Kiến thức phổ thông Hệ đơn vị quốc tế SI, tiêu chuẩn Việt Nam,luật đo lường và nghị định Chính phủ về đo lường và đơn vị pháp quy-PGS.TS Nguyễn Đức Lợi HỆ ĐƠN VỊ QUỐC TẾ SI, TIÊU CHUẨN VIỆT NAM, LUẬT ĐO LƯỜNG VÀ NGHỊ ĐỊNH CHÍNH PHỦ VỀ ĐO LƯỜNG VÀ ĐƠN VỊ PHÁP QUY PGS TS Nguyễn Đức Lợi, Trưởng ban tiêu chuẩn TC 86 (Lạnh và ĐHKK) Viện TC và CL Việt Nam Tóm tắt Bài báo giới thiệu tóm tắt tiêu chuẩn Việt nam TCVN 7870-1: 2010, Luật Đo lường của Quốc Hội (Luật số 04/2011/QH13) và Nghị định mới nhất của Chính phủ (số 86/2012/NĐ-CP) về đại lượng và đơn vị cũng như Hệ đơn vị quốc tế SI áp dụng cho các văn bản pháp quy ở Việt Nam. 1. Mở đầu Để tạo sự thông hiểu tốt hơn giữa các nhà khoa học trên toàn thế giới, tổ chức tiêu chuẩn thế giới ISO đã đưa ra Hệ đơn vị quốc tế SI (Système International d’Unités) viết tắt là SI ở tất cả các ngôn ngữ, được Hội nghị toàn thể lần thứ 11, CGPM [1960] (Conférence générale des poids et mesures) chấp nhận để thay thế cho các hệ đơn vị khác như CGS (centimet-gam-giây), MKS (mét- kilôgam- giây), MTS (mét-tấn-giây), Hệ đơn vị Anh Mỹ v.v... Việt Nam chính thức sử dụng hệ SI từ năm 1980. Hệ SI liên tục được bổ sung chỉnh sửa theo các ISO 80000 mới nhất. TCVN 7870-1:2010 là tiêu chuẩn mới nhất biên dịch theo ISO 80000-1:2009 về đại lượng và đơn vị chính thức hợp pháp của Việt nam, bắt buộc phải sử dụng, được luật hóa bằng Luật đo lường của Quốc Hội số 04/2011/QH13 ngày 11.11.2011 và Nghị định của chính phủ 86/2012/NĐ-CP ban hành ngày 19.10.2012 hướng dẫn thi hành TCVN 7870 và Luật Đo Lường của Quốc Hội. TCVN 7870 gồm 14 phần, trong đó 11 phần được biên dịch từ ISO 80000 và 3 phần (6,13 và 14) biên dịch từ IEC 80000 bao gồm các nội dung chủ yếu sau: - TCVN 7870-1:2010, Phần 1: Quy định chung, - TCVN 7870-2:2010, Phần 2: Dấu và kí hiệu toán học dùng trong KHCN, - TCVN 7870-3:2007, Phần 3: Không gian và thời gian, - TCVN 7870-4:2007, Phần 4: Cơ học, - TCVN 7870-5:2007, Phần 5: Nhiệt động lực học, - TCVN 7870-6:2010, Phần 6: Điện từ, - TCVN 7870-7:2009, Phần 7: Ánh sáng, - TCVN 7870-8:2007, Phần 8: Âm học, - TCVN 7870-9:2010, Phần 9: Hóa lý và vật lý phân tử, - TCVN 7870-10:2010, Phần 10: Vật lý nguyên tử và hạt nhân, - TCVN 7870-11:2009, Phần 11: Số đặc trưng, - TCVN 7870-12:2010, Phần 12: Vật lý chất rắn, - TCVN 7870-13:2010, Phần 13: Khoa học và công nghệ thông tin, - TCVN 7870-14:2010, Phần 14: Viễn sinh trắc sinh lý người. Hệ đơn vị quốc tế SI thường được sử dụng thống nhất với Hệ đại lượng quốc tế, viết tắt trong tất cả các ngôn ngữ là ISQ, được giới thiệu trong TCVN 6398 (ISO 31). Từ nội dung 54 trang của phần 1, và một số nội dung ở các phần khác, trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi cố gắng giới thiệu sơ lược các đơn vị cơ bản nhất và các đơn vị sử dụng thường xuyên