Tia UV Là Gì? Phân Loại, Tác Hại Và Cách Bảo Vệ

Skip to main content
  • Trang chủ
  • Thấu hiểu làn da
  • Tia UV là gì? Phân loại, tác hại và Cách bảo vệ

Mua hàng online thông qua một trong những đối tác

Chọn một trong những đối tác của chúng tôi để mua hàng online. Chúng tôi sẽ chuyển bạn đến trang chủ của các sản phẩm BIODERMA.

TIA UV Tia UV là gì? Phân loại, tác hại và Cách bảo vệ

Liệu tia UV thực sự chỉ toàn mang đến tác hại, phá hủy sức khỏe làn da? Cùng Bioderma tìm hiểu tường tận về mức độ ảnh hưởng của tia cực tím lên da để có thể tận dụng được lợi ích, cũng như phòng tránh được tác hại từ tia UV.

Tia UV là gì?

Ultraviolet - tia UV, hay còn được biết đến là tia cực tím hoặc tia tử ngoại. Ánh sáng tím là ánh sáng có bước sóng ngắn nhất mà mắt chúng ta có thể nhìn thấy được, những ánh sáng hoặc bức xạ điện từ ngoài vùng sáng tím này (tức bước sóng ngắn hơn ánh sáng tím) thì hoàn toàn “vô hình” với mắt thường: tia tử ngoại, tia X, tia Gamma.

Tia UV có ở đâu? Mặc dù tia UV không được nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng chúng thường có trong ánh sáng mặt trời dưới nhiều hình thái khác nhau: UVA, UVB và UVC, nên có thể mặc nhiên hiểu rằng, ở đâu có ánh sáng mặt trời, ở đó có tia UV.

Không chỉ đối với con người, mà với cả môi trường, tia UV đếu có nhưng tác hại và tác dụng nhất định, tùy thuộc vào mức độ và tần suất chiếu sáng.

Tia UV có ở đâu?

Các loạI tia UV và chúng đến từ đâu?

Đa số chúng ta đều biết: Tia UV đến chủ yếu từ ánh sáng mặt trời. Dựa vào đặc tính của từng loại tia UV mà con người cũng đã chế tạo ra các công cụ của máy tiệt trùng tia UV, khử khuẩn, bảo mật tiền tệ hoặc tài liệu quý có sử dụng tia tử ngoại.

Đáng kể đến nhất là 3 tia UV chính có trong ánh sáng mặt trời: UVA, UVB và UVC.

  • Tia UVA - bước sóng dài, năng lượng thấp, hay còn được biết đến với tên gọi “ánh sáng đen”. 95% ánh sáng mặt trời chứa UVA sẽ chiếu trực tiếp lên da người, đi sâu và lớp hạ bì, gây nên tình trạng lão hóa: đồi mồi, chân chim, v.v..
  • Tia UVB - bước sóng trung, đây chính là nguyên nhân kiến da chúng ta cháy nắng, và có thể diễn tiến thành ung thư.
  • Tia UVC - bước sóng ngắn nhất và mang năng lượng cao nhất trong 3 loại tia tử ngoại, có khả năng tiệt trùng, khử khuẩn.

UVB và UVC thường tham gia vào phản ứng ở tầng ozone và bị hấp thụ, một phần tia UVC xuyên qua tầng ozone cũng sẽ bị không khí tiếp tục hấp thụ, nên phần lớn tia UV chiếu đến chúng ta đều là UVA. Ngoài ra còn có các tia UV khác ít phổ biến hơn trong lĩnh da liễu, được phân loại dựa trên mức năng lượng mà chúng có: NUV - tử ngoại gần, MUV - tử ngoại trung, FUV - tử ngoại xa, H Ly-α - lyman alpha hydrogen, EUV - tử ngoại cực xa, VUV - tử ngoại chân không. Tùy vào bước sóng của mỗi loại tia tử ngoại mà khả năng bị oxy hấp thụ trong không khí hoặc bị bức xạ ion hóa là khác nhau.

các tia UV

Mức độ ảnh hưởng và mật độ của tia UV

Dựa vào nguồn gốc và định nghĩa của tia UV, chúng ta dễ dàng nhìn thấy được mức độ ảnh hưởng của tia UV sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sau:

 

Vị trí địa lý

Những khu vực gần xích đạo, đặc biệt các nước nhiệt đới, sẽ chịu tác động của tia UV nhiều hơn vì mặt trời quanh năm ở trên đỉnh đầu.

