Hệ Thống Tài Khoản - 152. Nguyên Liệu, Vật Liệu. - Báo Cáo Tài Chính

Danh mục
  • Trang chủ
  • Tài khoản
    • 1. Tài sản
    • 2. Nợ phải trả
    • 3. Vốn chủ sở hữu
    • 4. Doanh thu
    • 5. Chi phí sản xuất, kinh doanh
    • 6. Thu nhập khác
    • 7. Chi phí khác
    • 8. Xác định kết quả kinh doanh
  • Liên Hệ

Advert

TÀI KHOẢN 152 - NGUYÊN LIỆU, VẬT LIỆU

(Thông tư 133/2016/TT-BTC)

✵ ✵

Nguyên tắc kế toán

Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản

Phương pháp hạch toán kế toán

về cuối trang

1. NGUYÊN TẮC KẾ TOÁN

a) Tài khoản này dùng để phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động tăng, giảm của các loại nguyên liệu, vật liệu trong kho của doanh nghiệp. Nguyên liệu, vật liệu của doanh nghiệp là những đối tượng lao động mua ngoài hoặc tư chế biến dùng cho mục đích sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên liệu, vật liệu phản ánh vào tài khoản này được phận loại như sau:

- Nguyên liệu, vật liệu chính: Là những loại nguyên liệu và vật liệu khi tham gia vào quá trình sản xuất thì cấu thành thực thể vật chất, thực thể chính của sản phẩm. Vì vậy khái niệm nguyên liệu, vật liệu chính gắn liền với từng daonh nghiệp sản xuất cụ thể. Trong các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ… Không đặt ra khái niệm vật liệu chính, vật liệu phụ. Nguyên liệu, vật liệu chính cũng bao gồm cả nữa thành phẩm mua ngoài với mục đích tiếp tục quá trình sản xuất, chế tạo ra thành phẩm.

- Vật liệu phụ:Là những loại vật liệu khi tham gia vào quá trình sản xuất, không cấu thành thực thể chính của sản phẩm nhưng có thể kết hợp với chất liệu chính làm thay đổi màu sắc, mùi vị, hình dáng bề ngoài, tăng thêm chất lượng của sản phẩm hoặc tạo điều kiện cho qua trình chế tạo sản phẩm được thực hiện bình thường, hoặc phục vụ cho nhu cầu công nghệ, kỹ thuật, bảo quản đóng gói; phục vụ cho quá trình lao động.

- Nhiên liệu: Là những thứ có tác dụng cung cấp nhiệt lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh tạo điều kiện cho quá trình chế tạo sản phẩm diễn ra bình thường. Nhiên liệu có thể tồn tại ở thể lỏng, thể rắn và thể khí.

- Vật tư thay thế: Là những vật tư dùng để thay thế, sữa chữa máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, công cụ, dụng cụ sản xuất…

- Vật liệu và thiết bị xây dựng cơ bản: là những loại vật liệu và thiết bị được sử dụng cho công việc xây dựng cơ bản. Đối với thiết bị xây dựng cơ bản bao gồm cả thiết bị cần lắp, không cần lắp, công cụ, khí cụ và vật kết cấu dùng để lắp đặt vào công trình xây dưng cơ bản.

b) Kế toán nhập, xuất, tồn kho nguyên liệu, vật liệu trên Tài khoản 152 phải được thực hiện theo nguyên tắc giá gốc. Nội dung giá gốc của nguyên liệu, vật liệu được xác định tùy theo từng nguồn nhập.

- Giá gốc của nguyên liệu, vật liệu mua ngoài bao gồm: Giá mua ghi trên hóa đơn, các khoản thuế không được hoàn lại, chi phí vận chuyển, bóc xếp, bảo quản, phân loại, bảo hiểm,… nguyên liệu, vật liệu từ nơi mua về đến kho của doanh nghiệp, công tác phí của cán bộ thu mua, chi phí của bộ phận thu mua độc lập, các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc thu mua nguyên vật liệu và số hao hụt tự nhiên trong định mức (nếu có):

+ Trường hợp thuế GTGT hàng nhập khẩu được khấu trừ thì giá trị của nguyên liệu, vật liệu mua vào được phản ánh theo giá mua chưa cho thuế GTGT.