trong ngành nhiệt lạnh, giúp bạn đọc có thể mau chóng nắm bắt nội dung cơ bản để viết đúng theo tiêu chuẩn, Luật Đo lường của Quốc Hội và Nghị định hướng dẫn thi hành của chính phủ, đặc biệt cho các văn bản pháp quy. 2. Các đơn vị cơ bản của Hệ SI Hệ SI có 7 đơn vị cơ bản và nhiều đơn vị dẫn xuất. Bảng 1 giới thiệu bẩy (7) đơn vị cơ bản của Hệ SI [1]. Bảng 1. Bẩy đơn vị cơ bản của Hệ SI. TT | Đại lượng cơ bản của ISQ | Đơn vị cơ bản SI | Tên | Ký hiệu | 1 | độ dài | mét | m | 2 | khối lượng | kilôgam | kg | 3 | thời gian | giây | s | 4 | cường độ dòng điện | ampe | A | 5 | nhiệt độ * | kenvin | K | 6 | lượng chất | mol | mol | 7 | cường độ sáng | candela | cd | * Đơn vị nhiệt độ đã được hội nghị thế giới lần thứ 13 tháng 10 năm 1967 họp tại New York quyết định sử dụng “kenvin” thay cho “độ kenvin”, ví dụ hai trăm bảy ba kenvin viết là 273 K (không viết là 273 oK). Tất cả các hiệu nhiệt độ dù là ΔT hay Δt đều dùng đơn vị K, ví dụ 38 oC – 25 oC = 13 K (không viết 13 oC). 3. Các đơn vị dẫn xuất SI Bảng 2 giới thiệu các đơn vị dẫn xuất SI có tên và ký hiệu riêng. Bảng 2. Các đơn vị dẫn xuất SI có tên và ký hiệu riêng TT | Đại lượng dẫn xuất ISQ | Đơn vị dẫn xuất SI | Tên riêng | Ký hiệu riêng | Biểu diễn theo đơn vị cơ bản và dẫn xuất SI | 1 | góc phẳng | radian | rad | rad = m/m =1 | 2 | góc khối | steradian | sr | sr = m2/m2 = 1 | 3 | tần số | héc | Hz | Hz = s-1 | 4 | lực | niutơn | N | N = kg · m/s2 | 5 | áp suất, ứng suất | pascal | Pa | Pa = N/m2 | 6 | công, năng lượng | jun | J | J = N · m | 7 | công suất, dòng nhiệt | oát | W | W = J/s | 8 | điện tích | culông | C | C = a · s | 9 | hiệu điện thế | vôn | V | V = W/A | 10 | điện dung | fara | F | F = C/V | 11 | điện trở | ôm | Ω | Ω = V/A | 12 | điện dẫn | simen | S | S = Ω ̄ ¹ | 13 | từ thông | vebe | Wb | Wb = V·s | 14 | mật độ từ thông | tesla | T | T = Wb/m² | 15 | độ tư cảm | henry | H | H = Wb/A | 16 | nhiệt độ Celsius | độ Celsius | ºC | ºC = K | 17 | quang thông | lumen | lm | lm = cd · sr | 18 | độ rọi | lux | lx | lx = lm/m² | Bảng 3 giới thiệu các đơn vị dẫn xuất SI khác. Bảng 3. Các đơn vị dẫn xuất SI khác TT | Đại lượng | Đơn vị | Cách viết khác | Tên | Ký hiệu | 1. Đơn vị không gian, thời gian và hiện tượng tuần hoàn | 1.1 | diện tích | mét vuông | m2 | 1.2 | thể tích (dung tích) | mét khối | m3 | 1.3 | vận tốc | mét trên giây | m/s | 1.4 | gia tốc | mét trên giây bình phương | m/s2 | 2. Đơn vị cơ | 2.1 | khối lượng theo chiều dài (mật độ dài) | kilôgam trên mét | kg/m | 2.2 | khối lượng theo bề mặt (mật độ mặt) | kilôgam trên mét vuông | kg/m2 | 2.3 | khối lượng riêng (mật độ) | kilôgam trên mét khối | kg/m3 | 2.4 | mômen lực | niutơn mét | N · m | N m hoặc Nm | 2.5 | áp suất, ứng suất | pascan | Pa | 2.6 | độ nhớt động lực | pascan giây | Pa · s | 2.7 | độ nhớt động học | mét vuông trên giây | m2/s | 2.8 | lưu lượng thể tích | mét khối trên giây | m3/s | 2.9 | lưu lượng khối lượng | kilôgam trên giây | kg/s | 3. Đơn vị nhiệt | 3.1 | nhiệt lượng riêng | jun trên kilôgam | J/kg | 3.2 | nhiệt dung | jun trên kenvin | J/K | 3.3 | nhiệt dung riêng (nhiệt dung khối) | jun trên kilôgam kenvin | J/(kg · K) | J/(kg K) hoặc J/(kgK) | 3.4 | mật độ dòng nhiệt (thông lượng nhiệt bề mặt) | oát trên mét vuông | W/m2 | 3.5 | hệ số truyền nhiệt, hệ số tỏa nhiệt | oát trên mét vuông kenvin | W/(m2 · K) | W/(m2 K) hoặc W/(m2K) | 3.6 | hệ số dẫn nhiệt (độ dẫn nhiệt) | oát trên mét kenvin | W/(m · K) | W/(m K) | 3.7 | độ khuếch tán nhiệt | mét vuông trên giây | m2/s | 4. Đơn vị điện và từ | 4.1 | cường độ điện trường | vôn trên mét | V/m | m kg/(s3A) | 4.2 | mật độ thông lượng điện (điện dịch) | culông trên mét vuông | C/m² | sA/m2 | 4.3 | cường độ từ trường | ampe trên mét | A/m | 4.4 | công suất biểu kiến | vôn ampe | V · A | m2kg/s3 | 4.5 | công suất kháng | var | var | m2kg/s3 | 5. Đơn vị ánh sáng và bức xạ điện từ có liên quan | 5.1 | năng lượng bức xạ | jun | J | 5.2 | công suất bức xạ (thông lượng bức xạ) | oát | W | 5.3 | cường độ bức xạ | oát trên steradian | W/sr | 5.4 | độ chói năng lượng | oát trên steradian mét vuông | W/(sr · m²) | 5.5 | năng suất bức xạ | oát trên mét vuông | W/m² | 5.6 | độ rọi năng lượng | oát trên mét vuông | W/m² | 5.7 | độ chói | candela trên métvuông | cd/m² | cd/m² | 5.8 | quang thông | lumen | lm | cd | 5.9 | lượng sáng | lumen giây | lm · s | cd · s | 5.10 | năng suất phát sáng (độ trưng) | lumen trên mét vuông | lm/m² | cd/m2 | 5.11 | độ rọi | lux | lx | cd/m2 | 5.12 | lượng rọi | lux giây | lx · s | s · cd/m2 | 5.13 | độ tụ (quang lực) | điôp | D | m-1 | 6. Đơn vị âm | 6.1 | tần số âm | héc | Hz | s-1 | 6.2 | áp suất âm | pascan | Pa | kg/(m s2) | 6.3 | vận tốc truyền âm | mét trên giây | m/s | 6.4 | mật độ năng lượng âm | jun trên mét khối | J/m³ | 6.5 | công suất âm | oát | W | 6.6 | cường độ âm | oát trên mét vuông | W/m2 | 6.7 | trở kháng âm (sức cản âm học) | pascan giây trên mét khối | Pa · s/m3 | Pas/m3 | 6.7 | trở kháng cơ (sức cản cơ học) | niutơn giây trên mét | N · s/m | Ns/m3 | 7. Đơn vị hóa lý và vật lý phân tử | 7.1 | nguyên tử khối | kilôgam | kg | 7.2 | phân tử khối | kilôgam | kg | 7.3 | nồng độ mol | mol trên mét khối | mol/m3 | 7.4 | hóa thế | jun trên mol | J/mol | 7.5 | hoạt độ xúc tác | katal | kat | 4. Tiền tố, bội và ước thập phân của đơn vị đo 1- Bội, ước thập phân của một đơn vị đo được thiết lập bằng cách ghép tên, ký hiệu của một tiền tố của Hệ SI liền vào phía trước tên, ký hiệu của đơn vị đo này. 2- Các bội và ước thập phân đứng trước các đơn vị hệ SI được giới thiệu ở Bảng 4. Bảng 4. Các