Hen Suyễn (hen Phế Quản): Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và điều Trị

Bệnh hen phế quản hay còn có tên gọi khác là hen suyễn là gì? Đây là một căn bệnh mạn tính ảnh hưởng đến đường dẫn khí ở phổi, gây thu hẹp đường thở. Bệnh lý này phổ biển ở trẻ em nhưng cũng có trường hợp khởi phát ở tuổi trưởng thành.

Hiện tại không có cách giúp chữa khỏi hoàn toàn hen suyễn nhưng có những phương pháp điều trị và kiểm soát triệu chứng hiệu quả để bệnh không gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Sau đây, Hello Bacsi sẽ cung cấp các thông tin cơ bản xoay quanh căn bệnh này.

Tìm hiểu chung

Bệnh hen suyễn là gì?

Hen phế quản (hen suyễn) là tình trạng đường thở bị thu hẹp lại và sưng lên, có thể tiết ra nhiều chất nhầy. Điều này làm cho bạn cảm thấy khó thở và kích thích cơn ho xuất hiện. Bạn thường nghe thấy âm thanh như tiếng huýt sáo khi thở ra và thở nông.

Một vài trường hợp, hen suyễn có thể chỉ là một vấn đề nhỏ hơi bất tiện. Tuy nhiên, một số người bị bệnh nặng đến mức có khả năng gây cản trở các hoạt động thường ngày, thậm chí cơn hen suyễn nặng có thể gây đe dọa tính mạng.

Bạn sẽ không bao giờ hết hen suyễn nhưng các cơn hen chỉ xảy ra khi có tác nhân gây kích ứng đến phổi. Khi tiếp xúc với một số tác nhân trong môi trường như nấm mốc, ẩm ướt, một số chất gây dị ứng (mạt bụi, khói thuốc lá…), cơn hen có thể xuất hiện. Ô nhiễm không khí và nhiễm trùng phổi do virus cũng có khả năng gây ra căn bệnh này.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh hen suyễn là gì?

Bệnh hen suyễn có thể có nhiều biểu hiện triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Cơn hen có khi không xảy ra thường xuyên, chỉ có triệu chứng hen suyễn sau một vài thời điểm nhất định như sau khi tập thể dục hoặc đôi lúc gây ra triệu chứng mọi lúc.

Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh bao gồm:

  • Thở nông
  • Tức ngực hoặc đau ngực
  • Thở khò khè, đây là dấu hiện bệnh hen phế quản phổ biến ở trẻ em
  • Khó ngủ do khó thở, ho hoặc thở khò khè
  • Các cơn ho và thở khò khè thường nặng hơn khi nhiễm virus ở đường hô hấp, như cảm lạnh, cảm cúm

ho hen suyễn

Nếu thấy các dấu hiệu bệnh hen suyễn sau, tình trạng của bạn có thể đang diễn biến trầm trọng hơn:

  • Các triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn và gây khó chịu
  • Mức độ khó thở tăng lên, được đo bằng thiết bị y tế chuyên dùng
  • Nhu cầu dùng ống hít cắt cơn hen nhanh chóng tăng lên, cần dùng thường xuyên hơn

Một số người, các dấu hiệu và triệu chứng bệnh thường bùng phát trong một số tình huống như:

  • Hen suyễn do tập thể dục, có thể nặng hơn khi không khí lạnh và khô
  • Hen suyễn do nghề nghiệp, được kích hoạt bởi các chất kích thích tại nơi làm việc, như khói hóa chất, khí gas hay bụi
  • Hen suyễn dị ứng, do các tác nhân trong không khí gồm phấn hoa, bào tử nấm mốc, chất thải động vật, da hay lông động vật/thú cưng gây kích ứng

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Các cơn hen suyễn nặng có khả năng gây đe dọa đến tính mạng. Do đó, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay khi thấy triệu chứng trở nên nghiêm trọng, bao gồm:

  • Cảm thấy khó thở nhanh chóng
  • Triệu chứng không cải thiện ngay cả khi đã sử dụng các ống hít giúp cắt cơn tức thời
  • Thở hụt hơi, hơi thở ngắn ngay cả khi thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ nhàng

Ngoài ra, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu:

  • Nghi ngờ bản thân mắc bệnh hen phế quản. Việc xác định và điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa những tổn thương lâu dài ở phổi và giúp bệnh tình không trở nặng theo thời gian.
  • Theo dõi tình trạng sức khỏe định kỳ sau khi được chẩn đoán. Kiểm soát tốt hen suyễn sẽ giúp đảm bảo sức khỏe lâu dài, ngăn ngừa bùng phát cơn hen nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Nhận thấy các triệu chứng nặng dần lên hoặc cần phải sử dụng thuốc hít cắt cơn thường xuyên hơn.