+ Trường hợp thuế GTGT hàng nhập khẩu không được khấu trừ thì giá trị của nguyên liệu, vật liệu mua vào bao gồm cả thuế GTGT.

- Giá gốc của nguyên liệu, vật liệu tự chế biến bao gồm: Giá thực tế của nguyên liệu xuất chế biến và chi phí chế biến.

- Giá gốc của nguyên liệu, vật liệu thuê ngoài gia công chế biến, bao gồm: Giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu xuất thuê ngoài gia công chế biến, chi phí vận chuyển vật liệu đến nơi chế biến và từ nơi chế biến về doanh nghiệp, tiền thuê ngoài công chế biến.

- Giá gốc của nguyên liệu nhận góp vốn liên doanh, cổ phần là giá trị được các bên tham gia góp vốn liên doanh thống nhất đánh giá chấp nhận.

c) Việc tính trị giá của nguyên liệu, vật liệu xuất kho trong kỳ, được thực hiện theo một trong các phương pháp sau:

- Phương pháp giá thực tế đích danh;

- Phương pháp bình quân gia truyền sau mỗi lần nhập hoặc cuối kỳ;

- Phương pháp nhập trước, xuất trước.

Doanh nghiệp lựa chọn phương pháp tính giá nào thì phải đảm bảo tính nhất quán trong cả niên độ kế toán.

d) Kế toán chi tiết nguyên liệu, vật liệu phải thực hiện theo từng kho, từng kho, từng loại, từng nhóm, thứ nguyên liệu, vật liệu. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng giá hạch toán trong kế toán chi tiết nhập, xuất nguyên liệu, vật liệu, thì cuối kỳ kế toán phải tính hệ số chênh lệch giữa giá thực tế và giá hạch toán của nguyên liệu, vật liệu để tính giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu xuất dùng trong kỳ theo công thức:

Hệ số chênh lệch giữa giá thực tế và = Giá thực tế của NVL tồn kho đầu kỳ + Giá thực tế của NVL nhập kho trong kỳ
giá hạch toán của NVL (1) Giá hạch toán của NVL tồn kho đầu kỳ + Giá hạch toán của NVL nhập kho trong kỳ
Giá thực tế của NVL xuất dùng trong kỳ = Giá hạch toán của NVL xuất dùng trong kỳ x Hệ số chênh lệch giữa giá thực tế và giá hạch toán của NVL (1)

đ) Không phản ánh vào tài khoản này đối với nguyên vật liệu không thuộc quyển sở hữu của doanh nghiệp như nguyên vật liệu giữ hộ, nguyên vật liệu nhận để gia công, nguyên vật liệu nhận từ bên giao ủy thác xuất-nhập khẩu…

về đầu trang

2. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 152 – NGUYÊN LIỆU, VẬT LIỆU

Bên Nợ:

- Trị giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu nhập kho do mua ngoài, tự chế, thuê ngoài gia công, chế biế, nhận góp vốn hoặc từ các nguồn khác;

- Trị giá nguyên liệu, vật liệu thừa phát hiện khi kiểm kê;

- Kết chuyển trị giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu tồn kho cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).

Bên Có:

- Trị giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu xuất kho dùng vào sản xuất, kinh doanh, để bán, thuê ngoài gia công chế biến hoặc đưa đi góp vốn;

- Trị giá nguyên liệu, vật liệu trả lại người bán hoặc được giảm giá hàng mua;

- Chiết khấu thương mại được hưởng khi mau nguyên liệu, vật liệu;

- Trị giá nguyên liệu, vật liệu hao hụt, mất mát phát hiện khi kiểm kê;

- Kết chuyển trị giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu tồn kho đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).

Số dư bên Nợ:

- Trị giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu tồn kho cuối kỳ.

về đầu trang

3. PHƯƠNG PHÁP KẾ TOÁN MỘT SỐ GIAO DỊCH KINH TẾ CHỦ YẾU

3.1. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.

a) Khi mua nguyên liệu, vật liệu về nhập kho, căn cứ hóa đơn, phiếu nhập kho và các chứng từ có liên quan ánh giá trị nguyên liệu, vật liệu nhập kho:

- Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu (giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có các TK 111, 112, 141, 331, ... (tổng giá thanh toán).

- Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì giá trị nguyên vật liệu bao gồm cả thuế GTGT, ghi:

Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

Có các TK 111, 112, 331, ....

b) Kế toán nguyên vật liệu trả lại cho người bán, khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá nhận được khi mua nguyên vật liệu:

- Trường hợp trả lại nguyên vật liệu cho người bán

Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán

Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ.

- Trường hợp khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán nhận được sau khi mua nguyên liệ, vật liệu (kể cả các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế về bản chất làm giảm giá trị bên mua phải thanh toán) thì kế toán phải căn cứ vào tình hình biến động của nguyên vật liệu để phân bổ số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán được hưởng dựa trên số nguyên vật liệu còn tồn kho, số đã xuất dùng cho sản xuất sản phẩm hoặc cho hoạt động đầu tư xây dựng hoặc đã xác định là tiêu thụ trong kỳ:

Nợ các TK 111, 112, 331, ....

Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu (nếu NVL còn tồn kho)

Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (nếu NVL đã xuất dùng cho sản xuất)

Có TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang (nếu NVL đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng)

Có TK 632 - Giá vốn hàng bán (nếu sản phẩm do NVL đó cấu thành đã được xác định là tiêu thụ trong kỳ)

Có TK 642 - Chi phí quản lý kinh doanh ( NVL dùng cho hoạt động bán hàng hoặc quản lý doanh nghiệp)

Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).

c) Trường hợp doanh nghiệp đã nhận được hóa đơn mua hàng nhưng nguyên liệu, vật liệu chưa về nhập kho doanh nghiệp thì kế toán lưu hóa đơn vòn một tập hồ sơ riêng “Hàng mua đang đi đường”.

- Nếu trong kỳ hàng về thì căn cứ vào hóa đơn, phiếu nhập kho để ghi vào Tài khoản 152 “Nguyên liệu, vật liệu”.

- Nếu đến cuối kỳ nguyên liệu, vật liệu vẫn chưa về thì căn cứ vào hóa đơn, kế toán ghi nhận hàng mua đang đi đường:

Nợ TK 151 - Hàng mua đang đi đường

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có TK 331 - Phải trả cho người bán; hoặc

Có các TK 111, 112, 141, ...

- Sang kỳ sau, khi nguyên liệu, vật liệu về nhập kho, căn cứ vào hóa đơn và phiếu nhập kho, ghi:

Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

Có TK 151 - Hàng mua đang đi đường.

d) Khi trả tiền cho người bán, nếu được hưởng chiết khấu thanh toán thì khoản chiết khấu thanh toán thực tế được hưởng được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính, ghi:

Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán

Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính

đ) Đối với nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu:

- Khi nhập khẩu nguyên vật liệu, ghi:

Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

Có TK 331 - Phải trả cho người bán

Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312) (nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu không được khấu trừ)

Có TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có).

Có TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu).

Có TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường.

- Nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312).

e) Các chi phí về thu mua, bốc xếp, vận chuyển nguyên liệu, vật liệu từ nơi mua về kho doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có các TK 111, 112, 141, 331, ...

g) Đối với nguyên liệu, vật liệu nhập kho do thuê khoài gia công, chê biến:

- Khi xuất nguyên liệu, vật liệu đưa đi gia công, chế biến, ghi:

Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.

- Khi phát sinh chi phí thuê ngoài gia công, chế biến, ghi:

Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)

Có các TK 111, 112, 131, 141, ...

- Khi nhập lại kho số nguyên liệu, vật liệu thuê ngoài gia công, chế biến xong, ghi:

Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

h) Đối với nguyên liệu, vật liệu nhập kho do tự chế:

- Khi xuất kho nguyên liệu, vật liệu để tự chế biến, ghi:

Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.

- Khi nhập kho nguyên liệu, vật liệu đã tự chế, ghi:

Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

i) Đối với nguyên liệu, vật liệu thừa phát hiện khi kiểm kê đã xác định được nguyên nhân thì căn cứ nguyên nhân thừa để ghi sổ, nếu chưa xác định nguyên nhân thì căn cứ vào giá trị nguyên liệu, vật liệu thừa, ghi:

Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3381).

