Hiện Tượng Sinh Lý Thường Gặp ở Trẻ Sơ Sinh | BvNTP

Nghẹt mũi sinh lý: Hiện tượng sinh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh

Nghẹt mũi sinh lý là hiện tượng sinh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh, mũi bị tịt do dịch nhầy ứ đọng. Nguyên nhân là do lỗ mũi của trẻ lúc này còn nhỏ nên chỉ cần một chút vảy mũi hay dịch mũi đọng lại cũng sẽ cản trở lưu thông đường thở, dẫn đến khó thở. Biểu hiện của nghẹt mũi sinh lý là tiếng thở khò khè.

Hiện tượng sinh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh

Nghẹt mũi sinh lý ở trẻ sơ sinh là hiện tượng mũi bị tịt do dịch nhầy ứ đọng

Nghẹt mũi sinh lý ở trẻ sơ sinh thường xảy ra trong điều kiện thời tiết khô hanh như mùa đông nếu trẻ không được giữ ấm đúng cách. Hoặc mùa hè, nhiều gia đình bật điều hòa nhiệt độ, làm giảm độ ẩm không khí trong nhà, gây khô.

Nghẹt mũi sinh lý không ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất của trẻ, trẻ vẫn tăng trưởng bình thường với mức tiêu chuẩn như những đứa trẻ khác. Trẻ cũng không có biểu hiện kèm theo khác như ho, sổ mũi, sốt.

Nấc cụt

Nấc cụt ở trẻ sơ sinh được tạo ra do cơ hoành bị kích thích không liên tục đồng thời nắp thanh âm bị đóng lại đột ngột. Đây là hiện tượng hay gặp ở các trẻ dưới 1 tuổi. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nấc cụt ở trẻ sơ sinh như:

  • Trẻ bú quá no. Trẻ bú bình không đúng cách sẽ khiến bé nuốt một lượng không khí đáng kể vào dạ dày. Khi lượng không khí trong dạ dày vượt ngưỡng cho phép, nó sẽ tạo kích thích khiến cơ hoành bị co thắt và tạo tiếng nấc.
  • Trào ngược dạ dày: Tình trạng nấc cụt xuất hiện có thể là do axit trong dạ dày đi ngược vào thực quản. Đây là nguyên nhân phổ biến vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa được hoàn thiện.
  • Nhiệt độ thay đổi đột ngột: Khi nền nhiệt môi trường xung quanh thay đổi đột ngột, trẻ hít không khí lạnh vào phổi, có thể tạo ra tiếng nấc.

Để bé không bị khó chịu vì nấc cụt, mẹ có thể áp dụng những cách sau:

  • Dùng hai ngón tay trỏ nhét vào lỗ tai bé khoảng nửa phút, hoặc dùng 2 ngón tay bóp nhẹ 2 cánh mũi bé, đồng thời giữ miệng bé khép lại trong 2-3 giây. Lặp lại trong 15-20 lần, khoảng cách giữa mỗi lần khoảng 3 giây.

Nếu thấy bé thường xuyên có dấu hiệu nấc sau khi ăn xong thì mẹ nên đổi tay hoặc đổi cách bế để hạn chế không khí vào miệng và dạ dày bé

  • Thay đổi tư thế cho con bú. Nếu thấy bé thường xuyên có dấu hiệu nấc sau khi ăn xong thì mẹ nên đổi tay hoặc đổi cách bế để hạn chế không khí vào miệng và dạ dày bé.
  • Vỗ nhẹ lưng hoặc vai của bé, một cách nhẹ nhàng và dứt khoát. Khi ợ hơi ra được thì bé sẽ hết nấc.
  • Cho bé uống từng hớp nước nhỏ để dừng cơn nấc, khoảng 2,5ml là đủ.
  • Nếu bé đang ở độ tuổi ăn dặm thì mẹ có thể cho một ít đường vào lưỡi bé. Vị ngọt của đường sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng co thắt cơ hoành.
  • Tránh dùng núm vú quá lớn vì đây có thể là nguyên nhân làm bé nuốt nhiều không khí khi bú.

Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý không nên để bé quá đói rồi mới cho ăn, đồng thời cũng tránh để bé bú quá no. Sau khi ăn, bế trẻ giữ cao đầu trong khoảng 10 phút.

