Hệ Màu RGB, CMYK, PMS Khác Nhau Thế Nào Và Dùng Sao Cho đúng?

Nếu từng thực hiện các dự án thiết kế cho mảng ngành kĩ thuật số hay in ấn, bạn hẳn không xa lạ gì với các hệ màu có tên RGB, CMYK và PMS. Tuy vẫn thường xuyên dùng trong công việc, nhưng liệu bạn có biết chúng được viết tắt từ đâu và bối cảnh nào sẽ là lý tưởng nhất cho từng loại hệ màu không?

Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin ngắn gọn và tổng quan về từng hệ màu cũng như điểm khác nhau giữa chúng để từ đó, bạn có thể áp dụng thật hiệu quả cho công việc của mình.

RGB - Blog Post.png
RGB

RGB là viết tắt của Red (Đỏ), Green (Xanh lá) và Blue (Xanh dương). Hệ màu RGB được dùng riêng cho thiết kế kỹ thuật số. Chúng đại diện cho màu sắc hiển thị trên màn hình máy tính, màn hình điện thoại thông minh hay tivi. Mỗi màu được tạo ra nhờ vào sự phản chiếu ánh sáng trên màn hình thiết bị.

Về cơ bản, ánh sáng sẽ đi qua một bộ lọc màu để tạo ra màu sắc với các sắc độ khác nhau. Mật độ ánh sáng 100% sẽ tạo ra màu trắng và ngược lại, 0% ánh sáng sẽ tạo ra màu đen (là màu màn hình của bạn khi được tắt đi). Sử dụng mật độ ánh sáng từ 1 – 99% với các biến thể khác nhau của ba màu trên sẽ tạo ra những dải màu sống động bạn thường thấy trên các thiết bị mỗi ngày. Thường thì, màu RGB trên điện thoại của bạn sẽ khác với màn hình laptop thằng em hay khác tivi nhà hàng xóm là do thông số màu trên mỗi màn hình được hiệu chỉnh khác nhau chút ít.

Okay, vậy còn in ấn thì sao? Để tác phẩm của bạn đi từ màn hình máy tính sang bản giấy một cách “hoàn mĩ” nhất, bạn cần chuyển đổi màu RGB sang hệ màu tiếp theo mang tên: CMYK.

CMYK - Blog Post.png
CMYK

CMYK thường được sử dụng cho các mục đích in ấn. Cyan, Magenta, Yellow và Key (Black) tạo thành bảng màu cho CMYK. Hệ màu này thường được gọi bằng cái tên thân thương là “four-color process” (tạm dịch: quy trình bốn màu) vì nó sử dụng 4 màu mực khác nhau để tạo ra sự đa dạng màu sắc.

Máy in bạn hay dùng đang sử dụng hệ màu này đấy. Mỗi màu cụ thể được tạo ra bằng cách pha trộn hỗn hợp Cyan, Magenta và Yellow. Lý do màu đen được gọi là “key” (tạm dịch: khóa chính) vì nó được dùng như lớp phủ màu cuối cùng, quyết định độ tương phản và chi tiết đậm nhạt cho bản in. Trong quá trình này, màu trắng cũng chính là màu giấy bạn đưa vào máy in. Vì màu CMYK được pha trộn trực tiếp khi in ấn nên màu sắc sẽ có thay đổi chút ít trên các máy in khác nhau. Điều này thường không đáng bận tâm nếu bạn in hợp đồng trắng đen, tuy nhiên, khi in logo, các yếu tố thương hiệu hay tác phẩm minh họa, bạn nhớ lưu ý mong muốn với nhà in để có được kết quả ưng ý nhất nhé!

PMS - Blog Post.png
PMS

Người bạn cuối cùng đây rồi, PMS, viết tắt của Pantone Match System là hệ thống kết hợp màu phổ quát được sử dụng chủ yếu trong in ấn. Mỗi màu được thể hiện bằng một mã số riêng. Không giống như CMYK, màu PMS được pha sẵn bằng một công thức tỷ lệ mực cụ thể trước khi in. Việc này tương tự như khi bạn ra cửa hàng sơn, được đưa cho catalogue màu để chọn sơn cho căn phòng mình vậy. Các công thức màu giúp tạo ra màu sắc nhất quán trên các chất liệu khác nhau. Nếu bạn cần in thứ gì đó với yêu cầu màu sắc phải tuyệt đối chính xác, PMS nên là lựa chọn hàng đầu của bạn!

Bài viết trên đã giúp bạn có cái nhìn sơ bộ về 3 hệ màu phổ biến. Nếu quan tâm nhiều hơn về màu sắc, bạn có thể đọc thêm loạt bài về lý thuyết màu sắc của iDesign tại đây.

Nguồn: thinpigmediaDịch: woodee

Chủ đề liên quan:

  • 3 lý thuyết màu cơ bản cần nắm rõ khi thiết kế
  • 10 kiểu phối màu lý tưởng cho dự án tiếp theo của bạn
  • Vòng thuần sắc: Hành trình từ hang động đến bảng màu hiện đại

Từ khóa » Hệ Màu Rgb Và Cmyk