Lưu ý, bạn không nên quá lạm dụng thuốc trị hen suyễn mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Việc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và khiến bệnh tình trở nên tồi tệ hơn. Bạn cũng cần tái khám định kỳ để đánh giá hiệu quả của phác đồ điều trị hen suyễn hiện tại.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh hen suyễn là gì?

Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân bệnh lý này phát triển do có sự kết hợp giữa các yếu tố môi trường và di truyền (gene).

Bạn có thể quan tâm: Bệnh hen suyễn có lây không?

Khi tiếp xúc với các chất kích thích khác nhau và các chất gây dị ứng có thể kích hoạt cơn hen xảy ra. Các tác nhân này sẽ khác nhau ở mỗi người, có thể là:

  • Chất gây dị ứng bay trong không khí, như phấn hoa, mạt bụi, bào tử nấm mốc, da, lông động vật…
  • Nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cảm lạnh, cảm cúm
  • Hoạt động thể chất
  • Không khí lạnh, khô
  • Các chất gây ô nhiễm không khí, như khói bụi
  • Một số loại thuốc, bao gồm thuốc chẹn beta, aspirin, thuốc kháng viêm không steroid NSAIDs
  • Thay đổi cảm xúc mạnh hay căng thẳng (stress)
  • Một số chất bảo quản có trong thực phẩm, đồ uống đóng hộp
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

nguyên nhân gây hen suyễn

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh hen suyễn

Một số yếu tố được cho là sẽ làm tăng khả năng mắc phải bệnh này, bao gồm:

  • Có tiền sử gia đình bị hen suyễn, như cha, mẹ, anh chị em mắc bệnh
  • Mắc phải một số tình trạng dị ứng khác, như viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng…
  • Thừa cân
  • Hút thuốc
  • Tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên
  • Tiếp xúc với khói thải hoặc các tác nhân gây ô nhiễm khác
  • Tiếp xúc với một số tác nhân do liên quan đến nghề nghiệp, như hóa chất công nghiệp.

Biến chứng

Bệnh hen suyễn có nguy hiểm không?

Mặc dù bạn có thể kiểm soát được tình trạng hen suyễn nhưng đây vẫn là một căn bệnh mạn tính có khả năng gây ra một số vấn đề nghiêm trọng. Do đó, bạn phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị hen và theo dõi hơi thở hàng ngày. Khi kiểm soát kém, người bệnh có thể gặp phải các vấn đề:

  • Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi
  • Triệu chứng hen nặng có thể gây cản trở đến giấc ngủ, công việc và các hoạt động hàng ngày
  • Căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm
  • Tăng khả năng nhập viện khi có cơn hen nặng gây khó thở
  • Biến chứng từ tác dụng phụ của các thuốc điều trị hen suyễn
  • Nhiễm trùng phổi (viêm phổi)
  • Chậm phát triển hoặc dậy thì ở trẻ em
  • Lên cơn hen nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng
Bạn có thể quan tâm: Bệnh hen suyễn có nguy hiểm không?

Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh hen suyễn là gì?

Trước hết, bác sĩ sẽ thăm khám sức khỏe và cố gắng loại trừ những bệnh lý khác như nhiễm trùng đường hô hấp hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đồng thời, họ sẽ xem xét tiền sử bệnh của bạn và gia đình, đặt các câu hỏi liên quan đến triệu chứng mà bạn gặp phải. Để xác nhận chẩn đoán và đánh giá mức độ bệnh, bạn sẽ cần thực hiện một số thử nghiệm liên quan.

Xét nghiệm đo chức năng phổi

Bạn sẽ được kiểm tra chức năng phổi để xác định lượng không khí đi vào và ra khi hít thở. Các thử nghiệm này gồm:

  • Đo phế dung
  • Đo lưu lượng đỉnh

kiểm tra hen suyễn

Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm này trước và sau khi cho bạn dùng thuốc giãn phế quản như albuterol. Nếu họ nhận thấy chức năng phổi được cải thiện sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản, khả năng cao là bạn bị hen suyễn.

Các xét nghiệm bổ sung

Bác sĩ có khi chỉ định bạn làm một vài xét nghiệm khác để giúp chẩn đoán hen như là:

  • Thử nghiệm kích thích với methacholine (một tác nhân được biết là có thể gây hen suyễn)
  • Xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang ngực
  • Xét nghiệm dị ứng

Đánh giá mức độ hen phế quản

Để phân loại mức độ nghiêm trọng của bệnh hen phế quản, bác sĩ sẽ đánh giá tần suất xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng hen. Việc này sẽ giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị hen suyễn tốt nhất.