Nôn trớ

Nôn là tình trạng các chất trong dạ dày bị đẩy ra ngoài qua miệng do sự co bóp của dạ dày phối hợp với co thắt của các cơ thành bụng.

Trớ là sự di chuyển của chất trào ngược từ dạ dày qua hầu họng lên miệng, hoặc có thể qua miệng ra ngoài số lượng ít, do sự co bóp đơn thuần của dạ dầy. Đây là hiện tượng rất hay gặp ở trẻ sơ sinh.

Khi trẻ nôn trớ, cha mẹ phải nghiêng ngay đầu trẻ sang một bên để không bị sặc chất nôn, sau đó hút hoặc quấn khăn gạc sạch vào ngón tay thấm hết chất nôn trong mồm và họng trẻ. Khum tay vỗ nhẹ hai bên lưng giúp trẻ ho nốt chất nôn còn lại trong họng. Khi đã hết cơn nôn, cho trẻ uống nước ấm hoặc ORS ấm hoặc cho bú mẹ, bú bình từ từ.

Trẻ sơ sinh rất dễ bị nôn trớ, do dạ dày trẻ còn nằm ngang, cơ tâm vị lại đóng chưa chặt như người trưởng thành

Trẻ sơ sinh rất dễ bị nôn trớ, do dạ dày trẻ còn nằm ngang, cơ tâm vị lại đóng chưa chặt như người trưởng thành. Tuy nhiên, nôn trớ ở trẻ sơ sinh có 2 loại:

  • Nôn trớ cơ năng: Do sai lầm về ăn uống và chăm sóc chưa đúng cách. Cha mẹ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống và chăm sóc trẻ, theo dõi tiếp tại nhà
  • Nôn trớ bệnh lý: Đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Sụt cân tuần đầu sau sinh

Những ngày đầu sau sinh, cân nặng của bé giảm không quá 10% so với lúc mới sinh, bé vẫn ăn ngủ bình thường… đó là sụt cân sinh lý. Nguyên nhân do bé bị mất nước qua đường hô hấp, bài tiết phân và nước tiểu, nôn những dịch bẩn, nước ối mà bé đã nuốt phải trong quá trình chuyển dạ. Có 2 loại sụt cân:

  • Sụt cân nhanh và hồi phục nhanh: Ngay ngày đầu sau sinh, bé bắt đầu sụt cân và tiếp tục sụt cân ở ngày thứ 2 – 4, khoảng 20 – 50g/ngày. Sau đó, cân nặng của bé hồi phục như ban đầu. Loại sụt cân này chiếm khoảng 25%, thường gặp ở bé khỏe mạnh, bút tốt, mẹ có nhiều sữa.
  • Sụt cân chậm và hồi phục chậm: Ngày thứ 2 – 3 sau sinh, bé mới bắt đầu sụt cân, tiếp tục sụt đến ngày thứ 7 – 8 rồi dừng lại, sau đó tăng cân từ từ, đến ngày 12 – 13 bằng cân nặng ban đầu. Loại sụt cân này thường gặp nhiều hơn ở trẻ.

Nếu bé giảm cân mạnh trong 3 ngày đầu hơn 10% cân nặng lúc mới sinh và giảm liên tục trong các ngày tiếp theo mà không có dấu hiệu tăng cân trở lại sau 20 ngày thì cha mẹ nên lưu ý. Bên cạnh đó, bé bị giảm cân kèm sốt, ăn kém, mệt mỏi, da nhợt nhạt thì cần đưa trẻ thăm khám ngay lập tức.

Vặn mình, đỏ mặt

Hiện tượng trẻ sơ sinh vặn mình là phản xạ sinh lý bình thường của cơ thể. Do trẻ mới sinh nên các tế bào thần kinh, thể vân, vỏ não chưa phát triển hoàn thiện, phần dưới vỏ hoạt động chiếm ưu thế hơn. Trẻ vặn mình, vận động tay chân hay rướn người để tìm cách thích nghi với môi trường bên ngoài tử cung của mẹ.

Ngoài ra, trẻ vặn mình cũng do: Môi trường ngủ không thoải mái, ồn, ánh sáng mạnh; trẻ đói; trẻ đi tiểu hoặc đi ngoài; tã hoặc bỉm ướt, quấn khăn chặt…

Hiện tượng trẻ sơ sinh vặn mình là phản xạ sinh lý bình thường của cơ thể

Thông thưởng, trẻ vặn mình trong vài phút và sau 2 – 3 tháng thì kết thúc và trẻ vẫn tăng cân bình thường thì không cần quá lo ngại nhiều.