Độ cao so với mực nước biển

Hiểu đơn giản rằng, càng gần mặt trời, lượng bức xạ UV da ta tiếp nhận càng cao. Vì càng lên cao, khả năng hấp thụ bức xạ UV của khí quyển càng kém.

Thời điểm trong ngày

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, từ 10h sáng đến 16h chiều là khoảng thời gian mà bức xạ UV cao nhất trong ngày, đặc biệt vào buổi trưa, khi mặt trời đứng bóng. Tuy nhiên, với tình trạng thủng tầng ozone như hiện tại, khung giờ này có thể co giãn dài hơn, từ 9h sáng đến 16h chiều.

Thời điểm trong năm và điều kiện thời tiết

Dĩ nhiên, ở đâu có ánh nắng mặt trời, ở đó có tia UV. Nên vào các mùa nắng nóng trong năm, mật độ nắng chiếu cao đi kèm với mức độ bức xạ UV tăng mạnh. Nhưng có một sự hiểu nhầm rằng, trời không nắng thì sẽ không có tia UV. Thực ra, mây có độ che phủ đối phới ánh nắng mặt trời, nhưng lại không có tác dụng lọc tia UV. Nên vào những ngày chúng ta thấy trời quang đãng, râm mát, song song đó, tia UV vẫn tồn tại, chỉ là mắt thường không thấy được.

Sự phản xạ

Tia tử ngoại cũng là một dạng ánh sáng có thể bị phản xạ một phần trên các bề mặt: nước, băng tuyết, cát, thậm chí là cỏ, v.v..

Chỉ số tia UV (UV Index) được đánh giá theo bậc thang tăng dần từ 1 đến 9 với 03 nhóm chính:

  • UV index từ 1 đến 2: lượng bức xạ thấp, khá an toàn để bạn có thể hoạt động ngoài trời
  • UV index từ 3 đến 7: lượng bức xạ ở mức trung bình - cao, cần có biện pháp bảo vệ khi ra ngoài trời và đặc biệt tránh ánh nắng lúc giữa trưa
  • UV index từ 8 đến 9++: lượng bức xạ cực cao. Nên tránh ở ngoài trời nắng vào thời điểm này, chống nắng là bắt buộc.

Tia UV bao nhiêu là có hại?

Các tia UV có mức năng lượng khác nhau, vì vậy mức độ tác hại của chúng đến sức khỏe và môi trường sống của con người cũng khác nhau:

  • Tia UVA (380 - 315nm): Tia UVA có thể xuyên qua mây mù và không khí, gây lão hóa da và làm hại cấu trúc collagen.
  • Tia UVB (315 - 280nm): Tia UVB có khả năng xuyên một phần qua tầng ozon và khí quyển, gây ra hiện tượng say nắng, tổn thương da, và làm da bị đen sạm.
  • Tia UVC (280 - 100nm): Tia UVC có năng lượng cao nhất, có khả năng gây ung thư da. May mắn thay, tầng ozon của Trái Đất đã chặn lại phần lớn tia UVC này.

Trong các báo cáo về phân độ tia cực tím từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn, thường sử dụng thuật ngữ "chỉ số tia cực tím" hoặc "chỉ số UV" để đo lường độ mạnh của bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động từ 0 - 2 được xem là thấp. Khi chỉ số UV từ 8 - 10, thời gian gây bỏng là khoảng 25 phút. Đối với chỉ số UV từ 11 trở lên, mức độ nguy hiểm là cực kỳ cao, có nguy cơ làm tổn thương da và mắt trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, nhiệt độ cao nhất ghi nhận tại Hà Nội vào ngày 18/5 dao động từ 37 - 39 độ C, có nơi vượt hơn 39 độ. Trang World Weather Online của Anh Quốc dự báo chỉ số UV tại Hà Nội vào ngày 19/5 sẽ đạt mức 11. Tại các tỉnh phía Nam, đợt nắng nóng gay gắt trong tháng vừa qua có nhiệt độ trung bình từ 35 - 38 độ C, chỉ số UV đạt mức 12, cảnh báo nguy hiểm cực độ.

Tia UV có hại như thế nào?