Bệnh hen suyễn có chữa được không?

Rất nhiều người mắc bệnh thắc mắc không biết bệnh hen suyễn có chữa được không? Câu trả lời là không, bệnh hen suyễn (hen phế quản) không thể chữa khỏi hoàn toàn. Điều trị kiểm soát lâu dài chính là nguyên tắc chính giúp ngăn ngừa các cơn hen xuất hiện trong tương lai. Do đó, việc điều trị bao gồm nhận thức được các tác nhân kích thích cơn hen để tránh tiếp xúc và theo dõi hơi thở thường xuyên để đảm bảo thuốc có tác dụng. Trường hợp cơn hen bùng phát, bạn sẽ cần dùng thuốc hít để cắt cơn nhanh chóng.

Sử dụng thuốc

Bạn có thể quan tâm: Bệnh hen suyễn uống thuốc gì?

Để lựa chọn thuốc điều trị hen suyễn, bác sĩ sẽ cân nhắc đến các yếu tố sau:

  • Tuổi tác
  • Triệu chứng bệnh
  • Tác nhân gây hen suyễn

Các thuốc phòng ngừa, kiểm soát lâu dài có tác dụng giảm sưng (viêm) đường dẫn khí còn các thuốc hít cắt cơn nhanh (thuốc giãn phế quản) sẽ giúp đường thở mở rộng nhanh chóng. Một số trường hợp, người bệnh có thể cần dùng thêm thuốc chống dị ứng.

Thuốc kiểm soát hen suyễn lâu dài, thường được dùng hàng ngày là lựa chọn điều trị nền tảng cho bệnh lý này. Các thuốc này giúp kiểm soát bệnh hàng ngày, hạn chế để cơn hen bùng phát, bao gồm:

  • Corticosteroid dạng hít: fluticasone propionate, budesonide, ciclesonide, beclomethasone…
  • Thuốc ức chế leukotriene: montelukast, zafirlukast, zileuton
  • Thuốc hít phối hợp nhiều hoạt chất: fluticasone + salmeterol, budesonide + formoterol, formoterol + mometasone…

thuốc hít

Các thuốc cắt cơn hen nhanh chóng dùng trong trường hợp khẩn cấp để giảm nhẹ triệu chứng nhanh chóng, tức thời khi lên cơn hen với cơ chế chung là làm giãn phế quản. Đôi khi, bác sĩ khuyên người bệnh dùng thuốc này trước khi tập thể dục. Một số thuốc có tác dụng nhanh là:

  • Thuốc chủ vận beta tác dụng nhanh, dạng hít: albuterol, levalbuterol
  • Thuốc kháng cholinergic: ipratropium, tiotropium
  • Corticosteroid đường uống và tiêm tĩnh mạch: prednisolone, methylprednisolone

Nếu các thuốc kiểm soát hen suyễn đáp ứng tốt, bạn sẽ không cần phải sử dụng các thuốc hít giúp cắt cơn nhanh thường xuyên. Vậy nên, bạn cần chú ý đến số lần dùng ống hít cắt cơn nhanh mỗi tuần để thông báo lại với bác sĩ để được điều chỉnh các thuốc kiểm soát dài hạn.

Trường hợp hen suyễn xảy ra do các tác nhân gây dị ứng kích hoạt, bạn có thể uống thuốc chống dị ứng để giảm nhẹ triệu chứng.

Các biện pháp điều trị hen suyễn tại nhà và thay đổi lối sống

Bên cạnh sử dụng thuốc để phòng ngừa và giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, bạn có thể tự duy trì sức khỏe và giảm bớt khả năng lên cơn hen với những gợi ý sau.

Tránh tiếp xúc với tác nhân kích hoạt hen suyễn

Đây là cách hiệu quả để kiểm soát hen suyễn, bạn nên:

  • Sử dụng máy lọc không khí để giảm bớt lượng tác nhân kích thích hen trong không khí
  • Vệ sinh, khử trùng các vật dụng trong nhà để giảm bớt bụi bẩn, nấm mốc
  • Duy trì độ ẩm phù hợp
  • Hạn chế tiếp xúc với thú nuôi/động vật lạ
  • Che mũi và miệng khi trời lạnh

Thay đổi lối sống lành mạnh

Thay đổi lối sống, duy trì sức khỏe tốt cũng giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh hiệu quả:

  • Tập luyện thể dục thường xuyên
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Kiểm soát chứng ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản, nếu có

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Khí Than ướt Wiki