- Khi có quyết định xử lý nguyên liệu, vật liệu thừ phát hiện trong kiểm kê, căn cứ vào quyết định xử lý, ghi:

Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3381)

Có Tk 771, 331.

- Nếu xác định ngay khi kiểm kê số nguyên liệu, vật liệu thừa là của các doanh nghiệp khác thì không ghi vào bên Nợ TK 152 tương ứng với bên có TK 338 (3381) mà doanh nghiệp chủ động ghi chép và theo dọi hệ thống quản trị và trình bày trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.

k) Khi xuất kho nguyên liệu, vật liệu sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, ghi:

Nợ các TK 154, 642, ...

Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.

l) Xuất nguyên liệu, vật liệu sử dụng cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản hoặc sữa chửa lớn TSCĐ, ghi:

Nợ TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang

Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.

m) Đối với nguyên liệu, vật liệu đưa đi góp vốn vào đơn vị khá, ghi xuất nguyên liệu, vật liệu, ghi:

Nợ TK 228- Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (theo giá đánh giá lại)

Nợ TK 811 - Chi phí khác (giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị ghi sổ)

Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu (theo giá trị ghi sổ)

Có TK 711 - Phải thu khác (giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ).

n) Khi xuất nguyên liệu, vật liệu dùng để mua lại phần vốn góp tại đơn vị khác, ghi:

- Ghi nhận doanh thu bán nguyên vật liệu và khoản đầu tư vào đơn vị khác, ghi:

Nợ TK 228- Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (theo giá trị hợp lý)

Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.

- Ghi nhận giá vốn nguyên vật liệu dùng để mua lại phần vốn góp vào đơn vị khác, ghi

Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán

Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.

o) Đối với nguyên liệu, vật liệu thiếu hụt phát hiện khi kiểm kê:

Mọi trường hợp thiếu hụt nguyên liệu, vật liệu trong kho hoặc tại nơi quản lý, bảo quản phát hiện khi kiểm kê phải lập biên bản và truy tìm nguyên nhân, xác định người phạm lỗi. Căn cứ vào biên bản kiểm kê và quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền để ghi sổ kế toán:

- Nếu do nhầm lẫn hoặc chưa ghi sổ phải tiến hành ghi bổ sung hoặc điều chỉnh lại số liệu trên sổ kế toán;

- Nếu giá trị nguyên liệu, vật liệu hao hụt nằm trong phạm vi hao hụt cho phép (hao hụt vật liệu trong định mức), ghi:

Nợ TK 632 - Giá vốn hàng đầu

Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.

- Nếu số hao hụt, mất mát chưa xác định rõ nguyên nhân phải chờ xử lý, căn cứ vào giá trị hao hụt, ghi:

Nợ TK 138 - Phải thu khác (1381)

Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.

- Khi có quyết định xử lý, căn cứ vào quyết định, ghi:

Nợ TK 111 - Tiền mặt (người phạm lỗi nộp tiền bồi thường)

Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)(người phạm lỗi chưa bồi thường)

Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (trừ tiền lương của người phạm lỗi)

Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (phần giá trị hao hụt, mất mát nguyên liệu, vật liệu còn lại phải tính vào giá vốn hàng bán)

Có TK 138 - Phải thu khác (1381).

p) Đối với nguyên vật liệu, phế liệu ứ đọng, không cần dùng:

- Khi thanh lý, nhượng bán nguyên vật liệu, phế liệu, kế toán phản ánh giá vốn ghi:

Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán

Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.

- Kế toán phản ánh doanh thu bán nguyên vật liệu, phế liệu, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 131

Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5118)

Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

3.2. Trường hợp doanh nghiệp hạch tón hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.

a) Đầu kỳ, kết chuyển trị giá nguyên liệu, vật liệu tồn kho đầu kỳ, ghi:

Nợ TK 611 - Mua hàng

Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.

b) Cuối kỳ, căn cứ vào kết quả kiểm kê xác định giá trị nguyên liệu, vật liệu tồn kho cuối kỳ, ghi:

Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu

Có TK 611 - Mua hàng.

Ví dụ: Mua vật liệu nhập kho (kế toán phương pháp kê khai thường xuyên và tính nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ).

1. Công ty TNHH Hoa Hồng mua một lô hóa chất nhập kho theo giá chưa có thuế GTGT 10% là 3.500.000VND, chưa thanh toán cho người bán.