bội và ước thập phân đứng trước các đơn vị hệ SI Tên | yotta | zetta | exa | peta | tera | giga | mega | kilo | hecto | deca | Ký hiệu | Y | Z | E | P | T | G | M | k | h | da | Bội số | 1024 | 1021 | 1018 | 1015 | 1012 | 109 | 106 | 103 | 102 | 101 | Tên | deci | centi | milli | micro | nano | pico | femto | atto | zepto | yocto | Ký hiệu | d | c | m | μ | n | p | f | a | z | y | Ước số | 10-1 | 10-2 | 10-3 | 10-6 | 10-9 | 10-12 | 10-15 | 10-18 | 10-21 | 10-24 | 3- Để thiết lập một bội thập phân hoặc một ước thập phân của đơn vị đo, chỉ được phép sử dụng một tiền tố duy nhất để kết hợp với đơn vị đo này. Ví dụ: nanômét là nm (không viết là milimicromét hoặc mμm). 4- Tiền tố không áp dụng đối với kilôgam, chỉ được thiết lập với gam. Ví dụ không viết μkg mà phải viết là mg (miligam). 5- Theo TCVN 7870-13 (IEC 80000-13:2008) thì 1 kbit = 1000 bit; 1 Kibit = 1024 bit. 6. Tiền tố SI cũng được sử dụng cho mã tiền tệ ISO. Ví dụ: 1 kEUR = 1 000 EUR; 1 MUSD = 1 000 000 USD; 500 kVND = 500 000 VND (năm trăm ngàn đồng Việt nam). 5. Một số đơn vị đo theo thông lệ quốc tế Bảng 5 giới thiệu một số đơn vị đo theo thông lệ quốc tế. Bảng 5. Một số đơn vị đo theo thông lệ quốc tế TT | Đại lượng | Đơn vị đo theo thông lệ quốc tế | Giá trị | Ghi chú | Tên | Ký hiệu | Một(01) đơn vị | Quy đổi theo Hệ SI | 1 | góc phẳng | độ | o | 1o | (π/180) rad | phút | ’ | 1’ | (π/10 800) rad | giây | ” | 1” | (π/648 000) rad | 2 | thể tích | lít | L hoặc l | 1, L* | 1 dm3 | được lập ước thập phân | 3 | thời gian | phút | min | 1 min | 60 s | giờ | h | 1 h | 3 600 s | ngày | d | 1 d | 86 000 s | 4 | khối lượng | tấn | t | 1 t | 1 000 kg | được lập bội thập phân | 5 | áp suất | bar | bar | 1 bar | 100 000 Pa | được lập bội và ước thập phân | 6 | công, năng lượng | oát giờ | W·h | - W · h
| 3 600 J | * CGPM đã thông qua hai ký hiệu l và L đối với lít do có sự nhầm lẫn giữa l và 1 (một) ở một số phông chữ. Ký hiệu nguyên gốc l được ISO và IEC sử dụng vì nó không phải tên người. l luôn phải viết đứng để không lẫn với gạch chéo ở một số phông chữ. L có thể viết nghiêng. | 6. Trình bày đơn vị đo pháp định Đơn vị đo pháp định phải được trình bày, thể hiện đúng theo các quy định sau đây: 1- Ký hiệu đơn vị có thể viết gọn hơn so với đã trình bày trên bảng 3, ví dụ W/(m2 · K) có thể viết là W/(m2 K) hoặc W/(m2K), có hoặc không có dấu cách, nhưng W/(m · K) chỉ có thể viết gọn là W/(m K) chứ không thể viết gọn W/(mK) vì khi đó (mK) có thể bị hiểu nhầm là mili kenvin, do đó nhất thiết phải có dấu cách giữa m và K. Như vậy phải đặc biệt lưu ý tới các chữ viết tắt tiền tố của đơn vị trùng với đơn vị như m (mili) và m (mét), T (tera) và T (tesla). Để phân biệt, phải viết liền tiền tố với đơn vị, và viết cách đơn vị với đơn vị, ví dụ: mN là miliniutơn còn m N là mét niutơn. 