Tuy nhiên nếu trẻ vặn mình còn kèm theo các biểu hiện bất thường khác như gồng mình, hay giật mình, khó ngủ, đổ mồ hôi trộm, nôn ói… thì cha mẹ nên lưu ý đây có thể là biểu hiện của bệnh lý.

Đồ mồ hôi trộm

Quá trình trao đổi chất ở trẻ sơ sinh diễn ra mạnh mẽ hơn so với người lớn nên trẻ thường đổ mồ hôi nhiều hơn. Đổ mồ hôi trộm sinh lý thường xuất hiện ở vùng đầu, cổ khoảng 30 phút trước lúc trẻ ngủ và mất dần sau khoảng 60 phút. Do đó, cha mẹ không nên quá lo lắng, bởi nó không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Đổ mồ hôi trộm sinh lý thường xuất hiện ở vùng đầu, cổ khoảng 30 phút trước lúc trẻ ngủ và mất dần sau khoảng 60 phút

Tuy nhiên, khi thấy trẻ đổ mồ hôi trộm ban đêm kèm những dấu hiệu như quấy khóc ban đêm, mất ngủ, ngủ không ngon giấc, rụng tóc vành khăn… thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra xác định nguyên nhân có phải do trẻ thiếu canxi không.

Tuyến vú sưng to

Trẻ sơ sinh là bé trai hay bé gái có thể có bộ ngực phát triển, nhìn giống như bị sưng hoặc có khối u to, mềm; thậm chí một số bé còn bị sưng dưới núm vú. Đây phần lớn là dấu hiệu sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh.

Nguyên nhân là do bé tiếp xúc với kích thích tố của mẹ từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Đây chính là các kích thích tố này cũng làm ngực mẹ bầu to lên, kích thích các tuyến sữa. Thông thường vài tuần hoặc tới vài tháng khi bé không tiếp xúc với các hormone từ cơ thể mẹ nữa, các mô vú bắt đầu co lại, vú không còn sưng nữa.

Một số trường hợp khi vú của trẻ sưng, đỏ, đau, tiết dịch kèm dấu hiệu sốt thì mẹ hãy đưa bé đi khám ngay.

Kinh nguyệt giả

Khi mới chào đời, lượng estrogen trong cơ thể trẻ giảm dần khiến lớp niêm mạc tử cung bong ra và xuất hiện kinh nguyệt giả. Tình trạng này rất hiếm gặp, thường xảy ra từ 3 – 7 ngày sau khi em bé chào đời và sẽ kéo dài khoảng một tuần. Do đó cha mẹ khoog cần quá lo lắng.

Vàng da

Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh xảy ra do sự tích tụ của Bilirubin – chất có màu vàng được sinh ra khi tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Hiện tượng này xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh vì bé có lượng tế bào hồng cầu cao, thường xuyên bị phá vỡ và được thay mới. Trong khi đó, gan của trẻ chưa thể lọc bỏ hết Bilirubin khỏi máu vì vậy gây nên tình trạng vàng da. Khi trẻ được 2 tuần tuổi, gan phát triển đầy đủ hơn và xử lý được Bilirubin nên bệnh vàng da sẽ tự khỏi.

Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh xảy ra do sự tích tụ của Bilirubin – chất có màu vàng được sinh ra khi tế bào hồng cầu bị phá vỡ

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vàng da là biểu hiện của một bệnh lý nào đó với dấu hiệu vàng da đậm xuất hiện sớm, không sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng, trẻ vàng da toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt. Đi kèm vàng da, trẻ có thêm các triệu chứng bất thường khác như: lừ đừ, bỏ bú, co giật…

Nếu không điều trị vàng da bệnh lý kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nhiễm độc thần kinh do Bilirubin gián tiếp thấp vào não làm cho trẻ tử vong hoặc bị hại não suốt đời.

Mụn sữa

Mụn sữa là tình trạng da phổ biến ở trẻ sơ sinh mang tính chất tạm thời. Mụn sữa xảy ra trong vài tháng đầu đời của trẻ nhưng cũng có trường hợp kéo dài đến 2 tuổi.