Kế toán căn cứ vào hóa đơn mua hàng và phiếu nhập kho ghi sổ kế toán:

Nợ TK 152: 3.500.000VND

Có TK 331: 3.850.000VND

2. Công ty tư nhân Đồng Xoài mua vật liệu A nhập kho theo giá ghi trên hóa đơn GTGT

- Giá bán 4.000.000VND

- Thuế GTGT 10%: 400.000VND

- Tổng giá thanh toán: 4.400.000VND

Công ty đã thanh toán nagy bằng tiền mặt, do đó được chiết khấu 3% trên giá thanh toán trừ vào số tiền thanh toán kỳ này.

Kế toán căn cứ hồ sơ mua hàng, ghi:

Nợ TK 152: 4.000.000VND

Nợ TK 133: 4.000.000VND

Có TK 111: 4.268.000VND

Có TK 515: 132.000VND

3. Mua vật liệu chuyển sử dụng ngay cho sản xuất sản phẩm theo giá hóa đơn (gồm cả thuế GTGT 10%) là: 165.000.000VND. Thanh toán bằng tiền vay ngắn hạn ngân hàng (đã hoàn tất hồ sơ vay và nhận nợ vay). Chi phí vận chuyển đã thanh toán bằng tiền mặt là 2.200.000VND (gồm cả thuế GTGT 10%). Bộ phận sản xuất thông báo đã nhận được hàng đầy đủ.

Kế toán ghi sổ:

3a. Nợ TK 153: 150.000.000VND

Nợ TK 133: 15.000.000VND

Có TK 341: 165.000.000VND

3b. Nợ TK 154: 2.000.000VND

Nợ TK 133: 200.000VND

Có TK 1111: 2.200.000VND

4. Xuất kho nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm A trị giá 15.000.000VND, để quản lý doanh nghiệp 1.500.000VND.

Căn cứ phiếu xuất kho, kế toán ghi sổ:

Nợ TK 154: 15.000.000VND (chi tiết sản phẩm A)

Nợ TK 642: 1.500.000VND (6421)

Có TK 152: 16.500.000VND

5. Xuất kho vật liệu góp vốn liên doanh để thành lập cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát. Trị giá xuất kho 70.000.000VND. Giá đánh giá các bên thống nhất:

1. Giá 75.000.000VND

2. Giá 60.000.000VND

Căn cứ hợp đồng liên doanh và biên cảnh đánh giá, ghi:

1. Nợ TK 228: 75.000.000VND (2282)

Có TK 152: 70.000.000VND

Có TK 711: 5.000.000VND

2. Nợ TK 228:60.000.000VND ((2281)

Có TK 811: 10.000.000VND

Có TK 152: 70.000.000VND

6. Doanh nghiệp N mua 2.000kg nguyên vật liệu sunfat của Công ty B, theo hóa đơn GTGT giá mua chưa thuế GTGT 10% là 16.000 đồng/kg. Tiền mua hàng đã thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng (đã có giấy báo nợ). Nguyên vật liệu đã về đến công ty, nhập kho, thủ kho phát hiện thiếu 25kg. Doanh nghiệp N xác định số thiếu hụt trong định mức 0.5%, số còn lại chưa rõ nguyên nhân. Chi phí vận chuyển, bốc dỡ đã trả bằng tiền mặt 2.420.000 đồng gồm cả thuế GTGT 10%

Kế toán ghi sổ:

6a. Nợ TK 152: 31.600.000VND (1.975kg x 16.000 đồng/kg)

Nợ TK 133: 3.200.000VND (2.000kg x16.000 đồng/kg x 10%)

Nợ TK 632: 160.000VND (25kg x 16.000 đồng/kg x 0.5%)

Nợ TK 138: 240.000VND (25kg x 16.000 đồng/kg – 160.000đ)