Tia cực tím không những tác động lên làn da chúng ta, làm da cháy nắng, nhanh lão hóa, có nguy cơ ung thư da, mà còn mang lại những tác hại cho mắt và ức chế hệ miễn dịch của cơ thể dựa vào khả năng bức xạ ion hóa.

ung thư da

Tác hại đến làn da

Da là phần bề mặt tiếp xúc nhiều nhất với tia UV, đặc biệt UVA xuyên đến tầng hạ bì và UVB ở lớp biểu bì, nên các tác hại của tia UV trên da là dễ nhìn thấy bằng mắt thường nhất.

Ung thư da

Đa phần, ung thư da đều bắt nguồn từ các tế bào ở lớp biểu bì (chịu tác động nhiều từ tia UVB) như: tế bào vảy, tế bào đáy và tế bào hắc tố.

  • Ung thư da hắc tố (Melanoma Skin Cancer) - Hay còn gọi là u hắc tố ác tính (Malignant Melanoma) và u hắc tố da (Cutaneous Melanoma). Ung thư da Melanoma là bệnh ung thư da liễu bắt nguồn từ tế bào hắc tố của da.

    Tế bào hắc tố có nhiệm vụ sản sinh melanin - sắc tố nâu của da, giúp bảo vệ các lớp tế bào sâu bên trong da khỏi bức xạ mặt trời. Khi tế bào hắc tố bị ung thư, nó vẫn có thể sản sinh melanin, nhưng một số u tế bào lại sản sinh ra sắc tố hồng, thậm chí là trắng.

    Ung thư da hắc tố ít phổ biến hơi các loại ung thư da khác, nhưng lại nguy hiểm hơn vì khả năng lây lan sang các bộ phận khác: mắt, mũi, miệng, vùng hậu môn, v.v..

    Dấu hiệu ung thư da hắc tố phổ biến ở cổ và mặt, ngoài ra, ở nam giới, thường gặp ở vùng da ngực, lưng; ở nữ giới lại là vùng da chân.

  • Ung thư da không hắc tố (Non-melanoma Skin Cancer) - chính là ung thư da tế bào đáy và tế bào vảy (Basal & Squamous Cell Skin Cancer), loại ung thư phổ biến nhất trong các bệnh lý ung thư, hầu như không có khả năng di căn. Có lẽ vì thế mà chúng ít được chú ý điều trị hơn ung thư da hắc tố.

    • Ung thư tế báo đáy (Basal Cell Carcinoma) nằm ở tế bào đáy của lớp biểu bì da mặt, đầu, cổ - những vùng da thường xuyên và dễ dàng bị tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Dù không có khả năng di căn, nhưng nếu không điều trị tận gốc, ung thư tế bào đáy có khả năng tái phát nhiều lần tại đúng vị trí cũ, và trở thành “bệnh nền” thúc đẩy các bệnh lý ung thư khác phát triển bên trong cơ thể bạn.
    • Ung thư tế bào vảy (Squamous Cell Carcinoma) nằm ở lớp tế bào bên trên cùng của lớp biểu bì, thường xuyên tiếp xúc với bức xạ mặt trời: mu bàn tay, cổ, môi, tai, mặt, thậm chí ở vùng da sinh dục dù ít phổ biến hơn. Khác với các loại ung thư da khác, biểu hiện ung thư da tế bào vảy sẽ có lở loét mãn tính, sẹo vĩnh viễn ở những vùng da bị ung thư.

 

Gây cháy nắng

Không chỉ từ ánh nắng mặt trời, tia UVB từ các nguồn nhân tạo cũng có thể gây cháy nắng cho da. Khi da bị cháy nắng, rất nhanh, chỉ sau một vài giờ sẽ đổi màu ửng đỏ, đau rát, thậm chí da còn bị lột, rộp lên nếu phơi nắng (tự nhiên, hoặc nhân tạo) quá lâu. Một số trường hợp ngoài các triệu chứng trực quan trên da, cháy nắng cũng sẽ gây nên tình trạng chóng mặt say nắng, sốt, nhức đầu.

Da cháy nắng thường xuyên, lâu ngày có thể thấy rõ các vết nám, da thâm sạm, thô ráp hơn. Tệ hơn, cháy nắng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư da hắc tố, và một số bệnh ung thư da liễu khác. May mắn thay, những bạn có làn da nâu hơn thì khả năng bị cháy nắng cũng thấp hơn.