2- Tên gọi và ký hiệu đo trong một đơn vị đo phải được trình bày cùng một kiểu giống nhau (cùng là tên của đơn vị đo hoặc cùng là ký hiệu của đơn vị đo). Ví dụ: kilômét trên giờ hoặc km/h (không viết là kilômét trên h; kilômét/h hoặc km/giờ). 3- Tên của đơn vị đo phải viết bằng chữ thường, kiểu thẳng đứng, không viết hoa ký tự đầu tiên kể cả tên đơn vị đo là tên riêng (của nhà bác học), trừ độ Celsius, ví dụ: mét, ampe, kenvin, pascan... 4- Đơn vị đo phải viết bằng chữ thường, thẳng đứng trừ đơn vị lít (L), ví dụ m, s... Trường hợp tên đơn vị đo là tên riêng của nhà bác học thì phải viết hoa, ví dụ A, K, Pa... 5- Không được thêm ký hiệu vào ký hiệu đơn vị đo pháp định, ví dụ kgâ, kgk để chỉ kilôgam không khí ẩm và không khí khô, We và Wn để phân biệt oát điện và oát nhiệt... 6- Khi trình bày đơn vị đo dưới dạng thương của hai hay nhiều đơn vị đo được dùng gạch chéo (/) hay lũy thừa âm. Ví dụ: mét trên giây, ký hiệu là m/s hoặc m-1. Trường hợp sau dấu gạch chéo có hai hoặc nhiều ký hiệu đơn vị đo thì phải để các đơn vị này trong dấu ngoặc đơn hay quy đổi qua tích của lũy thừa âm. Không sử dụng nhiều lần dấu gạch chéo trong một ký hiệu đơn vị đo. Ví dụ: J/(kg · K) hoặc J · kg-1 · K-1 (không viết là J/kg/K). 7- Khi thể hiện giá trị đại lượng đo, ký hiệu đơn vị đo phải đặt sau trị số, giữa hai thành phần này phải cách nhau một dấu cách. Ví dụ: viết là 22 m (không viết là 22m hoặc 22 m); 31,154 m (không viết là 31 m 15 cm 4 mm). 8- Phần trăm (%) và phần nghìn (‰) được sử dụng như một đơn vị nhất quán, ví dụ nồng độ khối lượng là ξ = 83 %. Tuy nhiên các chữ viết tắt như ppm, ppb, ppt là phụ thuộc ngôn ngữ, không rõ ràng, không nhất quán và không nên sử dụng. Để thay thế, khuyến nghị sử dụng lũy thừa 10. 9- Cách viết đơn vị sau công thức: Q = k.F.Δt, W (cách biệt giữa công thức và đơn vị là dấu phẩy (,) không cho đơn vị vào ngoặc đơn (W) hay ngoặc gẫy [W]) . 10- Cách viết đơn vị sau con số: Q = 2400 W ; t = 24 oC (giữa con số và đơn vị phải có dấu cách, không cho đơn vị vào ngoặc đơn (W) hay ngoặc gẫy [W]). 11- Cách viết đại lượng và đơn vị trong văn bản hoặc trong bảng biểu: ví dụ Q, W hoặc T, K (sau đại lượng là dấu phẩy và một dấu cách rồi đến đơn vị, không cho đơn vị vào ngoặc đơn (W) hay ngoặc gẫy [W]). Lưu ý 1: Khi trình bày ký hiệu đo nhiệt độ bằng độ Celsius, không được có khoảng trống giữa ký hiệu đô (o) và ký hiệu Celsius (C). Ví dụ: viết là 15 oC (không viết là 15oC hoặc 15 o C). Ký hiệu độ là chữ o (không dùng số 0). Trong văn bản, khi nhiệt độ là âm, không được viết là -15 oC mà phải viết là âm 15 oC. Lưu ý 2: Khi trình bày giá trị đại lượng đo theo đơn vị đo góc phẳng là o (độ); ’ (phút); ” (giây), không được có khoảng trống giữa trị số và ký hiệu (o); (’); (”). Ví dụ: viết là 