia UV.

Cao độ:Ở cao độ càng lớn thì càng có nhiều tia UV vì ở đây không khí sạch hơn, loãng hơn. Cứ cao lên 300 m thì lượng tia UV tăng 4%. Ngược lại ở độ sâu 1m dưới mực nước biển, lượng UV giảm 40% so với bề mặt.

Đặc tính của bề mặt khu vực chúng ta đang đứng: Bề mặt càng sáng màu thì càng phản xạ nhiều tia UV. Bạn sẽ nhận được một lượng UV lớn hơn nếu bạn đang đứng trên tuyết, cát, nước hay các khối bê tông, … Do vậy, khi ra bãi biển, ngay cả khi bạn trốn trong bóng râm, vì lượng tia UV hắt từ các lên cũng khiến da bạn bị ảnh hưởng.

Mây: Các đám mây dày đặc sẽ ngăn tia UV. Các bạn đừng nhầm lẫn giữa nhiệt độ và tia UV vì khi bầu trời có các đám mây mỏng và gió nhẹ bạn thấy mát mẻ hơn nhưng những loại mây này không làm giảm bớt lượng UV. Hãy chống nắng hàng ngày, bất kể thời tiết như thế nào, vì tia UV sẽ tranh thủ mọi cơ hội để tấn công bạn.

Thời gian bạn ở ngoài trời: Ở ngoài trời càng lâu thì cơ thể càng nhận được nhiều tia UV. Da bạn sẽ chịu đựng được tia UV trong một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ từ 15-20’ trước khi bị bỏng nắng.

Quần áo: Vào mùa hè bạn thường mặc các loại quần áo ngắn và hở, do đó da của bạn sẽ phải tiếp xúc với nhiều tia UV hơn. Đặc biệt, những quần áo dày, tối màu sẽ hỗ trợ việc chống nắng tốt hơn nhiều lần so với những loại quần áo sáng màu. và mỏng nhẹ. Do vậy, nếu trưa hè nắng nóng mà bạn ra đường trùm kín mít như Ninja thì hãy cảm thấy tự hào vì bạn đang mang lại cho da mình sự bảo vệ tốt nhất.

Đương nhiên, bên cạnh những biện pháp hạn chế ra ngoài khi trời nắng hay che chắn cẩn thận, mỹ phẩm sẽ giúp các bạn đáng kể trong việc bảo vệ da khỏi tác động của tia UV. Nhưng nói thật, có cả tỉ thứ cần phải biết về kem chống nắng. Mình không dọa đâu, chỉ là làm sự thật trần trụi hơn một chút thôi à haha. Hãy chờ mình và Happyskin hé lộ cùng các bạn nhé.

Flour and Flower

Từ khóa » Trong Lửa Có Tia Uv Không