Gây lão hóa da

Trong khi tia UVB là nguyên nhân làm da bị cháy nắng thì tia UVA lại là tác nhân khiến da lão hóa nhanh hơn. Không dừng lại ở lớp tế bào vảy, UVA đi sâu vào lớp tế bào đáy, làm hỏng DNA ở lớp tế bào này, khiến da phải khởi động cơ chế tài sản sinh collagen. Quá trình tái sản sinh này sinh ra enzyme Metalloproteinase, không may thay, lượng enzyme này lại hay gặp khó khăn trong việc xây dựng lại da. Cứ như vậy, enzyme Metalloproteinase được sản sinh nhiều nhưng lại làm suy giảm collagen, khiến da được tái tạo lại không đúng cách, hình thành các vết nhăn, vết chân chim và da thì cứ liên tục chịu bức xạ của tia UVA khiến tốc độ lão hóa tăng nhanh.

Da bị dị ứng với ánh nắng (Photosensitivity)

Da bị nhạy cảm với ánh sáng là một tình trạng da, không liên quan đến việc da của bạn là loại da gì (da dầu, da thường, da mụn, da khô, v.v..) Da càng nhạy cảm với ánh sáng, càng dễ mắc các bệnh ung thư da liễu.

Nguyên nhân khiến da nhạy cảm với ánh sáng hơn có thể kể đến do:

  • Bệnh nền, tình trạng sức khỏe suy yếu.
  • Dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid, thuốc kháng histamin và một số loại thuốc về tim, và statin để giảm cholesterol khiến da bị nhạy cảm với ánh sáng mặt trời
  • Mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da có chứa Retinol, Axit Glycolic, Benzoyl Peroxide, và Vitamin C loại bỏ lớp tế bào vảy của biểu bì và ức chế melanin.

Phản ứng của da khi bị nhạy cảm với ánh sáng bao gồm:

  • Phản ứng Dị ứng ánh sáng (Photoallergic Reaction) thường do các sản phẩm mỹ phẩm trang điểm không phù hợp.
  • Phản ứng Ngộ độc ánh sáng (Phototoxic Reaction) liên quan đến yếu tố bệnh lý và tình trạng dùng thuốc của người bị ngộ độc.

 

Tia cực tím gây tác hại đến mắt và vùng da quanh mắt

Vùng da quanh mắt được biết đến là vùng da mỏng, dễ bị tổn thương nhất trên toàn bộ gương mặt, và là nơi phản ánh quá trình lão hóa rõ ràng nhất. Ngoài bức xạ ở vùng da này, tác hại của tia UV đới với mắt cũng không hề đơn giản. Đặc biệt, tia UV tác động vào võng mạc và giác mạc mắt, gây nên các bệnh về mắt như: đục thủy tinh thể (Cataracts) và bệnh mù tuyết (Snow Blindness). Các bệnh này đều làm suy giảm thị lực trầm trọng.

tác hại của tia UV đới với mắt

Tia tử ngoại làm tổn thương hệ thống miễn dịch

Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng bức xạ cực tím có khả năng ức chế hệ miễn dịch của chúng ta. Khi hệ miễn dịch không làm đúng chức năng của nó, cơ thể hầu như không thể chống lại virus, các bệnh truyền nhiễm, ngay cả khi tiêm phòng cũng khiến vaccine kém hiệu quả hơn hẳn. Thông thường, tia UV sẽ xâm nhập vào da, phá hủy DNA, gây nên ức chế kháng nguyên, kích thích giải phóng cytokine ức chế miễn dịch và tạo nên các tế bào lympho. Ngoài ra, còn có khá nhiều khiến hệ miễn dịch bị suy giảm bởi tia tử ngoại này.

Làm tổn thương hệ thống miễn dịch

Lợi ích

Như đã nhắc đến từ đầu, liệu rằng tia UV thực sự chỉ toàn mang đến tác hại cho con người? Hay tia UV có tác dụng gì hơn thế? Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, chúng thực ra còn đem lại rất nhiều công dụng trong y học nói riêng và đời sống nói chung. Hiện nay, con người chúng ta vẫn tận dụng các nguồn UV nhân tạo để áp dụng phục vụ đời sống thường ngày. Một số lợi ích cơ bản có thể kể đến như:

Kích hoạt vitamin D

Vitamin D ngoài công dụng trong việc cấu tạo và giúp xương luôn chắc khỏe như thường được biết đến, nó còn làm chắc răng, điều hòa phân phối lượng canxi trong máu, giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn và hỗ trợ quá trình giao tiếp giữa não, cơ vận động thông qua dây thần kinh.