15o20’30” (không viết là 15 o20 ’ 30 ” hoặc 15 o 20 ’ 30 ”) Lưu ý 3: Khi thể hiện giá trị đại lượng đo trong các phép tính phải ghi ký hiệu đơn vị đo đi kèm theo từng trị số hoặc theo dấu ngoặc đơn ghi chung cho phần trị số của phép tính. Ví dụ 12 m – 10 m = 2 m hoặc (12 - 10) m (không viết là 12 m – 10 = 2 m hoặc 12 – 10 m = 2 m). Viết là 12 m x 12 m x 12 m hoặc (12 x 12 x 12) m (không viết là 12 x 12 x 12 m). Viết là 23 oC ±2 oC hoặc (23 ± 2) oC. Lưu 4: Khi biểu thị số thập phân của giá trị đại lượng đo phải sử dụng dấu phẩy (,) không sử dụng dấu chấm (.). Ví dụ: viết là 245,12 mm (không viết là 245.12 mm). 7. Kết luận Tần Thủy Hoàng, cách đây hơn hai ngàn năm, có lẽ là người đầu tiên làm tiêu chuẩn . Sau khi nhất thống thiên hạ, ông thống nhất các đơn vị đo lường, tiền tệ, và cả đến trục xe... Ai dám làm trái, cân đo, đong, đếm theo lệ cũ của nước Tấn, Tề, Hàn, Sở... đều bị quy là tưởng nhớ đến nước cũ và có thể bị tội chôn sống. Ở Việt nam, tuy chưa bị phạt hành chính, nhưng khi đã có Tiêu chuẩn, Luật và Nghị định Chính phủ về sử dụng đơn vị SI trong các văn bản pháp quy, nếu không tuân thủ thì đó là vi phạm. Cần phải tránh sử dụng những đơn vị không pháp quy như đối với áp suất là at, atm, kG/cm2, Torr, mmHg, mH2O...; các đơn vị nhiệt như kcal, kcal/h, kcal/mhoC, kcal/m2hoC... đặc biệt là các đơn vị của Hệ Anh Mỹ theo thói quen. Đơn vị áp suất pháp quy là Pa = N/m2 và bar, đơn vị nhiệt là duy nhất chỉ là J. Khi cần sử dụng các đơn vị không pháp quy rất quen thuộc như năng suất lạnh Btu/h hoặc tấn lạnh Mỹ RT thì phải viết đơn vị pháp quy trước rồi đặt đơn vị không pháp quy phía sau và để ở trong ngoặc đơn, ví dụ: máy điều hòa RAC có Qo = 3,5 kW (12 000 Btu/h); năng suất lạnh chiller là 1230 kW (350 RT). Do khuôn khổ bài báo có hạn không thể đưa thêm bảng chuyển đổi đơn vị từ các đơn vị không pháp quy sang các đơn vị pháp quy SI. Có thể tham khảo bảng chuyển đổi này ở tài liệu [3] và [4] hoặc ở các sách chuyên khảo. Tài liệu tham khảo 1. TCVN 7870-1:2010 (ISO 80000-1:2009), Hà Nội 2010. 2. Luật đo lường của Quốc Hội số 04/2011/QH13 ngày 11.11.2011. 3. Nghị định của chính phủ số 86/2012/NĐ-CP ban hành ngày 19.10.2012. 4. Nguyễn Đức Lợi: Hệ thống đơn vị quốc tế SI, Tạp chí KHCN Nhiệt 2/2000, tr. 4-6. Bài viết cùng chuyên mục Quyết định 1559/QĐ-BCT ngày 14 tháng 3 năm 2013 của Bộ Công Thương về việc công bố dán nhãn năng lượng Dán nhãn tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực điều hòa không khí và tủ lạnh Xử phạt hành chính vi phạm liên quan đến nhãn năng lượng Lợi ích của việc dán nhãn tiết kiệm năng lượng Thế nào là môi chất lạnh (ga lạnh) - TS. Nguyễn Xuân Tiên (ĐHBKHN) Nguyên lý hoạt động của máy điều hòa nhiệt độ - TS.Nguyễn Xuân Tiên (ĐHBKHN) Thế nào là tầng ozon -TS.Nguyễn Xuân Tiên (ĐHBKHN) |