Mụn sữa có thể phát triển trên mặt hoặc cơ thể trẻ dưới dạng những nốt mụn li ti màu đỏ hoặc trắng. Trong hầu hết các trường hợp, loại mụn này sẽ tự lành tự sau vài ngày hoặc vài tuần mà không cần điều trị.

Viêm da tiết bã (cứt trâu)

Viêm da tiết bã hay cứt trâu là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh khoảng 3 tháng tuổi nhưng nó có thể kéo dài đến một năm hoặc lâu hơn. Đây là những vảy cứng trên da đầu bé, có màu vàng hoặc xám, thường tập trung thành từng đám hoặc toàn bộ da đầu. Hầu hết tình trạng cứt trâu thường biến mất khi trẻ 1 tuổi, nhưng cũng có trường hợp kéo dài hơn.

Hầu hết tình trạng cứt trâu thường biến mất khi trẻ 1 tuổi, nhưng cũng có trường hợp kéo dài hơn

Cứt trâu ở trẻ sơ sinh thường lành tính và không ảnh hưởng đến bé. Tuy nhiên, khi trẻ bị cứt trâu sẽ ngứa ngáy và khó chịu, đôi khi gây mất thẩm mỹ.

Rôm sảy

Rôm sảy là những nốt mụn nước mẩn đỏ dưới da, xuất hiện ở cổ, ngực, lưng, gây ngứa ngáy khó chịu cho trẻ. Thông thường rôm sảy sẽ tự khỏi nhưng có nhiều trường hợp do trẻ gãi khiến vết thương nhiễm trùng lâu gây tổn thương đến làn da.

Nguyên nhân gây rôm sảy chủ yếu do tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, không có đường thoát ra ngoài. Hiện tượng này thường gặp khi thời tiết nắng nóng nhưng đôi khi là do chế độ chăm sóc của cha mẹ không đúng cách như vệ sinh không sạch sẽ, mặc quần áo quá chật…

Rôm sảy là những nốt mụn nước mẩn đỏ dưới da, xuất hiện ở cổ, ngực, lưng, gây ngứa ngáy khó chịu cho trẻ

Biểu hiện của bệnh theo từng loại:

  • Rôm dạng tinh thể: Không viêm, các mụn nước rất nông ở lớp sừng, thường xảy ra do sốt cao và khi khỏi bệnh để lại mảng da bong mỏng, không để lại sẹo.
  • Rôm đỏ: Xuất hiện ở thân mình, lưng, vùng quần áo cọ xát vào da. Thương tổn là các sẩn đỏ, mật độ dày, chiếm hết cả diện tích lưng, ngực. Rôm đỏ gây khó chịu cho trẻ với cảm giác bứt rứt, ngứa ngáy. Đây cũng là thể hay gây biến chứng bội nhiễm hơn cả.
  • Rôm sâu: Xảy ra khi rôm đỏ bị đi bị lại nhiều lần. Thương tổn là các sẩn 1-3mm, màu nhạt, cứng thường ở trên người, không có ngứa hay cảm giác, khó chịu. Thẻ này có nguy cơ gây tổn hại vĩnh viễn tuyến mồ hôi.

Các vết bớt

  • Vết bớt sắc tố sẫm màu như đen, tím, xanh, nâu có kích thước vài cm hoặc lan rộng hết cả đùi, mông. Các vết bớt này hình thành do sự ứ đọng và tăng bất thường sắc tố melanin dưới da, có thể kèm theo tăng lông. Khi ấn tay vào các vết bớt không mất đi vì sắc tố có tính chất bẩm sinh ở trung bì và thượng bì vùng tổn thương. Những vết bớt này sẽ dần biến mất đi không cần can thiệp khi trẻ lớn lên.
  • Bớt ở mông cổ: Thường xuất hiện ở vùng hông, mông hay dưới lưng bé. Loại bớt này hoàn toàn vô hại và khi trẻ được 4 tuổi chúng sẽ mờ dần đi.
  • Các vết bớt tạo thành từ các mạch máu: Có màu đỏ tươi hoặc hồng nhạt. Nguyên nhân hình thành loại bớt loại này là do mao mạch nhỏ dưới da giãn nở quá mức làm máu dồn đọng nhiều tới vùng da đó. Loại bớt này không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ và không gây biến chứng.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Trớ Nhiều ở Trẻ Sơ Sinh