Chính vì thế, chúng ta luôn cần bổ sung một lượng vitamin D phù hợp với từng độ tuổi. Ngoài những thực phẩm giàu vitamin D như dầu gan cá, trứng cá (đen, đỏ), ngũ cốc, xúc xích, dăm bông, trứng, v.v.. thì các thực phẩm chức năng hoặc các chất bổ sung cũng giúp ích cho việc tăng cường đủ vitamin D trong ngày.

Không quá xa lạ, ánh sáng mặt trời, cụ thể hơn là tia tử ngoại có trong ánh sáng mặt trời, giúp thúc đẩy quá trình sản sinh vitamin D tự nhiên trong cơ thể. Tuy nhiên, với tình trạng và mức chỉ số UV hiện tại trên thế giới, vẫn nên hạn chế tối đa có thể sự tiếp xúc trực tiếp của da và tia UV, đặc biệt là vào thời điểm giữa trưa, khi bức xạ UV mạnh nhất.

Giúp cải thiện tâm trạng

Trong cơ thể mỗi chúng ta đều đang có sẵn 04 loại hormone hạnh phúc, đang chờ bạn kích hoạt, bao gồm: Dopamine, Serotonin, Oxytoxin và Endorphin. 02 trong 04 loại hormone này bạn có thể dễ dàng có được bằng cách tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên: Serotophin và Endorphin. Ngoài ra, bằng cách làm tốt những việc nhỏ nhặt trong ngày, thường xuyên luyện tập thể thao, hoặc tình cảm hơn, bằng các cử chỉ âu yếm, ôm hôn cũng có thể giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn. Không chỉ sức khỏe, tâm trạng của bạn cũng rất cần được nâng niu. Tâm trạng luôn lạc quan, thoải mái sẽ mang đến nhiều điều tốt đẹp hơn bạn nghĩ.

Hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến

Cụ thể hơn, tia UVB có tác dụng rất tốt đối với việc điều trị bệnh vảy nến - loại bệnh da liễu mãn tính đến nay vẫn không có cách trị dứt điểm 100%.

Tùy vào tình trạng sức khỏe của da, sự nhạy cảm với ánh sáng và mức độ vảy nến mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có liệu trình phụ hợp bằng thuốc uống, hoặc dùng quang hóa trị liệu, chiếu tia. Đến hiện tại, có 03 hình thức chiếu tia UVB nhân tạo trực tiếp lên da, giúp làm giảm các triệu chứng và làm sạch tối đa vảy nến, ức chế sự tái phát của bệnh: chiếu tia UVB băng thông rộng, chiếu tia UVB băng thông hẹp và chiếu laser UVB.

Chính vì trong ánh sáng mặt trời sẵn có UVB nên việc tắm nắng để trị bệnh vảy nến cũng là một phương pháp tối ưu chi phí và tự nhiên. Mặc dù vậy, 95% tia UV trong ánh nắng là UVA, 5% còn lại là UVB và UVC nên việc tắm nắng cần cân nhắc cẩn thận, với khoảng thời gian hợp lý và thời điểm ngoài khung giờ 10h đến 16h để hạn chế tia UVA làm da bị lão hóa nhanh hơn.

Khử trùng

Ngay cả đến tia UVC cũng có thể mang lại lợi ích cho cuộc sống của chúng ta nếu biết cách tận dụng đúng đắn. Ngoài những mỏ hàn hồ quang hoặc đèn tia UV thủy ngân phục vụ sản xuất, con người còn chế tạo ra các bóng đèn UVC nhằm khử khuẩn, tiêu diệt vi trùng trong nước, không khí, thậm chí là thực phẩm và một số bề mặt cần thiết khác.

Chỉ cần biết cách sử dụng hợp lý, thì tia UV cũng mang lại rất nhiều công dụng thú vị và hữu ích trong đời sống gần gũi hàng ngày.