Có TK 112: 35.200.000VND

6b. Nợ TK 152: 2.200.000VND

Nợ TK 133: 220.000VND

Có TK 111: 2.420.000VND

7. Công ty TNHH ở Hà Nội nhập khẩu vật liệu theo giá CIF Cửa lò trị giá 30.000USD, tiền mua hàng trả bằng ngoại tệ ký quỹ ngắn hạn 18.000USD (tỷ giá thực tế bình quân mua- bán của ngân hàng ngoại thương tại ngày ký quỹ là 19.000VND/USD). Số còn lại trả bằng ngoại tệ vay ngắn hạn ngân hàng (đã báo nợ). Thuế nhập khẩu phải nộp 15% trên giá mua, thuế tiêu thụ đặc việt của hàng nhập khẩu phải nộp 30%, thuế GTGT hàng nhập khẩu 10%. Công ty đã nộp thuế bằng tiền gửi ngân hàng VND (đã có giấy báo nợ). Chi phí vận chuyển hàng về nhập kho đã thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng ( đã có giấy báo nợ), hóa đơn GTGT chưa thuế 10% là 40.000.000VND. Hàng về đã nhập kho đầy đủ Tỷ giá bình quân mua bán của ngân hàng ngoại thương tại thời điểm vay là 20.000VND/USD.

Kế toán ghi sổ các giao dịch phát sinh trên:

1. khi chi tiền gửi nhận hàng ký quỹ, ghi:

Nợ TK 138: 19.000 x 18.000= 342.000.000VND

Có TK 112: 18.500 x 18.000= 333.000.000VND

Có TK 515: 500 x 18.000= 9.000.000VND

2. Khi chi tiền nộp thuế cho Nhà nước, ghi:

Nợ TK 333: 386.000.000VND

(TK 3333: 90.000.000VND, TK 3332: 207.000.000VND, TK 3331: 89.000.000VND)

Có TK 112: 386.000.000VND

3. Khi nhận hàng nhập kho, ghi:

Nợ TK 152: 879.000.000VND

Có TK 3333: 90.000.000VND

Có TK 3332: 207.000.000VND

Có TK 138: 342.000.000VND

Có TK 341: 240.000.000VND

4. Ghi nhận thuế GTGT hàng nhập khẩu

Nợ TK 133: 89.700.000VND

Có TK 33312: 89.700.000VND

Ví dụ: Doanh nghiệp được hưởng chiết khấu tiền mặt sau khi mua nguyên vật liệu (khoản chiết khấu tiền mặt này chưa được giảm trừ trong hóa đơn GTGT của những lần mua trước đó).

Biết rằng tổng số lượng nguyên vật liệu đã mua được hưởng chiết khấu là 1.000 tấn, mỗi tấn được hưởng chiết khấu 500.000 đồng. Trước khi xác định được chiết khấu được hưởng, doanh nghiệp đã xuất 600 tấn nguyên vật liệu vào sản xuất sản phẩm (trong đó số nguyên vật liệu đang nằm trong giá trị SPDD cuối kỳ là 200 tấn; số vật liệu nằm trong thành phẩm gửi bán là 100 tấn; số nguyên vật liệu nằm trong thành phẩm đã được tiêu thụ là 100 tấn). Ngoài ra, doanh nghiệp đã xuất 300 tấn nguyên vật liệu cho hoạt động đầu tư xây dựng tài sản cố định. Cuối kỳ còn tồn kho 100 tấn nguyên vật liệu.

Kế toán số chiết khấu tiền mặt được hưởng như sau:

Nợ các TK 111, 112, 331,…: 500.000.000VND

Có TK 152: 50.000.000VND (100 tấn x 500.000đ/tấn)

Có TK 154: 100.000.000VND (200 tấn x 500.000đ/tấn)

Có TK 155: 100.000.000VND (200 tấn x 500.000đ/tấn)

Có TK 157: 50.000.000VND (100 tấn x 500.000đ/tấn)

Có TK 241: 150.000.000VND (300 tấn x 500.000đ/tấn)

Có TK 632: 50.000.000VND (100 tấn x 500.000đ/tấn)

về đầu trang

Chia sẻ Tweet Tìm kiếm
  • Trang chủ
  • Tài khoản
    • 1. Tài sản
    • 2. Nợ phải trả
    • 3. Vốn chủ sở hữu
    • 4. Doanh thu
    • 5. Chi phí sản xuất, kinh doanh
    • 6. Thu nhập khác
    • 7. Chi phí khác
    • 8. Xác định kết quả kinh doanh
  • Liên Hệ

Từ khóa » Kho Nguyên Vật Liệu Là Gì