Hệ Thống Quản Lý Sức Khỏe Người Dân Trên Toàn Tỉnh - Báo Hậu Giang

UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án Triển khai thí điểm hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh. Đây là đề án có ý nghĩa quan trọng, giúp ngành y tế quản lý và chăm sóc tốt nhất sức khỏe Nhân dân. Chia sẻ với phóng viên Báo Hậu Giang về kế hoạch thực hiện đề án, ông Phan Thanh Tùng (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết: “Đến năm 2020 sẽ hoàn thành hệ thống quản lý sức khỏe người dân ở tất cả các huyện, thị, thành của tỉnh”.

Việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân có ý nghĩa quan trọng như thế nào, thưa ông ?

- Việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng và rất cần thiết. Mỗi người dân có hồ sơ riêng để theo dõi, cập nhật tình trạng sức khỏe. Thông tin sức khỏe của từng người dân sẽ được cập nhật liên tục trong quá trình khám sức khỏe định kỳ hoặc trong các lần khám, chữa bệnh và can thiệp y tế nếu có. Đây là cơ sở quan trọng giúp cán bộ y tế hỗ trợ người dân kịp thời trong việc phòng bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe, chẩn đoán bệnh nhanh hơn, điều trị và chuyển tuyến nếu cần thiết.

Hồ sơ quản lý sức khỏe người dân sẽ được quản lý bằng phần mềm.

Cơ sở dữ liệu này sẽ giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước về y tế dễ dàng biết được mô hình bệnh tật của từng vùng, từng địa phương, từ lứa tuổi,… Từ đó, giúp xây dựng các chính sách, kế hoạch thiết thực, khoa học hơn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Việc triển khai lập quản lý hồ sơ sức khỏe người dân đã được triển khai tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ và Lâm Đồng.

Hiện tại, việc quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân gặp những khó khăn gì, thưa ông ?

- Người dân khi mắc bệnh mới đi khám bệnh, chưa chủ động trong việc kiểm tra định kỳ, chưa theo dõi sức khỏe bản thân. Hồ sơ sức khỏe của người dân chủ yếu được lưu trữ trên hồ sơ của cơ sở khám, chữa bệnh, chưa được sử dụng, khai thác rộng rãi các thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc theo dõi, tư vấn chăm sóc sức khỏe của người dân, giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ bệnh tật, sức khỏe. Đặc biệt, là chưa xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành y tế phục vụ cho công tác giám sát tình hình sức khỏe cộng đồng để có giải pháp can thiệp về y tế kịp thời và hiệu quả cho từng địa phương.

Dân số Hậu Giang dự kiến năm 2018 là 774.350 người. Thực hiện đề án này cũng nhằm vào phương châm “Lấy dự phòng là quan trọng”, đưa dịch vụ y tế đến gần dân và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, đi từ cơ sở, cũng là giải pháp góp phần giảm tải bệnh viện, giảm chi phí y tế.

Về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để triển khai đề án này của ngành thế nào, thưa ông ?

- Ngành triển khai đề án sẽ khá thuận lợi khi hệ thống y tế cơ bản đã được đầu tư về cơ sở vật chất, các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực đều đã có trang bị máy vi tính và đã thực hiện khám, chữa bệnh trên phần mềm. VNPT Hậu Giang hỗ trợ phần mềm và tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế. Các chức năng của phần mềm sẽ giúp quản lý về dân số, như hộ khẩu, công trình vệ sinh; giúp quản lý tiêm chủng, quản lý dinh dưỡng, quản lý bệnh nhân không lây nhiễm hoặc lây nhiễm, quản lý tai nạn thương tích,… và việc báo cáo sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Thực hiện đề án này sẽ giúp quản lý toàn diện hệ thống y tế cơ sở tuân theo các tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành. Đồng thời, đóng góp một phần công sức xây dựng nền tảng y tế điện tử.

Về lộ trình thực hiện cụ thể như thế nào, thưa ông ?

- Năm 2018, trước mắt sẽ thí điểm tại 45 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị, thành là huyện Long Mỹ, Châu Thành, Châu Thành A, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh. Chúng tôi sẽ điều tra, lập danh sách người dân từng ấp, khu vực của các xã, phường, thị trấn đến hết tháng 4-2018. Tổ chức tập huấn cách sử dụng và khai thác hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe. Thu thập thông tin và lập hồ sơ bản cứng (bản giấy). Cập nhật thông tin hồ sơ sức khỏe bản điện tử. Cập nhật hồ sơ sức khỏe từng người dân trong quá trình sinh sống thường xuyên. Đến cuối năm nay sẽ hoàn thành đối với 45 xã, phường, thị trấn này. Năm 2019 nhân rộng cho các địa phương còn lại và đến năm 2020 sẽ hoàn thành hệ thống quản lý sức khỏe người dân trên toàn tỉnh. Đây là cơ sở dữ liệu thuận lợi để triển khai mô hình bác sĩ gia đình ở tỉnh.

Xin cảm ơn ông !

HỒNG DIỄM thực hiện

Từ khóa » Hệ Thống Quản Lý Sức Khỏe Toàn Dân