Cách bảo vệ làn da

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, không chỉ để chống nắng giữ trắng làn da, mà bảo vệ làn da trước ánh nắng mặt trời còn giúp giảm nguy cơ ung thư da một cách hiệu quả.

Kem chống nắng và cách sử dụng

Tác dụng của kem chống nắng gần như không cần phải bàn đến nữa. Ở đây chúng ta cần lưu ý làm sao để chọn được các loại kem chống nắng tốt và cách dùng kem chống nắng ra sao để mang lại hiệu quả tối ưu nhất.

Chọn kem chống nắng với mức độ SPF 50+ tối đa để không bị nhầm tưởng và ỷ lại vào khả năng chống nắng của sản phẩm mà kéo dài thời gian ở ngoài nắng quá mức cho phép khiến tăng khả năng da bị lão hóa, ung thư.

Tránh xa kem chống nắng chứa các thành phần: PABA, Trolamine Salicylate. Và một số thành phần chưa được chứng mình nguy hiểm, nhưng vẫn cần lưu ý như: Cinoxate, Dioxybenzone, Ensulizole, Meradimate, Padimate O, Sulisobenzone.

Nên chọn kem chống nắng có các thành phần đã được chứng minh hiệu quả và an toàn: Titamium Dioxide, Zinc Oxide. Bên cạnh đó, một số thành phần vẫn đang được kiểm nghiệm, và an toàn cho đến thời điểm hiện tại, được sử dụng khá phổ biến trong kem chống nắng, như: Avobenzone, Homosalate, Octinoxate, Octisalate, Octocrylene.

Riêng đối với trẻ em, chúng ta nên quan tâm nhiều hơn, đặc biết về Oxybenzone, một số thí nghiệm đang chỉ ra rằng thành phần này có thể xâm nhập qua da, dễ gây rối loạn hormone ở trẻ em.

Thoa kem chống nắng ít nhất 30 phút trước khi ra đường và nên thường xuyên thoa lại kem chống nắng, vì một số thành phần dễ bị phân hủy dưới ánh sáng trực tiếp, hoặc bị trôi do mồ hôi, ma sát từ khẩu trang, v.v.. Luôn giữ vệ sinh tay sạch sẽ khi bôi lại kem chống nắng. Để tiện hơn và an toàn cho da, có thể ưu tiên dùng dạng xịt, thay vì lăn - đầu lăn tiếp xúc trực tiếp với da sẽ lưu lại bụi bẩn, vi khuẩn.

Tham khảo một số dòng kem chống nắng Bioderma:

  • Photoderm Aquafluide SPF 50+ (không màu) - Kem chống nắng cho da nhạy cảm, da hỗn hợp, dầu mụn và cả da thường. Khả năng chống nắng cao, kháng nước, kem lên da khô thoáng, với kết cấu mỏng nhẹ, dễ thẩm thấu giúp giảm bóng nhờn. Không màu trên da.

    Kem chống nắng cho da nhạy cảm Bioderma

     

  • Bioderma Photoderm AKN MAT SPF30 - Kem chống nắng cho da hỗn hợp thiên dầu, mụn, da hỗn hợp. Dùng cho vùng da mặt, có mùi thơm nhẹ và khả năng kiềm dầu tốt. 

    Kem chống nắng cho da hỗn hợp thiên dầu Bioderma

 

Trang phục

Thông thường, khi ra đường chúng ta đều hạn chế mặc màu đen vào thời điểm nắng gắt. Quần áo tối màu có khả năng bắt nhiệt tốt, gây nóng nực, khó chịu. Song song đó, ít ai biết, màu đen có khả năng triệt tiêu tia UV vô cùng tốt. Hơn nữa, có thể chọn những loại trang phục có độ bóng cao, giúp phản xạ tia UV, tránh xâm nhập vào da.

Sử dụng công cụ chống nắng cơ học

Ngoài lựa chọn chất liệu quần áo, thì độ che phủ lớn cũng cần cân nhắc khi chọn trang phục để ra nắng. Áo chống nắng, ô dù với độ che phủ lớn nên cần được sử dụng thường xuyên. Đặc biệt bảo vệ vùng da mắt và giác mạc, võng mạc bằng cách sử dụng kính mát chống tia UV. Thực ra, độ tối của tròng kính không tỷ lệ thuận với khả năng chống tia UV của kính, mà chỉ giúp hạn chế chói lóa do ánh nắng. Vì thế, khi chọn kính, nên cân nhắc kính có tỷ lệ cắt tia UV cao.

Ở trong bóng râm, đặc biệt là vào buổi trưa

Giữa ngày, khi mặt trời đứng bóng trên đỉnh đầu là thời gian chúng ta cần hạn chế ra đường nhất trong một ngày. Nếu có thể, trong những trường hợp bắt buộc phải làm việc, hoạt động suốt một thời gian dài ngoài trời, hãy tận dụng bóng râm cây cối hoặc những chỗ trú nắng để giúp thoát khỏi tình trạng say nắng, cháy nắng hoặc tệ hơn là ung thư da.

Mặc dù ánh sáng tự nhiên từ mặt trời mang đến cho chúng ta khá nhiều công dụng thú vị nhưng lạm dụng việc tắm nắng chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Luôn chủ động bảo vệ làn da khi ra nắng, cùng với sự cân nhắc kỹ càng nếu muốn tận dụng tia UV từ mặt trời để củng cố lượng vitamin D trong cơ thể và điều trị một số bệnh ngoài da như vảy nến bạn nhé!

Nguồn tham khảo:

  • The American Cancer Society medical and editorial content team (2019, 7 10). Ultraviolet (UV) Radiation. Được truy lục từ American Cancer Society: https://www.cancer.org/cancer/cancer-causes/radiation-exposure/uv-radiation.html
  • Nhiều tác giả (2021, 12 29). Tử ngoại. Được truy lục từ Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%AD_ngo%E1%BA%A1i
  • UK, C. R. (2021, 6 2). The UV index and sunburn risk. Được truy lục từ Cancer Research UK: https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/causes-of-cancer/sun-uv-and-cancer/the-uv-index-and-sunburn-risk
  • The American Cancer Society medical and editorial content team (2019, 8 14). What Is Melanoma Skin Cancer? Được truy lục từ American Cancer Society: https://www.cancer.org/cancer/melanoma-skin-cancer/about/what-is-melanoma.html
  • Staff, M. C. (2020, 7 17). Sunburn. Được truy lục từ Mayo Clinic: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sunburn/symptoms-causes/syc-20355922
  • FOUNDATION, S. C. (2019, 1 10). Photoaging: What You Need to Know About the Other Kind of Aging. Được truy lục từ The Skin Cancer Foundation: https://www.skincancer.org/blog/photoaging-what-you-need-to-know/
  • Schwarz, T. (2005, 9 3). [Ultraviolet radiation--immune response]. Được truy lục từ PubMed: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16117738/
  • Sarah Klemm, R. C. (2020, 12 7). What Is Vitamin D? Được truy lục từ Eatright.org - Academy of Nutrition and Dietetics: https://www.eatright.org/food/vitamins-and-supplements/types-of-vitamins-and-nutrients/what-is-vitamin-d
  • Suckhoedoisong. (2015, 6 8). 10 thực phẩm giàu vitamin D. Được truy lục từ Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y Tế: https://vfa.gov.vn/kien-thuc/10-thuc-pham-giau-vitamin-d.html
  • Tùng, B. B. (2021, 9 18). Điều trị vảy nến bằng UVB: Mọi điều cần phải biết. Được truy lục từ CHR Việt Nam | Center for Health Reporting - Sức Khoẻ Cho Người Việt: https://centerforhealthreporting.org/dieu-tri-vay-nen-bang-uvb-18361.html

 

Tìm hiểu thêm:

kem chống nắng phổ rộng là gì

Kem chống nắng phổ rộng là gì? Lợi ích của kem chống nắng phổ rộng

Đọc thêm Troi mua co tia uv khong

Trời mưa có tia UV không? Có cần bôi kem chống nắng không?

Đọc thêm Ánh nắng mặt trời

Mẹo để bảo vệ bạn khỏi ánh nắng mặt trời trên bãi biển trong mùa hè

Đọc thêm

Liên hệ

Cần giúp đỡ

Bạn có thắc mắc về làn da?

Mail

Thứ hai đến Thứ sáu, 9h-18h

Messenger

Tìm điểm bán hàng

Từ khóa » Trong Lửa Có Tia Uv Không